Ai làm được

Chương một

Ông Bạch Khiếu Nhàn tuổi đã quá lục tuần mà sức hãy còn mạnh khỏe. Từ khi con gái ông bất hạnh, tủi phận thon von[1] nên ít muốn đi chơi, cứ lui cui ở nhà hoặc sửa kiểng xem hoa, hoặc uống trà đọc sách.

Năm 1894, một buổi chiều kia gió xuân mát mẻ, nước lớn đầy sông, cỏ cây tươi tốt, Bạch Khiếu Nhàn mình mặc áo quần toàn bằng lụa trắng, vai vắt khăn nhiễu đỏ, thủng thẳng đi dọc theo mé sông Cà Mau mà hứng mát. Khi ông dừng chơn đứng coi sắp nhỏ lội đua, khi ông mỉm cười bầy chó rượt nhau cắn lộn.

Mặt trời chen lặn, gió càng thêm mát mẻ, Khiếu Nhàn đi lần tới quán cơm Chú Lỳ, tuy chưa mỏi chơn, song ông khát nước.

Chú Lỳ ngó thấy ông lật đật chào mừng và mời ông vào quán nước. Khiếu Nhàn bước vào kéo ghế mà ngồi, ngó quanh quất không thấy khách ăn uống, duy có một người trai trạc chừng mười bảy, mười tám tuổi, đương ngồi tại bàn gần cửa mà viết. Ông thấy người miệng rộng, môi dầy, vai ngang, trán chợt, tóc hớt cụt, mắt rạng ngời, tư cách nghiêm trang, mặt mày sáng rỡ, tuy y phục tầm thường mà hình dung không phải như người thường, bởi vậy ông cứ ngồi ngó hoài.

Người trai ấy viết ít chữ rồi ngó sững phía ngoài đường, ngó rồi day vô viết, rồi lại ngâm nho nhỏ. Chú Lỳ rót một chén nước trà nóng đem lại mời Khiếu Nhàn uống. Khiếu Nhàn tay bưng chén nước mà mắt ngó người trai ấy hoài.

Cách một hồi thấy tên trai ấy vò miếng giấy viết nãy giờ mà quăng dưới đất rồi đứng dậy bước ra ngoài đường.

Chú Lỳ rót thêm nước cho ông uống, ông biểu lượm miếng giấy cho ông, ông giở ra thấy có tám câu thi như vầy:

Ty hộ sương dầm gió hắt hiu,

Ðau lòng lưu lạc biết bao nhiêu.

Trong quê dã dượi vừng trăng tối,

Lạ cảnh cay co chén rượu chiều.

Cao thấp nát gan con sóng lượn,

Ngạt ngào đứt ruột tiếng chim kêu.

Có khi ra ngóng miền giang chữ,

Nước mắt tuôn theo giọt thủy triều.

Khiếu Nhàn đọc hết bài thi, thấy văn chương tao nhã thì khen thầm, mà thấy ý tứ thảm sầu lại tội nghiệp, nên tính ngồi nán đợi người ấy trở vô đặng làm quen hỏi coi người ở đâu cho biết. Té ra ông ngồi đợi chót giờ mà không thấy bèn kêu Chú Lỳ mà hỏi rằng:

-          Nầy, người trai hồi nãy đó ở đâu lại đây, nị[2] biết hôn? Vào quán của nị sao không thấy ăn uống chi hết lại viết mấy câu thi rồi bỏ đi đâu mất?

-          Khị[3] ăn cơm uống dượu hồi chiều dồi mà, khị đi chơi một lát dề ngủ chớ.

-          Ủa? Nếu vậy thì người ấy ở đậu trong quán nị hay sao?

-          Ờ.

-          Người ở đâu lại vậy, nị biết hôn?

-          Ở Long Hồ mà.

Khiếu Nhàn thấy khuya nên đứng dậy từ giã Chú Lỳ mà về. Chẳng dè vừa ra tới cửa lại gặp cậu trai ấy bước vào, ông bèn trở vào hỏi rằng:

-          Trò em ở đâu lạ mà qua không biết?

