- Con chúng tôi đâu rồi? – Các bà mẹ bỗng sợ hãi kêu lên khi thấy cảnh man rợ này.
- Mẹ ơi – Ônôrin thét lên và chạy bổ đến với mẹ - Mẹ lại đây mà xem những con tôm câu được cùng với ông Cơrâulê này.
Bộ mặt non choẹt của nó nhem nhuốc màu xanh.
- Cứ như là nó uống mực viết vậy!
Nhưng bọn trẻ con đứa nào cũng thế cả.
- Chúng con vừa ăn những quả “Strauberrie” (dâu tây) và những quả “Whortberrie” (nham lê)…
“ Chỉ ít ngày nữa, bọn trẻ sẽ nói tiếng Anh hết” – Các ông bố bà mẹ nói với nhau.
- Khi đói thì đã có đây – Bá tước vừa nói vừa chỉ các thứ thực phẩm – Còn rét thì đã có lông thú và củi đốt ê hề ra đấy.
- Vậy mà Sămpơlanh đã thất bại – Manigô nhắc lại.
- Đúng. Nhưng ông có biết vì sao không? Ông ta mù tịt về cái khoản bãi đá ngầm ven biển, chiều cao của thủy triều lên tới một trăm hai mươi bộ và mùa đông khủng khiếp làm ông ta sợ hết hồn.
- Ông có loại trừ được những khó khăn đó không? –Mécxơlô cười khẩy.
- Hẳn là không. Thủy triều bao giờ cũng vẫn còn lên cao đến một trăm hai mươi bộ, nhưng chỉ ở phía bên kia mũi Gunxbôrô này, nơi mà Sămpơlanh đã hạ trại. Ông ta bám vào một nơi đáng nguyền rủa trong khi đó chỉ cách nửa giờ ngựa phi nước đại ông ta sẽ tìm thấy chỗ ta đang đứng đây nơi thủy triều chỉ cao bốn mươi bộ.
- Bốn mươi bộ vẫn là mức thủy triều quá cao đối với một hải cảng.
- Không đúng, bốn mươi bộ là mức thủy triều ở Xanh – Malo, hải cảng rất phồn thịnh ở Brơtanhơ.
- Ở đấy không có bùn – Manigô nói vừa nhúng tay xuống làn nước trong vắt.
- Ở đấy không có eo biển – Bécnơ cho biết thêm.
- Đúng thế, nhưng ở đấy lại có con sông Răngxơ có những kỳ nước ròng và bùn lầy.
- Cho nên vận may của các ông còn lớn hơn tổ tiên các ông ngày trước, khi các cụ quyết định xây dựng một hải cảng chẳng ai dám bén mảng tới trên mỏm núi đá sau này trở thành La Rôsen đó. Cũng được bảo vệ bằng những eo biển như ở đây, nhưng La Rôsen đang bị đe dọa, đến một ngày không xa nữa sẽ bị bùn lầy bóp chết hoàn toàn. Nếu các ông, những người dân La Rôsen không đứng ra xây dựng ở đây một hải cảng có nhiều cái tương tự như thành phố quê hương của các ông thì ai vào đây mà xây dựng.
Angielic để ý thấy những tín đồ Tin lành xúm xít quanh con người mà họ vẫn gọi là Rescartor. Nhưng cũng như tất cả, bất cứ ai khi nói chuyện với một người mà họ biết là thông thạo, họ đã quên khuấy hoàn cảnh bấp bênh của mình đối với ông và tỏ ra say sưa như thường. Câu hỏi của ông đưa họ trở về với thực tại.
- Thật ra thì lúc này chúng tôi đang nằm trong tay ngài- Manigô nói giọng cay đắng – Chúng tôi làm gì có quyền lựa chọn.
- Lựa chọn cái gì? – Giôphrây đờ Perắc vừa nói vừa nhìn thẳng vào mắt họ - Đi đến ư? Các ông biết gì về hòn đảo đó nào? Muốn đến được đó phải cống nộp cho bọn cướp ở vùng biển Caribe và cứ lâu lâu lại bị bọn giặc ở dưới biển và bọn phỉ trên rừng của đảo Con Rùa đến trấn lột. Những con người như các ông đến đó thì làm nên công chuyện gì. Các ông khéo léo, năng động, biết nghề biển, lại biết nghề buôn. Đến đấy để làm nghề đánh cá? Chỉ có mấy con cá đục trong dòng suối còm và ven biển thì chỉ có độc một loại cá mập hung dữ.
- Thế nhưng ở đấy tôi có cửa hàng – Manigô nói – Và có tiền.
- Không, tôi không tin điều đó. Các cửa hàng của ông chắc hẳn đã bị hải tặc cướp phá sạch sành sanh rồi và ông chẳng còn gì nữa đâu, thưa ông Manigô. Ông có thể cứ giữ lại những cơ sở vững chắc ở La Rôsen với hi vọng còn thu được một số của cải khi đến các hải đảo châu Mỹ. Nhưng ông có dám chắc là những người ở Xanh Đômanhgio cũng như ở La Rôsen, trước đây là những người cộng sự thân thiết và trung thành đã chẳng chia nhau cả cái xác còn lại của ông rồi không?
