Tập thể thao và tắm xong, Hảo ăn điểm tâm. Nàng vẫn ăn điểm tâm một mình. Vì một là nàng không thể đợi mẹ dậy cùng ăn được, bà Án hôm nào cũng ngoài tám giờ mới thức giấc, hai là những món ăn sáng nàng đã lựa chọn cẩn thận theo như lời dặn của thầy thuốc để thân thể nàng được nẩy nở đều đặn, không gầy quá, không béo quá, hai cái thái cực mà nàng rất sợ. Cùng ăn điểm tâm với bà Án, nàng sẽ phải chiều ý mẹ mà dùng bánh cuốn chấm nước mắm giấm ớt, hay cháo gà có răm với hạt tiêu, những thứ gia vị mà nàng không bao giờ được phép dùng tới nếu nàng muốn giữ gìn sức khỏe và nhan sắc. Luyện tập thân thể, giữ gìn vệ sinh, chăm nom sức khỏe, mục đích chỉ để tăng vẻ đẹp. Nếu đã không đẹp mà còn đi làm những việc ấy thì thực mất thì giờ vô ích. "Như Duyên chẳng hạn, Hảo tự nhủ, càng tập người càng thô, mặt càng yêu thì tập làm gì cho mệt xác. Nằm mà nghỉ có sướng hơn không?"
Hảo nghĩ liên miên, tay lơ đãng quấy chén sữa sô-cô-la: "Bắt đầu từ mai phải quay về ‘régime’ một dạo mới được. Đã hơi béo ra, vì hôm qua đến hiệu thuốc cân, lên gần năm mốt kí-lô rồi. Thế nào cũng phải xuống dưới năm muơi mốt mới nghe. Mà bụng đã có vẻ kém thon, vì độ rày mình lười tập ‘mouvement’ nằm quá".
Có tiếng gõ cửa. Hảo ngửng lên. Tiếng Hoằng ở phía ngoài:
- Vào được không?
- Được, mời anh vào chơi.
Hoằng rón rén mở cửa tiến vào, miệng cười bẽn lẽn:
- Cô chưa ăn sáng?
- Em đương ăn.
Hảo ngắm nghía Hoằng từ đầu đến chân:
- Anh đi dự tiệc đâu đấy?
Hoằng mỉm cười:
- Định đến "dự tiệc" sáng với cô, nhưng cô lại ăn rồi.
- Chết chưa! Anh chưa...
Hoằng ngắt lời liền:
- Nói đùa đấy, tôi đã ăn bánh mì với sữa rồi.
- Thực đấy chứ?
- Lại chả thực!
- Nếu chưa thì em bảo nó bưng bữa sáng của anh vào đây cùng ăn cho vui.
Hảo vẫn lơ đãng quấy sữa:
- Này, anh Hoằng ạ, nguy quá, bụng em to ra...
Thấy vẻ mặt Hoằng ngơ ngác, sợ hãi, Hảo tiếp luôn:
- Anh chỉ được cái nghĩ bậy! Em bảo độ rày ít tập những "mouvement" nằm nên bụng em kém thon.
Hoằng thở ra:
- Ừ! Có thế! Nếu cô đem câu ấy nói với mợ thì mợ đến chết ngất đi được.
Hảo cười:
- Chết ngất đi cơ à? Tưởng dẫu có thực thì cũng là một việc thường! Dẫu sao cái việc thường hay phi thường ấy vẫn chưa xảy ra và có lẽ sẽ không bao giờ xảy ra, vậy chưa cần lo vội, phải không anh? Bây giờ hãy nói chuyện hiện tại đã. Nhưng anh sắp đi dạy học rồi thì phải.
Hoằng vơ vẩn nhìn đồng hồ tay đáp:
- Hôm nay thứ năm.
- Ồ nhỉ! Em chẳng còn nhớ ngày nào với ngày nào nữa. Có lẽ vì ngày nào của em cũng là thứ năm, chủ nhật.
