Cuối cùng một chiếc máy bay DC-3 đưa họ lên Trùng Khánh, một thành phố ba triệu dân, nơi chính phủ Trung Hoa đóng.
Ở đây trong khách sạn mới “Bốn mùa”, Bảo Đại được bố trí một phòng rộng có phòng tiếp khách riêng, trong lúc Nguyễn Công Truyền và Hà Phú Hương chung nhau một phòng nhỏ. Họ còn phải chờ đợi mấy hôm nữa. Cuối cùng văn phòng chính phủ yêu cầu cựu hoàng chỉ một mình ông đến nói chuyện với thống chế họ Tưởng. Người ta hỏi Bảo Đại, người đi du lịch, có phải đúng ông cầm đầu phái đoàn không? Bảo Đại từ bỏ cây vợt đến dinh thống chế. Vẻ uy nghiêm của dinh thự Tưởng Giới Thạch khiến ông nhớ lại cung điện vàng son của ông trong Tử Cấm thành Huế.
Những nghi thức trọng thể dành cho ông, mà tại Hà Nội có đôi chút lãng quên, chứng tỏ người Trung Quốc coi sự thoái vị chỉ là một giai đoạn.
Một chiếc xe công đến khách sạn đón và đưa ông đến trụ sở chính phủ. Ông được các nhân vật cao cấp Quốc dân đảng mời ăn trưa. Cựu hoàng không tiết lộ với các bạn đồng hành nội dung của những cuộc trao đổi. Sau nầy ông tâm sự với một nhân viên mật vụ Pháp:“Người ta cho tôi biết chính phủ Việt Nam, một mặt cử tôi đi thực hiện một sứ mạng hữu nghị với Trung Hoa thì đồng thời cũng cử một phái đoàn đi gặp đại sứ Xô viết. Tưởng Giới Thạch rất bất bình. Trong thực tế, chính là Mạc Tư Khoa chỉ huy mọi công việc hiện nay ở Hà Nội”(3). Ông Hương, người phát ngôn chính thức của phái đoàn, rốt cuộc được mời dự một cuộc hội đàm với những người lãnh đạo Quốc dân đảng Trung Hoa. Cuối cùng do Bảo Đại yêu cầu khẩn thiết, toàn thể thành viên trong phái đoàn được các cố vấn của Tưởng Thống chế tiếp trong một ngôi chùa để buổi hội kiến không có tính cách chính thức vì người Trung Hoa không muốn tiếp chính thức những nhân vật cộng sản.
“Các ngài có thể cung cấp vũ khí cho chúng tôi hoặc giúp chúng tôi chiến đấu với người Pháp không?”. Ông Hương nêu câu hỏi.
“Sau khi Nhật đầu hàng, chúng tôi có quá nhiều vấn đề phải giải quyết. Hơn nữa tất cả những phương tiện chúng tôi có trong tay đều cần để cầm chân quân đội của Mao Trạch Đông. Chúng tôi không có phương tiện để gíúp các ông”.
Sự từ chối là dứt khoát nhưng đài phát thanh Pháp nhắc lại: “Một phái đoàn quan trọng của chính phủ cách mạng đã gặp Tưởng Giới Thạch”. Thông báo nầy hình như để tỏ ra rằng mối dây liên hệ giữa nước Pháp và Trung Quốc không chặt chẽ như người ta tưởng. Chính phủ Hà Nội ra sức tuyên truyền, quảng bá rộng rãi tin nầy. Nó cũng đáng giá cho chuyến đi nầy, Hồ Chí Minh không mong gì hơn thế.
***
Buổi tối Bảo Đại được tự do nhưng có kiểm soát. Người Trung Hoa không để cho ông được tự do sống cuộc sống ban đêm của ông dù rằng, mặc dù trong thời chiến, Trùng Khánh không thiếu trò tiêu khiển hấp dẫn. Có nhiều cạm bẫy, người Pháp có thể bắt cóc ông. Cuối cùng, khi người Trung Hoa nhận thấy cựu hoàng không thể nhịn những cuộc đi ra ngoài phố đó, họ phái đến cho ông một cô gái gọi. Cô nầy ngày đêm không rời ông nữa.
