Trong những ngày mưa gió tơi bời này, chứng bệnh già của bà Triệu Phú thình lình trở nặng. Tối ngày bà nằm liệt giường. Cơm cháo bà chẳng buồn ăn. Bà lên cơn sốt li bì. Toàn thân bà đau nhức như có ai hành hạ. Ban đêm bà không hề chợp mắt. Những hình ảnh ghê rợn luôn luôn hiện lên trước mặt bà. Không ăn, mất ngủ, bị ám ảnh bởi những cơn ác mộng, bà Triệu Phú thường lảm nhảm trong mồm những gì không ai nghe rõ. Thỉnh thoảng bà lại hét lên và quơ hai cánh tay yếu đuối trong không khí như chống cự với một con quỷ vô hình.
Những lúc đó là những lúc cả nhà xáo động. Vợ chồng Triệu Vĩ thay phiên nhau túc trực cạnh giường bệnh. Họ không khỏi lo sợ chứng bệnh già của mẹ. Vị bác sĩ mời ở tận Bạc Liêu đã lắc đầu thất vọng trước căn bệnh của bà Triệu Phú, một căn bệnh thiên nhiên mà không một ai tránh khỏi. Khoa học không thể cướp nổi quyền tạo hóa. Già là phải chết. Triệu Vĩ dư biết, nhưng ai lại chẳng đau lòng trước giờ tử biệt của một người thân yêu nhất đời mình.
Giờ tử biệt! Giờ mà thần chết ra tay đưa một linh hồn sang thế giới mới! Còn gì đau đớn hơn! Những người sống tiễn đưa người chết bằng những giọt lệ chân tình nhất của đời mình.
Giờ chết của bà Triệu Phú đã điểm. Chính bà tự nhận thấy rõ rệt như thế. Bà cố tìm sự yên tĩnh cho tâm hồn trước khi vĩnh biệt cõi đời. Nhưng nào có được đâu, vì giờ sắp chết cũng là giờ sám hối của bà. Lương tâm dằn vặt bà dữ dội, bắt buột bà nhớ lại tất cả mọi hành động của bà bao nhiêu năm qua, mặc dù bà không muốn nhớ lại một chút nào. Bà chẳng khác nào một tội nhân đang đứng trước vành móng ngựa.
Tòa án lương tâm nhóm họp để xử tội bà, những cái tội mà tòa án của loài người không biết đến để xử. Tòa án lương tâm chỉ nhóm họp vào giờ sắp chết của con người. Kẻ tội lỗi có thể dùng tiền bạc, thế lực hoặc mưu cơ để vượt khỏi lưới bủa giăng của tòa án loài người. Những kẻ tội lỗi chẳng bao giờ thoát khỏi sự trừng trị của tòa án lương tâm. Những kẻ cầm cán cân cho tòa án lương tâm bao giờ cũng công bình, vô tư và không có một cái gì mua chuộc được họ. Những vị thẩm phán vô hình này, chỉ có kẻ sắp chết mới được thấy thôi.
Trong giờ phút hấp hối, bà Triệu Phú đã nhìn thấy rõ những gương mặt lạnh lùng của quan tòa vô hình. Bên tai bà văng vẳng không ngớt những câu buộc tội đanh thép:
- Nhà ngươi có còn nhớ con bé Mỹ Lan khốn khổ đã chôn cả cuộc đời xanh thẳm dưới mái Phật đường chỉ vì lòng ích kỷ của ngươi? Nhà ngươi hẳn chưa quên thằng bé thơ Trần Đức vô tội đang gắng sức làm việc, để nuôi sống trước móng vuốt của ngươi à? À, chắc chắn ngươi nhớ nhiều lắm, Mỹ Lan đáng lẽ là dâu của ngươi. Trần Đức đáng lẽ là cháu của ngươi, tại sao ngươi lại nhẫn tâm đến thế? Ngươi đã giết chết hạnh phúc của Mỹ Lan và làm hư hỏng đời Trần Đức. Ngươi đã nhận thấy tội ác của ngươi rồi chớ? Ngươi nên nhớ lương tâm lúc nào cũng sáng suốt. Hãy mau sám hối tội lỗi của ngươi, nếu ngươi muốn cho linh hồn được siêu thoát?
