Bảo Đại đứng ở đằng mũi tàu. Ông bận quốc phục. Áo và khăn vàng. Đoàn tuỳ tùng có mấy người anh em họ và một vài cố vấn. ở đằng lái phía sau, số đông hành khách đứng trên cầu tàu vừa để đón gió biển vừa để nhìn rõ quang cảnh đón tân vương. Những tà áo trắng của phu nhân các quý quan chủ đồn điền hay công chức thuộc địa phấp phới bay trước gió. Các ông chồng cầm mũ trong tay. Trước cảnh tượng lạ mắt đó, Bảo Đại có vẻ xúc động. Một niềm hạnh phúc thật sự hiện rõ trên khuôn mặt bình thản, khó ai có thể đoán được ông nghĩ gì. Nước sông Cửu Long xám xịt bùn còn nước biển đục ngầu đến hàng chục dặm tính từ cửa sông. Chỗ tàu bỏ neo, rất gần đất liền. Đó là lãnh thổ Việt Nam hay đúng hơn là đất đai xứ Nam Kỳ. Sài Gòn ở cách biển chừng bốn chục cây số ngược lên thượng lưu. Hôm đó Nhà vua từ xa đã lại nhìn thấy đất nước mình sau gần mười năm xa cách.
Ảnh:Lễ đón rước Bảo Đại về nước, năm 1932
Tháng 9 năm 1932, đúng như đã dự kiến, Bảo Đại bắt đầu cuộc đại hành trình về nước. Đáp ứng nguyện vọng của ông Chatel, nước Pháp, chính phủ và quân đội không thể xem nhẹ mà phải ra sức làm cho chuyến trở về nước của ông thật rùm beng. Phải có nghi thức rầm rộ. Trước hết là ông Albert Sarraut, Bộ trưởng Thuộc địa, đại diện chính phủ thân hành đến Marseille để tiễn. Sau đó là những nơi tàu ghé lại đều tổ chức đón tiếp linh đình, trừ ở Penang là nơi Sở mật thám được tin mật báo có vụ mưu sát. Đây là vụ thứ ba được phát hiện. Sau hai lần trước định tổ chức ở Paris và Marseille không thành công, người ta dự định sẽ tổ chức vụ ám sát khủng bố dự định biến bán đảo Mã Lai phải đổ máu. Ngày hôm đó, con tàu xuyên đại dương mang tên Président Doumer đã phải âm thầm thả neo ở xa nơi tổ chức lễ đón tiếp(1). Nhưng hung thủ, người của ban Thuộc địa Đảng Cộng sản Pháp đã không xuất đầu lộ diện. Con tàu khách đi tiếp vào lãnh hải Việt Nam, uể oải thả neo ở mũi Saint-Jacques (Cam Ranh ngày nay) chung quanh có các tàu chiến bảo vệ. Sở mật thám thở phào. Tại đây Bảo Đại rời tàu khách chuyển sang tàu chiến: Đó là tàu Dumont d"Urville sẽ đưa ông đến Đà Nẵng. Đến đó Vua mới thật sự cập bến để bước chân lên đất liền thuộc lãnh thổ An Nam. Đoàn tàu hộ tống ngoài chiếc Dumont d"Urville còn có thêm hai tàu nữa. Từng loạt đạn bác nổ vang khi Vua rời khỏi tàu khách vượt qua vài sải nước để bước lên tàu. Các tàu đỗ trong vịnh đều treo cờ. Thuỷ thủ xếp hàng trên boong hô hu-ra vang dậy trong khi các nòng pháo nhả đạn chào mừng. Hành khách cùng đi trên tàu viễn dương Président Doumer cũng hoan hô theo nhưng kín đáo hơn.
Dọc bờ biển và các cảng miền Trung, nước biển trong xanh hơn. Tuy chưa đến đây bao giờ nhưng Nhà vua có thể đọc tên: Phan Thiết, Nha Trang và cuối cùng là Đà Nẵng. Đến cảng Đà Nẵng ông lại chuyển sang pháo thuyền ngược sông Hàn cập bến thành phố.
Ông bận chiếc hoàng bào thêu kim tuyến, khoác chéo vai dải Bắc đẩu bội tinh. Một trăm phát đại bác mặt đất nổ ran chào mừng. Hai bên bờ dân chúng tụ tập đông nghịt chào đón. Họ quì xuống sụp lạy khi vị vua trẻ đi qua, giống như những ngọn cỏ bị gió thổi rạt trên cánh đồng.
