Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười

Chương I

Trung tuần tháng 3 năm 1939, một buổi tối, anh Bình với tôi ngồi uống nước trà hột ướp sen bên hai chậu lan trong một khu sân nhỏ tại Khánh Hội (Sài Gòn).

 

Bình là con một thương gia, mới đậu cử nhân Luật, vào chơi Sài Gòn lần này là lần đầu.

 

Anh cầm tờ T.Đ. coi qua vài cái tựa chữ lớn, rồi bỏ xuống, nói:

 

- Tôi không thể nào đọc báo trong này được.

 

- Sao thế?

 

- In sai nhiều quá. Hỏi, ngã nhầm be bét, rồi ác, át, an, ang… không phân biệt, thật chướng mắt. Cây cau mà in là cây cao thì có chết tôi không chứ?

 

- Còn báo ngoài Bắc, không in sai sao? S thì lầm với x, tr với ch… mà sao anh không thấy chướng?

 

- Bề gì ngoài mình in cũng ít lỗi hơn. Còn về nội dung thì bài vở tầm thường lắm. Ít bài xã thuyết có giá trị. Có lẽ chỉ có mỗi tờ tuần báo Mai là đọc được. Nói chung thì về văn học, Sài Gòn còn kém Hà Nội xa.

 

- Thế còn về phương diện khác? Anh đã ở đây được một tuần, đã đi thăm gần hết những nơi đáng coi, đã được biết vài vùng ngoại ô như Gò Vấp, Thủ Đức và nhận xét vài gia đình Nam, anh cho biết cảm tưởng của anh ra sao?

 

Bình suy nghĩ một chút, đáp:

 

- Khó nói quá vì cảm tưởng còn hỗn độn. Hồi anh mới vào – dễ trên bốn năm rồi đấy nhỉ? – cảm tưởng anh thế nào? Để xem có giống của tôi không?

 

- Chắc không giống vì hoàn cảnh của tôi khác. Hồi ấy tôi vì mưu sinh phải vào đây, còn anh đi chỉ có mục đích du lịch. Tôi tới Sài Gòn trong lúc thiên hạ sửa soạn ăn Tết. Đi dạo chợ Bến Thành, không thấy cành đào và thủy tiên mà chỉ thấy dưa hấu cùng hoa sen, tôi chán nản lắm (1).

 

Song bây giờ thì tôi quen rồi và thích đời sống ở đây.

 

- Có lẽ tôi đi du lịch nên tôi thích ngay Sài Gòn từ phút bước chân ở xe hỏa xuống. Tôi thích từ giọng trong trẻo, lanh lảnh của các thiếu nữ, tới những rặng sao cao vút, thẳng tấp và khí hậu mát mẻ điều hòa ở đây. Anh nói mùa này là mùa nóng nhất mà đêm có thể đắp chăn đơn được thì thấm vào đâu với mùa hè ngoài mình, nắng tới nứt tre, quạt luôn tay mà mồ hôi vẫn nhễ nhại.

 

Nhất là tính tình đồng bào ở đây vui vẻ, tự nhiên, hợp với tôi lắm, không kiểu cách như các bà hàng Bạc, hàng Đường ở Hà Nội. Không khi nào tôi quên được cô Ba Đa Kao, má lúm đồng tiền, giọng nói nhẹ nhàng, thân mật quá. Món nem nướng…

 

- Lại quên rồi. Chả giò.

 

- À, quên, món chả giò cô ấy dọn cho ăn bữa đó ngon tuyệt! Còn món cù lao, món thịt kho nước dừa nữa chứ.

 

Tôi sẽ chép lại cách nấu các món ấy về chỉ cho bà con ngoài Bắc.

 

Tôi nói đùa:

 

- Thích Sài Gòn như vậy thì nhập tịch Sài Gòn phắt đi.

 

- Chưa biết chừng. Có lẽ ra chuyến này, tôi thu xếp rồi xin phép thầy mẹ tôi vào làm ăn ở đây.

 

- Tôi sẽ thưa với hai cụ không cho anh vào vì hễ vào là về không được nữa. Chắc anh biết câu ca dao này:

 

Sài Gòn dễ ở khó về

Trai đi có vợ, gái về có con.

 

- Trai đi có vợ? Thế thì còn gì tuyệt bằng! Thầy mẹ tôi đương mong có cháu nội ẵm đây. Nhất là khi các cụ được nếm miếng thịt kho nước dừa thì phải mê các cô Sài Gòn, còn ngăn cản gì nữa?

 

Chúng tôi đều cười.

 

Trầm ngâm một lát, anh Bình tiếp:

 

- Câu ca dao đó đúng thật. Xét kĩ, Sài Gòn không có gì đẹp. Không có nhiều di tích cũ như Hà Nội; không có thắng cảnh như Hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, cách ăn mặc phụ nữ ở đây cũng không được nhã: áo dài thì ngắn quá, mầu thì lòe loẹt quá, ra đường thì nhiều cô chỉ mặc áo bà ba, không quen mắt như tôi, thấy trơ trẽn lắm; hoa không có thứ quí: hải đường, trà, đào… đều thiếu; cuộc sinh hoạt thì ồn ào: người ta sống ngoài đường nhiều hơn trong nhà; quán ăn, tiệm nước đầy phố và lúc nào cũng chật ních khách. Vậy mà không hiểu sao, Sài Gòn có sức quyến rũ tôi rất mạnh anh ạ.

 

- Tôi còn nhớ hồi mới tới có cảm tưởng rằng Sài Gòn không phải là một thành phố Việt Nam. Vừa ở trong một tiệm ăn Quảng Đông ra, tai còn văng vẳng tiếng xí xô của các hấu théng thì đã gặp ngay một chùa Chà, hương trầm ngào ngạt, với những Ấn kiều y như tượng đồng đen ngồi xếp bằng tròn trên gạch bông sặc sỡ.