Tiếng khiển trách của lương tâm vang lồng lộng. Bà Triệu Phú nằm quằn quại trên giường bệnh. Đang nằm mê man, bỗng bà mở bừng mắt. Bà định ngồi nhổm dậy tung cửa chạy ra ngoài, nhưng sức lực bà đã kiệt quệ hết rồi. Bà úp mặt lên gối. Bà vẫn thấy rõ ràng gương mặt đau khổ của ni cô Diệu Linh và gương mặt đẫm mồ hôi của Trần Đức. Bà muốn hét lên nhưng không thành tiếng. Bà mệt nhọc thở hổn hển gần đứt hơi.
Ngoài trời, mưa gió vẫn gào thét. Nhiều tiếng sấm nổ vang rền. Bà Triệu Phú bịt chặt hai lỗ tai bà tưởng đến lưỡi tầm sét ghê rợn của Thiên Lôi.
Bà Triệu Phú ôm ngực ho sù sụ. Thân thể gầy đét của bà run lên bần bật. Hai mắt lờ đờ của bà bỗng dưng sáng rực trong khi môi bà xanh dần dần.
Sám hối! Sám hối!
Bà Triệu Phú rên rỉ:
- Trời ơi! Ta là một kẻ khốn nạn nhất trong thiên hạ!
Lương tâm của bà Triệu Phú cũng xáo động dữ dội như cơn giận khủng khiếp của tạo hóa. Tâm hồn bà vẫn chưa được yên ổn trong những ngày tàn của một người.
Bà nằm lăn lộn trên giường, cố ngủ nhưng không sao chợp mắt được. Bà nhìn lên trần nhà, bỗng bà ôm mặt rú lên: “Mỹ Lan và Trần Đức đang nhìn sững bà với đôi mắt oán hờn”.
Nghe tiếng rú thất thanh của bà Triệu Phú, Ngọc Anh từ nhà ngoài chạy vội vào. Nàng sợ hãi hỏi mẹ chồng:
- Chuyện gì đó thưa mẹ?
Giọng nói êm dịu của Ngọc Anh làm cho bà Triệu Phú trở lại bình tĩnh. Bà thở dài:
- Chẳng có chuyện gì hết. Mẹ thấy trong mình khó chịu quá, có lẽ...
Bà nói lảng:
- Con ra ngoài gọi Triệu Vĩ vào đây cho mẹ bảo chút chuyện.
Chẳng dám chậm trễ, Ngọc Anh chạy ra ngoài gọi chồng. Hai người vào phòng mẹ với vẻ âu lo. Bà Triệu Phú khẽ gật đầu ra hiệu cho con trai đến gần.
Bà ôn tồn nói:
- Mẹ cảm thấy giờ chết của mẹ đã sắp đến. Con mau chạy ra mời sư cụ Huệ Thông đến đây gấp, kẻo...
Bà ngưng bặt, Triệu Vĩ không giấu được vẻ ngạc nhiên:
- Thưa mẹ, chúng ta chẳng có đạo?
Hiểu sự ngạc nhiên của con trai, bà gượng cười:
- Con hãy nghe lời mẹ và đừng hỏi lôi thôi. Mau lên! Chẳng hiểu nổi ý định của mẹ, nhưng Triệu Vĩ không giám cãi. Chàng căn dặn vợ ở luôn trong phòng săn sóc bà Triệu Phú, đoạn chàng hấp tấp thay đồ chạy đến chùa Quan Âm.
Một lát sau Triệu Vĩ trở về với một vị sư già.
Trông thấy hòa thượng, bà Triệu Phú định ngồi dậy nhưng bà nhận thấy hoàn toàn bất lực.
Triệu Vĩ liền xin lỗi nhà sư:
- Sư cụ tha lỗi cho mẹ tôi đau nặng không thể ngồi dậy để tiếp rước sư cụ.
Vị sư già hiền từ, lắc đầu:
- Chẳng có chuyện gì phải xin lỗi.
Ông hướng về phía bà Triệu Phú:
- Chẳng hay bà mời bần đạo đến có chuyện chi?
Bà Triệu Phú bảo Triệu Vĩ kéo ghế mời nhà sư ngồi và đáp:
- Kẻ sắp chết này có một câu chuyện cần nói với hòa thượng nên mới dám làm bận rộn đến hòa thượng.
Bà nghiêm khắc bảo Triệu Vĩ và Ngọc Anh:
- Hai con ra ngoài cho mẹ nói chuyện riêng với hòa thượng. Bao giờ mẹ gọi các con mới được phép vào.
Hai vợ chồng Triệu Vĩ riu ríu lui gót sau khi đã cúi đầu chào sư cụ Huệ Thông.
