Sáng sớm, mặt trời vừa mọc, bà Nam Phương đã dậy. Bà hé cửa phòng, nhẹ nhàng bước ra thềm. Bà bận chiếc áo vải nhẹ, thắt đai lưng vải, đẩu đội mũ nhưng đi chân đất, nhún nhảy đi một điệu vũ chậm rãi mặc dù không có nhạc đệm. Cánh tay đưa lên cao tạo thành một đường lượn đung đưa trên đầu, đi một vài vũ đạo rất chậm. Điệu ba lê vừa thanh thoát lại vừa nặng nề xiết bao. Năm nay vừa tròn ba mươi tuổi nhưng chưa bao giờ bà thấy mình đẹp như thời gian này. Thân hình hơi mảnh dẻ, khuôn mặt không còn thanh tú thời thiếu nữ trưởng thành lúc bước lên xe hoa nhưng là của một thiếu phụ có thân hình cân đối, kiêu sa. Cứ mỗi buổi sớm mai, bà khiêu vũ một mình dưới con mắt tò mò của chú bộ đội đóng quân gẩn đó. Tính họ vẫn nhút nhát, không dám ngẩng đầu nhìn thẳng vào người đàn bà quý tộc đang nhún nhảy, cho làm như thế là phạm thượng. Bà Nam Phương tập thể dục đều đặn hàng ngày ngay cả sau này khi có chiến tranh cũng vậy.
Người dân quanh cung An Định cũng đã quen với cảnh này nên không mấy ai chú ý mà cũng chẳng bàn tán gì về sự có mặt của bà cựu hoàng với lũ trẻ lá ngọc cành vàng ở cái xóm yên tĩnh bên con kênh phía tây bắc thành Huế.
Tại Huế, cũng như quanh vùng Thừa Thiên – Huế không khí chính trị đã thay đổi kể từ khi cựu hoàng rời kinh thành ra Bắc và khi phái đoàn chính phủ đã quay về Hà Nội, mang theo họ những lời hứa hẹn đối xử khoan hồng với quan lại và chức sắc của chế độ cũ…
Trong khi một số quan lại cũ hội họp biểu lộ lòng trung thành với chế độ mới thì một số phần tử chống đối hoặc gây trở ngại cho chính quyền mới đều bị thẳng tay trừng trị. Không ai biết rõ con số là bao nhiêu. Trong tháng 11 các báo ở Huế đưa tin vắn tắt Phạm Quỳnh, nguyên thượng thư bộ Lại, đứng đầu Viện cơ mật của Triều đình Huế và Ngô Đình Khôi, nguyên thượng thư, cùng với con trai là Ngô Đình Huân đã bị toà án cách mạng xử tử trong thời gian thiết quân luật. Báo còn đưa tin: Sáng 10 tháng 12 năm 1945 toà án quân sự Thuận Hoá (tức thành phố Huế) đã mở phiên toà xử Nguyễn Tiến Lãng, trước đây là thư ký riêng của bà Nam Phương, cũng là con rể của Phạm Quỳnh, tuyên phạt tám năm tù, tịch thu hai phần ba gia sản. Một hôm cậu con trai lớn của bà Nam Phương, Bảo Long, gặp lại người thư ký riêng của cha mình bị cảnh sát vây quanh. Ông ta gầy giơ xương, râu ria mọc dài, run lẩy bẩy. Ông ta đến xin lại ít tiền đã gửi bà Hoàng hậu ngày trước để khi cần thì “trà thuốc” cho những người canh giữ mình hay để mua thức ăn thêm… Đám trẻ thắc mắc ông này trước đây béo tốt chững chạc mà nay trông thảm hại thế. Bà Nam Phương, không cười, giải thích khéo: Có lẽ do hút thuốc lá nhiều quá… Một điều kỳ diệu xảy ra với ông Lãng là ông chỉ bị giam một thời gian ngắn. Sau đó ông đi theo kháng chiến, được Việt Minh sử dụng vào việc dạy tiếng Pháp và dịch thuật.
Còn nhiều người khác kém may mắn hơn, tại sao họ không kêu cứu với cố vấn tối cao Vĩnh Thuỵ? Dù có kêu cứu bà Nam Phương thì với vị thế của bà lúc này cũng khó có thể giúp đỡ được ai.
