Một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến khách hàng mua nhiều sản phẩm, và cũng là nguyên nhân làm cho họ bất mãn với cuộc sống này nhiều như vậy, chính là quảng cáo. Quảng cáo tạo ra nhũng nhu cầu ảo – bỗng dưng chúng ta cần điện thoại iPhone, xe mới hay nhẫn kim cương, tất cả cũng chỉ bởi quảng cáo đã “luồn lách” đưa những nhu cầu đó vào bộ não của chúng ta.
Quảng cáo có tính ảnh hưởng cao – mọi người không thể nhận thức rõ, nhưng nó lại đánh vào tiềm thức chúng ta, khiến mọi người đều muốn mua thêm đồ. Ước ao có được sản phẩm nào đó tồn tại trong tâm trí và tạo ra quan niệm rằng, việc mua sắm luôn là chìa khóa cho mọi vấn đề trong cuộc sống. Nó khiến ta nghĩ rằng việc mua sắm là điều hiển nhiên, và con người ta không còn bất kì một lựa chọn nào khác cả.
Quảng cáo ở khắp mọi nơi. Mọi ngóc ngách của cuộc sống chúng ta bị bao vây bởi quảng cáo. Nó buộc mọi người chấp nhận rằng quảng cáo là một sự thật hiển nhiên của xã hội, và gắn tư tưởng đó vào tâm trí mỗi người. Xem ti vi, quảng cáo đập ngay vào mặt. Đọc báo, lướt web, quảng cáo nằm ở mọi nơi. Facebook, Twitter, email, biển hiệu, xe buýt, sự kiện thể thao, không gian công cộng ngoài trời, áo quần, các cuộc thi, trên trời, trên đài, trên bưu thiếp, iTunes, trước hoặc giữa phim, thậm chí ngay trong phim. Nói tóm lại là… mọi nơi.
Trên các trang mạng, chắc chắn có quảng cáo “đóng quân” ở đó. Và nếu có trang nào đó mà không có quảng cáo, thì hầu như chỉ là do họ chưa có đủ lượng độc giả để người ta đặt quảng cáo mà thôi (rất khác biệt với hệ thống mạng của 15 năm trước, khi mà quảng cáo còn rất hiếm).
Chúng ta có thể chiến thắng quảng cáo bằng cách từ bỏ những giấc mơ phi thực tế mà quảng cáo đang cố gieo vào đầu ta. Đừng để chúng tạo ra nhu cầu ảo trong đầu. Đừng để chúng lợi dụng những nỗi sợ hãi để bán được hàng.
Đầu tiên, mọi người hãy hạn chế xem các chương trình có mục đích quảng cáo trên ti vi, clip online, và hãy năng lên các web không ngập tràn quảng cáo (hay bạn có thể dùng phần mềm để chặn quảng cáo lại), và đừng đọc tạp chí có quá nhiều quảng cáo thừa thãi.
Bằng nhiều cách khác nhau, “bọn” quảng cáo dùng mọi cách để tạo ấn tượng cho khách hàng của mình. Họ muốn tạo nỗi sợ thiếu thốn cho khách hàng. Để ý quá trình này, ta có thể tỉnh táo và ít bị ảnh hưởng bởi chiêu trò của họ hơn.
Tuki: Dĩ nhiên, tẩy chay toàn bộ các trang web đặt quảng cáo như tác giả đề nghị thì cũng hơi cực đoan quá, bởi đó cũng là nguồn nuôi sống các trang web hữu ích này. Tốt hơn là ta có thể tự nhận thức được ảnh hưởng xấu từ các quảng cáo ấy và tự kiểm soát ngăn mình không rơi vào cái ma trận mà quảng cáo bày ra. Thế là đủ.
Chúng ta có thể tự tìm ra điều mình cần bằng cái ta có và nghĩ. Những nhu cầu hư cấu cần phải được xóa bỏ. Không cần gì nhiều, bạn chỉ cần đủ dũng cảm để bỏ đi.
Bước hành động: Kiểm tra một trong số các nhu cầu ảo mà mình đang có. Tự hỏi bản thân tại sao ta lại cần nó. Nếu bỏ nó đi thì sao? Nó có ích gì không? Liệu khi bỏ nó rồi, ta có nhiều không gian và thời gian hơn để làm việc, sáng tạo, hoặc ít ra là để ta không phải căng thẳng với chuyện cắt giảm lương của công ty hay không? Có rủi ro nào chăng? Và rủi ro này có khả năng xảy ra cao không? Ta có thể làm gì để kiểm soát các rủi ro này?
