28 ngày đêm quyết định vận mệnh Trung Quốc

Chương 15

Docsach24.com
ào những năm cuối đời và nhất là hậu kỳ Cách mạng văn hóa, Mao Trạch Đông nhận thấy Bộ Chính trị thường chia thành hai phe, không biết tin phe nào, ông bèn dùng một lực lượng trung gian, cầu nối. Hai cô gái trẻ được Mao Trạch Đông tin dùng làm công việc ấy là Vương Hải Dung - cháu của Mao, và Đường Văn Sinh - con của Đường Minh Chiếu, quan viên Bộ ngoại giao. Vương - Đường như hai chị em, ăn mặc giản dị, tóc để ngắn ngang tai, mắt luôn đeo kính cận, thật là hình tượng điển hình của lớp trí thức trẻ thuở ấy. Hai cô là cán bộ phiên dịch của Bộ ngoại giao được phân công phiên dịch cho Mao Trạch Đông khi tiếp khách nước ngoài.

Nhưng quan trọng hơn, là thu thập tình hình trong nội bộ Bộ Chính trị rồi báo cáo lại cho Mao Trạch Đông biết và truyền đạt những chỉ thị của ông đến Bộ Chính trị và Trung ương. Một số văn kiện phát cho các ủy viên Bộ Chính trị cũng liệt kê tên của Vương, Đường vào đó.

Ngày 18 tháng 10 năm 1974, Vương Hồng Văn đáp máy bay đi Trường Sa báo cáo cho Mao Trạch Đông rằng Thủ tướng Chu Ân Lai tuy nằm viện mà vẫn ngày đêm gọi người đến làm việc, rằng những người thường lui tới với thủ tướng là Đặng Tiểu Bình, Diệp Kiếm Anh, Lý Tiên Niệm, rằng hình như họ bàn bạc về sắp xếp nhân sự cho Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa 4, rằng Bắc Kinh có không khí của hội nghị Lư Sơn năm nào v.v.... Mao chỉ nghe mà không một lời đồng ý hay phản đối, Vương Hồng Văn lủi thủi ra về và không biết Mao đánh giá mình ra sao.

Đêm ấy, khi Vương Hồng Văn còn ở Trường Sa, thì Giang Thanh cho mời hai cô gái Vương Hải Dung và Đường Văn Sinh đến lầu số 10 Điếu Ngư Đài cùng Trương Xuân Kiều và Diêu Văn Nguyên trao đổi công việc. Họ nhờ hai cô báo cáo với Mao Trạch Đông về diễn biến hội nghị Bộ Chính trị hôm 17 tháng mười, khi thảo luận vấn đề “Phong Khánh Luân”, Đặng Tiểu Bình đã cãi nhau với Giang Thanh, rồi bỏ về; về tinh hình các vị trong chính phủ luôn luôn móc nối liên lạc với nhau, và hình như Chu Ân Lai đứng sau hậu đài. Họ cũng nhắc lại hồi đại Cách mạng văn hóa, Đặng Tiểu Bình đã chủ trương: “Mua tàu hơn đóng tàu, và thuê tàu hơn mua tàu”, thật là sùng ngoại trọng Tây v.v...

Sáng hôm sau, hai cô vào bệnh viện thăm Thủ tướng Chu Ân Lai và trình bày hết sự tình đêm hôm qua, Chu cười mà rằng: “Bốn người ấy muốn hại Đặng Tiểu Bình đó, tôi đang tìm hiểu tình hình và sẽ giải quyết dần”. Ông biết rằng trọng tâm của việc đấu tranh lần này là sắp xếp nhân sự đại hội, và đã đến tai Mao Trạch Đông rồi, vấn đề là phải xem ý kiến của Mao như thế nào.

