Bên Dòng Sông Trẹm

Chương 28

Docsach24.com
au những ngày bị điều tra, thẩm vấn liên miên, cả bọn in giấy bạc giả đều bị giải tòa. Hổ lãnh tám năm tù ở và Tuyết bốn năm tù ở. Thế là xong.

Tuyết bị giam vào khám đường dành riêng cho phụ nữ. Những ngày tù bắt đầu. Lần đầu tiên trong đời trở thành tội nhân, Tuyết khổ sở vô cùng. Không họ hàng, không bè bạn. Tuyết sống trong cảnh cô đơn hoàn toàn.

Nhưng cái khổ thể xác không nặng bằng cái khổ tinh thần. Tuyết có thể chịu đựng nổi sự dày vò thể xác nhưng làm sao nàng chịu đựng nổi sự lẻ loi cô độc. Từ ngày nàng lâm vào vòng lao lý đến bây giờ, nàng không nhận được tin tức nào về Triệu Vĩ.

Nằm trong khám tối, Tuyết cứ suy nghĩ miên man, nàng chẳng biết Triệu Vĩ đã về Sài Gòn chưa và chàng có hay biết nàng đã ngồi tù? Nếu không biết thì sao, và nếu biết thì sao? Qua báo chí hoặc những kẻ láng giềng, thế nào chàng cũng biết rõ tin nàng lâm nạn. Tại sao Triệu Vĩ không vào khám đường thăm nàng? Chàng đã bỏ rơi nàng rồi chăng? Chàng đã khinh bỉ nàng vì nàng chỉ là một con điếm đồng lõa với bọn lưu manh chuyên in giấy bạc giả?

Tuyết hoang mang suy nghĩ. Nàng muốn nổi cơn điên vì những tư tưởng hóc búa quay cuồng trong đầu óc.

Tuyết muốn liên lạc với Triệu Vĩ nhưng chẳng biết làm cách nào. Nàng không nhiều bạn thì làm gì có phương tiện. Nếu có, chưa chắc nàng đã dám báo tin cho Triệu Vĩ biết.

Tương lai, hạnh phúc, cuộc đời không còn gì nữa. Thật hết rồi!

Bốn năm tù ở! Một bản án quá nặng nề đối với Tuyết. Bốn năm tù ở! Những ngày, tháng dài đằng đẵng khép mình trong bốn bức tường lạnh lẽo đủ làm tàn héo một đời hoa. Liệu nàng có đủ can đảm và kiên nhẫn sống sót? Nếu Triệu Vĩ còn nghĩ tới nàng thì may ra nàng sẽ cố gắng sống để có một ngày xin lại được những cái gì đã mất.

Nhưng hiện nay đang mất liên lạc với Triệu Vĩ và Triệu Vĩ không tìm cách gặp nàng.

Những ngày mong đợi mỏi mòn kéo dài trong buồn đau, tuyệt vọng. Tuyết thấy ngày tháng lâu vô cùng, vì nhứt nhựt tại tù thiên thu tại ngoại.

Qua những ngày lao lý, sắc đẹp của Tuyết tàn phai lần và sự lo rầu làm nàng xanh ốm trông rất thảm hại.

Điều đau đớn cho Tuyết là nàng mang thai. Đứa bé trong bụng chính là giọt máu của Triệu Vĩ. Chắc chắn nàng sẽ sanh đẻ trong tù rồi và chẳng biết tương lai của đứa bé sẽ ra sao.

Đã nhiều lần Tuyết định tìm hết mọi cách để báo tin cho Triệu Vĩ biết. Nhưng rồi nàng lại bỏ ý định. Thà nàng cam chịu mọi khổ cực về thể xác lẫn tinh thần. Nàng không muốn cho Triệu Vĩ gặp nàng trong tù. Nàng còn mặt mũi nào nhìn lại người yêu.

Thật là chẳng còn cái khổ nào hơn!

Hoa tàn trong khám lạnh!

Tuyết sống mòn mỏi với chuỗi ngày dài đầy nước mắt, thương đau.

Thai càng ngày càng lớn và Tuyết sắp đến ngày khai hoa nở nhụy rồi. Nàng không khỏi lo lắng cho tương lai đứa bé.

Lam sao bây giờ? Tội nghiệp! Đứa bé đã khổ cực lúc còn trong bụng mẹ. Sau này nó sẽ ra sao? Biết ngày mãn tù nàng còn thời giờ dạy dỗ con không?

Những nỗi lo sợ ở tương lai cứ ám ảnh mãi tâm trí Tuyết như là một cơn ác mộng dài.

Mới tờ mờ sáng, mụ Quỷ Sứ đã hằn học gọi Tyết đến trước mặt, Quỷ Sứ là một mụ đàn bà đứng tuổi, thân thể phì nộn, gương mặt đanh ác. Mụ bị tù vì tội giết người. Chẳng ai biết tên họ của mụ là gì, nhưng người ta cứ gọi mụ là mụ Quỷ Sứ. Thực chẳng còn biệt hiệu nào đúng hơn nữa.

Trong khám đàn bà, mụ Quỷ Sứ là tượng trưng của sự khủng bố, kinh hoàng. Ai cũng phải răm rắp nghe lệnh mụ, chịu sự sai khiến và hành hạ của mụ mà không một tiếng kêu than nhỏ. Ai cãi lịnh hay hó hé là mụ đánh cho một trận tơi bời hoa lá. Nhiều kẻ uất ức quá, dằn không nổi, toan tố cáo tội ác của mụ với ông giám đốc khám đường thì mụ đã nghe lọt tin. Mụ liền gọi ra, đánh dằn mặt sơ sơ cũng đủ làm cho kẻ đó nằm liệt, ngồi dậy không nổi.

Ai được mụ hân hạnh gọi tới trình diện là y như sẽ được hưởng một trận đòn hội chợ khủng khiếp.

Do đó, Tuyết vừa nghe mụ gọi là run lặp cặp rồi. Nàng kéo lê cái thân gầy ốm, bụng mang dạ chửa đến trước mặt mụ.

Mụ Quỷ Sứ nhìn đăm đăm Tuyết từ đầu đến chân. Tuyết cúi gằm mặt, càng run thêm.

Đợi cho sự lo sợ của Tuyết lên tới cực điểm, mụ Quỷ Sứ mới gằn giọng hỏi:

- Mầy đã biết cái tội tày trời của mầy chưa? Mầy làm tao bị phạt hai mười ngày cọt vê. Có phải mầy đã tố cáo với ông giám đốc là tao giấu một cây dao con chó và tao đang mưu toan vượt ngục?

Tuyết hoảng sợ, chối nhanh:

- Oan cho tôi quá! Tôi có bao giờ làm thế đâu! Người ta muốn hãm hại tôi. Từ ngày vào đây tới giờ, tôi chưa hề đụng chạm tới người nào. Tôi kính nể tất cả chị em. Tôi chỉ muốn sống yên thân, chờ ngày ra tù.

Chẳng đợi Tuyết nói dứt câu, mụ Quỷ Sứ hét to:

- Con này lẻo mép già mồm lắm! Môi mầy mỏng lắm, ai tin nổi! Hừ! Mẹ kiếp! Mụ nội mầy điều tra nội vụ đã rõ như ban ngày. Mầy đừng hòng chối cãi?

Tuyết lắp bắp:

- Thực tình tôi chẳng hề làm chuyện đó. Tôi nói dối cho trời tru đất diệt! Bà hỏi mấy chị em khác thì biết!

Mụ Quỷ Sứ lồng lộn:

- Tụi nó đã báo cáo với tao đầy đủ hết rồi! Mầy đừng hòng qua mặt tao! Đồ con điếm chó! Thú thực hết thì may ra tao còn thương tình sửa trị sơ sơ! Nghe rõ chứ?

Đúng ra, Tuyết có biết trời đất gì đâu. Nàng biết rõ thân phận cô đơn của nàng nên nàng đâu dám hó hé điều gì, mặc ai muốn làm gì thì làm. Ai sai đâu nàng làm đó. Ai bảo đâu nàng nghe đó. Nàng có dám chống đối ai đâu. Thế mà, chẳng biết kẻ nào oán ghét nàng mà lại đặt điều đâm thọc với mụ Quỷ Sứ khiến mụ nghi ngờ hạch hỏi nàng.

