Anh Biết Gió Đến Từ Đâu

Chương 68

Ba ngày sau, phóng viên Tiết Phi đến trạm bảo vệ.

Sau khi thấy triển lãm ảnh của Trình Ca ở Bắc Kinh, Tiết Phi đã nảy sinh ý tưởng phỏng vấn thực địa, muốn ghi chép lại cuộc sống của trạm bảo vệ bằng hình thức bản tin và chữ viết, thuận tiện cho việc truyền bá trên các phương tiện truyền thông mới và truyền thông truyền thống hơn; nếu tìm hiểu đủ sâu thì còn muốn viết mấy bài tiểu sử.

Người trong đội đón tiếp Tiết Phi giống như đón tiếp Trình Ca trước đây, Trình Ca cũng có mặt.

Ban đầu lúc thấy bản hành trình cực kì chi tiết anh ta gửi cho mình, Trình Ca tưởng là một người đàn ông dịu dàng khéo léo, không ngờ cửa xe mở ra, một người chú cháu tràn đầy khí chất đàn ông xuống, chân trái chỉ có một nửa.

Vóc dáng anh ta rất cao, làn da phơi nắng thành màu đồng khỏe mạnh, chống gậy nhưng đi lại nhanh nhẹn. Lúc Đức Cát vươn tay về phía anh ta, anh ta bước nhanh về phía trước bắt lấy.

Tiết Phi không đến tay không, anh ta còn mang mấy trăm ngàn mà tòa soạn kêu gọi các giới trong xã hội quyên góp tới.

Đức Cát nói buổi tối cùng nhau ăn cơm, Đào Tử la to: “Có uống rượu không?”

Đức Cát nói: “Uống!”

Thạch Đầu đi mua thức ăn, Trình Ca đi theo lên xe anh ta. Ở trong trấn, thừa lúc anh ta mua thức ăn, cô tự bỏ tiền lấy mấy thùng rượu.

Trên đường về trạm bảo vệ, Trình Ca nhận được điện thoại của người bạn ở tòa soạn, hỏi: “Gặp Tiết Phi chưa?”

“Gặp rồi.”

“Cậu cũng không tò mò hỏi tôi một chút?”

Trình Ca: “Hỏi cái gì?”

“Anh ta mất nửa cái chân đó.”

Trình Ca: “Hỏi chuyện này làm gì?”

“Trước đây khi chụp ảnh tài liệu dã ngoại, anh ta bị sư tử cắn cũng không cho người đồng hành nổ súng, sau khi chân bị thương không làm được nữa. À đúng rồi, anh ta là một người cuồng công việc, bây giờ vẫn còn độc thân đó. Không thích dịu dàng thích cứng rắn.” Người bạn trêu chọc, “Hai người chắc chắn hợp nhau.”

Trình Ca: “Cúp đây.”

Đến trạm bảo vệ, Trình Ca giúp Thạch Đầu mang rượu vào, trông thấy Bành Dã gọi điện thoại ở ven đường. Cô không quấy rầy anh, đi vào trong trạm, đến cửa gặp Tiết Phi, anh ta vươn tay cầm lấy cái thùng trong lòng Trình Ca, Trình Ca nói: “Không cần.”

Nói chưa xong, Tiết Phi một tay gom vào. Chân anh ta không tốt, nhưng người lại rất khỏe mạnh, sức cũng lớn.

Trình Ca cũng không giành.

Tiết Phi nói: “Còn tưởng sẽ tới cùng, không ngờ cô đến trước rồi.”

Trình Ca nói: “Anh nhận ra tôi?”

“Khi khai mạc triển lãm ở Bắc Kinh từng thấy, quá nhiều người vây quanh cô hỏi chuyện, không chen lời vào được.”

Trình Ca: “Anh có chuyện muốn hỏi tôi?”

“Xem ảnh cô chụp, rất nhiều cảm xúc. Chuyện cô làm rất có ý nghĩa.”

Trình Ca không có lời để tiếp, cô hiểu rõ mình không hề cao thượng.

Bên ngoài trạm, Bành Dã nhìn Trình Ca ở xa xa một cái, tiếp tục nói chuyện với lão Trịnh:

“Cục quản lý khu bảo tồn rất coi trọng việc xây dựng nhóm pháp chứng, đã xin hỗ trợ nhân viên và kỹ thuật với cấp trên.”

