Ai làm được

Chương năm

Chí Ðại đi rồi, Bạch Tuyết ở nhà xốn xang, ăn chẳng biết mùi, ngủ không yên giấc, thương nỗi chồng chơn trời góc biển linh đinh, rồi lại giận phận mình không rửa hờn báo oán đặng.

Khiếu Nhàn thấy cháu không vui cứ theo kiếm lời khuyên dỗ hoài. Bạch Tuyết sợ ông phiền nên trước mặt thì ráng làm vui mà sau lưng thì châu mày ủ mặt. Bạch Tuyết đã không đành an hưởng thanh nhàn, còn để cho chồng linh đinh cực khổ mà cách chừng một tháng không hiểu quan Phủ có ý chi, ngài qua xin Khiếu Nhàn cho rước con đem về. Tuy Khiếu Nhàn không cho, nói rằng Bạch Tuyết ở với ông đặng vào ra hủ hỉ cho vui, song Bạch Tuyết phát nghi, sợ bà Phủ bày mưu tính kế chi đây, nên mới xúi quan Phủ qua rước, cô bèn tính trốn nữa, một là tránh bà Phủ, hai là quyết làm cho cực khổ tấm thân như chồng, đợi chừng nào chồng về sẽ sum hiệp mà chung hưởng phú quí.

Tối bữa nọ Khiếu Nhàn ngủ rồi, Bạch Tuyết đương ngồi may thấy ông Sen đứng sớ rớ gần đó, cô mới kêu lại và khóc và nói rằng:

-          Tôi thấy ông ngoại tôi càng ngày càng thêm già yếu rồi, phận tôi là gái có chồng, nghĩ khó mà trọn đạo thần hôn với ông ngoại tôi được. Tôi tớ trong nhà tôi trông cậy có một mình ông mà thôi. Vậy xin ông nghĩ bụng má tôi dưới cửu tuyền ráng lo lắng cho ông ngoại tôi. Nếu ông hết lòng thì dầu ngàn năm vợ chồng tôi cũng chẳng dám quên ơn nữa.

Ông Sen nghe lạ tai, bèn hỏi rằng:

-          Cháu nói cái gì vậy? Nay cháu đã về đây, mà ông cũng đã về bên nầy rồi nữa, cháu còn lo sợ nỗi gì?

Bạch Tuyết không trả lời, lại day mặt vào vách mà khóc.

Cách vài ngày, Khiếu Nhàn đi đám cưới trong Trèm Trẹm, Bạch Tuyết ở nhà lén ông Sen tom góp quần áo và lấy ba trăm đồng bạc, rồi mướn ghe đi mất.

Khiếu Nhàn đi đám cưới về hay việc Bạch Tuyết trốn thì ông sửng sốt lo sợ phận gái liễu bồ[1], lộ đồ hiểm trở, nên biểu ông Sen coi nhà đặng ông theo mà tìm.

Khiếu Nhàn thương cháu như vậy, mà Bạch Tuyết đành lòng bỏ ông mà đi, nghĩ thiệt tội nghiệp cho ông mà cũng đáng giận cho Bạch Tuyết. Có lẽ cô ta từ nhỏ chí lớn không gần gũi ông, nên thương thì thương, mà không trìu mến, bởi vậy cô mới đành vì chồng mà phụ lòng ông.

Bạch Tuyết ra khỏi nhà, lật đật mướn ghe đưa lên Sài Gòn quyết tình đến chốn kinh thành xông pha gió bụi, dày đạp tuyết sương như chồng, chớ chồng cực khổ, mình thanh nhàn thì không trọn niềm phu phụ.

Cô đi tàu Lục Tỉnh lên tới Cần Thơ, tàu vưa cập cầu, bỗng thấy một thầy trạc chừng vài mươi tuổi, da trắng môi son, mình mặc đồ Lang Sa, tay cầm dù lục soạn, bước xuống tàu rồi đi thẳng vào phòng nhì, sau lưng có một đứa nhỏ theo xách va ly.

Sáng bữa sau, tàu lên đến Châu Ðốc, thầy leo lên bong[2] trên đứng hứng mát, hai tay cầm ống dòm kê vào cặp mắt mà xem tứ hướng, rồi day qua ngó thấy Bạch Tuyết, thầy men men lại gần, miệng cười chúm chím mà hỏi rằng:

-          Xin phép cô cho tôi hỏi thăm một chút, biết có được hay không?

-          Thưa thầy muốn hỏi việc chi?

-          Tôi thấy cô tôi nhớ mày mạy, mà không biết cô ở đâu?

-          Thưa tôi ở Sóc trăng.

-          À phải! Năm nay cô chưa có chồng hay sao, mà đi một mình như vầy?

Bạch Tuyết hiểu ý con trừu nầy muốn chọc ghẹo mình nên cười thầm rồi đáp rằng:

-          Thưa, tôi có chồng, song chồng tôi khác, chớ không phải như thầy.

-          Vậy chớ như ai?

-          Thưa, như mấy người nghiêm nghị, ăn nói khiêm cung, cử chỉ tề chỉnh kìa.

-          Nói vậy thì tôi đây chẳng là liến xáo, xấc xược lắm sao?

-          Thưa lời ấy tôi đâu dám nói!

-          Chẳng biết chồng cô là ai? Xin cô cho tôi biết đặng tìm mà học.

-          Thưa, chồng tôi ở bên Vũng Liêm.

-          Ủa! Ở Vũng Liêm là ai kìa. Tôi ở tại Long Hồ, nếu cô nói tên có lẽ tôi biết.

-          Thưa, chồng tôi là Phan Chí Ðại.

-          Cơ khổ dữ hôn? Tôi xin lỗi chị, vì tôi không biết nên tôi lầm vậy xin chị chớ chấp.

Bạch Tuyết chưng hửng không hiểu là ai, vừa muốn hỏi thì thầy ấy nói tiếp rằng:

-          Tôi đây là con ông Hội Ðồng Viễn ở Long Hồ, anh ở nhà khi còn nhỏ lên ở tại nhà ông già tôi đi học. Có lẽ khi anh có nói chuyện đó lại cho chị nghe chớ?

-          Dạ, có nói. Xin lỗi thầy, thầy có phải tên là Lý Trường Thành hay không?

-          Phải. Khi anh ở nhà thi đậu vào trường Mỹ Tho thì tôi còn ở học tại Long Hồ. Chừng tôi được vào trường Mỹ Tho thì anh thôi học, bởi vậy từ ấy đến nay anh em không gặp mặt nhau nữa. Chị đi đâu đây? Còn anh bây giờ ở đâu, làm ăn khá hay không?

Bạch Tuyết tỏ thiệt rằng chồng mình gặp thời vận chẳng may nên nghèo nàn. Nay làm từng khạo[3] mướn cho chệc, ngồi tàu đi qua Ấn Ðộ Dương mà vớt ngọc điệp, có để vốn liếng lại chút đỉnh, nên mình tính lên Sài Gòn ở mua bán làm ăn đỡ mà chờ chồng về. Còn việc của cô thì cô giấu, không chịu nói con ai và gốc ở đâu. Lý Trường Thành nói rằng mình học vừa mới thi đậu về nhà gặp tang cha. Bây giờ mẹ lại mang bịnh ho lao nên đi qua Cần Thơ rước thầy hốt thuốc cho mẹ, luôn dịp đòi bạc của họ thiếu.

Tối bữa sau tàu tới Vĩnh Long, Lý Trường Thành mời Bạch Tuyết ghé chơi cho biết nhà. Bạch Tuyết tính ghé đó, đặng sáng ngày xuống Vũng Liêm thăm mộ cha mẹ chồng, song cô nghĩ ở Long Hồ cô không quen với ai, và phận cô là gái không lẽ đi theo Trường Thành mà về nhà trong lúc đêm hôm, nên cô từ chối mà đi luôn, không chịu ghé.

Tàu tới Mỹ Tho, Bạch Tuyết ban đầu muốn kiếm chỗ ở đó đặng may thuê vá mướn mà độ nhựt, song cô nghĩ lại người Bạc Liêu, Cà Mau hay lên xuống Mỹ Tho, nếu ở đó sợ lậu tin rồi ông ngoại theo kiếm bắt, nên cô phải thẳng lên Sài Gòn.

Cô lên tới Sài Gòn, tuy quen biết phía Cầu Kiệu nhiều, song không dám lên đó mà ở, vì sợ ông ngoại biết chỗ lên kiếm. Cô mới lần vô phía chợ Ðũi, tính kiếm nhà xin ở đậu mà may mướn. Cô đương xách gói đi thơ thẩn ngoài đường bỗng gặp bà già bán cháo đậu, đương ngồi dựa gốc cây bàng mà nghỉ mát. Bạch Tuyết ngồi xề một bên giả mua cháo đặng làm quen hỏi thăm nhà cửa. Bà già ấy nói nhà ở trong đường hẻm Mặc Mầu (Mac Mahon). Bạch Tuyết hỏi thăm đến chồng con thì bà nói bà ở có một mình không có bà con chi hết. Bạch Tuyết mừng thầm liền năn nỉ xin ở đậu, chịu chia tiền phố với bà.