Thấy Tuyết đứng chết lặng, mụ Quỷ Sứ nổi giận đùng đùng, mụ xỉa xói vào mặt nàng:

- Bộ câm điếc hả, con điếm thúi? Sao chưa chịu trả lời! Mẹ kiếp! Còn dám lầm lì với mụ nội mầy hả? Tao cho mầy biết đã có nhiều con còn cứng đầu hơn mầy nhiều nữa kia, nhưng tao bẻ hết răng, vặt hết móng chúng từ lâu!

Tuyết ứa nước mắt, tủi nhục lẫn xót xa. Nàng biết trả lời với mụ Quỷ Sứ đanh ác này ra sao đây? Chẳng lẽ nàng nhận cái việc mà nàng chẳng hề làm? Chối không được mà nhận cũng không xuôi.

Nàng lúng túng chưa biết tính sao thì mụ Quỷ Sứ hùng hổ đấm mạnh vào mặt Tuyết một quả, làm nàng té chúi nhủi và thấy mấy chục ông sao xẹt.

Đồng thời, mụ đay nghiến:

- Đừng giả ngây giả dại? Con già này biết quá rồi mà! Có chịu thú nhận chưa? Trả lời mau!

Tuyết ú ớ:

- Oan cho tôi quá! Bà xét giùm. Tôi đâu dám hãm hại bà! Tôi thề nặng...

Chẳng đợi Tuyết dứt lời, mụ Quỷ Sứ bật cười hăng hắc. Giọng cười của mụ thật là rùng rợn, đểu giả:

- Chối cãi vô ích, mầy ơi! Đừng hòng lấy vải thưa mà bịt mắt thánh! Hôm nay tao nhứt định xử tội mầy cho bỏ thói châm chọc, ton hót! Mẹ kiếp, vào đây rồi thì phải coi tao là mẹ mới được!

Dứt câu, mụ dõng dạc bảo bọn đàn em đang vây chung quanh:

- Chúng bây “mần” nó một mách cho tao xem! Đứa nào làm tao xem vừa mắt tao sẽ trọng thưởng! Nào! Một! Hai! Ba!

Sau tiếng truyền lệnh của mụ Quỷ Sử, bọn đàn em của mụ chẳng khác nào bầy cọp cái, đồng loạt xông tới.

Lập tức, môt trận mưa đòn giáng xuống. Tuyết kêu oan, van xin, khóc lóc, bọn quỷ cái cứ đè nàng xuống và thi nhau đập túi bụi lên đầu, lên mặt, lên ngực nàng.

Tuyết không thể nào chống cự nổi. Nàng giẫy giụa không được. Bọn chúng liền trói chặt hai tay và cả hai chân nàng.

Tuyết nằm quằn quại kêu la thảm thiết:

- Lạy các chị! Các chị làm ơn làm phước buông tha cho tôi, không tôi chết mất. Tôi đang mang thai. Tội nghiệp tôi! Nếu các chị không thương tôi thì hãy thương con tôi, đứa bé vô tội!

Mụ Quỷ Sứ chẳng chút động tâm, cười khoái trá:

- Ha ha! Khá lắm đó! Đáng kiếp cái tội thèo lẻo! Chúng mầy cứ tiếp tục! Đây chỉ là trận đòn lai rai dằn mặt.

Bọn quỷ cái này được lịnh đàn chị, đánh đạp đồng bạn chẳng chút nương tay. Chúng chẳng khác nào bầy sói đói đang xâu xé con cừu con. Chúng vừa đánh đập, vừa la hét, vừa cười giỡn ầm ĩ.

Lúc đầu, Tuyết còn giẫy giụa, còn la khóc nhưng lần hồi nàng đau đớn quá mức chỉ còn kêu nho nhỏ, để mặc bọn tù cái làm gì thì làm.

Sự đánh đập dã man của bọn tù khiến Tuyết nằm ngất liệm trên vũng máu.

Mụ Quỷ Sứ ra lệnh cho em út dừng tay.

- Thôi! Đủ lắm rồi, tụi bây. Bữa nay chúng ta chỉ cần sửa trị nó sơ sơ thôi.

Bọn tù cái thấy Tuyết nằm bất động trên vũng máu thì hoảng sợ, đồng loạt dừng tay và đưa mắt nhìn nhau.

Mụ Quỷ Sứ vẫn tỉnh bơ, dặn dò em út:

- Nếu thằng già giám đốc có hạch hỏi lôi thôi thì tụi bây cứ bảo đây là một cuộc gây gổ nhỏ và đánh lộn thường thôi. Có gì rắc rối, tao chịu hết trách nhiệm, nghe chưa?

Bọn quỷ cái đồng loạt dạ rân, mụ Quỷ Sứ gọi một tay em thân tín tới bảo nhỏ:

- Mầy lập tức báo động cho viên giám ngục biết. Nó có hỏi gì cứ trả lời là không biết, chỉ thấy cãi vã và đánh lộn.

Đàn em của mụ vâng dạ luôn miệng.

Thế là, một lát sau, viên giám đốc và viên giám thị hay tin liền dẫn lính võ trang súng ống hẳn hoi kéo vào gian nhà giam đang xảy ra vụ đánh đấm kinh người.

Theo lịnh của mụ Quỷ Sứ, đám tù cái liền tản mác ra hết, mạnh ai nấy về chỗ cũ.

Chỉ còn nạn nhân nằm bất tỉnh.

Tuy đã quen với cảnh tù đánh tù rồi nhưng vị giám đốc cũng lắc đầu, thở dài. Ông hất hàm hỏi mụ Quỷ Sứ:

- Lại mụ nữa! Chuyện thế nào? Sao lại đánh đập người ta đến nằm bất tỉnh vậy?

Đã sắp sẵn trước câu trả lời, mụ Quỷ Sứ liền đáp nhanh:

- Có gì đâu! Con Tuyết này ăn cắp bánh mì và thuốc điều trị của chị em mà còn làm trời, cãi vanh vách mới bị bọn chúng bu vào đánh.

Vị giám đốc cười gằng:

- Tôi còn lạ gì nữa! Cái gì xảy ra trong này đều do mụ chủ mưu hết, nhưng mụ luôn đổ thừa cho em út. Đánh tội nhân mang thương tích nặng, mụ sẽ bị giải tòa và sẽ bị đày ra Côn Đảo đó. Coi chừng ở tù rục xương!

Mụ Quỷ Sứ cười nhạt:

- Tôi đâu sợ ở tù. Nếu sợ thì tôi đầu có vào đây làm quen với ông giám đốc. Vụ đánh đập con Tuyết, tôi chẳng liên can gì tới. Nếu không tin, ông giám đốc cứ hạch hỏi bọn kia xem.

Ông giám đốc hừ một tiếng rồi quay sang ra lịnh mấy nhân viên:

- Mau lấy cán khiêng nạn nhân vào bệnh xá! Tôi xem mòi cô ta bị trọng thương. Nếu chậm trễ e nguy hiểm đến tánh mạng!

Hai nhân viên khám đường lập tức chạy đi lấy cáng khiêng Tuyết vào bệnh xá. Tuyết thở thoi thóp. Bác sĩ Ngọc khám bệnh Tuyết xong và ông ta lộ vẻ lo âu ra mặt. Vị giám đốc khám đường hỏi:

- Bác sĩ thấy thế nào?

Bác sĩ thở dài:

- Cô này đang mang thai mà bị đánh đập nặng quá. Phải giải phẫu ngay mới cứu được mạng sống của cô ta. Còn đứa bé trong bụng cô ta, tôi không dám nói trước. Nếu may mắn thai không bị hư.

Vị giám đốc thúc giục:

- Bác sĩ cố gắng cứu sống cô ta! Cô ta là một kẻ hiền lành đáng thương.

Bác sĩ gật gù:

- Tôi sẽ cố gắng hết sức nhưng phải nhờ thêm một y sĩ chuyên khoa giải phẫu phụ giúp mới được.

- Tùy ý bác sĩ định liệu.

Bác sĩ Ngọc suy nghĩ một chút rồi nói:

- Cần mời gấp giáo sư Hải Minh ở Bệnh viện Đô Thành. Nếu may mắn giáo sư không đi vắng và tính mạng mẹ con cô Tuyết may ra sẽ được toàn vẹn.

