201 Câu Hỏi Hay Nhất Có Thể Đặt Ra Cho Nhà Tuyển Dụng

Chương 15 : Bạn Không Vượt Qua Cuộc Phỏng Vấn. Vậy Thì Bạn Sẽ Làm Gì?

HÃY BIẾN LỜI TỪ CHỐI THÀNH MỘT KINH NGHIỆM HỌC HỎI

Không ai lại thích mình bị loại bỏ hay từ chối cả, nhưng nếu bạn thật sự nghiêm túc với sự nghiệp của mình về lâu về dài, thì bạn cần phải học cách tận dụng sự từ chối. Trong sự nghiệp của mình, bạn sẽ bị từ chối vì rất nhiều lý do – có những lý do chính đáng, cũng có những lý do không hề chính đáng – và đôi khi chẳng vì lý do nào hết cả. Thử thách của việc tận dụng sự từ chối là chấp nhận những hạn chế của mình, biến nỗi tuyệt vọng thành hành động, và rút kinh nghiệm sau mỗi lần bị từ chối. Cho phép tôi diễn đạt lại lời cầu nguyện nổi tiếng về sự thanh thản:

“Xin hãy cho con sự tự tin để chấp nhận sự từ chối mà con không thể thay đổi được, sự quyết tâm để thay đổi sự từ chối mà con có thể, và sự khôn ngoan để học hỏi từ mỗi lần bị từ chối.”

Khi bị từ chối, hầu hết các ứng viên đều “cuốn gói bỏ đi” ngay. Điều đó là dễ hiểu, nhưng hoàn toàn là một chiến lược sai lầm. Đối với một người bán hàng, từ “không” chỉ là sự mở đầu cho một cuộc đối thoại khác. Nhiều ứng viên đã biến việc bị từ chối thành một mối quan hệ, mà từ mối quan hệ đó lại dẫn tới một lời mời làm việc khác, nếu không phải là công việc ban đầu thì cũng là một công việc khác. Ngay cả khi bạn không thể làm như vậy thì việc bị từ chối cũng có thể có ích nếu bạn có thể nhận được những ý kiến phản hồi đáng tin cậy.

Thử thách đầu tiên với bạn là tìm ra lý do tại sao bạn lại bị từ chối. Hãy thành thực với bản thân khi bạn nghĩ tới lý do đó. Thường thì bạn sẽ biết tại sao lại như vậy. Bạn chưa đủ khả năng chuyên môn, bạn vượt quá trình độ chuyên môn yêu cầu, hay mức lương trước đó của bạn quá cao hoặc quá thấp. Những lý do phản đối này chắc chắn được đưa ra trong cuộc phỏng vấn, vì thế bạn lẽ ra không nên quá ngạc nhiên trước việc họ từ chối nhận bạn. Bạn có thể thấy dễ chịu hơn khi nghĩ rằng chẳng còn điều gì có thể làm mà bạn chưa làm để vượt qua những lý do phản đối đó cả.

Hẳn phải có lần nào đó bạn sẽ không vượt qua được cuộc phỏng vấn, nhanh chóng nhận ra bạn đã làm sai điều gì, và ngay sau đấy lại tự dằn vặt bản thân mình. Bạn có thể sửa một vài trong số những sai sót này, nhưng những sai sót khác lại quá lớn, chẳng thể nào tránh được, ít nhất là trong chừng mực công việc này. Có lẽ bạn đã ăn mặc không phù hợp. Hay có lẽ bạn đã vô tình xúc phạm người phỏng vấn. Có lẽ một lúc nào đó, bạn đã cho phép bản thân mình bộc lộ sự tức giận về người quản lý trực tiếp hiện tại của mình. Có thể bạn đã tới cuộc phỏng vấn muộn hay không chuẩn bị trước vì bạn không có bất cứ câu hỏi nào cần đặt ra cả. Lúc rời khỏi cuộc phỏng vấn, bạn biết là chẳng còn hi vọng gì nữa rồi. Hãy xem xét lại những kinh nghiệm đáng học hỏi này và quyết tâm sẽ kiểm soát bản thân chuyên nghiệp hơn trong lần tới.

Nhưng thông thường thì sự từ chối sẽ đến từ phía người phỏng vấn, và bạn sẽ cảm thấy mù mờ vì đơn giản là bạn đã không hình dung rằng mình sẽ bị từ chối. Bạn cảm thấy mình là người có khả năng chuyên môn phù hợp với công việc này. Người phỏng vấn có vẻ thích bạn và có một vài dấu hiện tích cực cho thấy rằng mọi thứ đang được diễn ra thuận lợi. Bạn rời khỏi cuộc phỏng vấn với tâm trạng lạc quan. Sau đó, bạn nhận được một lá thư hoặc một cú điện thoại gửi lời cám ơn tới bạn, nhưng thực chất lại là lời cám ơn và từ chối.

