Sau khi chơi xong trò thứ nhất, phải chăng bạn cảm thấy hơi mệt? Tự tìm một người lính trinh sát "điều tra" tâm hồn mình không phải là một công việc dễ dàng. Trình tự của trò chơi thứ hai đơn giản hơn trò chơi thứ nhất một chút nhưng cũng không phải là một trò chơi đơn giản. Trò chơi này có tên "Ai là người quan trọng trong cuộc sống của bạn?".
Có người sẽ hỏi, thế nào là "người quan trọng"?
"Người quan trọng"là một danh từ được dùng trong tâm lý học, chỉ những người có ảnh hưởng to lớn, thậm chí có vai trò quyết định trong quá trình hình thành nhân cách và tâm lý của một con người".
"Người quan trọng" có thể là bố mẹ, bề trên của chúng ta hoặc là anh chị em, hoặc cũng có thể là thầy giáo của chúng ta, hay là một người lạ mặt nào đó chúng ta vô tình gặp trên đường. Ký ức thời thơ ấu tuân theo một quy luật vô cùng kỳ diệu, thần bí. Nếu bạn không chú ý ghi nhớ một việc gì hay một người nào đó thì điều đó có thể sẽ phai mờ theo thời gian. Nhưng có những điều, những người đặc biệt sẽ không bao giờ phôi phai mà sẽ đi theo chúng ta suốt cả cuộc đời. Nếu bạn không tìm lại chúng mà nhìn nhận, nắm bắt chúng theo cách mới thì có thể nó sẽ trở thành một tấm bùa chú, ẩn náu đâu đấy trong tiềm thức của bạn, tác động tới mọi bước đi của bạn trong cuộc sống. Do chịu ảnh hưởng của "người quan trọng"mà một vài tính cách hay cách thức phản ứng của bạn ngày càng hình thành rõ rệt.
Đoạn tôi vừa nói bên trên có đôi chút khô cứng. Vậy thì bây giờ tôi sẽ kể cho các bạn một câu chuyện nhé. Nhân vật chính trong câu chuyện này là tôi và "người quan trọng"của tôi.
Cô ấy là cô giáo dạy nhạc của tôi. Khi đó cô ấy còn rất trẻ, hai bím tóc đuôi sam dài óng ả, hai má lúm đồng tiền vô cùng duyên dáng. Nụ cười của cô đẹp như mùa thu tỏa nắng. Tất nhiên, mỗi khi tức giận, hai chiếc má lúm đồng tiền sẽ lặn đi, mặt "phồng"lên như một chiếc bánh nướng. Lúc đó tôi khoảng 11 tuổi, dáng người rất cao, là ủy viên đại đội và cũng được xem như "sếp"của đám bạn, rất có lòng tự trọng và thích giữ thể diện.
Có một lần nhà trường tổ chức cuộc thi hát "Tháng năm hồng"và phải tới những trường tiểu học danh tiếng tham gia thi. Hồi đó thầy hiệu trưởng rất coi trọng cuộc thi này, hy vọng đội văn nghệ có thể đoạt giải, làm rạng danh cho trường. Trong số đó quan trọng nhất là phần hát hợp xướng nam nữ do cô giáo dạy nhạc đích thân chỉ huy. Hàng ngày các bạn trong đội văn nghệ đều tập trung lại để luyện tập. Và tôi là một trong những người có vinh dự đó. Cứ mỗi lần sau khi tan học, tôi đều đi đến phòng học nhạc, cất cao tiếng hát trong sự ngưỡng mộ của bạn bè.
Một hôm, trong khi luyện tập, bỗng nhiên cô giáo dạy nhạc đánh rơi chiếc đũa chỉ huy, sau đó bước xuống bục, tìm xung quanh. Không có người chỉ huy, tất cả mọi người chúng tôi đều ngừng hát. Thấy vậy, cô không hài lòng nói, nhìn cô làm gì? Mau hát tiếp. Phải hát gì thì hát đó. Hãy hát to lên. Sau khi nói xong, cô đi về phía đội hợp xướng, nghiêng tai lắng nghe chúng tôi hát. Thấy cô giáo quan tâm và nhiệt tình như vậy, chúng tôi ai nấy đều hát rất nhiệt tình.
Cô nghiêm mặt đi vòng quanh đội hợp xướng, sau cùng dừng lại trước mặt tôi, ra hiệu dừng lại. Cả đội bỗng chốc im bặt. Cô chống nạnh và nói, Tất Thục Mẫn, khi đứng trên bục chỉ huy, cô nghe thấy có một người hát bị phô, không biết người đó là ai. Cô đi nghe từng người một, cuối cùng cũng tìm ra người đó. Hóa ra đó là em. Đúng là con sâu làm rầu nồi canh. Bây giờ, cô tuyên bố chính thức loại em ra khỏi đội.