Hảo thở dài nói tiếp:
- Em nhàn rỗi quá anh ạ.
Rồi lơ đãng như nói một mình:
- Chỉ sợ nhàn cư vi bất thiện!
Hoằng cười:
- Cô cũng chẳng nhàn gì, vì chẳng mấy lúc cô ở nhà mà tôi không thấy cô không đan một cái gì.
- Đó có lẽ cũng là công việc bày ra để khỏi làm điều bất thiện, vì nếu không đan thì lại chạy rông, hay đánh mạt chược, rút bất, lên quần ngựa.
Hoằng nịnh khéo một câu:
- Cô làm như cô hư lắm! Kỳ thực cô rất ngoan ngoãn nết na.
- Ngoan ngoãn nết na! Anh khen em kia à? Em muốn anh dạy dỗ răn bảo em hơn là cứ tán tụng em luôn miệng. Em mà hư thì anh có một phần trách nhiệm đấy nhé.
Câu nói âu yếm làm Hoằng đỏ bừng mặt.
Hảo nhận thấy thế nên nói lảng:
- Nhưng mà hình như anh có "rendez - vous" thì phải?
- Không, tôi chẳng đợi ai, mà cũng chẳng ai đợi tôi.
- Thôi, anh đừng giấu em nữa đi. Em thấy anh cứ chốc chốc lại xem giờ.
Mặt Hoằng càng đỏ, xem giờ đồng hồ tay đã thành một thói quen của chàng khi chàng bẽn lẽn. Sự thực thì chàng chỉ nhìn mà chẳng xem gì hết.
- Thực mà, tôi không... bận gì cả.
- Vậy chúng ta đi phố nhé? Có được không anh?
- Được lắm chứ.
- Anh ngồi chờ em một lát nhé.
Hảo uống vội vàng chén sữa sô-cô-la, ăn qua loa mấy miếng bánh mì, rồi đứng dậy nói:
- Báo hôm nay đây. Anh ngồi đọc xong thì em cũng sửa soạn xong.
Nàng sang phòng rửa mặt trang điểm. Hoằng ngồi lại một mình, cầm tờ báo hằng ngày đọc tin vặt. Bỗng chàng kêu lên:
- Trời ơi!
Tiếng Hảo ở phòng bên:
- Cái gì thế, anh?
Hoằng giọng hoảng hốt:
- Kính tự tử rồi!
Hảo thản nhiên:
- Thế à! Tự tử vì cớ gì thế, anh?
- Đây này, tôi đọc cho cô nghe! "Tự tử vì tình hay vì tiền? Ông Vũ văn Kính, một điền chủ ở hạt ta mà ai cũng biết tiếng, không rõ vì duyên cớ gì đã uống thuốc phiện giấm thanh tự tử; ông Kính là một trang thiếu niên học thức vừa nối nghiệp cha đứng trông coi cái đồn điền Ba Ngã được hai năm nay. Người ta đoán cái chết của ông Kính có dính líu đến chuyện tình, vì thấy sáng thứ hai ông Kính ở Hà Nội về, vẻ mặt buồn rầu, rồi ngay tối hôm ấy ông quả quyết lìa đời, và lúc khám nghiệm tử thi, nhà chức trách tìm thấy trong ví người bạc mệnh một bức ảnh mỹ nhân. Lại có người đồn rằng ông Kính tự tử vì tiền, vì thua bạc, nhưng đó toàn là lời phỏng đoán cả, ông Kính không để lại thư từ cũng không dối dăng lại người nhà một câu nào; ông chết đi, để lại một vợ trẻ và một đứa con gái lên ba".
Hảo giọng thản nhiên, không chút cảm động, bảo Hoằng:
- Nhưng việc xảy ra ở tỉnh nào?
- À!... Đây rồi... Phải, Kính ở Phú Thọ, thế mà mình quên bẵng...
