Ma-đi sửng sốt, thì thầm với Ti-đu:
- Sác-chi-ê! Ai mà ngờ được. Hoá ra hắn có cúm kiếc gì đâu. Ôi! Chiều qua hắn diễn kịch giỏi thế!... Mà hắn đã đóng kịch ngay ngày đầu tiên với bà chủ quán ăn về trạng thái suy nhược thần kinh!... Giỏi đấy chứ!
Toàn thân bị tê dại, hắn lảo đảo trên đôi chân run run, chuệnh choạng, đôi mắt cúp xuống.
- Không cần phải hỏi anh đang làm gì trong cái hòm này! - Viên thượng sĩ nói - Đúng anh là thủ phạm rồi, chẳng phải chối cãi gì nữa. Trong khi tôi đang khám xét ở phòng kia thì anh chuồn chứ gì, và anh đã thấy cảnh sát ở bên dưới... Giấy tờ của anh đâu, đưa đây?
Sác-chi-ê rút trong ví ra giấy căn cước, một cái thẻ mà tính xác thực cần phải được thẩm tra lại.
- Anh ở Buốc-giơ?
Sác-chi-ê thừa nhận bằng cái gật đầu.
- Trong khi đó thì chiếc xe con của anh lại đăng ký tại Lo-giê-rơ... một chiếc ô tô lấy cắp à?
Không có câu trả lời.
Một sự im lặng đầy chờ đợi căng ra dưới những chiếc xà nhà của phòng áp mái... Sự im lặng bất thần phá vỡ bởi tiếng sủa vui vẻ của con Ka-phi khi nghe có tiếng động ở bên dưới.
- Các bạn của tôi đấy! - Ma-đi nói.
Nha-phơ-rông cùng con Ka-phi đi xuống cầu thang đón họ. Bít-xtếck và Tông-đuy khệ nệ khiêng chiếc hộp bích quy lên. Tông-đuy vã mồ hôi. Cậu nhét chiếc mũ nồi vào túi quần. Những giọt mồ hôi lấm tấm trên chiếc sọ dừa trụi tóc... Lần này thì không phải là những giọt nước mưa...
- Đặt xuống! - Bít-xtếck mệt nhọc nói.
Chiếc hộp chạm mạnh xuống sàn cùng với tiếng động nặng nề trầm đục làm rung chuyển cả phòng áp mái.
- Thưa ông... Thưa ông chỉ huy… - Gămbađu nói lắp bắp - Để tôi mở. Nó là của tôi. Đây là gia tài thừa kế của tôi mà chú tôi để lại.
Gămbađu luống cuống, co những ngón tay lại trên chiếc nắp đóng chặt như lúc đầu. Cuối cùng thì anh đã bật nó ra được.
- Vàng! - Anh nói to - Ông xem, đây là vàng!
Viên thượng sĩ cầm một thỏi nhấc lên nhấc xuống để ước lượng nặng nhẹ, đưa gần mắt tìm xem cái dấu bảo đảm.
- Đúng! Vàng thật! Cả một gia tài!
- Gia tài của tôi! - Gămbađu khẳng định... Nó là của tôi, đúng vậy chứ?
Viên thượng sĩ không trả lời, ông nhẹ nhàng đẩy Gămbađu ra để nói với Sác-chi-ê:
- Không phải ngẫu nhiên mà anh thấy hộp vàng này chôn trong một đám ruộng? Anh đến Mô-bơ-rắc chính là nhằm chiếm đoạt số tài sản này.
Sác chi-ê nhíu đôi lông mày để tìm một lý do chối cãi.
- Tôi không rõ tại sao ông lại buộc cho tôi - hắn nói bằng giọng không có gì là của một người đang mắc bệnh cúm - Tôi trốn lên đây là vì một lý do khác... Tôi đã nhận ra điều đó; tôi không có thẻ màu xám sử dụng xe. Xe này là của tôi mượn.
