Băn khoăn

Phần 13

III

Cũng sáng hôm ấy, Cảnh thức giấc có cảm tưởng vừa qua một giấc chiêm bao. Nằm suy nghĩ trong vài phút, Cảnh nhớ lại ngay rằng giấc chiêm bao ấy chỉ là những sự thực đã xảy ra đêm hôm trước, và liền đó sự ngờ vực lại nhóm lên, mãnh liệt như lúc ban đầu, người vợ kế của cha sẽ là Hảo: "Phải, không Hảo thì còn ai vào đấy? Chả lẽ là người đàn bà góa, chả lẽ là bà Án?... Nhưng mà sao lại không thể là bà Án được?"

Cảnh ngừng ngay lại, không dám luận lý nữa, chàng cho sự phân vân ngờ vực giữa hai mẹ con Hảo trong lức này, ở trường hợp này, là thừa, là sáo nữa, sáo trong tư tưởng cũng như trong thực tế. Chàng thấy chàng không thành thực, hơn thế, chàng thấy chàng có vẻ kịch, đóng một vai kịch, chẳng khác Rodrigue trong sự phân vân giửa tình và hiếu và chàng bật cười: "Là ai, rồi sẽ biết, mà muốn biết ngay cũng không khó khăn lắm, chẳng hạn hỏi thẳng ông cụ..."

Tiếng chuông đồng hồ "Wesminter" ở phòng khách dưới nhà vọng lên rõ từng tiếng, thong thả và ngân nga như một điệu âm nhạc buồn. Cảnh đếm nhẩm, rồi tung chiếc chăn ra, vùng ngồi dậy, tự nhủ thầm: "Chín giờ rồi!" Chàng chạy sang phòng rửa mặt, quay về phòng ngủ vội vàng mặc quần áo, như người hấp tấp sửa soạn ra ga, và sợ lỡ giờ xe hỏa sắp tới.

Y phục trang sức xong, Cảnh ngồi thừ trên ghê nệm, vẻ mặt, dáng bộ chán nản. Có lẽ chàng vừa chợt thấy cái việc cần kíp phải làm ngay của chàng đã lỡ dịp rồi, hoặc không còn có nghĩa gì nữa và chàng đành bỏ rơi.

Yên lặng một lúc lâu, Cảnh trở lại bình tĩnh, lấy thuốc ra hút; rồi ra đứng tỳ ở cửa sổ huýt sáo nhìn xuống sân.

Có tiếng gõ cửa phòng, tiếp liền tiếng Oanh:

- Anh thức hay ngủ?

- Thức, em cứ vào!

Oanh mở cửa, cười, giơ ra một tấm thiếp:

- Đố anh biết thiếp mời của ai?

- Thiếp mời anh?

- Mời thầy, anh và em.

Cảnh giật mình, tâm linh như vừa báo cho chàng biết rằng người gửi thiếp là Hảo, và chàng hỏi:

- Có phải...

Bỗng chàng sợ hãi ngừng lại.

- Đố anh đoán được là ai?

- Anh chịu. Ai thế em?... Hay anh Đoan?

- Không phải nhé! Bà Đặng Khác Thuần nhé! Bà Đặng Khắc Thuần nhé!

Cảnh ngơ ngác:

- Bà Đặng Khắc Thuần?

- Vâng, bà quả phụ Đặng Khắc Thuần.

Vô tình Cảnh hỏi:

- Tên bà ấy là Đặng Khắc Thuần à em?

- Chừng thế. Cũng bây giờ em mới biết. Trước em chỉ nghe người ta gọi là bà Án.

Cảnh đỡ lấy cái danh thiếp trên tay em, cầm tò mò đọc: "Madame veuve Đặng Khắc Thuần, 9... phố Quan Thánh" và buột miệng kêu:

- Đích rồi, chỗ ở đúng.

- Anh cũng biết? Anh đã đến đấy!

Cảnh lí nhí đáp:

- Đã.

Và đọc luôn: "Xin mời ông và lệnh lang, lệnh nữ chủ nhật này..."

- Chủ nhật này? Hôm nay mời là thứ... thứ mấy, nhỉ?