Đợi cho cánh cửa khép chặt, bà Triệu Phú mới hỏi nhà sư:
- Người ta chết rồi, linh hồn sẽ đi về đâu, mong hòa thượng chỉ dạy cho kẻ phàm tục này được biết?
Vị sư già thông thả đáp rõ ràng:
- Con người có hai phần: phần hồn và phần xác. Khi con người chết, phần xác sẽ theo thời gian và tan rã mất. Còn phần hồn sẽ tồn tại mãi mãi. Chỉ có hồn này mới đáng kể. Bà muốn biết linh hồn sẽ đi về đâu? Nếu kẻ mang nhiều tội ác, lúc chết rồi, linh hồn sẽ bị quỷ sứ bắt xuống địa ngục để trừng trị. Còn kẻ làm nhiều điều phúc đức, sẽ được thiên thần dẫn linh hồn về cõi Phật. Trời Phật rất chí công. Không một kẻ gian nào thoát khỏi lưới trời.
Nghe mấy lời giảng giải của nhà sư, bà Triệu Phú toát mồ hôi. Bình sinh bà không tin dị đoan, không hiểu sao lúc này bà thấy rõ có thiên đàng và địa ngục thật sự. Bà thấy luôn những con quỷ đầu trâu mặt ngựa xúm lại cấu xé thân thể bà ra từng mảnh. Bà rùng mình sợ sệt, bà lo ngại hỏi tiếp:
- Phá hoại cuộc đời của kẻ khác có phải là cái tội chăng?
Sư Huệ Thông điềm đạm:
- Đây cũng là cái tội. Phá hoại đời người ta, làm cho người ta đau khổ ê chề, mình sẽ bị trừng phạt. Nếu không bị tòa án loài người trừng phạt, thì ta cũng không thoát khỏi sự trừng trị của tòa án lương tâm.
Những câu nói của sư Huệ Thông chẳng khác nào những lời kết tội gián tiếp bà Triệu Phú. Gương mặt bà đã xanh càng xanh thêm. Bà ngập ngừng:
- Bẩm sư cụ, kẻ mang tội có cách nào chuộc lại được cái tội đó không?
Sư Huệ Thông gật đầu:
- Có chứ! Kẻ có tội phải biết ăn năn, sám hối và nhất là phải làm những điều kiện chẳng hạn như giúp đỡ kẻ nghèo đói, nuôi trẻ mồ côi... Làm việc thiện có nhiều cách lắm.
Đôi mắt bà Triệu Phú sáng lên một khắc nhưng đờ đẫn trở lại ngay:
- Nếu như gặp trường hợp kẻ có tội sắp chết thì sao?
Sư Huệ Thông đăm đăm nhìn bà Triệu Phú như để tìm hiểu ý định của bà. Giây lâu, nhà sư chậm rãi đáp:
- Kẻ có tội sắp chết không thể làm kịp những việc thiện để chuộc lỗi. Trời Phật chỉ cần họ biết sám hối tội ác của họ thôi.
Lần này bà Triệu Phú tươi tỉnh nét mặt. Một nụ cười khô héo nở trên môi bà.
- Cảm ơn sư cụ đã ban cho tôi những lời chỉ giáo tốt đẹp. Đến bây giờ tôi mới hiểu nổi sự chí công của đấng thiêng liêng.
Bà lẩm bẩm một mình:
- Sám hối! Ừ chỉ có sám hối ta mới được chết một cách yên ổn! Rất tiếc, trong giờ phút cuối cùng của ta, ta mới nhìn ra được con đường sáng. Bao nhiêu năm qua ta đã mù quáng, có mắt mà cũng như mù. Ta đã xây sự nghiệp bằng mồ hôi, nước mắt của vô số người. Ta cố sức làm giàu tìm hết mọi cách để đào ra tiền. Ta đã thành công. Ta đã trở thành bà Triệu Phú. Nhưng hỡi ơi! Cuộc đời của bà Triệu Phú kết cuộc chỉ là một con số không. Trọn đời ta chưa tìm gặp hạnh phúc thực sự. Đến ngày tàn ta mới biết thế nào là hạnh phúc, muộn quá rồi, thần chết đang giơ cao lưỡi hái chờ đón ta.
Sư Huệ Thông ngồi trầm ngâm kính trọng giờ sám hối của kẻ sắp chết.
