Chúng ta thường sinh ra với suy nghĩ rằng mình thật tuyệt vời. Chúng ta có thể nhảy nhót và làm đủ trò hề ở nơi công cộng khi còn là một đứa nhóc 5 tuổi. Ta chẳng thèm quan tâm người khác nghĩ gì về mình.
Thời gian trôi qua, khi ta trở thành người lớn, cái sự tự tin đó không còn. Người ta bị bạn bè, gia đình tác động; người ta thấy nhiều sự việc diễn ra trên báo đài; người ta đã từng mất mặt; thế nên người ta chẳng tin vào bản thân nữa. Trở thành người lớn, chúng ta bắt đầu nghi ngờ chính bản thân mình. Ta phán xét mình rất nặng nề. Chúng ta tự chê bai cơ thể mình, chỉ trích bản thân vì tính thiếu kỉ luật, và phê phán tất cả lỗi lầm ta mắc phải. Ta chán chính mình.
Kết quả là, ta cố gắng cải thiện cái cơ thể đầy khiếm khuyết này, cố gắng hoàn thiện chỉ bởi vì ta thấy mình tệ quá rồi. Ta nghi ngờ khả năng của chính mình. Ta không hài lòng. Ta không còn cố gắng thay đổi vì chẳng thể tin được mình sẽ thành công.
Cái sự tự ti dẫn đến nhiều hậu quả khá nghiêm trọng, như sự nghiệp trì trệ, cuộc sống bất hạnh, khó chịu về mọi thứ trong cuộc sống, và cả các thói quen không lành mạnh nữa. Người ta, một khi đã tự ti, sẽ hay sa vào các thói hư tật xấu như ăn vặt sa đà, hay say xỉn, lười tập thể dụng, nghiện shopping, mê game hay cuồng Internet.
Vậy thì làm sao để hài lòng với chính mình?
Vấn đề đầu tiên là sự mất tự tin. Đó là mấu chốt để giải quyết mọi thứ.
Mối quan hệ của ta với chính mình cũng giống như mối quan hệ của ta với bất cứ ai khác. Nếu bạn ta liên tục trễ hẹn, không giữ lời hứa, cho ta leo cây, cuối cùng cũng sẽ tới lúc ta ngừng tin tưởng họ. Với bản thân ta, cũng tương tự. Thật rất khó để thích một gã nào đó mà ta không tin tưởng, và dĩ nhiên cũng thật khó để thích bản thân nếu ta thiếu lòng tin vào chính mình.
Vì vậy, hãy cố gắng xây dựng niềm tin với chính bản thân mình (tôi có đưa ra một số bước hành động thực tế trong phần dưới cùng bên dưới). Cải thiện từ từ thì cuối cùng ta sẽ biết cách tin tưởng bản thân một cách hiệu quả.
Vấn đề thứ hai là việc ta đánh giá bản thân mình rất ngặt. Ta so sánh bản thân với những tiêu chuẩn không có thật trong tất cả mọi phương diện. Ta muốn có body như người mẫu. Ta muốn công thành danh toại. Ta muốn đi du lịch vòng quanh thế giới, biết nhiều thứ tiếng, biết chơi nhạc, nấu ăn ngon, có nhiều bạn tốt, có người yêu và con cái ngoan ngoãn. Ta muốn có những thành tựu đáng kinh ngạc, muốn là người hoàn hảo nhất quả đất. Và dĩ nhiên, đó cũng là lúc ta biến thành người ảo tưởng nhất luôn. Và một khi đã ảo tưởng, người ta thường soi mình với các ước mơ phi thực tế này. Thế là ta lại càng phê phán bản thân ngặt nghèo hơn nữa. Thế thì, muốn hài lòng, hãy ngừng so sánh bản thân mình với những thứ hoàn hảo đi. Hãy ngừng phán xét bản thân đi. Bỏ những thứ lý tưởng viễn vông ấy đi, ta sẽ từ từ biết cách tin tưởng chính mình. Bước hành động:Hãy xem xét những giấc mơ phi lý mà ta đang dùng để soi mình. Cũng tự hỏi mình rằng liệu ta có đủ tự tin để có thể theo đuổi ước mơ tới cùng, dù cuộc đời sóng gió dập vùi hay không. Tuki: Ước mơ thì cũng tốt