Nằm giữa một vùng sa mạc nhưng Ai Cập cổ đại vẫn xanh tươi và trù phú nhờ dòng sông Nile. Hàng năm, nước sông Nile dâng cao, bồi đắp phù sa màu mỡ cho các vùng đất nằm dọc đôi bờ.
Người Ai Cập tưới tiêu, canh tác đất đai dọc bờ sông và sử dụng dòng sông làm đường giao thông. Họ trồng lúa mì và lúa mạch để làm bánh mì và bia, trồng lanh để dệt vải, chăn nuôi gia súc để làm súc vật thồ. Người Ai Cập có tôn giáo phát triển, có kiến thức y học, thiên văn và kỹ thuật tiên tiến.
Gần như trong suốt lịch sử lâu dài của mình người Ai Cập thống nhất trong một vương quốc. Người đứng đầu vương quốc là pharaông (vua-thần), được sự trợ giúp của các giáo sĩ và quan lại. Khi một pharaông qua đời, ngài được chôn cùng toàn bộ đồ dùng cá nhân trong một lăng mộ có trang trí các bức tranh và chữ tượng hình linh thiêng. Thi thể của pharaông được bảo quản bằng dầu và muối, sau đó ướp trong các lớp vải liệm quấn chặt, sẵn sàng cho chặng hành trình sau sự sống, tới những vì sao. Do pharaông được coi là đại diện của Ai Cập trước các thần linh, người ta cho rằng hạnh phúc của ngài ở thế giới bên kia có ý nghĩa với mọi người dân trong xã hội Ai Cập.
Hầu hết người dân Ai Cập đều làm nghề nông. Họ nộp một phần hoa lợi hàng năm của mình cho đền thờ địa phương, như một hình thức đóng thuế. Rất ít người biết đọc biết viết, và chỉ con trai mới được đi học. Những cậu bé biết viết làm việc sao chép các bản viết tay. Sau này, khi lớn lên, họ sẽ trở thành giáo sĩ và quan cai trị, giúp pharaông điều hành đất nước. Tuy nhiên, chiếm vị trí trung tâm trong cuộc sống của người Ai Cập là mối liên lạc với các thần linh.
Khoảng 2630 năm TCN, người Ai Cập xây dựng nhiều kim tự tháp, trong đó nổi tiếng nhất là Đại kim tự tháp ở Giza. Không ai biết chính xác tại sao hình dạng này được chọn - tỉ lệ và kích thước của nó gợi đến những mục tiêu liên quan tới thiên văn học, toán học và tâm linh. Bằng việc xây dựng các đài kỷ niệm lớn này, các pharaông muốn làm hài lòng thần linh và để lại dấu ấn quan trọng, trường tồn trong lịch sử. Một số khối đá dài đặt trên phòng dành cho nhà vua trong kim tự tháp nặng tới 60 tấn, và có khoảng 23 triệu khối đá như thế đã được dùng vào việc xây kim tự tháp.
Vì mục đích đó, người Ai Cập cổ đại đã xây dựng các công trình bằng đá tạc hết sức đặc sắc. Họ xây nhiều đền thờ và kim tự tháp khổng lồ. Những phiến đá cao được cắt từ cả khối đá. Người Ai Cập không tiếc công sức và tiền của xây dựng kim tự tháp để tỏ lòng tôn kính các vị thần hoặc pharaông, mối liên hệ sống giữa thần linh với con người. Người Ai Cập đã phát triển kỹ thuật bảo quản thi thể vị vua-thần của họ, nhiều sinh phần đã được xây dựng để chuẩn bị cho ông một hầm mộ làm nơi yên nghỉ vĩnh hằng. Rồi dần dần tất cả những ai có đủ điều kiện đều có thể được ướp xác đặt trong hầm mộ, cùng với nhiều của cải mang sang thế giới bên kia và những cuộn sách thiêng liêng dẫn dắt họ tới nơi đó.
Sau thời của các pharaông đầu tiên và những người xây kim tự tháp, Ai Cập rơi vào một thời kỳ suy thoái kéo dài hơn 100 năm. Thiếu người trị vì hùng mạnh, người dân Ai Cập tin rằng các vị thần đã bỏ rơi họ. Sau đó, khoảng năm 2040 TCN, Mentuhotep lên ngôi pharaông, khôi phục trật tự và vị thế của Ai Cập trên thế giới. Thời kỳ này được gọi là Trung Vương quốc.
Các pharaông đã tổ chức lại đất nước, lại xây dựng kim tự tháp, tuy nhiên chúng không được hoành tráng như các kim tự tháp ở Giza. Một số tác phẩm mỹ thuật và văn học của Ai Cập đã được sáng tác trong thời kỳ này.
Ai Cập bị cô lập với phần còn lại của thế giới. Người Ai Cập cổ đại không phải là những người ưa du hành, không phải là thủy thủ hay người đi chinh phục. Tuy nhiên, các vị vua hùng mạnh trị vì thời Trung Vương quốc như Amenemhat I và Senwosret III đã mở mang bờ cõi của Ai Cập. Họ xây dựng các pháo đài bảo vệ đất nước và thành lập quân đội hùng mạnh. Thậm chí, Ai Cập còn xâm chiếm các nước khác, chẳng hạn như Nubia, nhằm kiểm soát các mỏ vàng.
3300 TCN Các đô thị châu thổ hạ lưu sông Nile lớn mạnh; chữ tượng hình phát triển
3000 TCN Thượng và Hạ Ai Cập thống nhất
2920 TCN Các pharaông đầu tiên trị vì
2575 TCN Cổ Vương quốc, kinh đô Memphis - đỉnh cao văn minh Ai Cập
2550 TCN Đại Kim tự tháp hoàn thành
2040 TCN Trung Vương quốc - mở mang bờ cõi và phát triển
1550 TCN Tân Vương quốc - Ai Cập cực thịnh, bờ cõi hết sức rộng lớn