Tôi đứng ngây ra đó, không biết làm gì trước sự "sỗ sàng"bất ngờ đó. Vừa nãy cô giáo dừng lại chỗ tôi rất lâu mà tôi vẫn cứ cho rằng cô đang "thưởng thức"giọng hát của mình. Ai dè là mình bị bắt tại trận. Tôi ủ rũ rời khỏi đội hợp xướng, bước ra khỏi phòng học nhạc với cảm giác vô cùng xấu hổ.
Khi đó tôi vẫn còn là một cô học sinh "ruột để ngoài da", cho dù bị phạt nặng như vậy nhưng cũng chỉ cho là do mình đen đủi. Tôi chạy một mình tới sân vận động tập bóng chuyền, trút bỏ nỗi buồn. Hừ, không cho mình hát thì thôi vậy. Dù sao thì sau này mình cũng không có ý định trở thành nữ ca sĩ hát giọng cao. Dù gì thì cũng chẳng bằng luyện bóng chuyền, cho mồ hôi toát ra, cơ thể sẽ vô cùng thoải mái. (Ôi, mới tí tuổi đầu mà tôi đã học được tinh thần A.Q truyền thống của người Trung Quốc rồi.) Bây giờ nhớ lại hóa ra sự non nớt và tính hiếu thắng cũng đã dần dần lắng xuống.
Ba ngày sau, khi đang tập luyện bóng chuyền ở sân vận động, một cô bạn trong đội hợp xướng hổn hển chạy đến và nói, Tất Thục Mẫn, hóa ra bạn ở đây. Cô giáo dạy nhạc đi tìm bạn khắp nơi đấy.
Tôi lấy làm lạ hỏi: Tìm tớ làm gì?
Cô bạn kia nói, hình như cô muốn bạn quay trở lại đội hợp xướng.
Nghe thấy vậy tôi vô cùng buồn bã, chẳng phải cô bảo tôi hát phô lắm sao, thế sao lại còn tìm tôi làm gì? Sao tự nhiên cô lại thay đổi ý định nhỉ? Đúng rồi, chắc chắn cô đã nghĩ đi nghĩ lại và thấy Tất Thục Mẫn vẫn còn có ích. Trên đường từ sân vận động tới phòng học nhạc, lòng tôi hạnh phúc vui vẻ không tả xiết, giống như một vị quan liêm khiết từ vùng biên cương xa xôi được vua gọi về đảm nhiệm trọng trách vậy. Và tôi sẽ nói thật to "Cô giáo anh minh!". (đúng là cái tuổi giỏi tưởng tượng). Khi bước đến phòng học nhạc, tôi đã nhìn thấy "chiếc bánh nướng"đang rất lạnh lùng. Cô giáo chán chường nói, Tất Thục Mẫn, em mới từng này tuổi mà sao lại cao thế nhỉ?!
Sau khi nghe thấy lời nói với ý trách móc đó, cổ tôi tự nhiên rụt lại, lưng tự nhiên khòng xuống. Từ đó trở đi tư thế xấu xí đó đã theo tôi suốt thời niên thiếu và thanh niên, chút nữa là trở thành người gù.
Dường như cô giáo vẫn chưa hết giận, nói tiếp, em cao thế này khi hát sẽ đứng giữa đội. Vì em hát phô nên tôi sẽ phải để một bạn nam khác hát thấp xuống, như thế mới cân bằng được âm thanh.
Tôi cúi đầu, vốn dĩ chỉ nghĩ đây là việc của riêng mình, ai dè lại làm liên lụy tới người khác. Cô giáo vẫn tiếp tục quở trách, đội hợp xướng vốn dĩ cũng chỉ có mấy người giờ lại phải hát thấp xuống một quãng, làm sao mà hát nổi. Tôi thì cao thế này, đứng vào hát giọng làm sao hòa được vào với mọi người. Bây giờ chỉ còn một cách...
Cô giáo đang nhìn tôi, tôi ngước đầu lên, lại nhen nhóm hi vọng. Tôi đoán được cô giáo sẽ làm gì tiếp theo. Dù chẳng muốn chút nào nhưng cô vẫn cho tôi trở lại đội. Khi đó tôi quyết tâm sẽ không hát phô nữa, trở thành một thành viên của đội hợp xướng một cách chính đáng.
Tôi đứng ngây người nhìn cô giáo. Đội hợp xướng cũng vây lấy xung quanh và bắt đầu tập luyện, ai cũng có cảm giác của riêng mình. Tôi hát phô khiến cho cậu bạn kia cũng phải hát chệch đi theo khiến cho âm sắc của bài hát thiếu khí thế đi hẳn. Nhưng mọi người vẫn chào đón tôi trở về đội.