- Ồ không! - Ti-đu nói xen vào - Có thể là ông đã ăn cắp chiếc xe này. Nhưng không phải chỉ có thế. Tại sao ngày nào ông cũng lượn đi lượn lại ở bờ hồ cạn nước?.. Ông đã đánh vào đầu người bạn của chúng tôi... và khi chạy trốn ông đã để mất một chiếc ủng dưới bùn... Chiếc ủng này đã phản lại ông... và chiếc ủng còn lại kia, trên nóc tủ của phòng ông ở... Chính ông, đêm qua đã trói Gămbađu trong khu đổ nát của làng cũ chìm dưới lòng hồ... cũng như ông đã quật ngã và trói anh ấy cách đây mấy hôm trong lán của anh ấy để chiếm đoạt bài thơ Ca ngợi mặt trăng.
- Ca ngợi mặt trăng. - Viên thượng sĩ nhắc lại - Cái đó có ý nghĩa như thế nào?
- Thưa ông thượng sĩ, ông cho khám người anh ta - Ma-di nói - Bài thơ có thể đang ở trong người anh ta đấy.
Sác-chi-ê phản kháng. Hắn không muốn người ta đụng vào người hắn. Hắn giãy giụa khi hai người cảnh sát đến gần hắn. (Hai người cảnh sát không còn việc gì ở dưới kia nữa đã lên cả trên phòng áp mái). Viên thượng sĩ ra lệnh:
- Toa-nắc! Khám trong người!
Người lính cảnh sát lấy trong túi của hắn ra những vật nhỏ: dao con, bật lửa, chùm chìa khoá, v.v.. và ở túi trong của chiếc áo khoác, ông lấy ra một mảnh giấy gấp tư màu vàng nhạt.
- Đúng, Bài ca mặt trăng đó rồi! - Gămbađu kêu lên - Hắn đã đến ăn cắp ở lán của tôi đấy.
Viên thượng sĩ giở tờ giấy ra, đọc một lượt rồi gật đầu:
- Giữa bài văn vô tiền khoáng hậu này và vụ ăn trộm vàng có liên quan với nhau chứ?
- Chắc chắn là có liên quan - Ma-đi nói - Chính đó là một bản mật mã.
- Cô tin như vậy à?
- Chúng tôi đã biết cái đó... một bản mật mã bằng tiếng Đức.
- Thế nhưng, theo tôi thì nó được viết bằng tiếng Pháp đấy chú!
- Những chữ cái đầu tiên của mỗi câu thơ chuyển dịch lên lại hai nấc theo thứ tự abc..., ghép lại thành một lá thư di chúc bằng tiếng Đức, có nghĩa là Về phía đông năm mét, cách cái Prons. Thật không may, ngay cả sự giúp đỡ của một giáo sư dạy tiếng Đức ở Xanh-phơlua cũng không tìm ra nghĩa của chữ Prons là gì, vì đó là từ thổ âm của địa phương nào đấy ở bên Đức.
Viên thượng sĩ nhấc chiếc mũ kê-pi lên để gãi đầu. Bài thơ Ca ngợi mặt trăng theo ông thật lạ lùng.
- Thế nhưng sự việc đúng như vậy - Ti-đu nói - Tên này đã đào một cái lỗ đúng theo lá thư chỉ dẫn mà không phải mò mẫm chút nào. Hắn đã biết được từ cuối cùng Prons trong lá thư là cái giếng.
Lần này Sác-chi-ê cảm thấy tuyệt vọng. Chiếc ủng, lá thư, sự trốn chạy một cách ngớ ngẩn, tất cả đã buộc tội hắn. Hắn nhìn con Ka-phi bằng con mắt thù ghét, rồi thốt lên tiếng thở dài.
- Hắn sẽ khai! - Ma-đi thì thầm với Ti-đu - Chúng ta sẽ biết sự thật về bài thơ đó.
- Suỵt! - Ti-đu nhắc - Im nghe!
Quả vậy, Sác-chi-ê "ngồi vào bàn" như người ta nói trong tiếng lóng của cảnh sát. Bằng một giọng đơn điệu, đều đều, hắn nhìn vào mũi bàn chân và bắt đầu.
- Chính tôi đã sáng tác bài Ca ngợi mặt trăng từ lâu lắm.
- Anh?