- Hôm nay là thứ năm, còn những ba hôm nữa.

- Nhưng thầy đâu?

- Thầy đi từ sáng sớm. Có lẽ thầy lên đồn điền.

- Vậy phải từ chối chứ?

- Thầy không về thì cố nhiên là phải từ chối, nhưng biết đâu thầy lại không đến đấy.

- Đến nhà bà ta?

- Hay nhà cô ta cũng thế.

Cảnh nhìn thẳng vào mắt em, hỏi:

- Vậy em tin chắc rằng cô ta... rằng thầy sẽ cưới cô ta làm vợ... Anh thì anh cho... khó lòng Hảo bằng lòng... Hảo ưng thuận.

- Tên cô ta là Hảo?

Và Oanh mỉm cười. Cảnh tiếp luôn:

- Anh chẳng trinh thám gì cả. Tối hôm qua cô ta mời anh đến chơi và từ lúc ở nhà cô ta về anh đã hai ba lần nói đến cái tên ấy với em. Chẳng qua em quên đấy thôi.

- Vâng thế thì em quên thực. Nhưng chính cô ta mời anh đến chơi? Câu chuyện ngộ nghĩnh nhỉ!

- Thật ra thì đó là câu chuyện ngẫu nhiên: một linh hồn đã gọi anh đến, một linh hồn người chết. Hảo và Hoằng và mấy người bạn Hoằng phụ đồng chén. Thế rồi hồn bắt đi tìm anh đến.

- Phụ đồng chén? Anh có tin phụ đồng chén không?

- Tin hay không, đó là một chuyện khác. Chỉ biết ông Hoằng lại đây tìm anh, và anh đã đến.

- Ông Hoằng là ai?

- Ông Hoằng là anh em cô cậu với Hảo. Ông ta ở cùng nhà với Hảo. Hình như ông ta chiều Hảo lắm, Hảo bảo làm gì, sai đi đâu là vâng lời răm rắp.

Oanh cười sung sướng vì thấy câu chuyện mỗi lúc một thêm ngoắt ngoéo, đầy chi tiết mới lạ, nàng hỏi:

- Ông Hoằng làm gì, hử anh?

- Làm giáo sư. Lúc ông ta đến tìm anh, anh cứ tưởng ông ta là người nhà ai, vì ăn mặc lôi thôi quá, đánh cái áo trắng dài, cái quần trắng dài, đầu đội mũ dạ, chân đi dép Nhật Bản. Hình như ông ta vội vàng ra đi nên không kịp nghĩ tới ăn mặc chỉnh tề. Đương phụ đồng chén thì thầy và bà Án xem chiếu bóng về.

- Thầy?

Oanh kinh ngạc hỏi.

- Ừ, thầy về. - Cảnh thản nhiên kể tiếp - Lúc ấy trời mưa to. Rồi tan cuộc phụ đồng chén.

- Thì ra anh gặp thầy ở nhà... cô ta. Thầy có ngượng không?

- Không, việc quái gì thầy ngượng!

- Thế mà tối hôm qua anh không cho em biết ngay, anh tệ quá.

- Tối hôm qua có thầy ở nhà, anh sợ thầy nghe thấy.

Sự thực tối hôm trước, Cảnh trí rối bời tâm hồn xao xuyến, chưa bình tĩnh mà thuật lại câu chuyện đương làm đảo điên tất cả người chàng.

Oanh thở dài nói:

- Thế nghĩa là có thực rồi.

- Có thực thì cũng chưa chắc có thực.

Oanh giọng hơi gắt:

- Vậy thế nào mới có thực? Đưa bà mẹ vợ đi xem cinéma.

- Ấy chính thế mà anh ngờ rằng không có thực. Sao thầy không mời Hảo cùng đi. Chẳng lẽ thầy yêu cô ta, say mê cô ta mà lại để cô ta ở nhà phụ đồng chén với một lũ bạn đẹp trai... hơn mình?

Oanh cười:

- Chặc... với lại cần lấy lòng bà mẹ hơn lấy lòng cô con nhiều. Bà mẹ bằng lòng là xong.

