Một mình trong gió. Như nàng đã thấy chàng đứng một mình trên bờ biển hôm nào.
Một mình, như tất cả những ai không chịu để mình giống người khác.
Và chàng mang nỗi cô đơn của mình cũng nhẹ nhàng như chiếc áo choàng chàng khoác trên vai đang bay phần phật trong gió.
Tất cả mọi gánh nặng của cuộc đời, chàng đều đỡ lấy nhẹ nhàng như thế trên đôi vai đàn ông của mình. Và dù giàu hay nghèo hèn, dù có quyền uy hay bị đầy biệt xứ, dù ốm yếu hay khỏe mạnh, chàng vẫn cứ thế mà dắt dẫn cuộc đời mình, không nao núng, chẳng kêu rên với bất cứ ai và nàng biết chàng vẫn cứ thế mà giữ nguyên sự cao quý của mình.
Chàng mãi mãi là bậc đại công hầu.
Nàng thèm muốn được chạy đến với khối sức lực vững bền ấy để tìm nơi nương tựa cho cái bản ngã yếu đuối của mình, đồng thời cũng cuốn hút chàng vào mình để cuối cùng chàng tìm được nơi yên nghỉ.
Một tiếng còi vang làm cả đoàn thủy thủ tản ra. Trên tầng thượng, thuyền trưởng Giadông đang truyền các mệnh lệnh bằng chiếc loa đồng.
Những người Tin lành lặng lẽ rời khỏi boong tàu. Angielic không đi theo họ. Trong một khoảnh khắc, trên boong tàu chỉ còn lại mình nàng và chàng và khoảng không gian vô tận xung quanh.
Giôphrây đờ Perắc quay lại và nhìn thấy nàng.
- Biến cố tầm thường thôi, nhưng buộc phải nêu một ví dụ để giữ vững kỷ cương chung – ông nói – Không có gì đáng phải xúc động, thưa bà. Bà đã có mặt ở Địa Trung Hải, đã lọt vào tay bọn cướp và bọn buôn nô lệ, hẳn bà đã biết.
- Vâng, tôi biết.
- Quyền lực có những gò bó.
- Vâng, tôi cũng biết thế.
Và nàng cảm thấy ngạc nhiên khi nhớ lại rằng mình đã từng là kẻ cầm quân, đã từng dẫn dắt bao nhiêu người xông vào cuộc chiến đấu.
- Apđula cũng biết thế - nàng nói vẻ mơ màng. – Tôi hiểu điều anh ta nói với ông vào buổi tối hôm qua, lúc chúng ta bắt gặp anh ta.
Đột nhiên, cái cảnh sỗ sàng ấy, cùng với bầu không khí dữ dội và khác thường cùng lúc hiện lên trước mắt khiến nàng bối rối đến mức hai má đỏ bừng.
Nàng nhớ lại mình đã đột ngột nắm chặt lấy cánh tay chàng lúc đó đang đứng bên cạnh. Nàng thậm chí còn thấy dưới mu bàn tay cái cảm giác về một bắp thịt cuồn cuộn, rắn chắc như gỗ, sau lớp vải nhung.
Chàng đứng đó! Đôi môi nàng vẫn hằng mơ ước, nay nổi rõ dưới chiếc mặt nạ cứng với biết bao nồng cháy và tràn đầy sức sống.
Nàng không còn phải đuổi theo một cách vô vọng hình ảnh chập chờn của kỷ niệm.
Niềm tin chắc chắn ở cái hiện thực mà bây lâu nay vẫn chỉ là mơ ước chiếu rọi xuống tâm hồn nàng niềm hạnh phúc lớn lao. Nàng đứng trước mặt chàng, không dám động đậy, không nhìn thấy bất cứ một cái gì khác không thuộc về chàng.
Ở phía đằng kia của con tàu, người ta đang sửa soạn để chiều nay vứt xác kẻ vừa bị hành hình xuống biển.
Tình yêu…cái chết. Tấm vải thời gian tiếp tục được đan dệt, với những sợi tơ của số phận chằng chéo vào nhau, có sợi tạo ra cuộc đời và có sợi tàn phá cuộc đời.
- Tôi nghĩ rằng bà trở về chỗ của bà đi thì tốt hơn – cuối cùng Giôphrây đờ Perắc nói.