Manigô bối rối. Chính lỗi lo sợ của ông đã được Rescartor cụ thể hóa bằng lời nói.
- Chắc hẳn một trong nhiều động cơ đã thúc đẩy các ông chiếm chiếc tàu của tôi là các ông sợ rằng khi đến đảo sẽ ở trong tình trạng nghèo đói hoàn toàn, lại còn phải làm nghĩa vụ đối với tôi là người đưa các ông đến tận nơi ấy. Cái kế hoạch kiểu cướp biển của ông sẽ đem lại cho ông hai lợi thế. Loại trừ tôi, loại trừ được một người chủ nợ và các ông trở thành người chủ của một con tàu đẹp. Mặc dù là kẻ di cư khốn khổ, các ông có thể trở nên cao giá đối với những ai ở trên hòn đảo ấy dám đón tiếp các ông không bằng đón tiếp một con chó.
Manigô không chối cãi. Ông ta chỉ khoanh tay trước ngực, đầu cúi xuống trong tư thế suy nghĩ sâu sắc.
- Và thưa ngài, ngài bảo rằng sự e ngại của tôi đối với những người cùng cộng tác với tôi trước đây ở hải đảo và ở La Rôsen là đúng. Đây là phỏng đoán hay sự thật?
- Sự thật.
- Làm sao ngài biết được tất cả những điều đó?
- Thế giới đấu phải quá to lớn như ta tưởng. Khi tàu nghỉ ở ven biển Tây Ban Nha, tôi có gặp một trong những kẻ ba hoa nhất trên đời này, một người tên là Rôsa tôi đã quen ở phương Đông.
- Cái tên ấy làm tôi nhớ lại một điều gì đó.
- Ông ta trước đây là tùy viên phòng thương mại ở La Rôsen. Ông ta nói chuyện với tôi về cái thành phố mà ông ta vừa mới rời khỏi, nói về cả ông nữa, để chứng minh cho tôi hiểu là ở La Rôsen cách thức mà quyền lực và của cải từ tay những nhà tư sản lớn theo đạo Tin lành chuyển sang những nhà tư sản lớn theo đạo Thiên Chúa sẽ diễn ra như thế nào? Ngay từ đó, ông cũng đã bị kết tội rồi, ông Manigô ạ. Nhưng khi nghe ông ta kể chuyện, tôi cũng không ngờ rằng mình sẽ được…hân hạnh…Ông cúi chào một cách mỉa mai – Dành cho những con người bị khủng bố mà ông ta nói chuyện với tôi đó, nơi ẩn náu trên con tàu của tôi.
Manigô như không nghe thấy. ông ta thở dài não nề.
- Tại sao ngài không cho chúng tôi biết việc này sớm hơn. Như thế có khi đã tránh được đổ máu.
- Tôi nghĩ ngược lại – Nếu biết được điều đó các ông sẽ càng hăng máu hơn trong việc cướp bóc của tôi để trả đũa cho những kẻ thù của các ông.
- Cho dù chúng tôi có bị những người bạn ngày xưa của chúng tôi kết tội và trở thành khánh kiệt, điều đó cũng không cho phép ông được quyền sử dụng mạng sống của chúng tôi
- Các ông đã sử dụng mạng sống của chúng tôi. Thế là hòa! Bây giờ thì các ông hãy quyết tâm làm một điều gì đó. Ngoài việc trồng mía và thuốc lá mà ông không hề có một chút kinh nghiệm nào, ở trên hòn đảo đó chắc là ông sẽ chỉ làm cái nghề buôn bán người da đen mà thôi. Và, về phần tôi, tôi sẽ chẳng đời nào giúp một thương gia thiết lập nghề buôn nô lệ. Ở đây không cần đến cái công nghiệp có hại đó, có khi ông có thể xây dựng cơ sở cho một thế giới ngay từ khi khởi đầu đã không mang lại mầm mống của sự tàn phá.
- Nhưng ở Xanh Đômanhgio, người ta có thể trồng nho và ý định của tôi là như thế đấy – Một người La Rôsen làm nghề đóng thùng gỗ đựng rượu cho miệt Sarăngtờ nói.
- Nho không thể mọc lên ở Xanh Đômanhgio. Người Tây Ban Nha đã thử trồng nhưng chẳng ăn thua gì. Muốn cây nho có quả, phải qua một sự tắt nhựa do các mùa gây nên. Ở trên đảo này nhựa lúc nào cũng lưu thông. Lá nho không rụng. Không có mùa. Không có nho.
- Vậy mà mục sư Rôsơpho đã viết trong sách của ông ấy…
Bá tước đờ Perắc lắc đầu.
- Mục sư Rôsơpho là một nhà du lịch đáng quí và dũng cảm thỉnh thoảng tôi có gặp, đã từ nhãn quan đặc biệt của ông ta về cuộc sống mà viết sách, ông ta đi tìm thiên đàng trên trần thế và đi tìm Đất Hứa. Có nghĩa là những chuyện kể của ông ta chứa đựng những sai lầm hiển nhiên.
- À! Mục sư Bôke vừa kêu, vừa đập tay thật mạnh lên cuốn kinh thánh to tướng – Đúng là tôi cũng nghĩ như vậy. Tôi có bao giờ đồng ý với cái ông Rôsơpho cuồng tưởng này đâu.
