7 Trò Chơi Tâm Linh

Trò Chơi Thứ 3: Tôi Là Người Như Thế Nào

Một trong những nguyên tắc để duy trì sự khỏe mạnh và thanh thản của tâm hồn là chấp nhận những điều chúng ta không thể thay đổi được.

Nếu bạn luôn "bóp méo: bản thân, luôn giấu đi con người thật của mình để che mắt mọi người xung quanh thì bạn "diễn" càng giỏi, cái giá bạn phải trả càng đắt.

TÔI LÀ NGƯỜI THẾ NàO?

Bạn là ai?

Xưa kia người tiền sử khi bắt được một con vật to thường chia đều cho nhau cùng ăn. Sau khi ăn no uống đủ, họ sẽ buồn bã nhìn lên bầu trời mênh mang rộng lớn và hỏi rằng: Nơi tốt nhất của cuộc sống văn minh hiện đại bây giờ phải chăng là giam mình trong thành phố, dùng xi măng và những ngọn lửa nhân tạo ngăn cách con người với thiên nhiên, cất giấu mọi nỗi buồn và sự cô đơn vào trong phòng làm lạnh hay thùng xe ôtô, thậm chí khi mất điện thịt bị hỏng hay xe bị nổ lốp mà lao vào vệ đường thì chúng ta vẫn khó mà cảm nhận thấy. Đây là tiến bộ của cuộc sống hiện đại nhưng cũng là "bi kịch"đối với con người sống trong thời đại ngày nay. Chúng ta có thể ẩn mình trong thành phố phồn hoa đô thị, né tránh cảm giác khi phải hàng ngày đối mặt với tự nhiên, khoác lên mình một tâm hồn vô cảm để tránh mọi sự tra khảo, mất đi sự suy nghĩ sâu xa và sự cảnh giác. Chỉ đến khi giật mình nhìn lại thì thời gian đã trôi qua quá nhanh mà chưa kịp để lại điều gì.

Tôi cùng một số đồng nghiệp mở một trung tâm tư vấn tâm lý. Trong căn phòng tư vấn có một bức tranh tường đầy cỏ cây tươi tốt này đã từng tiếp đón không biết bao nhiêu người khách. Có rất nhiều phóng viên tới, ngồi trên chiếc ghế sô-pha màu kem, tỏ ra rất hiếu kỳ hỏi, các chị vẫn thường tiếp đón khách ở đây à? Tôi trả lời "vâng". Người phóng viên lại hỏi tiếp, chị có thể kể cho tôi những câu chuyện đã được kể ra ở đây không. Tôi trả lời, xin lỗi, tôi không thể làm điều này. Chúng tôi phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của ngành tư vấn tâm lý, không được tiết lộ bất kỳ thông tin nào về khách hàng. Nhưng với bản tính hiếu kỳ của nghề làm báo, họ rốt cuộc vẫn đưa ra câu hỏi xung quanh vấn đề này như: Xin hỏi chị khách hàng đến đây nam nhiều hơn hay nữ nhiều hơn? Số người đến đây đông nhất thuộc độ tuổi nào? Người ít tuổi nhất tới đây là bao nhiêu? Người cao tuổi nhất là bao nhiêu? Tôi thông cảm với sự tò mò và hiếu kỳ của họ, bởi đó là bệnh nghề nghiệp nhưng tôi vẫn giữ vững nguyên tắc là không tiết lộ điều gì. Nhưng có một ngoại lệ khi các phóng viên hỏi: Vấn đề mà mọi người nói tới nhiều nhất là gì thưa chị? Có phải là chuyện tình cảm hay quan hệ xã hội, hay là chuyện phát triển sự nghiệp?

Những lúc gặp phải câu hỏi này, tôi luôn trả lời chắc như đinh đóng cột rằng, khi tới đây tư vấn, điều khách hàng hay nói nhất với bác sĩ tư vấn là một vấn đề triết học rất cũ:

Con người sống vì điều gì?

Những lúc đó, cánh phóng viên rất ngạc nhiên. Bởi họ vẫn tưởng rằng, điều được nhắc tới nhiều nhất chắc chắn phải là những câu chuyện tình bi đát hay những trải nghiệm đặc biệt nào đó.

Nếu chiếc ghế sô-pha màu kem trong căn phòng tư vấn là một vật biết nói thì chắc chắn nó sẽ khẳng định với họ rằng những điều tôi nói là sự thật.

Cuộc sống thường nhật chứa đựng biết bao điều phiền muộn. Nguyên nhân của sự phiền muộn lại bắt nguồn từ chính những điều bình thường nhất trong cuộc sống. Đó chính là: Bạn có hiểu về mình? Bạn hiểu thế nào về mọi người? Và bạn có cái nhìn thế nào về thế giới xung quanh? Những điều tưởng chừng như đơn giản nhất lại là những điều phức tạp nhất.