“Tốt.” Lão Trịnh nói, “Tôi không có chuyên gia về tóc, DNA gì đó, nhưng muốn dựa vào đạn tìm kiểu súng, trong đội cảnh sát vũ trang chúng tôi có anh em thông thạo. Có yêu cầu cứ việc nói.”

“Ừm. Điều kiện ngắn hạn không cho phép, có thể hợp tác với phòng pháp chứng của cảnh sát trước.”

“Đúng rồi lão Bảy, chuyện Cáo Đen đòi mạng chú, nhất thiết phải cẩn thận.”

Bành Dã khẽ nheo mắt, nói: “Mạng của chính tôi, tôi quan tâm hơn bất kì ai khác.”

Anh hỏi: “Chuyện kia thế nào rồi?”

“Tôi nhớ mà. Người chỉ điểm đó đã lấy được da nhận được sự tín nhiệm của bên bán, chẳng mấy chốc sẽ liên hệ với Cáo Đen. Sắp rồi.”

Bành Dã mím chặt môi: “Tốt.”

“Nhắc tới cũng khéo. Trước đây cũng từng bố trí người chỉ điểm ở bên mua, nhưng chưa một lần Cáo Đen ra mặt, đều kêu Kế Vân ra. Vốn tưởng lần này sẽ để Vạn Tử ra, ngược lại hắn sẽ đích thân đi.”

Bành Dã như có điều suy nghĩ, nói: “Chú tìm một đặc công trong đội ngũ của chú cho tôi. Có ích.”

Cúp điện thoại, Bành Dã đứng trầm mặc trong gió lạnh một lúc mới xoay người vào trạm.

**

Buổi tối, mọi người đều uống hơi nhiều. Đức Cát hiếm khi kể về hoàn cảnh lúc trẻ, nói khi đó không có trạm bảo vệ, các thanh niên trai tráng của mỗi thôn tụ tập tự phát, đi theo bầy linh dương bảo vệ bầy linh dương, liều mạng với người săn bắt trộm.

“Khi đó ấy à, đánh giữa chừng còn có thể chửi nhau. Không có pháp luật quy định nói không được phép giết linh dương nên chửi chúng tôi xen vào việc của người khác, đầu óc có bệnh, nói linh dương này đâu phải của mày nuôi, linh dương này lớn ngoài trời, ai bắt thì thuộc về người đó…”

Trình Ca bưng chén uống rượu đế, quay đầu nhìn Bành Dã một cái, chỉ một mình anh không uống, gắp đậu nành xanh trong dĩa ăn.

Trình Ca nghe A Hòe nói qua, lần trước anh uống say là sau khi anh Hai mất.

“… Mấy năm nay, người chú trọng việc bảo vệ động vật nhiều hơn, đây là chuyện tốt. Người tới chỗ chúng tôi tham qua cũng nhiều hơn, chỉ là ít người lưu trái tim lại đây, ít người quay lại…”

Nói tới đây, Đức Cát nhìn về phía Trình Ca, mặt đỏ gay, cười nói, “Cô đi rồi, lại quay lại. Cảm ơn cô, cảm ơn cô.”

Trình Ca không nói nhiều, kính Đức Cát một chén rượu. Uống xong, Tiết Phi lại mời cô một chén, cảm ơn cô để cho nhiều người bắt đầu chú ý tới Tây Bộ hơn. Tiếp theo một nhóm người đều tới mời cô, Bành Dã không cản, Trình Ca cũng không từ chối.

Đức Cát hiếm khi mở rộng nội tâm, kể về cô gái yêu dấu lúc trẻ với mọi người: “… Tên Trác Mã, mắt rất to, sáng và thông minh. Tôi vừa nhìn mắt cô ấy, người đã yếu mềm… Bọn trong thôn đều thích cô ấy, cô ấy chỉ thích tôi… Lúc trẻ tôi cũng cao lớn đẹp trai lắm đó…

Khi đó cách xa, đường xấu, mấy trăm cây số đường phải đi mất mấy ngày, cũng không có điện thoại. Hàng ngày tôi chạy theo linh dương, đâu có chăm sóc cho cô ấy. Tôi nói với Trác Mã, nói bảo cô ấy chờ tôi thêm chút nữa, chờ không còn ai săn trộm, tôi không làm nghề này nữa, sẽ quay lại kiên định làm ruộng chăn dê, sống qua ngày cùng cô ấy.