Còn với ông cố vấn, chưa chắc ông để ý đến chuyện này tuy có thể một vài tin đồn về các vụ hành quyết đến tai ông. Ông bênh vực bạn bè và hình như nhờ đó có một số người thoát khỏi tội chết (trong đó có Ngô Đình Diệm). Nhưng những người đồng sự với ông cùng ngồi làm việc trên tầng gác Bắc Bộ phủ tức dinh Chủ tịch chính phủ đặt tại toà Thống sứ cũ, không ai còn nhớ được ông cựu hoàng có can thiệp giúp được ai không.
Hoàng gia đã rời khỏi hoàng thành để không bao giờ trở lại. Cả nhà bây giờ về ở cung An Định, một ngôi nhà xây lớn nhưng kém tiện nghi ở gần khu dân cư của thành phố Huế, trông như một cửa hàng bánh ngọt, một bề chạy dọc theo con đường đi Đà Nẵng, một bề sát con sông hẹp gọi là sông An Cựu, thuyền đi lại như mắc cửi. Chiếc thuyền rồng của Nhà vua neo đậu tại đây.
Dân nhà thuyền hễ trông thấy chiếc thuyền rồng neo ở đây là họ hiểu rằng Nhà vua đang ở trong cung An Định nên chỉ dám nhìn xuống mặt nước chứ không dám nhìn lên toà nhà để khỏi làm ô uế cung điện mùa hè của hoàng gia ở phía bờ nam sông Hương trong khu phố người Âu đối diện với hoàng thành. Trước toà nhà là mấy thước sân, giữa sân là hòn núi non bộ. Phía ngoài là chiếc cổng xây bề thế có hoạ tiết trang trí bằng đá. Đằng sau toà nhà là con đường dài giữa hai hồ nước ở hai bên. Cổng sau xây đơn giản, thanh thoát bù lại dáng vẻ nặng nề của cung An Định. Hai bên sân sau còn có hai dãy nhà, kiến trúc đơn giản một bên là nhà bếp và bên kia đã được dự kiến xây chuồng hổ và nuôi cá sấu. Nay hai dãy nhà này làm nơi đóng quân của đơn vị bộ đội Việt Minh vừa làm nhiệm vụ canh gác vừa giám sát hoạt động của hoàng gia. Chỉ huy kiêm chính trị viên của đơn vị cùng ở với anh em binh sĩ trong hai dãy nhà đó. Lúc mới đến ông chỉ huy còn lạ lẫm, nhưng rất nhanh chóng được đối xử như một thành viên trong hoàng gia. Cung An Định ngày nay trông hoang tàn. Dãy nhà bên trái trước dành cho bộ đội đóng quân đã bị phá huỷ trong chiến tranh không bao giờ được xây lại. Tính độc đáo của toà nhà này là sân sau được bố trí như một nhà hát ngoài trời do đích thân vua Khải Định ra lệnh xây dựng. Sân khấu là một sân trời xây trên bệ cao, trước mặt thấp hơn là chỗ ngồi của người xem.
Cung An Định được xây lên từ đầu thế kỷ. Kiến trúc thô thiển, nửa âu nửa á, cổ, kim lẫn lộn tuy bề thế nhưng kém tiện nghi, đồ đạc nội thất tồi tàn, lỗi thời, trong nhà thiếu ánh sáng. Từ khi xây dựng đầu thế kỷ, nó chưa bao giờ được cải tạo hay sửa sang lớn cho hợp với trào lưu hiện đại. Nơi đây còn là nơi ở của hoàng tử Vĩnh Thuỵ sau khi được tấn phong Đông cung thái tử lúc 6 tuổi, trước khi sang Pháp học tập.
Ngày nay ngôi nhà vẫn tồn tại nhưng trông như một cung điện hoang phế, biểu tượng của một sự giàu sang trong quá khứ(1). Trong nhà, gian phòng lớn tối tăm còn nguyên hàng cột, chiếc cầu thang nặng nề bằng đá, trên tường còn giữ các bức hoạ trong khung gỗ hình xoắn ốc dát vàng miêu tả phong cảnh khu lăng tẩm nhà Nguyễn ở vùng ngoại thành Huế. Tất cả còn lại như một nhà tù lớn. Nghe nói một kiến trúc sư người Pháp năm 1916 đã cho xây thêm ba sân trời ở phía sau để đón ánh sáng theo phong cách Địa Trung Hải. Nơi đây vào những ngày hè nóng nực, Nhà vua muốn tránh cái không khí oi bức trong Đại nội thường ra đây để nghỉ ngơi hóng gió Nam.