Ngày 20, Vương Hải Dung, Đường Văn Sinh tháp tùng thủ tướng Đan Mạch đến tiếp kiến Mao Trạch Đông. Sau khi làm xong phận sự thông dịch ngoại giao, hai cô nhận chỉ thị của Mao như sau: “Thủ tướng vẫn là thủ tướng, công việc nhân sự cho Đại hội đại biểu nhân dân sắp tới giao cho Thủ tướng và Vương Hồng Văn cùng quản lý, kiến nghị Đặng Tiểu Bình đảm nhận các chức vụ: Phó chủ tịch Đảng, Phó thủ tướng thứ nhất, Phó chủ tịch kiêm Tổng tham mưu trưởng Quân ủy trung ương. Bảo với Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều và Diêu Văn Nguyên đừng có đứng sau Giang Thanh mà phê phán lung tung”.

Vương, Đường - “cầu nối” của Mao, đã y nguyên lời lẽ như trên mà truyền đạt cho Bộ Chính trị và Trung ương.

Mao cho gọi Đặng Tiểu Bình về, đó là ngày 12 tháng mười một năm 1974, dự buổi nói chuyện giữa hai ông vẫn không vắng mặt hai “cầu nối” Vương, Đường.

- Đồng chí đã khai trương công ty thép rồi!

Mao vui vẻ như tán dương Đặng.

- Chủ tịch đã biết sự việc.

- Biết.

- Tôi thực sự chịu không nổi, không chỉ một lần.

- Tôi tán thành đồng chí.

- Bà ta đã bảy tám lần như vậy ở Bộ Chính trị.

- Áp bức người khác, tôi không thích như thế.

Mao chỉ tay sang hai cô Vương, Đường và nói tiếp: Các cô đây cũng không thích thế.

- Tôi cảm thấy sinh hoạt trong Bộ Chính trị gần đây không được bình thường, cuối cùng đành phải cùng bà ta gang thép với gang thép một phen. - Đặng Tiểu Bình trả lời.

- Được lắm, - Mao rất vui.

- Thưa Chủ tịch, về quyết định phân công công tác, tôi không dám có ý kiến gì khác, nhưng xem ra có hơi nặng.

- Không còn cách nào khác, hãy cố mà gánh vác. - Mao vui vẻ động viên.

Từ ngày 13 đến ngày 17 tháng giêng năm 1975, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa 4 được cử hành tại Bắc Kinh. Đại hội đã bầu những người đứng đầu Quốc vụ viện, Thủ tướng Chu Ân Lai, các phó thủ tướng: Đặng Tiểu Bình, Trương Xuân Kiều, Lý Tiên Niệm, Trần Tích Liên, Kỷ Đăng Khuê, Hoa Quốc Phong, Trần Vĩnh Quý, Ngô Quế Hiền, Vương Chấn, Dư Thu Lý, Cốc Mục, Tôn Kiện. Thế cuộc giao tranh đã đến hồi kết thúc và âm mưu đoạt quyền của “tứ nhân bang” cũng vào lúc cáo chung.

Sau đại hội, Chu Ân Lai lâm bệnh nặng, Đặng Tiểu Bình thay quyền thủ tướng, chủ trì công việc thường nhật của Quốc vụ viện và trên thực tế là của Trung ương. Một bình luận gia quốc tế đã nhận xét: Tác phong của Chu và Đặng không giống nhau, Chu Ân Lai chú ý sách lược, khiến cho mình nổi trên mặt nước, nhưng không thay đổi phương hướng chủ yếu của dòng chảy, còn Đặng Tiểu Bình thì không chịu thuần phục, ông lập tức đắp đê, dựng đập ngăn dòng lũ đó.

Hành xử những quyền hạn mà Mao Trạch Đông giao phó, Đặng Tiểu Bình đã chú trọng khôi phục kinh tế và kiên quyết chỉnh đốn Đảng, đấu tranh với phái “tả” và “bè lũ bốn tên”. Người đời sau cho rằng lúc bấy giờ Đặng Tiểu Bình đã hành động rất ngoan cường với thái độ “biết trên núi có hổ mà vẫn đi về phía núi đó”, vì không còn cách nào khác.