Bà già nghĩ nhà mình rộng rãi, mà khi đi bán cháo thì không có ai coi nhà, nên chịu cho Bạch Tuyết ở và dắt Bạch Tuyết về nhà. Bạch Tuyết thấy nhà không có đồ đạc chi hết, nên ngồi nghỉ một hồi rồi bà già dắt đi mua giường chiếu mùng mền đem về dọn chỗ nghỉ ngơi.

Bà già nầy không ai biết tên là chi, thuở nay lối xóm cứ kêu là „Bà già bán cháo đậu“ mà thôi. Bữa nào cũng vậy, hễ khuya bà thức dậy sớm nấu cháo, sáng ra bà gánh đi bán các nẻo đường, mỗi ngày mua cơm gạo, trầu thuốc rồi còn dư chừng vài ba cắc.

Bà bổn tánh thuần hậu, vui vẻ, nên ai cũng thương, ngặt bà có một tật là bà lẻo mép[4], chuyện đầu nầy bà hay đem nói đầu kia mà thôi. Có Bạch Tuyết ở đậu, bà đi bán khỏi khoá cửa nữa. Mà Bạch Tuyết cũng nhờ bà đi bán, nên bữa nào cũng gởi tiền cho bà mua cá thịt chút đỉnh nên khỏi đi chợ.

Tuy bà lẻo mép mà bà làm lợi cho Bạch Tuyết, bởi vì bà đi đến đâu bà cũng khoe Bạch Tuyết may khéo, nên Bạch Tuyết ở đó chưa được bao lâu, mà người gần kẻ xa đem áo quần đến mướn cô không đủ thì giờ may cho kịp.

Bạch Tuyết ở đó được vài tháng, may mướn tiền xài không hết nên mấy trăm đồng bạc cô đem theo còn y nguyên không bớt một đồng nào.

Chiều bữa nọ, Bạch Tuyết thấy trời tốt, muốn đi mua ít thước vải để may áo vắn[5] mặc trong nhà, nhưng vì cô ít đi chơi nên nhát đi một mình, mới cậy bà bán cháo đậu đi với cô.

Mua đồ rồi chừng trở về ngang qua nhà ga xe lửa Chợ Lớn, Bạch Tuyết ngó thấy một cô độ chừng mười lăm hoặc mười sáu tuổi, mình mặc áo quần vải đen, đầu choàng khăn lụa đỏ, tuy bộ tướng quê mùa song mặt mày sáng rỡ, một tay ôm dù, một tay xách gói, ở trên xe bước xuống đứng bợ ngợ, giáo giác, dường như không biết đi ngã nào.

Khi Bạch Tuyết với bà cháo đậu đi gần tới, thì nghe cô hỏi thăm một người kéo xe rằng:

-          Anh ơi, anh biết nhà chị Tư Kiều ở đâu xin anh làm ơn chỉ giùm chút, anh.

Rồi lại nghe người kéo xe đáp rằng:

-          Trời Ðất ơi! Ở đất Sài Gòn nầy, thiên hạ muôn ngàn, ai biết hết cho đặng? Ở đường nào, số mấy. Nói cho rõ người ta mới chỉ cho chớ.

            Bộ cô nọ biết lời hỏi của mình quê mùa, nên cô thẹn thùa, đứng dụ dự, rồi nói một mình rằng:

-          Chỉ có nói mà bây giờ có nhớ đâu.

Bạch Tuyết đã đi qua khỏi rồi, nghe mấy lời ấy biết cô nọ là người Lục tỉnh chưa từng lên Sài Gòn, vừa muốn trở lại hỏi thăm cho rõ, rồi chỉ giùm làm nghĩa, kế thấy một người xe kéo khác kề xe lại hỏi rằng:

-          Tôi biết mà! Cô lên xe tôi kéo đi lại nhà cho.

Cô nọ tưởng thiệt, nên sắc mặt mừng rỡ, vừa leo lên xe, may Bạch Tuyết trở lại kịp mà cản rằng:

-          Anh xe kéo nói bậy, cô đừng có nghe lời.

Cô nọ chưng hửng, đứng lơ láo không biết phải tin ai. Bạch Tuyết hỏi nghiêm chỉnh rằng:

-          Cô ở đâu mà đi đây?

-          Tôi ở Long Hồ, lên đây thăm chị Tư Kiều.

-          Thuở nay cô có lên trên nầy lần nào hay chưa?

-          Chưa.

-          Nếu vậy thì cô làm sao mà biết nhà người quen được.

-          Thiệt tôi không biết.

-          Bây giờ trời đã tối rồi, mà cô không biết nhà người quen ở đâu mà tìm, vậy đêm nay cô đi đâu?

-          Tôi đi đây là đi liều mạng, thiệt hồi ra đi không dè khó quá như vậy.

-          Thôi, cô vô nhà tôi mà nghỉ đỡ một đêm; rồi sáng mai sẽ kiếm, chớ vát nầy[6] cô đi bơ vơ một mình, lúc ban đêm như vầy không dễ gì đâu.

-          Cô nọ thấy Bạch Tuyết hảo tâm thì mừng song không biết lấy tiếng gì mà tạ ơn, nên ríu ríu đi theo.

            Người kéo xe gạt không được nên chửi thề rằng: “Sướng dữ! Ðú họ, máng tào kê rồi“. Cô nọ nghe nói giựt mình, đứng lại ngó Bạch Tuyết. Bà cháo đậu day lại mắng người kéo xe rằng:

-          Bây nói bậy, tao đào nát bây cho bây coi. Người ta quê mùa, bây muốn gạt người ta sao?  

Bạch Tuyết nắm tay kéo cô nọ đi và nói rằng:

-          Ðồ khốn nạn, nó gạt không được nên kiếm chuyện nói bậy, cô đừng có tin. Cô đi theo tôi, tôi không hại đâu mà sợ.

            Cô nọ phát nghi, song nếu không đi theo Bạch Tuyết thì biết đi đâu, nên cực chẳng đã phải đánh liều. Về đến nhà, bà cháo đậu mở cửa, đốt đèn, rồi Bạch Tuyết dắt cô nọ vô biểu ngồi trên ghế đó mà nghỉ. Bạch Tuyết đi đọn cơm mời cô nọ ăn. Cô nọ tuy đói, song bợ ngợ nên nói no. Bạch Tuyết ép riết cô mới chịu ăn một chén.

Cơm nước xong rồi, bà cháo đậu lo đi ngủ đặng khuya có dậy sớm mà nấu cháo. Bạch Tuyết đóng cửa, đem đèn vô giường rồi lấy đồ ra ngồi may, mời cô nọ qua nằm một bên mà nghỉ. Bạch Tuyết và may và hỏi rằng:

-          Cô ở Long Hồ mà còn cha mẹ, anh em hay không?

-          Tôi mồ côi cha mẹ, mà cũng không có anh em chi hết.

-          Chẳng giấu cô làm chi, tôi cũng là người Lục tỉnh lưu lạc lên trên nầy ở đậu nhà bà Sáu bán cháo đậu đây mà may mướn, chớ không phải tôi là người Sài Gòn đâu. Cô đừng ngại chi hết. Tôi thấy cô bợ ngợ cũng như tôi lúc mới lên lần đầu, nên tôi thương tôi biểu giùm cho, chớ không phải có ý chi khác. Ở đất nầy điếm đàng lung lắm. Không hại gì mai cô đi kiếm không được, trở lại đây mà nghỉ. Cô đừng có tin người ta mà lầm chết đa!

Cô nọ nghe lời thật tình thì động lòng, nên ngồi lặng thinh một hồi rồi nói rằng:

-          Tôi không lẽ giấu chị, tôi tên là Trần Băng Tâm, cha mẹ khuất sớm, không có anh em nên về ở với cậu tôi từ bảy tuổi tới bây giờ là chín năm rồi. Khi tôi mới được mười ba tuổi thì cậu mợ tôi cho tôi đi bán mía, bán chuối. Cách chừng ba bốn tháng nay có một cậu con nhà giàu, học trường bổn quốc thi đậu rồi về ở không mà chơi, không chịu đi làm thầy thông, thầy ký. Ðêm nào cũng vậy, cậu ấy cứ ra hàng mía mà ghẹo chọc tôi hoài. Tôi giả như điếc, như câm, không thèm nghe lời cậu nói, mà cũng không thèm đối đáp với cậu. Cậu lại cậy người nầy người kia nói với tôi rằng, nếu tôi thuận tình với cậu thì cậu sẽ cho tôi tiền bạc và sắm quần áo, vòng bông cho tôi nữa. Phận tôi tuy nghèo hèn côi cút, song tôi không ham tiền mà làm hư danh tiết, bởi vậy hễ ai làm mai mối thì tôi lạy họ xin họ đi kiếm con gái khác mà nói chớ đừng nói với tôi. Mai mối nói hơn một tháng mà cột tôi không được, cậu giận mới quyết làm dữ, ban đêm tôi đi bán mía về cậu đón đường. Ban đầu cậu ghẹo chọc tôi không thèm trả lời. Lần lần cậu đi theo muốn đụng mình tôi, tôi hăm la làng, cậu sợ xấu nên không dám đụng. Cậu đón tôi hai ba lần rồi thôi, không thấy đón nữa mà đêm nào cậu cũng nghễu nghến[7] ngang hàng mía tôi hoài. Cách năm sáu bữa rày đây, tôi ngủ cựa mình đụng một người nằm bên tôi. Tôi thất kinh vùng kêu cậu tôi mà nói rằng: “'Cậu ôi, cậu đốt đèn lên giùm chút coi. Ăn trộm hay là ai mới đụng tôi đây nè“. Cậu tôi lặng thinh không trả lời, mà tôi nghe tiếng mợ dâu tôi cười nho nhỏ rồi la rằng: “Ngủ đi, đừng có nói bậy nào”. Tôi nghi cậu mợ tôi có ý muốn hại tôi nên tôi nhảy xuống đất, muốn chạy ra ngoài ván, nào dè có một người nắm vạt áo tôi mà kéo lại rồi kê miệng vào lổ tai tôi mà nói rằng: „Qua đây chớ phải ai đâu mà sợ. Nằm lại đây qua nói chuyện cho em nghe“. Tôi nghe tiếng mới biết cậu con nhà giàu đó, nên tôi nói lớn lên rằng: „Cậu buông tôi ra bằng không tôi la lên đây, cậu mang khốn đa. Cha chả! Cậu tưởng đâu ở trong rừng, trong núi không có làng xóm hay sao, nên cậu làm ngang dữ vậy. Tôi nói chưa dứt tiếng, người ấy choàng tay ôm ngang cổ tôi, rồi kế mợ tôi ứng tiếng nói rằng: „Con chết bầm đó, khéo nhỏng nhẻo hôn! Mầy ào ào đó mầy chết bây giờ đa!'. Tôi đương giận mà nghe mấy lời như vậy tôi càng giận thêm nữa, túng thế quá tôi nhảy xuống sông Long Hồ. Cậu tôi lật đật nhảy theo vớt tôi lên, rồi dắt tôi vô nhà. Mợ tôi đốt đèn lên, tôi thấy người khốn nạn ấy đương ngồi trên ván mà hút thuốc. Tôi đứng úp mặt vô vách mà khóc, quần áo đầu cổ ướt loi ngoi. Mợ tôi lại nói nhỏ với người đó ít tiếng rồi người đó mở cửa ra về.