Sau đó, cô ấy trèo non lội suối, đi ba ngày, đi đến bên hồ đóng quân tìm tôi, nói:

‘Đức Cát, em sắp lấy chồng rồi, sẽ không đợi anh nữa đâu.’

Tôi nói: ‘Được.’

Là tôi có lỗi với cô ấy…”

Ni Mã nhớ tới Mạch Đóa, che mắt, khóc đến mức không thở nổi.

Mắt Mười Sáu cũng ướt, anh ta vỗ vai cậu, than: “Kêu cậu đừng uống rượu mà, uống rượu dễ khóc lắm.”

Trình Ca không nói tiếng nào, nằm sấp trên bàn không có động tĩnh. Cô uống vài chén rượu đế, người say rồi.

Bành Dã nói: “Em đưa cô ấy về phòng trước.”

Bành Dã nâng vai Trình Ca lên, đầu cô đụng vào xương quai xanh của anh. Cô mở mắt ra, nhìn thẳng anh, gò má đỏ bừng, con ngươi ngấn nước, lấp lánh như sao.

Giống như một trận mưa phùn, trái tim Bành Dã trượt một cái, tựa như ngã lộn nhào.

Anh đỡ cô dậy, kéo ghế ra, tay kia vươn đến dưới đầu gối cô, thấp giọng nói: “Em say rồi, đi ngủ thôi.”

“Được. Chúng ta đi ngủ.” Khi cô say rất yên lặng, yên tâm giao mình cho anh, nhắm mắt lại, nói, “Bành Dã, em sẽ ngủ cả đời với anh.”

Bành Dã sững sờ, tim xoạt một cái, giống như rạch một dao.

Một bàn người đều yên lặng.

Trong mắt chú Đức Cát lấp lánh ánh nước. Nước mắt Tang Ương mở dòng chảy ào ào.

Đó là niềm hi vọng nói cho tất cả mọi người nghe.

**

Bành Dã bế Trình Ca về kí túc xá, đặt lên giường. Cô có chút khó chịu, nhíu mày xoay người. Bành Dã cúi người xuống, nâng mặt cô, hôn môi cô: “Trình Ca.”

“Ừm?” Cô mơ hồ đáp lại.

“Lời ban nãy, lặp lại lần nữa.”

Cô say, nhưng vẫn nhớ: “Em sẽ ngủ cả đời với anh.”

Anh không say, mắt lại ướt.

Anh hôn cô: “Được.”

“Anh không giống Đức Cát.” Cô nói, “Nhưng lại giống.”

“…”

Bành Dã cúi đầu, vùi thật sâu vào cổ cô.

**

Hôm sau, người của đội ba phải lên đường tuần tra. Trước khi đi, xấp áo chống đạn đầu tiên đã đến. Mọi người mặc áo vào, tâm trạng đều hơi tế nhị.

Bành Dã ném cho Tiết Phi, Trình Ca mỗi người một cái. Trình Ca đặt trong tay ước lượng, nói: “Hơi nặng.”

Bành Dã nói: “Cái này đã là cái nhẹ rồi. Cái nặng hơn mặc lên người không tiện hành động.”

Ni Mã hỏi: “Anh Bảy, có phải mặc cái này thì đạn bắn thế nào cũng không sợ không?”

Bành Dã: “Bây giờ anh nổ súng thử xem?”

Ni Mã: “Có thể thử sao?”

“Đương nhiên không thể.” Bành Dã cười một tiếng, xoa xoa đầu cậu, nói, “Đạn thông thường không xuyên thủng áo chống đạn, nhưng có thể tạo thành ‘Tổn thương sau áo chống đạn’, nghiêm trọng cũng có thể chết người. Huống chi, viên đạn có sức mạnh cũng có thể xuyên thủng.

Hãy quý trọng bản thân, đừng cho rằng mặc lớp áo này vào chính là kim bài miễn tử.”

Mọi người đáp: “Đúng rồi!”

Trình Ca nghe trong lòng, lấy di động tìm “Bắn thủng áo chống đạn” thử, kết quả khiến cô trầm mặc rất lâu.