Nàng cụp mắt xuống, tỏ ra rằng mình hiểu và mình biết nghe lời chàng một cách ngoan ngoãn.
Chắc chắn, không phải tất cả mọi sự vật cản ngăn cách hai người đã sụp đổ hết. Song cái phần còn lại có quan trọng gì đâu. Một ngày nào đó tình yêu sẽ sống lại, với nàng và cả với chàng.
Bà Manigô đột ngội quay về phía Bécti và văng vào mặt cô ta một câu sát sàn sạt.
- Này con rận dơ dáy kia. Thế là mày mãn nguyện nhé. Trong lương tâm mày đã có cái chết của một người đàn ông.
Thế là xảy ra một cuộc cãi vã ồn ào. Mặc dầu vẫn tỏ ra kính trọng bà vợ ông chủ tàu, bà Mécxơlô không thể không bênh con.
- Bà luôn ghen tị với sắc đẹp của con gái tôi, trong khi các con gái bà…
- Ối dào, cô Bécti nhà bà thì đẹp quá đi rồi, cô ta chả đã trật áo lót ra trước mặt một người da đen là gì. Qua đó mới thấy con gái bà chưa có kinh nghiệm gì cả, bà bạn láng giềng ạ!...
Cuối cùng thì mọi người cũng kéo được họ ra, không phải vất vả.
- Này đám đàn bà kia, có im lặng đi không! – Ông Manigô gầm lên- Không phải lúc để các mụ giật tóc nhau, mà phải giúp đỡ nhau ra khỏi cái tổ ong vò vẽ này.
Quay về phía mấy người bạn, ông ta nói thêm:
- Tôi nghĩ rằng sáng nay, khi lão ta bắt buộc phải giới thiệu cuộc hành hình, chính là lão ta đánh hơi được sự chuẩn bị của chúng ta. Cũng may mà chưa bị lộ.
- Không phải là lão ta không nghi ngờ một cái gì đó- tay luật sư lầu bầu với vẻ lo lắng.
Họ im bặt khi Angielic xuất hiện. Các cánh cửa đã đóng lại sau lưng nàng và người ta nghe rõ tiếng dây xích khóa nhốt mọi người kêu lanh canh.
- Không còn bóng gió xa xôi gì nữa. Chúng ta đúng là những người tù! - ông Manigô còn nói tiếp một câu nữa.
Gabrien Bécnơ lúc ấy không có mặt. Ông ta vừa được hai thủy thủ dẫn đi một cách thận trọng, nhưng hết sức chắc chắn, đến trước mặt Đức ông Rescartor.
“Lạ lùng thật – ông nghĩ. Vừa rồi trong khi ta nói chuyện với nàng, nàng đã đánh cho ta một cái nhìn đích thực của tình yêu. Liệu ta có nhầm không?
Khi người tín đồ Tin lành bước vào, ông vẫn còn đang suy nghĩ về phút giây chưa từng có ấy.
- Mời ông ngồi, thưa ông – Giôphrây đờ Perắc nói và chỉ chiếc ghế ngay trước mặt ông ta.
Gabrien Bécnơ ngồi xuống. Thái độ lịch sự của chủ nhân cũng chẳng nói với ông ta được chút gì rằng ông ta thắng, ông ta có lý.
Sau một khoảng im lặng vừa đủ để hai đối thủ hỏi thăm nhau, cuộc đấu bắt đầu.
- Ý định của ông kết hôn với bà Angielic đến đâu rồi? – Rescartor hỏi bằng một thứ giọng đùng đục, có pha lẫn chút nhạo báng.
- Tôi thấy không cần thiết phải nói đến những chuyện ấy.
- Tôi lại thấy là cần thiết. Tôi quan tâm đến người đàn bà ấy. Tôi thích nói về chuyện đó.
- Bà ta cũng muốn kết hôn với ông sao? – Đến lượt ông Bécnơ cũng giễu cợt.
- Chắc chắn là không.
Tiếng cười của người đối thoại khá là khó hiểu đối với người tín đồ Tin lành và làm tăng gấp bội sự thù hận của ông ta. Tuy thế ông ta vẫn giữ được bình tĩnh.
- Có lẽ ông muốn tôi hiểu cho nên mới gọi tôi đến đây, thưa ông phải chăng bà Angielic đã chịu khuất phục trước sự trơ trẽn của ông, và đang sửa soạn phá nát cuộc đời bà ấy, và tình bạn của bà ấy để làm vừa lòng ông? – Quả thật có phần nào như thế trong ý định của tôi. Và lần này, nếu thế thì ông trả lời sao?
