Chúng tôi đã từ cửa hiệu bước ra, đi.
Anh Xuân đưa khuỷu tay khẽ hích tôi một cái:
- Kìa trông kìa!... Có khác gì một con cò bợ không?
Tôi nhìn thẳng ra trước mặt... Thì ra anh Xuân nói anh Vũ. Phải, một anh Vũ vận Âu phục bảnh bao lắm: cái mũ dạ hội chịt xuống lông mày, cổ áo khoác ngoài kéo lên kín gáy, như một con cò bợ, giữa đám đông người, anh vẫn có vẻ mơ màng, cứ lừ đừ, đếm từng bước một mà đi. Ngắm anh ta, tôi không thể nhịn được cười.
Anh Xuân:
- Cái mặt lầm lầm như... chó ăn vụng bột kia là mặt anh b... sa hố hay đã bử, bác đoán xem nào.
Tôi đoán phỏng ngay:
- Dễ thường... sa hố!
Cuộc đánh đố chưa ngả đứt về mặt nào, anh Vũ đã nom thấy chúng tôi. Anh ta cuống người lên y như bắt được của:
- Ô hay nhỉ ! Té ra lại anh em mình ! (Anh ta hỏi riêng Xuân): Thế nào? Chợ Chu có gì bổ ích không? (rồi quay hỏi tôi) - Gớm, sao lâu bác không đến chơi thế?
Nhân lúc cao hứng, tôi nghiêm sắc mặt, nói đùa:
- Vừa tối hôm qua đến tìm bác nhưng không gặp ! Khỉ quá, vừa lỡ mất một canh tài bàn ! Có hai con mòng sộp ghê !...
May chưa! Tôi bịa thế mà ra tối hôm trước, anh Vũ vắng nhà thật! Anh ta giương tròn đôi con mắt, vừa lấy làm lạ và lấy làm tiếc nuối:
- Thế? Phải, hôm qua tôi có việc phải đi thật. Chết chết!... Bác mà cũng có đất, mà lại gọi tôi đi chinh phục đấy à? Hoài của! Thế thì số tôi là số một... nàng... cung nga... !
Xuân không hiểu, hỏi:
- Thế nào mà lại có số cung nga?
Anh Vũ cười:
- Đích số cung nga rồi. Vì rằng... một năm mới được một ngày vua mời thì gặp ngày... có kinh nguyệt!
Anh Xuân cả cười và:
- Thôi đi ! Làm hề mãi ! Chợ Chu đối với tôi không có gì là lạ cả, nhưng về phần anh thì độ này có gì mới không?
- Úi chà ! Có ! Có cái mới nhất thế giới !... Nhưng không ! Tôi chưa nói vội. Anh hãy cho nghe việc Chợ Chu đã.
"Tham Ngọc" thở dài:
- Chán lắm. Chúng tôi chỉ nai lưng ra làm cho ông con giờ bố Lương ăn thôi. Dân thợ mỏ Chợ Chu bây giờ họ không thích mở bát nữa. Họ đã nghiện thịt vịt cả rồi.
Anh Vũ ngơ ngác:
- Anh nói cái gì?...
- Trên ấy bây giờ có một thằng chiệc, trước bán phá xa, nay không biết có phải được mả ông tổ tam, ngũ đại hay không, hốt nhiên đổi nghề và phất lắm. Nó làm cái món đánh số lấy vịt quay!
- Thế à?... Gớm, dân con trời nguy hiểm nhỉ.
- Nguy hiểm lắm ! Mà phát tài ghê ! Anh tính, chỉ quăng ra hai xu có thể được hi vọng chén thịt vịt, ai không muốn? Nhưng đồng bào mình ngày nay róc mấu lắm!
- Dân mỏ ấy à?
- Phải. Trước kia, khi mới có cái "kỉ nguyên đánh số thịt vịt" dân liên minh mỏ rất ham đánh và ít người mất số tiền thua gần bằng số tiền vịt. Vì bàn có những 18 số kia. Bây giờ thì khác hẳn. Các "ông tướng" ấy không chơi lối đánh lẻ tẻ từng người một như trước nữa; các ông mỗi người bỏ ra bốn xu chung nhau, hợp nhau lại vây kín cả cái bàn. Rồi một ông đặt vào một số. Ông nào thua "hội" xí xoá, nhưng ông nào được, phải cùng chia! Ta cứ tưởng tượng ra một cánh: năm bảy ông thợ mỏ từ bàn số quay ra về, cầm vài ba con vịt, bộ mặt ông nào cũng hí hửng theo cái lối "mục hạ vô nhân", đến nhà thì gọi vợ lấy dao thớt một cách oai hùng như một vị tướng truyền lệnh cho ba quân vậy... rồi rượu, rồi chuyện, rồi vén quần đến háng, rồi vỗ đùi đôm đốp !... Ai bảo trình độ dân lao động mình không tiến bộ ?...