            Băng Tâm thuật tới đó, rưng rưng nước mắt; Bạch Tuyết động lòng nên lắc đầu thở ra mắt ngó Băng Tâm trân trân. Băng Tâm ngồi một chút rồi nói tiếp rằng:

-          Tôi nhớ tới chừng nào tôi giận cậu ấy chừng nấy. Mình là con nhà giàu có, lại học hành giỏi, thiếu chi chỗ đương môn hộ đối[8] sao không nói mà cưới lại cứ theo quyết làm nhục tôi chi vậy. Thân tôi côi cút thiệt là khổ quá! Chị tưởng tôi không chịu đó rồi yên hay sao. Cậu nhà giàu đó về rồi, thì mợ tôi nói đắng, nói cay làm cho cậu tôi nổi giận đánh tôi bầm mình mẩy, lại nhiếc tôi, nói nuôi tôi uổng cơm, thân tôi chết đói mà không lo, không như vậy mà tôi còn chê để đi lấy du côn mới vừa ý. Tôi bị đòn mà ít phiền, chớ nghe mấy lời đó tôi phiền quá. Tự tôi nhờ ơn cậu mợ tôi nuôi tôi mặc dầu, mà ép uổng tôi việc hư như vậy tôi lạy cậu mợ tôi đừng ép tôi mà tội nghiệp. Cậu mợ tôi mắng nhiếc tôi một hồi nữa, rồi sáng ngày đuổi tôi ra khỏi nhà.       Tôi sợ ở Long Hồ không yên mà may tôi bán mía chắt mót[9] để dành được ít đồng bạc nên tôi mới lên đây. Thuở nay tôi không ra khỏi chợ Long Hồ, nên không biết xứ nào hết. Hồi chiều xe lửa lên tới Chợ Lớn, tôi thấy bộ hành rùng rùng leo xuống, tôi tưởng đã tới Sài Gòn rồi, nên cũng xuống theo, té ra mới hay là Chợ Lớn. Tôi trở lại vừa muốn leo lên xe thì xe đã rút chạy rồi, nên tôi không dám theo. Tôi bơ vơ, may gặp ông già ổng chỉ đường tôi lại ga xe lửa mua giấy khác đi ra Sài Gòn, kế gặp chị đó.

Bạch Tuyết nghe Băng Tâm tỏ hết đầu đuôi việc riêng của mình biết cô là người chơn chất mà lại trọng trinh tiết, nên đem lòng thương.

Bạch Tuyết có việc buồn riêng, mà mấy tháng nay không tỏ cùng ai được, nay gặp Băng Tâm mới đem việc của mình mà tỏ cho Băng Tâm nghe. Hai người nói chuyện với nhau, tâm đầu, ý hiệp vô cùng.

Ðêm khuya thiên hạ ngủ hết, ngoài đường vắng teo, Bạch Tuyết mới hỏi Băng Tâm rằng:

-          Hồi chiều cô nói đi kiếm chị Tư Kiều nào đó, vậy mà chị có bà con chi với cô hay không?

-          Không. Chỉ là người Long Hồ, tôi quen mặt vậy thôi, chớ không phải bà con.

-          Chỉ làm việc chi ở trên nầy?

-          Năm ngoái chỉ về, tôi gặp chỉ tôi hỏi thăm, thì chỉ lấy anh Sáu Nhỏ dọn nhà ở trên nầy; chỉ có rủ tôi lên chơi, nên khi ra đi tôi tính lên nhà chỉ nương ngụ ít ngày rồi sẽ kiếm việc làm ăn, không dè đất Sài Gòn minh mông quá, biết đâu mà kiếm.

-          Tưởng là bà con thì chẳng nói chi, chớ chỉ như vậy nghĩ cũng chẳng nên kiếm, bởi vì tôi coi tánh ý cô đây chắc là ở chung một nhà với chị không tiện. Thôi, cô ở đây làm chị em với tôi; tôi lãnh đồ rồi hai chị em mình may với nhau, tôi tưởng có lẽ kiếm đủ tiền nuôi miệng được, chẳng cần phải đi đâu làm chi.

-          Chị có lòng thương tôi, hồi chiều chị cứu tôi cho khỏi lầm thiên hạ, ơn ấy đã trọng rồi, bây giờ chị làm phước cho tôi nương ngụ nữa thì ơn của chị biết ngày nào tôi mới trả đặng. Tôi nói thiệt với chị, phận tôi côi cút nghèo hèn nên từ nhỏ chí lớn không biết may vá. Nếu chị làm ơn cho tôi ở đây thì tôi tính làm bánh hoặc mua trầu cau, chuối mít gánh đi bán kiếm lời mà ăn, chớ may vá chắc là không được.

Bạch Tuyết nghe lời thiệt lấy làm vui lòng, nên cười mà đáp rằng:

-          Cô muốn buôn bán cũng được. Như cô lạ, chưa biết đường, thì theo bà Sáu ở nhà đây ít bữa rồi quen. Ðể sáng tôi nói với bà Sáu.

-          Tôi nhỏ hơn chị, vậy xin chị kêu bằng em, chớ đừng kêu bằng cô.

            Bạch Tuyết gặc đầu, hai người ngó nhau mà cười rồi dẹp đèn đi ngủ. Sáng ngày sau Bạch Tuyết nói với bà Sáu bán cháo đậu cho Băng Tâm ở. Bà Sáu vui lòng cho liền. Bạch Tuyết biết Băng Tâm không tiền làm vốn mà mua bán, nên lấy bạc của mình mà đưa cho Băng Tâm mười đồng. Băng Tâm nói nhiều nên lấy có bốn đồng mà thôi.

Ngày ấy, hai chị em ở nhà nói chuyện với nhau.

Qua bữa sau, Băng Tâm đi theo bà Sáu ra chợ mua thịt và lòng heo đem về nấu cháo rồi gánh theo bà mà bán, một người bán cháo đậu và một người bán cháo lòng.

Bữa nào bà bán hết trước thì bà cũng chờ cho cô bán hết rồi mới về một lượt. Còn bữa nào cô bán hết trước thì cô cũng theo bà, bởi vì cô không biết đường nên về một mình sợ lạc. Mỗi bữa lời được năm ba cắc thì Băng Tâm đưa cho Bạch Tuyết cất, chớ không chịu giữ tiền.

Vã Băng Tâm có sắc da trắng, tóc dài, môi son, mày phụng, đi đứng yểu điệu, ăn nói dịu dàng, bởi vậy từ mấy thầy thông ngôn ký lục cho đến sắp dọn bàn nấu ăn, ai thấy cô cũng buông lời chọc ghẹo. Cô nghĩ phận gái cơ hàn, ra đi buôn bán làm ăn thường nhiều việc hiểm trở, nên cô buồn.

Ðêm nọ, cô nằm than thở với Bạch Tuyết rằng:

-          Em thấy chị ở nhà ngồi may vá thiệt em muốn hết sức, ngặt phận em vụng về, nên phải đi mua gánh, bán bưng, chớ làm nghề của em nhiều khi hổ thẹn quá.

Bạch Tuyết hiểu ý, mới biểu Băng Tâm ở nhà cho cô dạy may, đừng đi bán cháo nữa.

Băng Tâm chẳng xiết nỗi mừng, từ ấy hai chị em ở nhà, Bạch Tuyết dạy lần lần, Băng Tâm may lấy chỗ dễ, còn chỗ khó thì để cho Bạch Tuyết.

