Ai chủ động trong việc nầy? Ông Bảo Đại: đó là Paris. Một nhân viên Ngân hàng Đông Dương bắn tin: chính phủ Pháp muốn ông trở lại ngôi báu. Thấy ông đang gặp khó khăn về tài chính, Ngân hàng Đông Dương dành ngay cho ông một ngân khoản hai nghìn đôla Hongkong. Sau đó lại thêm một món tiền của giáo hội Pháp cho vay nữa. Các giáo sĩ dòng Tên chỉ đòi hỏi món vay được đảm bảo bằng tài sản của ngai vàng.
Theo cơ quan tình báo Pháp thì chính là Bảo Đại chủ động yêu cầu được giúp đỡ, sau khi đã tiêu đến đồng đôla cuối cùng. Ông nhận được một món tiền nhỏ, năm trăm đồng sau khi có ý kiến của lãnh sự Pháp, Bộ Ngoại giao và Bộ Thuộc địa. Số tiền đó chỉ đủ dùng để tránh cho cựu hoàng khỏi bị các nhân viên nước ngoài khác lôi kéo. Trong bất kể tình huống nào thì khi đã có tiền, ông lập tức đổi sang một khách sạn mới, sang trọng hơn.
Đó là khách sạn Gloueester trên đường Hoàng hậu (Queen’s Road).
Thế cũng chưa đủ. Các phái viên Pháp tiếp tục dùng tiền để lung lạc cựu hoàng. Một người tên là Yole, tình báo viên gài vào lãnh sự quán Pháp tại Hongkong, cứ đều đều mỗi tháng rót cho ông năm nghìn đôla Hongkong. Tiền nầy lấy từ quỹ đen của ông Bollaert. Một món tiền lớn để chi cho các hoạt động chính trị: một phần dành cho các đại biểu của các tổ chức “quốc gia” đến thăm ông. Nguồn gốc của khoản tiền ấy được giữ kín. Các chính khách sa-lông khi nhận được trợ cấp ngoài mong đợi ấy, đinh ninh rằng Bảo Đại đã gia ân cho họ.
Một phái viên khác tên là Reynaud, một cộng tác viên thân cận của Cao uỷ Bollaert làm con thoi chạy đi chạy lại giữa Sài Gòn và Hongkong. Không chỉ đóng vai trò trung gian, Cao uỷ còn giao trách nhiệm cho ông ta “bám sát” cựu hoàng, tham dự các hội hè ban đêm của ông, trở thành một trong những người thân tín của ông. Reynaud biết Bảo Đại từ lâu vì trước chiến tranh thế giới ông ta đã là nhân viên bảo hiểm của ông.
Người bạn mới nầy còn ra sức khuyến khích ông trở lại các phi vụ làm ăn và sẽ cung cấp tiền bạc. Nhưng một người tin cẩn khác của Cao uỷ là Cousseau – nguyên công sứ Sơn La – nắm dây thắt hầu bao. Ông ta nói với nhà báo Lucien Bodard: “Tôi tin sắp thành công đến nơi vì Bảo Đại rất cần tiền. Đó là một ông vua tầm thường, bị phế truất, không có tiền tiêu, không có hoài bão gì. Ông ta đang trong cảnh gần như khốn cùng. Thực tế đó là một công việc không dễ dàng chút nào. Tôi đã đem đến hàng triệu bạc, mà vẫn không đủ [...]. Trở lại với cuộc sống ăn chơi xả láng, Bảo Đại càng bị lôi cuốn… Ông ta hiểu rằng người ta càng gắn với ông bao nhiêu thì lại càng cần đến ông bấy nhiêu“.
Nguồn gốc sự phất lên rất nhanh của Bảo Đại là một bí mật mà mọi người ai cũng biết cả. Trong một vụ khám va-li của con gái Bollaert tại phi cảng Sài Gòn, một khoản tiền ngoại tệ sáu trăm ngàn đồng bị phát hiện. Cô gái khai số tiền nầy gửi cho chánh mật thám.
Ông nầy buộc phải nói rõ: đó là “tiền lương trả cho chi phí lưu trú của Bảo Đại ở Hongkong”.