Bà Nam Phương cùng các con và bà Hoàng Thái hậu Từ Cung từ khi dọn ra đây đều sống chung dưới một mái nhà. Trước đây trong Tử Cấm thành, mỗi bâ đều có cung điện riêng. Quan hệ giữa họ với nhau không êm thấm gì, không chỉ là giữa mẹ chồng nàng dâu, mà do tính cách hoàn toàn khác hẳn nhau. Một bà xuất thân bình dân, làm vợ thứ ba của vua Khải Định, nhờ sinh con giai là Vĩnh Thuỵ nên sau khi Khải Định chết, Vĩnh Thuỵ được lên ngôi, bà mới được phong làm Hoàng Thái hậu, mộ đạo Phật, ít chữ nhưng trọng lễ nghĩa theo đạo Khổng, còn một bà là con nhà đại phú hào bậc nhất nhì miền Nam, du học bên Pháp từ nhỏ, tiếp thu văn hoá phương Tây, thuộc gia đình có đạo gốc đến mấy đời. Không có những cuộc cãi lộn om sòm mà chỉ là sự đối đầu ngầm trong cuộc chiến tranh lạnh thường là về những chuyện lặt vặt như cách nuôi dạy con, cúng giỗ tổ tiên. Bà Nam Phương không chịu được mùi hương. Thế nhưng trong Đại Nội, mỗi cung điện đều có bàn thờ riêng, thờ tổ tiên, thờ thổ công, thổ địa như phần lớn các gia đình Việt Nam khác.
Trong số gia nhân thị nữ theo các bà hoàng có Sử Lệ, một chị hầu phòng rất mực trung thành, đã rút cả tiền để dành để giúp đỡ hoàng gia. Cũng như cựu hoàng bà Nam Phương không có nhiều tiền để dành ngoài những đồ trang sức đắt tiền do chồng bà cùng các bạn biếu tặng. Tuy đã giảm rất nhiều nhưng số gia nhân đầy tớ theo hai bà về cung An Định cũng còn đến mười người.
Bà cựu hoàng Nam Phương và các con được tự do đi lại chỉ cần báo trước cho ông chính trị viên đơn vị bộ đội được giao canh gác cung An Định cũng như bảo đảm an toàn cho các thành viên hoàng gia mỗi khi cần đi ra ngoài phố. Dĩ nhiên bà không chịu để người này nhìn soi mói vào cuộc sống của bà nhất là sau khi có một số vụ hành quyết của toà án cách mạng gây nỗi kinh hoàng cho những ai trước đây hay giao du với người Pháp.
Các linh mục và tu sĩ Công giáo cung cấp đều đặn tin tức cho bà, nhờ đó bà biết rõ diễn biến của các sự kiện, và càng làm tăng thêm nỗi lo âu của bà. Bà hay nổi nóng một cách vô cớ. Cộng với những lo lắng về chính trị bà còn sợ hãi những cơn giận dữ của con trai bà. Bảo Long không phải là đứa trẻ dễ tính. Những người thân thuộc rất sợ mỗi khi cậu bé nổi giận vô cớ hoặc chỉ vì những chuyện không đâu như phải chờ đợi lâu mỗi khi đòi hỏi một điều gì đó. Bà hoàng với mấy gia nhân còn lại không còn biết nhờ ai giúp thằng bé trở lại bình tĩnh. Bản thân bà cũng trở nên nghiêm khắc hơn, kém kiên nhẫn và kém độ lượng hơn. Tuy vậy, Bảo Long tỏ ra là một thiếu niên ngoan ngoãn. Ít có những ảnh chụp nào mà không thấy mấy anh em quây quần bên nhau: Một đứa con trai mẫu mực, chững chạc, biết suy nghĩ.