- Họ họp nhau lại thế, chú chiệc tất mất nhờ.
- Không mất nhờ hẳn, nhưng còn gì là bử lắm nữa... Thế còn việc anh?
- Việc tôi?.. Không nói thì bực mình mà nói ra thì làng b... đến tiêu danh dự.
- ?
- Chuyện tôi định cho hai thằng cha kia vào xiếc, té ra lại chính tôi hoá mòng! Một canh tài bàn tay tư!
° ° °
Giời rét thế này mà máu trong người tôi có lẽ lên tới 40 độ. Sở dĩ máu nóng lên một cách kì lạ thế là bởi tối hôm ấy, tôi có cả cái gan góc, cái đau đớn lẫn cái tài tình. Theo mọi nền nếp của pho tượng Bịp Kinh, mình cần ngồi một chỗ nào không cho ai chầu rìa nổi. Tôi đã theo đúng thế: hai thằng cha kia vừa thắp đèn măng sông lên sáng quắc là mình nhảy tót ngay lên giường ngồi dựa vào tường một cách bệ vệ ngay! Chết vì thế.
Hai thằng cha kia, một đứa ngồi ghế, một đứa ngồi giường. Vì trông cái mặt chúng cũng có vẻ cậu... Cả ngậm thế nào... mình vội yên trí đó là bọn quỷnh ngay. Lối đánh ống của tôi lần ấy trổ bằng hai tay áo sơ mi, thôi, còn phải nói! Nhưng ba ván đầu, tôi vẫn để mặc họ tha hồ ù trước tôi. Mà họ lên bài cũng nhanh thật! Mới gọi vài ba tiếng đã thấy họ hạ ù, mình cho họ tuy là bọn chơi thạo nhưng chắc cũng chưa đủ biết cách đề phòng nạn b... Đến ván thứ tư tôi hụt bốn quân, xoay đi xoay lại, chỉ còn việc đánh đi một cây là chờ... Một thằng kia lại ù trước mình lần nữa. Rồi ván thứ năm cũng thế rồi ván thứ sáu cũng thế, rồi ván thứ bảy cũng thế, rồi ván... rồi ván... ối chao ôi! Tôi sức đâu nói nữa!... Tôi lại phải sốt lên rồi đây!
Thật là một việc quá sức mình tưởng tượng !... Hay là chúng nó quỷ thuật? Nào tôi có biết!... Tôi để ý mãi, hòng bắt chúng nhưng chính mình cũng chẳng lấy gì làm "vững dạ" thì còn hòng chộp ai? Nhục chưa? Bịp đã lũa đến như mình, đánh tài bàn hụt đến bốn cây mà đến nỗi sa hố! Không thằng ngồi bên tay phải thì lại thằng ngồi bên tay trái, không thằng ngồi bên tay trái thì lại thằng ngồi bên tay phải, chỉ hai chúng nó chuyên nhau phỗng tay trên, ù tay trên mình!... Cái sự bí mật lạ lùng này, tôi biết hỏi chúa Jésus, hỏi Phật Thích Ca hay hỏi Ma Quỷ?...
Đứng lên, tôi thua 18 đồng. Cái mặt một thằng mất trí khôn là mặt tôi lúc ấy vậy
Không nói, các anh đủ biết là tôi đã tức đến cực điểm. Cái tâm lí bọn cờ bạc, nói ra thì lẩn thẩn, nhưng chính nó lẩn thẩn thế đấy. Có khi mình ngồi vào chơi cao thấp mà thua cũng còn có thể hộc máu ra được, huống hồ đã cho người ta là mòng mà đến nỗi chính mình lại bị đạn, đủ hiểu uất đến đâu
Đã tức vì thua, tôi lại còn thêm vì chúng nó đãi tôi lịch sự một cách quá đáng nữa. Có đời thuở nào lại có chuyện rằng mình là bạn cờ bạc với nó, khi mình từ giường tụt xuống đất thì đã có một thằng cúi xuống tự bao giờ ấy hai tay đưa giày cho chân mình đặt lên cẩn thận bằng cái dáng điệu ả đào nuông chiều quan viên không? Rồi chúng xúm xít lại mời tôi uống nước, đánh diêm cho tôi hút thuốc lào. Lúc cáo thoái ra về, tôi lại được chúng tiễn ra tận cửa.
