Ai làm được

Chương bốn

Ông Bạch Khiếu Nhàn đi Huế ở chơi gần bốn tháng. Khi về tới nhà ông liền hỏi gia dịch vậy chớ lúc ông vắng mặt ở nhà có việc chi lạ hay không. Chú Phú đương ôm hành lý của ông đem vô buồng, nghe ông hỏi như vậy thì đáp rằng:

-          Ông đi được hơn một tháng cô hai ở nhà trốn đi đâu mất.

-          Cô hai nào?

-          Bẩm ông, cô hai là cô quan Phủ ở bển.

-          Úy! Cha chả! Nó trốn đi đâu?

-          Dạ con không biết. Quan Phủ có sai người đi kiếm trên Bạc Liêu, mà kiếm không được.

-          Nó đi với ai?

-          Bẩm cổ đi một mình.

Khiếu Nhàn ngồi sảng sốt, mồ hôi nhỏ giọt, tay cầm cây quạt mà quạt, râu bay phất phơ. Chú Phú nói tiếp rằng:

-          Bẩm ông, thầy ký Ðại cũng thôi làm việc với quan Phủ rồi. Thầy về có viết phong thơ để lại cho ông đây.

-          Thầy thôi làm việc đi về hồi nào?

-          Dạ, thầy thôi mà về, rồi cách ít bữa cô hai đi.

-          Thơ đâu đưa coi.

            Chú Phú lật đật lại bàn thờ lấy phong thơ của Chí Ðại mà đưa cho Khiếu Nhàn. Ông thấy phong thơ đã xé niêm rồi liềm hỏi rằng:

-          Ai xé niêm đây?

-          Bẩm. Cô hai qua cô xé cô xem rồi biểu tôi cất lại ông về trao lại cho ông.

-          Nó có nói việc chi hay không?

-          Dạ, không.

-          Mầy nói con Bạch Tuyết trốn đi, mà nó xé thơ coi hồi nào?

-          Bẩm cô coi thơ rồi khuya lại cô mới đi.

Khiếu Nhàn dỡ thơ ra đọc đi đọc lại hai ba lần, rồi ngồi suy nghĩ. Ông đã nghi cho Chí Ðại với Bạch Tuyết có tư tình với nhau nên dắt nhau mà trốn, chừng ông đọc thơ thấy có câu “Sợ là phận cháu khờ dại e sơ sẩy làm việc không xứng ý bác” thì ông càng nghi hơn. Ông lại bàn viết thấy có một miếng giấy đút dưới cuốn sách. Ông rút ra coi thì có ba chữ „Ông ngoại ôi“, tuồng chữ quả là chữ của Bạch Tuyết viết, song không thấy chữ chi nữa, ông lấy làm lạ, mới xếp bỏ chung vô bao thơ của Chí Ðại rồi mở tủ cất hết. Khiếu Nhàn thay áo rồi đi riết qua Phủ hỏi thăm chuyện Bạch Tuyết.

Quan Phủ nói có lệnh quan trên đuổi Chí Ðại đi được vài ngày, rồi Bạch Tuyết tom góp quần áo vàng bạc mà đi, ông có sai người lên Bạc Liêu tìm kiếm mà không gặp. Bạch Tuyết đi được ba bữa rồi có gởi một hộp vàng và kiềng về trả, coi con dấu nhà dây thép thì gởi tại Bạc Liêu.

Quan Phủ thuật tới đó rồi ngồi thở dài mà nói rằng:

-          Thứ đồ hư quá; theo trai làm xấu ông bà cha mẹ, tôi giận không thèm sai đi kiếm nữa. Nó chết đi nữa, tôi cũng không tiếc một chút.

Khiếu Nhàn ngồi buồn nghiến, chừng quan Phủ nói rồi, ông mới hỏi rằng:

-          Sao không sai người lên làng Chí Ðại ở đó mà hỏi thăm thử nó có theo lên đó hay không?

-          Tôi biết Chí Ðại ở xứ nào đâu mà sai đi.

Khiếu Nhàn từ giã quan Phủ mà về.

Tối lại ông già Sen xin phép quan Phủ qua thăm Khiếu Nhàn, ông mới thuật lại mọi việc tại nhà lại cho ông Khiếu Nhàn nghe. Khiếu Nhàn giận vợ chồng quan Phủ và nghĩ thương cháu ngoại hết sức.

Sáng buổi hôm sau ông bỏ ít trăm bạc vào lưng, quyết đi tìm Bạch Tuyết với Chí Ðại.

Ông đọc thơ Chí Ðại lại, nói về quê quán mà thăm mồ mả rồi sẽ kiếm chỗ làm ăn, chừng nào ở yên nơi chắc chỗ rồi sẽ viết thơ cho ông hay.

Từ ấy đến nay không có cái thơ nào nữa, có lẽ Chí Ðại còn ở Vũng Liêm.

Ông tuốt qua Vũng Liêm hỏi dọ lần lần, họ chỉ đến nhà ông phó xã Mang. Ông hỏi thăm có Chí Ðại về đó hay không? Phó xã Mang đi khỏi, vợ ở nhà tuy nhớ lời Chí Ðại dặn, song thấy ông Khiếu Nhàn diện mạo nhơn từ, y phục tử tế đem lòng tin ông, nên tỏ thiệt rằng cách đây ba tháng trước Chí Ðại có về ở chơi vài bữa lại có dắt vợ theo.