Biết yêu bản thân, trân trọng cuộc sống và yêu quý mọi người, biết chấp nhận sự thực: Con người không thể tồn tại mãi trên cõi đời này chính là cơ sở của hạnh phúc. Nhưng hiểu được điều này không đồng nghĩa với việc thực hiện được nó. Còn một khoảng cách khá xa giữa việc bạn nhận thức được tầm quan trọng của hạnh phúc với việc nắm bắt được hạnh phúc.

Một người có lòng tự trọng,Một người tự tinMột người thích sự an toànLà người rất tự nhiên trong mối quan hệ xã hội.

Anh ấy cởi mở, thẳng thắn và minh bạch.

Bạn có thể hình dung ra một người tự ti, hẹp hòi, thu mình, đố kỵ, đa nghi có thể đối xử hòa nhã, nói đùa vui vẻ với mọi người xung quanh không? Anh ấy có thể cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên, vì sự tươi đẹp của thế giới này mà hi sinh máu thịt mình không?

Câu trả lời là: Về cơ bản là không thể.

Tôi là ai? Đây mãi mãi là một câu hỏi đầy tư biện và đáng bàn. Người Trung Quốc có câu "Người biết rõ về mình mới là người đáng quý". Chữ "quý"ở đây không chỉ đơn thuần là "quý giá"mà nó còn có nghĩa "hiếm, ít". Những điều hiện ra ngay trước mắt là những điều khó nhận ra nhất. Con người yếu kém bởi vì không hiểu rõ bản thân mình.

Trò chơi này được tạo ra để giúp bạn biết được mình là ai. Thực ra để trò chơi dễ thực hiện hơn, chúng ta có thể kẻ một chiếc bảng. Nhưng tôi muốn tận dụng sự phối hợp nhịp nhàng giữa bàn tay và chiếc đầu để giúp bạn hoàn thành chiếc bảng này.

Viết tay không phải chỉ là việc cử động cổ tay, mà hơn thế là cả một quá trình suy tư.

Nếu đích thân bạn dùng tay để vẽ ra chiếc bảng này thì biết đâu trong quá trình vẽ, bạn sẽ phát hiện ra điều gì mới mẻ và đầy bất ngờ chăng?

Mời các bạn hãy lấy ra một tờ giấy, gập thành bốn phần bằng nhau theo hàng dọc. ở hàng ngoài cùng bên trái, bạn hãy viết hai chữ "chiều cao".

Bạn nhất định sẽ thắc mắc, trò chơi tâm lý mà tôi chơi thì có liên quan gì đến chiều cao? Xin bạn đừng vội. Mời bạn hãy viết tiếp những dòng chữ sau xuống phía dưới:

Chiều cao

Cân nặng

Ngoại hình

Tầng lớp xuất thân

Trình độ văn hóa

Giới tính

Tính cách

Quan hệ xã hội

Nghề nghiệp

Vợ/chồng

Gia đình

Thu nhập

Sở thích

Diện tích nhà ở

Lý tưởng...

Bạn sẽ thấy khó hiểu khi nhìn thấy hàng chữ vừa rồi. Nói một cách nghiêm túc thì đây là một danh mục thiếu tính lô-gíc và cũng không đầy đủ. Mong mọi người hãy thông cảm. Phía dưới hàng chữ cuối cùng lại là những dấu ba chấm. Đây chính là phần để cho bạn bổ sung những điều của riêng mình.

Sau khi đã viết hết hàng dọc thứ nhất, mời các bạn lần lượt viết lên hàng phía trên cùng của ba cột còn lại những dòng chữ sau:

Sự thật của tôi Điều tôi mong muốn Tôi trong mắt mọi người

Về cơ bản chiếc bảng đã được hoàn thành. Việc còn lại là bạn hãy điền câu trả lời vào đây. Có hai cách điền.

Cách thứ nhất là điền theo hàng dọc. Điền một lượt hết các mục được yêu cầu ghi ra ở cột thứ nhất. Ví dụ giới tính bạn là nam, cao 1,72m, cân nặng 65kg, ngoại hình bình thường, tầng lớp xuất thân: viên chức, trình độ văn hóa: đại học... Sau khi điền xong, một bức tranh khái quát về bạn đã hiện ra.