Bảo Đại, đứng thẳng người tươi cười trước sự nghênh đón của thần dân. Ông bước qua trước đám đông, nói mấy câu chào hỏi từng vị thân hào khiến họ xúc động ra mặt. Cuối cùng ông bước lên xe lửa đặc biệt đi thêm 100 cây số nữa mới đến Huế. Tại đây lại cờ quạt, tiếng đại bác nổ vang dậy chào mừng. Khác với lúc đển Đà Nẵng trời nắng to, khi đoàn xe qua cửa Ngọ Môn trời bỗng đổ mưa như trút nước. Thế nào cũng là điềm tốt cả. Trời nắng là ông Trời muốn đem ánh sáng chói loà để mừng con trai trở về, còn trời mưa rào là điềm báo sự phồn vinh sẽ đến.
Vị Hoàng đế trẻ tuổi bàng hoàng trước bức tranh nhiều màu sắc, trước tiếng ồn ào của đám đông trong các buổi đón tiếp mà ông phải ráng chịu như để thử sức. Nhưng khi ông vượt qua chiếc cổng lớn để vào hoàng cung, biệt lập với thế giới bên ngoài bằng một bức tường khá dày, đi qua cái sân rộng để vào nội điện ông cảm thấy nơi đây thanh vắng, lặng lẽ và buồn thảm. Sau này. Ông viết trong hồi ký: "Sau nhiều năm sống tự do tôi có cảm tưởng từ nay bước vào nơi giam cầm..."(2).
Cảnh quan hoàng cung An Nam, so với năm thế kỷ trước đây, chẳng thay đổi bao nhiêu. Giống hệt một nhạc viện, một nhà bảo tàng. Mọi nghi thức trong triều theo lề thói Trung Hoa xưa vẫn tồn tại gần như y nguyên trong lúc chính tại Bắc Kinh người Trung Quốc đã xoá bỏ hoặc đổi mới ít nhiều. Paris nay đã lùi xa.
Chỉ còn là kỷ niệm tươi rói. Dưới con mắt lạnh lùng của chàng công tử bột, những người sống chen chúc trong khu hoàng cung rộng năm chục hecta chỉ là những con người cứng nhắc, cổ lỗ. Ở đây vừa là thánh đường thiêng liêng vừa là những công trình kiến trúc nguy nga đồ sộ. Bí ẩn, uy nghiêm. Vua và gia đình sống trong Tử Cấm thành, bao quanh là một tổng thể kiến trúc oai vệ hơn nhiều, bề thế, như một công trình phòng thủ quân sự gọi chung là thành. Đây là trái tim của Nhà nước, của đế chế phong kiến. Hoàng đế, một thánh nhân, vừa là người vừa là thần, sẽ sống trong đó, được Trời giao cho việc lãnh đạo đất nước.
Thế còn các cuộc cải cách? Bởi vì đó là điều mọi người cả Việt lẫn Pháp mong đợi khi Bảo Đại về nước. Ai nấy đều tin rằng cần thiết phải thay đổi, phải thức tỉnh một đế chế đang ngủ.
Ngày 10 tháng 9, tức là về nước được gần hai ngày, Nhà vua đánh đòn phủ đầu, nhằm vào những tập tục lâu đời mang tính hình thức đang cột chặt lối sống và nếp nghĩ của Triều đình. Vị vua hai mươi tuổi chủ toạ buổi chầu truyền thống trong đó các vị quan lại đầu ngành trong bộ máy hành chính nhà nước đến chúc mừng Nhà vua mới trở về sau một thời gian dài vắng mặt.
Trước hết, Nhà vua phát biểu bằng tiếng Pháp. Điều này đã xúc phạm các vị quan trẻ có tinh thần dân tộc lẫn các vị quan già được nhào nặn trong nền văn hoá Trung Hoa.
Trong ngôn ngữ của Voltaire, chứ không phải bằng tiếng mẹ đẻ, Nhà vua giải thích cho đám cận thần đầu bạc cũng như đầu xanh có nhiều tham vọng rằng không muốn có những hình thức chào hỏi quá cung kính. Từ nay các quan vào chầu sẽ không phải lạy, nghĩa là không phải quỳ gối cúi rạp mình trán chạm đất khấu đầu ba lần liên tiếp trước sân rồng mà không một ai dám ngẩng đầu nhìn vua. Từ bây giờ sau tiếng xướng chói tai của quan tuyên cáo, các quan bước thong thả đến xếp hàng ngang trước mặt vua. Chưa hết lúng túng ngạc nhiên, đôi chút lộn xộn vì sáng kiến cải tiến này, các quan chắp tay, khuỷu ép sát vào người, nghiêng mình vái ba lần. Việc bỏ lạy được thi hành đồng thời ở kinh đô và các tỉnh, là một sự việc quan trọng về mất lịch sử đối với một nước có nhiều biểu tượng. Báo chí reo lên:"Nước AnNam trẻ vừa tuyên bố đã đên lúc giảm nhẹ sự giám hộ hơi nặng nề của quá khứ".