-          Thưa bác, cháu ở Vĩnh Long.

-          Trò em ở Vĩnh Long xuống đây chơi hay là có việc chi? Không có quen hay sao mà ở đậu trong quán như vầy?

Khiếu Nhàn hỏi và kéo ghế mà ngồi. Cậu trai ấy thấy ông y phục phong lưu, không hiểu là ai nên đứng ké né mà đáp rằng:

-          Thưa bác, cháu đến đây quyết kiếm công việc làm ăn song ở đã mấy ngày rày mà chưa kiếm được việc chi hết.

-          Trò em ngồi mà nói chuyện chơi. Khi nãy trò em bước ra ngoài rồi tôi có lượm bài thi tôi đọc. Chẳng hay trò em làm bài thi ấy có ý chi vậy?

-          Thưa bác, cháu ngồi buồn trong lòng cảm hứng nên ngụ ý mà làm giải buồn đó thôi chớ có ý chi đâu.

-          Theo ý tứ trong bài thi đó thì thân trò em chẳng là gian truân lắm?

-          Dạ thưa phải.

-          Tôi có học chút đỉnh nên tôi thương học trò. Tôi đọc bài thi của trò em rồi nãy giờ có ý ngồi đợi chờ trò em trở vô đặng làm quen chuyện vãn chơi. Trò em xuống đây tính làm công việc chi? Lập tiệm buôn bán hay là tính khẩn đất làm ruộng?

-          Chẳng giấu chi bác, cháu cũng biết thà hèn mà mình làm chủ mình còn hơn là sang mà đi làm tớ thiên hạ. Thiệt cháu muốn hoặc buôn bán hoặc làm ruộng, hoặc làm nghề chi khác cũng được, dầu cực khổ chẳng nệ gì, miễn là khỏi lòn cúi thì thôi, ngặt tiền thì cháu không có nhiều, còn nghề thì cháu không thạo. Cháu xuống đây, có ý muốn tìm chỗ ở dạy học, thảm vì cháu không quen biết ai nên hổm nay chưa kiếm được chỗ nào mà ở.

Khiếu Nhàn nghe mấy lời thì động lòng thương, vừa muốn hỏi nữa, bỗng có bốn người khách kéo vô quán ăn bánh uống nước, nghĩ chỗ nầy không phải là chỗ nói chuyện bèn đứng dậy nói rằng:

-          Chưa biết nhau thì thôi, hễ biết nhau rồi thì đừng ngại. Tôi chưa ăn cơm chiều nên bụng đã đói rồi, đã vậy mà ngồi nói chuyện hoài thì chú Lỳ buôn bán không được, chắc chú phiền. Vậy tôi xin mời trò em vô nhà tôi nói chuyện chơi.

-          Thưa bác, như bác có lòng thương tưởng, muốn cho cháu vô nhà chơi thì bác biểu chớ cần chi phải mời thỉnh.

-          Theo lễ phải mời chớ.

            Hai người dắt nhau ra đi. Lúc đi dọc đường, Khiếu Nhàn không hỏi thăm nữa. Cậu trai ấy thấy ông ít nói nên cũng lặng thinh, nhưng mà trong trí thầm tưởng có lẽ ông già nầy trong nhà đủ ăn, con cháu đông đảo nên tính rước mình về dạy học.

Chẳng dè đi khỏi chợ chừng bốn năm trăm thước, tới một cái cửa ngõ lớn, ông dừng chơn lại mà mời khách vào nhà.

Cậu trai ấy vừa bước vô sân thì thấy một sân kiểng vật tốt tươi, có non bộ, hồ sen, ba tòa nhà ngói nguy nga, lại có thính đường, thơ viện.

Vào nhà rồi, Khiếu Nhàn kéo ghế mời ngồi. Cậu trai ấy dòm coi trong nhà bàn ghế hẳn hoi, đã khiêm nhượng mà lại nhút nhát nên ké né không dám ngồi.