Sau đó bạn hãy điền tiếp các mục ở cột tiếp theo: Điều tôi mong muốn. Và ở cột này bạn cũng sẽ điền một lượt từ đầu tới cuối. Bạn hy vọng, mong muốn mình như thế nào thì hãy thoải mái viết ra như thế, đừng ngại ngần. Ví dụ bạn muốn mình sở hữu chiều cao của một ngôi sao NBA thì hãy đừng ngần ngại viết ra con số 1,98m. Nếu thấy vẫn chưa thỏa lòng thì hãy cứ viết ra con số 2,22m cũng không sao. Còn nếu bạn muốn sở hữu một thân hình chuẩn như người mẫu thì hãy điền vào đó chiều cao 1,75m, cân nặng 48kg. Ngay cả phần ngoại hình, bạn cũng hoàn toàn có thể đề tên các nhân vật nổi tiếng như Lưu Đức Hoa hay Audrey Hepburn. Hay nếu muốn mình xuất thân từ tầng lớp quý tộc hay tỷ phú, bạn đều có thể ghi ra như ý mình. Nói tóm lại, hãy viết ra những điều bạn thực sự mong muốn.

Đừng chế nhạo hay phê phán bản thân mình. Chỉ cần bạn viết ra những điều tự đáy lòng mình thì điều đó hoàn toàn hợp lý.

Cách làm cho những mục còn lại cũng giống như vậy. Nếu công việc hiện tại của bạn là lao công nhưng bạn lại hi vọng một ngày nào đó, bạn sẽ trở thành Bill Gates thì hãy viết ra như vậy. Nơi bạn đang ở vô cùng hỗn tạp nhưng nếu bạn ao ước được sống trong một ngôi biệt thự có bể bơi, có vườn tược thì cũng không thành vấn đề, hãy viết ra như vậy. Bạn không có quyền phủ định trí tưởng tượng của mình. Vợ của bạn có nhan sắc rất bình thường, nhưng nếu bạn muốn lấy hoa hậu Thế giới thì cũng không phải là điều gì đáng xấu hổ. Nếu chồng bạn chỉ là một giáo viên dạy tiểu học nhưng bạn lại hy vọng được gả cho một vị giáo sư đại học thì cũng là điều dễ hiểu.

Khi bạn đã điền kín cột "Điều tôi mong muốn"thì hãy tiếp tục ở phần "Tôi trong mắt mọi người". Mọi người ở đây là những người ca ngợi, tán thưởng bạn. Nếu bạn thấy luôn buồn phiền nhưng luôn giả như mọi chuyện tốt đẹp khiến mọi người nghĩ bạn là người vui vẻ, phóng khoáng thì mong bạn hãy viết ra đúng như vậy. Những điều cần ghi ra ở cột này tưởng chừng rất đơn giản nhưng trên thực tế không hề đơn giản chút này. Bởi vì nếu là chiều cao, cân nặng thì bạn trong mắt người khác cũng không khác là mấy so với bạn ở đời thực. Nhưng điều phức tạp ở chỗ, không ít người khi viết cột này mới buồn bã nói, giờ mới biết hóa ra tôi không biết tôi như thế nào trong mắt mọi người.

Cách điền thứ hai là điền theo hàng ngang. Ví dụ khi điền mục "thu nhập", bạn sẽ viết trước mức thu nhập thực tế của mình, ví dụ "2.000 Nhân dân tệ/tháng", sau đó chuyển sang cột thứ hai "Điều tôi mong muốn", bạn có thể viết "8.000 Nhân dân tệ/tháng". Khi điền ở cột thứ ba "Tôi trong mắt mọi người", bạn có thể viết "5.000 Nhân dân tệ/tháng"vì bạn thường xuyên được mọi người coi là người tiêu xài rộng rãi. Hoặc nếu vì bạn phải tích tiền để cưới vợ hoặc đổi xe, phải giảm ăn giảm mặc, trở nên hẹp hòi thì người khác sẽ nghĩ rằng thu nhập của bạn chỉ hơn 1.000 Nhân dân tệ/tháng mà thôi.

Bây giờ chúng ta cùng bắt đầu nhé!

Theo kinh nghiệm thông thường, khi mới bắt đầu điền chiếc bảng này, rất nhiều người đều không tập trung tinh thần vì nghĩ rằng nó rất dễ, nhưng khi điền xong, nhìn lại thì mới thấy thán phục mình.

Ngạc nhiên sẽ là cảm giác đầu tiên khi bạn điền xong chiếc bảng này. Bởi không ngờ rằng con người chúng ta trong thực tế lại khác xa với con người chúng ta hằng mong ước như thế nào. Hơn 95% số người chơi đều nghĩ mình không đủ cao, hay quá béo hay quá gầy, ngoại hình không tuấn tú, xuất thân không danh giá...

Rốt cuộc lại chỉ có một câu: Bạn không hài lòng với những gì bạn đang có.

Trên thế giới này có một số điều có thể thay đổi nhưng cũng có những điều bạn không có quyền lựa chọn.

Làm thế nào để coi hình dáng bên ngoài và hoàn cảnh xuất thân là một việc đã được trời định sẵn có ảnh hưởng quan trọng tới sự phát triển lành mạnh của tâm hồn.