- Chúng ta hãy nhất trí với nhau. Những người cuồng tưởng cũng có cái hay. Họ làm cho con người tiến bộ và bứt họ ra khỏi lối mòn thiên niên vạn đại. Họ thấy những biểu tượng. Còn biểu đạt như thế nào là tùy ở người khác. Nếu như nhà văn Rôsơpho đã phạm phải những sai lầm về địa lý và miêu tả sự giàu có của Tân thế giới với lòng ngưỡng mộ quá ngây thơ, thì cũng chẳng vì thế mà những người dân di cư được ông ta lôi cuốn từ phía bên kia Đại dương tới xem như bị lừa phỉnh đâu. Vị mục sư thân kính này đã thu nhận ý nghĩa biểu tượng vốn là cơ sở trí tuệ người Anhđiêng. Hẳn là người ta chẳng tìm thấy những chùm nho ngọt lịm trên các chồi tái sinh của cây nho rừng, cũng như chẳng tìm thấy đâu những chiếc bánh mì tròn vàng rộm trên cành cây bánh mì, nhưng việc tìm thấy của cải, hạnh phúc, sự bình yên của tâm hồn và trí tuệ có thể mọc lên và nảy nở khắp mọi nơi. Đối với những người biết phát hiện những của cải đích thực được dâng tặng; sẽ hết lòng vì miền đất mới và sẽ không mang đến nơi này mối oán hận của thế giới cũ. Có phải đấy là những cái mà tất cả các ông đến đây để tìm kiếm không nào?
Giọng Giôphrây đờ Perắc trong cuộc diễn thuyết dài dòng này có lúc nghẹn ngào, có lúc khàn đi nhưng không có gì ngăn cách nổi chất lửa trong lời nói của ông.
Ông coi thường cái cuống họng bị thương, như ngày xưa, khi đấu kiếm, ông đã sử dụng tài tình đôi chân tập tễnh của mình. Hai con mắt của ông ngời sáng dưới nét lông mày rậm rì hấp dẫn người nghe và truyền niềm tin cho họ. Một gã người Morơ thay anh chàng Apđula tiến gần và đưa cho ông một cái bầu bụng phụ trông rất lạ, màu vàng ánh đựng thứ nước uống thần bí do người Anhđiêng mang tới. Ông ngửa cổ lên uống mà không để ý tới nước gì.
Có tiếng ngựa hí từ xa. Lát sau, hai anh chàng Anhđiêng xuất hiện và nhảy xuống bãi làm sỏi bắn tung tóe. Người ta hướng cả về hai người này. Họ báo tin Đại tù trưởng Maxaoa sắp sửa đến chào những người da trắng mới tới. Mệnh lệnh được phát ra bằng đủ mọi thứ tiếng để nhanh chóng chuyển từ tàu Gunxbôrô xuống những thứ tặng phẩm và chất đống trên bãi biển, những khẩu súng trường mới tinh, có khẩu còn bọc trong vải dầu, các vũ khí khác và những dụng cụ bằng thép.
Gabrien Bécnơ không ngớt dướn cổ ra nhìn những chiếc thùng gỗ mở toang.
Giôphrây đờ Perắc đưa mắt theo dõi điệu bộ của ông ta.
- Đấy là các loại dao Sipphin – ông giới thiệu – loại tốt nhất.
- Tôi biết – Bécnơ xác nhận.
Và, đây là lần đẩu tiên kể từ bao nhiêu lâu nay, nét mặt ông ta mới dãn ra và cái nhìn của ông ta mới linh lợi lên. Ông ta quên là mình đang nói chuyện với một địch thủ có thâm thù.
- Đối với bọn dã man, tặng phẩm thế là quá đẹp. Chẳng cần đến thế chúng đã mừng rơn.
- Người Anhđiêng rất khó tính trong việc chọn vũ khí và dụng cụ. Lừa gạt họ tức là phá bỏ lợi thế của mình trên thị trường. Những tặng phẩm mà ông trông thấy đấy phải mua về chúng ta bằng được nền hòa bình trên một vùng lãnh thổ còn rộng lớn hơn cả vương quốc Pháp. Nhưng người ta cũng có thể đổi các thứ hàng hóa này lấy lông thu hay vàng bạc hoặc đá quý mà người Anhđiêng cất giữ từ ngày xưa trong các thành phố huyền bí của họ.
Bécnơ vẻ suy tư, trở lại với bạn bè ông ta. Những người này bao giờ cũng ngồi quây quần bên nhau và im lặng. Vùng lãnh thổ mênh mông này làm họ cảm thấy quá nặng, không kham nổi. Họ không ngừng nhìn biển, nhìn những ghềnh đá rồi ngước nhìn các ngọn đồi có những tán cây khổng lồ và mỗi lần nhìn họ lại thấy sương mù trôi lang thang làm biến dạng cảnh quan, khi thì có vẻ dịu dàng niềm nở khi thì man rợ bất nhân. Bàn tay đặt trên thắt lưng, Bá tước quan sát họ vẻ chế giễu gần như làm nheo đôi mắt bị xếch lên vì các vết sẹo trên má. Ông có vẻ cay độc nhưng Angielic biết trong lúc này cái vẻ ngoài cứng rắn đó đang che dấu cái gì và con tim nàng cháy lên một niềm khâm phục nồng nàn.