Cô giáo dạy nhạc đứng dậy, khuôn mặt căng ra như đế giày vừa được khâu đột, cô nói với tôi rằng, Tất Thục Mẫn, em nghe kỹ đây, em được quay trở lại đội nhưng phải nhớ là từ giờ trở đi chỉ được mấp máy miệng, không được hát ra thành tiếng. Nói xong, cô sợ tôi vẫn chưa hiểu, cô giơ tay vẽ một đường khóa trước miệng tôi.
Phải một lúc sau tôi mới hiểu ra lệnh cấm của cô giáo: Bắt tôi trở thành bù nhìn chỉ được mấp máy môi. Nước mắt tôi bắt đầu dâng trào nhưng không dám để lộ ra ngoài. Nhưng tôi không đủ dũng cảm để nói với cô rằng, nếu bắt em là bù nhìn thì em sẽ ra khỏi đội. Ôm nỗi ấm ức nói không thành lời, tôi đứng ngậm ngùi giữa đội hợp xướng, mấp máy môi theo đúng điệu nhạc nhưng tuyệt đối không được phát ra âm thanh. Dường như vẫn chưa yên tâm, chỉ cần nghe thấy một âm thanh chệch ra khỏi bài hát là cô giáo lại nguýt một cái thật dài về phía tôi.
Trong cuộc thi "Tháng năm hồng", trường tôi đã giành giải khá cao. Chỉ có điều từ đó trở đi tôi mắc bệnh không bao giờ dám hát nữa. Ngày tốt nghiệp, khi thi môn âm nhạc, mỗi học sinh đều phải dự thi một bài nhưng tôi không thể nào hát ra thành tiếng. Vì đã thay giáo viên dạy nhạc khác nên cô giáo này không biết chuyện xảy ra trước đây. Thấy vậy, cô giáo lấy làm lạ và nói, Tất Thục Mẫn, khi nghe em nói, cô không thấy họng em có vấn đề gì nhưng tại sao lại không hát được nhỉ. Nếu như em vẫn kiên quyết không chịu hát thì em không thể được điểm môn này. Điều này cũng đồng nghĩa với việc em không thể tốt nghiệp.
Tôi vừa khóc vừa nói, thưa cô em biết. Thưa cô, không phải em không muốn hát mà là em không thể hát được. Nhìn thấy dáng vẻ của tôi lúc đấy đoán được không phải tôi đang giả vờ nên cô chỉ còn cách đưa cho tôi một bài kiểm tra nhạc lý. Tôi đã trả lời đúng tất cả các câu hỏi và coi như có điểm của môn này.
Sau này tôi thi vào Học viện ngoại ngữ Bắc Kinh. Khi thi nói lại phải thi hát. Tôi dứt khoát nói với trưởng ban giám khảo rằng mình không biết hát. Vị giáo viên đó lấy làm ngạc nhiên hỏi, chẳng nhẽ đến bài hát "Học tập tấm gương tốt của "Lôi Phong "em cũng không biết hát sao? ( Lôi Phong (18/12/1940 - 15/8/1962), tên thật là Chính Hưng, người Giản Gia Dường, Trường Sa, Hồ Nam (nay thuộc huyện Vọng Thành, tỉnh Hồ Nam). Là người có công lớn trong quá trình thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tinh thần "toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân" của Lôi Phong chính là tinh thần nỗ lực hết mình trong công tác, nhiệt tình chủ động giúp đỡ người khác trong cuộc sống; cần kiệm, khiêm tốn; cũng chính là nhân sinh quan của chủ nghĩa cộng sản, hay giá trị quan của chủ nghĩa tập thể. Trước lời kêu gọi của chủ tịch Mao Trạch Đông, học tập tinh thần Lôi Phong trở thành một cao trào, cái tên Lôi Phong đã phổ biến khắp đất nước Trung Hoa. Trong những năm 50, 60 của thế kỷ XX, Lôi Phong đã trở thành nhân vật mẫu mực đại diện cho cả lớp người. ở Trung Quốc ngày 3/5 hàng năm đã trở thành "Ngày học tập Lôi Phong". Hiện nay, trong tiếng Trung Quốc ở đại lục, từ "Lôi Phong" đã thành từ thay thế cho cụm "người tốt, việc tốt", tinh thần "trung với Đảng, trung với dân" của Lôi Phong trở thành tinh thần học tập Lôi Phong làm việc tốt. Ngày 10/9/2009, Lôi Phong trở thành một trong "100 nhân vật Trung Quốc có sức lay động từ thời Tân Trung Hoa cho tới nay" - BTV)
Khi đó người Trung Quốc nào cũng hát được bài hát này, nếu tôi đến bài này cũng không hát được thì chẳng khác nào bị thiểu năng trí tuệ. Nhưng tôi vẫn nhất quyết nói với vị giám khảo đó rằng tôi không biết. Thấy vậy vị giám khảo liền nói, tôi nhìn thấy trên cánh tay em đeo một chiếc băng có ba vạch, chứng tỏ em cũng là cán bộ khi còn là học sinh. Nếu đã là cán bộ thì sao lại không thể hát được bài này. Lúc đó tôi nghĩ thà tôi bỏ thi vào trường này còn hơn là phải hát. Tôi nói, em có thể viết ra lời bài này. Nếu thầy nhất định muốn kiểm tra em thì mời thầy mang giấy và bút tới. Chẳng ngờ vị giám khảo đó đi lấy giấy và bút thật. Tôi nắm chắc phần thua trong tay, cố tình kéo dài thời gian để không phải hát, đôi co với các vị giám khảo vô cùng nghiêm khắc khiến cho họ chỉ còn cách "bó tay". Chẳng ngờ khi thông báo kết quả mới biết họ vẫn tuyển tôi. Có thể chính trận "phản kháng"đó của tôi đã khiến cho các vị trong ban giám khảo nghĩ rằng biết đâu sau này tôi sẽ trở thành một nhà đàm phán tài ba. Sau khi nhập học, tôi liền hỏi các bạn học, các cậu đều phải thi hát, đúng không? Mọi người đều nói, ừ, chúng tớ đều phải hát, có gì khó đâu. Hóa ra tôi là người duy nhất thuộc khu vực ngoại thành Bắc Kinh trúng tuyển khóa mới mà không phải hát.