Xây dựng lòng tin
Khi ta thất bại nhiều lần trong việc điều chỉnh thói quen, ta sẽ có cảm giác mất lòng tin vào chính bản thân mình. Ta sẽ không tin mình có khả năng để làm bất cứ việc gì khác, thậm chí có cảm giác tội lỗi và đôi khi chán ghét chính con người mình.
Đây thực sự là một điều khá tồi tệ đối với việc xây dựng những thói quen tốt trong tương lai. Và nó cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến sự bất mãn đối với bản thân ta.
Khi bắt đầu một thói quen mới, nếu ta không thực sự tin tưởng vào chính mình, ta sẽ càng có ít cơ hội thành công. Và khi mọi thứ trở nên khó khăn hơn một chút, chúng ta hoài nghi chính bản thân mình. Khi ta gần như muốn buông bỏ mọi thứ, thì một phần nào đó trong tiềm thức sẽ nói với ta rằng: “À, tao biết chắc đằng nào mày cũng bỏ cuộc mà. Thấy chưa, tao nói có sai đâu. Mày lại thất bại rồi.”. Và sau đó thì ta từ bỏ, thay vì kiên trì theo đuổi và chiến đấu đến cùng với cảm giác muốn bỏ cuộc này.
Ta thường mất tự tin chính bởi ảnh hưởng của sự thất bài, cùng với các cảm giác tiêu cực đã ăn sâu vào tiềm thức. Thường là ta thất bại vì vài lý do nào đó, rồi thì dùng các thất bại này để tự kỉ ám thị chính mình rằng mình là một tên kém cỏi. Ngay cả những người đã luyện tập hài lòng với bản thân nhiều khi cũng mắc lỗi tư duy tiêu cực này.
Chúng ta sẽ tự nói với bản thân mình rằng: “Gì vậy bây? Sao không làm theo cách cũ đi? Mày nghĩ gì vậy? Tao tưởng mày biết suy nghĩ chứ. Nhiêu đó làm không xong, quá kém!”.
Đối với một vài người, đó chính là cách mà bố mẹ hay nói với họ. Cũng có thể là anh/chị em ruột, hoặc câu hay nói thằng bạn cùng lớp, cũng có thể là từ một người nào đó khác. Thậm chí có thể là giọng nói chung chung đại diện cho tất cả những người luôn chỉ trích chúng ta trong một thời gian dài.
Những lời nói này rất quan trọng (một cách thiếu tích cực), và nó dẫn ta đến việc tự đánh giá bản thân mình. Ta sẽ không còn yêu và tin tưởng vào bản thân nữa. Tuy nhiên, có một sự thật không phải ai cũng biết: những lời nói đó hoàn toàn sai lầm. Đó chỉ đơn thuần chỉ là một giọng nói trong đầu ta mà thôi. Ta không cần phải tin nó. Chẳng lẽ chúng ta chỉ thất bại một vài lần là đi tự chỉ trích bản thân mình hay sao? Thay vì tiếp thu các chỉ trích theo kiểu “à, đây là vấn đề, mình chỉ cần sửa chữa chỗ này là Ok”, mà theo kiểu “mình lại thất bại rồi, mình đúng là vô dụng mà, hu hu”. Chỉ đơn giản như thế đã đủ để ta thấy ta coi bản thân có giá trị đến mức nào rồi.
Và ta lại thất bại. Lại thất bại tiếp. Mỗi lần thất bại, ta cảm thấy bản thân mình thật tệ hại, chẳng xứng đáng thành công. Và do vậy ta lại khiến mình ngày càng khó thành công. Vòng xoáy này có thể sẽ tiếp diễn trong rất nhiều năm sau này.