Bỗng chàng nói khẽ, không ngoảnh lại nhìn nàng.
- Đừng có nhìn tôi như vậy, mệnh phụ kiều diễm ạ. Bà gây cho tôi những ý nghĩ lười biếng và bây giờ là không phải lúc.
Rồi ông hỏi Manigô:
- Câu trả lời của các ông như thế nào?
Người chủ tàu đưa tay lên đầu sờ trán.
- Có đúng là có thể sống ở đây không?...Mọi cái với chúng tôi đều xa lạ. Chúng tôi có phải sinh ra để sống trên xứ sở này không?
- Tại sao không? Con người được sáng tạo ra là để sống khắp trên trái đất. Các ông thuộc về loài vật thượng đẳng để làm gì, loài vật được trời phú cho một linh hồn có khả năng làm sống động một thân xác chán ngắt, một niềm tin dời non lấp biển, nếu các ông không thể đảm đương nổi một nhiệm vụ với lòng dũng cảm và trí thông minh như của những con kiến hay những con mối mù lòa? Ai đã bảo rằng con người ta chỉ có thể sống, hít thở và suy ngẫm ở một chỗ mà thôi, như một con sò bám vào mỏm đá? Nếu trí tuệ của anh ta làm cho anh ta suy giảm chứ không phải nâng anh ta lên thì loài người hãy biến khỏi trái đất đi cho rồi và nhường chỗ cho loài côn trùng lúc nhúc, nghìn lần đông hơn và năng động hơn quần thể người trên địa cầu và trong tương lai sẽ lại tràn ngập bằng những giống nòi nhỏ xíu như ở thời đầu thế giới chưa hình thành, chưa có người nào xuất hiện mà thuộc về các giống thằn lằn khổng lồ quái dị.
Những người Tin lành không quen với thứ ngôn từ đa dạng và những ý nghĩ xa xôi như vậy, ngơ ngác nhìn ông, nhưng đám trẻ con thì vểnh tai lên nghe.
Mục sư Bôke ôm chặt lấy cuốn kinh thánh vào lòng.
- Tôi hiểu – Ông lão thở hổn hển – Tôi hiểu ngài muốn nói gì thưa ngài. Nếu con người ta không còn đủ sức theo đuổi khắp nơi sự nghiệp sáng tạo thì người để làm gì? Và con người sống trên trái đất này để làm gì?..Tôi thâu hiểu lời khuyên của Chúa khi Người nói vơi Abraham: “Hãy đứng lên, rời khỏi nhà ngươi và gia đình của cha ngươi và đi đến xứ sở mà ta sẽ chỉ cho ngươi”.
Manigô giơ hai cánh tay mạnh mẽ của ông ta lên để đòi được nói.
- Chớ có lạc hướng. Chúng tôi có một tâm hồn, đúng thế, và có niềm tin, nhưng chúng tôi chỉ có mười lăm người trước một nhiệm vụ mênh mông.
- Ông tính sai, ông Manigô ạ. Còn vợ, còn con các ông? Ông thường nói về họ như nói về một đàn cừu be be và vô trách nhiệm. Thế nhưng họ đã tỏ ra chẳng kém gì các ông về mặt ý thức, sức dẻo dai và lòng dũng cảm. Ngay cả bé Raphaen của ông cũng có cố gắng sống mặc dù những thiếu thốn và những nỗi đau trong suốt cả cuộc hành trình trên biển mà hiếm có đứa bé nào ở tuổi của nó chịu đựng nổi…Nó cũng chẳng ốm đau gì. Ngay cả đứa con đang nằm trong bụng một cô con gái của ông đấy, ông Manigô ạ, nó nhờ ở sức dẻo dai của mẹ nó nên đã không để mất cuộc sống vừa mới được phôi thai. Nó sẽ được sinh ra ở đây, trên đất Mỹ và nó sẽ thừa nhận xứ sở này là của ông vì nó chẳng biết xứ sở nào khác, nó sẽ yêu quí vùng đất này như quê hương của nó. Vậy các ông có một lớp con cháu can trường, các ông La Rôsen ạ và những người vợ can trường. Các ông không phải chỉ có mười lăm người đàn ông. Các ông đã là cả một dân tộc rồi.
Những món ăn người ta liên tiếp nấu nướng hoặc đem tới tỏa mùi thơm pha trộn, mới lạ và ngon lành. Những người Tin lành liền bị vây quanh và được mời ăn. Những người đàn bà Anhđiêng cũng mạnh dạn và cười vui, không như các ông chồng của họ tỏ ra xa cách và bí ẩn. Họ sờ mó quần áo các bà, chuyện trò, reo len. Họ đặt tay lên bụng từng bà rồi nhảy qua một bên, nhấc bàn tay lên liên tiếp từng nấc, dừng lại một chút ra vẻ hỏi xem.
- Họ hỏi các bà đã được mấy con và các cháu bao nhiêu tuổi – Nicôla Perôt giải thích.
Những nấc liên tiếp của gia đình Care bắt đầu từ tầm cỡ bé Raphaen đã được coi như những thành công kỳ diệu. Bà Care được vây quanh bằng một điệu khiêu vũ thật sự với những nhịp vỗ tay và những tiếng hú đầy hứng khởi.