Khiếu Nhàn hỏi thăm hình dạng vợ Chí Ðại thì biết quả là cháu mình nên trong bụng mừng thầm, song ngồi lo không biết bây giờ chúng nó dắt nhau đi đâu mà kiếm. Ông cho con phó xã Mang vài đồng bạc rồi hỏi thăm coi có biết Chí Ðại bây giờ ở đâu không?

Vợ phó xã Mang thấy ông tử tế, bụng muốn chỉ dùm ngặt không biết ở đâu mà chỉ. Khiếu Nhàn đi thẳng lên Sài Gòn ở gần một tháng đi cùng khắp các nẻo đường mà không gặp.

Ông trở xuống Mỹ Tho ở chơi năm sáu bữa nữa, mà cũng không gặp được.

Tiền bạc đem theo ăn xài đã gần hết, túng thế ông phải trở về Cà Mau, tính nghỉ ít ngày rồi đi kiếm nữa. Nào ngờ ông về nhà rồi mang bịnh rét, uống thuốc hoài mà bịnh dây dưa không dứt, nên ông không đi được nữa.

Qua năm sau Khiếu Nhàn biết trong mình thiệt mạnh nên mới sắm sửa hành lý mà đi tìm. Chuyến nầy ông ghé hết mỗi tỉnh, chỗ thì ở mười bữa, chỗ thì ở nửa tháng, mà đến chỗ nào ông hỏi thăm cũng chưa ra mối, nên lần lần ông lên tới Sài Gòn. Ông nghĩ lần trước mình cứ đi mấy đường lớn hoài nên không gặp; vậy chuyến nầy sớm mai mình ra chợ, buổi chiều mình đi mấy đường chẹt, nẻo tắt hoặc may có gặp hay chăng.

Bữa nọ, lối 4 giờ chiều, Khiếu Nhàn lần bước lên Cầu Kiệu, dòm phía đầu cầu bên kia thấy có một dãy phố lá.

Ông qua cầu rồi thủng thẳng đi dài trước dãy phố ấy, mỗi căn ông mỗi dòm vô, đi tới căn thứ tư ông thấy có một người đàn bà đương ngồi tựa cửa mà may, song day lưng ra ngoài nên không thấy mặt. Ông coi người ấy y phục bần tiện mà bộ ngồi giống Bạch Tuyết nên ông đứng lại chờ day mặt qua đặng ông coi có phải hay không.          

Cách một hồi người đàn bà ấy đứng dậy ngó ra đường thấy Khiếu Nhàn vùng la lớn:

„Ủa, ông ngoại!”. Khiếu Nhàn cũng la lên: „Cháu“ rồi xốc xốc đi vô.

Người đàn bà ấy thiệt quả là Bạch Tuyết.

Mấy bữa rày Chí Ðại lành ngón chơn cái rồi, nên đi kéo xe kiếm tiền, trước mua gạo mà ăn, sau góp cho người ta. Bạch Tuyết bịnh đã giảm nhiều, nên lãnh một cái quần rán mà ngồi may mướn.

Khiếu Nhàn bước vô tới cửa, Bạch Tuyết ngồi bẹp xuống đất và khóc và lạy và nói rằng: „Xin ngoại tha lỗi cho cháu”. Khiếu Nhàn đứng ngó cháu mà khóc không nói tiếng chi được hết. Vợ lon ton Thiệt đang nấu cơm đàng sau nghe lộn xộn chạy ra hỏi thăm; chừng nghe nói ông cháu gặp nhau mới trải chiếu trên ván rồi mời Khiếu Nhàn ngồi.

Khiếu Nhàn nhìn Bạch Tuyết, thấy cháu mặc cái quần lãnh cũ có vá một miếng lớn tại đầu gối, cái áo vân đen càng cũ hơn nữa, tay mặt rách nên xé cụt tới cánh chỏ, còn vạt trước vạt sau mấy cái bông lủng hết nên có lỗ như đít rổ. Ông lại nhìn trong nhà không thấy có vật chi đáng, ông định chắc vợ chồng cháu nghèo lắm, nên ông càng đứt ruột nát gan. Ông chờ vợ lon ton Thiệt ra sau rồi ông mới hỏi rằng:

-          Cô ở nhà trong đó là ai vậy?

-          Thưa, chị đó là chủ nhà cháu ở đậu.

-          Té ra cháu ở đây là ở đậu, chớ không phải nhà cháu sao?

-          Dạ.

-          Còn Chí Ðại đi đâu?

            Bạch Tuyết nghe hỏi tới chồng thì đau đớn mà hổ thẹn nên day mặt vào vách ú ớ một hồi rồi thưa nho nhỏ rằng:

-          Ði làm tối mới...về...