Chuyến đi và những cuộc thương thuyết của Bảo Đại với thống soái gây ra một mối băn khoăn lớn trong các nhân viên mật vụ đang giám sát thành phố Trung Quốc. Báo cáo của họ mâu thuẫn lung tung.
Cựu hoàng đi Trung Hoa chính xác vì lý do gì, cho ai? Đây là một đề tài nghiên cứu thú vị của giới tình báo.
Lúc đầu, cơ quan mật thám Pháp báo tin, ông sang Trung Quốc để đạt được việc rút ba mươi nghìn quân được gửi sang Việt Nam để chống lại quân đội do Paris gửi sang. Sau đó họ lại khẳng định: ông sang để thương lượng vay hai mươi triệu đồng của các nhà tài chính Mỹ do Tưởng Giới Thạch giới thiệu. Theo một loạt nguồn tin khác, nguồn tin nào cũng nói là có nguồn đáng tin cậy, Bảo Đại suýt nữa thành nạn nhân của một vụ mưu sát ở Côn Minh, ông không ngừng kêu gọi sự can thiệp của các cường quốc đồng minh công nhận ông là chủ tịch chính phủ Việt Nam thay thế Hồ Chí Minh đã bị cộng sản Pháp mua chuộc. Một tin khác: cựu hoàng tìm cách bán cho Trung Quốc các mỏ than ở Hồng Gai để lấy súng đạn, điều chắc chắn là Nhà vua trẻ đã nhiều lần tiếp xúc với đại sứ quán Hoa Kỳ. Ông mong Washington sẽ vào cuộc và người Mỹ sẽ chấp nhận làm trọng tài giữa nước Pháp và Việt Nam mới.
Thời kỳ Nhà vua phải mưu mẹo mới mua được quyển album dán tem đã xa rồi. Chiến tranh và cách mạng đã khiến ông trở nên quan trọng. Không phải do hành vi của ông hay sự lựa chọn đã chứng tỏ sự sáng suốt nhìn xa trông rộng của ông. Nhưng từ nay ông cân nhắc các sự kiện và mánh khóe. Con người ông chứa đựng một mớ hỗn tạp nhập nhằng. Có lúc ông thật sự là một thanh niên cường tráng lúc nào cũng mang một nỗi phiền muộn triền miên. Hình ảnh ông mờ nhạt. Hơi mềm yếu. Hình như ông để cho các sự kiện kéo đi mà không có chính kiến, hay không có cả nghị lực vững vàng. Hình như ông để mặc cho ngọn gió đẩy ông theo chiều hướng tốt.
Đến lúc phải trở về, cựu hoàng thông báo thẳng thừng với các thành viên trong phái đoàn “Tôi ở lại, tôi sẽ đi du lịch”. Ông thêm: “Nếu gặp vợ tôi, nhờ các ông nói giúp tôi khỏe”.
Hà Phú Hương nổi giận, không giữ được những điều kìm nén trong lòng từ lúc ra đi: “Thưa ngài, ngài chỉ nghĩ đến ăn chơi, gái và cờ bạc”.
Cựu hoàng mỉm cười nhưng không nói gì. Nhận xét của ông Hương đâu có sai sự thật. Chuyện nầy do Hương thuật lại, chuyện kể chắc có thể khác nếu mấy tháng sau Bảo Đại không chống lại những người cộng sản.
Rõ ràng là cựu hoàng không trở về với gia đình. Một học sinh trốn học. Một vấn đề chính trị cao siêu hay đơn giản chỉ là lo cho sinh mạng không bảo đảm an toàn, nếu trở về với cách mạng là vấn đề an toàn. Bỏ trốn hay chỉ là vắng mặt, vấn đề nầy ông đã lưỡng lự lẩn tránh từ khi cách mạng nổ ra, bây giờ ông mới giải quyết.