Nhưng một câu hỏi đã đem các bà trở về với nỗi lo lắng quen thuộc.
- Bọn trẻ con đâu rồi?
Lần này thì chúng đã biến mất tăm. Người ta chỉ tìm lại được mấy đứa – Nicôla Perôt đi thu thập tin tức.
- Ông Cơrâulê đem tất cả chúng nó sang bên kia khu trại Sămpơlanh rồi.
- Cơrâulê là ai vậy? Trại Sămpơlanh ở đâu?...
Chỉ trong ngày hôm nay đã xảy ra bao nhiêu là chuyện sau này sẽ trở thành lịch sử trong cuốn sử biên niên của xứ Men nên người ta không còn thì giờ để trông thấy họ tới.
Angielic cho ngựa phi nước đại trên con đường mòn chật hẹp phủ đầy rêu khô dưới những hàng cây rợp bóng như trong cung điện Vecxay và men theo vùng bờ biển với những mỏm đá lởm chởm, nơi biển xô vào một cách giận dữ như con thú đang gầm. Âm vang đó củ biển và của gió lạnh, ánh sáng đó của cây lá, cảm nghĩ về một vùng đất khi thì đông đúc dân cư, khi thì hoang vắng đó, đã tạo nên vẻ kỳ thú của nơi này.
Đám người thông thạo đường rừng được giao trách nhiệm hộ tống các bà mẹ đang lo lắng. Bà nào không biết cưỡi ngựa thì đã có xe bốn bánh và những chiếc kiệu. Đến phút cuối cùng, một số đàn ông cũng đi theo họ.
Hành trình bị chậm lại vì phải vượt qua một con sông và con đường mòn chật hẹp, nhưng cũng chỉ mất chưa đến một giờ đồng hồ. Đây chỉ là một cuộc dạo chơi và bọn trẻ con rất thích thú được dịp làm cho những đôi chân của chúng đỡ tê cóng. Những mái nhà tranh đổ nát xuất hiện. Những ngôi nhà này đã được những người dân di cư khốn khổ của Sămpơlanh xây dựng trước đó khoảng năm mươi năm. Bỏ hoang, khu nhà còn sót lại từng phần ở bìa rừng, chiếm một vùng rừng cây rộng lớn chạy xuống cái dốc thoai thoải rồi xuống bãi sỏi màu đỏ san hô. Nhưng, còn lâu mới có thể là nơi trú ẩn như cách đây mấy dặm. Vùng bờ biển này ngổn ngang những mỏm đá chồng chất lên nhau trên đó những ngọn sóng hung dữ không ngừng đập vỗ vào.
Lũ trẻ xuất hiện, chúng chạy lồng lên và đuổi bắt nhau giữa các túp lều tranh
- Mẹ ơi – Ônôrin vừa kêu lên vừa nhảy bổ tới – Con đã tìm thấy nhà của mình. Mẹ đến mà xem, ngôi nhà đẹp nhất. Chỗ nào cũng có hoa hồng, Và ông Cơrâulê cho chúng ta ngôi nhà đó, chỉ cho mẹ và cho con mà thôi.
- Cho cả các anh nữa chứ - Lôriê giận dữ kêu lên.
- Yên nào, yên nào, những con chó sói đồng cỏ nhỏ bé hay gào thét kia – Một nhân vật lạ lùng lên tiếng. Ông ta đứng đầu đường đi vào như một chủ nhân đón mừng các bà khách đáng kính. Chiếc mũ không vành to đùng bằng lông thú ông ta cầm ở tay để lộ ra một mái tóc màu hung hết sức đẹp, nhưng mặt ông ta cạo nhẵn nhụi trừ hai chòm râu không phải trên thái dương mà trên gò má, làm thành một thứ mặt nạ lờm xờm, màu lửa, khá là dễ gây cảm xúc đối với những người không sành về nét đặc trưng đó của giống người Ecôxờ.
Ông ta phát biểu ý kiến nửa bằng tiếng Pháp, nửa bằng tiếng Anh kèm theo vô số động tác kiểu như người Anhđiêng và người ta không hiểu hết ông ta muốn nói gì.
-Đứa bé nói đúng đấy, thưa bà. Quán trọ của tôi là dành cho bà. Tên tôi là Cơrâulê, Gioócgiờ Cơrâulê, và trong cửa hàng dành của tôi bà sẽ tìm thấy mọi thứ dụng cụ gia đình…Bà hãy nhìn xem những bông hồng dại của tôi.
Nhưng người ta chẳng trông thấy gì hết vì một làn sương mù dày đặc vừa dâng lên và trút xuống hằng hà sa số những giọt li ti lấp lánh quanh người họ.
-Ồ! Thứ sáu sương mù này – Bà Care rên rỉ - Tôi không bao giờ quen được. Các con ơi, các con đâu rồi?
- Chúng con đây! – Bọn trẻ con kêu lên
- Trong một xứ sở như thế này rồi thì chúng nó sẽ chơi cho tôi những vố đau đấy.
- Mời vào!..Mời vào! – Người Ecôxờ lặp lại
Họ đành phải đi theo ông ta với lòng tin cậy.