Nhờ chế độ chuyển tiền hay “buôn bạc” mà những món tiền nhỏ ban đầu nhanh chóng trở thành khó che mắt thiên hạ. Những trò “ảo thuật” rất hời ấy do một thanh tra tài chính tìm ra. Tất cả những đồng bạc được phép chuyển từ Sài Gòn hay Hà Nội đến Paris đổi ra đồng franc được tăng gấp hai lần giá trị ban đầu. Làm như vậy để khuyến khích những người lao động chân chính sang làm việc ở Đông Dương hoặc bù trừ cho những nhà buôn phải liều lĩnh bỏ vốn làm ăn ở cái xứ sở đang có chiến tranh. Một đồng bạc Đông Dương được phép chuyển về chính quốc ăn mười bảy franc. Nhưng nếu quá hạn mức cho phép được chuyển tiền về nước thì một đồng bạc Đông Dương chỉ ăn có tám franc. Bảo Đại nhận đổi cho người Pháp làm việc hay kinh doanh ở Đông Dương muốn chuyển tiền về nước ngoài hạn mức, từ đồng bạc Đông Dương ra đôla Hongkong với giá tám franc/đồng bạc Đông Dương. Ông gửi những đồng bạc Đông Dương đó về Sài Gòn và làm thủ tục chuyển tiền về Paris, làm như những đồng bạc đó kiếm được một cách hợp pháp tại Đông Dương chứ không phải mua lậu tại Hongkong. Tiền nầy trở về Paris đổi thành franc với giá hối đoái mười bảy franc một đồng. Như vậy chỉ cần cho tiền lộn về Hongkong và lại tiếp tục hành trình đi – về.
Phải chăng cựu hoàng đã phất to nhờ hệ thống chuyển tiền ma quái nầy?
Đúng là như thế. Dù sao tài sản của ông tăng vọt.
Sau nầy ông thú nhận: “Tiền ngoại tệ ồ ạt gửi đến cho tôi, kèm theo những móc ngoặc trong bộ máy ngân hàng – tài chính, khiến tôi có thể làm biến đổi tỷ giá hối đoái của đồng bạc Đông Dương ở Hongkong“(4).
Như vậy có phải là phi pháp, bất bình thường không? Ở Đông Dương, trong thời kỳ đầu của chiến tranh thì chuyện đó không có gì là bất bình thường.
Vòng quay của đồng tiền không ngừng tăng tốc độ, những phi vụ không có gì nguy hiểm và khó khăn… mà ai cũng có phần trong khi vẫn phải tiếp tục các cuộc giao chiến, sống chết không biết lúc nào. Không kể các vụ buôn bán khác dứt khoát là đáng ngờ, mà một số người thân cận của ông là thủ phạm. Còn ông không thể không được chia phần, một khi các vụ làm ăn phi pháp trót lọt.
Cựu hoàng cho Phan Văn Giáo, bí thư của ông, hai mươi ngàn đôla Hongkong để thưởng công cho Giáo đã làm việc tốt. Với số tiền đó, Phan Văn Giáo mua mười lăm hòm kháng sinh gửi về Sài Gòn trên một con tàu hải quân của quân đội quốc gia. Một nơi khác một xe cứu thương dỡ hàng xuống nhà bà Didelot, chị gái bà Nam Phương Hoàng hậu. Các hòm hàng được đem bán lại ở chợ đen, được bảy trăm năm mươi nghìn đồng. Ai mua? Người của Việt Minh mua hàng đem về bưng biền! Bảo Đại có biết không? Không thể nào không biết. Chính ông cũng tham gia vào các vụ áp-phe của đám cận thần. Ngoài Phan Văn Giáo còn có Nguyễn Hữu Thí, giám đốc cơ quan tình báo của ông cũng là cố vấn tài chính cho ông. Thí nắm độc quyền cung ứng và vận tải cho miền Trung Việt đồng thời cũng buôn bán kim cương, rượu vang, cao su và cùng với Pierre Reynaud trở thành nhân vật thân tín của cái “hợp tác kinh tế và quân sự ở Trung Kỳ”.
Ấy thế mà chẳng có gì rõ ràng cả. Chẳng ai biết chính xác ông cựu hoàng lưu vong làm việc cho bên nào. Các vụ áp-phe lớn thu lợi cho ông và đám cận thần đã đành mà Việt Minh được một nguồn tiếp tế có đảm bảo chẳc chắn.