Mỗi tháng kiếm trên mười hai đồng luôn luôn, ăn uống xài phí rồi còn dư vài đồng.

Hai chị em ở với nhau được bảy tám tháng, Bạch Tuyết mua mà may cho Băng Tâm được một cái quần lãnh, một cái áo xuyến, Băng Tâm mừng rỡ hết sức.

Tới lễ Chánh Chung[10], hai chị em nghe lời bà Sáu nói việc “diễn binh“ ngộ lắm, mới năn nỉ bà nghỉ bán một bữa đặng dắt giùm hai chị em đi coi.

Hai chị em đi coi với bà Sáu lên tới Nhà Thờ, thì gặp một chú mái chín[11] cứ theo chọc ghẹo hoài. Hai chị em mắc cỡ, muốn dắt nhau trở về. Bà Sáu nói họ chọc mặc họ, mình đi chơi thì đi, chuyện gì phải sợ mà về.

Hai chị em dằn lòng đi nữa, chẳng dè chú mái chín cứ đi theo, kiếm lời chọc ghẹo hoài. Hai chị em không thèm trả lời, lên tới „ba hình“ nắm tay nhau đứng dựa lề đường, chờ lính tới mà coi. Chú mái chín theo chọc nữa, lại thừa dịp đông người, chú chen vô đứng khít một bên Băng Tâm rồi làm bộ bị họ lấn, té đụng mình hai chị em chơi. Bạch Tuyết thấy chú chệc vô lễ, giận câm gan, song dằn lòng nhịn thua dắt bà Sáu với Băng Tâm đi tìm chỗ khác mà đứng.

Cách chừng ít phút đồng hồ, chú mái chín theo nữa. Chú đứng làm bộ bị họ lấn nên té ôm ngang mình Băng Tâm. Băng Tâm với Bạch Tuyết mắc cỡ, vừa muốn chen mà ra, bỗng nghe một cái bốp, rồi thấy chú mái chín té sấp dưới đất, trên đầu máu chảy đỏ lòm.

Hai chị em thất kinh, lật đật kéo bà Sáu mà chạy về, không dám coi diễn binh nữa, mà cũng không biết ai đánh chú mái chín lỗ đầu.

Cách nửa tháng sau Bạch Tuyết với Băng Tâm đương ngồi may bỗng thấy thầy thông ở căn phố ngang cửa đó khiêng ghế dọn bàn đem ra xe mà chở đi.

Qua ngày sau, lại thấy có hai người cu ly lại mở cửa căn phòng trống ấy, vô quét rửa, chùi lau sạch sẽ, rồi chiều lại có mấy xe chở giường nệm, ghế, bàn, tủ, thứ nào cũng mới và đẹp đem vô nhà mà dọn hực hỡ.

Sáng bữa sau, hai chị em đã thức rồi, mà còn nằm rán trong giường, nghe bà sáu mở cửa gánh cháo ra ngoài rồi nói lớn rằng: „Ủa! Té ra thầy dọn căn phố nầy hay sao? Cơ khổ dữ hôn! Vậy mà tôi tưởng ai ở đâu lạ chớ!” Rồi lại nghe có tiếng người trả lời rằng: “Thưa phải, tôi mới dọn lại đây chiều hôm qua.”

Bà Sáu trở vô nhà kêu Bạch Tuyết mà nói rằng: „Nầy cháu, thầy mới dọn căn phố ngang của mình đó quen mà? Hổm nay, tôi đi bán gặp thầy hai ba lần, thầy nói chuyện nhỏ nhoi tử tế quá. Tôi có khen hai cháu may khéo quá, thầy hứa để thầy mua hàng đem về lại mướn may đồ thường đa.

Bà nói mấy lời rồi ra khép cửa lại, gánh cháo đi mất. Chừng sáu giờ rưỡi, mặt trời mọc lên rồi, Bạch Tuyết mới mở cửa dòm qua căn phố ngang đó, thấy Lý Trường Khanh là con ông Hội đồng Viễn ở Vĩnh Long, đương nằm trên ghế xích đu mà đọc nhựt trình thì cô chưng hửng chẳng hiểu vì cớ nào, cách mấy tháng trước mình gặp anh ta dưới tàu thì anh ta nói mẹ đau nặng, mà bây giờ lại lên dọn nhà ở đây.

Bởi cô chưa rửa mặt gỡ đầu, cô không muốn cho Trường Khanh thấy nên cô quày quả đi ra nhà sau. Cô thấy Băng Tâm đương rửa mặt, cô mới nói rằng:

-          Thầy dọn về ở ngang nhà mình, bà Sáu nói hồi nảy đó tưởng ai lạ, té ra Lý Trường Khanh, là con ông Hội Ðồng Viễn ở Long Hồ mà.

Băng Tâm nghe nói quên lau mặt, đứng ngó Bạch Tuyết trân trân mà hỏi rằng:

-          Chị nói tên gì?

-          Lý Trường Khanh.

-          Sao chị biết?

-          Hồi qua trốn mà đi lên trên nầy qua có gặp dưới tàu. Ban đầu thầy theo chọc qua, chừng qua nói tên chồng qua rồi thầy chưng hửng nên năn nỉ xin lỗi, vì thầy quen với chồng qua.

-          Ðâu để em ra coi thử coi có phải hay không?

-          Băng Tâm lau mặt rồi đi ra đứng núp dựa cánh cửa lén dòm một hồi.

Chừng Bạch Tuyết gỡ đầu bới rồi, Băng Tâm trở vô bùng thụng[12] mà nói rằng:

-          Phải rồi đó đa!

Bạch Tuyết không hiểu lời Băng Tâm, nên hỏi:

-          Phải giống gì?

-          Người đó là người muốn làm cưỡng bức em dưới Long Hồ đó. Bây giờ còn theo lên tới trên nầy nữa chớ!

            Bạch Tuyết chưng hửng, chưa kịp nói chi hết, thì Băng Tâm nguy nguýt đi vô mùng mà nằm. Bạch Tuyết thấy Băng Tâm buồn, nên theo an ủi. Băng Tâm năn nỉ xin Bạch Tuyết kiếm chỗ khác mà ở đặng tránh Lý Trường Khanh.

Bạch Tuyết cũng muốn làm cho vừa lòng Băng Tâm, nhưng sợ đến chỗ khác không được tử tế như chỗ nầy, lại sợ ở lạ chỗ không có quần áo mà may nên khuyên Băng Tâm an lòng, nhà mình thì mình ở đừng thèm nói tới ai thì thôi.

Lý Trường Khanh dọn lại ở độ gần một tháng, mỗi ngày ra vô khi thì coi sách, khi thì nằm coi nhựt trình, song không đi đâu hết mà cũng không ngó qua nhà Bạch Tuyết và Băng Tâm.

Băng Tâm thấy người ta không nói động đến mình, mà lại ỷ có Bạch Tuyết binh vực nên lần lần hết lo sợ nữa. Còn Bạch Tuyết tuy bề ngoài vui cười như thường, song bề trong thương ông, nhớ chồng, giận mẹ ghẻ, nên nhiều đêm Băng Tâm ngủ giựt mình thức dậy thì thấy cô chong đèn mà khóc.

Thiệt Băng Tâm thường hay kiếm lời khuyên giải, nói rằng đạo vợ chồng có lìa nhau, chừng hiệp nhau mới vui, nhưng mà Bạch Tuyết nỗi sầu dồn dập lâu rồi, nhứt là chồng đi gần một năm mà chẳng có tin tức chi hết, chẳng hiểu chồng có bình an hay không, bởi vậy nỗi sầu của cô không thể nào gỡ được.

Có khi cô nghĩ nếu Chí Ðại không gặp cô, thì có lẽ ngày nay không đến nỗi dày bừa gió bụi, ly biệt quê hương như vầy, nghĩ đến đó cô càng đau lòng xót dạ hơn nữa.

Bạch Tuyết rầu buồn ăn uống không được, nên càng ngày càng ốm. Băng Tâm lo sợ, mới xúi gởi thơ cho ông ngoại mà hỏi thăm Chí Ðại về hay chưa. Bạch Tuyết muốn nghe lời, song sợ nếu mình gởi thơ mà chồng chưa về, rồi ông ngoại biết chỗ ở bắt mình về thì mình không trọn nghĩa với chồng được, nên cô không dám gởi thơ.

Bữa nọ, Bạch Tuyết nhuốm bịnh, Băng Tâm lật đật đi chợ mua thuốc cho Bạch Tuyết uống. Trường Khanh nằm bên nhà, vừa thấy Băng Tâm đội khăn ra khỏi cửa, liền bước qua, thấy Bạch Tuyết đương nằm ngoài ván ngoài mà đắp mền, bèn hỏi rằng:

-          Bữa nay trong mình chị khó ở hay sao?

Bạch Tuyết lồm cồm ngồi dậy chào hỏi và đáp rằng:

-          Nãy giờ tôi ớn lạnh và nhức đầu quá.

Trường Khanh lật đật chạy về nhà lấy một liều thuốc với một ve dầu đem qua khuyên Bạch Tuyết uống thuốc cảm rồi thoa dầu đó tự nhiên hết bịnh. BạchTuyết tạ ơn, lấy đầu thoa rồi rót nước uống thuốc. Trường Khanh nhắc một cái ghế tre để dựa cửa rồi nói rằng:

-          Em xin lỗi chị, em dọn lại ở đây hơn một tháng rồi, em thấy chị hằng ngày, nhưng vì em có một việc hiềm nghi riêng, nên không dám qua thăm chị, chớ không phải em làm kiểu, làm cách chi đâu.

