- Ở đây ngựa hiếm lắm. Các ông hãy chăm sóc chúng.
Vẫn ngồi trên lưng ngựa, ông đi xem xét một vòng và thấy sự náo nhiệt có trật tự đang ngự trị ở nơi ngày xưa là chốn hoang tàn, thê thảm. Khói bếp bốc lên trên các mái nhà. Ông bảo những người Anhđiêng đi theo mình đặt xuống đất những chiếc hòm nặng. Họ lấy ra những vũ khí mới tinh được gói bọc kĩ.
- Một khẩu súng trường cho mỗi người đàn ông và mỗi người đàn bà. Người nào không biết bắn sẽ tập bắn. Tảng sáng ngày mai phải tổ chức dạy bắn súng.
Manigô đến gặp ông, ông ta cầm lấy một khẩu súng với vẻ ngờ vực.
- Súng này dành cho chúng tôi à?
- Như tôi đã nói đấy. Các ông sẽ còn chia nhau kiếm, dao găm và những người bắn giỏi nhất trong số các ông còn có sáu khẩu súng ngắn. Hôm nay chỉ có thế, tôi không thể làm hơn.
Manigô bĩu môi vẻ coi khinh.
- Tôi phải hiểu như thế nào cho đúng đây? Sáng nay chúng tôi còn xiềng xích đầy mình và chuẩn bị đem đi treo cổ, chiều nay thì lại được ông trang bị cho đến tận răng. Ông ta nói hầu như bị chạm lòng tự ái về cái mà ông ta cho là do tính khí thất thường – Ông không nên bí mật chúng tôi bằng cách tin rằng chúng tôi đã trở thành đồng minh của ông một cách chóng vánh như vậy. Chúng tôi vẫn là bất đắc dĩ mà phải ở lại đây và chúng tôi chưa đáp lại lời đề nghị bắt buộc của ông, theo như tôi được biết.
- Các ông chớ có chần chừ trong việc lựa chọn. Tôi cũng chẳng sung sướng gì khi buộc lòng phải vũ trang cho các ông. Người ta báo cho tôi biết là một băng Cayuga thuộc giống người Irôcơ thù địch với chúng ta được phái đến đây để lột da đầu chúng ta.
- Da đầu của chúng ta – những người khác vừa lặp lại vừa đưa tay lên đầu sờ tóc.
- Đấy là những chuyện phiền lòng thỉnh thoảng xảy ra ở đây. Nước Anh và nước Pháp chưa thỏa thuận được với nhau là quyền sở hữu miền Đâu Ixt này thuộc về ngôi vua nào. Như thế, chúng ta, những người di dân có thể hoạt động trong hòa bình, nhưng cũng có những thời kỳ, các nhà cai trị ở Kêbech lại thuê các bộ lạc ở biên giới tổ chức một đội viễn chinh để xua đuổi những người da trắng có thể chiếm cứ mà không được phép của vua nước Pháp. Nước Anh cũng hành động như thế nhưng họ gặp khó khăn hơn trong việc tuyển những người Môhican là Maxaoa ủng hộ. Tuy vậy, chẳng có người da trắng nào sống trong rừng đại ngàn có thể hoàn toàn tránh khỏi một cuộc tàn sát của bộ tộc này hay bộ tộc kia đang ở tản mác.
- Hay gớm nhỉ- Mécxơlô nói, giọng mỉa mai cay độc – Ông khoe khoang mãi về vẻ đẹp và sự giàu có của thái ấp “của ông” và ông sẽ cho chúng tôi một phần khá lớn nhưng ông quên không báo cho chúng tôi biết những mối nguy của nó và chúng tôi có thể bị những tên mọi rợ hoàn toàn trần truồng kia tàn sát.
- Ai đã dạy cho các ông, là trên trái đất này có một nơi nào mà ở đấy con người không phải chiến đấu để bảo vệ sự toàn vẹn cuộc sống của họ? Chẳng có thiên đường nào trên trái đất cả. Quyền tự do duy nhất của con người là có thể lựa chọn cách sống, chiến đấu và chết thế nào và vì sao như anh ta muốn. Và ngay cả những người Hêbơrơ cũng phải chiến đấu với Giôxuê để chinh phục miền Đất Hứa.
Ông quất cương ngựa và biến vào trong bóng tối.