Và Hoằng như nhìn thấy đứng sững trước mặt một thanh niên vạm vỡ, cao lớn, khổ mặt, thân hình, cho chí ngôn ngữ cử chỉ nết na giống một người Âu. Kính rất ít nói tiếng Việt, và khi trò chuyện rất hay làm điệu bộ. Hoằng không thể ưa được cái anh chàng động cãi lý là như sừng sộ với người ta ấy, nhưng nay nghe tin hắn tự tử, Hoằng cũng cảm động thương xót. Mới cách đây chừng hai tháng, Hoằng vì nể Hảo, đã miễn cưỡng ngồi đánh bất với hắn, trong suốt một đêm ròng. Không thấy ai lại thị của, lại coi rẻ tiền như hắn! Đặt một cuốn giấy bạc năm đồng, đặt không đếm, mà cửu vạn còn thò tay rút lấy để thua. Hắn cười, nói lớn rằng rút lấy mười để cướp trang của Hảo, nhưng kỳ thực hắn coi như có hân hạnh được Hảo thu tiền của mình; Hảo thì sáng suốt lắm, tính từng nước bài, thận trọng từng nước rút, tuy nàng làm ra vẻ hồi hộp, làm ra không cần ăn thua, đánh bạc chỉ cốt để tiêu khiển. Hoằng cũng nhận thấy thế, trước kia chàng cho rằng Hảo chỉ giữ gìn để khỏi thua, khi mà xã giao không thể tránh được những cuộc hội họp đỏ đen rất hợp thời trong đám sang trọng đời nay. Một hôm chàng chợt nghĩ: "Nếu Hảo không được bạc thì không hiểu nàng lấy tiền đâu mà tiêu xài rộng rãi quá sức tưởng tượng của Hoằng. Xin bà Án thì cũng phải có chừng thôi. Thì ra cờ bạc là một sự tính toán trong đời xa hoa của Hảo".
Buồn rầu Hoằng quay nghĩ đến mình.
Chàng là người ghét chơi bời, nhất là ghét cờ bạc. Thế mà vì nể Hảo, chẳng một cuộc hội họp nào mà chàng không góp một chân. Đành rằng chàng chỉ đánh nhỏ và không cốt ăn thua như Hảo, nhưng cờ bạc bê tha thì vẫn là cờ bạc bê tha. Có lần ở trong lớp học chàng đã xấu hổ ngừng lại giữa một bài luân lý về cái hại đổ bác! Chàng ướt mồ hôi, lạnh cả người như vừa phạm tội gian ác và được nghe tiếng dõng dạc tuyên án, và chàng tự hứa, chàng quả quyết sẽ cản ngăn Hảo, không cho Hảo đi sâu mãi vào con đường lầm lỗi ấy nữa. Nhưng lòng quả quyết, chỉ tới nhà, khi chàng gặp Hảo, là đã tan vụn như ngói non. Không bao giờ chàng dám khuyên Hảo một câu. Đừng nói khuyên răn, đến trái ý Hảo chàng cũng sợ hãi cuống quýt lên rồi.
Bây giờ cũng vậy, những cảnh tượng bê tha về cờ bạc, mà cái chết của Kính vừa gợi vẽ ra trong ký ức chàng vẫn đương làm chàng băn khoăn muốn ngăn cản Hảo, và chàng đương đợi một cơ hội may mắn đến giúp chàng bắt đầu được. Bê tha nhất cái cảnh tượng rút bất ở giường ngủ của Hảo! Hảo mệt quá mà đêm đã khuya, lúc đó vào khoảng hai giờ sáng, nàng liền bàn thiên cuộc bất, từ bàn ăn vào giường ngủ. Cố nhiên ai nấy ưng theo. Còn Kính thì mừng reo lên. Hảo nằm đắp chiếc mền chiên trắng lên đến vai, và vừa ngái ngủ vừa rút bài...