 

Ở ngoài đường, ta chạm trán với khách mọi phương: những ông lục Cao Miên áo vàng nghệ che dù đen, những anh gác dang Băng Ga Li hút điếu bằng đồng, cần dài và cong, một bọn thủy thủ Anh, da đỏ như tôm luộc, mắt xanh như nước biển, những anh lính Ma Rốc tóc xoăn, mắt và răng trắng dã! Rồi người Chàm, người Mã Lai, người Nhật, người Pháp, người Huê kiều ở Hải Nam, Quảng Đông, Triều Châu…bao nhiêu giống người bấy nhiêu tiếng nói, y phục, phong tục mà cùng chung sống trên miếng đất này, làm cho Sài Gòn có những vẻ đặc biệt, khác hẳn với Hà Nội, Huế. Ban đêm vào Chợ Lớn thì ai mà không có cảm tưởng là đương ở Hồng Kông hoặc Thượng Hải?

 

Có lẽ cái duyên của Sài Gòn mà anh vừa nói là ở chỗ ấy. Không khí tại đây là không khí giang hồ, tứ chiếng. Mỗi lần đứng ở cột cờ Thủ Ngữ hoặc trước bến Nhà Rồng, hóng mát trên bờ sông, nhìn những chiếc tàu biển từ phương xa tới, những đoàn ghe từ Lục tỉnh lên, tôi có cảm giác là lạ này anh ạ: tôi tưởng như trong ngọn gió thổi trên sông, có phản phất hương của muôn phương. Vì vậy tôi bảo Sài Gòn không phải là một đo thị Việt Nam, nó là một thương cảng của thế giới. Anh mới biết Sài Gòn chưa có thể nói là biết Nam Việt được.

 

- Phải. Tôi cũng mờ mờ nhận thấy rằng Sài Gòn có vẻ tứ chiếng và vẫn đợi anh đưa đi xem Lục tỉnh đây. Anh đã xin phép nghĩ chưa?

 

- Khỏi phải xin phép. Một dịp may hiếm có: sở giao cho tôi đi kinh lý Đồng Tháp Mười trong một tuần lễ. Người ta cho tôi dùng chiếc tàu lớn có hai chỗ nằm. Tôi đã xin phép cho anh theo.

 

- Đồng Tháp Mười ở đâu?

 

- Nó là Plaine des Joncs đấy mà. Anh còn nhớ địa lý Nam Việt không?

 

- Học lâu quá quên rồi.

 

- Cánh đồng đó rộng lắm, tôi chỉ trên bản đồ cho anh coi. Bây giờ anh chỉ cần biết rằng chúng ta sẽ có cơ hội thăm những tỉnh này: Tân An, Mĩ Tho, Sa Đéc, Long Xuyên, Châu Đốc.

 

- Thế ư? Vậy bao giờ đi?

 

- Ngày mốt.

 

- Ngày mốt là ngày gì?

 

- Ngày mai rồi tới ngày mốt. Ngày mốt tức là ngày kia. Nhưng tôi cho anh hay trước, phải lội sình cực lắm đa!

 

- Lội sinh là sao?

 

- Sình là bùn lầy. Trong Đồng Tháp Mười, cuối mùa nắng này còn những chỗ sình tới đầu gối và rộng hàng trăm thước. Lội được không? Lại phải len lỏi trong đám lau, sậy hàng chục cây số mà không gặp một nóc nhà, một bóng người, và rắn đỉa thì vô số.

 

- Eo ơi! Ghê thế kia à? Anh nói thật chứ? Hay dọa đấy?

 

- Ai dọa anh làm gì? Theo nổi thì theo. Không nổi thì ở lại đây mà xuống thăm cô Ba Đa Kao để tôi đi một mình.

 

- Từ Hà Nội vào đây, nằm hai ngày hai đêm trên xe hỏa mà chỉ để biết Sài Gòn thôi thì ai chịu? Phải theo anh cho biết lục tỉnh chứ. Khó nhọc nào mà anh chịu được thì tôi cũng chịu được. Ba năm “xì cút” [1] rồi mà!

 

- Vậy nhất quyết đi?

 

- Nhất quyết!

 

- Không sợ rắn hổ dài ba thước và đỉa trâu lớn bằng ngón chân cái ư? Còn cái nạn muỗi nữa! Nhiều như… không thể tả được, vào trong đồng sẽ biết. Chỉ thấy chúng bay như đám mây cũng đủ rợn mình.

 

- Cái gì cũng không sợ. Người Pháp qua đây trèo đèo lội suối chịu đủ gian lao để biết rõ xứ của ta rồi về vẻ thành những bản đồ, còn chính chúng ta lại không biết chút gì về giang sơn của tổ tiên để lại thì “mắc cở” lắm.

 

- Học được tiếng “mắc cở”. Giỏi. Để mai tôi thu thập ít tài về cánh Đồng Tháp Mười rồi xuống tàu chỉ cho anh coi. Cánh đồng đó tới nay, đối với người mình, ngay cả với nhiều người Nam, còn là khu vực bí mật, chứa nhiều cái lạ. Dù phải lội sình và bị muỗi cắn, đỉa bám thì cũng nên đi cho biết.

Chú thích

1) Thi sĩ Nguyễn Bính đã tả Tết Sài Gòn bằng giọng mỉa mai, chua xót:

Dưa hấu chất cao hơn nóc chợ,

Mà hoa sen nở cũng huy hoàng!

Chú thích của Goldfish:

[1] Xì cút (scout) là hướng đạo sinh, không phải xe scooter cũng không phải là “đồ dõm” như thường được dùng ngày nay.