Lúc mặt trời lặn, những cuộn mây màu lưu huỳnh trôi đi như những đám khói của một vụ cháy lớn trên nền trời màu trắng xà cừ.
Biển rực lên một màu vàng nâu và các hòn đảo màu đen như nhân lên thành một đàn cá nhám vội vã lội dọc theo bờ.
Cơrâulê đến gần và bảo rằng phải lợi dụng ánh sáng cuối cùng để tổ chức các vị trí phòng thủ và đặt người gác.
- Như vậy, chuyện người Anhđiêng là nghiêm túc phải không?
- Việc đó có thể xảy đến. Đề phòng trước thì hơn và trong tư thế sẵn sàng còn hơn là nhận một mũi tên vào bả vai.
- Vậy mà tôi cứ tưởng là ông ấy đùa – Manigô nói với vẻ suy tư và đưa mắt nhìn các thứ vũ khí để dưới chân mình.
Mục sư Bôke, hai mắt nhắm nghiền như bị sét đánh.
- Ông ta đùa nhưng ông ta thuộc Thánh thư- Mục sư lẩm bẩm- Những chuyện đùa của ông ta mở ra nhiều điều phải suy ngẫm. Các anh em, chúng ta có xứng đáng với Đất Hứa không? Không những chẳng hề oán giận Chúa về những thử thách Người đã đem đến cho chúng ta, chúng ta hãy đón nhận lấy để chuộc lại một cách công bằng những lỗi lầm của chúng ta và để trả giá cho tự do của chúng ta.
Angielic lắng nghe tiếng vó ngựa mỗi lúc một xa dần trong đêm. Hơi thở của gió và của biển. Bí ẩn của đêm đen, trong miền đất xa lạ và những mối hiểm nguy.
Những người thức để canh trong đêm hôm đó, rình nghe những động tĩnh nhỏ nhất, đều lấy làm lạ về vẻ yên ắng trong vùng này. Tay đặt trên nòng súng, mắt mở to nhìn vào bóng đêm, những người Tin lành thay phiên nhau đứng canh và những cái bóng cứng đơ của họ đổ dài bên cạnh những bóng người lởm chởm lông thú của những người khách trọ ngồi trước các đống lửa. Những người săn bắn với lối nói hoa mỹ và ngộ nghĩnh tập cho họ làm quen với thế giới chưa được văn minh quanh họ. Người dân La Rôsen bắt đầu quên đi quá khứ của mình.
Tận sáng hôm sau không có một tiếng báo động nào và người ta cảm thấy một nỗi thất vọng mơ hồ.
Angielic hỏi nàng có thể dùng một con ngựa để đi sang Gunxbôrô được không?
Hôm nay, trông nàng có vẻ là người ỉu xìu nhất trong tất cả mọi người. Chồng nàng vẫn chưa cắt đặt cho nàng một vị trí nào bên cạnh chàng. Hôm qua đến đây chàng cũng không thèm tìm gặp nàng, cũng chẳng hỏi han gì về nàng. Chàng vờ đối xử với nàng khi thì thân mật giúp đỡ, khi thì để nàng tự xoay xở lấy.
Thế nhưng đấy là một thái độ cần thiết, chừng nào mà những người quanh chàng chưa biết rõ mối quan hệ gắn bó giữa hai người. Nhưng Angielic bắt đầu sốt ruột. Đối với nàng, xa cách Giôphrây đờ Perắc là quá sức chịu đựng.
Nàng cần phải nhìn thấy chàng, nghe tiếng chàng.
Cơrâulê dặn nàng là phải đề phòng bọn người Anhđiêng Cayuga! Nàng nhún vai. Những người Anhđiêng Cayuga! Trong lúc buồn rầu, nàng gần như đổ lỗi cho Giôphrây là chỉ kiếm cớ để bỏ rơi nàng.
- Ông chủ cấm không một ai được rời bỏ khu trại Sămpơlanh – người Ecôxơ còn nói thêm.
Angielic bất cần, tỏ vẻ giận dỗi.
- Phải đi sang Gunxbôrô thôi, - Nàng nói.
Khi nàng lên ngựa rồi, Ônôrin gào thét quá nên nàng đành phải cho nó cùng đi.
-Ôi! Ônôrin! Ônôrin, con gái yêu quí tội nghiệp của mẹ, sao con không chịu ngồi yên lấy một ngày nào?