Hảo đánh phấn xong, ở phòng bên bước ra đứng trước mặt Hoằng và hỏi:
- Anh ngắm hộ, cái áo len này, nó cắt có được không?
Hoằng ngả đầu về đằng sau, nghiêng đầu bên nọ bên kia, rồi khen: "Được lắm, với lại cắt áo cho cô rất dễ, chỉ những cô gầy, béo thân thể xộc xệch mà cắt được đúng áo mời tài".
Hảo mỉm cười, sung sướng, vẻ mặt rạng rỡ, tuy câu khen ngợi của Hoằng nhắc lại lần này không biết là lần thứ mấy mươi. Hoằng lại tiếp luôn:
- Anh Hiên, professeur de culture physique ấy mà, hẳn cô cũng biết đấy. Anh ấy bảo chính những ông thợ may, nhất là những ông thợ may giỏi ngày nay đã làm hại các cô và cả các cậu nữa. Họ khéo độn, khéo thắt khiến các cô các cậu che đậy được cái thân lệch lạc, xấu xí. Thành thử các ngài không nghĩ đến tập thể dục nữa. Chính phủ cứ ra lệnh cấm độn y phục nam hay nữ thì chẳng bao lâu thanh niên nước nhà sẽ ra người hết.
Hảo cười to, nói:
- Anh đi xa quá, vả nếu chỉ có tấm thân nở nang, có chí quả quyết luyện tập thân thể mà không bỏ những tập quán xấu làm hèn yếu con người về phương diện vật chất cũng như về phương diện tinh thần, cái tập quán đánh bài đánh bạc chẳng hạn.
Hoằng mừng thầm đã tóm được dịp để khuyên răn Hảo. Nhưng Hảo lơ đãng cúi xuống ngắm nghía:
- Màu này được chứ?
- Màu nước biển là màu mùa thu.
Thấy Hảo mủm mỉm cười, Hoằng ngừng lại, hỏi nàng:
- Có phải màu nước biển là màu mùa thu không, cô?
- Em cũng không nghe ai nói màu nước biển là màu mùa thu, nhưng hình như đúng đấy, Thu thủy mà lại.
Hoằng vơ vẩn tiếp luôn:
- Phải. "Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc".
- Anh giỏi chữ Hán nhỉ?
- Chuyện! Thập niên đăng hỏa của người ta, cô phải biết, tôi sắp soạn một cuốn chữ Hán dài tới hai nhăm vạn chữ.
Dứt lời Hoằng cười vui thú. Nhưng Hảo đã không để ý đến lời chàng nói. Nàng đương nghĩ tới chuyện khác. Và nàng đột ngột hỏi:
- Quái! Sao mãi bây giờ mình mới biết nhỉ?
Hoằng ngơ ngác nhìn, không hiểu. Chàng chợt nghĩ tới câu chuyện Kính tự tử mà cái áo len màu nước biển của Hảo đã làm cho hai người quên bẵng đi.
- Thì bây giờ mình xem báo mới biết.
Hảo vốn như mơ màng:
- Xem báo? Em nói chuyện anh... anh Cảnh kia mà. Sao mãi bây giờ chúng ta mới biết ông Thiện có con trai vừa đậu Cử nhân luật nhỉ?
Hoằng lạnh lùng:
- Vì mãi hôm qua mình mới mời ông ta lại chơi.
- Em lại cứ tưởng anh chơi bời quen biết rộng thì việc gì ở Hà thành anh cũng rõ kia đấy.
Câu nói, Hoằng nghe như trách móc. Chàng mát mẻ đáp lại:
- Cô nói như tôi là thổ công Hà Nội không bằng? Vả ông Thiện năm nay năm mươi mà có người con trai hăm nhăm hăm sáu là một việc rất thường, có gì mà cô phải lấy làm lạ?