Bạch Tuyết chúm chím cười mà hỏi rằng:

-          Thưa thầy, hiềm nghi việc chi?

Trường Khanh cúi mặt mà đáp rằng:

-          Em nói thiệt cho chị biết, em dọn nhà ở đây là có ý muốn tỏ hết tâm sự của em cho chị nghe, rồi cậy chị làm ơn giúp giùm em một việc, ngặt vì hổm rày cô Băng Tâm ở nhà hoài, nên em không dám qua. Nay cô đi khỏi, vậy em thuật chuyện riêng cho chị nghe: „Năm ngoái em thi đậu rồi về nhà ở không mà chơi, em là con một, nên cha mẹ cưng, muốn chơi thế nào cũng không ngăn cản, mà nhà em lại giàu lớn, sẵn tiền sẵn bạc nên em muốn tiêu xài bao nhiêu cũng được. Em là trai mới lớn lên, nên hay say hoa đắm nguyệt. Bữa nọ em đi chơi, thấy cô hai ở nhà đây ngồi bán mía, tuy y phục tầm thường mà dung nhan xinh đẹp, em phải lòng, nên em quyết ân ái với cô cho phỉ tình hoài vọng.

Chẳng dè em cậy mai mối nói hết lời mà cô không xiêu lòng, em theo chọc ghẹo, dụ dỗ đủ cách mà cô không chịu. Túng thế, em đem cho cậu mợ cô một trăm đồng bạc mà năn nỉ thuận tình ban đêm mở cửa cho em vô nhà mà ngủ với cô. Thiệt, lúc ấy em tính chơi qua đường, chớ chẳng phải muốn lấy chồng vợ chi đó, mà em cũng tưởng con nhà nghèo hễ cho tiền nhiều thì nó chịu, chớ không có khó gì, nào dè cô rầy la om sòm rồi lại nhảy xuống sông muốn tự tử nữa. Em trở về nhà nằm nghĩ chẳng hiểu vì cớ nào mà cô nầy khó như vầy; thuở nay em muốn cô nào cũng được hết thảy, dẫu nhà giàu đi nữa em cũng muốn được thay, huống chi là con nhà nghèo hèn côi cút như cô mà lại muốn không được. Em ghét nên em không thèm nhớ tới cô nữa. Cách chừng một tháng bà già em đau nhiều, tính cưới vợ gấp cho em, nên biểu chú em dắt em đi coi hai ba chỗ con nhà giàu. Em đi coi vợ thì đi, mà trong bụng em không muốn chỗ nào hết, bởi vì em nghĩ con gái nhà giàu đứa nào cũng như đứa nấy, em có biết tánh ý đứa nào tốt, đứa nào xấu mà chọn lựa; nếu em nhắm mắt mà cưới bướng, rủi gặp nhằm đứa hư rồi em làm sao. Phận em giàu có, em chẳng cần kiếm gia tài thêm nữa, nếu em đi cưới vợ thì là kiếm trinh tiết, kiếm nhơn nghĩa, chớ kiếm tiền bạc mà làm chi, mà trinh tiết, nhơn nghĩa biết ai đâu mà kiếm? Em sực nhớ lại cô Băng Tâm, tuy là con nhà bần hàn côi cút, mà cô trọng trinh tiết hơn là tiền bạc, thuở nay chưa thấy con gái nhà ai tánh nết được như cô vậy. Em có ý muốn tỏ thiệt với bà già em, rồi xin cậy mai đi nói. Rủi bịnh bà già em trở nặng, em lo thuốc men hết sức mà không xong, cách ít ngày bà già em mất. Lo tống táng xong rồi, bà con ai cũng khuyên em kiếm vợ đặng có người coi sóc trong nhà. Em mới mượn họ hỏi thăm cô hai Băng Tâm, vì em quyết cưới cô chớ không thèm nơi nào khác. Chẳng dè hỏi lại mới biết cậu mợ đánh đuổi cô đi đâu mất lâu rồi. Em hay việc ấy thì ăn năn vô cùng, em đã ăn năn sự vô lễ đã cưỡng bức cô hồi trước, mà em lại ăn năn sự em làm cho đến đỗi cô bỏ xứ đi. Nếu cô đi ra mà có tai nạn điều chi thì lỗi tại nơi em hết thảy. Từ ấy đến nay, em quyết cưới cho được cô để chuộc tội em ở quấy với cô hồi trước. Em làm tuần bá nhựt cho bà già em rồi em qua Mỹ Tho ở gần nửa tháng không gặp cô, em mới tuốt lên Sài Gòn. Em ở đậu nhà thầy ký Huỳnh gần một tháng nữa mà kiếm cũng không gặp. Hôm lễ Chánh Chung em đi dạo chơi tình cờ gặp chị đi với cô hai và bà ở nhà đây. Em mừng quá muốn chạy đại lại xin lỗi, tỏ thiệt việc em tính đó cho cô hai biết và cậy chị đứng làm mai cho em cưới, nhưng vì cô còn giận em, lại nói giữa đường e cô mắc cỡ, nên em dằn lòng, cứ nom theo xa xa, tính tìm coi nhà ở chỗ nào rồi em sau sẽ tới. Chị với cô hai chắc là không thấy em, nên đi coi tự nhiên quá. Chừng em thấy có một thằng mái chín cứ theo chọc ghẹo rồi cọ trong mình hai chị em thì em nổi giận muốn chạy lại đánh cho biết chừng, song em nghĩ nếu đánh nó thì sanh sự rồi chị với cô hai đi mất, em biết đâu mà tìm. Em nghĩ như vậy, nên em dằn lòng. Chừng em thấy nó vô lễ một lần nữa, nên em xốc lại bổ cho nó một cây ba ton[13] trên đầu phun máu. Lính tuần thành áp lại bắt em dắt về bót, em không sợ chi hết, duy sợ lạc mất chị với cô hai không biết đâu mà kiếm. Vô bót em chịu thiệt với ông Cò rằng thằng chệc vô lễ với đàn bà con gái quá, nên em phải đánh mà răn nó. Ông Cò giải em qua Tòa, em cũng cứ nói như vậy, em lại mướn trạng sư cãi giúp cho em nữa, nên đòi hỏi lòng dòng ít bữa, Tòa tha em. Vụ kiện xong rồi em mới kiếm lại. Bữa nọ tình cờ em gặp bà già bán cháo đậu coi giống bà đi với chị hôm trước, nên làm quen hỏi thăm lần lần mới hay chị và cô hai ở đây.

Bạch Tuyết trước thấy tánh nết Trường Khanh dưới tàu, sau nghe Băng Tâm thuật cử chỉ hoa nguyệt nữa, bởi vậy thầy nói thiệt tình mà cô chưa tin nên hỏi rằng:

-          Thầy đánh chú mái chín dê đó giùm cho chị em tôi thiệt tôi cám ơn thầy lắm, mà thầy biết chị em tôi ở đây rồi thầy dọn nhà ở gần làm chi?

-          Thưa chị, bà bán cháo đậu chỉ nhà cho em rồi tối lại em lén đi ngang qua đây coi có thiệt quả chị ở đây hay không. Em thấy chị với cô hai đương ngồi may em muốn tỏ hết tâm sự của em cho cô hai biết và xin lỗi cô rồi cậy chị làm mai cho em cưới. Em muốn như vậy, mà rồi em sợ cô hai giận em dầu nói thiệt cô cũng không tin, nên em tính mướn phố ở gần đặng cô vô ra thấy mặt ít ngày cho nguôi bớt nước giận rồi em sẽ phân hơn thiệt với cô. Em nói thiệt cho chị thương, thầy thông ở căn phố em mướn đó có phải khi không mà thầy dọn đi đâu. Em muốn ở đây nên năn nỉ chịu cho thầy hết năm mươi đồng bạc, thầy mới chịu đọn đi chỗ khác cho em đó.

-          Thầy thiệt là có tình quá!

-          Thưa chị, gia thế em lớn lắm, vì em muốn kết tóc trăm năm với cô hai, nên em bỏ hết mà đi tìm. Hổm nay em muốn qua nói thiệt với cô mà em sợ cô không thương cô nhắc chuyện cũ rồi mắng nhiếc xấu hổ, nên em không dám. Vậy em xin chị làm ơn lựa lời êm ái nói giúp giùm cho cô hai hết giận đặng chịu kết duyên với em, trước em có được người xứng đáng tề gia nội trợ; sau em có thể chuộc cái quấy xưa, thì ơn của chị dầu ngàn ngày em cũng không dám phụ.

-          Làm trai ở được như thầy vậy thiệt là ít có, mà còn tánh nết được như con hai Băng Tâm cũng không dễ kiếm đâu. Tuy nó nghèo hèn, song nhiều người sang giàu cũng không sánh với nó kịp. Tôi làm chị em với nó gần một năm nay, tôi biết rõ tánh ý nó. Nó nhỏ mặc dầu mà ăn ở khít khao cẩn thận, tôi đây cũng thua nó nữa.

-          Xin chị làm ơn nói giùm.

-          Nói giùm thì tôi không tiếc với thầy, song không biết thầy thiệt có bụng quyết kết tóc trăm năm với nó hay không, chớ thầy giàu, nó thì nghèo, tôi sợ...