Tuy vậy, nàng vẫn chèn con bé thật chắc vào người nàng rồi ra đi. Cảnh này làm nàng nhớ lại những cuộc phi ngựa ngày xưa với Ônôrin trong rừng Niơn.
Nàng đi theo con đường đầy cỏ khô êm ái, vó ngựa phóng nước đại cũng không nghe tiếng. Mùa hè đang kết thúc để lại mùi hương thoang thoảng của hạt phỉ và quả bánh mì. Thứ mùi quen thuộc và ngon lành. Chắc hẳn có những chùm nho dưới tán lá.
Thêm vào vẻ đẹp của những cánh rừng sồi và rừng dẻ còn có vẻ đẹp xa lạ của những cây phong màu sáng dưới lớp vỏ lụa rách tươm, những cây thích chảy nhựa thơm lừng.
Angielic thích thú nhận ra bầu không khí vô cùng khoái trá đối với nàng. Nhưng vẻ bí ẩn của khu rừng này có cái khác với rừng Niơn và từ sự trinh nguyên của nó không ngừng tỏa ra một cái gì say đắm. Niơn nặng nề quá khứ đạo. Ở đây kỷ niệm về những người da trắng duy nhất đã đến trong quá khứ, những người Viking, dừng lại bên bãi biển với những tòa tháp kỳ lạ do chính bàn tay của họ xây dựng lên bằng những tảng đá thật to.
Khu rừng thậm chí cũng chẳng thèm biết đến dấu chân của kẻ đã chinh phục mà chỉ biết dấu chân của những loài vật nhiều vô kể và bàn chân lướt qua của người Anhđiêng, hiếm hoi và câm lặng.
Angielic không biết là con ngựa của nàng đã đi vào một lối mòn khác dẫn tới một đỉnh đồi. Nàng lấy làm ngạc nhiên vì một luồng gió bất thần. Một cánh đồng ngô trải ra trước mặt nàng. Trên một cái sàn gỗ có vòm cây che, một người Anhđiêng ngồi xổm như một pho tượng bất động, tay cầm cây sào dài để đuổi lũ chim trời phá hoại.
Ở phía tay phải có thể trông thấy hàng dậu của ngôi làng Anhđiêng, khói đang bay tỏa lên từ những căn lều. Xa hơn nữa, xen vào một cánh đồng lúa mì là một cánh đồng trồng bí, một cánh đồng trồng loại cây gì mà nàng không biết nhưng lá to, bóng lộn, nàng nghĩ có thể là cây thuốc lá. Mỗi nơi một ít, những cây hướng dương đang tưng bừng nở hoa. Những rừng già đã nhanh chóng khép lại trên bức tranh thôn dã đó.
Ngạc nhiên, nữ kỵ sĩ không nghĩ đến việc hỏi đường. Ngựa nàng vẫn tiếp tục đi lên như đã quen đi trong cuộc dạo chơi thường lệ. Lên đến đỉnh đồi, nó tự ý dừng lại, Angielic nhìn một cách sợ sệt nhưng thèm thuồng vùng đất trải dài dưới chân nàng. Khắp nơi, giữa những mỏm đá và cây cối, ngời lên vô số những ao và hồ nước, một bức tranh trang trí ghép mảnh trắng và xanh lơ được dát bằng những vách đá, từ đó ào ào đổ xuống những ngọn thác trắng xóa.
Nàng không dám thở, cố nhìn bằng thích những cảnh quan hùng vĩ và thanh bình rồi đây phải biến thành của mình. Ônôrin cựa quậy và đưa cánh tay nhỏ bé của nó ra.
- Ở kia – nó nói.
Một bầy chim trời từ phía dưới bốc lên và bay qua gần chỗ nàng với những tiếng kêu ríu rít khàn khàn.
Nhưng Ônôrin vẫn cứ giơ tay ra. Không phải nó muốn chỉ đàn chim mà chỉ cái gì đã làm cho đàn chim phải bay vù lên.
Ánh mắt Angielic lần từ trên vách đá xuống, phát hiện ra một dãy dài những người Anhđiêng nối đuôi nhau đang đi tới, men theo một con suối. Khoảng cách còn xa và bị cành che lấp, nàng không thể phân biệt rõ những người đó nhưng nàng có thể nhận thấy là họ khá đông và không phải là những người nông dân đi ra đồng. Không có dụng cụ canh tác nào trên vai mà chỉ có nỏ và những bao đựng tên.