Phải hiểu được nguyên nhân vì sao bạn bị từ chối

Đây chính là lúc việc rút kinh nghiệm từ việc bị từ chối tỏ ra có hiệu quả. Bạn phải hiểu chính xác tại sao mình lại bị từ chối. Thực tế, chỉ có một cách để làm điều đó: Bạn phải hỏi chính người đã từ chối mình.

Susan Trainer đưa ra lời khuyên rằng nếu một ứng viên bị từ chối, anh/cô ta nên gửi một bức thư ngắn nói lên được những suy nghĩ như sau:

Xin một lần nữa cám ơn ông/bà đã dành thời gian phỏng vấn tôi. Tôi hiểu là ông/bà đã quyết định nhận một ứng viên khác vào làm và tôi chấp nhận quyết định của ông/bà. Tôi sẽ đánh giá rất cao bất cứ ý kiến phản hồi nào mà ông/bà có thể cung cấp cho tôi.

Vấn đề mấu chốt ở đây là khẳng định rằng bạn chấp nhận quyết định của người phỏng vấn. Việc bạn nộp đơn xin vào vị trí này đã được quyết định – Bạn đã thua cuộc. Hãy quên nó đi. Sẽ chẳng có nhà tuyển dụng nào giúp bạn cả đâu nếu ông bà ta nghĩ rằng bạn muốn tranh luận.

Không may thay, nhiều người phỏng vấn sẽ không nói với bạn điều mà bạn muốn biết trong bất cứ tình huống nào. Nỗi lo sợ về các vụ kiện tụng của các nhân viên trước

đây đã khiến các giám đốc e ngại đến mức gần như họ sẽ không bao giờ đưa ra cho các ứng viên những ý kiến phản hồi đáng tin cậy mà họ cần. Một vài công ty lo lắng rằng một nhân viên bộ phận nhân sự có thể vô tình nói ra điều gì đó có thể quay lại làm hại công ty tới mức họ hạn chế nghiêm ngặt những gì người phụ trách nhân sự có thể nói ra. Các công ty tiến hành kiểm tra lại thông tin về các nhân viên cũ luôn gặp phải vấn đề này. Ngày nay, nhiều công ty chỉ tiết lộ chức danh của các nhân viên trước đây làm việc cho họ, ngày tháng tuyển dụng và ngày tháng chấm dứt hợp đồng lao động. Bất đắc dĩ lắm họ mới tiết lộ thông tin về tiền lương. Trên thực tế, một xu hướng mới xuất hiện tại một số công ty là dùng hệ thống điện thoại được vi tính hóa để tiến hành kiểm tra lại thông tin về ứng viên, sao cho các chủ công ty trong tương lai chỉ nắm bắt được lượng thông tin tối thiểu. Điều quan trọng ở đây là không để các nhân viên phụ trách nhân sự tham gia vào quá trình tuyển dụng.

Trong điều kiện này, việc yêu cầu một người quản lý trực tiếp tuyển dụng hay nhân viên phụ trách nhân sự tỏ ra thành thực gần như là điều không thể. Điều này thật đáng xấu hổ vì nhiều nhân viên phụ trách Nhân sự bản chất là những nhà sư phạm và vô cùng muốn chỉ cho ứng viên điều họ có thể làm tốt hơn trong lần tới hoặc họ có thể cải thiện sơ yếu lý lịch của mình như thế nào. Nhưng họ hoàn toàn không có động cơ gì để làm như vậy và lại có rất nhiều động cơ để giữ im lặng. Đối với bạn, điều đó khiến bạn rất khó nhận được những ý kiến phản hồi đáng tin cậy.

Một giám đốc nhân sự của một trong những công ty được liệt kê trong danh sách Fortune 1000 muốn được giấu tên đã tường thuật lại cuộc trao đổi dưới đây của mình với một ứng viên vừa mới nhận được thư từ chối:

Ứng viên: Cám ơn ông/bà đã nhận điện thoại của tôi. Tôi đã nhận được lá thư của ông/bà nói rằng ông/bà sẽ không nhận tôi vào làm việc. Tôi có hơi chút ngạc nhiên vì tôi rời khỏi cuộc phỏng vấn với suy nghĩ rằng khả năng chuyên môn của tôi rất hợp với công việc này. Tất nhiên là tôi chấp nhận quyết định của ông/bà, nhưng tôi gọi điện tới để cố tìm hiểu tại sao tôi lại không được nhận vào làm. Tôi muốn rút kinh nghiệm từ bất cứ sai sót nào mà có thể tôi đã phạm phải. Thẳng thắn mà nói, ông/bà có thể cho tôi biết tại sao tôi lại không được nhận vào làm và tôi có thể làm gì khác đi để thể hiện mình là một ứng viên sáng giá không?