Ai chả mong muốn mình là một trang quốc sắc thiên hương, văn võ song toàn, thông minh trời phú. Ai chả mong khi sinh ra đã được sung sướng, mọi chuyện vạn sự như ý, ngồi mát ăn bát vàng... Nhưng đáng tiếc rằng điều này không phù hợp với quy luật phát triển của sự vật mà chỉ là điều nằm mơ giữa ban ngày.

Trách trời trách người, bực tức giận dữ vì những điều không thể thay đổi là điều hoàn toàn vô ích. Bạn cần học cách giữ cho tâm hồn mình luôn thanh thản, khỏe mạnh. Nguyên tắc quan trọng là biết cách chấp nhận những điều chúng ta không thể thay đổi. Đây không phải là cách nhìn tiêu cực về vận mệnh mà là biểu hiệu cho sự lạc quan và trí tuệ. Khi chúng ta thừa nhận mình không hoàn mĩ, và cũng thẳng thắn chấp nhận những nhược điểm đó thì chúng ta sẽ có cái nhìn bao dung hơn đối với sự đa dạng của những người khác. Xin bạn chớ coi thường việc chấp nhận những nhược điểm của bản thân mình vì đây chính là chiếc vé vào cửa để bạn học cách chấp nhận mọi việc.

Có một nữ sinh xinh đẹp tới mức hoàn hảo, tóc óng mượt như thác nước, mắt trong như nước mùa thu, da trắng như tuyết... Nhưng khi chúng tôi thống kê số người không hài lòng hay nói cách khác là tự ti về vẻ bề ngoài của mình thì cô ấy lại giơ tay rất cao. Sau này, khi có dịp hỏi riêng, em có thể nói cho cô biết rốt cuộc em không hài lòng với ngoại hình của mình ở điểm nào thì cô ấy khẽ nói có một chiếc răng của em không được đẹp lắm. Tôi hỏi, chiếc nào cơ? Sao cô không nhìn thấy? Cô nữ sinh bèn lấy tay nhấc môi lên, nói khẽ, chính là chiếc răng số sáu, bên trái hàm trên cô ạ. Thấy vậy, tôi dở khóc dở cười nói, nếu em không chỉ cho cô biết thì cho dù có ngắm em đến một trăm năm cô cũng không nhìn thấy chiếc răng đó. Nghe xong, cô ấy nói, em biết là bình thường mọi người đều không nhìn thấy, nhưng mỗi khi em cười đều để lộ ra chiếc răng này, chính vì thế từ trước tới nay em ít khi cười một cách thoải mái. Mọi người thấy thế đều nghĩ rằng em kiêu ngạo, khinh thường mọi người nhưng ai hay biết rằng em có nỗi khổ của riêng mình. Sau này, khi vào đại học em vẫn không dám cười nhiều nên mọi người đặt cho em biệt hiệu "nữ hoàng băng giá". Nhưng cô ơi, làm gì có tảng băng nào đâu, tất cả chỉ vì chiếc răng này thôi. Về sau khi tìm việc, tìm người yêu em đều gặp rắc rối cũng chỉ vì chiếc răng này.

Ngày 24 tháng 12 năm 2003, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Trung Quốc Lý Triệu Tinh có buổi giao lưu trực tuyến trên website của báo Tân Hoa Xã. Chỉ trong vòng 105 phút, bộ trưởng đã nhận được hơn hai nghìn câu hỏi từ các độc giả. Trong đó có một người hỏi: "Nếu người khác nói rằng ngoại hình của bộ trưởng không đáng nhận được lời khen ngợi thì bộ trưởng sẽ nghĩ gì?".

Bộ trưởng Lý trả lời: "Mẹ tôi sẽ không đồng ý với ý kiến trên. Bà là một người nông dân bình thường ở Sơn Đông. Bà từng may giầy cho đội quân Bát Lộ. Bà rất tự hào về ngoại hình của tôi. Sau khi tôi diễn thuyết ở các trường đại học Ohio, Mỹ, hơn 3.000 sinh viên đã đứng lên vỗ tay tới hơn ba phút. Nếu công việc của tôi có thể khiến cho người nước ngoài thấy quê hương, tổ quốc mình tươi đẹp thì đó là niềm hạnh phúc và vinh dự của tôi. Một vị giáo sư Mỹ nói với tôi rằng, xem ra ngài coi trọng tổ quốc mình hơn là coi trọng bản thân mình. Điều này rất giống với một câu châm ngôn ở Mỹ: "Thiên sứ có thể bay vì họ không bao giờ nghĩ cho bản thân mình".