- Tôi nghĩ bà ấy có nhiều lý do để không rơi vào cạm bẫy của ông – Ông Bécnơ nói quả quyết – Bà ấy đến chỗ tôi để quên đi cuộc đời đau khổ trước kia. Bà ấy biết rất rõ cái giá của sự bình yên. Bà ấy không thể để mặc cho ngọn gió mang đi tất cả những gì đã gắn bó chúng tôi. Những năm tháng của tình bạn, của sự cảm thông, của tương thân tương ái…Tôi đã cứu sống con gái bà ấy.
- À này, cả tôi cũng thế. Như vậy ở đây chúng ta là tình địch thuộc những hai người đàn bà mà đáng ra chỉ có một.
- Con bé đáng giá lắm chứ - Ông Bécnơ làm một cử chỉ đe dọa như thể ông ta đang giơ ra một con ngáo ộp. Bà Angielic sẽ không đời nào chịu hy sinh nó.
- Tôi biết. Nhưng ở đây tôi có cái để quyến rũ các tiểu thư trẻ tuổi.
Ông ta mở nắp một cái tráp, lấy ra mấy thứ đồ nữ trang và đưa qua lại trên đầu các ngón tay như đùa nghịch.
- Tôi hiểu rằng trẻ con rất nhạy cảm với ánh sáng lấp lánh của các loại đá quý.
Gabrien Bécnơ xiết chặt nắm tay. Khi tự thấy mình đối mặt với một con người như thế, ông ta không thể thoát ra khỏi ý nghĩ mình đang dính dáng đến ma quỷ. Ông ta gán cho Rescartor trách nhiệm về những xấu xa mà ông thấy ở ngay trong chính mình, và những bực bội dai dẳng mà ông ta phải chịu đựng cũng là do ma quỷ gây nên. Kỷ niệm cay đắng về tấm thảm kịch ngắn ngủi xảy ra đêm hôm trước với Angielic, ám ảnh ông ta đến nỗi khi đến dự cuộc hành hình gã người Mo, ông ta chỉ còn là một con người máy.
- Vết thương của ông ra làm sao rồi? – Giôphrây đờ Perắc hỏi ngọt xớt.
- Tôi không còn đau đớn gì nữa – ông ta đáp gọn lỏn.
- Thế còn vết thương kia? – Con quỷ vừa hỏi vừa chỉ mảnh giẻ đỏ lòm quấn quanh bàn tay nhà thương gia bị xé rách bởi những chiếc răng của người đàn bà trẻ.
Ông Bécnơ ngượng chín người. Ông ta đứng lên, Giôphrây đờ Perắc cũng đứng lên theo.
- Vết cắn của đàn bà – ông nói khẽ - độc cho trái tim hơn là cho da thịt.
Làm nhục một con người như thế, Giôphrây đờ Perắc biết rằng mình đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng. Ông đã thiếu cả sự thận trọng sơ đẳng nhất, khi đưa Gabrien Bécnơ đến chỗ mình. Nhưng sáng nay, do để ý bàn tay quấn băng của ông ta, ông đã không cưỡng nổi ý muốn xác minh một giả thiết mà ông nghĩ là đúng.
“Nàng đẩy lão ra – ông tự nhủ với vẻ mừng rỡ, - nàng đẩy lão ra, vậy thì lão không phải là nhân ngãi của nàng!”. Sự thích thú ấy chắc chắn ông sẽ phải trả giá rất đắt. Ông Bécnơ sẽ không quên, ông Bécnơ sẽ trả thù. Trong cặp mắt xảo trá của nhà thương gia, đang tích tụ một mối hận thù ghê gớm.
- Ông nghĩ gì khi đoán ra được điều đó, thưa Đức ông?
- Tôi nghĩ đến cái điều mà chính ông cũng không phủ nhận, ông Bécnơ ạ. Bà Angielic dữ lắm.
- Tôi sẽ hết sức ngạc nhiên khi bà ấy đồng ý cho ông cái mà bà ấy từ chối tất cả những người đàn ông khác.
“Đúng rồi”. Giôphrây đờ Perắc nghĩ thế, và nhớ lại việc Angielic cố thoát ra khỏi vòng tay mình.