Bà Triệu Phú bình tĩnh nói với giọng tin tưởng:
- Bẩm sư cụ, tôi biết trước tôi sẽ chết nội ngày nay hoặc mai. Trong ngày tàn cuộc, tôi mới thấy rõ những tội ác mà tôi đã gây ra bao nhiêu năm qua. Rời khỏi cuộc đời tôi chẳng luyến tiếc gì hết. Tôi chỉ ao ước linh hồn tôi được giải thoát. Sư cụ vừa nói Trời Phật sẵn sàng tha thứ cho kẻ tội lỗi biết sám hối. Tôi sung sướng vô hạn. Sư cụ hãy rủ lòng thương mà ra tay cứu rỗi linh hồn kẻ tội lỗi này.
Ngừng một chập, bà tiếp:
- Ngoài ra tôi muốn nhờ sư cụ một việc quan trọng, chẳng hay sư cụ bằng lòng giúp không?
Sư Huệ Thông cười nhẹ:
- Trước hết bần đạo muốn biết đó là chuyện gì?
Bà Triệu Phú cao giọng:
- Trước hết tôi phải kể cho sư cụ nghe rõ đầu đuôi câu chuyện, rồi mới dám nhờ vả sư cụ.
Với giọng trầm trầm, bà Triệu Phú chậm rãi kể câu chuyện của Mỹ Lan, Triệu Vĩ và Trần Đức cho sư Huệ Thông nghe, bà chẳng giấu diếm một chi tiết nào cả. Kể xong, bà kết luận:
- Câu chuyện vừa rồi hoàn toàn là những lời thú tội của tôi. Tôi đã gây đau khổ cho ba người, và gây đau khổ cho tôi luôn nữa. Tội ác của tôi kể cũng to lớn lắm. Trước giờ chết tôi phải làm cái gì để chuộc tội, dù chỉ là đôi phần thôi. Vì thế tôi mới mời sư cụ đến đây, vì chỉ có sư cụ mới giải tội và giúp đỡ tôi được, sư cụ có bằng lòng giải tội cho tôi không?
Lắng nghe những lời tự thú của bà Triệu Phú, sư Huệ Thông không khỏi ngậm ngùi, con người luôn luôn gây tội ác. Tiền bạc! Danh dự! Con người cứ mãi chôn mình trong vòng danh lợi.
Nhà sư chắp hai bàn tay trước ngực:
- Nam mô A di đà Phật! Kẻ tội lỗi biết sám hối đã là một điều tốt. Trời Phật sẽ tha thứ cho bà. Bần đạo sẵn sàng cầu nguyện cho linh hồn bà được siêu thoát.
Đôi mắt bà Triệu Phú bừng sáng, bà rất tin tưởng những lời nói của sư cụ, linh hồn bà được siêu thoát. Bà cảm xúc nói run run:
- Tôi đã quyết định, tất cả của cải tôi, tôi chia ra làm ba phần. Một phần tôi để lại cho con trai tôi là Triệu Vĩ, một phần tôi cho thằng Trần Đức, một phần tôi xin phép giúp vào quỹ từ thiện. Trần Đức sẽ sung sướng. Còn Mỹ Lan nó không còn cần dùng đến tiền bạc nữa. Tôi tin rằng nó sẽ tha thứ cho tôi khi được biết tương lai của con nó từ đây vững chắc. Còn tôi, tôi cũng sẽ yên lòng nhắm mắt.
Bà trỏ chiếc tủ sắt to tướng để một góc phòng:
- Bức chúc thư tôi cất trong tủ sắt, khi tôi chết rồi sư cụ thay mặt tôi mở tủ để thi hành những lời để lại của tôi. Nhưng...
Tuy mệt mỏi, nhưng bà Triệu Phú gắng gượng nói tiếp:
- Nhưng tôi yêu cầu sư cụ một điều... sư cụ hãy giữ kín câu chuyện mà tôi vừa kể cho sư cụ nghe. Ngoài tôi và sư cụ sẽ chẳng còn một người nào khác được biết. Dù cho gặp trường hợp ngang trái đến đâu đi nữa sư cụ cũng phải hoàn toàn giữ bí mật. Vì danh dự của gia đình tôi, hẳn sư cụ đã hiểu tôi rồi? Sư cụ hứa chứ?
Sư cụ Huệ Thông khẽ gật đầu:
- Bần đạo đã rõ ý định của bà. Bần đạo sẽ kính trọng những lời căn dặn của bà. Bà cứ yên tâm.