Điều người phỏng vấn muốn nói: Tôi rất cảm phục việc anh/chị đã gọi điện tới như thế này. Anh/chị phải dũng cảm lắm mới hỏi về những điều như vậy. Thực tế là anh/chị đã tự làm hỏng hình ảnh bản thân bằng một số cách mà anh/chị có thể dễ dàng khắc phục, sửa chữa. Anh/chị có hai từ sai lỗi chính tả trong sơ yếu lý lịch của mình và việc anh/chị chọn đi dép xăng đan chứ không phải là đi giày tới cuộc phỏng vấn đã khiến một vài người trong số chúng tôi băn khoăn về phẩm chất chuyên môn của anh/chị.

Điều người phỏng vấn thực tế nói ra: Tôi đánh giá cao việc anh/chị gọi điện tới, và chúng tôi rất ấn tượng với những phẩm chất của anh/chị, nhưng sự thực đơn giản là ứng viên được chọn là một người có nhiều kinh nghiệm hơn anh/chị trong lĩnh vực quan trọng nhất đối với chúng tôi. Chúc anh/chị may mắn trong quá trình tìm việc làm của mình.

Trừ phi bạn có mối quan hệ cá nhân với người quản lý trực tiếp tuyển dụng, việc nhận được những ý kiến phản hồi trung thực về quá trình tuyển chọn ứng viên gần như là điều không thể. Và thật trớ trêu là, bạn càng cần những thông tin phản hồi trung thực bao nhiêu – càng có những điều bạn thực sự có thể làm – thì bạn sẽ càng có ít cơ hội nhận được ý kiến phản hồi. Đó là vì rất ít những người chuyên nghiệp trong lĩnh vực nguồn nhân lực lại muốn làm rõ những lý do chủ quan mà một ứng viên được chọn còn những ứng viên khác thì không.

Người phụ trách nhân sự có thể cố gắng tỏ ra đôi chút trung thực hơn về các tiêu chuẩn khách quan. Chúng ta hãy nói rằng bạn đã mất cơ hội làm công việc này vì nó đòi hỏi 5 năm kinh nghiệm về C++ và bạn chỉ có 2 năm kinh nghiệm thôi. Họ có thể nói với bạn điều đó. Nếu công việc này đòi hỏi phải có bằng lái xe thương mại và bạn lại không có, thì họ sẽ nói với bạn điều đó. Nếu công việc đòi hỏi chứng chỉ Microsoft và bạn lại không có, thì họ sẽ nói với bạn điều đó. Nhưng có thể bạn đã biết tất cả những điều đó rồi. Nếu bạn bị từ chối vì bất cứ lý do chủ quan nào thì hãy quên nó đi.

Đây là lúc một trung gian tuyển dụng có thể sẽ rất có ích. Không ai lại thích trực tiếp cung cấp tin xấu cho một ứng viên cả. Nhưng nếu người phỏng vấn biết người thực sự tuyển dụng bạn sẵn sàng nói với ứng viên rằng họ sẽ không nhận ứng viên vào làm, thì người phỏng vấn có thể sẵn sàng kể sự thật hơn. Susan Trainer nhớ rằng một ứng viên có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí quản lý bệnh viện đã bị từ chối vào làm một công việc mà anh ta có nhiều chuyên môn. Khi bà hỏi tại sao lại như vậy thì người phỏng vấn của bệnh viện tiết lộ rằng ứng viên này yêu cầu được hút thuốc trong buổi phỏng vấn. Rõ ràng là người phỏng vấn lẽ ra sẽ không trực tiếp tiết lộ điều quan trọng này với ứng viên. Sau đó, Trainer đã phải làm một việc không mấy ai muốn làm là nói lại điều đó với ứng viên, buộc anh ta phải đối mặt với cái giá mà anh ta phải trả cho việc nghiện thuốc lá của mình. Nhưng ứng viên đó đã rút kinh nghiệm, kiểm soát được tình trạng nghiện thuốc lá của mình, và nhanh chóng có một vị trí công việc được trả lương cao.