Có nên đi xa hơn không? Có nên rời dô đi khỏi Huế, biểu tượng của một triều đại nhưng cũng là biểu tượng trì trệ? Rất nhiều người An Nam thích Hà Nội hơn. Huế mốc meo, khép kín. Nhưng có yên lặng gì đâu. Kinh thành sớm trở thành một cái ổ mánh khóe mưu toan chèn ép, kèn cựa nhau... Trong thời gian vua vắng mặt, các bà nội, bà ngoại của vua - thái hoàng thái hậu - mê mải cờ bạc, chi tiêu những khoản tiền quá lớn. Hai mươi nhăm nghìn đồng bạc trong quỹ riêng của Nhà vua đã phải trích ra để trả nợ mà vẫn không đủ. Rồi các bà đòi thăng quan tiến chức cho những người được các bà che chở. Đứng đầu chủ nợ lại là một ông già nguyên là người đứng đầu Hội đồng thượng thư (Nội các). Không khí đến nghẹt thở, khiến Bảo Đại bực tức ông muốn xoá bỏ những thói hối lộ trong bộ máy cai trị của triều đình và đổi mới các quy tắc thừa hưởng của người Trung Hoa. Ông tin ở hiệu năng của cuộc cải cách. Ông áp dụng không băn khoăn do dự những bỉện pháp do ông khâm sứ Chatel đã soạn thảo công phu và còn tự mình bổ sung những điểm mới.
Chấm dứt mớ hỗn độn những lễ tiết cổ hủ xa hoa, trước đây chỉ nhằm làm vừa lòng tổ tiên. Giảm bớt các lễ thức chào hỏi cung kính, tôn thờ. Bớt những đồ đạc bài trí chỉ gây tò mò mà vô bổ. Bỏ hẳn thói quen để móng tay dài quá mức, để râu dài ở các cụ cao tuổi, chỉ dám nhìn dưới đất chứ không ngẩng mặt lên nhìn vào người đối thoại. Bỏ cả thói quen chọc tiết khi giết mổ bò.
Cho tới lúc này, những tập tục của triều đại nhà Nguyễn đã lỗi thời, ít bình thường. Đối với triều thần, cuộc sống phải khác mọi người. Đó là chuyện bình thường. Tất cả trong các lề thói từ việc ăn ngủ, làm việc đến chuyện tôn vinh các bà mệnh phụ sinh ra từ nguyên tắc này.
Theo thói quen, vua dậy từ 6 giờ sáng. Ngay lập tức vua phải ghi mấy chữ bằng son về ngọc thể có gì bất an không vào một cuốn sổ do các thái giám trình lên rồi đem đi bố cáo cho triều đình. Sau đó vua tiếp chuyện mấy bà phi đến vấn an vào buổi sáng. Sau đó, vua bắt đầu làm việc, ngồi suy nghĩ hay đi lại một mình đọc theo hành lang lắp cửa kính. Xưa kia, có các tiên đế dậy sớm nhấc bút làm ngay mấy câu thơ như khai bút hoặc miệt mài đọc sách ở thư viện đồ sộ của hoàng cung.
Cứ hai ngày một lần, theo lệ định từ xưa, Nhà vua cho gọi người đem kiệu đến, ngài ngồi trên kiệu có người khiêng đến vấn an Thái hậu. Và cũng theo lệ từ xưa để lại không hề thay đổi, vua ăn ba bữa một ngày.
Hàng ngày đúng sáu giờ rưỡi, ăn sáng, mười một giờ ăn trưa và mười chín giờ ăn tối. Mỗi bữa có đến năm chục món khác nhau trong thực đơn được thay đổi hàng ngày do một đội ngự thiện riêng. Cứ mỗi món được đậy kín bằng nắp hình quả chuông bên ngoài ghi tên món ăn. Gạo thổi cơm phải được nhặt kỹ từng hạt một để không một hạt thóc hay hạt sạn nào còn sót lại. Siêu đun nước chỉ dùng một lần và thay siêu khác.