- Không có sương mù – Ông ta nói một cách xởi lởi -Hôm nay chúng ta không có sương mù. Nó đi, nó ra đi. Mùa đông, đúng, đây là thứ sương mù dày đặc nhất thế giới.
Đúng như ông ta đã báo trước, sương mù lại ra đi trên đôi cánh gió.
Angielic đứng trước một ngôi nhà bằng gỗ lợp tranh đầy những hoa hồng nở rộ màu men sứ thơm mùi hương tinh tế
- Nhà của con đây – Ônôrin báo cho mẹ biết.
Và nó vừa chạy hai vòng quanh nhà vừa kêu lên như một con chim én.
Trong nhà, một bếp lửa ấm áp đang cháy. Còn có cả hai căn phòng bày các thứ bàn ghế làm bằng những cành cây tròn hay những thân cây được đẽo gọt một cách sơ sài, nhưng người ta ngạc nhiên khi thấy một chiếc bàn gỗ màu đen, chân bàn kiểu xoắn thừng hình như vẫn để nguyên tại chỗ trong một căn phòng không xê xích.
- Bá tước đờ Perắc tặng đấy – Người Ecôxờ nói với vẻ hài lòng.
Ông ta còn chỉ lên những tấm kính trên cửa sổ, thứ của cải sang trọng mà các căn nhà khác không có. Cửa sổ căn gác này chỉ được làm bằng da cá, để lọt vào nhà một thứ ánh sáng lờ mờ mà thôi.
- Trước đây, tôi hài lòng với căn nhà này.
Trước đây là từ khá lâu rồi. Cơrâulê hồi đó là phó thuyền trưởng của một con tàu đã bị vỡ tan trên những mỏm đá không thể vượt qua ven bờ biển xứ Men cách đấy ba mươi dặm. Là người duy nhất sống sót, mình đầy thương tích, người đắm tàu bơi được vào vùng bờ biển chẳng mấy hiếu khách này. Được ở lại nơi đây, ông ta vô cùng thích thú.
Tự cho mình là chúa tể của địa phương này, ông ta đã đón tiếp những tên cướp biển đến tìm nơi trú ẩn trong vịnh Gunxbôrô bằng những mũi tên bắn rất chính xác từ trên ngọn cây cao. Những người Anhđiêng cũng chẳng làm gì cho ông ta. Vốn hòa nhã, họ chẳng dám tự mình gây thù oán, nhưng người Ecôxơ thì tự mình đã nhận lấy việc xua đuổi các vị khách không mời mà đến.
Nhờ kết thân với một tù trưởng người Môhican gặp tại cuộc thương thảo ở Bôxton nên đờ Perắc đã cùng lúc biết được nơi trú ẩn bất khả xâm phạm ở Gunxbôrô và những lý do gây nên những điều tồi tệ đang ngự trị ở đây. Ông đã thành công trong việc liên minh với con người có đầu óc láu lỉnh này và Cơrâulê nhờ nồng nhiệt tiếp đón các đề nghị của ông nên đã bắt đầu tìm được khách hàng cho món lông thú của ông ta. Quả vậy, sau khi đã yên chỗ trong căn nhà của Sămpơlanh bỏ lại, Cơrâulê nảy ra ý muốn làm nghề buôn bán. Thiên tài kỳ lạ của ông ta là làm nên giàu có từ hai bàn tay trắng. Ông ta bắt đầu bằng cách bán những lời khuyên bao cho dân bản xứ để chữa khỏi những căn bệnh mà các thấy phù thủy của họ đã chịu bó tay. Rồi đến những chiếc kèn hơi ông ta tự chế tạo ra bằng thân cây sậy và bong bóng hoặc dạ dày của những con thú săn được. Rồi những buổi hòa nhạc ông ta tổ chức với những chiếc kèn hơi của ông ta. Những người từ Canada đến thường hay nghỉ lại ở trong nhà ông ta, trao đổi một số lông thú của họ để lấy những lời khuyên tốt lành và những tối hòa nhạc.
Giôphrây đờ Perắc lấy lông thú của ông ta và trả ông ta bằng các thứ hàng ngũ kim và mỹ nghệ. Từ đấy ông ta trở thành ông vua của ngành thương nghiệp trong vùng. Đấy là câu chuyện ông ta kể cho các bà nghe quanh bếp lửa. Ông ta cũng chưa biết nên đối xử với những người mới đến như thế nào. Bản tính không phải ít nói năng, ông ta tự bảo mình trong khi chờ đợi xác định minh bạch thì cứ xem các bà như bạn cùng phường vậy. Và lại được nhìn thấy những người đàn bà da trắng mắt màu sáng cũng thú vị lắm chứ, nhất là vì ông ta đã lấy một mụ vợ người Anhđiêng và thả sức sinh con đẻ cái.
Lũ con đem vào những chiếc giỏ con đựng đầy quả phúc bồn tử, dâu tây và những chùm nho rừng tặng các bà đang ngồi trên những chiếc ghế dài trong khi ông Cơrâulê tiếp tục bản tin góc nhà của ông ta:
- Ngài đờ Uyêcvin – ông ta kể - là một anh chàng nóng nảy đã đi sang châu Mỹ sau một vụ đấu súng đáng buồn. Đẹp trai, anh ta đã chiếm được cô con gái của viên tù trưởng người Abinaki – Kaku. Chính anh ta là người canh giữ pháo đài kiểm soát đường vào vịnh Gunxbôrô trong khi ngài bá tước đờ Perắc vắng.