Tôi quay đầu lại bắt tay từ biệt chúng, tình cờ thấy thoáng qua mắt, nhanh như một cái chớp, hình như có một đứa bé mặc quần áo trắng từ gầm giường bò ra, rồi, như một con cuốc vừa nhoáng một cái, đã lủi mất vào nhà trong. Tiếc rằng lúc ấy mình đã "ăn ớt '; nhiều mắt bốc hoả dữ, không được rõ lắm, phải ngậm miệng cóc ra về.
Một thằng tiễn tôi đến tận hè rồi ân cần:
- Thôi kính ông về, tối mai có rỗi xin mời ông xuống chơi, lạy ông ạ.
Mình cung chắp tay cung kính: "Không dám, lạy ông ạ". Nhưng trong óc có câu này: "Thôi đi tiên nhân các anh".
Các ông cờ bạc bịp bên Tàu, bên Nhật, bên Anh, bên Pháp, những ông bạn "đồng nghiệp" Đông phương với Tây phương của tôi đâu? Các ông xin nhớ rằng nếu có sự "Đông Tây gặp nhau", có sự hỗn hợp của hai cái "văn minh" Đông Tây thì sự ấy cũng đến thua kém cái tinh tuý của cờ bạc Việt Nam chúng tôi, cái đất có một canh tài bàn tay tư không tiền tuyệt hậu, ba tay ngồi trên ghế ngựa tử tế, còn một tay nữa, đánh ở dưới gầm.
° ° °
Sau một hồi cười rũ rượi của tôi với anh Xuân, nó khiến anh Vũ cũng phải cười nốt, tôi hỏi anh Vũ đến sự anh định rửa thù.
Anh ta nói rằng không khó gì, rồi anh sẽ quay lại cái "hang hùm nọc rắn" ấy một lần nữa. Anh sẽ không ngồi dựa lưng vào tường như trước nữa, sẽ dồn hai thằng cha ấy vào ngồi vào chỗ anh ngồi trước... rồi mà xem!
Câu chuyện Bịp già gặp bịp non này dắt tác giả phải thuyết đến vấn đề sự làm quen nhau trong làng cờ bạc.
Đây lời Vũ triết lí:
- Tôi đã nghiệm ra rằng nhờ ông Thần Đen Đỏ. Ôi, đám bạc ! Đám bạc! Còn cảnh tượng nào đáng cho người ta chúc tụng hơn đám bạc! Trong cái đám người "tứ xứ" ấy, ta thường thấy có cả ông tai to mặt nhớn "bỏ quên" ở nhà cái giọng phong lưu, phệnh phạo, quát thét, để húc nhau với bọn vẫn mang tiếng hạ lưu một cách loã lồ; ta thường thấy những cô, những bà đài các ra phết, ngồi kề đùi, len vế lẫn lộn với bọn người mà..., nếu ở ngoài đám bạc, dễ thường các bà chỉ liệt vào hàng đầy tớ hoặc cu li. Những nhà xã hội học đâu? Những ông tha thiết thường đời đâu? Sao không cầu đến Thần Đỏ Đen? Tôi có cái tư tưởng ít ai nghĩ tới là bỏ luật cấm sự cờ bạc, cái sự giải trí của loài người rất có thú say sưa ấy, tôi muốn khuyến khích nó, cổ động cho nó mạnh lan rộng, than ôi! Tiếc thay!
Sốt ruột vì cái luận điệu rồ của Vũ, Xuân gạt lời:
- Thôi, xin ông, van ông ! Sao mà ông... phẫn thế?
Bây giờ anh Vũ mới nói giọng thường:
- Chứ không ư? Vì lẽ gì, bác có muốn biết? Trước hết, bác hãy nên biết cái lẽ mẹ ấy đã; hai thằng cha kia mời được tôi đến tận nhà đánh bạc là bởi lão Đại Thiềng giới thiệu cho chúng tôi biết là hai ông phán nhà băng trong khi đồng thời, lão rước tôi lên nhà ông phán Thống sứ 1 ! Tôi tưởng... chắc hai thằng cha kia cũng tưởng... thế là ba thằng quen nhau, ấy cái bọn cờ bạc dông dài chúng ta kết bạn nhau một cách dễ thế đó!... Nhưng hôm nay tôi đã tỉnh ngộ. Hai thằng cha kia mà tôi vẫn tưởng là bử, té ra chỉ là hai ông thợ giày... mà lại thợ giày bịp non!
Đang vui câu chuyện, hốt nhiên anh Xuân bắt tay tôi rồi ra nhảy lên một chiếc xe, bảo xe kéo một mạch.
Tôi còn ngơ ngác... ông ấm đã tiến đến trước mặt tôi rồi. Ông ta nói:
- Đó biết mà! Nó lẩn mặt tôi.