Cuối cùng là các thứ rượu uống. Thường là rượu ướp sen có mùi thơm. Vua Đồng Khánh hàng ngày uống rượu vang Bordeaux theo lời khuyên của một thầy thuốc Pháp. Vua chỉ ăn một mình, Hoàng hậu và hoàng tử cũng không được ăn cùng. Bên cạnh lúc ăn có năm bà phi chầu chực sẵn để dâng các món ăn, đồ tráng miệng và trà uống. Các bà nhiều khi bối rối vì năm chục món trong thực đơn Nhà vua chỉ đụng đũa có vài món được ưa thích nhất.
Đến năm 1932, sự tôn kính quá mức, việc sùng bái mọi lúc đối với Nhà vua chỉ còn là giả tạo. Không có quyền hành thực tế, màu sắc tô vẽ trở nên xám xịt hết cả óng ánh không có chỗ làm lu mờ các màu sắc. Vương quốc mạt hạng... Đế chế bù nhìn... Đó là những tính từ rất đúng mà những người yêu nước Việt Nam cũng như cánh tả của Pháp dùng để chỉ chế độ quân chủ Việt Nam. Khoảng cách quá xa giữa một bên là triều đình tráng lệ, đám triều thần đông đảo, các lễ nghi sang trọng, các cung điện và bên kia là vai trò thực sự của Nhà vua. Nếu phải đi đến một cuộc cách mạng, một cuộc cải cách, một vụ tàn sát hay bỏ rơi thì cũng là một việc quá rõ ràng. Bất chấp ý chí cải cách của Nhà vua, Huế vẫn là kinh đô của nhà nước quân chủ Việt Nam. Huế có một quá khứ quá nặng nề, một thành phố có quá nhiều biểu tượng không dễ quẳng vào bóng tối chỉ vì mong ước đơn giản của Nhà vua. Vả lại đô thành và mọi thứ ẩn sau nó còn quan trọng hơn bản thân Nhà vua.
Huế đã được Nguyễn Hoàng, người khai sáng triều Nguyễn, một con người tài trí tuyệt vời chọn làm nơi lập kinh đô. Giống như các Hoàng đế Trung Hoa, chúa Nguyễn Hoàng đã chọn một địa điểm kỳ diệu để cho dòng họ mình lập nghiệp. Ông hỏi ý kiến các thầy địa lý và được họ khuyên nên xây kinh thành ở bên cạnh sông Hương. Một nơi lý tưởng, tránh được những ảnh hưởng bất lợi về mặt phong thuỷ, phía sau một ngọn núi phủ đầy thông, nơi hợp lưu của các nhánh sông Hương hiền hoà quanh co uốn lượn như rồng. Hơn nữa đây còn là nơi an nghỉ của các bậc tiên đế. Cho nên càng không thể có vấn đề bỏ đất này để đi tìm nơi khác đặt đế đô Toà thành chẳng có nghĩa gì trong trái tim và khối óc của người dân xứ Huế. Đó chỉ là một nơi qua lại nơi dừng chân ngắn ngủi chẳng có gì quan trọng. Cuộc sống chỉ là một chuyến viễn du. Sống gửi, thác về. Chỉ có cái chết mới đáng kể, là trở về cõi vĩnh hằng(3).
Chính vì vậy các tiên đế của triều đại ngay từ khi còn sống mỗi người đã chú ý xây lăng làm nơi an nghỉ tương lai cho mình sau khi rời khỏi cõi nhân gian. Trong vùng đồng bằng không xa kinh thành, dựa vào các ngọn đồi thấp, có tất cả tám lăng tẩm. Tất cả đều uy nghi, có cái rất đẹp, làm xúc động lòng người, đều có ý nghĩa hơn cả trong các vật tượng trưng của ngai vàng để lại. Cho nên không thể có vấn đề đi khỏi nơi này. Có nên rời bỏ một nơi mà các vị thần linh đã ban phúc lành?
Chú thích:
(1) Lưu trữ bộ Ngoại giao, Vụ Á - Châu Đại dương Loại E, 1930-1940, hồ sơ 40.
(2) Bao Dai, Le Dragon dAnnam (Con rồng AnNam), Nhà xuất bản Plon.
(3) Bảo Đại, Huế, La Cité Interdite (Tử Cấm thành Huê), Nhà xuất bản Mengès, 1995.