-          Chị hai còn nghi bụng em nữa sao? Chị đừng có nói chuyện giàu nghèo, bây giờ em biết khôn rồi, nên em trọng cái phải, cái tốt, chớ giàu sang mà hư thì sá gì. Nếu chị không tin bụng em, thì để em thề cho chị tin. Em mà có bụng quấy, muốn chơi qua đường thì...

-          Thôi thôi, thầy đừng thề thốt làm chi. Ðể thủng thẳng tôi dọ ý nó coi, rồi tôi sẽ cho thầy hay. Cha chả! Mà bộ nó còn phiền thầy nhiều lắm nên sợ phải lâu ngày mới nói được.

-          Không hệ gì, miễn chị hết lòng nói giúp giùm em cưới được thì thôi dầu chờ bao lâu em cũng chịu.

-          Tôi hỏi thầy, ví như nó nói không ưng, thầy làm sao?

Trường Khanh cúi mặt xuống đất, lặng thinh một hồi, coi bộ buồn lắm rồi nói rằng:

-          Nếu em không cưới đặng cô hai Băng Tâm thì em không thèm cưới ai hết.

Bạch Tuyết cười và nói rằng:

-          Thầy đa tình quá!

-          Thưa không, em trọng trinh tiết chớ có phải là đa tình đâu.

Trường Khanh vừa nói dứt lời thì Băng Tâm bước vào ngó thấy liền nguýt đi thẳng vô buồng. Trường Khanh đứng dậy cáo từ Bạch Tuyết mà về. Bạch Tuyết thấy Trường Khanh về đã lâu mà Băng Tâm còn nằm trong buồng hoài, bèn kêu mà nói rằng:

-          Người ta đã về mất rồi mà còn sợ ai nên nằm hoài ở trỏng vậy?

Băng Tâm bước ra hỏi rằng:

-          Nãy giờ chị bớt nóng hay không?

-          Em đi rồi, nhờ thầy Trường Khanh qua nhà nói chuyện, qua bớt nóng.

-          Hứ!

Bạch Tuyết có ý muốn ghẹo cho Băng Tâm hỏi đặng mà nói, chẳng dè Băng Tâm hứ một cái mà không chịu hỏi, lấy tay rờ trán Bạch Tuyết mà nói rằng:

-          Sẵn bụng chị đói, thôi để em đi sắc thuốc cho chị uống. Chị rán uống thuốc cho mạnh, chớ chị không giỏi trong mình, em buồn quá.FF

Băng Tâm nói dứt lời rồi quày quã đi ra nhà sau súc siêu bắc thuốc. Ðêm ấy nhờ uống thuốc nên Bạch Tuyết trong mình khoẻ khoắn ngủ được. Ðến ba giờ khuya, cô thức dậy thấy Băng Tâm chưa ngủ, mới hỏi. Băng Tâm đáp rằng:

-          Em thấy chị đau. Em lo sợ quá, nên ngủ không được.

Bạch Tuyết không chắc Băng Tâm vì giận Trường Khanh hay là vì thấy mình đau mà ngủ không được, song cô không hỏi, cứ dậy súc miệng, rửa mặt, ăn trầu, rồi to nhỏ thuật hết lời của Trường Khanh lại cho Băng Tâm nghe. Bạch Tuyết lại nói:

-          Người ở được như vậy thiệt cũng đáng khen. Người ta đã biết lỗi bây giờ muốn cưới em đặng chuộc lỗi. Vậy em chẳng nên phiền trách nữa. Em xét lại mà coi, thuở nay người giàu sang thường kiếm con nhà giàu sang mà cưới, chớ có ai cả gan dám tính cưới con nhà nghèo hèn bao giờ; họ không kể nên hư phải quấy, họ sợ cưới con nhà nghèo về xí[14] hết gia sản của họ đi, hoặc họ nghĩ con nhà nghèo không thể gì làm giàu cho họ được. Chị thường thấy nhiều người tham tiền, tham bạc thái quá, trong nhà đã có của dư dùng không hết mà còn lo đi kiếm vợ giàu đặng kiếm thêm của nữa, tham đến nỗi chúng khinh mà không biết nhục, vợ lấy trai mà sợ hụt ăn nên không dám bỏ. Thầy Trường Khanh đã giàu có, mà lại học giỏi. Thầy trọng trinh tiết chớ không kể tiền bạc, nên quyết cưới em, vậy em chẳng nên hờn hoài mà hẹp bụng thầy.

Băng Tâm cười gằn mà nói rằng:

-          Chị tin người đó, chị lầm chết đa!

-          Em đừng nói vậy! Thầy nói qua nghe cũng phải, mà bộ thầy thiệt tình lắm mà!

-          Chị nghe nói chị thấy bộ, chớ trong lòng người ta chị biết sao được. Thầy giàu, em nghèo, thầy muốn em là thầy muốn chơi qua đường, chớ nhà giàu mà nhơn nghĩa gì. Nếu thầy biết nhơn nghĩa thì hồi trước đâu có làm như vậy. Thầy muốn em chừng nào, em càng oán thầy nhiều chừng nấy.

-          Thầy xin cưới em đem về làm vợ, chớ phải tính việc gì hay sao mà em nghi.

-          Ðã biết con gái hễ lớn lên thì phải có chồng, song em không muốn có chồng như vậy.

-          Vậy chớ em muốn chồng thế nào?

-          Thầy Trường Khanh thì giàu sang, còn em thì nghèo hèn, bây giờ thầy muốn, thầy nói liều mạng. Em sợ thầy cưới em về ít năm, thầy đã thèm rồi, thấy con nhà giàu sang thầy tiếc, thầy hất hủi thân em, càng nhục cho em nữa. Em nghèo. Em lựa chỗ nghèo mà biết nhơn nghĩa mà kết bạn, miễn vợ chồng biết trọng nhau, biết thương nhau, dầu ăn muối em cũng vui.

Bạch Tuyết nghe mấy lời rồi nghĩ tới chuyện của mình thì động lòng, nên ngồi lặng thinh mà ngó đèn.

-          Chị nói phải quấy cho em đó thôi, chớ duyên của em chị đâu dám ép. Thôi, để thủng thẳng dọ tình ý thầy thế nào, chị tưởng nhà giàu có người cũng biết nhơn nghĩa vậy chớ.

Chị em đàm luận đến gần sáng mới chịu tắt đèn mà ngủ.

Sáng ngày Băng Tâm thấy bịnh Bạch Tuyết giảm nhiều thì mừng. Cô muốn đi hốt thuốc thêm cho Bạch Tuyết uống, mà vì cô sợ nếu cô ra đi, ở nhà Trường Khanh lén qua òn ỷ với Bạch Tuyết nữa, nên cô đợi chiều bà Sáu đi bán cháo về rồi, cô cậy bà đi; chớ cô không dám đi.

Bạch Tuyết uống vài thang đầu thì thấy bịnh giảm nhiều mà uống thêm mấy thang sau bịnh lại trở nặng nữa, nóng nóng lạnh lạnh tối ngày nên nằm thiêm thiếp hoài. Tuy bịnh đau không may vá được, song nhờ có mấy trăm đồng bạc đem theo nên chạy thuốc rước thầy mà khỏi lo túng rối.

Trường Khanh thấy Bạch Tuyết đau lâu rồi, nghe bà Sáu nói đau nhiều, muốn qua thăm, nhưng vì sợ Băng Tâm nghi ngại, nên không dám qua.

Bữa nọ bà Sáu gánh cháo đi rồi, anh ta đánh liều qua thăm. Băng Tâm thấy dạng Trường Khanh thì lật đật bỏ đi ra nhà sau. Trường Khanh đứng tại cửa buồng dòm vô, thấy Bạch Tuyết nằm nhắm mắt, anh ta tưởng cô ngủ nên lén bước ra ngoài, đứng bợ ngợ không biết làm sao mà hỏi thăm. Băng Tâm tuy ghét Trường Khanh, song thương Bạch Tuyết, nên ngồi suy nghĩ một hồi rồi bước ra chào Trường Khanh. Trường Khanh được tiếng cô chào thì thơ thới trong lòng, liền hỏi thăm lăng xăng.

Băng Tâm mới nói với Trường Khanh rằng Bạch Tuyết vì nhớ chồng mà sanh bịnh, nếu chồng về thì chắc cô mạnh liền. Băng Tâm cậy Trường Khanh viết thơ cho ông Khiếu Nhàn ở Cà Mau mà hỏi thăm coi Chí Ðại về hay chưa. Cô lại căn dặn nếu viết thơ thì đừng nói tên Bạch Tuyết, xin trả lời đề tên Trường Khanh, và hễ viết thơ rồi có ai đến hỏi thăm Bạch Tuyết thì đừng chỉ.

Trường Khanh không hiểu Băng Tâm có cớ gì riêng mà căn dặn mấy điều ấy, song anh ta được nói chuyện với Băng Tâm thì mừng rỡ, không thèm hỏi chi hết, lật đật chạy về viết thơ rồi đem qua đọc nho nhỏ cho Băng Tâm nghe. Băng Tâm chịu rồi Trường Khanh liền kêu xe kéo chạy riết lên nhà thơ[15] mua cò[16] mà gởi.

Tình thương cháu như tình ông Khiếu Nhàn thiệt ít có!