Phương pháp lấy lại lòng tin
Dưới đây là một vài bí kíp mà ta cần phải học:
1. Phải nhận thức được rằng sự thất bại không phải là một lý do để đánh giá bản thân ta. Ý này vô cùng quan trọng. Nếu bạn không muốn biết thêm gì khác, thì chỉ cần nhớ điều này là đủ. Thay vì gặm nhấm thất bại như một chỉ số cho thấy ta là kẻ không đáng tin và kém cỏi, thì ta nên nhận ra rằng thất bại chỉ là một sự kiện khách quan bên ngoài. Dĩ nhiên là ta có liên quan tới sự kiện này, nhưng cũng chẳng khác nào những việc bình thường như ném bóng vào rổ cả. Nếu ta ném hụt, thì có phải ta là người kém cỏi không? Không. Nó chỉ đơn thuần cho thấy rằng ta cần điều chỉnh cách ném bóng. Có thể là di chuyển lại gần rổ hơn. Có thể là ném sai quy cách đi. Hoặc là lấy thang. Hoặc là làm cái rổ to hơn. Tìm người khác giúp. Trò chơi thành công hoàn toàn không có luật – ta có thể tự tìm đường đi cho bản thân mình. Sự thất bại chỉ đơn thuần là một dấu hiệu cho thấy ta cần thay đổi phương pháp mà thôi.
2. Tha thứ những lỗi lầm của bản thân trong quá khứ. Trước khi ta có thể bắt đầu tin tưởng bản thân mình lại, ta phải vượt lên trên tất cả những thất bại và những cảm giác chán chường mà thất bại đã tạo ra. Chỉ cần tốn một vài phút để xốc lại tinh thần. Ok, ta đã thất bại. Ừ, chẳng có gì nghiêm trọng cả. Kệ nó đi! Tự nhủ rằng ta rất tuyệt vời, và những sai lầm đó không phải là lỗi của bản thân ta. Chỉ là sai phương pháp mà thôi.
3. Bắt đầu giữ lời hứa với chính mình. Phần này sẽ tốn nhiều thời gian, bởi sự tin tưởng không phải đùng phát là có ngay. Hãy đưa ra một vài lời hứa nho nhỏ với bản thân. Không đùa đâu, nhỏ thôi. Nhỏ tới mức ta có thể thực hiện được, và nghiêm túc làm theo. Ví dụ như nếu ta muốn tập yoga đều đặn, thì chỉ cần tự hứa với lòng là mỗi ngày ngồi lên thảm tập đúng giờ một lần. Thậm chí chẳng cần tập tành gì đâu. Ngồi lên thảm thôi. Và hãy cố hết sức thực hiện đúng lời hứa đó. Với những thứ khác cũng tương tự – cứ viết đi, hay là cứ ăn một cọng rau vào mỗi bữa ăn, hãy thử tắt máy trong 1 phút đồng hồ khi hết giờ (ví dụ như để ta có thể tập trung vào một thứ gì đó ngoài việc chỉ lướt web suốt ngày). Giữ những lời hứa nhỏ với nỗ lực thực sự. Theo thời gian ta sẽ bắt đầu nhận ra rằng ta thực sự rất đáng tin cậy và biết giữ lời.
4. Học cách vượt qua những thời điểm khó khăn. Sẽ có những khoảng thời gian khi ta không muốn làm theo thói quen đang tập nữa, khi ta bắt đầu muốn từ bỏ, khi ta bỏ lỡ một hoặc hai ngày không làm theo kỉ luật vì nhiều lý do khác nhau, và chẳng muốn bắt đầu tập lại nữa. Đầu tiên, ta phải thừa nhận rằng luôn có thử thách trong quá trình luyện tập, và có thể là ta cần nỗ lực nhiều hơn một chút để vượt qua. Điều thứ hai là ta phải nhận ra được những suy nghĩ tiêu cực về khả năng của chính bản thân mình, và ta phải nhận thức được cả những lý do bàn lùi để né tránh việc hành động theo mục tiêu đã đề ra. Nhận diện, và cố vượt qua. Thứ ba là hãy tự nhủ với bản thân rằng ta chỉ cần tìm thêm một vài động lực thúc đẩy – có thể nhờ một người bạn giúp đỡ, cũng có thể là tham gia vào một diễn đàn để được mọi người động viên, có thể là tự thưởng cho bản thân một món quà lớn, hay thông báo thử thách này với tất cả mọi người để có động lực vượt lên chính mình.
Bốn bước, thực sự không quá dễ nhưng cũng không quá khó. Ta sẽ hoàn thành thôi. Ta có thể tin tưởng rằng chính mình có thể tự tạo và giữ các thói quen tốt. Và khi ta đã tin, thì không gì có thể cản bước chân ta nữa.