Bà Triệu Phú hài lòng:
- Rất cảm ơn lòng tốt của sư cụ. Sư cụ chịu phiền ngồi chờ tôi viết tờ di chúc. Tôi muốn chính tay sư cụ đặt tờ di chúc vào tủ sắt. Sau khi tôi đã nhắm mắt, con trai tôi sẽ giao chìa khóa cho sư cụ.
Bà Triệu Phú tin tưởng câu chuyện giữa bà và sư Huệ Thông từ nãy giờ chẳng có một người thứ ba nghe lọt. Bà đâu có ngờ, bên ngoài cô dâu quý của bà đã rình rập nghe lóm từ đầu đến cuối câu chuyện.
Ngọc Anh đứng áp sát vào khe cửa. Nàng nghe không sót một lời, mặc dù bà Triệu Phú nói rất nhỏ, máu ghen và tánh ích kỷ của người đàn bà nổi dậy mãnh liệt. Ngọc Anh mím chặt đôi môi để khỏi thốt ra thành tiếng.
“À!... Thì ra Triệu Vĩ chẳng hề yêu ta, mãi đến giờ ta mới biết. Tuy sống chung đụng với nhau nhưng Triệu Vĩ không ngớt nghĩ đến con nhà quê Mỹ Lan nào đó. Chồng ta đã ngoại tình bằng tư tưởng bao nhiêu năm trời nay, ta chỉ là một vật hy sinh. Và ta chỉ chiếm được xác thân của Triệu Vĩ thôi. Còn tâm hồn người chàng đã gởi cho Mỹ Lan từ lâu rồi. Trời ơi! Ta là một con đàn bà ngu ngốc. Ta lấy một người chồng mà chẳng hiểu qua tí nào dĩ vãng của chàng. Ta cứ ngỡ chàng yêu ta lắm. Khốn nạn cho ta”!
Ngọc Anh đứng chết lặng. Những lời ủy thác của mẹ chồng làm cho nàng điên tiết thêm, một phần tiền sẽ về tay thằng bé Trần Đức. Bà Triệu Phú chẳng thèm nghĩ đến con gái của nàng. Nếu Triệu Vĩ biết Trần Đức là con ruột của chàng thì chàng sẽ nghĩ sao? Chắc chắn là Triệu Vĩ sẽ yêu thương Trần Đức hơn yêu thương Ngọc Lệ, vì Trần Đức là kết tinh của một cuộc tình chân thật và thiết tha. Còn Ngọc Lệ? Hỡi ơi, con bé chỉ là kết tinh của một mối tình bất đắc dĩ. Nếu để Trần Đức lọt vào gia đình nàng thì mẹ con nàng sẽ bị Triệu Vĩ bỏ rơi.
Nghĩ đến điều đó có thể xảy ra sau này, Ngọc Anh uất ức vô cùng. Nàng lẩm bẩm trong mồm.
- Ta phải gấp rút tìm một biện pháp để ngăn cản sư cụ Huệ Thông thi hành bản di chúc của mẹ chồng ta.
Trong một phút ghen tức, Ngọc Anh mờ cả lương tri. Nàng chẳng chịu suy nghĩ phải trái. Nàng cương quyết làm theo ý muốn nhất thời của nàng.
Hé mắt nhìn suốt qua lỗ khóa, Ngọc Anh thấy sư Huệ Thông đang cất tờ di chúc vào tủ sắt. Nhà sư trao trả chìa khóa cho bà Triệu Phú, bà để chìa khóa dưới gối.
Để khỏi bị sư Huệ Thông bắt gặp hành động mờ ám, Ngọc Anh vội vàng chạy trở về phòng riêng.
Bà Triệu Phú uể oải ngả lưng lên thành giường.
Thấy câu chuyện đã chấm dứt, sư Huệ Thông từ giã bà Triệu Phú. Trước khi rời khỏi phòng, nhà sư chắp hai bàn tay trước ngực và lâm râm cầu nguyện một hồi lâu. Xong xuôi người kính cẩn nói:
- Bà cứ yên tâm an nghỉ. Trời Phật đã thấy rõ những giờ phút sám hối của bà. Tôi tin tưởng linh hồn sẽ được cứu rỗi.
Bà Triệu Phú nhếch môi cười:
- Cảm ơn sư cụ! Tôi cũng tin tưởng như thế!