Bác sĩ Ngọc vội vàng quay điện thoại đến Bệnh viện Đô Thành.

- A lô! A lô! Bác sĩ Ngọc ở bệnh xá khám đường phụ nữ xin nói chuyện với giáo sư Hải Minh ở phòng giải phẫu.

Bên kia đầu dây tiếng cô y tá trực đáp:

- Giáo sư Hải Minh vừa mới rời khỏi bệnh viện.

- Giáo sư về nhà hay đi đâu?

- Giáo sư không cho biết gì hết. Bác sĩ có cần nhắn gì với giáo sư không?

- Cảm ơn cô. Tôi sẽ tìm cách liên lạc với giáo sư.

Đặt máy xuống bàn, bác sĩ Ngọc lộ vẻ thất vọng, nói với vị giám đốc khám đường:

- Xui xẻo quá chừng! Nếu không gặp giáo sư Hải Minh thì nguy lắm. Tôi không mấy tin tưởng ở các bác sĩ giải phẫu khác, vì trường hợp cô Tuyết rất đặc biệt. Cần phải nhờ cậy tới thiên tài của giáo sư mới xong.

Vị giám đốc buồn rầu:

- Làm sao bây giờ?

Bác sĩ Ngọc so vai, giọng chán nản:

- Tôi gọi điện thoại đến nhà riêng của giáo sư xem sao. May ra...

Bác sĩ Ngọc lại quay điện thoại đến thẳng nhà riêng của Bác sĩ Hải Minh.

- A lô! A lô! Có phải tư thất của giáo sư Hải Minh?

- Dạ phải! Chẳng hay ai ở đầu dây đó?

Bác sĩ Ngọc đáp rõ ràng:

- Tôi là bác sĩ Ngọc. Tôi muốn được nói chuyện với bác sĩ Hải Minh. Chẳng hay bác sĩ có nhà hay không?

- May quá, giáo sư vừa mới ở bệnh viện về. Tôi là em gái của giáo sư.

Nghe thế, bác sĩ Ngọc thở một hơi dài nhẹ nhõm. Ông hân hoan nói nhanh:

- Cô nói giùm lại với giáo sư là tôi cho chuyện cần nói ngay với giáo sư.

- Bác sĩ cảm phiền chờ một lát. Tôi đi gọi giáo sư.

Một lát sau, có tiếng nói vang lên:

- Giáo sư Hải Minh đây!

Bác sĩ Ngọc nói mau:

- Tôi là bác sĩ Ngọc ở khám đường phụ nữ. Tại đây có một can nhân mang thai bị bạn đồng tù đánh đập trọng thương. Cô ta đã bất tỉnh và tôi nhận thấy cần phải giải phẫu ngay mới mong cứu mạng được hai mẹ con nạn nhân. Trong trường hợp này, rất cần sự có mặt của giáo sư. Nạn nhân rất đáng thương hại.

Chẳng đợi bác sĩ Ngọc nói dứt câu, giáo sư Hải Minh sốt sắng:

- Trường hợp khẩn cấp?

- Vâng. Rất khẩn cấp!

- Tôi sẽ đến nơi ngay! Bác sĩ cảm phiền săn sóc tối đa cho nạn nhân!

Giáo sư Hải Minh gác máy và lập tức sửa soạn va-li đồ nghề, đồng thời ông ra lệnh cho tài xế chuẩn bị xe cộ sẵn sàng.

Trong lúc đợi giáo sư Hải Minh tới nơi, bác sĩ Ngọc phải tiêm nhiều mũi thuốc khỏe cho nạn nhân. Bác sĩ vụt dừng tay đăm đăm nhìn gương mặt xanh mét của người tù nhân đáng thương. Tự nãy giờ mãi lo công việc cấp cứu bác sĩ chưa nhìn rõ mặt nàng.

Bác sĩ Ngọc suy nghĩ giây lát như nhớ lại một cái gì. Rồi ông đưa tay lên vỗ trán và à một tiếng rõ to.

- Cô gái này sao giống ni cô Diệu Linh quá! Hai người giống nhau một cách kỳ lạ. Giống nhau như hai chị em sanh đôi! Chẳng biết họ có phải là chị em ruột hay không?

Tuyết nhờ sự săn sóc chu đáo của bác sĩ Ngọc lần lần hồi tỉnh. Nàng mở mắt lờ đờ nhìn chung quanh. Đầu óc nàng trống rỗng. Nàng cố nhớ lại những chuyện đã xảy ra. Nàng mơ hồ nhớ nàng bị mụ Quỷ Sứ và các em út của mụ xông vào đánh tàn nhẫn rồi nàng ngất lịm chẳng còn biết trời đất gì. Cho đến bây giờ.

Tuyết cảm thấy đau ở bụng. Nàng toan cất tiếng rên la bỗng câu nói của bác sĩ Ngọc đập vào tai nàng.

- Ni cô Diệu Linh.

Hai tiếng mầu nhiệm có mãnh lực làm Tuyết quên hẳn đau đớn. Nàng sực nhớ lại Triệu Vĩ đã nhiều lần nhắc nhở đến cái tên này và chính chàng cũng đã kinh ngạc như tình trạng của bác sĩ Ngọc hôm nay. Triệu Vĩ từng bảo Tuyết giống hệt một người đàn bà mà chàng quen biết và Tuyết đã nghi ngờ Triệu Vĩ yêu nàng qua hình ảnh của người tình xưa.

Không cần sợ lầm lẫn nữa.

Thấy Tuyết mở mắt, bác sĩ Ngọc hỏi nhanh:

- Cô thấy trong người thế nào?

Nhưng Tuyết đâu chú ý tới tình trạng sức khỏe của nàng. Tuyết thu hết tàn lực hỏi to:

- Bác sĩ vừa nói tới ni cô nào đó?

Bác sĩ Ngọc xua tay:

- Cô nên nằm nghỉ cho khỏe! Giáo sư Hải Minh sắp tới rồi!

Tuyết lắc đầu:

- Bác sĩ đừng lo sợ sự sống của tôi, không quan trọng lắm. Bác sĩ có thương tôi thì nên trả lời câu hỏi vừa rồi của tôi.

Nàng lặp lại:

- Bác sĩ vừa nói tới ni cô nào đó?

Bác sĩ Ngọc không muốn Tuyết nói chuyện nhiều. Nhưng sự khẩn cầu của nàng, ông đành phải đáp:

- Tôi rất ngạc nhiên ở điều cô rất giống một ni cô từng tình nguyện ở đây săn sóc bệnh nhân một thời gian khá lâu. Thoạt mới nhìn qua, tôi ngỡ cô là ni cô đó nhưng cô trẻ hơn.

Tuyết hỏi mau:

- Ni cô đó tên gì hở bác sĩ?

- Tôi không biết tên họ thật của ni cô, chỉ biết pháp danh ni cô là Diệu Linh.

Bác sĩ Ngọc hỏi thêm:

- Cô có dính líu tình chị em hay họ hàng gì với ni cô Diệu Linh không?

Tuyết mơ màng đáp như trong một giấc mơ:

- Tôi chẳng phải là em và cũng chẳng phải có họ hàng gì với ni cô Diệu Linh, nhưng định mệnh ngang trái dung rủi hai chúng tôi đi chung một đường. Tôi và ni cô Diệu Linh, người ở thành thị, kẻ ở thôn quê. Chúng tôi ở hai phương trời khác nhau, nếp sống khác nhau, tánh tình khác nhau, chỉ giống ở khuôn mặt và điểm cùng.

Nàng ngừng nói một lát, gương mặt tái xanh lộ nét buồn rầu thảm vạn cổ.

Những lời tâm sự não nùng của một người đàn bà đang ở ngưỡng cửa tử thần khiến bác sĩ Ngọc bồi hồi xúc động và cũng khêu gợi trí tò mò của ông không ít, ông im lặng chăm chú nghe.

Tuyết nói tiếp, giọng nhỏ hơn:

- Tôi và ni cô Diệu Linh, hai người chưa hề quen biết, nhưng giống nhau ở điểm đã cùng yêu chung một người đàn ông. Chính người đàn ông đó là người đầu tiên đã bảo tôi và Mỹ Lan giống nhau như hai giọt nước.