- Những người đi săn chăng?
Nàng cố trấn tĩnh nhưng lập tức nàng nghĩ ngay đến bọn Cayuga. Nàng lùi lại một chút, ẩn vào trong bóng cây để khỏi bị phát hiện.
Những người Anhđiêng đi dọc ven suối với tài nhanh nhẹn khôn ngoan. Những chùm lông đỏ và xanh trên mũ chúng đan vào nhau như một con rắn rõ dài đầy khoang sọc giữa lá rừng. Quả thật chúng rất đông…quá đông! Đội hình hành quân của chúng lao thẳng ra hướng biển. Nàng nhìn ra xa, trông thấy hiện lên trong sương mù bóng tòa pháo đài Gunxbôrô trên vịnh mà dưới ánh nắng, bề mặt sáng ngời lẫn với nền trời trắng bạc.
“ Nếu bọn Anhđiêng đến tận đấy thì chúng ta sẽ bị cắt đứt liên lạc với pháo đài và không thể ứng cứu cho nhau. May mà Giôphrây đã phân phát hết vũ khí…”
Chính lúc này nàng đang nghĩ đến chàng thì nàng trông thấy một người Âu cưỡi ngựa từ hướng pháo đài đi tới đang phi nước đại trên đường. Tiềm thức của nàng báo cho nàng biết trước khi người đó đến gần, rằng đó là chàng. Chiếc áo choàng màu đen tung bay, chòm lông chim trên mũ phớt rộng vành…đấy là bá tước đờ Perắc. Một mình.
Nàng cố nén một tiếng kêu. Từ trên đồi cao nàng trông thấy bọn người Anhđiêng đã đến sát con đường ven biển và tập hợp thành từng nhóm. Chỉ trong vòng một vài phút chàng kỵ sĩ chạy thả cương sẽ nhào xuống chỗ bọn chúng. Không có cách gì để báo cho chàng biết.
Nàng cố hết sức kêu to lên. Nhưng tiếng kêu của nàng không tới và hút vào không gian vô tận. Tuy vậy, đột nhiên phải chăng tiềm thức trong con người bao lần gặp gỡ cái chết trên đường đã báo cho chàng biết, hay một tên Anhđiêng đã bắn mũi tên đầu tiên của hắn ra quá sớm, hay một tên khác đã kêu lên một tiếng kêu xung trận – nàng thấy chàng ghìm ngựa lại mạnh đến nỗi con ngựa chồm lên quay lui và phóng thẳng tới một mô đất nhỏ đầy những mỏm đá cao hơn các bụi cây. Từ đó chàng đưa mắt nhìn quanh khắp đường chân trời để xem xét tình hình. Con ngựa của chàng lại lồng lên một cách vô cớ, rồi quỵ xuống. Angielic hiểu rằng ngựa của chàng đã trúng tên. Đúng là bọn Cayuga đáng sợ kia rồi. May mà Giôphrây đờ Perắc đã kịp rút chân khỏi bàn đạp và nhảy ra để nấp vào sau các mỏm đá vây quanh các ụ đất. Một đám mây nhỏ bay lên rồi một tiếng súng nổ vang tận nơi người thiếu phụ đang đứng. Chàng bắn và chắc chắn mỗi phát chàng có thể hạ một tên. Nhưng chàng làm gì có nhiều đạn để có thể chống chọi lâu hơn nữa với quân thù đã bắt đầu bao vây chàng. Lại một cụm mây nhỏ nữa bay lên.
Lập tức Ônôrin giơ ngón tay nhỏ bé ra.
- Kia kìa
- Đúng, kia kìa – Angielic nhắc lại với vẻ chán nản vì sự bất lực của mình.
Tiếng súng nổ vọng đến tai nàng nghe bé nhỏ như tiếng người đập hạt dẻ.
- Từ Gunxbôrô không ai có thể nghe rõ vì quá xa.
Nàng muốn phóng tới nơi đang đánh nhau nhưng cành cây cản nàng lại, vả lại nàng chẳng có vũ khí trong tay. Nàng quay lại và đi theo con đường đã từ đó đến đây, lao xuống đồi bằng cách cho ngựa phi nước đại. Ngựa nàng bay. Đi qua vùng trồng trọt của người Anhđiêng, nàng kêu to lên với người canh ruộng ngô đang ngồi bất động dưới vòm lá.