Khiếu Nhàn cười mà nói rằng: “Trò em chấp lễ quá vậy, hết vui rồi còn gì! Tục thường họ hay bắt phép, giành nhau ngồi trước ngồi sau, tôi ghét cái tục ấy lắm. Ví như tôi có làm quan đi nữa thì ra chốn công đường tôi mới có quyền, chớ thứ ngồi uống nước nói chuyện đời mà chơi, tôi cũng xưng tôi lớn nữa sao! Ngồi đi, ngồi nói chuyện chơi”.

  Cậu trai nghe mấy lời hạ cố thì trong lòng bớt nhút nhát, song vẫn cứ nói khiêm nhượng rằng:

-          Thưa bác, lời bác nói rất phải, tuy vậy cháu là kẻ hèn hạ, lại tuổi tác đáng con cháu, nên cháu đâu dám đồng bàn với bác.

-          Ối! Còn luận tuổi tác mà làm gì! Tôi mời thì trò em cứ việc ngồi, cung kính bất như phụng mạng.

Cậu trai ấy ké né kéo ghế ngồi sụp phía sau, Khiếu Nhàn không cho, một hai cứ biểu ngồi ngang mà thôi.

Uống vài chung trà rồi có một tên gia đinh bước ra thưa nho nhỏ, Khiếu Nhàn liền đứng dậy mời khách vào hậu đường dùng cơm. Cậu trai ấy xin từ, nói rằng mình đã dùng cơm chiều rồi, Khiếu Nhàn theo ép dùng thêm, nên cực chẳng đã phải vưng lời, vào ăn thêm một chén.

Cơm nước xong rồi ra ghế ngồi hút thuốc. Cậu trai ấy dòm coi nhà cửa mênh mông mà không thấy dạng bà chủ nhà nầy hay là con cháu chi hết, chỉ vài đứa gia đinh ra vô mà thôi, thì lấy làm kỳ.

Còn Khiếu Nhàn ngồi liếc khách một hồi rồi hỏi rằng:

-          Chẳng hay trò em tên họ chi? Cha mẹ còn mạnh giỏi hay không?

-          Thưa bác, cháu họ Phan, tên Chí Ðại, tổ quán ở Vũng Liêm, ông thân cháu mất hồi cháu được năm tuổi, còn bà thân cháu mới mất vài tháng nay.

-          Nay trò em niên kỷ đặng bao nhiêu?

-          Thưa, cháu mới mười tám tuổi, chưa có vợ.

-          Nếu vậỵ thì bài thơ tự thuật của trò em hồi chiều trúng lắm. Mà cha mẹ khuất rồi, không có để sự nghiệp chút đỉnh gì hay sao, nên trò em phải bỏ xứ mà đi kiếm công việc làm ăn? Ðâu trò em thuật rõ việc nhà cho tôi coi thử coi, được không?

-          Chẳng giấu chi bác, khi ông thân cháu khuất rồi, nhà nghèo, mẹ góa con thơ, gian truân nhiều nỗi. Ông Nhiêu Lang là anh em bạn thiết của ông thân cháu thấy vậy động lòng, mới cho lúa cho mẹ con cháu ăn rồi giúp tiền cho mẹ cháu làm vốn mua bán trầu cau đặng kiếm lời độ nhựt. Khi cháu được bảy tuổi ông đem cháu về mà dạy học chữ nho, cháu học tới 12 tuổi thuộc hết bộ Minh Tâm và bộ Tứ Thơ, rồi ông nói với cháu, đời nầy chữ nho để mà lập chí, không phải để lập thân, ông mới đem cháu mà gởi ở nhà người quen của ông là Hội Ðồng Viễn tại Vĩnh long, đặng cháu vào trường nhà nước mà học chữ Tây. Ông Hội Ðồng Viễn giàu có lớn, nên cháu ở đậu ông không ăn tiền ăn. Ông lại nói ông có một đứa con mà thôi, nó cũng học tại trường tỉnh nếu có cháu ở thì đi học với con ông cho có bạn. Phận cháu nghèo khổ, nghe ông Nhiêu Lang nói „phải học chữ Tây lập thân mới đặng”, thì cháu quyết rán mà học, dầu khó nhọc cho mấy cháu cũng chẳng nệ. Tới giờ thì cháu đi học, mãn giờ về thì cháu phải giúp việc trong nhà hoặc lấy trầu cho khách ăn, hoặc nấu nước cho ông Hội Ðồng. Cháu ở đó trọn năm năm, thiệt là cực khổ: đi học phải ôm sách vở cho cậu Hai Khanh là con ông Hội Ðồng, về nhà thì giặt áo quần cho cậu, ăn cơm thì ăn chung với mấy đứa ở, ngủ thì ngủ dưới nhà sau. Tuy cực khổ mà cháu không buồn; cháu có lo một điều là lo cho bà thân cháu ở nhà không biết ấm lạnh no đói thế nào. Lâu lâu ông Nhiêu lên Vĩnh Long bổ thuốc một lần, mà lần nào ông cũng ghé thăm cháu và cho đôi ba cắc bạc ăn bánh. Bây giờ nhắc lại cháu còn cảm thương ông Nhiêu, ông cho cháu hai cắc bạc, cháu vui mừng cũng bằng thiên hạ họ được hai trăm đồng.