Đôi khi, tính chủ quan của những người quản lý trực tiếp tuyển dụng có thể không hợp lý. Jason Rodd, Cố vấn cao cấp của Công ty TMP Worldwide, tại Tampa, Florida, nhớ lại lúc cùng làm việc với một người quản lý. Người quản lý này đã từ chối một ứng viên có trình độ chuyên môn toàn diện vì, nào, chúng ta hãy cùng nghe Rodd kể lại nhé:

Tôi không thể hiểu tại sao cô ấy lại bị từ chối vì cô ấy chỉ cần nhắm mắt cũng có thể làm được công việc này. Sau một hồi tìm lý do, cuối cùng, người quản lý này nói với tôi rằng lý do từ chối là vì ứng viên đã đeo một chiếc cài áo hình con rùa trên bộ vét của mình. Hóa ra là ông ta không thích rùa và băn khoăn về phẩm chất chuyên môn của cô ấy vì cô ấy đã mang hình con rùa tới buổi phỏng vấn. Chẳng có cách nào mà ứng viên này đáng lẽ sẽ trực tiếp nhận được thông tin phản hồi đó. Thỉnh thoảng, tôi kể với các ứng viên câu chuyện này vì tôi muốn họ biết rằng chính những điều nhỏ nhặt cũng có thể đánh bật bạn ra khỏi vòng cuối cuộc chơi.

Vượt qua những câu nói hình thức

Có một cách để đi thẳng vào thực tế, vượt qua những câu nói hình thức rườm rà, nhưng đó quả là một liều thuốc khá mạnh và không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả. Đương nhiên là bạn gần như cũng chẳng mất gì khi làm như vậy. Cá nhân tôi đã thành công với chiến lược này, vì thế tôi biết là nó có thể đem lại hiệu quả. Sau khi bị từ chối vào một vị trí công việc và thực sự là bạn chẳng biết tại sao lại như thế, hãy gọi điện cho người phỏng vấn. Bạn có thể nói như sau:

Cám ơn ông/bà đã nhận điện thoại của tôi. Tôi đã nhận được lá thư của ông/bà nói rằng ông/bà sẽ không nhận tôi vào làm việc và tôi chấp nhận quyết định đó. Tôi chỉ cần cải thiện các kỹ năng phỏng vấn của mình và tôi đề nghị được ông/bà giúp đỡ.

Tôi mong ông/bà sẽ hết sức trung thực về năng lực của tôi và về những điều lẽ ra tôi có thể làm tốt hơn. Tôi có thể hứa với ông/bà ba điều. Tôi hứa là tôi sẽ không ngắt lời ông/bà. Tôi hứa là tôi sẽ không biện minh cho bản thân. Và tôi hứa là tôi sẽ không liên lạc với ông/bà hoặc công ty ông/bà trong vòng 1 năm. Ông/bà sẽ sẵn lòng giúp tôi chứ?

Lời yêu cầu cuối cùng đó rất quan trọng. Nó đi thẳng vào mong muốn của hầu hết các nhân viên phụ trách nhân sự là muốn tỏ ra là người muốn giúp đỡ, hỗ trợ người khác.

Rich Franklin, giám đốc bộ phận nguồn nhân lực của Công ty KnowledgePoint tại Petaluma, California cho biết: “Tôi hoàn toàn bị gây ấn tượng khi một ứng viên nói với tôi như thế”. Cũng như nhiều nhân viên thuộc bộ phận nguồn nhân lực khác,

Franklin là một nhà sư phạm. Ông nói thêm: “Đây là một anh chàng muốn học hỏi. Nếu một nhân viên phụ trách nhân sự là người tốt bụng, họ sẽ tận dụng ngay cơ hội này để giúp đỡ ứng viên”.

Chìa khóa dẫn tới thành công của phương pháp này là tạo cho nhà tuyển dụng sự thoải mái đủ để ông/bà ta mong muốn cư xử thành thực với bạn thay vì cảm thấy miễn cưỡng vì lo ngại gặp rắc rối. Phần lớn những người phỏng vấn khi phải từ chối ứng viên đều lo ngại ba điều: phải tranh luận, phải lắng nghe một câu chuyện đau lòng thảm thiết, hay một kẻ phá rối có thể sẽ kiện tụng họ. Là một ứng viên đi xin việc bị từ chồi, bước đầu tiên là bạn phải khẳng định rằng mình chấp nhận quyết định của người phỏng vấn và sẽ không cố khẩn khoản van xin gì ông/bà ta. Ba lời hứa trên đây được đưa ra nhằm ngăn cản, chống lại những nỗi lo ngại của người phỏng vấn: Lời hứa rằng bạn sẽ không liên lạc với người phỏng vấn là lời hứa mấu chốt. Điều đó cũng có nghĩa là có một cam kết nho nhỏ rằng bạn sẽ không dùng những điều mà người phỏng vấn nói với bạn để quay lại trả đũa ông/bà ta. Đừng quên rằng công ty vẫn có thể thoải mái liên hệ với bạn.