- Bọn Cayuga! Bọn Cayuga!
Nàng xông thẳng vào khu trại Sămpơlanh.
- Bọn Cayuga tiến công chồng tôi trên con đường Gunxbôrô. Ông ấy nấp sau các mỏm đá nhưng chẳng bao lâu nữa sẽ hết đạn. Đến nhanh!
- Ai bị tấn công? Manigô hỏi, không tin chắc ở những gì mình vừa nghe nói.
- Chồng…bá tước đờ Perắc.
- Ông ấy ở đâu? Cơrâulê vừa hỏi vừa chạy tới.
- Cách đây khoảng gần một dặm.
- Nàng trao Ônôrin vào cánh tay giơ ra đầu tiên.
- Đưa cho tôi một khẩu súng ngắn, nhanh lên.
- Trao súng ngắn cho một quí bà! Người Ecôxơ kêu lên vẻ bực dọc.
Ông ta giật lấy khẩu súng nàng cầm trên tay kiểm tra, điều chỉnh, nạp đạn một cách nhanh nhẹn.
- Thuốc súng! Đạn! Nhanh lên!
Đến lượt mình, không cần bàn cãi gì thêm, ông ta cầm lấy khẩu súng trường và nhảy lên mình ngựa. Angielic phóng ngựa theo ông ta ra bờ biển.
Lát sau họ nghe tiếng súng nổ và cả tiếng hò reo của người Irôcơ. Người đàn ông nhỏ bé quay lại và vừa nói to với nàng vừa nhăn mặt một cách vui vẻ.
- Ông ấy vẫn còn bắn. Chúng ta đến kịp!
Đến một khúc quanh, một nhóm người Anhđiêng ra chặn đường. Những người này cũng bất ngờ nên chưa kịp chuẩn bị cung tên, Cơrâulê phóng qua. Angielic theo sau, tả xung hữu đột, cho chúng xới một mẻ những báng súng ngắn vào đầu.
- Hãy dừng lại – Ông ta ra lệnh – Tôi trông thấy những tên khác đang chạy tới, hãy lẩn vào trong lùm cây.
Hai người chỉ còn đủ thì giờ đế nấp vào sau thân cây. Mũi tên bắn viu viu vào quanh người họ, cắm phập vào gỗ cứng. Angielic và Cơrâulê thay phiên nhau bắn. Cuối cùng bọn Anhđiêng phải trèo lên cây để kiểm soát con đường và chắc mẩm là sẽ không phải bỏ mạng ở đây. Nhưng Cơrâulê đuổi theo chúng lên tận ngọn cây và bắn, những xác người từ trên cao nặng nề rơi xuống. Angielic còn muốn tiến thêm nữa. Cơrâulê khuyên nàng không nên. Họ chỉ có hai người.
Bỗng họ nghe thấy tiếng vó ngựa tới từ khu trại Sămpơlanh. Sáu kỵ sĩ xuất hiện với vũ khí trên tay. Trong đó có Manigô, Bécnơ, Lơ Gan, mục sư Bôke và hai người đi săn.
- Các ông hãy đi vòng qua lối khác – Cơrâulê kêu lên – Và chạy ngay đi cứu ông đờ Perắc. Tôi gác đoạn đường này đề phòng chúng đánh úp các ông từ phía sau.
Toán kỵ sĩ rùng rùng đi qua, Angielic lại lên ngựa đi cùng với họ. Đi xa hơn một chút họ lại một lần nữa bị bọn người Anhđiêng chặn lại, nhưng chúng đã phải tản đi trước khí thế xông lên đầy phẫn nộ của những người da trắng. Những đứa tiến lên, lăm lăm chiếc rìu chiến đều bị những khẩu súng ngắn bắn thủng mặt.
Toán kỵ sĩ tiến thêm. Angielic thấy nhẹ cả người khi nhận ra họ đã đến nơi chồng nàng đang tiếp tục chống cự. Đến lượt họ cũng phải xuống ngựa và tìm chỗ ẩn nấp. Nhưng sự xuất đầu lộ diện của họ làm cho bọn tấn công khó xử. Bị kẹt giữa hỏa lực của bá tước đờ Perắc tử trên núi, của những người Tin lành, những người thợ săn và của Cơrâulê, mặc dù đông hơn, chúng bắt đầu núng thế.