Cậu bé lại cắp sách đến trường. Nhưng không phải là trường cũ. Không còn điều kiện lên tận Đà Lạt để đi học trường Công giáo như trước. Cũng không còn gia sư trong nhà. Bây giờ là đi học trường công trong thành phố, đúng hơn là trường Lycée cho con gái nhưng ở các lớp dưới, con trai con gái học chung. Cậu ta vào học lớp tám theo chương trình trung học tương đương với lớp nhì tiểu học. Chương trình học có một cải tiến làm cậu ta ngao ngán: cấm nói tiếng Tây ngược hẳn với trước đây Ai vi phạm sẽ bị kỷ luật. Lúc đầu, cậu bé nói tiếng mẹ đẻ rất kém nên ít nói, cậu ta thấy lạc lõng nhưng rồi hoà nhập rất nhanh với bạn bè trong lớp. Có hôm, thấy các cháu lúng túng không tìm được từ tiếng Việt thích hợp, cô giáo phải nhắc nhưng lại dặn đừng kể với ai, vì làm như thế chúng sẽ chóng quên tiếng mẹ đẻ, nhất là mấy đứa em gái Bảo Long. Còn cậu ta thì vẫn say mê với đống sách truyện tiếng Pháp của ông nội là đức vua Khải Định để lại, nhất là mấy cuốn truyện viễn tưởng khoa học của Jules Verne. Nhờ đọc thẳng từ nguyên tác tiếng Pháp, nên những câu chuyện về đại uý thuyền trưởng Nemo và về Phileas Fogg – những nhân vật trong tác phẩm của Jules Verne – Bảo Long vẫn có dịp tiếp xúc với tiếng Pháp.
Bây giờ Bảo Long đi học không phải để sau này làm vua nữa. Với cái tên được ghi danh là Nguyễn Bảo Long, cậu ta cũng chạy nhảy, rong chơi ngoài đường, nô đùa, nghịch ngợm, cãi nhau, đánh nhau như mọi học trò khác. Không còn bị ràng buộc bởi bao điều cấm kỵ gò bó như đối với một đông cung thái tử khi trước. Các bạn học trong trường chẳng mảy may phân biệt đối xử, thù ghét gì dòng dõi hoàng gia. Hơn thế mọi người vẫn kính nể ông vua cuối cùng triều Nguyễn đã tự nguyện rời bỏ ngai vàng để giao chính quyền cho cách mạng rồi trở thành cố vấn tối cao của chính phủ, ngang hàng với chủ tịch Hồ Chí Minh, người giải phóng cho dân tộc.
Được cái Bảo Long học rất khá. Đứng đầu lớp, được ghi tên trên bảng danh dự. Trong các buổi chào cờ ngày đầu tuẩn, cậu ta được vinh dự kéo lá cờ đỏ sao vàng lên đỉnh cột cờ ở sân trường như mấy tháng trước đây cậu ta cũng được chọn để kéo là cờ tam tài của nước Pháp?
Có những niềtn vui tuổi trẻ con mà trước đây trong cuộc sống trong cung cậu ta không bao giờ được biết tới: đi chăn vịt với trẻ con đường phố, té nước vào nhau trên các vũng nước trong mùa mưa xứ Huế. Lần đầu tiên, Bảo Long biết thế nào là mùa mưa ở Huế. Mọi năm, cứ đến trước mùa Giáng sinh mấy mẹ con bà Nam Phương lại kéo nhau lên nghỉ ở Đà Lạt có khí hậu vùng núi cao, để tránh mùa mưa xứ Huế. không phải là mưa rào từng cơn mà là mưa phùn, lâm thâm, không ngớt suốt đêm ngày, kéo dài từ tháng chạp năm trước đến tháng ba năm sau. Mọi thứ đều ẩm ướt, đường sá nhớp nháp, cảnh tượng thiên nhiên buồn bã.
Từ sau khi Vua Bảo Đại thoái vị, hoàng gia dọn về ở trong cung An Định không còn cha cố đến nhà rao giảng kinh thánh, không còn cầu nguyện ngay trong phòng riêng, vào mỗi buổi tối. Mỗi buổi sáng sớm, tập thể dục xong, bà chỉ cần qua sân sau sang bên kia đường mấy chục mét là đến giáo đường dòng Chúa Cứu thế để cầu nguyện và nghe cha cố giảng giáo lý, và cũng là dịp để nghe ngóng tin tức. Còn các con bà thì chúng đã nhanh chóng hoà nhập với cuộc sống học đường, đã tiếp thu ảnh hưởng mác-xít của Việt Minh.