Khiếu Nhàn hiểu ý cháu, nên nói rằng:

-          Cháu đừng ngại chi hết. Ông về đến nhà ông Sen có thuật rõ chuyện của cháu cho ông nghe rồi. Ông không giận cháu đâu mà sợ. Bởi vì ông thương Chí Ðại lắm, năm trước ông cũng có ý muốn gả cháu cho thầy, song ông sợ quan Phủ ngăn trở nên ông tính đi Huế về ông sẽ định liệu. Chẳng dè ở nhà vợ chồng quan Phủ mưu sự muốn làm bức cháu nên mới ra nông nỗi nầy. Việc dĩ lỡ rồi, mà cũng giống ý ông muốn, nên ông không buồn chi hết. Ông có trách vợ chồng cháu là trách sao từ khi ông về đến nay vợ chồng cháu không về ở với ông mà cũng không gởi thơ cho ông biết chỗ ở, để ông già cả mà phải lặn lội đi tìm khắp xứ, thiệt khổ cho thân ông quá.

Bạch Tuyết khóc mà đáp rằng:

-          Thưa ông, cháu thương nhớ ông, nhiều đêm cháu ngủ không được. Cháu cũng muốn về thăm ông, ngặt vì chồng cháu hổ thẹn không dám thấy mặt ông, cháu đã khuyên chồng cháu nhiều lần, bởi việc nầy là bởi cháu cậy thầy cứu cháu chớ thầy chẳng có ý bất nghĩa, nhưng mà thầy cố chấp lễ nghĩa quá, cháu khuyên không được. Nhiều khi vợ chồng nghèo cực quá, thầy muốn đưa cháu về ở với ông cho sung sướng tấm thân đặng thầy rảnh rang mà đi kiếm phương làm ăn. Cháu thấy chồng nghèo không nỡ phân ly, nên cháu không chịu, tại như vậy mà gần hai năm nay vợ chồng cháu không về, mà cũng không gởi thơ cho ông, vậy xin ông nghĩ tình mà tha lỗi cho vợ chồng cháu.

Khiếu Nhàn biết Chí Ðại vì liêm sỉ, còn Bạch Tuyết thì vì thương chồng, nên mới bị ông trách, bởi vậy ông cười mà nói rằng:

-          Cháu nói bao nhiêu đó ông đủ hiểu rồi. Thôi, nay gặp được nhau thì vui, vậy cháu đừng khóc nữa, chồng cháu đi làm mấy giờ mới về?

-          Thưa, chừng bảy giờ.

-          Cháu lấy tiền đi mua đồ nấu cơm tối rồi ông trở lại ông ăn. Thẳng nó có về sớm, cháu biểu nó ở nhà mà chờ ông, chừng sáu giờ rưỡi ông trở lên.

            Khiếu Nhàn đưa cho Bạch Tuyết mười đồng bạc, rồi kêu xe kéo mà đi. Chừng lối sáu giờ rưỡi, thiệt quả ông trở lại, có chở một gói áo quần lùm sùm. Ổng để gói lên ván rồi mở ra lấy đưa cho Bạch Tuyết một cây lãnh đen với hai xấp xuyến đen mà nói rằng:

-          Cháu lấy hàng đây mà may áo quần vợ chồng bận cho lành lẽ; nghèo khổ rách rưới tội nghiệp quá!

Bạch Tuyết ôm hàng để bên cái chõng mình nằm, lấy mền đắp lại rồi đi ra nhà sau nấu cơm.

Khiếu Nhàn nằm trên ván mà nghỉ, chừng nửa giờ đồng hồ, bỗng nghe ngoài đường có tiếng chệc như vầy: “'T...m...nị là đồ ăn cướp người ta. Lấy gạo của người ta tem (đem) về ăn hôm nay sao không chịu giã gạo cho người ta, tiểu na má (tiếng chưởi tục), nị là ăn cướp mà. Mai nị phải lại, hông lại ngộ kéo tầu (đầu) a, nói cho mà piết (biết)”.

Lại có nghe tiếng trả lời nho nhỏ, rồi lại có tiếng đàn bà la lớn rằng: “Cậu, cậu đã lành mạnh, đi kéo xe hai bữa rày, sao cậu chưa đem tiền mà góp cho tôi, cậu chờ tôi lôi lưng cậu phải hôn! Bữa nay đi xe được bao nhiêu đâu, góp liền bây giờ đi, không được hẹn mai hẹn mốt gì nữa hết.”

Khiếu Nhàn bước ra, ngó thấy Chí Ðại mặc quần bố xám, quần cụt tới đầu gối, đứng trân trân, một người chệc đang xĩ xô trong mặt, còn một người đàn bà đang lật lưng lấy tiền, ông lấy làm khó chịu hết sức, liền hỏi thiếu nợ bao nhiêu ông trả cho.

Chí Ðại ngó thấy ông, mặt mày tái mét, đứng trân trân, hai hàng nước mắt nhỏ giọt, không nói tiếng chi được hết.

Khiếu Nhàn hỏi thiếu tiền gạo bao nhiêu, người chệc nói một đồng, ông lấy bạc trả liền. Ông hỏi người đàn bà coi thiếu bao nhiêu tiền, người ấy nói thiếu mười lăm ngày tiền, mỗi ngày năm cắc. Ông đưa bảy đồng rưỡi bạc cho người đàn bà ấy rồi nắm tay Chí Ðại dắt vô nhà. Chí Ðại mặt mày sượng sùng, nên cứ đi theo như con nít, không nói một lời nào hết.

Vô tới nhà rồi, Khiếu Nhàn nói rằng:

-          Ông không dè vợ chồng cháu nghèo đến nước nầy!