Những tháng ngày sau đó, hành động khóa miệng của cô giáo dạy nhạc có bím tóc đuôi sam dài đó như một chiếc bùa khóa kín cổ họng tôi lại. Cấm lệnh đó vẫn có hiệu lực trong suốt một thời gian dài. Mỗi khi tới lúc bắt buộc phải hát là tôi lại cảm thấy bứt dứt không yên, chỉ muốn tìm cách né tránh. Tôi không chỉ không bao giờ hát nữa mà ngay cả khi phát biểu trước nơi đông người hay phải phát biểu khi tham gia hội nghị nào đó đều cảm thấy vô cùng sợ hãi. Tôi thậm chí có thể tránh Đông tránh Tây, viện hết lý do nọ đến lý do kia để né tránh. Mỗi lần tham gia hội nghị, nhìn thấy đến lượt mình sắp phải lên phát biểu là tôi lại viện cớ đi rửa tay để "trốn biệt"bất chấp mọi hậu quả và đánh giá của mọi người về mình. Có người cho rằng tôi ngạo mạn thậm chí là mất lịch sự. Nhưng chỉ có tôi mới hiểu rằng đó là sự sợ hãi và tiếng kêu gào thảm thiết từ sâu thẳm tâm hồn mình.
Mãi đến một ngày kia, khi tôi chơi trò chơi "Ai là người quan trọng trong cuộc đời bạn", viết ra một danh sách những người có ảnh hưởng quan trọng tới cuộc sống của tôi, trong đầu tôi ngay lập tức hiện ra hình ảnh cô giáo dạy nhạc có bím tóc đuôi sam rất dài và có hai má lúm đồng tiền rất xinh xắn, tất nhiên không thể quên được "sự cố"nhớ đời đó. Từ đó tôi hiểu ra rằng, cô giáo đó chính là "người quan trọng"trong cuộc đời của tôi. Mặc dù tôi đã quên mất tên của cô ấy, mặc dù giờ đây tôi đã trở thành một người trưởng thành đủ để hiểu được dụng ý và nỗi khổ tâm của cô ấy lúc bấy giờ nhưng tôi không thể xóa đi vết thương lòng mà cô ấy đã gây ra cho tôi. Vết thương đỏ rực cho đến bây giờ, mấy chục năm sau dường như vẫn đang bốc cháy.
Phái phân tích thần kinh Freud cho rằng những điều để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn trẻ thơ có thể để lại những tổn thương về mặt tâm lý bởi vì theo quy luật phát triển trí lực trẻ nhỏ, khi còn nhỏ, chúng không thể phân biệt rõ mọi việc và luôn cho rằng đó là do lỗi của mình.
Nói tới đây, tôi chắc chắn rằng người thông minh như bạn đã đoán ra cách chơi của trò chơi này.
Bây giờ xin mời bạn hãy viết lên trên một tờ giấy trắng dòng chữ "Người quan trọng của xxx". Dấu "xxx"chính là tên của bạn.
Sau đó lần lượt viết ra tên của những người quan trọng đó và lý do vì sao họ trở thành người quan trọng của bạn. Và bạn đã hoàn thành trò chơi này rồi đấy.
Bạn có hy vọng rằng tên của mình cũng sẽ được người khác viết lên trên trang giấy này?
Mặc dù trò chơi này chỉ bao gồm hai bước nhưng nó có thể mang lại cho bạn những chấn động về mặt tâm lý.