Còn người Tây Ban Nha? Đông – Giuăng Phécnăngđê và binh sĩ của ông ta ư? Những người sống sót của một đội quân viễn chinh Mécxicơ đã biến vào trong những khu rừng bất khả xâm phạm ở Mixixipi. Tất cả đều bị tàn sát trừ mấy anh này đã lần về miệt Đâu Ixt, da bọc xương, chết dở, quên hết, không còn nhớ tí gì về quá khứ của họ nữa.
- Cái ông Đông- Phécnăngđê trông có vẻ dữ tợn – Angielic nhận xét – Lúc nào cũng thấy ông ta nhe nhăng ra.
Cơrâulê lắc đầu, mỉm cười. Ông ta giải thích rằng cái cười nhếch mép củ anh Tây Ban Nha này là do thương tật để lại sau khi ông ta bị người Irôcơ tra tấn. Người Irôcơ rất hung dữ, ở đây người ta quen gọi là bộ tộc Nhà dài vì cái nhà tranh rất dài của họ trong đó quần tụ nhiều gia đình.
Khi sang châu Âu trong chuyến vừa rồi, ngài đờ Perắc muốn đưa người Tây Ban Nha về nước của họ. Nhưng thật lạ lùng, người Tây Ban Nha từ chối. Phần lớn những người đi làm thuê này đã sống lâu năm trên đất Mỹ và không biết nghề nào khác hơn là việc chạy đi tìm những thành phố hoang đường và băm vằm những người Anhđiêng ra từng mảnh vụn. Trừ việc đó ra, chúng cũng không phải là người độc ác.
Angielic đánh giá cao tài hài ước của người kể chuyện.
Ông ta cho biết là trời đã trưa rồi và vì mọi người đều đã được sưởi ấm nên phải chỉ nhà cho họ.
- Ở đấy có bốn hoặc năm căn nhà lá có thể sửa sang để ở được. Come in! Come in!
Ônôrin túm lấy áo mẹ:
- Con yêu ông Cơrâulê lắm. Ông ấy có mái tóc giống màu tóc của con và ông ấy đã cho con cùng lên ngựa với ông ấy mẹ ạ.
- Phải, ông ấy rất tốt. Thật may cho mẹ con mình là đã tìm thấy căn nhà đẹp của ông ấy ngay từ khi mới tới.
Ônôrin ngập ngừng không đặt một câu hỏi – Nó ngập ngừng vì sợ câu trả lời.
- Đấy chắc là cha con phải không mẹ? – Cuối cùng rồi nó cũng vừa hỏi với một cái nhìn chứa chan hy vọng, vừa nghếch cái mỏ xanh nhem nhuốc lên.
- Không, không phải ông ấy – Angielic trả lời, xót xa cho nỗi thất vọng của con bé cũng như những điều làm đau lòng đứa con gái của nàng.
- À! Mẹ ác lắm – Ônôrin nói với giọng yếu ớt.
Hai mẹ con đi ra khỏi nhà và Angielic muốn chỉ những bông hồng cho con bé xem. Nhưng nó không chú ý đến điều đó.
- Chúng ta từ bên kia biển cả đến đây phải không mẹ? Sau một lúc nó hỏi.
- Phải
- Thế thì cha con đâu? Mẹ đã nói với con là mẹ sẽ tìm thấy cha ở bên kia biển cả cùng với các anh trai con cơ mà.
Angielic không còn nhớ là mình đã nói ra những lời như thế, nhưng tranh cãi với trí tưởng tượng của Ônôrin là một việc không dễ.
- Xêvêrin thật may mắn -Con bé vừa nói vừa dẫm chân – Chị ấy có một người cha và các anh trai, còn con thì chẳng có gì hết.
- Con đừng có mà ghen tị. Thế là không hay. Xêvêrin có một người cha và các anh trai nhưng chị ấy làm gì có mẹ. Còn con thì có cả một người mẹ hẳn hoi.
Luận điểm đó hình như làm cho người đàn bà bé tí xíu này tỉnh ra. Sau một phút trầm tư, nỗi buồn của nói bay mất và nó vội vàng nhảy ra để cùng chạy với lũ bạn của nó.
- Đây là một ngôi nhà có vẻ chắc chắn – Cơrâulê vừa nói vừa lấy ủng đá vào cột một ngôi nhà trống huếch trống hoác – Hãy thu xếp vào đây mà ở!
Thật kỳ diệu là những ngôi nhà này đã chống lại được mưa nắng thất thường và chứng tỏ nhà được xây dựng rất vững chắc.
Thế nhưng các nhà tư sản La Rôsen ngắm nhìn với nỗi lòng hoang mang cảnh đổ nát gợi nhớ lại chết chóc bệnh tật, nỗi thất vọng vì bị bỏ rơi nơi tận cùng thế giới và đã lần lượt lụi tàn ở đây, bị thiên nhiên hiềm khích nghiền nát. Có điều kì lạ là những cây hồng leo lên khắp nơi, đan chéo vào nhau và làm cho người ta quên cả tiếng gầm gào của biển ở ngay cạnh đấy, và một mùa đông sắp đến với những luồng gió, những tuyết, những băng choàng lên các mỏm đá, mùa đông trước đây đã giết chết những người của Sămpơlanh.