- Ở bên Đức, hồi còn chiến tranh, ông chú của Gămbađu cũng bị tù như tôi. Chúng tôi đã làm việc với nhau trong một trại khổ sai. Hỏi đó ông ấy đã lớn tuổi, còn tôi thì rất trẻ. Chú Gămbađu đã tâm sự với tôi vì thấy tôi tháo vát. Tôi biết ông ấy giàu. Trước khi ra trận, ông đã giấu một phần tài sản trong một thửa ruộng. Một hôm ông yêu cầu tôi làm một bài thơ để sau này cháu của ông dựa vào đấy mà tìm ra tài sản đã giấu... Tôi đã viết bài Ca ngợi mặt trăng đó, bất kể như thế nào về câu cú không cần có trình độ nghệ thuật miễn sao những chữ cái đầu tiên của mỗi câu thơ khi xê dịch lên hai nấc trong thứ tự an-pha-bê ghép liền lại sẽ thành một câu có ý nghĩa và câu đó là lời dặn dò đối với cháu của ông là Gămbađu.
- Sao câu đó lại bằng tiếng Đức?
- Trong trại chúng tôi học tiếng Đức. Chú của Gămbađu có nói với tôi là khi ra tù ông sẽ dạy tiếng Đức cho cháu ông.
- Một ý nghĩ thật kỳ cục.
- Ông ấy nghi ngờ tất cả, chỉ trừ có tôi.
- Rồi chuyện sẽ ra sao khi chiến tranh kết thúc?
- Chúng tôi trở về Pháp. Chú của Gămbađu về lại trang trại của ông, còn tôi thì ở Pa-ri. Tôi nghĩ ngay đến bài thơ Ca ngợi Mặt trăng. Ý định của tôi là lén đến làng Mô-bơ-rắc cũ. Khi đó chưa có đập nước... Nhưng tôi không có một đồng dính túi. Ba người bạn tù của tôi rủ tôi đi cướp ở nhà băng Năng-te-rơ; việc không thành, tôi bị bắt và bị phạt mười năm tù giam... Khi tôi ra tù thì làng Mô-bơ-rắc cũ đã nằm sâu dưới tám mươi mét nước. Tôi đã mất hút khối vàng của con người dễ mến đấy.
Sác-chi-ê ngừng lại một lát rồi kể tiếp:
- Thế rồi tình cờ có một hôm tôi biết được hồ Mô-bơ-rắc phải rút cạn nước để sửa chữa, gia cố ở đập. Tôi lại nghĩ đến khối vàng. Tôi biết rõ chú của Gămbađu đã chết bất đắc kỳ tử trong một tai nạn xe hơi. Ông ấy không kịp nói lại cho cháu mình nơi chôn của cải, cách cái giếng năm mét trong một thửa ruộng của ông.
- Cái giếng!- Ma-đi nhắc lại - Chúng tôi đã tìm mãi cái nghĩa của từ Prons. Không ai có thể giải nghĩa cho chúng tôi được. Phải chăng từ đó là tiếng Đức?
- Bên đó tiếng địa phương của một phần đất Pô-mê-ta-ri thì từ đó có nghĩa là cái giếng... Chính ra thì nó là Bronn hay Brunnen, về sau tôi mới biết. Nhưng ở đó người ta đọc là Pron... Đó là theo chính tả mà tôi viết, bởi vì tôi chỉ biết nói tiếng Đức thôi chứ không thông thạo chữ viết... Tôi đã lần đến Mô-bơ-rắc và trọ ở Tiệm ăn bờ hồ... Sau đó như thế nào thì ông đã biết cả rồi.
- Chưa hết đâu - Ti-đu ngắt lời - Tại sao ông lại tấn công Gămbađu và đập phá trong lán của anh ấy để lấy bài thơ Ca ngợi mặt trăng, ông đã biết bí mật rồi cơ mà?
- Tôi không biết là Gămbađu có hiểu được không. Vì hồ đang tháo cạn nước, tôi nghĩ rằng anh ấy hơn bao giờ hết, thế nào cũng tìm cách dịch mã bài thơ hoặc nhờ người dịch.
- Thế những lời dọa dẫm mà ông nhét dưới cửa của nhà trọ Ca-bơ-rét?.. Và những chiếc lốp xe máy của chúng tôi bị chọc thủng thì sao? - Tông-đuy hỏi.
- Tôi không muốn các cậu gặp lại Gămbađu. Anh ấy có thể đọc cho các cậu nghe bài thơ mà ngày xưa anh ấy đã học thuộc lòng rồi nhờ các anh tìm ra mật mã của lá thư di chúc.