thôi, nhưng nếu chỉ vì chưa đạt được ước mơ mà chán đời thì không tốt tí nào. Mơ mộng không sai, sai là sai ở thái độ. Hài lòng không phải là không làm gì cả Trước khi đến với các bước hành động cụ thể, hãy nói về sự hài lòng và sự thay đổi. Nhiều người nghĩ rằng nếu ta thấy hài lòng, thì ta chỉ việc nằm ườn ra và chẳng làm gì cả ngày trời. Tại sao phải làm gì đó, trong khi ta đã thấy hài lòng về mọi thứ chứ? Vậy thì làm cách nào sự hài lòng có thể hòa quyện được với sự nỗ lực của bản thân? Vấn đề nằm ở chỗ, khởi đầu với sự hài lòng, rõ ràng, tốt hơn nhiều so với cách khởi đầu với sự bất mãn ngập tràn trong não. Hầu hết chúng ta được thúc đẩy bởi những nhu cầu hay mong muốn cải thiện mình, để sửa chữa những thứ mà ta không thích ở bản thân. Chính điều này, dĩ nhiên, cũng có thể là một cách để bắt đầu thay đổi, dù nó không phải là một cách bắt đầu thật sự tốt. Nếu ta cảm thấy có điều gì đó trong cuộc sống mình không hợp lý và cần được cải thiện, ta sẽ thúc đẩy bản thân cải thiện những điều đó. Và dĩ nhiên, ta có thể thành công hoặc thất bại. Thử nghĩ xem, nếu ta thay đổi chỉ vì đang bất mãn về chính mình, thì nếu lỡ như ta không thay đổi được thói quen đó, sự bất mãn bắt đầu xâm lấn. Thế là mọi chuyện xoay vòng, ta không thành công nên càng bất mãn, mà càng bất mãn lại càng khó thành công. Khi sự bất mãn lên đến đỉnh điểm, ta dần dần buông bỏ ước mong thay đổi, bởi vì lòng tin vào chính bản thân ta đã mất. Và cũng chính vì thế, ta lại càng bất mãn hơn với chính mình. Đó là nếu ta thất bại. Thế nhưng, giờ giả sử ta thành công và ta thật sự đủ giỏi để thành công. Đại khái như, ta giảm được đủ số cân như ý, và có thể không còn cảm thấy chán cái xác mình như trước nữa. Khi đó, vấn đề khác lại nảy sinh. Nếu ta bắt đầu thay đổi bản thân vì khó chịu với khuyết điểm của mình, thì vướng mắc đó sẽ không thể chấm dứt ngay cả khi ta đã thay đổi được khuyết điểm ấy. Ta sẽ mãi tiếp tục tìm kiếm những khuyết điểm khác, tìm xềm còn gì để ta có thể cải thiện nữa không. Kiểu như, khi đã có bắp tay Popeye thì lại đòi cơ bụng sáu múi; hết sáu múi thì lại đến muốn chân dài. Nếu không còn vấn đề về cơ thể, ta sẽ lại thấy những khuyết điểm khác mà thôi. Thế là nó trở thành cái vòng luẩn quẩn không hồi kết trong cả cuộc đời. Ta chẳng bao giờ đủ hoàn hảo để hài lòng. Nếu ta bắt đầu do muốn cải thiện các khiếm khuyết của bản thân, hay vì cảm giác khó chịu chính mình, thì thậm chỉ kể cả nếu như ta tiếp tục thành công và tiếp tục cải thiện, ta vẫn chỉ là đang tìm kiếm hạnh phúc từ những nguồn bên ngoài. Ta không tìm thấy hạnh phúc từ những điều cốt lõi bên trong. Khi đó, nguồn bên ngoài là cách duy nhất ta có thể tìm kiếm hạnh phúc nhất thời. Nếu ta đang tìm kiếm hạnh phúc từ bên ngoài, ta sẽ dễ dàng lạc lối đến với của cải hay các hoạt động kiểu như ăn uống, mua sắm, tiệc tùng hoặc cắm đầu làm việc,... để cố gắng được thấy hạnh phúc trong phút chốc. Thay vào đó, ta có thể tìm thấy sự hài lòng từ cốt lõi bên trong và không cần các nguồn hạnh phúc bên ngoài kia. Khi đó, ta sẽ có một nguồn hạnh phúc bền vững. Tôi thấy đó là cách bắt đầu tốt hơn cả. Rất nhiều người tự hỏi: "Nếu ta đã hài lòng, có phải chỉ việc nằm chơi là đủ?”