Sư Huệ Thông nghiêng đầu chào vĩnh biệt kẻ sắp sang ngang thế giới mới. Ông lững thững bước ra nhà ngoài với một mối sầu tràn ngập trong tâm hồn. Ông buồn rầu thở dài:
- Loài người vẫn mải mê lặn hụp trong bể khổ của trần gian dẫy đầy tội lỗi. Ta ao ước đời sẽ có nhiều người biết sám hối những tội ác của mình đã gây ra trong suốt cuộc sống ngắn ngủi.
Đợi cho sư Huệ Thông rời khỏi nhà, Ngọc Anh mới rón rén bước đến rình rập trước cửa phòng mẹ chồng. Trong phòng hoàn toàn im lặng, chỉ có tiếng thở yếu đuối của bà Triệu Phú.
Ngọc Anh cẩn thận xoay nhẹ “quả đấm sứ” mở hé cửa. Nàng thò đầu nhìn vào trong. Bà Triệu Phú nằm xoay mặt vào tường. Đoán chắc mẹ chồng đã ngủ say, Ngọc Anh bước vào phòng. Lần đầu tiên trong đời làm một chuyện ám muội, Ngọc Anh hồi hộp vô cùng. Nàng đè tay lên ngực để tự trấn tĩnh đôi chút. Nàng phải đi chân không chớ không dám dùng dép. Nàng sợ làm khua động đánh thức bà Triệu Phú dậy.
Sau một hồi lâu hầu chuyện với sư cụ Huệ Thông, bà Triệu Phú quá mệt nhọc nên nằm xuống là ngủ ngay. Bà chẳng hề hay biết sự có mặt của con dâu.
Ngọc Anh đứng sát vào đầu giường. Muốn chắc ý hơn, nàng vờ tằng hắng một tiếng khá to. Bà Triệu Phú vẫn ngủ say.
Yên dạ Ngọc Anh nhẹ giở chiếc gối trắng tinh mà mẹ chồng đang nằm lót đầu, tim nàng đập thình thịch thiếu điều muốn nhảy tót ra ngoài. Nàng nín thở để bớt lo sợ. Cũng may, bà Triệu Phú vẫn nằm im không nhúc nhích.
Ngọc Anh nâng nhẹ xâu chìa khóa. Tay nàng run run. Nàng hấp tấp bước về phía tủ sắt. Vừa mừng rỡ lẫn lo ngại nên Ngọc Anh loay hoay hồi lâu mới mở được cửa tủ. Tờ di chúc nằm trong cái hộc tủ nhỏ. Nàng run rẩy chụp tờ giấy trắng chằng chịt những dòng chữ nguệch ngoạc. Trong lúc bối rối nàng lỡ tay đóng mạnh cánh cửa sắt nặng nề. Nghe tiếng động, bà Triệu Phú mở bừng mắt. Bà xoay lưng lại vừa kịp thấy Ngọc Anh nhét tờ chúc thư vào túi áo của nàng. Bà hiểu ngay thâm ý của con dâu. Và bà biết luôn Ngọc Anh đã nghe lóm câu chuyện mà bà đã bàn với sư cụ Huệ Thông vừa rồi.
Bà triệu Phú định nhảy khỏi giường để ngăn cản hành động tàn ác của Ngọc Anh, nhưng sức của bà chỉ cho phép bà ngồi nhổm dậy một tí thôi. Biết mình đã trở thành kẻ vô dụng, bà Triệu Phú nằm vật xuống giường. Bà uất ức muốn hét lên nhưng cũng chỉ ú ớ trong mồm không thành tiếng. Trong cơn giận cực độ, đàm kéo lên chận nghẹn cổ bà Triệu Phú, bà nằm lăn lộn trên giường kêu ằng ặc như con vật bị chọc huyết.
Trông thấy mẹ chồng thức dậy thình lình, Ngọc Anh hoảng hốt rối loạn cả tâm trí. Chẳng kịp nghĩ suy lợi hại, nàng quăng xâu chìa khóa lên giường và chạy vội ra khỏi phòng tẩu thoát.
Tờ chúc thư quan hệ đã lọt vào tay nàng dâu quý, bà Triệu Phú tức giận điên cuồng, bà cố sức hét lên được một tiếng lớn rồi tắt thở. Bà chết một cách tức tưởi, chẳng kịp nhìn mặt và trăn trối với con cháu lần cuối cùng.
Yên lặng nặng nề. Con thạch sùng chắc lưỡi không ngừng dường như tiếc rẻ cuộc đời vô vị của bà Triệu Phú.
Ngoài xa kia, những khúc hát yêu đời của dân quê vẫn vang lên lồng lộng.