Cuộc sống dường như phẳng lặng nhạt nhẽo. May mà còn có các cuộc míttinh, biểu tình chẳng ngày nào không có, chẳng khác nào vào mùa lễ hội. Đó là thời kỳ của những hoạt động sôi nổi tác động mạnh đến tâm lý người dân. Cũng như cha chúng ở Hà Nội, con của bà Nam Phương, những hoàng tử, công chúa lá ngọc cành vàng trước đây, chẳng cuộc míttinh, biểu tình nào vắng mặt. Chúng còn hô khẩu hiệu to hơn những đứa trẻ khác. Hoàng gia còn tích cực hưởng ứng các cuộc lạc quyên trong đó có Tuần lễ Vàng. Bà Nam Phương đóng góp vài chiếc xuyến bằng vàng ròng. Được tuyên dương, bà thấy cũng chẳng có gì đáng gọi là công trạng. Tiếp theo là tuần lễ quyên góp đồng, quyên vải may quần áo giúp trẻ em nghèo trong mùa đông lạnh giá. Dư luận tỏ thiện cảm với bà khi bà tuyên bố với nhà báo: “Tôi rất vui mừng và cảm ơn Chính phủ Dân chủ Cộng hoà đã đối đãi rất tử tế với gia đình chúng tôi. Chúng tôi rất vui mừng thấy chị em đã tiến rất chóng trên con đường cứu nước. Từ trong nội mới dọn sang, nhà cửa xếp đặt chưa xong, hiện nay tôi chưa làm gì được nhiều, song nay mai khi nào chị em có việc gì cần đến tôi, tôi sẽ rất sung sướng mà gánh lấy một phần công việc”(2). Khi dự tiệc của các nhà báo chiêu đãi phóng viên Mỹ của hãng Associated Press ghé qua Huế, bà yêu cầu nhà báo Mỹ lúc nào về nước làm ơn cho chính phủ và dân chúng Mỹ biết chồng bà, Hoàng thân Vĩnh Thuỵ đã rất vui lòng thoái vị đế tỏ lòng đoàn kết với toàn dân Việt Nam ủng hộ chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà(3).
Ngày 18 tháng 11 năm 1945, bà cựu hoàng ra lời kêu gọi phụ nữ toàn thế giới, được các báo đăng toàn văn như sau:
“Nước Việt Nam đã thoát khỏi ách nô lệ… Chính phủ Lâm thời Dân chủ Cộng hoà đã thành lập. Chồng tôi, ông Vĩnh Thuỵ tức cựu Hoàng đế Bảo Đại đã từng tuyên bố “Vui lòng làm dân một nước tự do hơn làm vua một nước nô lệ” nên đã đồng ý thoái vị. Tôi cũng đã đồng ý với chồng tôi, nên chồng tôi đã làm cố vấn trong chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Riêng tôi, tôi cũng đã cùng với các chị em phụ nử giúp nhiều việc trong công việc xã hội ở nước chúng tôi.
Chúng tôi chỉ đinh ninh phụng sự cho tổ quốc của chúng tôi. Nhưng từ lâu nay bọn thưc dân Pháp được sự che chở của phái bộ Anh đã xâm chiếm đất nước chúng tôi và miền Nam nước Việt Nam hiện giờ, nơi chôn rau cắt rốn của tôi đang bị chìm đắm trong vòng khói lửa.
Đồng bào chúng tôi trong ấy có cả thân quyến của tôi bị giết, bị hành hạ bởi sự tham tàn của một bọn người xâm lược. Những bạn bè của tôi ở nhiều nước châu Âu, các ông các bà đã quen biết tôi, tất cả những người yêu chuộng tự do công lý, các người kêu gọi chính phủ của các người cương quyết can thiệp để ngăn cản bàn tay đẫm máu của bọn thực dân Pháp ở miền Nam nước Việt Nam là các người đã làm ơn cho dân tộc chúng tôi, làm ơn cho tất cả phụ nữ chúng tôi, cho cả tôi nữa. Các người hãy tin chắc chắn rằng mối cảm tình nồng nàn của dân tộc chúng tôi, của riêng tôi đối với các người sẽ nhờ đó mà tồn tại mãi mãi.
Thay mặt cho mười ba triệu bạn gái của nước Việt Nam, một lần nữa tôi kêu gọi lòng bác ái nhân đạo của các người. Tôi mong mỏi các người không để cho chúng tôi phải thất vọng”.