Sác-chi-ê, bằng giọng nhỏ hơn, nói thêm:
- Tôi đã nói hết tất cả... à, tôi quên một điều: Không phải tôi là người đã cướp bóc trang trại của chú anh ấy trước khi bắt đầu xả nước vào hồ lần đầu tiên sau khi xây dựng xong đập nước. Khi đó tôi còn đang "ở trong bóng tối". Ông có thể xác minh lại điều đó, thưa ông thượng sĩ.
Thế là hết, Sác-chi-ê đã nói toạc móng heo ra cả.
Hắn nhìn con chó và nắm chắc hai tay lại như muốn nói: "Con chó chết tiệt!... Chính mày đã làm tao bị bắt".
Con Ka-phi tưởng mình bị đe dạo, nhe nanh ra, chỉ chờ lệnh của chủ là nhảy xổ vào tên bất lương.
- Đừng, Ka-phi! - Ti-đu ngăn lại - Bây giờ không còn là việc của chúng ta nữa.
- Đúng thế! - Viên thượng sĩ nói - Công lý sẽ có trách nhiệm đối với anh ta.
Rồi ông cúi xuống vuốt ve con Ka-phi:
- Con chó này thật tuyệt... Và điều mà tôi đã nhận xét về nó là không đúng. Tôi chưa bao giờ thấy một con chó tài đánh hơi như nó... Liệu có bán không?
- Ồ không! - Cả sáu người "Bạn đồng hành" nói lên cùng một lúc - Nhất định không!
Viên thượng sĩ mỉm cười về sự nhất trí đó của nhóm học sinh trung học, rồi quay về những người lính cảnh sát:
- Hãy xích tay ông "thi sĩ rất tài hoa" này và đưa ra xe!... Mang cả cái hộp bích quy đi!
"Lách cách" - Chiếc còng số tám đã sập lại trên cổ tay của Sác-chi-ê ... Con người suy nhược thần kinh và rất đau đớn vè bệnh trạng của hắn là vậy.
- Phải nói rằng trong năm đối tượng khả nghi, hắn là con người mà chúng ta ít ngờ nhất! - Ma-đi thở dài.
Khi con người xảo trá kia đã bị cảnh sát kèm ra xe thì viên thượng sĩ, sáu thiếu niên học sinh, Gămbađu và bà chủ quán xuống phòng ăn thì ở đó hai nhà địa chất đang chờ bữa điểm tâm. Bà chủ quán nói:
- Sau sự náo động, giờ đây xong cả rồi, tôi xin mời các vị vui lòng dùng tách cà phê nóng cho tỉnh táo.
Viên thượng sĩ không từ chối, những thiếu niên học sinh cũng vậy. Chỉ có Gămbađu là đứng riêng ra, lo lắng. Cuối cùng anh đến gần quầy và nói:
- Thưa... Thưa ông thượng sĩ, số vàng này đúng là của tôi, có phải không ạ? Tại sao lại mang nó đi?
- Phải xác minh để xem nó có thuộc về anh không cái đã.
- Chú tôi đã có làm tờ di chúc chứ sao?
- Đúng thế cái hộp này sẽ tạm gửi về kho ở Xanh-phơlua nơi ông công chứng mà chú anh đã làm tờ di chúc để ông tìm lại tờ di chúc cho anh. Trong một vài hôm hoặc một vài tuần, anh sẽ nhận lại của cải của mình.
Gămbađu nở một nụ cười. Trong lúc này anh không còn biết phải làm gì hơn là ôm lấy cổ con Ka-phi mà hôn lên mõm của nó. Rồi bằng sự chân thành biết ơn, anh cũng ôm hôn những thiếu niên học sinh của thành phố Li-ông, bà chủ quán và ngay cả ông thượng sĩ cảnh sát.
Ma-đi cười vui vẻ với các bạn của mình. Cũng giống như Gămbađu sau khi đã cân nhắc, cậu Tông-đuy đưa tay lên đầu để lột chiếc mũ nồi ra mà tung hê lên không, như trong những dịp tưng bừng nhất... nhưng chiếc mũ nồi lại đang còn ướt, vẫn nằm trong túi quần của cậu.
Cứ mặc, cậu rút ra và tung nó lên trong phòng mà hô to:
- Tuyệt vời! Tuyệt vời!