Phan Chí Ðại lặng thinh một hồi rồi tằng hắng một cái và nói tiếp rằng:

-          Cháu cực chừng nào rán học chừng ấy, quyết học cho thành danh đặng ngày sau làm có tiền mà đền ơn cho ông Nhiêu và trả thảo cho mẹ. Rủi quá, từ khi cháu lên tới lớp nhứt thì ông Nhiêu mang bịnh, yếu chơn, nên không đi Vĩnh Long được nữa. Cháu thi đậu mới vào trường Mỹ tho thì ông đã ly trần. Cháu hay tin buồn rầu, bứt rứt chịu không được, một là tiếc ông Nhiêu không sống lâu đặng ngày sau cháu đáp nghĩa đền ơn, hai là lo nỗi mẹ ở nhà bấy nay thốn thiếu, nhờ có ông Nhiêu, nay ông mất rồi còn ai hảo tâm mà nhờ cậy. Cháu viết thơ về nhà mà phân phiền với bà già cháu thì bà già cháu mượn người viết thơ trả lời khuyên cháu rán mà học, chẳng cần phải lo việc nhà, còn như cháu muốn đền ơn ông Nhiêu thì cứ học cho thành danh như ý ông muốn, ấy là cách đền ơn của người quân tử. Cháu vưng lời mẹ, ngày đêm rán học bởi vậy anh em một lớp cháu không thua trò nào hết. Cháu học tại trường lớn Mỹ Tho gần được hai năm, ngày nọ cháu đi chơi gặp người một xóm nói bà già cháu đau nặng. Cháu kinh tâm lật đật xin phép ông Ðốc Học sáu ngày đặng về thăm mẹ, ông Ðốc học nghi cháu nói dối nên không cho phép, cháu khóc lóc năn nỉ hết mà cũng không thể được. Cháu xốn xang, ăn nghủ không yên, một nỗi lo mẹ không tiền uống thuốc, hai lo ở nhà không ai chăm sóc. Qua ngày sau, trong lòng cháu bứt rứt quá không chịu được, nên cháu làm đơn xin phép nghỉ nữa. Ông Ðốc Học cũng không cho mà chuyến nầy lại rầy và hăm đuổi cháu. Cháu nghĩ phận có một mẹ già, cháu rán học mà có ý lập thân đặng ngày sau nuôi mẹ. Nếu mẹ cháu chết rồi, cháu học mà làm được ông gì cũng vô ích. Cháu thương mẹ cháu quá, nên nửa đêm cháu lén mở rương gói áo quần trốn về Vũng Liêm. Khi cháu bước vô nhà thấy mẹ cháu nằm thiêm thiếp trên giường, trong nhà vắng teo chẳng có ai hết, cháu quăng gói chạy lại ôm mẹ mà khóc. Mẹ cháu nhướng mắt nhìn cháu rồi tắt hơi, không nói được một tiếng chi hết.