Sự trưởng thành của một đứa trẻ trước hết là sự khẳng định sự tồn tại của bản thân thông qua sự nuôi dưỡng của bố mẹ bởi khi đó chúng còn quá nhỏ, không đủ khả năng nhận biết thế giới. Giống như canxi và dầu cá có tác động quan trọng tới cơ thể trong giai đoạn phát triển thì hình bóng của "người quan trọng"có thể ăn sâu vào tâm hồn của một đứa trẻ. Những lời nói, những việc làm, niềm vui và hành vi của "những người quan trọng"như có sức mạnh vô hình ăn sâu vào trong tâm hồn bạn một cách thần bí để từ đó "đâm chồi nảy lộc".
Trong mỗi chúng ta đều mang theo hình bóng của "những người quan trọng".
Có một MC truyền hình nổi tiếng ở Mỹ tên là Oprah Winfrey, năm 2003 cô được tạp chí Forbers bình chọn vào danh sách một trong những người giàu nhất nước Mỹ, trở thành đại diện cho những người phụ nữ da đen thành đạt.
Cô sinh ra khi bố mẹ mình chưa kết hôn. Cô phải sống trong một căn nhà chật hẹp tới đường ống nước cũng không có. Một hôm Oprah nấp trong góc phòng đọc sách. Mẹ cô từ ngoài đi vào, giật lấy cuốn sách trong tay cô và quát to, mày đúng là con mọt sách, cút ngay ra ngoài. Mày tưởng mày giỏi giang à? Mày chỉ là một đứa thiểu năng trí tuệ thôi!
Mới lên 9 Oprah đã bị anh họ mình cưỡng hiếp, 14 tuổi mang thai, đứa trẻ vừa sinh ra đã chết. Kể từ đó Oprah bắt đầu một cuộc sống buông thả. Cô bắt đầu hút thuốc phiện, uống rượu, ăn uống bừa bãi và đã khiến cho thân hình mình trở nên vô cùng to béo. Cô thậm chí còn có ý định tự tử. Khi đó không ai tin cô, kể cả chính bản thân cô. Đúng lúc này bố cô nói với cô rằng:
Có những người để mọi việc xảy ra
Có những người nhìn mọi việc xảy ra
Có những người đến mọi việc xảy ra cũng không hay biết.
Từ đó trở đi Oprah bắt đầu thay đổi, không ngừng nỗ lực phấn đấu. Cô muốn biết rốt cuộc mình có thể khiến cho điều gì xảy ra. Cô nhất định sẽ trở thành một người "biết làm nên chuyện". Sau khi tốt nghiệp đại học, cô được nhận vào làm MC cho đài truyền hình. Năm 1984 cô bắt đầu dẫn chương trình "Buổi sáng Chicago"và chương trình này vô cùng thành công. Trong một thời gian rất ngắn, nó đã trở thành chương trình có tỉ lệ người xem cao nhất. Sau đó cô bắt đầu khởi động chương trình đọc sách trên toàn nước Mỹ. Sự đam mê đối với sách cộng với sức ảnh hưởng của Oprah đã làm thay đổi số phận của nhiều cuốn sách. Chỉ cần trong chương trình của mình, cô khen quyển sách nào hay là lượng tiêu thụ của cuốn sách đó sẽ tăng vùn vụt.
Oprah còn thành lập công ty riêng, xuất bản ra một cuốn tạp chí vô cùng ăn khách. Cô còn là cổ đông của một công ty về mạng internet. Lòng nhân ái của Oprah cũng vang xa như tiếng tăm của cô vậy. Hàng năm cô đều trích ra 10% thu nhập của mình để làm từ thiện. Chính đôi bàn tay của Oprah đã làm ra quá nhiều điều bổ ích. Oprah nói rằng thành công của cô ngày hôm nay chủ yếu bắt nguồn từ câu nói của cha cô năm xưa.
Nếu để Oprah viết ra tên những người quan trọng trong cuộc đời mình thì bố của cô sẽ là một trong số đó. Ông không chỉ tặng cho cô sinh mạng, mà còn tặng cho cô cả một tâm hồn. Cũng có thể coi mẹ của Oprah là một trong những người quan trọng trong cuộc sống của cô. Bà đã dùng bạo lực để giẫm đạp lên niềm đam mê đọc sách của Oprah. Sự uất ức ghìm nén sau bao nhiêu năm cuối cùng đã trở thành động lực giúp Oprah khi đã trưởng thành dồn bao tâm sức và nhiệt huyết vào những lao động sáng tạo có liên quan tới sách. Oprah không chỉ ham đọc sách mà còn luôn giới thiệu cho mọi người những cuốn sách hay. Người anh họ vô liêm sỉ đã cưỡng bức Oprah cũng có thể là một trong những người được viết lên trang giấy. Việc làm của người anh họ đã gây ra một sự đau khổ vô cùng to lớn đối với Oprah và khiến cô trở thành một người buông thả. Nhiều năm sau khi trở nên nổi tiếng, quyền lực và giàu có, Oprah đã trích ra một lượng tiền lớn để làm từ thiện, đặc biệt là giúp đỡ trẻ nhỏ và những người phụ nữ da đen.
