Vương Thúc Quý sinh năm Nhâm Tuất (1862) là con trai độc nhất của tú tài Vương Thúc Mậu, người làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Vương Thúc Quý từ nhỏ đã là người học giỏi, tài hoa. Vùng Nam Đàn có bốn người học giỏi nổi tiếng vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX được mệnh danh là "Tứ hổ" thì làng Kim Liên chiếm tới ba người là Vương Thúc Quý, Nguyễn Sinh Sắc, Trần Văn Lương, chỉ còn ại Phan Bội Châu người làng Đan Nhiệm:
Uyên bác bất như San
Thông minh bất như Sắc
Tài hoa bất như Quý
Cường ký bất như Lương
Nghĩa là:
Không ai hiểu biết rộng như Phan Văn San (tức Phan Bội Châu)
Không ai thông minh như Nguyễn Sinh Sắc
Không ai tài hoa như Vương Thúc Quý
Không ai nhớ giỏi như Trần Văn Lương
Khoa thi Hương năm Tân Mão (1891), Vương Thúc Quý đi thi đậu cử nhân. Mang nặng mối thù nhà, nợ nước, ông không ra làm quan, cũng không đi thi Hội ở nhà dạy học, cùng Phan Bội Châu hoạt động cách mạng cứu nước.
Ngày 14 tháng 7 năm 1901, lợi dụng ngày Quốc khánh nước Pháp có nhiều người đi lại trong thành Nghệ An, Vương Thúc Quý, Trần Hải đã theo Phan Bội Châu chỉ huy khoảng 20 người, bí mật tập trung trong thành Nghệ An định dùng giáo mác để cướp vũ khí giặc rồi đánh úp tỉnh thành Nghệ An. Việc không thành vì tên Nguyễn Điềm phản bội mật báo với thực dân Pháp. Tổng đốc Nghệ An Đào Tấn hết lòng che chở, nên Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Trần Hải và những người tham gia đều thoát nạn.
Năm 1904 Phan Bội Châu thành lập hội Duy tân ở Quảng Nam, năm 1905 phát triển ra Nghệ An, Vương Thúc Quý trở thành người tích cực hoạt động cho hội Duy tân. Ông tổ chức cho nhiều thanh niên Nghệ An xuất dương sang Nhật du học và vận động tài chính cho Hội. Năm 1907, trường Đông Kinh nghĩa thục được thành lập ở Hà Nội, Vương Thúc Quý thành lập phân hiệu Đông Kinh nghĩa thục ở làng Sen xây dựng tủ sách Tân thư.
Giữa năm 1907 Vương Thúc Quý trên đường ra Hải Phòng để sang Nhật. Ông tới Nam Định, bị ốm nặng phải trở về quê nhà. Bệnh tình ngày càng trầm trọng, ngày 19 tháng 7 nãm 1907, Vương Thúc Quý cố gắng ngồi dậy, bảo người bên cạnh đưa giấy, bút, viết mấy chữ : "Phụ thù vị báo, thử si1;" (Nghĩa là: thù cha chưa báo được đời này thật uổng, rồi trút hơi thở cuối cùng.