Bác sĩ Ngọc tò mò:

- Cô Mỹ Lan nào?

Tuyết đáp yếu ớt:

- Có lẽ đó là tên thật của ni cô Diệu Linh!

Chẳng hiểu sao Tuyết lại linh cảm nàng sắp chết. Lúc gần chết người ta rất sáng suốt. Chẳng biết có phải nàng ở trong trường hợp này không?

Một ý tưởng như một tia chớp vụt lóe lên trong Tuyết. Nàng ngồi nhổm dậy và tha thiết van nài:

- Bác sĩ, bác sĩ hay giúp tôi một việc rất khẩn cấp. Tôi biết tôi không còn sống bao lâu nữa. Tôi muốn gặp ni cô Diệu Linh trước khi thở hơi cuối cùng. Bác sĩ cố gắng giúp tôi, tôi mang ơn bác sĩ.

Nàng mệt mỏi nằm gục xuống. Nàng cảm thấy như bao nhiêu sức lực trong người tiêu tan đâu mất hết.

Bác sĩ Ngọc ngăn cản:

- Cô không nên nói nhiều. Giáo sư Hải Minh sắp tới và chúng tôi sẽ chữa trị cô lành mạnh. Cô đừng quên cô còn đứa bé trong bụng.

Nghe nhắc đến đứa con xấu số. Tuyết nở một nụ cười héo úa:

- Bác sĩ đừng dối gạt tôi. Không còn ai có thể cứu nổi mạng sống của tôi. Chính vì đứa bé trong bụng mà tôi mới mong muốn gặp ni cô Diệu Linh trước giờ nhắm mắt xuôi tay. Chớ không tôi chết rồi ai lo cho con tôi? Tội nghiệp, tôi chẳng biết nó là con trai hay con gái nhưng nó là giọt máu rơi của Triệu Vĩ. Anh ấy chẳng hề hay biết tôi có thai và ở tù. Tội nghiệp! Con tôi đã không cha, lại không mẹ.

Nàng ngừng lại thở giây lâu rồi mệt nhọc nói tiếp:

- Tôi gần kiệt sức rồi, chắc không còn sống bao lâu nữa. Tôi chết, tôi không tiếc rẻ gì cả. Chỉ thương hại con tôi. bác sĩ hãy cứu con tôi, tôi cảm ơn bác sĩ.

Trước những lời thúc giục của Tuyết, bác sĩ Ngọc bối rối:

- Đó là bổn phận của chúng tôi. Cô cứ yên lòng, đừng nghĩ ngợi vớ vẩn, chúng tôi sẽ cứu cả hai mẹ con cô. Giáo sư Hải Minh rất tài giỏi.

Bác sĩ nhìn người đàn bà trẻ đẹp nhưng xấu số và bùi ngùi an ủi:

- Giáo sư Hải Minh đã cứu không biết bao nhiêu mạng người rồi, cô cứ tin tưởng ở giáo sư.

Gương mặt càng lúc càng nhợt nhạt, Tuyết nhắm mắt lại nhưng nàng vẫn hỏi khẽ:

- Bác sĩ có biết nơi cư trú của ni cô Diệu Linh? Tội nghiệp, Triệu Vĩ đã đi tìm nàng khắp mọi nơi mà không gặp.

Bác sĩ Ngọc cảm thấy nao nao buồn. Người đàn bà này đã gần chết rồi mà vẫn còn tưởng nhớ đến người yêu.

Thấy bác sĩ Ngọc im lặng, Tuyết nhắc nhở:

- Bác sĩ biết ni cô Diệu Linh ở đâu không?

Bác sĩ Ngọc cũng biết mạng sống của Tuyết như chỉ mảnh treo chuông. Giáo sư Hải Minh tuy là nhà giải phẫu tài ba nhưng con người làm sao cướp đoạt nổi quyền tạo hóa. Khoa học rất bất lực trước lưỡi hái tử thần. Nếu gác dan nhà tù can thiệp sớm thì còn cứu kịp nạn nhân.

Bác sĩ Ngọc buồn lòng phải nói thật:

- Trước kia, ni cô Diệu Linh có tình nguyện săn sóc phạm nhân ở đây một thời gian, ni cô đã học qua lớp huấn luyện y tá. Ni cô làm việc tận tuỵ bất vụ lợi, tính tình lại hiền lành, hòa nhã nên tất cả mọi người ở khám đường này đều thương mến. Sau này, ở đây không còn nhiều việc để làm nên ni cô Diệu Linh xin chuyển sang phục vụ ở Bệnh viện Đô Thành, vì ở đó nhiều bệnh nhân cần sự săn sóc của ni cô hơn.

Tuyết mở bừng mắt. Hai con ngươi nàng chớp sáng. Nét mừng rõ hiện rõ trên khuôn mặt xanh mét của nàng, Tuyết nói nhanh:

- Trời còn thương tôi! Bác sĩ làm ơn gọi gấp rút ni cô Diệu Linh đến đây cho tôi gặp mặt và gởi gấm vài điều. Tôi sợ muộn quá thì khổ cho con tôi. Bác sĩ hãy giúp chúng tôi lần cuối cùng.

Nàng chấp hai tay trước ngực và lâm râm cầu nguyện:

- Lạy thượng đế hãy cứu vớt con tôi. Nó chẳng có tội tình gì.

Vì quá kiệt lực, Tuyết lại thiếp đi.

Bác sĩ Ngọc nhìn nạn nhân và thở dài sườn sượt, biết làm cách nào bây giờ? Bác sĩ Ngọc rất lo sợ không cứu nổi tính mạng mẹ con Tuyết. Nếu Tuyết chết nàng sẽ mang niềm ân hận sâu cay xuống suối vàng vì không gặp mặt ni cô Diệu Linh. Bác sĩ cũng chẳng biết Tuyết muốn gặp ni cô Diệu Linh để làm gì.

Suy nghĩ giây lát, bác sĩ Ngọc nói nhỏ:

- Dù sao ta cũng nên làm thỏa mãn một kẻ đáng thương sắp chết.

Trong lúc giáo sư Hải Minh chưa tới, bác sĩ Ngọc vội vàng liên lạc với nhân viên trực ở Bệnh viện Đô Thành. Ở đây cho biết đã lâu rồi ni cô Diệu Linh không đến bệnh viện. Hiện thời ni cô sống cô đơn với một vị lão ni trong một ngôi chùa ở ngoại ô thành phố.

Không bỏ phí thì giờ vô ích, bác sĩ Ngọc viết ngay một lá thư khẩn gởi cho ni cô Diệu Linh.

KÍNH GỬI NI CÔ DIỆU LINH

Tôi xin mạng phép tự giới thiệu tôi là bác sĩ Đặng Ngọc cai quản bệnh xá trong khám đường nữ. Tôi xin lỗi trước vì đã quấy rầy đến ni cô, hôm nay, giữa lúc ni cô đang cần sự yên ổn cho tâm hồn.

Có một nữ can phạm mang thai bị đồng bọn đánh đập trọng thương e không thoát khỏi lưỡi hái tử thần, người đàn bà xấu số đáng thương. Nàng linh cảm cái chết gần kề và chỉ mong muốn một điều duy nhứt là được gặp tận mặt ni cô trước giờ giã biệt cõi đời vĩnh viễn. Tôi không thể từ khước lời cầu xin thiết tha đó. Có lẽ nạn nhân đáng thương cần nói với ni cô một chuyện vô cùng quan trọng và khẩn cấp, tôi hy vọng ni cô hãy mở lượng từ bi mà chấp nhận điều cầu xin của nạn nhân.

Nạn nhân sắp sửa được giải phẫu và chưa biết kết quả ra sao. Mong ni cô đến bệnh xá khám đường nữ gấp trước khi quá muộn, tài xế riêng của tôi được đặt dưới quyền sử dụng của ni cô.

Kính chào ni cô và một lần nữa xin ni cô tha thứ.

Bác sĩ ĐẶNG NGỌC

Bác sĩ Ngọc gọi anh tài xế đến trao phong thư có ghi rõ địa chỉ và ân cần dặn:

- Anh phải trao thư này tận tay ni cô Diệu Linh và mời ni cô ra xe ngay.

Tài xế nhận thư và hấp tấp ra đi.