Bạch Tuyết làm nhọc ông đã nhiều mà ông không trách chi hết. Bạch Tuyết trốn ông đi lần nầy, ông tuốt theo mà kiếm nữa. Ông lên Sài Gòn hỏi thăm ông Nhiêu Tâm với lon ton Thiệt, thì họ nói không thấy, ông đi bơ vơ ít ngày tìm không ra mối, túng thế ông phải trở về.

Vì ông buồn rầu lại thêm lo sợ, nên sanh bịnh rồi không đi kiếm nữa.

Bữa nọ ông còn đau mà tiếp được thơ của Trường Khanh hỏi thăm Chí Ðại, ông nghĩ hoài mà không biết Trường Khanh là ai. Ông nghi Bạch Tuyết cậy người hỏi thăm giùm, nên muốn lên kiếm hỏi cho ra mối đặng đem cháu về, ngặt vì trong mình ông còn bịnh, không thể đi xa được nữa, nên phải trả lời cho Trường Khanh rằng Chí Ðại chưa về và luôn dịp hỏi thăm coi có biết vợ Chí Ðại ở đâu hay không. Trường Khanh tiếp được thơ liền đem qua đọc cho Băng Tâm nghe. Băng Tâm nghe Chí Ðại chưa về thì chắc lưỡi lắc đầu rồi dặn Trường Khanh đừng trả lời về khoản của Khiếu Nhàn hỏi.

Hai người thấy Bạch Tuyết nằm thiêm thiếp, tưởng cô ngủ, nên đọc thơ thong thả, chẳng đè Bạch Tuyết nằm lóng tai nghe hết, hay chồng chưa về trong lòng càng lo sợ, càng buồn rầu, càng thương nhớ nên bịnh đã không giảm mà coi mòi nặng thêm.

Băng Tâm cứ ràng một bên mà săn sóc, còn Trường Khanh thì kiếm thầy đổi thuốc, chạy không hở chơn.

Nhờ có Bạch Tuyết đau, nên hai người mới gần nhau. Mà tuy gần gũi hằng ngày, song Băng Tâm cứ nghiêm nghị hoài, còn Trường Khanh nói chuyện lo thuốc men cho Bạch Tuyết mà thôi, chớ không hề dám tỏ lời chi khác.

Bữa nọ, lối ba giờ chiều, Băng Tâm đỡ Bạch Tuyết mà dắt ra ván ngoài nằm, cho khoảng khoát, đặng thầy thuốc coi mạch. Thầy coi mạch rồi đương ngồi viết toa, còn Băng Tâm với Trường Khanh thì đứng xớ rớ chung quanh đó. Có một người đàn bà trạc chừng ba mươi tuổi, ăn mặc tử tế, đi ngang qua nhà Bạch Tuyết, đứng dòm một hồi rồi bước vô sát cửa mà hỏi Trường Khanh rằng:

-          Thầy ở đây, vậy chớ thầy có biết con Bạch Tuyết ở Cà Mau lên trên nầy mà nó ở căn nào đâu thầy há?

Trường Khanh chưng hửng, không biết có nên trả lời hay không, nên day lại ngó Băng Tâm, Băng Tâm rước[17] mà nói với người đàn bà ấy rằng:

-          Không biết... Mà cô có bà con với người đó hay sao mà kiếm?

Người đàn bà ấy chưa kịp trả lời, Bạch Tuyết day mặt qua coi ai hỏi mình; người đàn bà ấy ngó thấy vùng la:

-          Ủa con !

Rồi chạy đại vô nắm tay Bạch Tuyết và khóc và nói tiếp rằng:

-          Con đi đâu làm cho dì kiếm dữ quá vậy con? Con ông nầy ông kia, giàu sang tột bực mà không chịu ở nhà, bỏ đi làm chi đến nỗi đau ốm cực khổ như vầy không biết! Cha con ở nhà rầu rĩ, ăn ngủ không được, ông ngoại con cũng khóc hoài, vậy con phải về với dì.

Bạch Tuyết trở mình day vô vách, không nói chi hết. Ông thầy thuốc, Trường Khanh với Băng Tâm không hiểu vì cớ nào mà người đàn bà ấy tỏ lời yêu mến như vậy mà Bạch Tuyết lại làm lơ nên nhìn nhau lơ láo.

Ông thầy thuốc từ giã mà về, dặn Băng Tâm cho uống một thang rồi mai ông sẽ tuần mạch lại. Trường Khanh đưa thầy thuốc ra khỏi cửa rồi lôi vô kéo ghế mà ngồi. Người đàn bà ấy cũng ngồi trên ván dựa nên Bạch Tuyết, rồi ngó Trường Khanh với Băng Tâm mà nói rằng:

-          Bà con không biết, chớ con tôi đây là con riêng của quan phủ ở nhà. Tuy tôi là mẹ ghẻ mặc dầu, song tôi nuôi nó từ nhỏ đến lớn nên tôi thương nó còn hơn con ruột của tôi nữa. Cha nó muốn gả nó lấy chồng tử tế mà nó không chịu, cha nó giận la rầy, nên nó bỏ nhà mà đi, chớ mẹ con tôi ở với nhau như bát nước đầy, có giận nhau chi đâu.

Người đàn bà ấy nói tới đó rồi khóc nữa, và day lại vỗ về khuyên lơn Bạch Tuyết về Cà Mau. Bạch Tuyết cứ nói có mấy tiếng nầy:

-          Dì về đi, tôi không có thể nào về Cà Mau được đâu.

            Người đàn bà ấy năn nỉ hết sức không được, mới đứng dậy đội khăn, nói với Băng Tâm và Trường Khanh để đi ra chợ mua đồ một chút rồi tối sẽ trở vô.

            Người nầy thiệt là kế mẫu của Bạch Tuyết.

            Vì ông Bạch Khiếu Nhàn tiếp được thơ của Trường Khanh, ông muốn đi kiếm Bạch Tuyết mà vì có bịnh đi không được, ông tức tưởi thở than hoài nên tôi tớ trong nhà hay Bạch Tuyết ở Sài Gòn trong đường hẻm Mạc Mầu, rồi qua chơi bên Phủ, xầm xì nói chuyện lại với mấy tên lính.

            Bà Phủ hay việc ấy, bà mới nghĩ thầm rằng Khiếu Nhàn đau hoài sợ nay mai ông chết. Gia tài của ông thì lớn, nếu ông chết mà Bạch Tuyết còn sống, vợ chồng nó hưởng hết gia tài còn gì. Bà nghĩ như yậy nên mới nói dối với chồng đi Bạc Liêu, đặng bà đi tìm Bạch Tuyết.

            Bà Phủ từ giã Băng Tâm với Trường Khanh ra đi rồi thì Bạch Tuyết dây lại khóc và nói:

-          Thầy với con hai đừng có tin, dì tôi có ý gì đó nên mới tìm đến đây chớ không phải thương gì tôi đâu. Con hai có sắc thuốc, hay nấu cơm hoặc nấu nước phải có ý cho lắm nghe hôn em.

Băng Tâm gật đầu nói rằng:

-          Em hiểu rồi chị để đó mặc em.

            Còn Trường Khanh không hiểu chi hết, nên đứng xớ rớ, ngó giáo giác, mà trong bụng đã sanh nghi rồi.

            Ðêm hôm ấy gần tám giờ, bà Phủ mới trở lại. Trường Khanh nằm êm bên nhà, ngó thấy bà Phủ lại, anh ta cũng men men đi qua. Bà Phủ ngủ ở tại nhà Bạch Tuyết, cứ theo năn nĩ biểu về hoài, mà Bạch Tuyết không chịu nghe lời, nên sáng bữa sau bà khóc nghe rất thảm thiết và để lại ba mươi đồng bạc cho Bạch Tuyết uống thuốc rồi bà ra xe lửa mà về.

Bà Phủ về rồi, Bạch Tuyết cậy Trường Khanh kiếm mướn giùm một căn phố đặng có dời đi chỗ khác. Trường Khanh sẵn lòng đi kiếm phố giùm, nhưng vì anh ta muốn kiếm mướn cho được hai căn gần nhau đặng anh ta dọn về ở gần, mà đi đến đâu cũng thấy trống có một căn, còn mấy chủ ở gần thì chịu tiền cho họ mà họ cũng không chịu dọn đi chỗ khác cho mình ở, bởi vậy anh ta đi luôn đến chín mười bữa, mà đi không về rồi, không mướn được chỗ nào khác. Còn bà Phủ về đến nhà rồi, tối lại nằm làm thuốc cho chồng hút, bà to nhỏ nói rằng:

-          Bữa hôm tôi nói với ông tôi lên Bạc Liêu mua đồ, mà lên đến đó cô Huyện cổ rủ quá, tôi phải theo cổ lên Sài Gòn chơi, nên về trể. Mà đi chơi chớ cũng là may! Tôi đi bậy mà lại gặp con Bạch Tuyết! Cha chả! Nó đau nhiều quá, mà nó nghèo khổ không có tiền uống thuốc. Tôi thấy vậy tôi động lòng, nên biểu nó đi theo mà về, nó nói sợ ông rầy, nó không dám về. Tôi không biết làm sao, túng thế phải để ít chục đồng bạc cho nó uống thuốc. Thiệt, con nó hư tôi giận nó lắm mà lên trển tôi thấy nó như vậy thiệt là tội nghiệp nên hổm nay tôi về dọc đường hễ tôi nhớ tới nó thì tôi ứa nước mắt. Ông nghĩ lại mà coi, bát bể đánh con nào đành. Con nó có dại thì mấy năm nay nó cực khổ như vậy cũng đủ rồi, không lẽ mình giận hoài, mà bỏ con chết hay sao. Mình thì giàu sang, còn con mình thì mình bỏ nó nghèo cực, đau không có tiền uống thuốc, thiên hạ họ thấy như vậy có lẽ họ cũng cười mình chớ. Phận tôi là mẹ ghẻ, chắc sao họ cũng nói tại tôi. Nếu ông bỏ nó thì tôi mang tiếng hơn hết. Vậy ông xin phép nghỉ ít ngày, lên đem nó về mà nuôi, đặng thiên hạ khỏi nói tôi độc hiểm.