Hảo giọng hơi gắt:
- Em có lạ rằng ông ấy có con đâu, em chỉ lạ một điều là mãi nay mới biết ông ấy có con trai lớn. Không bao giờ ông ấy nói chuyện ông ấy có con trai lớn. Một điều lạ nửa, em cứ tưởng ông ấy không ở Hà Nội, chỉ thỉnh thoảng về chơi thôi.
- Thì vẫn! Ông Thiện quanh năm ở đồn điền. Ở Hà Nội thường chỉ có Cảnh và một người em gái.
- Em gái Cảnh hay em gái ông Thiện?
- Em gái Cảnh, vào trạc tuổi cô. Hôm qua lúc đến tìm Cảnh tôi gặp cô ta ở cửa sổ nhìn ra... Người cũng đẹp.
- Cũng đẹp! Nghĩa là không đẹp lắm?
- Đẹp lắm thì không đẹp lắm, nhưng mà đẹp.
- Có thể mời đến chơi được không nhỉ?
- Sao không được?
Hảo như vừa nhớ ra:
- Phải rồi! Em nói mẹ em làm bữa tiệc mời ông Thiện và hai người con đến dự.
- Có thì phải mau mau lên, không... nhỡ, ông Thiện lại đi đồn điền.
- Chủ nhật này nhé! Vậy phải gửi thiếp mời ngay từ hôm nay nhỉ? Nhưng thôi đi chứ.
- Mẹ em đã dậy rồi đấy.
Nàng lắng tai nghe tiếng dép.
- Hôm nay cụ dậy sớm nhỉ! Chờ tí nửa mình hãy xuống... À! Sao anh biết ông Thiện năm mươi tuổi?
- Tôi cũng đoán phỏng... Thì cũng chừng tuổi ấy.
- Em cứ tưởng ông ấy độ ngoài bốn mươi.
- Không thể nào, Cảnh lại không đến hăm nhăm, hăm sáu rồi à? Vậy ông Thiện ít ra phái bốn bảy, bốn tám, mà biết đâu Cảnh lại không có một vài anh hay chị?
- Được, rồi sẽ biết. Bây giờ thì hãy đi chơi đã.
Hai người xuống nhà vào phòng riêng của Hảo, người đầy tớ gái đương ngồi lau bàn ghế, đứng lên nói:
- Thưa cô, anh tài xế chờ cô mãi, anh ấy...
Hảo ngắt lời:
- Anh ấy đâu?
- Thưa cô, bà sai anh ấy xuống phố có tý việc. Anh ấy bảo đưa hầu cô tờ giấy này.
- Đâu? Đưa đây!
Hảo cầm tờ giấy chữ viết bút chì nhẩm đọc rồi trao lại cho Hoằng:
- Năm con, ông Thiện có năm con.
Hoằng đọc to:
- "Bốn gái và một trai. Người con gái đầu lòng lấy ông Huyện, người thứ hai lấy chồng Tham tá. Người thứ ba là con trai, hiện đã đỗ cử nhân luật. Người con gái thứ tư vừa lấy chồng đốc-tờ, người con gái út tên là Oanh đã đỗ tú tài, chưa chồng".
Rồi Hoằng cười nói:
- Điều tra tường tận lắm. Cô mà làm trinh thám thì hẳn là đắc lực.
Hảo vẻ mặt suy nghĩ:
- Thì ra Cảnh là con một.
Nàng hỏi người đầy tớ gái:
- Nhài, cụ đã xơi sáng chưa?
- Thưa cô, cụ lớn đương xơi, cụ lớn bảo mời cô và cậu xuống xơi, con bẩm cậu và cô đã thất lễ rồi.
Nhài bỏ xuống bếp, Hảo bảo Hoằng:
- Vậy chúng ta đợi một lát nữa, để cụ ăn xong đã.
Nàng ngồi im lặng, nhớ lại cuộc phụ đồng chén tối hôm trước, bỗng nàng hỏi:
- Anh có tin phụ đồng chén không?