. Tôi nghĩ đó là một hiểu lầm khá tai hại về sự hài lòng. Ta có thể hài lòng và chỉ nằm ườn đâu đấy, nhưng ta cũng có thể thấy hài lòng và muốn giúp đỡ người khác. Ta có thể thấy hài lòng và thương cảm đối với người khác và muốn giúp đỡ mọi người. Ta có thể vui vẻ với việc là chính mình, nhưng cùng lúc đó vẫn muốn giúp người khác thuyên giảm nỗi đau. Và theo cách đó, ta có thể cống hiến mình cho nhân loại và làm việc tốt cho mọi người, nhưng dĩ nhiên, không nhất thiết phải thay đổi thế giới mới được hạnh phúc. Thậm chí vì một vài lý do, giả như ta phải bàn giao công việc cho người khác, ta vẫn sẽ còn cái sự hài lòng bên trong của bản thân mình. Tuki: Rất buồn cười khi những người không làm gì cả ngày lại thường chính là những kẻ ít hài lòng với bản thân mình nhất. Bước hành động: Hãy suy nghĩ những điều về bản thân mà ta muốn thay đổi. Kế tiếp, hãy tìm những thứ khiến ta có thể thấy hài lòng về bản thân mình. So sánh bản thân với điều phi thực tế Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến sự bất mãn xuất hiện chính là việc so sánh bản thân với những người xung quanh. Tôi thấy có vài người luôn mang chính mình đi so sánh với tôi mọi lúc mọi nơi: họ muốn thành công như tôi, muốn sống đơn giản như tôi, vui vẻ với gia đình như tôi, và thậm chí họ còn muốn hói đầu giống tôi nữa. (Ờ thôi, nói thật là cái cuối cùng tôi chỉ chém gió chơi thôi.) Dĩ nhiên, họ đang so sánh họ với những lý tưởng diệu kì. Trên thực tế, tôi không được như họ nghĩ. Và cũng chẳng có ai trên đời này giống như ta nghĩ đâu – ai cũng chỉ nhìn thấy một phần câu chuyện, những chỗ tuyệt vời, và hiếm khi biết được sự do dự, nỗi buồn cũng như sự bất mãn của người khác. Người ta không chia sẻ những khiếm khuyết của mình với mọi người; họ chỉ khoe những thứ hay ho. Họ chỉ check-in, chụp đồ ăn ngon, khoe hình phượt, khoe con cái (và khoe ngực bự), chứ chẳng bao giờ đem khoe những mảng màu tối tăm lên Facebook cả. Vì ta đang mơ mộng về những ảo tưởng viễn vông, nên trong đời thực, ta dần dần ham muốn có những thứ phi thực tế ấy. Việc ta đang làm thật sự rất vô ích. Thậm chí nó còn gây ảnh hưởng khá tiêu cực, bởi vì ta dần dần bớt hài lòng đi – hậu quả của việc thích so sánh mình với người khác. Tuki: Vợ người luôn đẹp hơn vợ mình. Ai cũng biết câu này, nhưng thật lạ là không phải ai cũng hiểu. Bất cứ khi nào ta nhận thấy mình đang sô sánh về những điểm tốt cuộc sống ai khác với những điểm xấu của ta, thì hãy thôi ngay. Thôi, đừng nghĩ nữa. Ta chỉ đang khiến bản thân đau khổ thêm mà thôi, chẳng ích gì cả. Thay vì thế, thử nghĩ về những thứ ta đang làm, và vui vẻ với những thứ đó. Việc ta đang làm hiện tại có thể (và hẳn là) rất thú vị. Hãy trân trọng những phút giây này. Từng phút giây cuộc sống đều là một phép màu. Bước hành động: Nghĩ về những lúc ta so sánh bản thân mình với người khác. Ta có những hình ảnh hoàn hảo của người khác từ đâu? Facebook, báo chí, blog, phim ảnh hay tạp chí?