Bạn đã thấy chưa, những người quan trọng trong cuộc đời bạn có sức ảnh hưởng to lớn tới cuộc sống của bạn như vậy đó.
Jack Welch, CEO của một công ty điện khí Mỹ được tôn vinh là vị CEO tài giỏi nhất thế giới. Chỉ trong vẻn vẹn 20 năm, thị phần của công ty Welch đã tăng lên hơn 30 lần, đạt mức doanh thu bốn mươi nghìn tỉ đô la Mỹ, nhảy vọt từ vị trí thứ 10 trên thế giới lên vị trí thứ 2. Welch nói, món quà giá trị nhất mà mẹ anh dành cho anh chính là lòng tự tin. Từ nhỏ Welch đã bị nói lắp. Thời học đại học, cứ thứ sáu hàng tuần là những tín đồ theo đạo Thiên Chúa giáo không được ăn thịt, vì vậy vào ngày này, Welch thường gọi một suất bánh nướng kẹp cá thu trong nhà ăn của sinh viên. Nhưng kỳ lạ là nữ phục vụ luôn mang tới hai suất. Tại sao lại như vậy? Bởi vì Welch bị nói lắp nên thường nói lặp lại số lượng suất ăn, khiến người phục vụ nghe thành "hai suất bánh nướng kẹp cá thu".
Khi biết con mình bị tật nói lắp, mẹ của Welch vẫn tìm ra được một lý do hoàn hảo. Ngay từ khi còn nhỏ, bà đã nói với Welch rằng "Bởi vì con quá thông minh. Không ai có lưỡi chuyển động nhanh hơn bộ não thông minh của con cả".
Welch luôn ghi nhớ câu nói này của mẹ mình. Vì vậy từ trước tới nay anh chưa bao giờ mặc cảm về tật nói lắp của mình. Anh hoàn toàn tin tưởng vào lời nói của mẹ mình. Não của anh hoạt động nhanh hơn lưỡi của anh. Mẹ Welch luôn hướng cho anh không ngừng tiến về phía trước cho tới khi anh đạt được đỉnh cao danh vọng. Và như vậy, bà đã trở thành một trong những người quan trọng trong cuộc đời của Welch.
Câu chuyện tiếp theo sẽ là câu chuyện về một quả táo. Nói chính xác hơn là câu chuyện về hai quả táo. Một người mẹ nọ có hai người con. Bà lấy ra hai quả táo, một quả to và một quả nhỏ. Người mẹ để cho hai đứa con tự chọn. Người con lớn rất muốn có được quả táo to, trong lúc đang nghĩ xem nên nói gì để lấy được quả táo to thì người em đã nhanh miệng nói, con muốn quả táo to. Nghe thấy vậy, người mẹ liền mắng, nếu con muốn có được quả táo to thì con không nên nói ra. Ngay lập tức, đứa con lớn nhanh trí nói, con muốn quả táo nhỏ, để quả táo to cho em mẹ ạ. Người mẹ nghe xong nói, như vậy mới là đứa con ngoan, rồi đưa quả táo nhỏ cho người em và quả táo vừa to vừa đỏ cho người anh. Từ lời nói của người mẹ, người con lớn đã rút ra một kinh nghiệm trong cuộc sống: Bạn không được nói ra những lời nói thật lòng, bạn phải biết cách che giấu sự thật. Sau này, người con lớn vận dụng đạo lý học được từ quả táo vào trong cuộc sống. Gặp bất kỳ ai anh ta cũng chỉ nói lấp lửng để bày mưu tính kế lừa tiền người khác. Cho đến một ngày kia anh ta bị nhốt vào tù. Và nếu để anh ta viết ra tên của người quan trọng trong cuộc sống của mình thì chắc chắn anh ta sẽ viết ra tên của mẹ mình và quả táo chín đỏ đó.
Một người mẹ khác có một giỏ táo và một đàn con. Đàn con ai ai cũng muốn có được quả táo to và ngon nhất. Người mẹ cầm một quả táo lên và nói, táo thì chỉ có một quả nhưng anh em các con lại nhiều thế này, mẹ biết cho ai bây giờ? Mẹ chia bãi cỏ kia thành ba phần, các con mỗi người đi cắt cỏ một phần. Ai làm vừa nhanh vừa sạch, mẹ sẽ thưởng quả táo cho người đó.
Kết quả là người anh cả đã nhận được quả táo đó. Anh ấy đã nhận ra được triết lý của cuộc sống là:
Muốn hưởng thụ thì phải lao động. ý niệm đó đã chỉ đường cho anh cho tới khi anh đặt chân được vào nhà trắng và trở thành một chính trị gia nổi tiếng.