Ông chăm chú nhìn khuôn mặt đối thủ của mình đã trở lên trơ lì.
“Lão biết gì về nàng, về những điều mà ta không biết?”
Ông Bécnơ cảm thấy Perắc núng thế. Ông ta muốn đẩy lợi thế của mình. Ông ta bắt đầu nói. Giọng nói của ông ta gợi lại sự khủng khiếp của một câu chuyện hiếm thấy vào thời đó. Cả một tòa lâu đài bốc cháy, các gia nhân bị tàn sát, một người đàn bà liệt nhược bị những tên lính đánh thuê làm nhục, vẫn ôm chặt trong tay đứa con đã bị cắt cổ. Từ sau cái đêm hãi hùng đó, người đàn bà ấy không thể tiếp nhận tình yêu, mà không phải sống lại những cảnh tàn bạo đã từng phải chịu đựng. Còn tồi tệ hơn thế nữ. Đứa con, đứa con gái đã sinh ra trong tội lỗi. Nàng mãi mãi không biết tên đứa nào trong số những tên lính đánh thuê đã làm nhục nàng là cha đứa bé.
- Ông lấy đâu ra một câu chuyện hoang đường như vậy? – Người đeo mặt nạ hỏi đột ngột.
- Tôi lấy từ miệng bà ấy. Từ chính miệng bà ấy.
Không thể được.
Đến đây, ông Bécnơ đã có thể thưởng thức cuộc báo thù của mình. Đối thủ đứng trước mặt ông đã bắt đầu chao đảo, cho dù vẫn đứng thẳng và không biểu lộ một sự xúc động nào rõ rệt.
- Bọn long kỵ binh của Nhà vua, ông bảo thế à? Chúng nó chỉ là một lũ ngồi lê đôi mách ngu dốt. Bởi vì một người đàn bà thuộc thế giới thượng lưu, người tình của Đức vua và của những tên tuổi lớn nhất trong Vương triều không thể nào lại là nạn nhân của lũ lính tráng. Tại sao người ta chống lại bà ấy? Tôi biết rằng ở Pháp, những người theo đạo Tin lành bị bức hại, nhưng bà ấy có theo đạo Tin lành đâu.
- Nhưng bà ấy đã giúp đỡ họ.
Nhà thương gia thở hổn hển và mồ hôi chảy thành giọt trên trán ông ta.
- Đấy là “cuộc nổi loạn ở Poatu” – ông ta thì thào, - lâu nay tôi vẫn còn nghi ngờ chuyện đó, nhưng bây giờ qua lời ông nói, tôi tin đó là điều chắc chắn. Chúng tôi biết có một bậc mệnh phụ, ngày xưa từng được vinh biểu ở triều đình, đã dẫn dắt mọi người nổi dậy chống lại Đức vua, người Tin lành, người Thiên chúa giáo, khắp cả tỉnh đều nổi dậy. Cuộc phản loạn kéo dài gần ba năm. Cuối cùng họ thất bại. Cả tỉnh Poatu bị triệt hạ. Người đàn bà biến mất. Đầu bà ấy đã được đặt giá năm trăm đồng livrơ. Tôi nhớ ra rồi. Đấy chính là bà ấy.
- Ông đi đi! – Giôphrây đờ Perắc nói bằng một thứ giọng hầu như không nghe nổi.
Đấy là lý do tại sao có năm năm trời ông không biết gì về cuộc đời nàng. Trong năm năm đó, ông cứ nghĩ là nàng đã chết hoặc trở về, chịu thuần phục Nhà vua nước Pháp.
Hồi ở Canđi, nàng vẫn còn nguyên vẹn như hình ảnh nàng được lưu giữ trong ký ức ông, vì thế khi gặp lại nàng ông xúc động vô cùng. Biết bao năm tháng đã trôi qua, cho đến lúc ông nhìn thấy và nhận ra nàng sau màu khói của cái chợ buôn bán nô lệ phương Đông ấy.
Lúc đó ông đang bỏ neo ở đảo Mylô. Một thương gia báo cho ông biết là ở chợ buôn bán nô lệ Canđi, người ta rao bán một người đàn bà đẹp tuyệt vời…Xưa nay ông vẫn được coi là tay tài tử trong việc chọn người đẹp. Thực ra họ cũng có thổi phồng lên đôi chút, nhưng trong cuộc sống xa hoa của thế giới Ả rập, tình thế bắt buộc ông không thể thờ ơ mãi với đàn bà.