Lúc xuất phát, Đức Cát đưa họ một đoạn, tiện đường dẫn Tiết Phi đi thăm một nghĩa trang vô danh, nơi ấy chôn cất người hy sinh ở khu không người.

Cao nguyên cuối tháng Mười, bầu trời vẫn xanh thẳm, gió lạnh lại bắt đầu tàn phá, cỏ cây cũng chuyển vàng, đất trời lộ ra dáng vẻ tiêu điều.

Lái xe không bao lâu, phía trước xuất hiện một nghĩa trang, từng bia mộ màu xám đứng lặng im trên sườn núi cỏ khô mọc um tùm.

Mọi người xuống xe đi tới. Trình Ca ở sau cùng đội ngũ, xa xa nghe Đức Cát kể câu chuyện của mỗi bia mộ cho Tiết Phi. Cuối cùng, đi đến trước một bia mộ cũ kỹ ở chỗ cao, Đức Cát dừng lại.

Nó dường như đã đứng đó rất nhiều năm, bề mặt màu đen tróc từng mảng, lộ ra cát đá trắng xám.

Bao nhiêu năm gió táp mưa sa, tên khắc ở trên đã không còn rõ ràng, chỉ có một chữ “Nhân” mơ hồ.

Bàn tay thô ráp của Đức Cát xoa bia mộ, trên gương mặt đầy nếp nhăn hiện ra nụ cười nhàn nhạt, tựa như bi thương, tựa như nhớ lại, lại tựa như sự lãnh đạm thoát khỏi mọi thứ;

Chỉ nói một câu:

“Chú Nhân Ương, bây giờ chú là em trai cháu rồi.”

Trời lên trăng xuống, gió thổi cỏ mọc.

Năm đó, cháu vẫn là nhóc con nho nhỏ chạy theo bậc cha chú; chẳng mấy chốc, thời gian đã dẫn cháu đuổi kịp chú.

Chỉ nói một câu, dòng lệ đã lăn dài trên má cháu.

**

Trên cao nguyên, thứ vĩnh viễn không ngừng, chỉ có gió.

**

Đức Cát nói cho Tiết Phi, Nhân Ương là người bảo vệ những năm 70, 80, là bậc cha chú của ông.

Trình Ca hỏi: “Chú Nhân Ương chết như thế nào?”

“Bị chai cháy đập trúng, bị phỏng nặng. Khi đó đường không dễ đi, xe cũng không tốt, lái cả ngày lẫn đêm hai ngày mới đến bệnh viện.”

Gió lạnh thổi buốt gò má Trình Ca, cô trùm mũ áo gió vào, theo mọi người qua lại trong bia mộ đi trở về.

Gió thổi bím tóc dài của Đức Cát: “Mấy ngày trước ấy, có mấy chàng trai đi du lịch ngang qua đội chúng tôi, thanh niên căm phẫn, nói chuyện phiếm với chúng tôi, nói bây giờ ‘nhân tâm bất cổ’ (1), đất nước không có sự gắn kết, nếu gặp chiến tranh thì người Trung Quốc sẽ không nhiệt huyết, hy sinh vì đất nước như mấy chục năm trước nữa. Tôi nói ấy hả, đây đều là nói bậy.”

(1) Nhân tâm bất cổ: chỉ tấm lòng người thời nay mất đi sự chất phác mà rơi vào lừa gạt giả dối, không hiền hậu như người xưa.

Trong lời Đức Cát không có một chút kích động khuyếch đại, nói vô cùng chất phác tự nhiên:

“Đừng nói trạm bảo vệ nhỏ này của chúng tôi, cũng không nói quân nhân biên ải trú đóng nơi xa, chỉ nói công an nhân dân, cảnh sát, nhân viên phòng cháy chữa cháy, thành viên đội chống ma túy bình thường nhất, ai không phải vào sinh ra tử mỗi ngày, dâng hiến cho đất nước trên cương vị của mình?

Thời kỳ hòa bình còn như vậy, huống chi chiến tranh.

Tôi nói với mấy chàng trai, ‘Hơn nữa, đám người đó làm những việc này, không chỉ là vì đất nước mà còn là vì các anh, vì chúng tôi.’ Ở đâu trong cuộc sống cũng là người như vậy. Chỉ có điều họ quá bình thường, quá kín đáo, không để cho mọi người nhìn thấy.”