Chừng ấy Chí Ðại mới tỉnh lại, liền lạy ông và khóc và nói rằng:

-           Cháu lỗi với ông nhiều quá, xin ông thứ tha.

Khiếu Nhàn đỡ dậy mà nói rằng:

-          Cháu đùm Bạch Tuyết, nó mới khỏi sa tay vào kẻ thù, vậy ông mang ơn cháu, chớ cháu có lỗi chi đâu.

-          Thưa ông, dầu ông thương cháu, ông tha lỗi cho cháu đi nữa, cháu cũng hổ thầm hoài, bởi vì cháu thọ ơn ông, cháu chưa trả được mà cháu lại làm phạm đến danh giá nhà ông nữa thì cháu còn mặt mũi nào dám ngó thấy ông. Ông nói cháu cứu vợ cháu, thưa ông, cháu nghe lời ấy cháu càng thẹn thùng thêm nữa. Chớ chi cháu là đấng trượng phu quân tử thì gặp lúc vợ cháu hoạn nạn như vậy cháu phải tận tâm bảo hộ nó hoặc phải liệu thế nào mà chống cự với kẻ nghịch, hoặc phải kiếm chỗ tử tế gởi nó ở rồi nuôi dưỡng nó, chờ ông về mà giao lại cho ông. Cháu lại không biết bền chí kiên tâm coi nghĩa nhẹ hơn tình, làm cho vợ cháu khi mới ra đi thì chịu tiếng oan mà thành tiếng hư thiệt, dường ấy thì cháu là đứa thất phu bất nghĩa, thế nào mà không hổ thẹn được.

-          Dầu cháu không nói cho hết lời, ông cũng đã hiểu rồi. Việc nầy tại Trời khiến như vậy chớ không phải tại ai hết mà nếu muốn bắt lỗi ra thì một đứa một chút, chớ không phải lỗi một mình cháu.

Bạch Tuyết ở sau lắng nghe đủ mọi lời, chừng nghe tới đó liền bước ra mà nói rằng:

-          Thưa ông, lỗi nầy tại cháu, chớ không phải tại ai hết, bởi vì lúc cháu trốn ra đi cháu đã mang tiếng lấy Chí Ðại rồi, bởi vậy cháu thầm nguyện kết tóc trăm năm với ảnh mà thôi, chớ không lẽ thác thân với người nào khác nữa được. Ðã vậy mà cháu lại hiểu ông muốn gả cháu cho ảnh nữa, nên lên tới Bạc Liêu, cháu tỏ thiệt không ái ngại chi hết.

Khiếu Nhàn cười và nói rằng:

-          Thôi, bỏ chuyện cũ đi, chẳng cần phải giành lỗi với nhau làm gì, ông đói bụng rồi. Vậy nếu cháu nấu cơm rồi thì dọn ra đây mà cho ông ăn với.

Bạch Tuyết đi dọn cơm, còn Chí Ðại đi thay đổi áo quần. Anh lon ton Thiệt về nghe Khiếu Nhàn là ông ngoại của Bạch Tuyết thì anh ta niềm nỡ vô cùng. Ðêm ấy Bạch Tuyết thuật hết mọi việc lao khổ của Chí Ðại cho Khiếu Nhàn nghe rồi nói rằng:

-          Thưa ông, vợ chồng cháu phối hiệp đã gần hai năm rồi mà chưa có hôn thơ hôn thú được. Nay sẵn có ông đây cháu xin ông bằng lòng cho vợ chồng cháu ra Xã Tây mà làm hôn thú cho rồi.

Khiếu Nhàn cười mà đáp rằng:

-          Bây giờ đã thành hôn rồi còn xin phép tắc gì nữa. Mà thôi, để mai rồi ông sẽ tính việc đó cho.

Sáng mai Khiếu Nhàn bảo Chí Ðại ở nhà nói chuyện chơi cho vui và lén đưa cho Bạch Tuyết năm mươi đồng bạc đặng đi chợ mua ăn hoặc muốn sắm vật chi tự ý.

Ông nghe nói ở dãy phố đó có ông Nhiêu Tâm, thuở nay hốt thuốc cho Bạch Tuyết uống, ông mới lại làm quen chơi, rồi cậy đứng chủ hôn giùm cho Chí Ðại, còn ông thì đứng chủ hôn cho Bạch Tuyết, đặng có làm hôn thú cho cháu.

Ông Nhiêu Tâm vẫn đã có lòng thương Chí Ðại, nên nghe cậy thì ông chịu liền. Ðợi ít ngày may áo quần cho vợ chồng Chí Ðại xong rồi, mới dắt nhau xuống trước mặt Xã Tây xin làm hôn thú đủ phép.

Làm hôn thú xong rồi, ông cháu trở về nhà. Khiếu Nhàn với Bạch Tuyết vừa lòng phỉ nguyện nên vui vẻ vô cùng.

Chí Ðại tuy cũng vui, song nếu dòm mặt cho kỹ thì thấy anh ta có sắc lo.