Tuy nhiên cũng có rất nhiều người ngưỡng mộ ngoại hình của bộ trưởng Lý. Một bạn độc giả nói: "Mặc dù nhiều người không khen ngợi ngoại hình của ngài nhưng đối với phái nữ chúng tôi ngài là một người đàn ông rất hấp dẫn. Trên chính trường ngoại giao, chúng tôi nhìn thấy vẻ đẹp khí phách của một đấng nam nhi Trung Quốc".

Tầng lớp xuất thân cũng là một vấn đề khá nhạy cảm. Ngày nay dưới tác động của đồng tiền, giá trị của con người đã có nhiều thay đổi. Không chỉ thành phần nông dân, công nhân mà ngay cả thành phần trí thức truyền thống cũng trở thành đối tượng bị thương hại và chế giễu. Không thể phủ nhận rằng, ngày nay rất khó tìm được tầng lớp nào đều được mọi người kính trọng và yêu mến. Chính vì vậy hầu hết mọi người đều có đôi chút không hài lòng với xuất thân của mình và hi vọng mình xuất thân từ một tầng lớp tốt hơn.

Tự đánh giá xuất thân của mình là một nhân tố vô cùng quan trọng trong việc tự đánh giá bản thân, liên quan đến việc chúng ta nhìn nhận thế nào về cội nguồn của mình.

Những người xuất thân từ tầng lớp quý tộc cũng có thể thân bại danh liệt.

Những người xuất thân từ ăn mày cũng có thể để lại tiếng thơm muôn đời.

Dù không có tiền đi học nhưng chỉ cần cố gắng, nỗ lực thì cũng có thể trở thành nhà phát minh lớn.

Xuất phát thấp cũng có thể trở thành nguồn động lực, nguồn năng lượng giúp con người không ngừng tiến lên phía trước, và sau cùng sẽ bừng bừng tỏa sáng.

Những người xuất thân cao quý và hiển hách cũng có thể phải trải chiếu ngoài đường phơi sương vì lười lao động.

Những ví dụ tương tự chắc mọi người đều đã nghe nhiều nên tôi sẽ không kể tiếp.

Vị cha cố tên Tailai ở Manhatan thường đến bệnh viện nghe các bệnh nhân sắp lâm chung sám hối. Khi sắp gần đất xa trời, một ca sĩ đường phố da đen đã nói: "Tôi yêu ca hát, âm nhạc là cuộc sống của tôi. Tôi mong ước được đi khắp nước Mỹ, mang tiếng hát dành tặng mọi người. Là một người da đen, tôi đã thực hiện được nguyện vọng này. Cuộc sống của tôi thế là đã quá hạnh phúc rồi. Tôi đã dùng tiếng hát của mình để nuôi dạy sáu đứa con. Giờ đã đến lúc tôi phải ra đi nhưng tôi không có gì phải hối tiếc".

Nghe thấy vậy, vị cha cố rất ngạc nhiên. Ông quen người ca sĩ này, cũng biết rằng tất cả gia tài của anh ta chỉ là một chiếc đàn ghita. Mỗi khi đi tới đâu, người ca sĩ này đều đặt mũ dưới đất và bắt đầu cất tiếng hát, sống nhờ vào những đồng tiền lẻ mà người đi đường để lại.

Vị cha cố còn nhớ rằng ông đã từng làm lễ sám hối cho một ông chủ lớn. Người chủ giàu có này nói: "Tôi thích xe đua, từ nhỏ tôi đã tìm hiểu về chúng, cải tiến chúng và kinh doanh mặt hàng này. Cả đời này tôi chưa bao giờ rời xa những chiếc xe đua. Niềm đam mê và công việc của tôi không thể tách rời. Sự kết hợp giữa niềm đam mê và công việc khiến tôi cảm thấy rất hài lòng. Cũng nhờ vào những chiếc xe này tôi đã kiếm được rất nhiều tiền. Tôi không có điều gì hối hận cả".

Người giàu và người nghèo mặc dù đều để lại những lời sám hối khác nhau nhưng họ đều có cái nhìn giống nhau về cuộc sống và hạnh phúc. Tư tưởng coi thường những người nghèo là do ý nghĩ "tiền là tất cả" chi phối.

Khi bạn điền xong chiếc bảng này, hãy đưa nó ra chỗ sáng, đọc lại kỹ càng và thấy có nhiều điểm khác nhau giữa "Sự thật về tôi" và "Điều tôi mong muốn" không? Hãy đếm xem có tổng cộng bao nhiêu điều khác nhau? Sau đó hãy xem xem trong số những điều khác biệt đó, có điều nào có thể thay đổi được không và điều nào không thể thay đổi được, điều nào nếu cố gắng thì sẽ thay đổi được và sẽ phải cố gắng thế nào? Bạn có chấp nhận được cái giá của sự thay đổi hay không? Đối với những điều không thể thay đổi, sau này có thể thẳng thắn chấp nhận không? Ngoài ra bạn cũng cần phải phân tích kỹ càng xem sự khác biệt giữa "Sự thực về tôi" với "Điều tôi mong muốn" có lớn không?