Người Ecôxơ nhìn họ, không hiểu vì sao mặt họ lại cứ thuỗn ra như thế.
- Đưa tất cả chúng tôi vào ở đây, ít ra các ông cũng phải có bốn ngôi nhà để ngủ qua đêm.
- Đúng thế, chúng tôi sẽ ngủ đêm ở đâu? Họ hỏi.
- Chỉ có nơi này là có thể ngủ qua đêm được mà thôi – Nicôla Perôt giải thích – Vì trong pháo đài đã chật ních như cá hộp ấy rồi và nếu không thì chúng ta phải trở lại tàu.
- Xuống tàu, không đời nào! – Họ đồng thanh gào lên.
Những ngôi nhà tồi tàn đối với họ bỗng như những tòa lâu đài, Cơrâulê nói với họ là ông ta có thể kiếm cho họ những ván sàn, dụng cụ và đinh. Ông ta chỉ huy tác chiến, sai người bản xứ đi cắt tranh để lợp mái. Mọi người khẩn trương bắt tay vào việc.
Sương mù dâng lên khi tỏ khi mờ, khi cho họ thấy biển khơi ngoài xa, khi vây quanh khu rừng thưa, nơi mọi người đang hoạt động và người ta thấy những ánh hồng hoặc xanh nhấp nháy nhưng chẳng còn ai còn thì giờ đâu để mà nhìn ngắm.
Mục sư Bôke sử dụng chiếc búa một cách thành thạo như suốt cả đời ông lão chỉ chuyên làm có mỗi việc đó, ông vừa làm vừa khe khẽ hát thánh ca.
Từng lúc một, những người Anhđiêng khác từ trong con đường mòn đi tới tiếp tục mang đến nào trứng, nào ngô, nào cá, tôm, cua, và cả một con chim rất đẹp săn bắn được, những con gà sếu, những con gà tây lông óng ả treo lủng lẳng trên những chiếc áo dài. Nhà ông Cơrâulê với một “cửa hàng” liền đó, dùng làm tổng hành dinh.
Nhưng chẳng bao lâu, một căn nhà, rồi hai căn nhà được hoàn tất. Người ta có thể nổi lửa lên trong một căn nhà đó. Ống khói vui vẻ hút khói lên. Angielic nảy ra ý nghĩ đầu tiên là đổ nước vào nồi, treo lên bếp lò và dìm vào đấy một con tôm hùm. Rồi nàng bảo ba cô gái bắt đầu nhổ lông gà tây.
Người ta đóng những khung gỗ bó chặt bằng dây làm bằng vỏ cây và thế là thành những chiếc giường nằm, trên đó những người râu xồm ném lên những tấm lông thú nặng chịch.
- Các bà sẽ ngủ ngon đêm nay, những con cá con nhợt nhạt vớt lên khỏi biển, những con hải âu trắng xinh đẹp đã vượt trùng dương.
Từ phương Bắc, từ các đỉnh của Canada đến, họ nói một thứ tiếng Pháp chậm chạp nhưng giàu chất thơ theo thói quen của họ khi chuyện trò với người Anhđiêng nên thích những câu nói vòng vo thật dài và những hình ảnh hoa hòe hoa sói…
- Hỡi những người dân La Rôsen! Hãy nhìn kìa! Angielic kêu lên.
Nàng chỉ cái bếp lò. Con tôm hùm to một cách kỳ dị không muốn chết cứ đội cả nắp vung lên. Đây là biểu tượng của sự giàu có đối với những người làm nghề biển.
Họ phá lên cười. Bọn trẻ con kêu ré lên. Chúng nhảy bổ ra phía ngoài, chen lẫn nhau, ngã lăn lóc trên nền đất, cười không còn thở ra hơi nữa.
- Chúng nó say rượu – Bà Manigô sợ hãi kêu lên – Không biết người ta đã cho chúng uống cái gì đây?
Các bà mẹ xem xét những chiếc bình bọn trẻ vừa dùng xong. Nhưng chúng chỉ say vì ăn nho chín, uống nước suối, vì những ngọn lửa đang nhảy nhót trong bếp lò…
- Các cháu chúng nó say miền đất này – Ông mục sư nói với giọng âu yếm – Miền đất vừa tìm lại được. Không đáng kể dáng vẻ của nó như thế nào, nó hiện lên ở điểm nào trên thế giới, làm sao mà không mừng cho được, sau những ngày dài tăm tối của trận đại hồng thủy.
Ông lão chỉ các màu sắc như được lọc qua lăng kính đang rung rinh sau tán lá và vươn qua những mỏm đá của bãi sỏi để soi mình trên các ngọn sóng.
- Các con trai của ta hãy nhìn kìa, hãy nhìn mà xem, đây là dấu hiệu của Tân ước.
Ông lão giơ hai tay lên và những giọt nước mắt chảy trên khuôn mặt nhăn nheo.