Tối lại Khiếu Nhàn nói với Chí Ðại rằng:

-          Sự nghiệp cũa ông tính hết cũng được mấy muôn đồng, mà cháu của ông bây giờ duy còn có một mình con Bạch Tuyết mà thôi. Ông biết cháu là người chí cao bụng tốt, bởi vậy từ ngày gặp cháu đến nay, ông yêu mến cháu cũng như cháu ruột của ông vậy. Nay ông gả Bạch Tuyết cho cháu được rồi, thì ông toại chí vui lòng, chẳng còn lo buồn chi nữa. Vậy ông tính đem hai cháu về ở với ông, trước hai cháu đỡ cực thân, sau ông có người hủ hỉ. Sự nghiệp của ông đó là sự nghiệp của hai cháu, vậy cháu phải về mà cai quản chớ ông già yếu rồi ông không coi sóc nữa được. Thôi hai cháu sửa soạn đồ đạc đặng bữa nào đi với ông.

Chí Ðại ngồi suy nghĩ một hồi lâu rồi thưa rằng:

-          Thưa ông, cháu là đứa nghèo hèn côi cút, ông đem lòng thương cháu, đã không chê cháu bất lương, bất nghĩa, mà lại còn tính làm cho cháu ấm áo no cơm, lẽ thì cháu phải vưng lời mau mau dắt vợ cháu về ở với ông, đặng lo giấc ngủ, bữa ăn mà đền bồi ơn trọng mới phải. Ngặt vì vợ cháu, nó vì đại nghĩa nên mới quyết trao thân gởi phận cho cháu, mà đại nghĩa ấy cháu chưa làm giùm cho vợ cháu được, trong lòng cháu vẫn ái ngại hoài, nên không vui mà tính chuyện chi khác được.

-          Việc đại nghĩa cháu nói đó là việc gì? Cháu nói rõ cho ông nghe thử coi.

-          Thưa ông, ngày vợ cháu lên gặp cháu tại Bạc Liêu đó, nó có thuật rõ sự bà Phủ tráo thuốc mà giết nhạc mẫu cháu đặng giựt chồng, rồi cậy cháu ra giúp sức nó mà trả thù báo oán. Cháu biết sức cháu là châu chấu không thể chống với xe nổi mà cháu không biết dằn lòng để nhượng cái trách nhiệm ấy cho người có thế lực họ gánh cho. Cháu kết duyên với vợ cháu, tức là phải lo báo thù giùm cho vợ cháu, mà hơn một năm nay cháu không lo chi hết, nên cháu hổ thẹn vô cùng.

Khiếu Nhàn nghe nói nửa chừng, liền day qua ngó thấy Bạch Tuyết đang ngồi khóc, ông mới hỏi rằng:

-          Chuyện tráo thuốc ai cho cháu biết mà cháu quyết chí báo thù.

-          Thưa ông Sen.

Khiếu Nhàn lắc đầu rồi ngó ra ngoài đường, rưng rưng nước mắt. Cách một hồi ông mới nói với Bạch Tuyết rằng:

-          Việc ấy xảy ra đã hơn 15 năm rồi, cháu còn nhắc lại làm chi! Bây giờ cháu tính báo thù, mà chừng báo thù được rồi mẹ cháu nó sống lại được hay sao?

Bạch Tuyết và khóc và nói rằng:

-          Vậy chớ kẻ sát nhơn ông đành để cho an hưởng phú quí hoài sao? Cháu đã nguyện nếu cháu không trả thù cho mẹ cháu được, thì cháu không chịu thấy mặt người ấy.

-          Chi vậy cháu! Ở đời làm lành thì gặp lành, làm dữ thì gặp dữ. Ðứa dữ thì để cho Trời hại nó, mình nuôi hờn kết oán làm chi.

-          Ông biểu để Trời soi xét, họ làm như vậy mà 15 năm nay có thấy Trời hại họ đâu.

-          Ðừng nói quấy không nên. Ông biểu cháu phải nghe lời. Hồi trước ông vừa nghe việc tráo thuốc thì ông cũng giận như cháu, ông muốn đi kiện cho quan trị tội đứa sát nhơn, song ông nghĩ dầu quan có phân thây xẻ thịt nó đi nữa, mẹ cháu cũng đã mất rồi, không thể nào sống lại được, nên ông mới bỏ qua. Thôi cháu nghe lời ông đừng thèm nhớ tới đi việc ấy nữa.

-          Không nhớ sao được!

-          Vậy chớ cháu thương má cháu mà hơn ông thương con hay sao? Ông biểu cháu, cháu phải nghe lời, đừng có trái ý ông.

Bạch Tuyết không dám trả lời, song ấm ức trong lòng nên ngồi khóc rấm rứt. Khiếu Nhàn muốn kiếm chuyện nói lãng nên day qua hỏi Chí Ðại rằng:

-          Sao? Cháu tính bữa nào đi về Cà Mau với ông?

-          Thưa ông, cháu tính khó đi lắm.

-          Sao vậy?