- Tôi mở đường cho anh – Manigô nói với Lơ Gan – Anh phi thẳng về Gunxbôrô báo động và lấy thêm quân cứu viện.
Người thủy thủ nhảy lên mình ngựa và lợi dụng lúc con đường được mở bằng những phát súng bắn liên tục, ông ta cho ngựa lao vút đi. Một mũi tên vút qua tai, làm bay mất chiếc mũ của ông ta.
- Đi lọt rồi – Manigô nói – Chúng chẳng đuổi kịp ông ta đâu. Bây giờ chúng ta chỉ cần kiên tâm chờ ông đờ Uyêcvin và người của ông ta kịp tới.
Bọn Cayuga bắt đầu hiểu ra cái gì đang đe dọa chúng. Được vũ trang hoàn toàn bằng mũi tên và rìu chiến, chúng không thể nào đương đầu nổi với hỏa lực của tất cả những người da trắng cùng hợp sức chống lại. Cuộc phục kích của chúng không thành công. Chúng buộc phải vừa đánh vừa lùi.
Chúng bò trườn vào rừng để tập hợp lại cạnh con suối. Từ đó chúng sẽ trở lại bờ sông nơi những chiếc xuồng của chúng đang chờ đợi. Quân tăng viện từ Gunxbôrô đến làm cho cuộc rút lui của chúng hoảng loạn. Bây giờ thì chúng vấp phải những người bản xứ trong cái làng mà Angielic đã báo động và họ cho chúng xơi một trận tên bắn như mưa. Những tên sống sót phải bỏ kế hoạch đi đến chỗ con sông và không còn cách nào khác là chạy tán loạn vào rừng. Người ta cũng chẳng thèm quan tâm tìm hiểu xem số phận chúng sẽ ra sao.
Angielic nhảy bổ tới cồn đất cao, không để ý bước qua những xác người đỏ như đồng hun lại bị bắn hạ như những con chim to lớn với bộ lông sặc sỡ. Chồng nàng không xuất hiện. Nàng trông thấy chàng đang cúi xuống con ngựa bị thương. Chàng vừa cho nó một phát súng để kết liễu cuộc đời nó.
- Anh còn sống! – Nàng nói – Ôi! Em sợ đến chết khiếp đi được. Anh phi ngựa đến gặp chúng. Bỗng anh sững lại. Vì sao vậy?
- Tôi nhận ra cái mùi của chúng. Chúng xoa người bằng một thứ mỡ mà gió đưa mùi hôi đến tận chỗ tôi. Tôi đi lên điểm cao kia để nhìn xem con đường rút lui của mình có bị cắt không. Chính lúc đó chúng bắn chết con ngựa của tôi. Con Sôliman tội nghiệp! Nhưng, đồ dại dột, làm sao em lại mò đến tận nơi này và làm sao mà em biết được cuộc giao tranh này?
- Lúc đó em đang ở trên ngọn đồi kia. Em thấy anh đang lâm vào cảnh khó khăn và em đã chạy được về pháo đài Sămpơlanh để xin cấp cứu. Họ đã đến.
- Em làm gì trên ngọn đồi kia? – Chàng hỏi.
- Em định sang Gunxbôrô nhưng bị lầm đường.
Giôphrây đờ Perắc khoanh tay trước ngực.
- Phải đến bao giờ - Chàng nói với giọng cố nén – Em mới chịu tuân theo mệnh lệnh và kỷ luật của tôi đề ra? Tôi đã cấm ngặt không một ai được ra khỏi các khu trại. Đây là lần dại dột cuối cùng.
- Bản thân anh cũng hành động như thế đấy thôi.?
- Đúng thế. Suýt nữa thì tôi đã phải trả giá quá đắt. Thế là tôi đã mất toi con ngựa. Vì lý do gì mà em đi ra khỏi khu trại?
Nàng thú thật, không hề úp mở.
- Không trông thấy anh, em không chịu nổi. Em đến trước để gặp anh.
Giôphrây đờ Perắc hết căng thẳng. Chàng khẽ mỉm cười.
- Tôi cũng vậy, chàng nói.