Còn lại một mình, bác sĩ Ngọc thắc mắc lo âu. Nếu giáo sư Hải Minh đến trước ni cô Diệu Linh thì giáo sư mở cuộc giải phẫu cho Tuyết ngay hay là chờ ni cô đến? Và chờ đợi có nguy hiểm đến tính mạng nạn nhân không? Còn nếu giải phẫu ngay trước khi ni cô Diệu Linh tới nhỡ nạn nhân chết luôn thì sao? Thực là khó giải quyết.

Giữa lúc bác sĩ Ngọc đang phân vân thì giáo sư Hải Minh bước vào. Ông đặt va ly đồ nghề xuống bàn và vừa thân mật siết tay bác sĩ Ngọc vừa vồn vã hỏi:

- Nhận được cú điện thoại của bác sĩ tôi sửa soạn và đến ngay. Câu chuyện thế nào?

Bác sĩ Ngọc tường thuật sơ cho giáo sư Hải Minh biết từ đầu cho đến cuối tấn thảm kịch đoạn trình bày rõ sự thắc mắc của ông.

Giáo sư Hải Minh suy nghĩ giây lát rồi nói:

- Để tôi xem tình trạng nạn nhân ra sao rồi mới quyết định được.

Bác sĩ Ngọc đưa giáo sư Hải Minh vào phòng nạn nhân.

Tuyết vẫn nằm mê man, hơi thở yếu đuối.

Giáo sư Hải Minh khám bệnh cho Tuyết trong lúc bác sĩ Ngọc hồi hộp theo dõi.

Giáo sư Hải Minh thận trọng hỏi:

- Ý kiến bác sĩ thế nào?

Bác sĩ Ngọc dè dặt đáp:

- Tùy giáo sư quyết định

Giáo sư Hải Minh gật đầu:

- Được rồi! Bác sĩ tiêm cho cô ta một mũi thuốc khỏe. Chúng ta có thể chờ đợi ni cô Diệu Linh tối đa là mười lăm phút. Hy vọng ni cô sẽ đến kịp lúc.

Giáo sư Hải Minh và bác sĩ Ngọc kéo vào văn phòng chờ đợi. Hai người gạt vấn đề khoa học sang bên và chỉ nói về mối tình kỳ lạ giữa Triệu Vĩ, Tuyết và Mỹ Lan. Thỉnh thoảng giáo sư Hải Minh nhìn đồng hồ tay. Bác sĩ Ngọc ngó ra phía cửa phòng.

Những phút chờ đợi và chạy đua với tử thần mới nặng nề làm sao.

Có tiếng gõ nhẹ lên mặt cửa.

Bác sĩ Ngọc đứng phắt dậy. Ông bước nhanh ra mở cửa.

Ni cô Diệu Linh hiện ra. Đã quen biết trước giáo sư Hải Minh hỏi trước:

- Lâu quá mới gặp, ni cô vẫn khỏe chớ?

Ni cô Diệu Linh cất giọng trong trẻo:

- Cảm ơn giáo sư! Tôi vẫn khỏe và luôn luôn nhớ bầu không khí yên lành của bệnh viện.

Ni cô quay sang phía bác sĩ Ngọc:

- Nhận được thư khẩn của bác sĩ tôi đến đây ngay. Bác sĩ có việc gì cần đến tôi?

Không muốn phí thì giờ vô ích, bác sĩ Ngọc tường thuật sơ nội vụ cho ni cô Diệu Linh rõ, rồi chẳng đợi ni cô trả lời, bác sĩ thúc giục:

- Mời ni cô theo chúng tôi vào phòng cô Tuyết!

Bác sĩ Ngọc, giáo sư Hải Minh và ni cô đi thẳng vào phòng nạn nhân. Tuyết vẫn còn nằm bất động, chăn trắng kéo đến tận cổ. Gương mặt nàng càng lúc càng thêm xanh, hơi thở nàng yếu ớt.

Bác sĩ Ngọc trỏ nạn nhân và nói khẽ với ni cô Diệu Linh:

- Đây là cô Tuyết người cần gặp ni cô! Ni cô nhìn thử cô ta xem!

Ni cô Diệu Linh đứng lặng nhìn người đàn bà trẻ tuổi đang nằm thoi thóp. Cảm tưởng đầu tiên của ni cô là kinh ngạc cực độ. Trên đời sao lại có người giống người đến thế. Tuyết giống từ nét mặt cho đến hình vóc. Bất cứ ai cũng có thể nhìn lầm hai người. Hai chị em sanh đôi, chưa chắc đã giống nhau như nàng và Tuyết.

Ni cô Diệu Linh đứng lặng khá lâu, bao nhiêu ý nghĩ kỳ lạ, mâu thuẫn không ngớt nhảy múa trong đầu óc nàng. Ni cô thầm nghĩ:

- Đây là một người đàn bà yêu Triệu Vĩ và Triệu Vĩ cùng yêu lại nàng.

Hình ảnh người tình cũ và những kỷ niệm xa xưa vụt hiện lên trước mặt Diệu Linh rõ ràng hơn bao giờ hết. Những kỷ niệm sung sướng có, đau khổ có, đang tan biến dần theo quá khứ và tiếng chuông lời kệ bất ngờ dâng tràn lên như sóng biển đại dương và trong một hoàn cảnh bi đát thê thảm.

Dĩ vãng vẫn chưa hết và vẫn còn tiếp tục. Định mệnh ngang trái chưa chịu buông tha người đàn bà đau khổ đã đi tìm sự lãng quên dưới bóng Phật đài.

Tuyết, người đàn bà trẻ chẳng những giống Mỹ Lan khuôn mặt mà còn giống cả mối tình ngang trái và cuộc đời đau khổ dở dang.

Trong giờ hút bi thảm này, ni cô Diệu Linh không còn biết nói gì, nàng đứng thờ thẫn như một kẻ mất hồn. Bác sĩ Ngọc hỏi khẽ:

- Ni cô thấy thế nào?

Ni cô Diệu Linh lắc đầu:

- Trước tiên phải chờ xem cô ta muốn gặp tôi để làm gì.

Bác sĩ Ngọc đưa mắt nhìn giáo sư Hải Minh như thầm hỏi ý kiến. Giáo sư nhẹ gật đầu.

Hiểu ý giáo sư, bác sĩ Ngọc vội vàng tiêm cho Tuyết một mũi thuốc hồi sinh. Chỉ trong giây lát, nạn nhân khẽ cựa mình rồi Tuyết từ từ mở mắt.

Bác sĩ Ngọc nhẹ đẩy Diệu Linh xích đến cạnh đầu giường.

Dường như linh tính báo trước, Tuyết chậm chạp quay đầu nhìn ni cô.

Mặt chạm mặt, ni cô Diệu Linh và Tuyết lặng nhìn nhau.

Thời gian như ngừng đọng lại.

Sóng mắt chìm trong sóng mắt.

Bác sĩ Ngọc và giáo sư Hải Minh hồi hộp theo dõi cuộc đối thoại giữa hai người đàn bà có số mệnh giống nhau.

Im lặng nặng nề.

Hai mắt Tuyết sáng rực lên. Nàng chăm chú nhìn khuôn mặt ni cô Diệu Linh xem ni cô giống nàng đến mức độ nào và ni cô xinh đẹp, thùy mị đến đâu mà Triệu Vĩ yêu nàng say đắm và mãi mãi. Tuyết muốn biết Mỹ Lan có gì đặc biệt hơn nàng mà Triệu Vĩ không thể bôi xóa nổi hình ảnh đó trong tâm trí.

Hiện thời trong tâm trạng Tuyết và Diệu Linh giống nhau. Chính Diệu Linh cũng muốn tìm hiểu tại sao triệu Vĩ yêu Tuyết.

Ni cô Diệu Linh khẻ rung động thân mình.

Hai người đàn bà nhìn nhau rất lâu mà chưa trao đổi với nhau lời nào. Hai người đếu xúc động mạnh.

Ni cô Diệu Linh tìm lại được sự bình tĩnh trước nhất. Ni cô cố nén bão lòng cất giọng dịu dàng hỏi trước:

- Tôi là ni cô Diệu Linh. Đã được bác sĩ Ngọc cho biết cô mời gấp đến đây. Chẳng hay cô có chuyện gì cần nói với tôi?