Có một nữ sinh xinh đẹp khi chơi trò chơi này đột nhiên bật khóc nức nở. Cô ấy nói rằng, em trong mắt mọi người và chính bản thân em khác nhau quá nhiều. Thấy vậy tôi bèn hỏi, rốt cuộc khác nhau ở điểm nào?

Cô ấy nói: Đó là sức khỏe.

Tôi cảm thấy rất khó hiểu. Sức khỏe là cái gì đó thiên về bề ngoài, về cơ bản chỉ cần nhìn thấy là biết, cho dù có đôi chút sai lệch thì cũng không thể dẫn tới sự hiểu nhầm hoàn toàn được.

Cô ấy nói, nhìn bề ngoài em cũng khỏe mạnh như những người bình thường khác. Và em cũng đang ra sức duy trì sự giả tạo đó. Thực ra cách đây ba năm, em đã phát hiện ra mình bị ung thư nhưng không ai biết điều này. Hôm nay là lần đầu tiên em công khai mình bị bệnh trước mặt mọi người. Cô có biết điều này khó khăn với em thế nào không? Em coi căn bệnh của mình như một tội lỗi và luôn dằn vặt vì điều đó. Hôm nay, nói ra được sự thực lòng em cảm thấy vô cùng thanh thản. Từ nay trở đi em sẽ không bao giờ phải đóng kịch nữa. Em có quyền nhận được sự chăm sóc và an ủi của mọi người...

Khi đi thực tập ở bệnh viện, lần đầu tiên tôi nhìn thấy bệnh nhân tâm thần, người mà chúng ta hay quen gọi là "điên", tôi cảm thấy vô cùng sợ hãi. Mỗi khi bệnh nhân lên cơn điên, họ từ những người nho nhã, lịch thiệp bỗng trở nên điên cuồng đáng sợ. Trong nỗi sợ hãi, tôi mới nhận ra rằng con người trở nên như thế này quả là điều không thể tưởng tượng được. Căn bệnh này chắc chắn phải có một cái tên đáng sợ hơn nữa. Nhưng không ngờ rằng tên của căn bệnh này nghe ra cũng không đáng sợ lắm, chỉ đơn thuần là "chứng thần kinh phân liệt". Cách gọi này nhằm giảm bớt sự đáng sợ của bệnh tật. Bác sĩ nói rằng mắc chứng thần kinh phân liệt là một trong những điều thê thảm nhất trên đời này.

Nếu đê vỡ thì sẽ xảy ra lũ lụt

Nếu đất nước chia cắt thì sẽ xảy ra chiến tranh

Nếu dân tộc không đoàn kết thì sẽ là điều bất hạnh

Nếu tình yêu tan vỡ thì sẽ dẫn tới ly hôn

Nếu cái sống và cái chết chia lìa thì sẽ là xa cách mãi mãi

Nếu những điều bạn viết khác nhau quá nhiều thì xin hãy cẩn thận để tránh sự đổ vỡ. Sức mạnh tâm lý là một hệ thống rất khác lạ, nó vừa mạnh mẽ vừa yếu đuối, tính đàn hồi của nó rất tốt nhưng cũng dễ bị tổn thương. Khi tâm lý ổn định

thì nó cũng sẽ tỏa sáng như chùm ánh sáng và tạo ra một nguồn sức mạnh vô cùng dồi dào. Nhưng khi nó bị hỗn loạn, phân tán, chồng chéo đan xen thì lại trở nên vô cùng yếu ớt. Cơ thể và năng lượng cũng giống như những thám tử siêu hạng, thường xuyên lắng nghe tiếng nói của tâm hồn. Nếu sức mạnh tâm lý bị phân tán thì cũng giống như vị tướng chỉ huy bị sốt rét, lúc nóng lúc lạnh khiến cho cơ thể và tinh thần chúng ta bị rơi vào trạng thái "mù mịt". Nếu điều này chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn thì còn có thể tạm gắng gượng nhưng nếu tiếp tục kéo dài thì mọi ức chế và thay đổi sẽ khiến cho hệ thần kinh bước tới bờ vực sụp đổ.