Cảnh chau mày:

- Là xong! Dễ dàng quá! Anh thì anh cho trái ngược thế. Cần nhất phải Hảo bằng lòng. Em chưa biết đấy. Anh chỉ thoáng qua cũng rõ rằng quyền bính ở trong tay cô con, ở cả trong tay Hảo. Hảo muốn sao là mẹ phải theo vậy.

- Ấy là anh đoán.

- Nhưng đoán đúng... Em có chắc thầy đi đồn điền rồi không?

Oanh cười:

- Anh băn khoăn lắm nhỉ! Chừng anh sốt ruột muốn hỏi thầy.

- Không phải thế, nhưng phải trả lời người ta chứ.

- Điều ấy thì không lo. Ban nãy em đã trả lời miệng người mang thiếp rằng thầy đi vắng khi nào thầy về sẽ có thư phúc đáp... À này anh ạ, nếu chuyện có thực, thì sẽ có việc vui mừng của thầy trước hay việc mừng của anh trước đấy?

Cảnh gắt:

- Thôi, đừng nói đến câu chuyện ấy nữa, anh sốt ruột lắm.

- Việc gì mà sốt ruột?

- Nhưng anh cứ sốt ruột thì biết làm thế nào?

Rồi để chấm hết câu chuyện, Cảnh hỏi em:

- Em đã ăn sáng chưa? Có gì cho anh ăn không? Anh đói lắm.

- Nhưng gần mười giờ rồi còn ăn uống gì nữa. Chờ bữa cơm trưa ăn cho ngon miệng anh ạ.

- Em pha cho anh cốc cà phê sữa vậy.

- Vâng. Em đi pha ngay nhé!

Oanh ra khỏi phòng. Cảnh mừng rằng đã thoát được câu chuyện mà chàng tưởng sẽ kéo dài không bao giờ dứt.

Nhưng ngồi một mình, câu chuyện ấy lại âm thầm nói tiếp. Và tránh được bàn cãi với em, chàng vẫn tự bàn cãi với chàng.

Bây giờ thì lòng chàng chỉ loay hoay về sự ngờ vực. Sự ngờ vực làm chàng khổ sở đến nỗi chàng không còn sáng suốt bình tĩnh mà nghĩ tới việc gì khác nữa. Cả đến hình ảnh mỹ nhân cũng không còn để dấu vết! Mặt nước nổi sóng in sao được bóng trăng tròn?

Lúc này Cảnh rất mong gặp cha để hỏi cho biết rõ và chàng cô tìm ra những câu hỏi lọt tai, những câu hỏi đỡ sống sượng. Những câu mà con có thể nói với cha được!

"Bẩm thầy, con nghe nói thầy sắp tục huyền. Có phải không ạ?" Câu ấy Cảnh cho chưa được ổn. Vả nếu cha chàng gật thì chàng vẫn chưa rõ tục huyền với ai, điều mà chàng muốn biết đích xác, vì trừ Hảo ra cha chàng tục huyền với ai chàng cũng mặc, chàng cũng bằng lòng. Vậy phải hỏi: "Thầy sắp lấy cô Hảo, phải không?" Câu hỏi đại khái sẽ như thế, nhưng xoay sao cho khéo, cho có vẻ lễ phép và thân mật. Chẳng hạn: "Bẩm thầy hôm qua cô Hảo nói chuyện với con, nhắc mãi đến thầy, con xem ra có chiều mến yêu thầy lắm". Nói thế nhất định không được rồi. Vì ông cụ có thể tưởng Hảo luyến ái mình, mà bỗng nảy ra ý muốn tha thiết lấy Hảo làm vợ, ý muốn mà trước kia ông cụ chưa có hay đã có, nhưng còn bấp bênh. Như thế, có khác gì xúi giục cha lấy Hảo. Cảnh âm thầm suy nghĩ và mỉm cười. Chàng vừa chợt có dã tâm nói xấu Hảo với cha. Để khỏi tự thẹn, tự bỉ rằng mình sẽ là một người sàm báng, không tốt, Cảnh cho ngay rằng đó chỉ là một mưu mẹo khôn khéo để dò biết sự thực mà thôi.