Ông thích phô trương các hành động gây ấn tượng mạnh để làm tăng những huyền thoại về mình, tạo cho mình một sự kính trọng ngày càng tăng, một cái giá cao cực kỳ đối với những con người phương Đông chuộng khoái lạc. Vả lại, ông đã từng có tiếng là người biết chọn gái đẹp. Sự kích thích của các cuộc mua bán và đấu giá, niềm hứng khởi khi phát hiện dưới lớp vỏ ngoài trần tục và đẹp rực rỡ, ngọn lửa người còn khép nép rụt rè của những người đàn bà bị bày bán, được thấy họ sống lại, được nghe những người đàn bà như vậy từ bốn phương đến: Bắc Côcadơ, Mạc tư khoa, Hy lạp, Eetiôpi…, mỗi người kể một câu chuyện về thời thơ ấu của họ, về nỗi khổ của họ, giúp ông khuây nguôi nỗi vất vả và nguy hiểm của công việc hàng ngày. Ông thích được nghỉ ngơi trong vòng tay họ, và thỉnh thoảng một khoảnh khắc lãng quên trong niềm vui xác thịt. Chẳng mấy chốc họ trở thành những người bạn nhỏ của ông, sẵn sàng chung thủy với ông đến trọn đời. Như một thứ đồ chơi nhỏ nhắn ông vui đùa trong phút chốc qua những khám phá, vuốt ve hay một con thú hoang xinh xinh ông thích được thuần hóa. Cuộc khám phá hoàn thành, lập tức mất luôn niềm hứng khởi. Ông đã quá quen thuộc với đàn bà, nên khó mà có một cô gái nào có thể làm ông say đắm. Và trước khi thả họ ra, ông cố hết sức để trả lại cho họ một cuộc sống may mắn, đưa những người nữ nô lệ bị cướp về quê hương của họ, chu cấp tiền nong, để họ có thể chọn lấy con đường tự do. Có trường hợp, ông còn tìm cách trả lại cho một bà mẹ những đứa con bị thất lạc…Nhưng nhiều người đã níu chặt lấy ông và van xin: “Xin ông hãy giữ em mãi mãi, em sẽ không làm phiền ông… Em chỉ cần một cái xó trong nhà thôi. Đó là tất cả những gì em xin ở ông”.
Những lạc thú như vậy, ông phải coi chừng các thứ bùa mê thuốc ngải và các mưu mẹo quanh co của họ. “Ông thật quá đáng. Họ ngúng nguẩy giận dỗi, - nhưng thấy hết, ông đoán được hết. Ông làm như vậy là không phải. Em bé bỏng biết bao. Em chỉ là một người đàn bà muốn được nấp bóng ông”. Ông chỉ cười và hôn lên cặp môi xinh đẹp, đã mềm nhũn mà đối với ông lúc này không quan trọng gì hơn là những trái cây thối nẫu từ ngoài biển dạt vào.
Nhà thương gia ở Mylô, với thái độ nồng nhiệt vốn có của người vùng Cận đông, trong khi nói về người nữ tù có đôi mắt xanh đã làm ông thích thú với những lời ca ngợi như: “đáng đồng tiền lắm,” “có một không hai”. “tuyệt vời”. Cả Samy Bây, viên hoạn quan chuyên cung cấp cung tần mỹ nữ cho hậu cung của Đại quốc vương Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã vào cuộc. Chính vì mỗi một lý do ấy mà Đức ông Rescartor tự thấy mình phải bước lên vũ đài. Thôi thì tha hồ đốn đoán! Dòng giống của người đàn bà ấy? Một cô gái Pháp, người ta chỉ biết có thế. Sắc đẹp? Thật kinh ngạc. Nghe nói nàng là một mệnh phụ ở triều đình vua Lui thứ 14. Một cách thầm kín, những người đã quyết định sẽ đặt giá rỉ tai nhau rằng chính người đàn bà ấy được Đức vua nước Pháp yêu quý. Dáng đi của nàng, thái độ của nàng, lời ăn tiếng nói của nàng, không lẫn vào đâu được, kết hợp với toàn bộ vẻ đẹp lý tưởng: mái tóc vàng, cặp mắt xanh lấp lánh màu nước biển và tấm thân của một nữ thần. Tên nàng? Còn giữ kín làm gì nữa cơ chứ. Đó là nữ hầu tước đuy Plexix – Belie. Một trong những tên tuổi lớn. Rôsa, viên lãnh sự Pháp đã có dịp nhìn thấy nàng và được trò chuyện với nàng quả quyết như vậy.