Chí Ðại thuật lại đến đó thì đau đớn, giằng lòng không được nên giọt lụy tuôn dầm dề.

Ông Khiếu Nhàn chắc lưỡi lắc đầu mà nói rằng:

-          Làm người lắm lúc có nhiều khổ não chịu không được. Trò em còn nhỏ nên chưa gặp khổ não bao nhiêu. Phận tôi đã già rồi, nên tôi gặp khổ não không biết mấy lần mà kể cho xiết.

Chí Ðại nói tiếp rằng:

-          Cháu lạy xóm làng xin họ giúp tống táng bà già cháu xong rồi, thì cháu buồn rầu, chẳng biết làm việc gì. Cháu mới bán hết nhà cửa, tom góp được bảy mươi chín đồng bạc, trả nợ nần hết hai mươi lăm đồng, còn dư được năm mươi bốn đồng, cháu bỏ túi đi qua Mỹ Tho, tính vào lạy ông Ðốc Học mà xin học lại. Ông Ðốc Học nói vì cháu bỏ trường mà trốn, ông chạy giấy cho quan trên, ông không thể nào cho cháu vô học lại được. Cháu nghe nói ngẩn ngơ, lui gót trở ra, nước mắt tuôn dầm dề. Chừng ấy cháu mới biết đường đời thiệt là nhiều chỗ gay go. Tuy cháu buồn rầu song chẳng hề khi nào cháu thối chí. Cháu quyết đi kiếm thế làm ăn, dầu cực khổ cháu chẳng nài, miễn là đừng nhục danh giá thì thôi. Ban đầu cháu tính lên Sài Gòn kiếm việc làm, cháu tuy học ít, song viết chữ hay, có lẽ cháu làm việc giấy được. Mà rồi cháu nghĩ kinh thành là chốn đô hội, chẳng thiếu chi nhân tài, kẻ lỡ vận như cháu sợ e không chen lấn với họ được. Bởi vậy cháu mới lần bước xuống đây tính kiếm chỗ dạy học và nuôi miệng, nào dè cháu xuống đây đã năm ngày rồi mà kiếm chưa được chỗ dung thân, cháu lấy làm buồn nên hồi chiều cháu uống thử vài đồng xu rượu rồi làm thi giải buồn, không dè bài thi ấy lại được đến trước mặt bác.

Khiếu Nhàn nghe Chí Ðại thuật hết tâm sự, biết Chí Ðại là trai có hiếu, có nghĩa, có chí, có nết, càng đem lòng thương. Ông vấn thuốc hút rồi nói rằng:

-          Phận trò em lận đận nghe nói ai cũng động lòng. Song trò em nên biết ở đời người có chí lớn hơn người có của, bởi vì người có chí tuy bây giờ không có của, song một ngày kia phải có, chớ người có của mà không có chí, sợ e một ngày kia của tiền mất hết mà chí lập cũng chưa được. Trò em vừa mới gặp đại tang tự nhiên phải buồn rầu; mà trò em xét lại thử coi con người ai khỏi mấy cái họa ấy đâu. Thôi trò em chẳng nên buồn lắm, hãy để tinh thần lo lập thân danh đặng hiển vinh cha mẹ. Bây giờ đây trò em nghèo mà nếu trò em có chi lớn thì làm giàu chẳng khó gì. Mà làm trai phải lấy danh giá làm trọng, chớ giàu nghèo có xá gì, bởi vì có khi nghèo mà vui còn có khi giàu mà buồn lắm. Như phận tôi đây nhà cửa kinh dinh[4], bạc tiền đầy dẫy, trò em thấy như vậy tưởng tôi vui lắm sao? Không, tôi buồn lắm! Tôi không có con trai, hồi trước tôi có một chút con gái, phải nó còn năm nay nó được ba mươi bảy tuổi. Khi nó còn nhỏ mẹ nó khuất sớm, tôi vào ra quạnh quẽ, trong chốn gia đình chỉ có vui với con mà thôi. Tôi thương nó thái quá nên rán dạy nó học chữ nho cho nó biết lễ nghĩa mà ở đời. Ðến chừng nó được hai mươi tuổi tôi mới gả nó lấy chồng. Chồng nó là quan phủ Lê Xuân Thới, bây giờ đang ngồi quận Cà Mau nầy đây. Nhắc tới nó tôi càng thêm buồn. Mạng số con tôi thiệt là vắn vỏi, có chồng được bảy năm, đau sơ sài chẳng có chi nặng mà phải bỏ mình, nghĩ thiệt buồn quá. Nó có để lại một chút con gái mà rể tôi nó bắt ở bên dinh không chịu cho ở với tôi, nên tôi ở một mình, quạnh hiu, hễ buồn thì uống nước trà coi sách, không có ai chuyện vãn chi hết.

