20 Nữ nhân Trung Quốc

- 18 -

Vị nữ hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, Võ Tắc Thiên đại thánh Hoàng đế còn gọi là "Kim Luân Hoàng đế" (sau này quen gọi ba chữ đầu), đổi nhà Đường thành nhà Chu (vì thời Chu thường họp chầu ở điện Đại Minh Đường) đang cầm trên tay một bản hịch, xem rất chăm chú. Bản hịch đó như sau:

"Ả Võ nhà Ngụy Chu, tính tình ngỗ ngược, gốc gác hàn vi. Xưa kia là kẻ hầu hạ Thái Tông, chuyên việc dâng thay quần áo. Đến lúc lớn lên, làm bẩn cung vua. Tìm cách chiếm ngôi nguyên hậu, đẩy vua sa vào loạn luân. Hơn nữa, rắn độc mang lòng, sói beo thành tinh, gần bọn gian xảo, tàn hại trung lương, giết chị hại anh, giết vua hại mẹ. Thần và người cùng ghét bỏ, trời đất không thể khoan dung. Lại còn mang dạ gian tham, dòm ngó ngôi báu. Con yêu của vua đem bắt giam ở cung sâu. Bè đảng của giặc, giao cho quyền bính lớn. Hỡi ơi, Hoắc Tử Mạnh không dấy, Chu thị hầu không còn. Én mổ cháu vua, biết vận Hán sắp hết. Dãi rồng vương hậu, hay nhà Hạ mau tàn.

Kinh Nghiệp, quan cũ nhà Đường, dòng dõi khanh tướng, phò nghiệp đế sẵn của Tiên Đế, mang ơn dày của bản triều. Nỗi thương đau của Tống Vi Tử là có nguyên cớ. Sự rơi lệ của Viên Quán Sơn, đâu phải tự nhiên. Vì thế, khi gió lướt mây, chí yên xã tắc. Nhân thiên hạ thất vọng, Thuận vời trông đất nước, cờ nghĩa phất cao, để trừ yêu nghiệp. Nam liên kết Bách Việt, bắc kéo suốt ba sông, ngựa sẵt đông đàn, xe ngọc nối tiếp. Gạo thóc kho đụn chứa đầy, cờ bay núi sông, khôi phục rất chóng. Lời quân reo mà yêu gió bắc, ánh kiếm ngời mà yên đẩu nam. Cất tiếng thì núi đồi lở tan, gào thét thì gió mây đổi sắc. Sức mạnh ấy mà đánh giặc, giặc nào không thua. Khí thế ấy mà mưu công, công nào không nổi?

Các ông ở đất Hán, hoặc cùng họ  Chu, hoặc nhận trọng trách ở truyền lời, hoặc vâng mạng lớn ở Tuyên Thái. Tai còn vẳng tiếng, há quên lòng trung? Một nắm đất còn chưa khô, sáu thước con thơ ai giúp? Nếu hay vạ chuyển thành phúc, tiễn cũ thờ may, cũng lập sự nghiệp cần vương, không bỏ mệnh lệnh tiên đế.

Nếu còn quyến luyến thành trơ, bâng khuâng ngả rẽ, làm ngơ trước nguy cơ trước mắt, ắt mang tội vạ sau này.

Xin xem bờ cói ngày nay, nhà ai làm chủ thiên hạ?".

Trong khi đọc, nữ hoàng đế họ Võ có nhiều giây phút tỏ vẻ tán thưởng. Đọc xong, Võ hậu quay sang hỏi viên cận thần:

- Ai viết hịch này?

Cận thần tâu:

- Kẻ đó là Lạc Tân Vương.

Nữ hoàng đế nói tiếp:

- Có phải họ Lạc đã từng làm chức Thị ngự sử không?

- Dạ, chính phải, nhưng sau mắc lỗi nên phải biếm.

Võ hậu nhìn mấy viên đại thần đứng quanh rồi ôn tồn phán:

- Người có tài văn chương thế này, mà để họa phải lưu lạc không được dùng, đó là lỗi của Tể tướng.

Việc này làm những người có mặt hôm đó đều lấy làm ngạc nhiên(mặc dù không ai dám nói ra). Vì bản hịch của Lac Tân Vương viết cho cuộc khởi nghĩa của Từ Kính Nghiệp (còn gọi là Lý Kính Nghiệp, vì họ Từ có công nên được Đường Thái Tổ ban cho quốc tính họ Lý). Nhưng chỉ được nửa tháng, cuộc khởi nghiã của Kính Nghiệp đã bị thất bại. Lạc Tân Vương biệt tích, có nhiều tài liệu nói rằng Lạc đổi họ tên vào tu ở chùa Linh Ẩn…

Võ Tắc Thiên tên chính là Chiếu. Nhân đây xin nói thêm, một sự kiện văn hóa đáng kể trong cuộc đời Võ hậu là bà đã đặt thêm mười chín chữ hán mới. Có lẽ đầu tiên là chữ Chiếu, tên gọi lúc con gái của bà. Theo cách viết cũ thì chiếu viết gồm minh là sáng ở trên và hỏa là lửa ở dưới nhưng Võ hậu đổi thành minh là sáng ở trên và không là khoảng không bao la ở phía dưới.