Chúng tôi vẫn mang cái bộ đãng tử đi nghênh ngang giữa phố từ nãy đến giờ.
Ông ấm tiếp:
- Tôi sở dĩ trọng Xuân là vì hắn có mẽ người, trông không lộ tẩy. Phái hắn đi đến những chỗ sang trọng phong lưu, tôi rất vững dạ, còn những anh khác tôi vẫn sợ vì nó có vẻ... bịp thế nào... ! Ôi ! Cái vẻ mặt bịp của một con bạc bịp sao mà nó khó tả! Nếu dịch địa vào những người khác thì đủ mặt nhân vật của cái làng b... này, không một anh nào là tôi không nghi. Lắm khi tôi nghi cả tôi nữa. Đại khái lúc ngồi vào một đám bạc, mỗi cử chỉ của mình đều giữ gìn cẩn thận đấy nhưng mình vẫn cứ vơ vẩn nghĩ đến câu không biết hình như có anh nào nó khẽ nói: "Thôi đi, bịp ! Bịp ! ông đã thừa biết, mày đừng có vờ đóng kịch vai ông hậu, ông quan!"
Nói xong, ông ấm cả cười. Rồi ông thêm:
- Thế mà thiên hạ họ không nghi ngờ gì ! Đủ biết họ cũng mù thật !
Đến lúc ông đã vui, tôi mới lựa lời hỏi ông về một câu nói khiến tôi băn khoăn mãi:
- Thế cụ có giận Xuân không?
- Cũng giận mà không giận. Không giận vì người ta có quyền tìm một con đường tự lập. Mà giận là vì những cử chỉ của Xuân có tính chất đê hèn. Chúng tôi ấy à? Đã làm nghề này thì ít ra chúng tôi phải có nghĩa khí trong sự ăn ở với nhau cũng như bọn Lương Sơn Bạc! Dù là bịp là cũng phải có một phương diện cho thiên hạ phải phục. Còn như Xuân... thì thôi! !
Đến đây, ông ấm thất vọng, giơ tay lên giời, ông lại nói:
- Hiện nay, hắn đang chung lưng với một người nữa làm cái sòng ở Chợ Chu. Thôi, dù hắn có những chứng ăn mảnh với bồng tiền, tôi cũng sẵn lòng tha thứ cho, tôi cũng chỉ mong cho hắn khá!
- Bồng tiền, thế là cái gì ạ?
- Bồng tiền là được nhiều nhưng về khai man. Thí dụ tôi phái hắn đi bắt mòng, hắn lại được độ năm chục. Hắn kêu là được có ba chục rồi lại cưa nứa, thành thử tôi được chia có mười lăm đồng. Nhưng tôi có đâu tẹp nhẹp mà phải nói này nọ. Tôi biết vậy mà thôi. Cái tính ăn gian, ăn cắp là cái tính loài người, tôi làm gì được! Như lần hắn sang Bắc về, chắc ông thừa biết. Hắn kêu chỉ lấy có hai chục mà để cả bốn chục cho xừ Vân. Thật vậy hay không, nào tôi có biết!
Tôi vội phải làm trạng sư ngay cho người vắng mặt:
- Có thế thật chứ không phải hắn hụt tiền đâu. Tôi xin cam đoan với cụ...
Ông ấm ra vẻ nghĩ ngợi, gật gù...
Nhưng ông lại kể lể:
- Nhưng việc đó chưa đủ đảm bảo cho cái lương thiện của Xuân. Vì rằng đã có lần hắn bồng không thoát.
Tối ấy, đi đánh xì về hắn lại đằng tôi ngủ và kêu là được năm chục đúng. Tôi đem lòng ngờ, chờ cho hắn ngủ say rồi mới dậy khám. Tôi sờ khăn sờ áo lục cả giày. Không thấy có gì, tôi tháo bít tất hắn ra. Tôi thấy bốn giấy con công nằm trong hai bít tất! Tôi giữ lấy tiền, lại đi tất vào y nguyên cho hắn, không nói năng gì. Hôm sau đấy, sau khi cưa nứa đâu đấy rồi, hắn sờ xuống tất, có vẻ ngạc nhiên. Ngạc nhiên mà không dám nói ra mới ức ! Tôi cứ mặc cho hắn đem cái ngạc nhiên ấy về nhà.
Anh Vũ thêm câu này:
- Xuân còn là người nguy hiểm, có thể giở mặt cả với bạn hữu.
--------------------------------
1 | Ông phán là thư ký làm việc tại phủ Thống sứ, là cơ quan hành chinh của Pháp cai trị cả Bắc Kỳ. |