- Cảnh sát đây! Mở cửa mau!
Một khắc trôi qua. Rồi người địa chất xuất hiện trong bộ quần áo py-gia-ma, cằm phủ đầy bọt xà phòng. Ông đang cạo râu.
- Cảnh sát à? Chuyện gì thế?
- Khám xét!
Nghe cái đó, người địa chất phản ứng.
- Tôi đã làm cái gì? Có liên can đến tôi... hay người khách trọ trước tôi đã quên cái gì ở đây?
- Giấy tờ của ông đâu? Cho xem?
Nhà địa chất giận dữ lục trong túi áo vét khoác trên lưng ghế, giở ví ra và đưa cho viên thượng sĩ giấy căn cước của mình. Ông này đọc to: "Ăng-toan Đét-xo, sinh ngày 18 tháng 9 năm 1900 ở Pi-ti-vi-e, Loa-rê.”
- Nghề nghiệp của ông là gì?
- Địa chất... nhưng một lần nữa xin hỏi: ông muốn gì ở tôi? Nếu có gì làm ông quan tâm, ông có thể lục soát khắp cả phòng.
Viên thượng sĩ không trả lời. Ông mở tủ, hốc tường, tủ con...
- Đôi ủng này của ông?
- Nó có gì đặc biệt?... Như ông thấy đấy, nó cũ quá rồi mà.
- Có người nào đó đánh mất chiếc ủng trong lầy dưới đáy hồ. Có phải của ông không?
Viên thượng sĩ không chờ trả lời, ông cầm chiếc ủng từ tay Ti-đu để so sánh.
- Ủng đó làm sao tôi đút chân lọt? Tôi đi số 43 cơ mà.
- Xin phép ông - Ti-đu nói - Tôi cho con Ka-phi của tôi ngửi.
Ka-phi đến gần ngửi vào bên trong, để nguyên cái mõm của nó một lát trong ủng. Sau đó nó đi quanh phòng ngửi cả hai chiếc ủng, gấu quần của người địa chất và đôi chân trần của ông trong đôi dép lê, rồi nó trở lại với chủ nó, không vẫy đuôi, không biểu lộ gì.
Ti-đu tuyên bố:
- Chắc chắn là ông đây không đi vừa đôi ủng này, ông không phải là thủ phạm.
Viên thượng sĩ lắc đầu. Ông không tin vào những con chó săn tài tử. Quay lại phía bà Coóc-bu, ông hỏi:
- Bây giờ đến phòng nào?
- Phòng số 5.
Lần này ông không phải chờ lâu. Nhà địa chất thứ hai mở cửa và xuất hiện ngay, râu mới cạo và thay xong quần áo.
- Cảnh sát à?... Có chuyện gì thế? Tôi nghe tiếng ở phòng bên, ông vừa vào chỗ đồng nghiệp của tôi phải không?
- Khám xét... mà trước tiên, ông cho xem giấy tờ của ông?
- Đây,... cùng với lệnh điều động đi nghiên cứu lớp bùn lắng đọng dưới đáy hồ.
- Đồng ý... nhưng khi làm nhiệm vụ, ông có đi ủng không?
- Đó là những cái khi nào cũng cần đến.
- Thế đôi ủng của ông đâu rồi? Tôi không thấy ông để ở đây, trong hốc tường cũng như dưới gầm tủ.
Người đàn ông mỉm cười và nhấc dôi ủng từ dưới gầm giường lên. Cỡ của chúng xấp xỉ với cỡ của chiếc ủng mà Ka-phi đã tìm thấy dưới bùn nhưng con chó Ka-phi chẳng tỏ thái độ gì. Nó không nhận đúng mùi.
Những thiếu niên học sinh đứng lặng. Nha-phơ-rông bực bội thọc tay vào mớ tóc bù xù, đen nhánh của mình. Cậu đã đinh ninh hai người đàn ông thế nào cũng là thủ phạm... Thế mà con chó đã không cho như thế.
Viên thượng sĩ chau mày rồi nói với Ti-đu:
- Con chó của cậu mà cậu tin nó thính đã tìm nhầm dấu vết rồi. Phòng thứ ba đâu?
- Cuối hành lang, thưa ông thượng sĩ! - Bà chủ quán ăn đáp - Nhưng ông Sác-chi-ê vô tội, ông ấy đã chịu nhiều đau thương... Vả lại ông ấy hiện đang bị cúm. Thưa ông, ông sẽ thấy ông ấy đang nằm mê man trên giường
Người thượng sĩ cảnh sát gõ cửa phòng số 9. Không có tiếng đáp lại, ông lại gõ mạnh hơn.