-          Bởi vì vợ chồng cháu thành hôn với nhau trái ý quan Phủ lắm, nếu nay mà vợ chồng cháu dắt nhau trở về Cà Mau thì coi như tuồng muốn chọc giận quan Phủ vậy. Ðã vậy mà phận cháu nghèo hèn, tuy ông thương cháu nên đem cháu về, mà cháu cũng vì muốn phục vụ ông nên mới về chớ chẳng có ý chi khác, song người ngoài không rõ đặng bụng cháu, họ dòm vô, chi cho khỏi họ nói ngày trước cháu thấy vợ cháu giàu sang, nên cháu rù quến đặng ăn của. Cháu không trả thù giùm cho vợ cháu được thì cháu hổ thẹn với vợ cháu rồi, nếu cháu còn phải hổ thẹn với thiên hạ nữa, thì cháu sống sao được. Thưa ông, như ông có lòng thương vợ chồng cháu, muốn cho cháu toàn danh tiết, và vợ cháu khỏi cực khổ tấm thân, thì xin ông làm ơn cho cháu gởi vợ cháu nương náu ít năm, chừng nào cháu làm nên thì vợ chồng cháu sẽ sum hiệp.

Bạch Tuyết châu mày mà thưa với ông rằng:

-          Thưa ông, cháu cũng biết phận gái mà bỏ nhà ra đi thì nhục nhã cho tông môn lắm, nhưng tại dì cháu xúi cha cháu quá, nên bất đắc dĩ cháu phải liều thân. Hơn một năm nay, hễ cháu nhớ đến ông ở nhà một mình vào ra hiu quạnh thì cháu đau lòng xót dạ chịu không đặng. Nay cháu thiệt muốn về mà hủ hỉ với ông nhưng mà có về thì về cho đủ vợ đủ chồng, chớ đạo vợ chồng phú tắc cộng lạc, bần tắc cộng ưu[1], lẽ nào cháu về vui hưởng thanh nhàn, còn để chồng cháu dày bừa gió bụi cho đành.

Khiếu Nhàn lắc đầu nói rằng:

-          Hai đứa bây, đứa nào nói nghe cũng phải hết. Có về thì về đủ vợ chồng, chớ kẻ bắc người nam sao được... Chớ chi gia tài ông một gánh một bưng, thì ông cũng túm mà đi ở với vợ chồng bây cho xong. Thôi, nếu vợ chồng cháu không chịu về thì để ông tính như vầy: “Gia tài của ông đó chính là gia tài của vợ chồng cháu. Vậy bây giờ cháu muốn năm bảy ngàn, hoặc bao nhiêu làm vốn buôn bán mà làm ăn thì cháu cứ nói đi, ông về ông lấy đem lên liền cho. Còn như ý cháu muốn làm thông ngôn ký lục thì cũng nói cho ông biết, dầu tốn hao bao nhiêu ông cũng rán lo cho cháu.

Chí Ðại đáp rằng:

-          Thưa ông, cháu mang ơn ông rất nhiều, mấy năm nay cháu làm buồn cho ông thì có trả ơn cho ông thì chưa. Ông thương cháu, ông nói chuyện nãy giờ đó, cháu cầm cũng bằng bạc muôn rồi. Vả lại phận cháu làm trai đủ tay đủ chơn như người. Nếu Trời Ðất định số cháu phải cực khổ trọn đời, mà ông cứu vớt cháu thì sợ nghịch ý trời đất. Vậy xin ông an dưỡng quí thể, đừng lo cho phận cháu mà nhọc lòng ông.

-          Khiếu Nhàn cười mà đáp rằng:

-          Cháu luận nghe còn sơ siển lắm. Chẳng phải ông không đủ lòng mà cãi với cháu, song ông biết cháu là đứa chí cao, tánh cứng nên không cãi làm chi. Ðã vậy mà sách có câu: „Quân tử ái nhơn dĩ đức, tiểu nhơn ái nhơn dĩ cô truất''[2]: bởi vậy ông không muốn ép cháu về Cà Mau, mà cũng không muốn ép cháu thọ tiền bạc nữa.

Chí Ðại ngồi ngẫm nghĩ một hồi rồi đáp rằng:

-          Thưa ông, nếu được như vậy thì cháu chịu.

Khiếu Nhàn mừng rỡ liền nói rằng:

-          Thôi, để thủng thẳng ông sẽ tính cho. Ông tính mai ông về thẳng nhà, vậy ông để lại cho vợ chồng cháu vài trăm đồng bạc mà xài, đợi ông trở lên rồi sẽ hay.

Chí Ðại nghe nói tới tiền bạc thì mắc cỡ ngồi cúi mặt lặng thinh. Khiếu Nhàn biết ý nên nói tiếp rằng:

-          Ông thấy vợ chồng cháu nghèo khổ quá, ông chịu không được. Ông bàn tính câu chuyện với cháu đây là lấy thiệt tình mà nói, chớ chẳng có ý khinh cháu đâu mà cháu ái ngại. Ông cũng biết trên đời nầy kẻ giàu gả con cháu cho người nghèo thì thường khi bạc chàng rể, nếu có thương thì bất quá cho tiền bạc chút đỉnh, chớ chẳng hề tính lập nghiệp hoặc giúp cho nó lên danh bao giờ. Còn người nghèo hễ cưới được vợ giàu thì trông cậy nhờ, có kẻ bụng xấu lại lại mong cho ông cha bên vợ mau chết mà ăn của. Ông đây bụng chẳng phải như bụng những kẻ giàu nọ, mà ông cũng biết bụng cháu chẳng phải như bụng mấy chú rể kia. Cháu với ông gần gũi trót một năm, há chẳng thấu lòng nhau hay sao mà còn nghi ngại?