Nếu để anh ta viết ra tên của người quan trọng thì chắc chắn trên trang giấy sẽ hiện ra tên của người mẹ và quả táo kia.
Sau khi đọc xong những ví dụ trên, có phải bạn đã hiểu rõ hơn về tầm ảnh hưởng của những người quan trọng? Cũng có người sẽ nói rằng, khi còn nhỏ, trí nhớ của tôi không được rõ ràng lắm vì vậy chẳng thể nhớ được người này thế nào người kia thế nào. Bây giờ mọi việc tôi làm đều là do tôi tự quyết định, không liên quan gì đến những người khác.
Điều này cũng đúng. Rất nhiều quyết định trong cuộc sống của chúng ta đều được đưa ra sau khi đã suy nghĩ kỹ. Nhưng con người là loài động vật cao cấp có tình cảm. Cảm xúc thường tác động tới quyết định của con người. Nhưng cảm xúc do đâu mà có? Điều này lại có quan hệ mật thiết với những người quan trọng.
Có một nhà tâm lý học rất nổi tiếng, tên là Ellis. Ông cho rằng, những ý niệm phi lý tính của con người có thể ảnh hưởng tới cảm xúc của người đó khiến anh ta gặp phải rắc rối và sẽ mang lại cho anh ta nhiều đau khổ. Ví dụ có nhiều người nhất định phải khiến cho mọi người xung quanh công nhận mình, đặc biệt là sự công nhận, yêu mến và tán thưởng từ một người quan trọng. Nhưng trên thực tế điều này không thể trở thành hiện thực. Có nhiều người hết lòng tin theo ý niệm này, coi đó là chân lý, bất chấp mọi khó khăn gian khổ, thậm chí phải chịu thua thiệt để lấy lòng những người quan trọng, và sau đó dần dần lấy lòng được nhiều người quan trọng hơn. Và kết quả là những mất mát và thất vọng, là những cú shock, là sự tổn thương.
Thần kinh học truyền thống cho rằng, cảm xúc của mỗi người đều là những phản ứng có được sau khi được não bộ phân tích. Nhưng gần đây, các nhà khoa học về thần kinh của Mỹ đã tìm thấy một kênh truyền tải cảm xúc. Nhờ vào những nghiên cứu chuẩn xác mà các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng có một phần tín hiệu ban đầu được truyền trực tiếp từ não trung gian tới trung khu thần kinh, tạo ra sự né tránh hay các phản ứng xúc động. Tốc độ truyền rất nhanh tới mức sự phân tích của đại não về cơ bản không thể ghi lại. Trong não có một nơi ghi lại mọi cảm xúc gọi là nhân não. Chúng ghi lại những cung bậc tình cảm, phản ứng của chúng ta về mọi chuyện. Có thể coi nhân não như một nhân viên bảo quản giữ liệu vô cùng cần mẫn. Mỗi khi xảy ra những chuyện tương tự, khu vực này sẽ trực tiếp gây ra những phản ứng mà không cần phải thông qua sự phân tích lý tính của não.
Mặc dù đội quân phản ứng nhanh của nhân não giúp chúng ta rút ngắn thời gian phản ứng mỗi khi ở vào tình huống nguy cấp, bảo vệ lợi ích của chúng ta nhưng đôi khi cũng tạo ra những phản ứng "cố định"và mô phạm dẫn tới hỏng việc lớn.
Những tư liệu "cảm xúc"được lưu trữ trong nhân não không phải được ghi lại ngày một ngày hai mà là cả một quá trình. Tại sao những người quan trọng lại gây ra những ảnh hưởng mạnh mẽ tới bạn như vậy. Tôi đoán những ký ức về người quan trọng là phần tài liệu có tần số sử dụng cao nhất. Những chuyện đã qua được lưu vào những thước phim, để trong phòng rửa ảnh. Mỗi khi được ngâm vào dung dịch rửa ảnh là hình ảnh của chúng sẽ dần dần hiện lên. Điều này cũng giống như những việc vừa mới xảy ra đang hiện ra trước mắt.
Bùa phép có thể bị hóa giải. Khi còn nhỏ bạn có thể bị tổn thương. Đó không phải là lỗi của bạn nhưng những vết thương đó tới nay vẫn còn rỉ máu. Và bạn đang tìm cách để băng bó vết thương? Nếu những vết thương lòng này cũng giống như hơi nước đang thải ra từ ống thoát nước, vẫn tiếp tục tác động mạnh mẽ tới bạn không chỉ ngày hôm nay, ngày mai và thậm chí cả ngày kia thì có nghĩa là bạn vẫn dửng dưng với những tác động đó. Những ký ức thời niên thiếu không thể thay đổi được, nhưng những người trưởng thành hoàn toàn có thể lần theo sợi dây "những người quan trọng"để chỉnh lại mối quan hệ với họ, để nhìn và đánh giá lại những quy tắc và phương thức hành động của chúng ta. Nếu điều đó hợp lý thì nó sẽ trở thành một phần quan trọng của lý trí. Nhưng nếu nó trở thành những hạt bụi cản trở bạn thì hãy dùng tay phủi chúng đi. Quá trình này không phải dễ dàng có được nhiều khi chúng ta sẽ cảm thấy lực bất tòng tâm hay mệt mỏi, đau khổ. Thậm chí đôi khi chúng ta còn phải nhờ đến sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý.