- Mở ra! Cảnh sát đến!
Không một tiếng động nào ở phía sau cánh cửa. Bà chủ quán nói:
- Chắc là ông Sác-chi-ê còn ngủ, ông hãy chờ khi ông ấy thức dậy.
Hết sức khó chịu, viên thượng sĩ gạt người đàn bà ra bên khi bà này đứng vào giữa ông và cánh cửa, rồi lần này ông nắm tay lại mà đập mạnh vào cửa.
- Cảnh sát đến! Mở cửa nhanh!
Vẫn không có người trả lời. Ông xoay tay nắm, cánh cửa khoá chặt bên trong bằng chốt bấm. Tuy nhiên trước khi phá ván cửa viên thượng sĩ đề nghị bà chủ quán đưa cho ông chìa khoá vạn năng. Bà Coóc-bu xuống cầu thang và trở lại với chiếc chìa khoá dự phòng. Ông thượng sĩ đưa vào lỗ khoá. Thật lạ lùng! Cửa khóa trong mà phòng chẳng có người nào. Giường gối bừa bãi, cánh tủ mở toang.
Viên thượng sĩ đưa mắt nhìn khắp căn phòng rồi hỏi bà chủ quán:
- Sao bà bảo người khách trọ của bà ốm?
- Ông ấy ốm thật, tôi cam đoan là ông ấy ốm. Tôi không hiểu ra làm sao nữa.
Những người "Bạn đồng hành" cũng vậy, không thể giải thích nổi. Dù sao sự thể vẫn sờ sờ ra đó: Sác-chi-ê đã chạy trốn... nhưng trốn khi nào và bằng cách nào? Những người cảnh giới không ngừng quan sát quán ăn cả đàng trước lẫn đàng sau, rồi những cảnh sát lại tiếp tục canh gác?
Viên thượng sĩ đưa mắt dò hỏi các chàng thiếu niên của thành phố Li-ông. Rồi Ti-đu thả chó của mình ra trong phòng. Lần này con chó thông minh không cần phải chần chừ. Nó hít đồ gỗ nhất là cái giường và vẫy đuôi, rồi nó chống hai chân trước lên thành tủ như nó đã ngửi được cái gì. Nha-phơ-rông "oắt con" nhanh chóng đứng lên trên một cái ghế và kêu lên:
- Chiếc ủng kia đây rồi! Chính chủ của chiếc ủng này là thủ phạm.
- Hắn đi đâu rồi? Các anh đã canh gác quán trọ suốt cả đêm cơ mà? - Viên thượng sĩ nói - Dù sao thì hắn không thể "bốc hơi" nhanh như thế được!
Nha-phơ-rông đáp:
- Hắn chưa thể đi xa. Xe của hắn còn ở trong chỗ đỗ xe. Hắn chạy bộ, chúng ta còn hy vọng, con chó của chúng tôi có thể bắt nó lại.
Ti-đu bảo con chó của mình tiếp tục truy dấu vết, bắt đầu từ phòng ở trở đi. Ka-phi đi đi lại lại trên hành lang, Ma-đi thì ngờ thủ phạm đi về phía toa-lét mà cửa sổ mở đã che cho hắn như đêm qua. Không, Ka-phi chậm lại trong hành lang rồi nó dùng lại trước cánh cửa đối diện với phòng ngủ.
- Cửa này mở ra đâu? Viên thượng sĩ hỏi bà chủ quán.
- Mở lên cầu thang.
- Để leo lên đâu?
- Lên gian áp mái... ông có thể mở ra, không khóa đâu.
Ka-phi chỉ chực leo lên. Tức thì cánh cửa hé mở, nó đưa mõm gạt ra để lấy lối, leo lên cầu thang dốc đứng rồi bước ra dưới mái nhà.
Như đa số tầng áp mái, nó ngổn ngang những đống đồ cũ, nào bàn ghế vật dụng không dùng nữa, những quần áo bạc màu và rách rưới. Ka-phi luồn vào giữa những "cổ vật" đó rồi nhảy chồm chân lên một chiếc hòm cũ đan bằng cây miên liễu mà người ta thường gọi là cái "giành". Nó hít hít những khe hở, vừa ve vẩy đuôi vừa gầm gừ làm cho mọi người và chủ của nó không thể nào nhầm dược.
Bằng một cử chỉ dứt khoát, viên thượng sĩ nâng chiếc nắp lên. Ma-đi kêu lên kinh ngạc khi thấy một người đàn ông ngồi gập mình đầu gục xuống giữa hai đầu gối.
Viên thượng sĩ ra lệnh cụt lủn:
- Đi ra!