Nếu bạn định thử dùng chiến lược này thì tôi chỉ đề nghị bạn một điều: Hãy giữ lời. Nếu bạn hứa không ngắt lời thì đừng nói ra những điều mình nghĩ và đừng ngắt lời người khác. Nếu bạn hứa không biện minh cho bản thân thì hãy giữ lời hứa đấy nhé. Điều này sẽ không dễ dàng đâu. Rất ít người trong số chúng ta có khả năng lắng nghe những lời phê bình mà không cố giải thích hoặc thanh minh. Chỉ được lắng nghe và nói cám ơn thôi. Hãy ghi nhớ những gì bạn học hỏi được và lần sau hãy chuẩn bị và trả lời phỏng vấn tốt hơn nhé.

Mở rộng biên giới hoạt động của nhà tuyển dụng

Hãy tiếp tục với việc gửi một lá thư cám ơn dù cho bạn có được nhận vào làm việc hay không. Bạn sẽ ngạc nhiên rằng thực tế rất ít ứng viên tiến hành bước đi đơn giản này. Hầu hết những nhà tuyển dụng đều nói với người xin việc bị từ chối rằng họ sẽ lưu giữ sơ yếu lý lịch của những người này, nhưng thực tế, chỉ một vài nhà tuyển dụng làm như vậy. Nhưng nếu bạn gửi một lá thư nói rằng bạn chấp nhận quyết định của nhà tuyển dụng và gợi ý rằng bạn rất muốn công ty sẽ cân nhắc trường hợp của bạn nếu có công việc nào khác phù hợp hơn cần tuyển người, cơ hội dành cho bạn sẽ nhiều hơn khi nhà tuyển dụng có kế hoạch cho lần tuyển sau.

Ngoài lá thư cám ơn, hãy đặc biệt gửi lời cám ơn tới nhà tuyển dụng vì đã phỏng vấn bạn. Bạn có thể mở rộng phạm vi tìm kiếm của nhà tuyển dụng – và có thể tỏ ý hàm ơn họ – bằng cách thực hiện một hoặc vài trong số các bước sau:

• Nếu bạn biết thì hãy giới thiệu một ứng viên khác phù hợp với công việc.

• Nếu bạn có thể giới thiệu những mối quan hệ khác mà bạn biết, ví dụ như một người bán hàng giỏi, thì hãy giới thiệu cho họ.

• Nếu bạn biết một trang web mới hay một công ty giới thiệu việc làm mới thì hãy báo cho nhà tuyển dụng.

• Hãy gửi một bài báo hoặc một đường dẫn trực tuyến mà bạn nghĩ là nhà tuyển dụng có thể sẽ thấy có ích.

• Nếu không còn điều gì nữa, hãy hỏi xem liệu bạn có thể làm gì giúp nhà tuyển dụng hoặc công ty của ông/bà ta nữa không.

Hãy nhớ rằng, có một tầm nhìn xa là quan trọng, nhưng điều đó không đưa bạn tới đâu nếu bạn không kết hợp tầm nhìn với hành động và với một thái độ học hỏi. Hãy lắng nghe nhiều hơn nói và mọi sự mạo hiểm đều ra hoa kết trái. Chúc bạn may mắn trong quá trình tìm việc làm của mình.

10 mẹo cuối cùng để đặt ra những câu hỏi có sức mạnh

1. Tìm hiểu trước về công ty tuyển dụng.

2. Viết ra ít nhất bốn câu hỏi trước buổi phỏng vấn.

3. Lắng nghe nhiều gấp đôi khi nói ra.

4. Đừng đặt câu hỏi nếu bạn không chắc chắn là câu trả lời sẽ làm cho bạn có vẻ là một người thực sự quan tâm tới công việc, thông minh, có trình độ chuyên môn, và muốn nhận được công việc đó.

5. Đừng bao giờ bắt đầu bằng những câu hỏi “thế còn tôi thì sao?”

6. Ghi chép, sử dụng một cuốn sổ trông có vẻ chuyên nghiệp và một cái bút.

7. Đừng ngắt lời người khác.

8. Đừng tranh cãi.

9. Thẳng thắn đề nghị được nhận vào làm việc.

10. Tắt chuông điện thoại di động hoặc máy nhắn tin trong quá trình phỏng vấn.