Chàng nâng cằm nàng lên và ghé sát bộ mặt đen ngòm khói súng của chàng vào mặt Angielic cũng nhem nhuốc như thế.
- Cả hai chúng ta cùng hơi điên điên – Chàng lẩm bẩm một cách ngọt ngào – Em có thấy như thế không em?
- Ngài có bị thương không, ngài Perắc? – Đờ Uyêcvin hỏi.
Bá tước trèo qua những mỏm đá và đi xuống chỗ mọi người đang tụ tập phía dưới.
- Xin cám ơn các ông về cuộc can thiệp, - Chàng nói với những người Tin lành- Cuộc đột nhập của bọn cướp này sẽ không bị đập tan bằng một cuộc đụng độ sơ sơ nếu như tôi không dại dột phiêu lưu ra khỏi khu trại mà không đem theo người hộ tống. Mong rằng việc này sẽ là bài học cho tất cả mọi người chúng ta. Những cuộc đột nhập như thế của các bộ lạc hiềm khích không phải là mối nguy hiểm nghiêm trọng. Nếu như được báo kịp thời thì chúng ta có thể tập trung lại và tổ chức phòng chống. Mong rằng trong số các ông không có ai bị thương đấy chứ.?
- Không, nhưng mà sát sạt – Lơ Gan vừa trả lời vừa ngắm nghía chiếc mũ chụp ông ta đã nhặt lên được.
Manigô không biết mình nên có thái độ như thế nào. Các sự kiện xảy ra quá nhanh đối với ông ta.
- Ông đừng có cảm ơn tôi – Ông ta vui vẻ nói – tất cả những gì chúng ta làm đều là phi logic.
- Ông tin như vậy ư? –Perắc vừa trả lời vừa nhìn thẳng vào mắt ông ta – Trái lại tôi thấy mọi cái vừa diễn ra đều nằm trong logic của miền Đâu Ixt. Hôm kia các ông mong tôi chết. Hôm qua tôi muốn treo cổ các ông lên. Nhưng đến buổi chiều tôi lại trang bị vũ khí cho các ông để các ông cứu sống tôi. Còn gì logic hơn thế nữa?
Chàng thò tay vào cái túi bằng da và giơ ra hai viên tròn lấp lánh.
- Các ông xem – chàng nói – Tôi chỉ còn vẻn vẹn có hai viên đạn này thôi.
Buổi chiều cả khu trại Sămpơlanh được triệu tập đến họp để chào mừng Đại tù trưởng Maxaoa ở Gunxbôrô. Những người vũ trang đi bên sườn đội hình, hộ tống các bà và lũ trẻ con. Đi qua chỗ sáng nay đã diễn ra cuộc chiến đấu ngắn ngủi chống lại bọn Cayuga, họ dừng lại.
Máu người khô lại đã đen ngòm. Từng bầy chim bay lượn trên những xác chết không người thừa nhận.
Cảnh chết chóc trái ngược hẳn với cuộc sống rung động cây cối được làn gió nhẹ vuốt ve và tiếng hát biển khơi kề bên cạnh.
Họ đứng lặng yên một lúc lâu.
- Cuộc sống của chúng ta sẽ là như vậy đấy – Bécnơ nói, trả lời cho chính những ý nghĩ của ông ta.
Họ không buồn, cũng không hề khiếp sợ. Cuộc sống của họ là như thế đấy.
Bá tước đờ Perắc chờ họ trước pháo đài. Ông ra đón họ và giống như hôm đổ bộ từ trên tàu xuống, ông gom họ lại trên bãi biển. Ông băn khoăn. Sau khi chào các bà thật lịch sự, ông có vẻ suy tư, mắt nhìn về phía vịnh.
- Thưa các ông! Sự cố xảy ra sáng nay làm tôi nghĩ nhiều về số phận của các ông. Những nguy hiểm quanh các ông hình như to lớn đấy. Tôi sẽ đưa các ông lên tàu và chở các ông đến hải đảo châu Mỹ.
Manigô giật nảy mình như bị ong bò vẽ đốt.
- Không đời nào – ông ta gầm lên.
- Cám ơn ông – Bá tước vừa nói vừa cúi đầu – ông vừa cho tôi câu trả lời mà tôi đã chờ đợi ở các ông. Và tôi lấy làm cám ơn những người Cayuga dũng cảm mà cuộc đột nhập của họ vào đất đai của các ông đã bỗng nhiên làm các ông có ý thức về tầm quan trọng các ông đã gắn bó với nó. Các ông ở lại.
