史 Nam Kinh, ngày 20 tháng Mười hai năm 1937
Không có gì đau đớn và tê tái hơn khi một người đàn ông kiêu hãnh phải thú nhận rằng mình đã sai lầm. Chúng tôi rời khỏi khu nhà máy, bỏ lại đứa bé nằm chết bên vệ đường. Tới đoạn phải rẽ về nhà tôi, ông Lưu vỗ vỗ lên tay tôi. “Về nhà đi và chờ tôi,” ông thì thầm. “Tôi đưa thằng Lưu bé về nhà rồi sẽ tới gặp cậu ngay. Chúng ta phải làm gì đó thôi.”
Khoảng hai mươi phút sau, khi nghe thấy tiếng gõ cửa theo ám hiệu, tôi ra mở cửa thì thấy ông đang đứng đó với một ống quyển bằng tre kẹp dưới nách.
“Chúng ta cần phải nói chuyện,” ông thì thào rồi nhìn quanh để chắc là Thu Kim không nghe thấy. “Tôi có một kế hoạch.”
Ông cởi giày ra theo phép lịch sự và bước vào căn phòng nhỏ mà chúng tôi dùng làm phòng khách. Căn phòng vốn luôn được Thu Kim dọn dẹp một cách cẩn thận, có đặt mấy chiếc ghế và một chiếc bàn sơn mài màu đỏ với những hình rồng và hoa mẫu đơn khảm xà cừ lóng lánh. Chúng tôi ngồi xuống bàn. Thu Kim không thắc mắc gì về sự hiện diện của ông Lưu. Cô ấy đi lên gác chải lại tóc và vài phút sau tôi nghe thấy tiếng cô ấy đun nước trong bếp.
“Chỉ có trà và vài chiếc bánh mà vợ già cho chúng tôi để mời già thôi, già Lưu Nhuận Đức ạ,” tôi nói. “Chúng tôi chẳng còn gì hơn. Thành thật xin lỗi già.”
Ông cúi đầu. “Đừng bận tâm chuyện đó.”
Trong ống quyển của ông Lưu có một tấm bản đồ Nam Kinh mà ông đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Chắc ông đã nghiền ngẫm nó suốt mấy hôm nay. Khi Thu Kim mang trà đến và rót đầy vào cốc của chúng tôi thì ông trải tấm bản đồ ra trước mặt tôi.
“Đây là nhà của một người bạn cũ,” ông nói và khoanh một chấm phía bên ngoài khu vực Xóa Lộ Khẩu. “Một thương gia buôn muối rất giàu có, nhà của ông rất rộng, có giếng nước sạch, một vườn lựu và rất nhiều lương thực dự trữ. Không cách núi Tử Kim quá xa. Và đây,” ông đánh một dấu thập cách đó vài cây số, phía gần thành phố. “Đây là cổng Thái Bình, nghe nói tường thành ở đây gần như bị phá sập hết, nên có thể dễ dàng vượt qua để chạy về phía Tây, quân Nhật lại không có đủ người để canh gác chỗ này. Cứ cho là chúng ta vượt qua được cửa ải này, chúng ta sẽ tiếp tục đi dọc theo các con phố nhỏ phía sau đường Xóa Lộ Khẩu tới bên bờ sông ở phía Bắc của thành phố. Xóa Lộ Khẩu không có vị trí chiến lược quan trọng đối với quân Nhật nên nếu may mắn, chúng ta có thể tìm được thuyền vượt sông sang tới tỉnh An Huy.” Hai chúng tôi im lặng một lúc, nghĩ tới cảnh dắt díu cả gia đình qua tất cả những nơi nguy hiểm đó. Một lúc sau như thể đọc thấy sự nghi ngờ của tôi, ông Lưu gật đầu. “Đúng vậy, tôi biết. Mọi chuyện đều phải phụ thuộc vào việc quân Nhật sẽ tập trung mọi sự chú ý về phía thượng nguồn ở Hạ Quan và Mi Đàm.”
“Thấy đài nói là nay mai sẽ có thông cáo về việc thành lập các ủy ban tự quản.”
Ông nhìn tôi với một vẻ nghiêm trọng không hề che giấu. “Thầy Sử thân mến, cũng như tôi, cậu biết rõ là nếu chúng ta ở lại, chúng ta sẽ giống như một lũ chuột cống, chui rúc chờ bọn Nhật đến tìm.”
Tôi sờ tay lên đầu, miệng mấp máy. “Vâng, đúng vậy.” Nước mắt tôi chợt trào ra, những giọt nước mắt tôi vốn không muốn ông Lưu nhìn thấy. Nhưng ông đã quá già và từng trải nên ngay lập tức ông biết chuyện gì đã xảy ra với tôi.
“Thầy Sử này, đừng có tự giày vò bản thân mình nhiều quá, có biết không? Tôi cũng chẳng giỏi giang gì hơn. Chính tôi cũng mắc tội quá kiêu hãnh.”
Một giọt nước mắt lăn xuống má tôi và rơi xuống bàn, đúng vào mắt của con rồng. Tôi nhìn nó đờ đẫn. “Tôi đã làm gì thế này,” tôi thì thào. “Tôi đã làm gì với vợ tôi? Với con tôi?”
Ông Lưu nhoài người ra, nắm lấy tay tôi. “Chúng ta đã mắc sai lầm. Tất cả chúng ta đều mắc sai lầm. Chúng ta là những con người nhỏ bé, thiếu hiểu biết, nhưng tất cả chỉ có thế. Chỉ là một chút thiếu hiểu biết thôi, cả cậu và tôi.”