Chí Ðại nghe lời tri kỷ thì cảm động, nên cúi lạy Khiếu Nhàn mà nói rằng:

-          Ông biết bụng cháu thật cháu cám ơn vô cùng. Ơn nầy biết ngày nào cháu đáp được và biết lấy chi mà đáp cho vừa. Như ông muốn để tiền bạc lại, thì cháu xin lấy hai mươi bốn đồng đặng cậy ông Nhiêu Tâm làm một tễ thuốc[3] cho vợ cháu uống mà thôi. Lúc nầy cháu nghèo, mà ông Nhiêu Tâm nói bịnh vợ cháu phải uống một tễ thuốc nữa mới thiệt mạnh. Vậy xin ông cho bao nhiêu đó, còn tiền ăn xài để mặc cháu lo chạy, có nhiều xài nhiều, có ít xài ít chẳng hại chi.

            Khiếu Nhàn lắc đầu, miệng chúm chím cười và lấy hai mươi bốn đồng bạc đưa cho Chí Ðại.

            Sáng bữa sau, Khiếu Nhàn về Cà Mau. Vợ chồng Chí Ðại đưa ông xuống ga xe lửa. Khi tới ga, Chí Ðại lo mua giấy, còn Khiếu Nhàn với Bạch Tuyết lên xe ngồi trước.

Ông đưa cho Bạch Tuyết ba trăm đồng bạc, dặn để dành mà xây dựng, đừng cho Chí Ðại hay. Bạch Tuyết sợ trái ý chồng nên dục dặc, ông ép riết mới chịu lấy.

Khi xe lửa sửa soạn chạy, Khiếu Nhàn kêu vói Chí Ðại mà dặn phải ở chỗ đó chờ ông, đặng chừng ông lên ông kiếm cho dễ.

Xe lửa chạy rồi, vợ chồng Chí Ðại thủng thẳng dắt nhau trở về.

Ði dọc đường, Chí Ðại tính nghỉ thêm một bữa đó nữa rồi sẽ đi kéo xe. Bạch Tuyết tỏ dấu buồn bực, không muốn cho chồng làm nghề ấy nữa, Chí Ðại sợ đói nên không nghe lời, túng thế Bạch Tuyết phải nói thiệt sự ông có để lại ba trăm đồng bạc. Chí Ðại châu mày mà trách vợ sao không biết trọng danh giá cho chồng. Bạch Tuyết năn nỉ nói rằng: „Xin anh đừng phiền. Hồi nãy thiệt em không muốn lấy bạc, vì em cũng biết làm như vậy thì hổ bụng anh. Ngặt em, thấy thân anh cực khổ em thương quá, nên bất đắc dĩ em phải lấy mà xây xài đỡ. Ðã biết ra ai làm ăn nghề nào cũng vậy, nhục vinh tại mình chớ không phải tại nghề, nhưng mà làm ăn cũng nên lựa nghề nào cho khỏe thân một chút. Nếu anh giận em, anh đi kéo xe nữa, em buồn rầu ăn ngủ không được, chắc bịnh sẽ phát lại, càng khổ thêm cho anh nữa“.

Chí Ðại nghe nói như vậy mới xiêu lòng.

Rạng ngày sau, anh ta mặc áo dài đi xuống Sài Gòn, tính kiếm việc xin làm.Vừa đi ngang qua sở Họa Ðồ bỗng nghe hai người lon ton nói chuyện với nhau rằng trong sở ấy có một thầy xin thôi việc. Chí Ðại liền làm đơn vào xin chỗ. Ông chủ sở Họa Ðồ thấy tuồng chữ hay, nên chấp đơn cho làm và định lương mỗi tháng mười tám đồng. Chí Ðại mừng rỡ, mãn giờ đi riết về nói lại cho vợ hay thì Bạch Tuyết cũng mừng. Tối lại anh ta lại nhà ông Nhiêu Tâm mà xin ổng làm một tễ thuốc cho vợ uống. Ông Nhiêu Tâm vừa nghe nói, liền lấy gói thuốc đưa cho Chí Ðại và nói Khiếu Nhàn đã biểu ông làm thuốc hôm nay mà cũng đã trả tiền trước rồi. Chí Ðại đứng chưng hửng.

Ông Nhiêu Tâm vẫn đã có nghe Khiếu Nhàn thuật tánh khí khái của Chí Ðại rồi nên thấy anh ta lưỡng lự ông mới nói rằng: „Tiền bạc là vật nhỏ mọn, cháu chẳng nên hiềm nghi lắm mà nhọc lòng“. Chí Ðại tạ ơn rồi đem thuốc về.

Mấy người cho tiền ngày, tiền tháng hổm nay nghe nói vợ Chí Ðại con nhà giàu, thì đã đem lòng kính phục, nay thấy Chí Ðại được làm thầy thông thì lại càng thêm kiêng nể nữa. Còn ông Khiếu Nhàn đi về dọc đường suy tới tính lui không biết dụng kế nào giúp đỡ Chí Ðại mà anh ta khỏi hiềm nghi hổ thẹn.

