Bách Khoa Thư Lịch Sử

Nền Văn Minh Sông Ấn (4000–1800 TCN)

Ebook miễn phí tại : www.docsach24.com

NỀN VĂN MINH SÔNG ẤN (4000–1800 TCN)

Khí hậu vùng châu thổ sông Ấn ẩm hơn ngày nay. Sông ngòi không chỉ là đường thông thương mà còn cung cấp nước tưới cho những miền đất bằng trong châu thổ.

Những bộ tộc đầu tiên ở tiểu lục địa Ấn Độ sống dọc hai bên bờ sông Hằng và sông Ấn. Nền văn minh đầu tiên đã phát triển rực rỡ ở châu thổ sông Ấn, nay là Pakistan.

Hai đô thị lớn nhất ở châu thổ sông Ấn tồn tại vào khoảng năm 2000 TCN là Mohenjo-daro và Harappa, mỗi đô thị có chừng 40.000 dân. Đây là hai đô thị đông dân nhất thế giới thời bấy giờ. Ở trung tâm của mỗi đô thị có một gò đất đắp cao, đóng vai trò thành lũy. Trên đó có một kho chứa thóc lớn; đối với dân chúng, nó có chức năng như một “ngân hàng trung ương”. Những đô thị bị lãng quên này mới chỉ được phát hiện vào thập niên 1920.

Những con dấu như thế này được đóng lên các kiện hàng. Chúng được tìm thấy không chỉ ở Mohenjo-daro mà cả ở rất xa như Sumer.

BỐ TRÍ ĐÔ THỊ

Nhà cửa trong đô thị như các tòa nhà hành chính, chợ, công xưởng, nhà kho, nhà ở, đền thờ sắp xếp thành mạng bàn cờ xung quanh gò thành lũy. Mỗi ngôi nhà xây vòng quanh một cái sân, có nhiều phòng, một nhà vệ sinh và một giếng nước. Nhà xây bằng gạch đóng từ đất và nung trong lò đốt củi. Thành lũy của Mohenjo-daro có một nhà tắm to, cũng như các phòng tắm riêng và các phòng tắm chung, và những nơi dùng để hội họp.

Các hố sâu bằng gạch xếp kiểu này được tìm thấy trong các sân nhà ở Mohenjo-daro. Chúng có thể là giếng nước hoặc nơi bảo quản lạnh dầu ăn hay thóc lúa.
Đây là di tích được khai quật của khu Nhà tắm Lớn (Great Bath) ở Mohenjo-daro. Người dân thời đó dường như rất quan tâm đến vệ sinh và nguồn nước. Họ có thể đã dùng nhà tắm cho cả hoạt động thể thao hoặc nghi lễ.

NÔNG DÂN VÀ THỢ THỦ CÔNG

Nông dân vùng châu thổ sông Ấn trồng các loại cây như lúa mạch, lúa mì, bông, dưa và chà là. Họ thuần hóa voi và trâu để làm công việc đồng áng. Khu vực này có nhiều thợ gốm lành nghề dùng bàn xoay, để làm ra bình gốm một kỹ thuật mới vào thời đó. Người dân Harappa biết sử dụng công cụ bằng đá, biết làm dao, vũ khí, bát ăn và đúc tượng đồng thau. Họ có một hệ thống xử lý rác thải tiên tiến với đường rãnh thoát nước có nắp đậy và các máng đổ rác.

Nhà kho ở trung tâm các đô thị rất quan trọng đối với người dân; chúng có thể có cả ý nghĩa thiết thực lẫn ý nghĩa tôn giáo vì lúa gạo thời đó có thể được coi là linh thiêng.

SỰ KẾT THÚC CỦA MỘT NỀN VĂN MINH

Không ai biết các cư dân vùng châu thổ sông Ấn là ai hoặc họ đến từ đâu. Chúng ta cũng không hiểu chữ viết của họ. Khu vực này có những tương đồng với người Sumer, nhưng cũng có những điểm khác biệt lớn. Cư dân đô thị nơi đây buôn bán với các đô thị của người Sumer. Họ cũng trao đổi hàng hóa với các bộ lạc của Ấn Độ và Trung Á. Nền văn minh châu thổ sông Ấn tuy kéo dài 800 năm nhưng đã chấm dứt khoảng 3.700 năm trước. Người ta không rõ tại sao nó chấm dứt, nhưng có thể do nhiều nguyên nhân: bệnh dịch, lũ lụt, kinh tế suy sụp, hoạt động buôn bán hoặc trật tự dân sự suy thoái, hoặc do quá trình nhập cư và tiếp quản của người Aryan từ Trung Á vào Ấn Độ. Tất cả dấu tích của các đô thị này đã bị chôn vùi dưới cát cho đến khi chúng được phát hiện vào thập niên 1920.

Hình dung của một họa sĩ về Mohenjo-daro thời cực thịnh. Không giống các đô thị của người Sumer, đô thị này được xây dựng theo mô hình mạng lưới, chứng tỏ sự quản lý có quy hoạch và trật tự. Nhà tắm có giếng nước bên trong, còn nơi có vẻ như là một kho thóc thì có hệ thống bảo quản và thông gió rất tinh vi.