Có tiếng kẹt cửa. Chàng giật mình quay lại, Oanh đi vào bưng cốc cà-phê sữa đặt trong chiếc khay nhỏ, cười nói:

- Anh dùng tạm. Chắc không được ngon. Vì em pha cà-phê với nước trong thermos (bình thủy). Em muốn chóng nên không bảo nó đun nước sôi.

- Cũng được, em ạ.

Cảnh đỡ lấy cốc ở tay Oanh, uống một hớp rồi ngẫm nghĩ bảo nàng:

- Cũng ngon đấy, em ạ. Cám ơn em nhé.

Oanh như có vẻ suy nghĩ, nhìn qua cửa sổ như ngắm nghía ngọn cây sữa xa. Và không quay lại, bảo anh:

- Anh ạ, em rất mong thầy nhận lời.

Cảnh để cốc cà-phê xuống bàn hỏi:

- Nhận lời ai cơ em?

- Nhận lời mời dự tiệc ấy mà. Em muốn gặp mặt mẹ con bà ta.

Cảnh không trả lời câu hỏi của em.

- Anh thì anh rất không tin, không tin một tý nào.

Oanh ngơ ngác:

- Anh không tin cái gì? Không tin thầy nhận lời?

- Anh không tin thầy sẽ cưới Hảo. Đây nhé, nếu người ta định lấy thầy thì khi nào người ta lại mời ba bốn ngươi con thầy đến dự cùng một bữa tiệc với mẹ con người ta, mà có lẽ chỉ với mẹ con người ta thôi hay với Hoằng nữa là cùng.

Oanh vần im lặng, suy nghĩ; Cảnh lại nói tiếp:

- Ừ, nếu người ta định lấy thầy, thì những mặt người ta muốn tránh cho tới khi thành vợ thành chồng, là những đứa con, là bọn chúng mình... Đó là một lẽ rất thường, rất tự nhiên... Đằng này không... người ta... Không, anh quyết không... Phải thế này, em à, chắc thầy cũng có nhiều lần giúp đỡ bà ta, cho bà ta vay muợn chẳng hạn... Thế rồi người ta phải tử tế lại... Thiệt gì cách giao thiệp nhã nhặn những lời nói... thân mật... có khi...

Cảnh ngừng lại cất tiếng cười.

- Phải, có khi âu yếm nữa. Đàn bà con gái thì bao giờ ngôn ngữ cử chỉ chẳng âu yếm, nhất khi người ta lại có ý muốn, người ta lại định bụng làm ra thân mật, âu yếm, anh chắc thế, vì anh thấy Hảo khéo lắm. Bữa tiệc cũng vậy. Đó là một dịp để thêm sự thân mật với... với nhà ta... Chả người ta biết thầy yêu mến anh em mình mà! Người ta cho rằng mời cả anh em mình đến dự tiệc với thầy thì thầy cảm động lắm. Có thế thôi.

Oanh lơ đãng đứng nghe. Bỗng nàng lắng tai chú ý rồi báo Cảnh:

- Hình như thầy về. Đích rồi! Còi ô-tô nhà.

Một lát sau, quả thực xe ông Thiện qua cổng tiến vào vườn, sỏi trên lối đi kêu lạo xạo.

Cảnh và Oanh lặng lẽ đứng chờ. Tiếng ông Thiện hỏi: "Cậu Cảnh và cô Oanh có nhà không?" Oanh vội chạy ra cầu thang nói xuống:

- Bẩm thầy có ạ, chúng con có nhà.

Nàng xuống phòng khách, Cảnh cũng mỉm cười theo xuống, rắp đem thi hành mưu kế đã dự định.

Vừa thấy Oanh ông Thiện vui cười nói:

- Thầy đã hỏi giá sắt. Cao lắm.

- Thầy mua sắt?

- Ừ để làm nhà. Thầy đương dựng dãy nhà làm chè.

Cảnh tới sau, nói:

- Con cứ tưởng thầy đi đồn điền rồi.

- Thầy đi bây giờ đây.

- Có giấy mời thầy dự tiệc đấy.

Ông Thiện hỏi vội vàng:

- Ai mời? Mời hôm nào?