Nếu bạn trong thực tế và bạn trong mắt mọi người khác nhau quá xa thì bạn hãy cố gắng tìm ra nguyên nhân. ở một trường học nọ, có một học sinh tính tình rất vui vẻ, hài hước bỗng nhiên bị chết mà không rõ nguyên nhân. Theo dự đoán thì do tự tử. Nhưng cho dù các thầy cô giáo và bạn học đều cho rằng người như thế không thể tự tử nổi thì không biết chừng cũng có thể bị mưu sát. Vụ án này kinh động tới cả bộ công an. Các chiến sĩ công an đã triển khai điều tra bí mật. Chỉ tới khi tìm thấy cuốn nhật ký mà nam học sinh này đã giấu kỹ thì mới biết rằng do người học sinh này có vóc dáng thấp, béo, thường bị mọi người trêu chọc nên vô cùng buồn bã. Để tránh bị người khác trêu chọc, trước khi người khác trêu chọc mình, anh ta đều tự chế giễu nhược điểm của mình, vì vậy mọi người đều nghĩ rằng anh ta là người rất vô tư, biết đùa và coi anh ta là chàng hề của nhóm mình. Trong nhật ký, cậu học sinh này viết rằng: Tôi phải tự lôi mình ra làm trò đùa vì không muốn mọi người trêu chọc mình. Tôi đã tệ hại tới mức này rồi nên mọi người không cần phải trêu gì thêm nữa. Nhưng mọi người vẫn không chịu buông tha cho tôi, vẫn cười đùa trên sự đau khổ của tôi. Xem ra, cách giải thoát duy nhất là tự kết liễu cuộc đời mình...

Sau khi biết được sự thực, bạn bè anh ta mới cảm thấy day dứt khôn nguôi. Họ nói, ấn tượng mà cậu bạn này để lại trong lòng mọi người không giống như những gì cậu ấy viết trong nhật ký. Nếu anh ấy tỏ ra giận dữ trước những lời trêu chọc quá đáng thì chắc chắn mọi người sẽ không dám làm như vậy nữa. Cái giá mà anh ta phải trả khi giả bộ vui vẻ trước mặt mọi người chính là tính mạng của mình.

Đây có thể là một ví dụ rất cực đoan nhưng trong cuộc sống của chúng ta, không phải chúng ta thường xuyên lừa dối bản thân mình để làm vui lòng người khác hay sao? Để người khác có ấn tượng tốt về mình, nhiều khi chúng ta phải chịu thiệt thòi, tủi thân. Tôi rất thích một câu thơ của một nhà thơ người Mỹ: "Em không ngừng thay đổi để làm anh vui lòng. Nhưng em có biết không, anh yêu em bởi vì yêu chính con người em".

Chúng ta không thể vì làm người khác vui lòng mà đối xử tệ bạc với bản thân mình. Nguồn sức mạnh khi bị ức chế hay dồn ép sẽ bộc phát ra ngoài theo hướng vô cùng tiêu cực. Nếu bạn luôn "bóp méo" bản thân, luôn giấu đi con người thật của mình để che mắt mọi người xung quanh thì bạn "diễn" càng giỏi, cái giá bạn phải trả sẽ càng đắt. Cũng có thể bạn sẽ nói rằng, tôi đã gặp người này, họ không thê thảm như chị đã nói đâu, họ cũng vẫn được sống yên ổn suốt cả cuộc đời đấy thôi. Cho dù có những người may mắn như thế thì tôi vẫn cảm thấy đáng tiếc cho họ. Bởi vì họ đang dùng chính cuộc sống của mình để ra sức diễn một vai diễn hoàn toàn khác trong mắt mọi người. Họ chưa bao giờ đường đường chính chính sống một cuộc sống là chính mình. Dostoyevsky có một câu nói rất hay. Ông nói: "Tôi đã từng yêu, từng đau khổ nhưng tôi có thể nói một cách chân thành rằng, tôi đã từng sống".

Chúng ta thường nói tới "chân, thiện, mỹ". Nhưng chỉ cần suy nghĩ kỹ thì bạn sẽ nhận ra rằng ba chữ này rất có ý nghĩa. Thật vậy, nếu vạn vật trên thế giới này không tồn tại chữ "chân" thì làm sao có thể nói tới "thiện" và "mỹ".

Cho dù sự thực có tàn khốc bao nhiêu thì nó vẫn thuộc về bạn, là chính bạn. Nhưng còn sự ảo tưởng, dù nó có đẹp đẽ bao nhiêu thì nó cũng chỉ là thứ phù phiếm, sớm muộn cũng sẽ lụi tàn.

Xin đừng lấy "Điều tôi mong ước"để làm tổn hại tới "Sự thực về tôi". Dù bạn không hoàn hảo nhưng trong đó lại chứa đựng một sức hấp dẫn diệu kỳ.