Quyết định của cố vấn khiến mọi người sửng sốt.
Phái đoàn Việt Nam nghe Bảo Đại nói vậy tưng hửng như từ trên cao rơi xuống. Muốn hay không, đoàn cũng phải rời Trung Hoa về nước. Ngoài Bảo Đại, Nghiêm Kế Tổ cũng ở lại không chịu về. Từ sau hiệp định 6 tháng 3, quân Pháp thay thế quân Trung Hoa lo giải giáp và hồi hương quân Nhật. Quân của tướng Lư Hán rút khỏi miền Bắc, các đảng phái đội lốt quốc gia chống phá cách mạng mất luôn chỗ dựa. Chính phủ nhân cơ hội nầy thẳng tay trừng trị chúng, giải tán các toán vũ trang, xoá bỏ chính quyền ly khai ở một số tỉnh.
Ông Hương và Nguyễn Công Truyền trở về Hà Nội để báo cáo với chủ tịch Hồ Chí Minh. Biết nói gì đây?
Một cuộc chạy trốn, một sự đào ngũ hay chỉ là ý muốn ngông cuồng đi du lịch? Kể lại có ích gì. Bình thường ra, phái bộ đi Trung Hoa sẽ phải có một người ở lại Trung Hoa là đại diện như trong quyết định của hội đồng chính phủ trong phiên họp ngày 11 tháng 3 năm 1946. Nhưng người đó là ai? Hồ Chí Minh chắc chắn biết trước ý định của ông cố vấn tối cao. Ông có viết thư cho Bảo Đại bảo ông ta ở lại chờ lệnh mới không?
Không ai khẳng định điều nầy. Ngoài mặt ông tỏ ý tiếc sự lựa chọn của Bảo Đại. Tuy nhiên nhịp cầu không vì thế bị cắt đứt. Hơn thế nữa, Hồ Chí Minh còn thuyết phục chính phủ gửi cho Bảo Đại một số tiền để ông ta có thể trở về nước trong trường hợp ông muốn trở về.
Trong thực tế, ông cố vấn tối cao không còn một xu dính túi. Tiền vợ nhờ chuyển cho chẳng còn gì, tiền nằm trong tài khoản của ông ở nhà băng Đông Dương bị phong toả. Muốn sống ở Trung Hoa ông phải vay nợ.
Lúc đầu ông vay của một người Tàu tên là Wong Phu. Ba năm sau, khi ông lại được làm quốc trưởng, người Tàu nầy gõ cửa đòi nợ. Ông vay của Lý Lệ Hà, cô nhân tình đã lặn lội sang Trùng Khánh theo ông, chia sẻ ngày đêm với ông và mở hầu bao. Bảo Đại lao vào các cuộc thương thảo với người Trung Hoa và Pháp. Ông sống nhờ vào tiền tiết kiệm của nhân tình. Sau nầy ông còn được một người Trung Hoa khác bao ông. Zing Tsong Phao, một nhân viên tình báo Trung Hoa-Mỹ, người đã tiễn ông ở Côn Minh.
Bảo Đại đi rồi, dù báo chí Hà Nội không có bài nào lên án hành động phản bội của ông nhưng đây đó những tin đồn về nguồn gốc đáng ngờ của ông được nhắc lại truyền tai nhau. Những chuyện xấu xa về tư cách ông được bàn tán, lan rộng khắp phố phường Hà Nội.
Chú thích:
(1) Hồ sơ lưu trữ bộ Ngoại giao Pháp.
(2) Yunnan Ye Pao – Vân Nam Nhật báo, số ra ngày 24 tháng 3 năm 1946.
(3) Hồ sơ lưu trữ bộ Ngoại giao Pháp – Vụ Á – Châu Đại Dương,