Chí Ðại thấy Khiếu Nhàn có sắc buồn, tính kiếm chuyện nói cho khuây lãng, nên nói rằng:

-          Thưa, từ ngày bác gái mất rồi, bác không tính chắp nối nơi nào sao bác?

-          Việc ấy tôi không tính.

-          Cháu tưởng nếu hồi trước bác kiếm chỗ chắp nối thì ngày nay bác ít buồn, mà ngày sau bác lại có con trai nối nghiệp nữa.

-          Việc thành bại đều tại trời, nếu số tôi không có con trai thì dầu tôi cưới vợ khác sợ cũng không có được. Khi vợ tôi mới mất, có nhiều người cũng khuyên tôi như vậy. Song tôi nghĩ tôi cưới vợ khác may mà gặp chỗ hiền đức chẳng nói làm chi, rủi gặp người không có hạnh, họ về nhà rồi húng hiếp con tôi thì còn thêm nhọc lòng tôi nữa; bởi vậy tôi mới ở một mình mà nuôi con, tưởng hễ có phước con gái cũng như con trai, thiệt tôi không dè con tôi vắn mạng như vậy.

Trống nhà công sở đã trở canh ba. Khiếu Nhàn đứng dậy nói rằng:

-          Nói chuyện chơi chưa đã thèm mà đã khuya rồi! Thôi, trò em uống một chén nước rồi đi ngủ. Tôi có biểu bầy trẻ dọn chỗ cho trò em rồi đây. Nầy, theo lời trò em than với tôi hồi nãy thì trò em xuống đây hổm nay kiếm chưa được chỗ ở mà dạy học. Vậy thôi để sáng tôi qua bên dinh tôi hỏi rể tôi coi như nó có cần dùng ký lục thì trò em qua mà làm giúp với nó được hôn?

-          Thưa bác, cháu mới gặp bác một lần, mà bác tỏ lòng hạ cố lo lắng cho cháu như vậy, ơn ấy cháu lấy chi đền đáp cho vừa.

-          Ối! Nói chuyện nhân nghĩa làm gì! Tôi thấy trò em côi cút, đã có khiếu thông minh, mà lại cò lòng trung hậu nên tôi thương. Tôi tính như vậy là muốn cho trò em có chỗ làm ăn đặng gần gũi với tôi chơi cho vui. Thôi, trò em nghỉ đi, để sáng mai tôi cho trẻ ra quán xách đồ hành lý đem vô đây mà ở. Học trò mà ở quán xá như vậy, đã cực khổ mà lại khó coi lắm.

Chí Ðại lại cái giường để tại chái trên mà ngủ, mùng gối chiếu mền thảy đều sạch sẽ. Sáng bữa sau, anh ta thức dậy sớm, rửa mặt rồi bước ra trước hiên mà xem kiểng. Cách chẳng bao lâu, có một cô trạc chừng mười lăm, mười sáu tuổi, mình mặc áo tím, đầu choàng khăn trắng, đi giày thêu, cập dù đỏ, gương mặt sáng như hoa nở, hàm răng đều như hột bắp, tướng đi dịu dàng, dung nhan tuấn tú ở ngoài bước vào sân, bộ muốn đi thẳng lại cửa cái mà thấy có Chí Ðại đứng đó, nên quẹo qua tay trái, đi dọc theo tường rồi đi thẳng vô sau nhà.