Cảnh làm như chưa xem thiếp mời, bảo Oanh:

- Giấy đâu em?

- Em để trên buồng anh.

Oanh chạy lên lấy thư xuống đưa cho cha, ông Thiện đọc, vẻ mặt nghĩ ngợi, hàm răng trên cắn môi dưới:

- Đằng bà Án. Mời cả anh em con.

Ba người cùng im lặng, và không ai nhìn ai. Oanh mở đầu:

- Ban nãy con bảo anh người nhà rằng lúc nào thầy về sẽ có thư phúc đáp.

Cảnh tiếp:

- Vậy thầy có nhận lời không?

- Được, thầy rẽ qua đằng ấy.

Cảnh và Oanh đưa mắt nhìn nhau.

- À, nhưng các con... Các con đến nhé?

Cảnh vờ không hiểu:

- Đến với thầy bây giờ?

- Không, chủ nhật đến dự tiệc ấy chứ.

Oanh giọng nũng nịu:

- Con thì con ký cả hai tay.

Cảnh mỉm cười:

- Con cũng vậy.

- Vậy được rồi!

Cảnh làm như hỏi cho có chuyện:

- Bẩm thầy, bà Án Thuần giàu lắm, có phải không?

- Cũng chả giàu lắm.

- Bẩm không giàu mà sao ăn tiêu rộng rãi như một bà hoàng thế! Tiệc tùng khách khứa luôn.

- Không giàu lắm, nhưng mà cũng vào bực khá giả.

- Lại cả cô con nữa. Chả làm gì, chỉ ngồi mà ăn tiêu như thế, núi cũng phải lở. Con chắc trước kia nhà ấy giàu lắm.

- Hình như thế.

- Ăn tiêu đã vậy, lại còn bạn bè chơi bời... bạt mạng.

Ông Thiện cô giữ điềm tĩnh, bảo con:

- Không, con cứ tưởng thế đấy, chứ người ta cũng là nhà nền nếp. Người ta tiêu pha rộng rãi nhưng người ta cũng làm ra tiền để mà tiêu pha rộng rãi.

Cảnh mỉm cười:

- Bẩm thế bà Án có buôn bán?

- Có chứ. Con đừng thấy nhiều người ngồi một chỗ mà tưởng người ta không buôn bán. Thời buổi kinh tế này thường thường những người không có vẻ buôn bán lại chính là những người lãi hàng nghìn hàng vạn. Người ta buôn đấy, rồi bán đấy, chẳng cần có cửa hàng cửa họ gì cả đâu.

- Bẩm những tay đầu cơ chứ gì! Vậy chừng bà Án cũng là một nhà đầu cơ.

Ông Thiện cười:

- Đầu cơ! Cái tiếng mới to làm sao! Nói rộng ra và rất đúng lý thì phàm những nhà phú thương đều là những nhà đầu cơ tuốt. Hàng đương lên giá, giữ lại không bán vội, thế cũng là đầu cơ chứ gì. Đằng này người ta thấy cửa hàng kia cần tiền, người ta mua hàng giúp rồi gửi đây để chờ giá cao hơn đem bán, có khi lại đem bán ngay cho chính cửa hàng đã để hàng cho mình. Hai trường hợp trên này có khác gì nhau? Nếu cho là đầu cơ thì cả hai cũng là đầu cơ. Thầy cho ở đời thì bao giờ cũng khôn sống mống chết. Đứa nào dại, không biết che đậy để bại lộ việc làm của mình sẽ bị coi là đầu cơ và sẽ bị pháp luật trị tội nữa. Con trót lọt được thì vẫn chẳng tiếng tai gì. Đó là tất cả mánh khóe làm giàu ở đời này và đời nào cũng vậy.

Cảnh thản nhiên đứng nghe cha. Chàng chỉ muốn dò ý cha về việc lấy Hảo. Còn câu chuyện đầu cơ và làm giàu thì chàng có cần gì biết tới. Chàng hỏi thêm:

- Bẩm, bà Án chỉ kiếm tiền bằng cách buôn bán... giấu diếm ấy thôi.