Về đến Cà Mau rồi, bữa sau ông qua dinh quan Phủ nói dối rằng ông đi chơi trên Mỹ Tho gặp Bạch Tuyết ở chung với Chí Ðại, ông biểu về hai đứa trẻ không nghe lời, nói như vậy đặng thử coi ý quan Phủ thương ghét lẽ nào. Quan Phủ lặng thinh một hồi rồi nói rằng: “Thứ con hư, nó chết đâu thì chết khuất mắt, cha còn biểu nó về làm chi“. Khiếu Nhàn thấy vậy không nói chuyện Bạch Tuyết nữa, lại xin cho đem ông già Sen về mà coi sóc việc nhà.

Lúc ấy ở Cà Mau có một người khách Hải Nam tên là Lâm Liễn Thành, buôn bán lớn, có kho để trữ cá khô, than đước và gạo trắng, lại có sắm bốn chiếc ghe biển, tục kêu là tàu Hải Nam, để chở mấy vật ấy qua Hạ Châu, hoặc Hương Cảng hoặc Xiêm La mà bán.

Chiều bữa nọ ông Khiếu Nhàn ghé tiệm Lâm Liễn Thành nói chuyện chơi. Trong lúc đàm luận chuyện buôn bán, Liễn Thành nói rằng buôn bán bây giờ chẳng có chi lợi bằng qua Ấn Ðộ dương vớt ngọc điệp[4] đem về Quảng Ðông, Hương Cảng mà bán, ngặt vì anh ta không có vốn đủ và không có người đi coi vớt ngọc điệp nên làm không đặng. Khiếu Nhàn nghe nói liền hỏi phăng[5] coi làm việc ấy phải xuất vốn chừng bao nhiêu, Liễn Thành nói phải xuất vốn hai muôn đồng mới đủ. Khiếu Nhàn ngồi suy nghĩ một hồi rồi nói rằng:

-          Nếu chú muốn làm việc đó thì tôi hùn một muôn, phần chú một muôn được hay không?

-          Ông chịu hùn thì được, ngặt vì ông gia thế lớn, không lẽ bỏ nhà được, tôi thì mắc coi buôn bán ở đây. Ðặt người ở Quảng Ðông, Hương Cảng coi bán thì dễ, còn người đi tàu đi vớt ngọc điệp biết giao cho ai bây giờ?

-          Không hại chi. Người đi coi vớt ngọc điệp để tôi kiếm cho.

-          Nếu có người thì tốt lắm.

Hai người bằng lòng cả hai, nên bữa sau hội lại mà lập tờ hiệp đồng, trong tờ có định người đi coi vớt ngọc điệp ăn tiền công mỗi tháng sáu mươi đồng, lại hễ buôn bán có lời thì còn được lãnh thêm tiền huê hồng, tính thập phân chi nhứt[6].

Các việc tính xong rồi, Khiếu Nhàn biểu ông Sen coi nhà, còn ông đi tuốt lên Sài Gòn cho Chí Ðại hay. Chí Ðại nghe nói hết sức mừng rỡ nên chịu đi liền và xin gởi vợ ở nhà với ông đặng đi một mình cho dễ. Bạch Tuyết thấy chồng với ông ngoại đều như vậy nên không dám cãi song mặt không vui.

Khiếu Nhàn thấy vậy mới nói rằng: „Cháu đừng có buồn. Cháu về ở nhà với ông cho chồng cháu đi làm ăn một đôi năm, nếu may làm giàu được nó trở về vợ chồng sum hiệp an hưởng thanh nhàn vậy chẳng vui hay sao?“

Chí Ðại xin thôi làm sở Họa Ðồ. Vợ chồng từ giã hai vợ chồng lon ton Thiệt và ông Nhiêu Tâm rồi theo ông ngoại về Cà Mau.

Khi tới rồi, tối lại Khiếu Nhàn dắt vợ chồng Chí Ðại qua dinh mà nói cho chàng lạy quan Phủ, bà Phủ. Quan Phủ giận nằm trong phòng không chịu ra, còn bà Phủ ngồi xỉa thuốc sống[7], trổi giọng thấp giọng cao mà nhiếc Bạch Tuyết, mà cũng chịu cho lạy.

Bạch Tuyết vì sợ trái ý ông ngoại nên phải qua bên Phủ; chừng qua tới đó, thấy tình cảnh như vậy, cô lấy làm bất bình, nên vợ chồng đem để khay trầu rượu trên bàn thờ mẹ mà lạy rồi ra về không thèm cậy bà Phủ an ủi giùm cho quan Phủ bớt giận.

Sáng bữa sau, Khiếu Nhàn dắt Chí Ðại xuống tiệm Lâm Liễn Thành cho giáp mặt nhau và bàn tính việc đi vớt ngọc điệp.

Ðịnh chắc ngày khởi hành rồi, Khiếu Nhàn lén đem phần hùn một muôn đồng mà giao cho Lâm Liễn Thành và căn dặn đừng nói công việc hùn hiệp cho Chí Ðại biết.

 

[1] giàu cùng chung vui, nghèo cùng chung lo

[2] Người quân tử thương người thì làm cho cái đức của người càng lớn thêm, còn kẻ tiểu nhơn thương người thời làm cho người được sung sướng rồi trụy lạc» lời của Quản Trọng (Theo Sử Ký của Tư Mã Thiên).

[3] thuốc huờn đông y.

[4] (perle) ngọc trai

[5] hỏi tới, đào sâu

[6] một phần mười

[7] dùng thuốc sống, lúc ăn trầu