Thật sửng sốt! Sau khi được đảm bảo về một số những vấn đề cấp thiết nhất, Rescartor ra lệnh đình hết một số công việc, lao vào sửa soạn để nhổ neo đến Canđi. Trên đường đi, ông biết thêm về cảnh ngộ đã đưa người đàn bà đến chỗ lọt vào tay bọn buôn bán nô lệ. Nàng đến Canđi lo việc buôn bán. Có người nói như vậy. Nhưng lại có người khác nói nàng đến để gặp lại một người tình. Chiếc tàu galê của hạm đội Pháp chở nàng đã bị đánh chìm. Hầu tước Đetxcranhvin, kẻ bèo bọt trên biển đã vớt nàng trên một chiếc mảng, và thế là tên cướp ranh con ấy vớ bẫm. Ai cũng thấy rằng trong cuộc đấu giá này, giá cả sẽ lên tới mức chóng mặt.
Tuy thế, ông vẫn phải đợi đến lúc nhìn thấy nàng mới có thể nghĩ về chuyện đó được. Dầu hết sức bình tĩnh, vào cái giây phút mà cùng lúc ông vừa biết chắc đấy là nàng, vừa biết chắc là nàng bị đem bán. Ông cảm thấy bàng hoàng, đến nỗi giờ đây cái giây phút ấy chỉ còn lưu giữ trong ký ức ông một kỷ niệm lờ mờ. Trước hết, phải làm ngừng cuộc bán đấu giá, phải giật lấy nàng bằng con số có một không hai trong cuộc mua bán này: 35.000đồng. Một con số điên rồ.
Và tiếp đó mặc quần áo cho nàng, tránh cho nàng khỏi phải chịu những cái nhìn hau háu.
Chỉ đến lúc đó ông mới cảm thấy nàng, mới sờ nắn nàng, sờ nắn một người đang sống, một người có thật. Ông cũng thấy, ngay từ cái nhìn đầu tiên là hệ thần kinh của nàng đã căng thẳng đến tột cùng, nàng lúc ấy chỉ còn là một người đàn bà liệt nhược, đang hoảng hốt trước lời đe dọa và đối xử thô bạo của những tên buôn bán thịt người đê tiện. Ông quyết định chưa cởi mặt nạ vội. Việc đầu tiên là phải kéo nàng ra khỏi đám đông với những vẻ mặt hăm hở và hiếu kỳ đang quây chặt quanh nàng. Ông sẽ đưa nàng về lâu đài, sẽ chăm sóc nàng và khi nàng thức dậy, sẽ thấy ông ở đấy, bên cạnh giường nàng.
Nhưng than ôi, cái dự định biết bao thơ mộng ấy đã bị chính Angielic làm thất bại hoàn toàn. Ông làm sao có thể hình dung nổi là một con người bị vây dồn đến thế, sức lực cùng kiệt đến thế mà vẫn có thể trốn thoát ngay từ lúc vừa ra khỏi chợ buôn người. Có những kẻ đồng mưu của nàng đã tìm cách đốt bến cảng. Dần dần, giữa đám đổ nát còn bốc khói, sự thật được làm sáng tỏ. Người ta đã nhận ra một chiếc thuyền chở bọn nô lệ, lợi dụng cảnh lộn xộn của đám cháy để đi thoát ra khơi. Nàng có mặt trong đám người ấy! Thật cứ như ma quỷ!
Cũng như ở Canđi, lúc này ông chỉ biết nguyền rủa số phận. Định mệnh đã trả nàng về, nhưng đó là một người đàn bà khác.
Làm thế nào để nhận ra nàng tiên nhỏ vùng đầm lầy Poatu, hay thậm chí, người nô lệ ở Canđi, trong người đàn bà kiên nghị mà ngay cả lời ăn tiếng nói ông cũng không hiểu. Trong nàng có một ngọn lửa lạ lùng thật khó mà cắt nghĩa.