Bách Khoa Thư Lịch Sử

Nghệ Thuật (25.000–500 TCN)

Ebook miễn phí tại : www.docsach24.com

NGHỆ THUẬT (25.000–500 TCN)

Từ thời sơ khai, con người đã trang trí các vật dụng, làm đồ trang trí và thể hiện tư tưởng bằng con đường nghệ thuật. Đây là một phần thiết yếu trong quá trình phát triển văn hóa.

Bức tượng này của người Olmec được tạc bằng ngọc bích. Nó mô tả linh hồn một con báo đốm kết hợp với Tlaloc, vị thần đại diện cho mưa và sự sinh sôi.

Người cổ đại sống ở châu Âu khoảng 25.000 năm trước đã nặn các bức tượng nhỏ hình nữ thần và các con vật bằng đất sét. Chúng được coi là vật tổ hoặc linh vật, có khả năng làm cho đất đai màu mỡ hơn và giúp con người giao tiếp được với linh hồn của các loài vật. Một số dân tộc cổ đại vẽ các bức họa sinh động sâu trong hang đá, mô tả các con vật, các thầy mo của bộ lạc và cảnh săn bắn.

Bức tượng đầu phụ nữ làm từ ngà voi này được tìm thấy ở Pháp. Đó có thể là bức chân dung đầu tiên trên thế giới mà người ta biết tới. Nó được tạc vào khoảng năm 20.000 TCN.

TAY NGHỀ NGHỆ THUẬT

Khi con người bắt đầu chuyển sang cuộc sống có tính ổn định hơn, họ bắt đầu làm đồ gốm và các đồ vật trang trí khác. Tại Trung Quốc, người dân Ngưỡng Thiều vẽ hoa văn hình học trên những chiếc bình. Khi đồng nguyên chất và đồng điếu thay thế đá trong việc chế tạo vũ khí và công cụ, thợ kim khí trở nên quan trọng; các công cụ lao động, đồ vật do họ làm ra được trang trí tinh xảo. Họ làm vậy không chỉ để đồ vật đẹp hơn mà còn bởi họ tin rằng, nếu chạm hình các vị thần hoặc biểu tượng linh thiêng lên công cụ lao động hoặc vũ khí thì hiệu quả của những thứ này cũng cao hơn.

Chiếc bình hình con cá này có từ thời Tân Vương quốc Ai Cập dùng đựng mỹ phẩm. Nó được làm vào khoảng năm 1200 TCN, bao quanh “lõi” bình là thủy tinh màu. Các gợn vảy được tạo nên bằng cách chấm lên thủy tinh trước khi nó cứng lại.

Khi đô thị mọc lên và các nước trở nên giàu có hơn, các ngôi đền, cung điện nguy nga và những đài kỷ niệm khác đều được trang trí bằng hình chạm trổ và tranh vẽ mô tả cảnh sinh hoạt của con người. Từ những bích họa của Mycenae cho tới các tranh hầm mộ của Ai Cập, từ các tác phẩm chạm khắc của Olmec tới đồ gốm hoa văn của Trung Hoa, nghệ thuật của con người thời cổ đại giúp chúng ta hiểu sâu thêm lối sống của họ.

Bàn cờ tinh xảo này được tìm thấy trong một nghĩa địa ở thành Ur của người Sumer. Nó có niên đại cách đây khoảng 4.500 năm, nhưng đáng tiếc là luật chơi môn cờ này đã thất truyền.
Người Trung Hoa rất quý ngọc bích. Họ chạm nhiều đồ vật từ ngọc bích, chẳng hạn như chiếc vòng cầu kỳ này, được một phụ nữ Trung Hoa giàu có đeo vào khoảng năm 1000 TCN.
Bích họa là tranh vẽ lên lớp vữa trát tường còn ướt, để hình vẽ lún sâu và tồn tại trong một thời gian dài. Bức bích họa này mô tả một cảnh dùng chó để săn bò rừng. Nhà ở và cung điện ở Mycenae được trang hoàng bằng các bích họa.
Hình vẽ trên đá này được phát hiện ở vùng Tasili nằm giữa sa mạc Sahara, có niên đại khoảng 6.000 năm trước, khi Sahara còn xanh tươi và là nơi sinh sống của dân chăn thả gia súc.

CHỮ VIẾT

Chữ viết hồi đầu là tác phẩm nghệ thuật, gồm các hình vẽ thể hiện ý tưởng hoặc đồ vật. Vào khoảng năm 1000 TCN, người Phoenicia phát minh ra bảng chữ cái đầu tiên trên thế giới gồm 22 chữ, toàn bộ là phụ âm, không có nguyên âm. Đối với chữ tượng hình của Trung Hoa cổ đại thì mỗi chữ có thể là một từ, ví dụ sơn (“núi”) hoặc thị (“chợ”). Chữ Trung Quốc hiện đại vẫn là chữ tượng hình chứ không phải chữ tượng thanh.

Người Hy Lạp có ảnh hưởng sâu sắc đến nghệ thuật của người Etruria, như có thể thấy rõ qua bức tranh trong Mộ Hai Con Báo ở Tarquinia này, được vẽ vào khoảng năm 500 TCN. Những người nằm dự tiệc trong đám tang đang gọi mang tới thêm một bình rượu.