Chúng ta hãy cùng đọc bức thư dưới đây nhé:

"Mẹ yêu quý, con xin lỗi mẹ vì đã xuất hiện trên cõi đời này mà không thể khiến cho mẹ có quyền tự hào về con, mà luôn khiến cho mẹ phiền lòng. Nhưng con không thể thay đổi bản thân mình. Con thực sự không biết nên làm gì. Nhưng mẹ ơi, con vốn dĩ xuất hiện trên thế giới này một cách mờ nhạt như thế. Con của ngày hôm nay không đủ tốt là do những điều từ trước tới nay dần dần hình thành nên. Con không thể vứt bỏ bản thân mình hay làm lại từ đầu hay biến thành một con người khác, một đứa con hoàn hảo. Con lúc nào cũng cảm thấy mình là kẻ thất bại, lúc nào con cũng thấy có lỗi với mẹ. Vì vậy mẹ hãy để cho đứa con hư này mãi mãi biến mất mẹ nhé!".

Trong bức thư nhiều lần nhắc đến chữ "con" nhưng đều là những từ "con" khác nhau: Con không ngoan, con không hoàn hảo. Và sau đó cô bé đã uống thuốc ngủ tự tử.

Đây là bức thư để lại cuối cùng của một cô bé mười sáu tuổi. Cô bé tên là Quỳnh Dao.

Quỳnh Dao học toán không giỏi. Một lần kiểm tra toán, cô chỉ được 20 điểm. Thầy giáo khi đó đã viết một bức thư yêu cầu gia đình nghiêm khắc giám sát, yêu cầu Quỳnh Dao mang về nhà và để bố mẹ ký vào đó. Quỳnh Dao cảm thấy vô cùng lo sợ. Khi về đến nhà cô bé nhìn thấy cô em gái mình đang khóc thút thít. Hóa ra bài kiểm tra toán của cô em gái chỉ được 98 điểm, không đạt được mức điểm cao nhất nên trong lòng vô cùng buồn bã. Bố mẹ Quỳnh Dao vây lấy xung quanh dỗ dành an ủi cô em gái. Đêm đến, Quỳnh Dao đưa cho mẹ xem bảng điểm của mình. Mẹ cô bé nói, sao con chẳng giống em gái mình chút nào vậy?! Nghe xong, Quỳnh Dao chạy ra khỏi nhà và quyết định tìm đến cái chết. Trước khi tự tử, cô bé đã để lại bức thư trên. Sau khi viết xong bức thư, Quỳnh Dao lấy thuốc ngủ của mẹ để tự tử. Bảy ngày sau đó, cô bé mới tỉnh lại.

Ví dụ đau đớn trên đã cho thấy nếu bạn không biết cách cân bằng giữa "Sự thật về tôi", "Điều tôi mong ước" với "Tôi trong mắt mọi người" thì bi kịch đang mở ra trước mắt bạn. Có rất nhiều người vẫn có thể sống trong sự giả dối. Điều này giống như quả dưa hấu, vẻ ngoài xanh bóng, khi bổ ra trông vẫn tươi ngon như thường, nhưng khi lại gần thì mới có thể ngửi thấy mùi ủng của nó.

Khả năng tâm lý phải được tôi luyện trong một thời gian dài. Mọi kinh nghiệm trong cuộc sống đều có ích cho việc hình thành nên trạng thái tâm lý ổn định và hài hòa. Nhưng mặt trái của những trải nghiệm lại giống như lưỡi dao sắc khiến tay bạn chảy máu.

Hình tượng bản thân lành mạnh sẽ dẫn dắt bạn đi trên con đường đầy lòng tự trọng, tự tin và nhân ái. Khi đó bạn sẽ nhận ra rằng, góc khuất trong tâm hồn mình thật kỳ diệu và an toàn.

Chúng ta sẽ hạnh phúc hơn, dũng cảm hơn, thông minh hơn và dám đương đầu với những thử thách phía trước. Bạn có thể sẽ so sánh mình với người khác để tìm ra liệu điểm mạnh của mình là gì, liệu mục tiêu cuộc sống thực sự của mình là gì, mình có thể tập trung mọi sức mạnh vào những ưu điểm đó không?

Chúng ta hãy cùng thử nhé!

Nếu bạn muốn tiết kiệm thời gian và công sức hơn thì hãy điền vào chiếc bảng có sẵn dưới đây nhé. Trò chơi bắt đầu!

Chiều cao Sự thực của tôi Điều tôi mong muốn Tôi trong mắt mọi người

Cân nặng

Ngoại hình

Giới tính

Tính cách

Tầng lớp xuất thân

Trình độ văn hóa

Quan hệ xã hội

Nghề nghiệp

Vợ/ chồng

Gia đình

Thu nhập

Sở thích

Diện tích nhà ở

Lý tưởng

BẠN LÀ NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO?

(HẾT TRÒ CHƠI THỨ 3)

***

Không biết tự làm chủ bản thân, không biết cách quan hệ xã hội chính là những điểm yếu của con người thời hiện đại.