Giọng nói êm dịu của ni cô chinh phục được cảm tình của Tuyết ngay. Nàng nhận thấy có thể tin cậy ở ni cô mà không sợ nhầm lẫn.

Tuyết gượng nở một nụ cười hai lòng và nói nhỏ:

- Tôi là Tuyết. Chúng ta không phải là chị em song thai nhưng chúng ta giống nhau như hai giọt nước. Nhất là chúng ta có nhiều chuyện dính líu mật thiết với nhau.

Nàng hơi cao giọng:

- Tên thiệt của ni cô có phải là Mỹ Lan không?

Câu hỏi bất ngờ của Tuyết khiến ni cô Diệu Linh rất ngạc nhiên. Thật là kỳ dị. Tại sao cô ta lại rõ biết tên thật của nàng.

Ni cô bối rối đáp:

- Phải, đó là tên thật của tôi nhưng đã từ lâu rồi tôi quên mất cái tên đó, pháp danh tôi là Diệu Linh. Cô cứ gọi tôi là Diệu Linh, nhưng sao cô biết thời con gái tôi tên Mỹ Lan?

Tuyết nở nụ cười héo hắt trên đôi môi tím nhạt. Nàng lặng thinh giây lát như để tìm một quyết định rồi hỏi:

- Ni cô có biết Triệu Vĩ không?

Ni cô không đáp. Tuyết chờ đợi phản ứng của ni cô.

Trong lúc đó, toàn thân ni cô rung động mạnh, ni cô cố giữ vững tinh thần nhưng không làm sao được.

Dĩ vãng! Trời, dĩ vãng bi đát làm sao! Trong giây phút dĩ vãng bỗng bừng sống dậy xé nát tâm hồn yên tĩnh của ni cô. Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng. Con tim lạnh như đống tro tàn của ni cô vụt nổi sóng tơi bời.

Ni cô cúi mặt nhìn xuống, cố nuốt một tiếng nấc nghẹn ngào.

Tuyết theo dõi mỗi biến chuyển của ni cô và nhẹ nhàng thở dài não nuột. Nàng buồn rầu hỏi:

- Ni cô có biết người đàn ông đó không?

Câu hỏi của Tuyết làm ni cô Diệu Linh bàng hoàng như bừng tỉnh một cơn ác mộng, nàng vẫn chưa trả lời. Tuyết lại giục:

- Ni cô biết y chứ?

Không thể im lặng mãi được, ni cô Diệu Linh đành phải đáp nhỏ:

- Tôi biết y nhưng chuyện đó đã thuộc về quá khứ, hiện thời tôi là kẻ tu hành. Tôi không muốn nhớ lại chuyện cũ.

Tuyết chận ngang:

- Nhưng y vẫn không quên ni cô.

Diệu Linh lắc đầu:

- Đó là quyền của y, còn tôi không muốn nghe ai nhắc đến tên y, cô đừng lôi kéo tôi vào vòng tội lỗi, thực sự tôi đã quên y rồi.

Tuyết đâu chịu thua:

- Ni cô đã tự dối lòng! Tôi đoán biết ni cô vẫn còn nhớ y, bằng chứng là ni cô đã xúc động mạnh khi nghe tôi nói về y. Đàn bà với nhau, chúng ta hãy thành thật.

Bị dồn vào ngõ bí, ni cô Diệu Linh tìm cách xoay câu chuyện:

- Nhưng với mục đích gì cô nói về y với tôi và cô gọi tôi đến đây làm gì?

Tuyết nói nhanh:

- Vì y có liên quan tới chuyện mà tôi định nhờ ni cô giúp đỡ. Tôi sẽ nói rõ hết mọi điêu cho ni cô biết nếu ni cô hứa giúp đỡ tôi.

Diệu Linh hứa ngay

- Là kẻ xuất gia lấy lượng từ bi làm gốc, tôi sẵn sàng giúp đỡ cô theo khả năng của tôi nếu câu chuyện cô nhờ tôi giúp là chuyện đứng đắn.

Vui vẻ mừng thoáng hiện trên gương mặt nhợt nhạt của Tuyết, nàng nói một cách hài lòng:

- Ni cô cứ yên chí, chuyện tôi sắp nhờ ni cô là chuyện mà bất cứ người nào có lòng nhân đạo đều nhận lãnh, tôi sẽ không giấu diếm ni cô một điều nào cả vì tôi biết tôi sắp chết.

Nói đến đây, Tuyết dừng lại để thở. Sức nàng có vẻ mệt lần lần.

Ni cô Diệu Linh bồi hồi cảm xúc, nàng cầm nhẹ lấy bàn tay gầy guộc của Tuyết và an ủi:

- Cô đừng nói vậy, cô sẽ sống vì giáo sư Hải Minh là một nhà giải phẫu tài ba.

Tuyết chua chát:

- Không ai có thể cứu nổi mạng sống của tôi. Vả lại tôi cũng chẳng tha thiết sống nữa, tôi chỉ cần thượng đế cứu rỗi linh hồn tôi thôi. Tôi là một người đàn bà tội lỗi, đã nhúng tay quá nhiều vào vũng bùng nhơ, tôi không xứng đáng gặp lại y, tôi nhận lãnh số phận bi đát mà không dám than van hay nhờ cậy sự giúp đỡ của y. Do đó tôi mới nghĩ tới ni cô vì ni cô là người mà tôi hoàn toàn tin tưởng, vì ni cô là kẻ dính líu mật thiết với y.

Như sợ không còn đủ hơi sức để nói dứt những lời trăn trối, Tuyết nói luôn một hơi dài:

- Số phận tôi đã định đoạt rồi. Chắc chắn tôi không còn sống bao lâu nữa, ni cô hãy để yên cho tôi nói, nếu không sẽ muộn mất. Tôi mời ni cô đến đây chẳng phải vì tôi...

Nàng mệt mỏi tiếp:

- Mà vì đứa bé vô tội sắp mở mắt chào đời.

Ni cô diệu Linh buột miệng ngạc nhiên:

- Cô đang có thai?

Tuyết chớp mắt thay cái gật đầu:

- Phải, đó là mối lo lắng duy nhứt của tôi hiện nay, đó là giọt máu rơi của Triệu Vĩ.

Ni cô Diệu Linh chặn lời:

- Cô có thông báo cho y biết chưa?

Tuyết tê tái lắc đầu:

- Không! Tôi muốn cho Triệu Vĩ biết tấm thân ô uế lâm vòng tù tội, tôi chẳng hề tìm cách báo tin cho chàng biết, được lợi ích gì? Tôi là một kẻ không ra gì và Triệu vĩ có hề yêu tôi đâu.

Ni cô Diệu Linh thắc mắc:

- Cô nói sao? Triệu Vĩ không yêu cô sao y lại có con với cô?

Hai mắt Tuyết chớp nhanh và hai giọt lệ long lanh lăn dài xuống hai gò má xanh xao của nàng. Tuyết hồi tưởng lại những ngày Triệu Vĩ sống hờ hững bên nàng và chắc chắn chàng chẳng hề hay biết nàng đã mang thai.

Quá khứ thoáng hiện trước mắt Tuyết chỉ càng làm nàng khổ sở mà thôi.

Tuyết đáp khẽ:

- Triệu Vĩ yêu tôi.

Nàng đính chính ngay bằng một giọng cay đắng:

- Không. Tôi lầm rồi. Triệu Vĩ chẳng hề yêu tôi thành thật. Chàng yêu tôi vì tôi giống hệt Mỹ Lan người yêu cũ của chàng. Triệu Vĩ yêu tôi để nuôi ảo giác như là yêu Mỹ Lan. Chàng muốn tìm lại nơi tôi hình ảnh Mỹ Lan ngày xưa, chắc ni cô dư hiểu rồi. Đấy là sự thật, một sự thật đã làm tôi đau khổ nhiều vì tôi cũng yêu Triệu. Vĩ. Phải, trước kia khi gặp Triệu Vĩ tôi chỉ nghĩ cách lợi dụng chàng, tôi đâu có ngờ lưới tình thưa mà khó lọt, khi khám phá ra đã yêu Triệu Vĩ, tôi tìm hết mọi cách để chinh phục tình cảm trọn vẹn của chàng.