Có thể cũng có người nói rằng, những ảnh hưởng của người quan trọng đối với cuộc sống của tôi là tích cực. Bởi vì trong tôi luôn có hình ảnh của họ nên tôi mới có được ngày hôm nay. Trò chơi này không nhằm mục đích xóa bỏ hoàn toàn tầm ảnh hưởng của người quan trọng ra khỏi con người bạn, mà những ảnh hưởng tích cực của người quan trọng đã trở thành một phần trong tâm hồn chúng ta. Sự kỳ vọng và dạy dỗ của họ đã trở thành huyết mạch trong cơ thể của tôi và cả các bạn. Chúng ta không thể đánh mất sự tín nhiệm và tình yêu thương mà họ dành cho chúng ta. Nhưng chúng ta không sống trong sự kỳ vọng của những người quan trọng, mà sống trong chính sự nỗ lực của chúng ta. Cho dù những kinh nghiệm đó có quý báu tới mức nào thì đối với chúng ta đó cũng chỉ là những điều thuộc về quá khứ. Chúng ta phải sống vì bản thân và phải có trách nhiệm với chính bản thân mình.
Những tổn thương được xoa dịu đã làm mất đi sự kiểm soát ban đầu của nó. Câu mệnh lệnh "Em tuyệt đối không được hát thành tiếng"của cô giáo dạy nhạc kia giờ đây không còn khả năng khống chế tôi được nữa.
Những đứa trẻ lớn lên trong tình yêu thương vô bờ bến sẽ dễ bị tổn thương về mặt tâm lý hơn.
Quá trình tìm kiếm những người quan trọng trong cuộc sống của chúng ta chính là quá trình xoa dịu những nỗi đau.
Sau khi đã nghĩ thông suốt mọi vấn đề, tôi cảm giác như có một luồng hơi ấm đang trào dâng trong cơ thể. Tôi cảm nhận rõ ràng những viên đá chặn ngang cổ họng tôi đang dần dần nứt vỡ. Và tôi giờ đã được giải thoát hoàn toàn với những lời mắng nhiếc xưa kia. Kể từ ngày hôm đó, tôi lại hát được, lại có thế thuyết trình, phát biểu trước đám đông mà không còn cảm giác sợ hãi. Cũng kể từ ngày hôm đó, tôi đã tha thứ cho cô giáo dạy nhạc của tôi và kể lại câu chuyện này cho những thầy cô giáo khác, hy vọng họ sẽ biết trân trọng những tâm hồn non nớt và nhạy cảm của con trẻ. Những tổn thương khi còn nhỏ khó có thể dùng thời gian để chữa lành. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ vô cùng khó khăn đặt ra cho ngành tâm lý trị liệu. Tính cách ôn hòa không phải tự nhiên mà nó có mối quan hệ mật thiết với việc tự vấn bản thân.
Hãy nói cho những người thiếu nước biết nơi nào có nguồn nước. Hãy nói cho những người đang chịu rét nơi nào có lửa trại. Hãy nói cho những người bệnh nơi nào có thuốc chữa. Hãy nói cho những người đói nơi nào có quả dại. Đó là những món quà tuyệt vời nhất của cuộc sống.
Nếu được bình chọn cho trò chơi tôi thích nhất thì rất có thể tôi sẽ bỏ một phiếu cho trò chơi "Ai là người quan trọng trong cuộc sống của bạn".Nhờ có trò chơi này mà tâm hồn tôi phần nào đã được "chữa trị". Sáng tạo và hủy hoại đều do con người mà nên. Chúng ta mãi mãi là chủ nhân cuộc sống của chính mình. Cho dù khi bạn mềm yếu nhất, cô đơn nhất thì bạn vẫn phải làm chủ bản thân mình. Khi bạn bắt đầu kiểm điểm bản thân mình, bắt đầu quá trình tìm kiếm những nguyên tắc sống trong đời mình thì cũng chính là lúc bạn sẽ bắt đầu cảm nhận được sự bình yên và hạnh phúc trong tâm hồn.
Sau khi hoàn thành trò chơi, bạn hãy ngẩng đầu và ngắm nhìn bức tranh trên tường kia.
(HẾT TRÒ CHƠI THỨ 2)