Manigô hiểu là một lần nữa ông ta lại rơi vào bẫy và ngập ngừng muốn nổi giận.
- À vâng! Chúng tôi ở lại – Ông ta lầu bầu – Ngài tưởng là chúng tôi sẽ phục tùng tất cả mọi mánh khóe tráo trở của ngài hay sao. Chúng tôi ở lại và ở đây chẳng thiếu công việc để làm.
Bà vợ trẻ của người thợ làm bánh bèn lên tiếng.
- Tôi nghĩ đến một điều, thưa đức ông. Chỉ cần người ta đem cho tôi thứ bột thật mịn và giúp tôi xây một cái lò sấy dưới đất hoặc bằng sỏi cũng được, tôi có thể làm ra bánh bao nhiêu cũng được. Trước đây tôi đã giúp nhà tôi trong việc buôn bán này. Cả mấy đứa trẻ nhà tôi chúng nó cũng biết làm bánh xốp và bánh sữa.
- Còn tôi – Bécti kêu lên – Tôi có thể giúp cha tôi làm giấy. Cha tôi đã dạy cho tôi những bí mật của nghề làm giấy vì tôi là con gái thừa kế duy nhất của ông.
- Giấy! Giấy! Manigô kêu lên như muốn khóc – Con điên hay sao, con gái đáng thương của ta. Trên sa mạc hoang dại này người ta có cần đến giấy không?
- Ông lầm rồi - Bá tước nói – Sau con ngựa, giấy là sự chinh phục đẹp đẽ nhất của con người vì con người không thể sống mà không có giấy. Con người biết rằng giấy là một phương tiện bộc lộ ý nghĩ của mình lâu bền hơn lời nói. Tờ giấy láng là vật phản chiếu mà người ta thích ngắm mình trong đó, như người đàn bà ngắm mình trong chiếc gương soi…À này, tôi quên, thưa quí bà, tôi đã dành cho quí bà những đồ dùng cần thiết mà thiếu chúng các quí bà không thể duy trì một cuộc sống mới…Manuêlô! Giôvani!..
Những người thủy thủ được gọi tên tiến đến khiêng một chiếc hòm mà họ vừa cẩn thận đem từ dưới xuồng lên. Trong chiếc hòm, giữa lớp cỏ khô bảo vệ có những chiếc gương đủ mọi hình thù và kích cỡ khác nhau.
Giôphrây đờ Perắc cầm lấy, tặng các bà và các cô, chào họ suốt một lượt, hết người này đến người khác như buổi chiều đầu tiên họ lên tàu Gunxbôrô.
- Cuộc hành trình đã kết thúc, thưa quí bà. Cuộc hành trình đó có khi nào bị xáo động và có lúc đau lòng, tuy vậy tôi vẫn cứ muốn các quí bà, quí cô giữ lấy làm kỷ niệm cái vật không đáng giá này. Nhờ có nó quí bà, quí cô có thể ngắm nghía vẻ đẹp của mình. Chiếc gương con này sẽ trở thành người bạn trung thành của quí bà, quí cô vì tôi quên không nói rõ một trong những đặc điểm của xứ này. Xứ sở này làm cho con người đẹp lên. Tôi cũng không biết hiện tượng đó do sương mù mát mẻ, do thứ hơi thần diệu và pha trộn bốc lên từ biển và từ rừng, nhưng những sinh linh cư trú ở đây đều nổi tiếng về hoàn mỹ của thân thể và diện mạo. Quí bà, quí cô hãy nhìn xem! Hãy ngắm xem!
- Tôi chẳng dám đâu- Bà Manigô vừa nói vừa sờ lên mũ và cố sửa sang lại mái tóc của mình – Hình như đầu tóc tôi làm người ta phát khiếp.
- Không đâu mẹ ạ. Mẹ rất đẹp, thật đấy – các cô con gái bà đồng thanh reo lên, xúc động vì sự ngượng ngùng của mẹ.
- Chúng ta ở lại thôi – Bécti vừa van vỉ, vừa nghịch với chiếc gương có cán bằng bạc trong đó cô ta vừa trông thấy bóng mình.