Tuyết thở dài não nuột:

- Nhưng hỡi ơi! Tôi hoàn toàn thất vọng. Triệu Vĩ có xem tôi ra gì đâu. Chàng chỉ xem tôi là một món hàng giải trí để chàng lãng quên thực tế đau lòng. Nhưng thực tại vẫn đeo đuổi chàng mãi. Khi tỉnh cơn mê, chàng vẫn nhớ đến Mỹ Lan, người yêu duy nhất của trọn cả đời chàng. Hình ảnh cô gái yêu kiều bên dòng sông Trẹm đã ghi khắc sâu vào tâm khảm Triệu Vĩ mà thời gian không đủ mãnh lực bôi xóa. Đời chàng chỉ sống với một mối tình và chỉ yêu một lần. Gương mặt tôi giống gương mặt Mỹ Lan nhưng tâm hồn tôi khác hẳn tâm hồn Mỹ Lan, cho nên tôi không chinh phục nổi con tim chàng. Khi gặp ni cô tôi mới nhận thấy rõ tôi còn thua kém Mỹ Lan rất xa. Gái nhà quê khác hẳn gái thành thị. Tôi chỉ là một đóa hoa bề ngoài đẹp rực rỡ nhưng chẳng chút hương thơm, còn Mỹ Lan bề ngoài mộc mạc nhưng tâm hồn tinh khiết và cao quý.

Tuyết thở hổn hển lộ vẻ mất sức.

Những lời nói tâm huyết của Tuyết làm ni cô bồi hồi xúc động, nàng biết Tuyết không nói dối. Triệu Vĩ vẫn còn yêu nàng tha thiết.

Như sợ ni cô Diệu Linh ngờ vực, Tuyết nói tiếp:

- Tôi sắp chết, tôi không nói dối đâu.

Ni cô Diệu Linh run giọng:

- Tôi tin lời cô nhưng tôi thành thật khuyên cô một điều này. Trước tình trạng vô cùng khẩn cấp này cô nên thông báo cho Triệu Vĩ biết ngay cô đừng e ngại, nếu bào thai trong bụng cô là giọt máu của Triệu Vĩ, thì y có trách nhiệm phải lo lắng và bảo vệ, dù y có yêu cô hay không thì y vẫn là cha của đứa bé. Tôi biết rõ Triệu Vĩ, y là một người cha biết thương con và biết bổn phận. Theo lời cô, hiện nay Triệu Vĩ không còn đứa con nào thì chàng rất cần lãnh đứa bé về nuôi dưỡng, ý cô thế nào?

Tuyết suy nghĩ một lát rồi lấy ngay quyết định:

- Ni cô nói đúng. Chỉ có cha mới biết thương yêu con. Trương lai của đứa bé rất cần thiết và quan trọng. Tôi muốn con tôi trở nên người hữu dụng của xã hội nếu nó là con trai. Còn nếu nó là con gái thì nó sẽ không giống mẹ nó. Nếu được như vậy tôi nhắm mắt mới yên. Tôi nhờ ni cô báo tin cho Triệu Vĩ biết để chàng đến đây lãnh con về nuôi dạy. Đứa bé vô tội không nên để nó bơ vơ sống không cha, tôi không còn sống bao lâu.

Tuyết thở dài tiếp:

- Nhưng tôi không muốn gặp mặt Triệu Vĩ trong hoàn cảnh bi đát này. Tôi muốn Triệu Vĩ sẽ giữ mãi trong tâm khảm hình ảnh một người tình đẹp đẽ đáng yêu dù chỉ trong một đêm chớ không phải hình ảnh một người đàn bà đau yếu gầy guộc nằm chờ chết trên giường bệnh. Ni cô là phải yếu chắc hiểu rõ tâm lý và tình cảm của tôi.

Nàng nói yếu dần:

- Hơn nữa, chưa chắc ni cô liên lạc kịp với Triệu Vĩ. Tôi sợ chàng sẽ đến quá muộn và tôi đã nhắm mắt lìa đời rồi. Tôi xin giao trọng trách này cho ni cô, ni cô có thể thay mặt tôi kể rõ mọi việc cho Triệu Vĩ biết, ni cô hãy hứa một lời để tôi yên lòng nhắm mắt.

Nàng đổi giọng tha thiết:

- Mỹ Lan hãy hứa đi, hứa với Tuyết đi.

Tuyết đưa đôi mắt lờ đờ nhìn ni cô khẩn thiết chờ đợi. Thấy ni cô do dự, Tuyết lo sợ thúc giục.

- Mỹ Lan hứa đi. Tôi chỉ hy vọng ở lòng tốt và nhân đạo của Mỹ Lan.

Chẳng thể nào làm khác hơn, ni cô Diệu Linh đánh phải gật đầu run run nói:

- Tôi hứa. Cô cứ yên tâm, tôi sẽ cầu nguyện Trời Phật phù hộ cô và đứa bé.

Một nụ cười mãn nguyện nở trên đôi môi héo hắt của Tuyết, nàng lẩm bẩm:

- Cảm ơn Mỹ Lan! Dưới suối vàng tôi sẽ không còn ân hận.

Nàng gắng gượng nghiêng mình cầm bàn tay ni cô:

- Mỹ Lan nói lại dùm với Triệu Vĩ đến giờ cuối cùng của cuộc đời, tôi vẫn nhớ ơn chàng.

Nghe mấy lời trăn trối chân thành của Tuyết, ni cô Diệu Linh vội cúi mặt đưa tay áo gạt nhanh nước mắt, ni cô nghẹn ngào:

- Tôi sẽ nói với Triệu Vĩ những lời trăn trối cuối cùng của cô. Thôi, cô hãy nghỉ khỏe và hãy tin tưởng tài ba của giáo sư Hải Minh và bác sĩ Ngọc. Tôi xin phép ra ngoài.

Hai người đàn bà lặng nhìn nhau giây lát. Rồi cả hai òa lên khóc.

Trong căn phòng nhỏ chỉ còn nghe rõ tiếng khóc.

Tuyết đã được đưa vào phòng giải phẫu. Như linh cảm cái chết gần kề, nàng tỏ vẻ hết sức bình tĩnh, chẳng chút lo sợ. Trước khi lên bàn mổ, nàng yêu cầu được nói chuyện riệng với giáo sư Hải Minh và bác sĩ Ngọc.

Nàng được thỏa mãn ngay. Nàng yếu ớt nói:

- Tôi muốn nói riêng vài điều với hai ông.

- Cô đừng lo sợ, chúng tôi sẽ thành công trong việc giải phẫu. Sáng nay tôi đã gặp trường hợp rắc rối hơn cô nhiều.

Tuyết lắc đầu:

- Không, tôi không chút sợ sệt nhưng tôi muốn yêu cầu hai ông điều rất quan trọng, vì đây là nguyện vọng thiết tha nhất của tôi.

Giáo sư Hải Minh nói mau:

- Có yêu cầu điều gì cô cứ nói ngay. Chúng tôi sẽ tôn trọng ý muốn của cô.

Tuyết nói ngay không nghĩ ngợi:

- Tôi biết rõ bịnh tình của tôi lắm. Tôi không thể nào thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Tôi thiết tha yêu cầu giáo sư một điều. Tôi không còn thiết sống nữa. Tôi chỉ muốn giáo sư phải dùng hết mọi cách để cứu mạng sống con tôi. Tôi muốn chết để cho con tôi sống. Tôi sẵn sàng hy sinh. Giáo sư hãy làm đúng theo lời cầu xin của tôi. Được như thế tôi mới yên lòng nhắm mắt. Nếu cần chọn lựa giữa tôi và đứa bé, giáo sư hãy ưu tiên chọn lựa đứa bé. Chắc giáo sư đã hiểu ý tôi?

Giáo sư Hải Minh đứng sững sờ chưa biết phản ứng sao. Ông bị đặt trước một tình cảnh khó xử. Giáo sư chưa biết chắc có thể cứu nổi cả hai mẹ con Tuyết không, nếu cần phải hy sinh một mạng thì theo lương tâm của một y sĩ, giáo sư phải cứu người mẹ trước nhứt, lương tâm của một y sĩ không cho phép ông làm khác hơn.

Phải giải quyết sao đây?

