Hồ Sĩ Tạo sinh năm Kỷ Tỵ (1869), người thôn Hòa Cư, làng Nhơn Hưng, tổng An Mỹ, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, nay là xã Hòa Cư, huyện Tuy Viễn, tỉnh Bình Định. Hồ Sĩ Tạo đậu Tú tài tại trường thi Hương Huế, năm 19 tuổi. Năm Tân Mão, Thành Thái thứ 3 (1891), ông đỗ cử nhân ở trường thi Bình Định. Ông được bổ làm giáo thụ ở Tuy Hòa. Vừa làm quan, ông vừa học, khoa thi Giáp Thìn, Thành Thái thứ 16 (1904), ông đỗ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, năm 36 tuổi. Được bổ làm Thừa phái ở bộ Lại 4 năm, rồi bổ Tri huyện Tân Định, tỉnh Khánh Hòa.
Năm 1905, Hồ Sĩ Tạo, Trương Gia Mô, Hồ Tá Bang, Tôn Thất Doãn đã bí mật tiếp xúc với Phan Chu Trinh trong chuyến đi vào Nam tìm bạn đồng tâm. Tuy vậy bọn mật thám Pháp cũng dò xét được cuộc gặp gỡ bí mật của các ông, báo cho Khâm sứ Trung Kỳ và triều đình Huế biết.
Hồ Sĩ Tạo hưởng ứng phong trào Duy tân và hoạt động tích cực cho hội. Đầu năm 1908, Hồ Sĩ Tạo về quê cư tang mẹ. Trong lúc ông đang ở quê thì ở Quảng Nam, Quả nổ ra vụ ""chống thuế, xin xâu". Theo gương các nhà chí sĩ ở Nam - Ngãi, Hồ Sĩ Tạo phát động nhân dân Bình Định noi gương 2 tỉnh Nam Ngãi chống thuế. Tại đây ông kết thân với Tiến sĩ Trần Quý Cáp. Ông đã phát động được phong trào chống thuế, xin xâu rộng lớn ở Bình Định. Nhân dân tín nhiệm mời ông làm minh chủ. Xúc động trước sự tín nhiệm của nhân dân, ông đã từ quan về quê gánh vác công việc nhân dân giao phó.
Phong trào chống thuế ở Trung Kỳ bị bọn cầm quyền Pháp đàn áp khốc liệt, hàng trăm người bị bắn chết, bị giam, Hồ Sĩ Tạo cùng nhiều nhà lãnh đạo khác và nhân dân tham gia chống thuế bị thực dằn Pháp bắt. Bùi Giản, Tổng đốc Bình Định tay sai đắc lực của thực dân Pháp khép ông vào tội chết song ông chỉ bị án 12 năm tù giam ở nhà lao Bình Định.
Khi ở trong tù, Hồ Sĩ Tạo làm nhiều thơ, trong đó có bài "Xuân Nhật ngẫu cảm"" như sau:
"Năm mới ngày xuân cha chả vui
Vui rồi nghĩ lại vẫn bùi ngùi
Một thân võng lọng, gông cùm đủ
Nửa áng xuân thu khổ xướng rồi
Chương chướng ngoài tai trâu ngựa gọi,
Khăng khăng trong dạ đá vàng trui
Từ đây cho đến về sau nữa
Sau nữa ra răng để thử coi".
Mãi đến năm 1920 ông mới được ra tù. Ông không ra làm quan, ở quê nhà mở trường dạy học, giữ trọn tấm lòng son sắt với đất nước. Ông mất năm Giáp Tuất (1934) tại quê nhà.