Quan hệ tay đôi giữa nhà cách mạng lão thành Hồ Chí Minh và cựu hoàng Bảo Đại lưu vong thế là tan vỡ chăng? Không hoàn toàn như vậy. Hãng thông tấn Anh Reuter loan tin: Bảo Đại khẳng định: “Không bao giờ tôi trở lại Huế để lập một chính phủ bù nhìn cho người Pháp. Tôi thấy ông Hồ Chí Minh là một con người tài năng, một người yêu nước chân chính“.
Riêng đối với ông Hồ, không bao giờ Bảo Đại lên án. Ông tránh không tỏ ra đứng hẳn về phe nào. Có lẽ như thế là khôn ngoan. Việc tự nguyện thoái vị của ông đã được lòng dân chúng. Ai cũng biết hai người đều có chung một nguyện vọng muốn cho đất nước được độc lập dân chúng được sung sướng, nhưng con đường đạt mục đích khác nhau, lối sống khác nhau, nhưng trong thời kỳ còn hợp tác với nhau Hồ Chí Minh bao giờ cũng có thái độ tôn trọng cựu hoàng – cố vấn tối cao của chính phủ.
Chính phủ Việt Nam, một mặt duy trì Bảo Đại trong cái vị thế kỳ quặc “cố vấn tối cao”, mặt khác tấn công triệt để vào các nhân vật thân cận của ông. Nhân vật thân cận chứ không phải ông.
Hồ Chí Minh kiên nhẫn chờ đợi kết cục các cuộc thương thuyết giữa cựu hoàng với Pháp rồi mới tỏ thái độ dứt khoát.
Ngày 5 tháng 7 năm 1947, Bảo Đại lên tiếng ở Hongkong trong một cuộc trả lời phỏng vấn: “Nếu toàn dân Việt Nam đặt lòng tin vào tôi [...] tôi sẽ sung sướng trở về Đông Dương. Tôi không ủng hộ cũng không chống lại Việt Minh, tôi không thuộc đảng phái nào!”.
Mặc dù lên án chủ nghĩa cộng sản, ông không lớn tiếng đả kích chế độ Dân chủ Cộng hoà đối phương, không trực diện công kích cá nhân Hồ Chí Minh…
Nhưng cuộc mặc cả vẫn chưa ngã ngũ. Bảo Đại cao giọng đòi Pháp phải trao trả độc lập, công nhận nền thống nhất, Nam Bộ phải trở về lãnh thổ nước Việt Nam không cần trưng cầu ý dân. Về hình thức tưởng như cựu hoàng còn đòi hỏi cao hơn Hồ Chí Minh năm 1946. Trong dân chúng nhất là trong vùng Pháp kiểm soát, có dư luận cho rằng cựu hoàng giao thiệp với Pháp là có sự thoả thuận với Hồ Chí Minh, như năm 1945, ông đã nhận nền độc lập từ tay Nhật để rồi mấy tháng sau lại trao lại cho Việt Minh. Phải chăng, tại Hongkong, ông lại tái diễn lớp trò nầy. Ông thương thuyết với người Pháp để trở lại nắm quyền bính, rồi sau đó, ông sẽ cai quản đất nước cùng với Hồ Chí Minh? Philippe Franchini, người Pháp chuyên về chiến tranh Đông Dương viết: “Một nhóm người nhìn ông như quốc vương của một nước Việt Nam tìm lại được đạo trung dung của Khổng Tử. Nhóm khác thì xem ông là sự bổ sung cho Hồ Chí Minh, giống như âm và Dương, như Mặt trời và Mặt trăng, chụm lại thì thành vòng tròn hoàn chỉnh, hình dung về một nước Việt Nam lý tưởng“(5). Từ căn cứ kháng chiến, ông Hồ Chí Minh nói với S. Ehe Maissie phóng viên hãng thông tấn Mỹ International New Service Mỹ, như để đính chính:
“Ông Vĩnh Thuỵ là cố vấn trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã tuyên thệ trung thành trước Quốc hội, trước Chính phủ và trước quốc dân. Ông ta chỉ có tư cách đứng ra điều đình khi nào được Chính phủ Cộng hoà Việt Nam uỷ quyền“.(6)