Hoằng mỉm cười hỏi lại:
- Nhưng cô có tin không đã!
Rồi chàng nói buông sõng:
- Để đến chủ nhật cô hỏi Cảnh!
- Luyện nghe chừng đáo để lắm, phải không anh!
- Nghe đâu thế. Tôi ngờ rằng Luyện đã bài trí cuộc gặp gỡ tối hôm qua.
Hảo chau mày:
- Cuộc gặp gỡ?
- Phải, cuộc gặp gỡ của hai cha con ông Thiện.
- Bài trí như thế để làm gì mới được chứ?
- Nào biết!
Hảo giọng không bằng lòng:
- Vậy thì anh ấy chẳng bài trí gì cả. Hai người gặp mặt nhau là do một sự ngẫu nhiên.
- Cũng có lẽ thế, mà cũng có lẽ Luyện đã muốn cho có cuộc gặp gỡ.
Hảo khó chịu:
- Anh hay ngờ vực lôi thôi lắm! Cha con người
ta luôn luôn trông thấy mặt nhau. Bài trí ra cuộc gặp gỡ để làm gì?
Hoằng như trêu tức:
- Gặp nhau ở nhà khác, gặp nhau ở đây khác, khác nhiều.
Hảo có dáng giận dử, nói lảng:
- Sang phòng ăn đi! Chắc mẹ em xơi xong rồi đấy.
Thực thế, bàn ăn đã thu dọn. Bà Án ngồi uống nước xỉa răng.
Hảo đùa bỡn hỏi mẹ:
- Hôm nay mẹ không bắt tóc sâu?
Bà Án cười:
- Nó mọc nhiều lắm, mẹ sợ bắt mãi thành trọc mất, nên từ nay mẹ để vậy.
Hoằng chữa thẹn cho cô:
- Thưa cô, sợ để thế ngứa.
- Cô già rồi cháu ạ. Để đầu hoa râm là phải.
Bà thở dài nói tiếp:
- Chả còn mấy năm nữa mà đầu tóc bạc phơ!
Rồi bà hỏi:
- Hai anh em đi chơi đâu đấy.
Hảo đáp:
- Chúng con xuống phố có tí việc.
- Hôm nay thứ năm, anh giáo nghỉ, mẹ toan cho tài xế đi mời ông Thanh Đức đến đánh mạt chược, nhưng lại không biết nhà ông ấy ở đâu...
Rồi bà phàn nàn:
- Có thế mà cứ quên không lần nào hỏi xem ông ấy về Hà Nội ở phố nào, với lại cái ông ấy cũng lạ, hôm nào về cũng đến thẳng đây rồi lại ở đây đi thẳng đồn điền, không mấy khi lai vãng qua nhà qua cửa, cho nên mẹ thấy cũng không cần hỏi chỗ ở của ông ấy làm gì. Mãi hôm qua con ông ấy lại chơi mẹ mới biết ông ấy có nhà ở Hà Nội đấy.
Hoằng nói:
- Thưa cô, cháu biết nhà ông Thanh Đức.
- Vậy cháu bảo tài xế đi mời nhé?
Hảo gạt phắt:
- Thôi mẹ ạ, anh con bận chút việc phải xuống phố. Để khi khác. Hay là thế này: Mẹ mời ông Thanh Đức và hai con ông ấy chủ nhật này đến xơi cơm rồi đánh mạt chược, hay tổ tôm, tùy mẹ.
- Thế cũng được. Nhưng ông Thanh Đức có hai con ở Hà Nội à?
- Một trai một gái.
- Vậy con viết thiếp mời hộ mẹ.
- Vâng, thưa mẹ con viết thiếp mời ngay nhé?
- Ừ, tùy con.
Sau khi Hoằng và Hảo ra đi, bà Án ngồi lặng hồi lâu, như cố tính toán xếp đặt việc khó khăn.