Thấy giáo sư Hải Minh lộ vẻ phân vân, Tuyết hiểu ngay sự suy nghĩ của ông, nàng vội vàng thúc hối:

- Tôi sắp chết rồi và tôi muốn con tôi sống, siáo sư hãy hứa là sẽ bảo vệ tính mạng con tôi. Nếu tôi còn sống mà con tôi chết thì tôi sẽ ân hận suốt đời, giáo sư hãy hứa với tôi rồi mới bắt đầu công cuộc giải phẫu.

Bị xô đẩy phải lấy một quyết định khó khăn nhứt trong cuộc đời làm y sĩ giải phẫu, giáo sư Hải Minh cau mày nghĩ ngợi, ông đứa mắt nhìn bác sĩ Ngọc hỏi ý kiến.

Bác sĩ Ngọc can thiệp:

- Tuyết, cô đã yêu cầu chúng tôi làm một việc trái với lương tâm của chúng tôi. Đây là một việc vô cùng quan trọng, cô hãy suy nghĩ kỹ.

Tuyết cướp lời:

- Tôi không cần suy nghĩ, tôi đã quyết định như thế rồi, cuộc đời tôi không còn ý nghĩ gì hết. Tôi không còn dám gặp mặt người đàn ông mà tôi yêu tha thiết. Tôi cũng không muốn con tôi khi lớn lên phải xấu hổ vì mẹ nó là kẻ không ra gì. Tôi muốn con tôi trở thành kẻ xứng đáng không mang một tì vết nào do mẹ nó gây ra. Cuộc đời tôi đã chẳng ra gì rồi, tôi sẵn sàng chết để con tôi sống. Sau khi tôi chết rồi chắc chắn cha nó sẽ đào tạo cho nó nên người, như thế là tôi mãn nguyện. Nếu thương tôi, giáo sư hãy làm đúng theo lời tôi yêu cầu. Tôi chết sẽ không nhắm mắt và sống cũng chẳng ra hồn gì nếu tôi tranh giành sự sống với con tôi. Quyết định của tôi không ai lay chuyển nổi.

Giáo sư Hải Minh lắc đầu quay sang phía bác sĩ Ngọc:

- Làm sao bây giờ? Không nên trì hoãn e nguy đến tính mạng của hai mẹ con.

Bác sĩ Ngọc thở dài:

- Chúng ta chưa đoán được kết quả cuộc giải phẫu ra sao. Nhưng đây là một trường hợp rất đặc biệt, chúng ta nên làm thỏa mãn ý nguyện của nạn nhân.

Giáo sư Hải Minh gật đầu:

- Tôi đồng ý với bác sĩ.

Giáo sư nghiêm trọng nói với Tuyết:

- Chúng tôi sẽ chiều theo ý muốn của cô nhưng chúng tôi hy vọng trường hợp đó sẽ không xảy ra. Chúng tôi sẽ cố gắng làm tất cả những điều mà chúng tôi có thể làm được.

Được lời cam kết của hai người, Tuyết nở một nụ cười sung sướng. Nàng đặt tay lên bụng rồi nói:

- Cảm ơn hai vị, con tôi có hy vọng sống rồi.

Nàng nói nhỏ chỉ đủ mình nghe:

- Con ơi! Mẹ yên lòng lắm rồi! Mẹ không còn lo lắng cho tương lai con nữa, mẹ thỏa nguyện nhắm mắt.

Nàng từ từ nhắm mắt, gương mặt bình thản hơn bao giờ hết.

Giáo sư Hải Minh ra lệnh cho ê kíp bác sĩ và y tá chuyên môn bắt đầu làm việc. Đây là cuộc giải phẫu gây cấn nhứt của đời giáo sư.

- Cô Tuyết đang còn mê man. Chúng tôi sẽ tiếp máu cho cô nhưng chưa bảo đảm sinh mạng cô. Mình mẩy mang thương tích quá nhiều, cô đã kiệt lực, chỉ còn nhờ trời.

Ông lắc đầu:

- Mỗi con người đều có một số mệnh riêng.

Hiểu ý bác sĩ Ngọc, ni cô Diệu Linh im lặng cúi đầu. Giáo sư Hải Minh thân mật bảo ni cô:

- Ni cô hãy vào phòng khách. Tôi và bác sĩ Ngọc cần phải nghỉ ngơi giây lát. Chúng tôi mệt quá rồi.

Ni cô Diệu Linh đi thẳng vào phòng khách. Nàng ngồi phệt xuống ghế. Theo lời nói của giáo sư Hải Minh và bác sĩ Ngọc, ni cô biết tính mạng của Tuyết chỉ còn là ngọn đèn dầu trước gió, chẳng biết tắt lúc nào.

Một ý nghĩ bỗng nẩy ra trong trí ni cô. Phải cần báo tin cho Triệu Vĩ biết mặc dù Tuyết đã căn dặn nhiều lần là nàng không muốn gặp mặt chàng, nhưng đứng trước tình thế này ni cô không thể nghe theo lời Tuyết. Phải mời Triệu Vĩ đến để chàng nhận lãnh con và gặp mặt Tuyết lần cuối cùng. Ngoài miệng Tuyết bảo không muốn gặp Triệu Vĩ nhưng trong thâm tâm chắc nàng cũng nuôi hy vọng gặp người yêu trước khi nhắm mắt lìa đời vĩnh viễn. Có thể Tuyết cũng có vài điều cần trối trăng với Triệu Vĩ.

Ni cô Diệu Linh lấy ngay quyết định báo tin khẩn cấp cho Triệu Vĩ biết, nhưng tìm Triệu Vĩ ở đâu bây giờ? Chàng chẳng khác nào cánh chim trời bạt gió.

Ni cô Diệu Linh thừ người nghĩ ngợi. Chỉ còn cách duy nhứt là liên lạc với địa chỉ cũ của Triệu Vĩ mà Tuyết vừa cho nàng biết. Còn gặp chàng hay không, đó là chuyện may rủi.

Ni cô Diệu Linh lập tức gọi anh tài xế của bác sĩ Ngọc. Nàng vội vàng lấy giấy viết vài dòng chữ ngắn ngủi:

“Ông Triệu Vĩ,

Tôi có chuyện khẩn cấp cần gặp ông tại phòng khách của bệnh xá trong khám đường phụ nữ. Nhận được thơ này, ông đến ngay, sẽ nói chuyện rõ ràng sau, hãy đi theo bác tài xế của bác sĩ Ngọc. Cảm ơn ông trước.

Ni cô Diệu Linh”.

Đợi tài xế mang thư đi rồi, ni cô Diệu Linh trở vào phòng khách, hồi hộp chờ đợi.

Triệu Vĩ có đến hay không? Trong lúc nàng muốn lãng quên người yêu cũ, tình xưa thì định mệnh trớ trêu bắt buộc nàng phải gặp lại Triệu Vĩ. Những gì xảy đến cho nàng và chàng một khi hai người chạm mặt nhau? Liệu mối tình xưa cũ có chết thật hẳn rồi không? Hậu quả cuộc tái ngộ bất đắc dĩ này sẽ ra sao?

Bao nhiêu ý nghĩ rối loạn quay cuồng trong đầu óc ni cô. Nàng cảm thấy vừa lo âu vừa sung sướng. Nàng không sao phân tích nổi tình cảm của nàng hiện thời. Nàng đã can đảm bỏ dòng sông Trẹm, bỏ chốn tu hành quen thuộc phiêu bạt nơi xứ lạ quê người là chỉ để tránh gặp Triệu Vĩ. Giờ đây chỉ vì Tuyết mà nàng chấp nhận gặp lại Triệu Vĩ là một chuyện xảy ra ngoài ý muốn của nàng. Nếu gặp Triệu Vĩ thái độ của nàng sẽ như thế nào? Nàng phải cư xử ra sao?

Càng suy tính Diệu Linh càng thêm rối loạn. Nàng không thể nào sắp xếp trước hành động của nàng.

Cuối cùng ni cô Diệu Linh chỉ còn cách thở dài lẩm bẩm:

- Ta đành phó mặc mọi chuyện cho định mệnh đưa đẩy. Miễn ta luôn luôn giữ vững được ý định sắt đá. Ta phải can đảm một lần nữa và lần này là lần cuối cùng.