Chí Ðại nghi cô ấy là con gái quan Phủ qua thăm ông ngoại. Thiệt quả, cô vừa vô tới nhà trong thì nghe tiếng Khiếu Nhàn hỏi:

-          Cháu qua sớm dữ hôn? Có cha cháu ở nhà hay không?

Rồi lại nghe tiếng trả lời nho nhỏ rằng:

-          Thưa, cha cháu có ở nhà, mà còn ngủ.

            Hai ông cháu nói chuyện với nhau rất lâu, rồi Khiếu Nhàn mới ra mời Chí Ðại vào uống nước trà. Tiệc nước vừa xong, kế tới tiệc cơm. Ăn cơm rồi, Khiếu Nhàn biểu Chí Ðại đi với một tên gia đinh ra quán lấy hành lý đem vô nhà ông mà ở, còn ông cũng sửa soạn thay đổi y phục mà đi qua dinh quan Phủ.

  Ðến trưa Khiếu Nhàn về, vừa bước vô cửa thấy Chí Ðại đã đem đồ hành lý vô rồi thì gật đầu cười và nói rằng:

-          May quá! Bên phủ đang kiếm một thầy ký bạ điền[5] và nhựt ký trát giấy. Tôi thuật công chuyện của trò em cho rể tôi nghe thì nó cũng động lòng thương nên nó biểu trò em chiều nay qua đó mà làm, tiền lương mỗi tháng là mười hai đồng, để rồi sau đó nó sẽ xin quan trên cho ăn lên. Xong quá, trò em qua Phủ mà làm, hễ mãn giờ về bên nầy ở chơi với tôi cho có bạn. Ðể tôi viết thơ đặng chừng hai giờ trò em cầm mà đi.

Chí Ðại nghe nói hết sức mừng rỡ, chẳng biết lấy lời chi mà tạ ơn cho nên vừa nói lính quýnh rằng:

-          Ơn tế độ của bác, dầu muôn đời cháu không quên được.

Ðúng hai giờ chiều, Chí Ðại cầm bức thơ của Khiếu Nhàn mà qua dinh quan phủ. Quan phủ ngủ trưa chưa thức dậy nên phải ngồi ngoài chờ hơn một tiếng đồng hồ. Chừng nghe lính nói quan lớn thức dậy Chí Ðại lật đật trao bức thơ vô, tưởng thầm rằng quan lớn đã dạy mình làm việc hễ được thơ chắc cho kêu mình vô liền, nào dè quan lớn còn hút, chưa ra khách, nên Chí Ðại phải ngồi gần một giờ đồng hồ nữa.

Lối bốn giờ rưỡi quan Phủ bước ra. Làng dân thấy dạng đều đứng dậy hết thảy. Chí Ðại bước tới chấp tay xá ba cái. Quan Phủ ngó Chí Ðại rồi hỏi rằng :

-          Thầy ở bên ông gia tôi phải hôn?

-          Bẩm quan lớn phải.

-          Vậy thì vào đây. Ông gia tôi có nói chuyện lương bổng cho thầy nghe rồi chớ ?

-          Dạ, có rồi.

-          Ðâu thầy làm thử ít bữa coi thầy làm được hay không ?

            Chí Ðại theo quan Phủ bước vào nhà hầu, thấy có một thầy, chừng bốn mươi tuổi, đương ngồi cúi mặt xuống bàn mà viết. Quan Phủ dạy Chí Ðại nhắc ghế lại ngồi gần đầu bàn ấy rồi biểu thầy nọ đưa bộ điền cho Chí Ðại chép.

 

[1] Đơn chiếc, cô đơn

[2] âm tiếng quảng Đông, đại từ ngôi thứ hai: ông, anh, mầy

[3] âm tiếng quảng Đông, đại từ ngôi thứ ba: nó. Thí dụ dụ khị

[4] (經盈) ngăn nắp và đầy đủ.

[5] hay bộ điền hồ sơ đất ruộng