Người thanh niên đã đỏ cả mắt.

Con người luôn có một loại niềm tin, không tùy tiện, không khoe khoang, nhưng chỉ cần bạn vừa nhắc đến, tôi liền đỏ cả hốc mắt.

**

Đồng bằng mênh mông, Tiết Phi nói: “Người đều chỉnh tề, chụp một tấm ảnh nhé.”

Đức Cát dẫn mọi người xếp hàng đứng ngay ngắn. Trình Ca đứng bên cạnh Tiết Phi, đối diện từng nét mặt trang nghiêm của một hàng người.

Một con chim ưng bay qua bầu trời, kêu to nhìn xuống đồng hoang.

Trình Ca ngẩng đầu nhìn; Bành Dã ngẩng đầu nhìn, Đức Cát cũng nhìn, mỗi một người đều nhìn, mong ngóng trong lòng, cưỡi gió bay lượn cùng ưng.

Tiết Phi la to: “Một, hai,…”

Mọi người thu ánh mắt, nét mặt nghiêm cẩn.

Đèn lóe lên, thời gian dừng lại, dài đằng đẵng.

**

Đức Cát đi, một đội người cũng lên đường.

Kỳ săn trộm hoành hành vào tháng Năm tới tháng Bảy đã qua, Khả Khả Tây Lý cuối tháng Mười dường như khôi phục lại sự yên lặng, giống như một vùng hoang mạc khô héo. Nhóm Bành Dã đi qua mấy chỗ linh dương Tây Tạng tạm ở, cũng không có khác thường.

Đoạn đường này giống nửa tháng vừa qua, cũng chưa thấy xác linh dương Tây Tạng bị tàn sát.

Đi tới ngày thứ ba, giống như Bành Dã từng nói, luồng không khí lạnh đầu tiên sớm cuốn sạch khu không người. Nhiệt độ bỗng giảm xuống đến gần không độ.

Đến buổi tối, đoàn người cắm trại ở sườn núi khuất gió, đốt lửa trại. Lúc này họ cách xa linh dương Tây Tạng, không sợ dọa linh dương.

Thức ăn vẫn là bánh bao dưa muối, cộng thêm khoai tây, bắp, khoai lang, các loại rau no bụng lại không dễ hư. Thạch Đầu lo Tiết Phi ăn không quen, Tiết Phi cười: “Hai cô gái Trình Ca và Đạt Ngõa đều ăn quen, tôi có gì mà ăn không quen chứ.”

Đạt Ngõa nói: “Tôi thô lỗ quen rồi, anh là người thành phố lớn tới, sợ không chịu nổi cái khổ này.”

Tiết Phi ném cây gậy sang một bên, ngồi xếp bằng xuống, cười: “Đừng, tôi chính là một người thô lỗ.”

Đạt Ngõa hỏi: “Anh luôn làm phóng viên?”

“Đúng vậy, khi đó…”

Hai người anh một câu tôi một câu bắt đầu trò chuyện.

Trình Ca ngồi gặm bắp bên đống lửa, Bành Dã gảy lửa cháy ở một bên, thỉnh thoảng quay đầu nhìn Trình Ca ăn.

Trình Ca nhàn nhạt nói: “Lại nhìn cái gì?”

Hôm nay anh kỳ quái, tuy phần lớn thời gian đều trong trạng thái làm việc, nhưng thỉnh thoảng rảnh rỗi nhìn cô, ánh mắt liền thẳng tắp lại mềm mại.

Bành Dã cười cười, không nói, tiếp tục gảy đống lửa.

Trình Ca hỏi: “Sao vậy?”

“Em có nhớ sau khi say đã nói gì không?”

Trình Ca im lặng mấy phút, thu ánh mắt.

Bành Dã nói: “Xem ra không nhớ.”

Trình Ca không đáp.

Bành Dã nói: “Không nhớ thì bỏ đi.”

Trình Ca nói: “Em không say.”

**

Chỉ là khi đó, em rất muốn nói cho anh biết, Bành Dã, em không giống Trác Mã.

Cho nên Bành Dã, đừng sợ, anh cứ làm chuyện anh muốn làm. Đừng sợ, em không đi.

Em rất muốn nói cho anh biết, nhưng lại không có lý do mở miệng.

Cũng tốt,

Em nói rồi, anh cũng đã hiểu.