- Bà Án còn ngồi cái họ nữa. Con tính cầm cái họ mà không lãi à: cầm một bát họ một nghìn, lãi tới ba nghìn là thường. Thế mà nghe đâu bà ấy cầm một bát, con bà ấy cầm một bát.

- Bẩm thế thì một tháng kiếm đã có mấy trăm bạc rồi.

- Đấy con xem.

- Nếu vậy ai chả muốn cầm cái họ!

Ông Thiện cười:

- Con tưởng dễ lắm đấy! Phải giao thiệp rộng, phải có tư bản, phải kén chọn những người tử tế ngồi họ chứ. Nếu không có thì sạt nghiệp. Hãy nói chỉ một nhà quân mua họ rồi bỏ đi mất hay vỡ nợ không đóng được nữa cũng đủ sạt vào đấy gần nghìn bạc rồi, nếu chơi họ một nghìn thôi. Huống chi trong một bát họ có thể hai ba nhà chơi cái lối khiếm nhã hay bất đắc dĩ ấy. Vì thế trước khi mời một người họ thường phải lui tới chơi bời với người ta hàng tháng hàng năm để biết tính nết, gia thế người ta đã, tóm lại, một cái cần phải quảng giao, phải tinh khôn, phải thông minh...

Cảnh mỉm cười:

- Thảo nào mà cô Hảo có nhiều bạn, cả bạn trai nữa.

Ông Thiện đăm đăm nhìn con:

- Sao con biết?

- Tối hôm qua thầy cũng trông thấy các bạn của cô ta.

- Ồ! Đó là bạn ông giáo Hoằng đấy chứ.

- Con thấy đối với cô Hảo họ cũng tự do lắm.

- Trong bọn thiếu niên nam nữ ngày nay, ngôn ngữ tự do là một sự thường rồi.

Ông Thiện cười lớn nói tiếp:

- Thầy cứ tưởng con chẳng lạ gì điều ấy.

Oanh cũng cười, yên lặng nhìn anh.

Cảnh hơi ngượng, vì thấy rõ sự tà khuất của mình. Chàng lặng thinh, lòng tự thẹn. Ông Thiện, nét mặt trở nên suy nghĩ.

Bỗng ông vui vẻ nói:

- Vả lại chuyện riêng của người ta thì thầy biết đâu. Đến chuyện riêng của con thầy cũng chẳng biết được nữa là!

Cảnh kinh ngạc nhìn cha. Ông Thiện lại tiếp luôn:

- Cũng có lẽ con đoán đúng vì có thể cô Hảo chẳng đứng đắn tý nào, nhưng thầy đã nói đó là việc riêng của cô ấy, có liên can gì đến con mà con cần lưu ý tới.

Oanh thích chí cười ròn, nàng có vẻ sung sướng lắm.

- Thôi thầy đi đồn điền. Các con ở nhà nhé.

Cảnh nhắc:

- Thầy nhớ chủ nhật về dự tiệc.

Ông Thiện như chợt nhớ ra:

- Ờ nhỉ! Suýt nữa thầy quên, vậy tối thứ bảy thầy về. Thầy đi đây. Cái áo paderssus nó đã đem ra cho thầy chưa, con?

- Bẩm đã.

Ông Thiện vừa đi ra hiên vừa nói:

- Bắt đầu rét rồi đấy.

Cảnh và Oanh tiễn cha tới xe, ô-tô qua cổng, ông Thiện giơ tay ra ngoài cửa xe vẫy và nói:

- Au revoir, mes enfants!(Chào, các con)

Sau một phút im lặng, Oanh báo Cảnh:

- Có lẽ không phải thực, anh ạ.

Cảnh tươi cười đáp:

- Đấy, anh đã bảo.

Nhưng có một điều Cảnh không biết, là chàng đã ngã vào cái bẫy mà chính chàng giương ra. Ông Thiện từ tối hôm trước vẫn ngờ vực thái độ của con đối với Hảo, nay thấy con nói xấu nàng, ông cho rằng ông có thể ngờ vực oan, nhân tiện ông thêm vào một câu úp mở về đời tư của Hảo, để dứt hẳn cảm tình của Cảnh, nếu Cảnh còn có một chút cảm tình đối với nàng.