Quan Phủ nghe lời vợ bèn xin nghỉ nửa tháng. Vợ chồng dắt nhau lên Sài Gòn kiếm Bạch Tuyết mà đem về.

Bữa nọ Trường Khanh đi lên Ðất Hộ kiếm phố không được, chừng trở về thì thấy Bạch Tuyết đương ngồi ăn cháo, anh ta mới ghé lại hỏi thăm. Hai người nói chuyện chưa được mấy tiếng thì bà Phủ bước vô, sau lưng lại có quan Phủ đi theo nữa.

Bạch Tuyết thấy Cha thì kinh hãi buông cái muỗng rớt bể hai, té xỉu nằm ngay dựa bên mâm cháo. Trường Khanh la lên một tiếng lớn. Băng Tâm ở nhà sau lật đật chay ra thấy Bạch Tuyết như vậy thì ôm mà khóc. Bà Phủ cũng lật đật leo lên ván mà đỡ Bạch Tuyết và khóc om sòm, quan Phủ hối đi lấy lửa mà đem ra hơ. Trường Khanh lính quýnh, nên chạy riết xuống bếp rinh luôn lò lửa đem lên. Băng Tâm với bà Phủ áp hơ chừng năm phút đồng hồ.            Bạch Tuyết mở mắt ra rồi nói nho nhỏ rằng:

-          Tôi không về đâu! Thà có chết thì ở đây cũng được.

Quan Phủ ngồi thở ra mà nói rằng:

-          Con phải về đặng cha lo thuốc men cho con chớ. Ở đây sao đặng. Cha đã lên rước con thì con còn ngại nỗi gì.

Quan Phủ nói mà ứa nước mắt. Bạch Tuyết cũng khóc, nước mắt tuôn dầm dề. Tuy Bạch Tuyết tỉnh mặc dầu, song cô còn mệt lắm nên không nói nhiều được.      

Ðêm ấy, bà Phủ ngồi ràng một bên mà săn sóc, quan Phủ biểu bà hết sức mà bà không chịu đi nghỉ. Băng Tâm cũng ngồi dựa bên Bạch Tuyết sáng đêm, còn Trường Khanh tuy về nhà mà trong lòng lo lắng quá nên ngủ không được.

Sáng ngày, quan Phủ đi mướn đò dọc mà chở Bạch Tuyết về Cà Mau. Bà Phủ ý muốn đi tàu, song nghe quan Phủ nói con đau nhiều quá đi tàu gió máy không tốt, nên bà không đám cãi. Lối chín giờ, quan Phủ đi mướn đò, còn bà Phủ đi chợ mua đồ chút đỉnh đem theo ăn dọc đường.

Trường Khanh đi ra nhà thuốc mua dầu nhãn mới về, nên đem qua cho Bạch Tuyết ngửi. Bạch Tuyết ngửi dầu thì trong người khỏe khoắn, ngó quanh quất thấy có một mình Băng Tâm với Trường Khanh mà thôi, bèn nói rằng:

-          Cha của chị lên mà rước chị đó là tại mưu của mẹ ghẻ chị bày. Mẹ ghẻ chị muốn giết chị như bả giết mẹ chị ngày trước, nên bả mới tính như vậy, chớ không phải thương yêu gì đâu. Nếu hai em có lòng muốn cứu giùm tánh mạng chị, thì xin dời chị đi nhà khác cho mau.

Băng Tâm vốn đã có nghe Bạch Tuyết thuật sơ chuyện mẹ ghẻ thuốc mẹ ruột hồi trước, nay cô nghe nói mấy lời thì cô biến sắc. Còn Trường Khanh tuy không hiểu chi hết, song bụng muốn làm ơn cho Bạch Tuyết, nên bước lại gần nói rằng:

-          Bây giờ gấp quá, biết dời đi đâu. Vậy để em dọn mùng chiếu rồi đem chị qua nhà em, đặng tránh quan Phủ được hôn?

Bạch Tuyết gặc dầu, Trường Khanh lật đật về nhà biểu đứa ở dọn giường. Anh ta vừa mới trở qua đặng dắt Bạch Tuyết đem về thì quan Phủ đi mướn đò rồi, ngài trở vô ngồi chim bỉm trên ghế làm cho Trường Khanh và Băng Tâm nhìn nhau rồi lắc đầu không dời Bạch Tuyết đi được.

Chừng nửa giờ sau, bà Phủ trở vô; nghe quan Phủ nói mướn đò rồi, bà liền kêu xe kéo lại đem Bạch Tuyết xuống đò. Băng Tâm đau đớn trong lòng chịu không được, nên cúi đầu lạy quan Phũ mà nói rằng:

-          Thưa ông, chị tôi đau nhiều quá, nếu ông đem về tôi sợ chị tôi chết dọc đường. Vậy xin ông chờ tới ngày chị tôi uống thuốc mạnh rồi ông sẽ đem về, nghĩ chẳng muộn gì.

Quan Phủ châu mày mà đáp rằng:

-          Tôi có rảnh rang chi đâu nên ở đây mà chờ cho được. Con của tôi lẽ nào tôi không thương hay sao, cần gì cô phải lo.

Trường Khanh đã không ưa quan Phủ mà nghe ngài nói tiếng xẵng[18] với Băng Tâm càng thêm giận, nên nói rằng:

-          Thưa ông, người ta sao lại không biết thương con! Nhưng ông thương chị tôi đây, ông lại quyết giết chị tôi chết cho mau, thế thì cái thương đó hại hơn là cái ghét nữa.

Quan Phủ liếc ngó Trường Khanh mà không thèm trả lời. Ông vùng đứng dậy biểu bà Phủ cậy Băng Tâm phụ đỡ Bạch Tuyết đem ra xe. Băng Tâm do dự rồi ngó Trường Khanh dường như muốn hỏi, kế Trường Khanh hội ý, bèn nói rằng:

-          Thôi cô hai đỡ giùm chị mà đi ra xe đi, mình nói hết sức mà ông không nghe, biết liệu làm sao bây giờ. Nầy, mà cô ở nhà cũng chẳng có việc chi, vậy cô làm ơn theo đò đưa chị xuống Cà Mau rồi sẽ về.

-          Băng Tâm hiểu ý, liền thưa với quan phủ rằng:

-          Thưa ông, tuy tôi không có bà con chi với chị tôi đây song chị em ở chung với nhau đã lâu, nên thương yêu nhau chẳng khác gì ruột thịt. Nay ông đem chị tôi về, mà chị tôi bịnh nhiều quá, thiệt tôi lo sợ không nỡ lìa chị tôi. Vậy tôi lạy ông xin cho phép tôi theo săn sóc chị tôi chừng nào chị tôi mạnh tôi trở về.

            Băng Tâm và nói và khóc. Trường Khanh vừa ý nên gật đầu lia lịa. Bà Phủ không muốn cho Băng Tâm đi theo. May nhờ quan Phủ nghe lời trung hậu, động lòng ngài cho theo, nên Băng Tâm mới gói áo quần đi với Bạch Tuyết được.

 

[1] yếu đuối như cây liễu, cây bồ

[2] (pont): sàn tàu từng trên

[3] quản lý. Theo Lê Ngọc Trụ, „từng khạo“ là âm Hoa ngữ của từ ngữ  đồng khảo, là người thay mặt chủ điền trông nom giùm những thửa ruộng của chủ, không có lương. Giải thích này không đúng với thực tế và với ý nghĩa trong truyện. Trong thực tế, từng khạo là cai tàu, cai thợ.

[4] ưa kể chuyện người khác

[5] ngắn

[6] lúc nầy, độ nầy

[7] đi tới đi lui

[8] môn đăng hộ đối: tương xứng danh vọng, tiền của

[9] Nhín nhút, tiện tặn

[10] lễ cách mång Pháp (ngày 14.7.1789), theo Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Sơn Nam. 

[11] mãi tấn hay mãi tiến (買進) đọc theo âm Triều Châu thành mái chíng, sau khi Việt hóa viết thành mái chín, nghĩa tương đương với mãi biện (買辨) đọc theo giọng Quảng Đông thành mại pál, sau khi Việt hóa viết thành mại bản: Người quản lý mua bán hàng hóa, người môi giới buôn bán, người quản lý việc chở hàng, chở khách trên tàu thủy. 

[12] vẻ mặt hờn giận

[13] (bâton): gậy

[14] lượm, tom góp

[15] bưu điện

[16] tem thơ

[17] cướp lời

[18] nói nặng, nói thẳng