Võ Chiếu quê ở Văn Thủy (nay thuộc Sơn Tây, Trung Quốc), bố là Võ Sĩ Duyệt làm nghề lái buôn gỗ. Ông từng giúp Lý Uyên (sau là Đường Cao Tổ) dấy binh ở Sơn Tây sau lập nên nhà Đường. Do đó, được làm đến chức Thượng thư bộ Công. Duyệt có hai vợ. Vợ trước họ Trương sinh được hai trai, vợ sau họ Dương sinh được hai gái. Võ Chiếu là con thứ hai của bà họ Dương.

Năm Võ Chiếu 14 tuổi, được tuyển vào cung của Đường Thái Tông làm tài nhân (một bậc cung phi, được hầu hạ vua khi vua thay quần áo và tắm rửa). Khi nghe tin con gái vào cung, Dương Phu nhân không vui lắm. Nhưng Võ Chiếu cười bảo mẹ:

- Mẹ ạ, vua quan thì cũng là một người đàn ông chứ có gì mà mẹ ngại.

Thường thường ở nội cung có hoàng hậu, bốn cung phi, chín phi tần, bốn mỹ nữ, năm tài nhân, ngoài ra còn có hơn hai chục tài nhân nữa nhưng không được ở trong nội cung.

Võ Chiếu đẹp, có duyên, đặc biệt da thịt thơm và quyết đoán từ nhỏ. Khi vào cung, được Đường Thái Tông ưa thích gọi là Võ Đẹp. Hoàng hậu lúc ấy là Trường Tôn (em gái của tể tướng Trường Tôn Vô Kỵ) người xinh, nết hiền nhưng thuần túy là một người phụ nữ nội trợ, chứ không tham gia ý kiến vào công việc triều chính. Nhưng Võ Chiếu khác hẳn, khi được Đường Thái Tông hỏi một việc gì đó, nn có ý kiến cụ thể, khác hẳn với một số quan to chỉ trả lời nước đôi. Khi vào cung thì Hoàng hậu Trường Tôn đã mất và tới khi Đường Thái Tông qua đời Võ Chiếu vẫn chỉ ở chức tài nhân. Mười hai năm không được lên chức, có thể một lý do chủ yếu là bà không có con với Đường Thái Tông. Điều này cũng dễ hiểu vì nhà vua đã già.

Hoàn cảnh này đã dẫn tới một số việc. Số là thái tử là Lý Trị, lúc đó đã có vợ cả họ Vương. Cung của Thái tử ở gần chỗ Võ Chiếu, cô gái này thấy thái tử trẻ khỏe, và người vợ họ Vương dù có đẹp nhưng không sắc sảo gì. Thế là Võ Chiếu tìm cách quyến rũ thái tử Lý Trị. Kết quả là Lý Trị đã tự thân đến phòng của tài nhân họ Võ, cuộc tình duyên lén lút này sau rồi cũng lộ ra, khiến cho Đường Thái Tông ngờ vực và tìm cách bắt hai người thề bồi là "giữ đúng luân thường". Khi Thái Tông qua đời, Cao Tông và Võ Chiếu đều phải trực đêm. Chính lúc này họ lại gặp nhau luôn luôn.

Đường Thái Tông mất, theo thông lệ, những cung phi nào không có con đều phải đi tu. Võ Chiếu cũng phải cắt tóc vào ở chùa Linh Cảm.

Lý Trị lên ngôi tức là vua Đường Cao Tông. Cao Tông lập họ Vương lên làm Hoàng hậu, nhưng lại say đắm nàng phi họ Triệu (có sách ghi là họ Tiêu, Tiêu Thục phi) hơn. Hoàng hậu họ Vương biết chuyện trước đây chồng minh dan díu với tài nhân Võ Chiếu, nên lúc này Hoàng hậu tìm cách đưa Võ Chiếu ra khỏi chùa trở về cung, để cùng mình đẩy lùi Tiêu Thục phi ra.

Nhân dịp giỗ đầu Đường Thái Tông, nhà vua cùng Hoàng hậu đi xem chùa Linh Cảm. Khi ăn cơm, cho triệu Võ Chiếu ra hầu và cùng ngồi ăn. Sau đó một ngày, chính Vương Hoàng hậu cho xe tới chùa Linh Cảm lén đưa Võ Chiếu về cung. Dạo đầu, Võ Chiếu hết sức lấy lòng Hoàng hậu, mặt khác, lại tìm mọi cách làm cho Cao Tông say đắm lúc giao hoan. Võ Chiếu vốn ham muốn mạnh, lại thêm một năm ở chùa, được một số cung nữ kể lại cho nghe nhưng bí thuật trong lúc làm tình, nên làm cho Cao Tông như một con thiêu thân không thể nào xa dời Võ Chiếu được một đêm. Kết quả là Tiêu Thục phi bị thất sủng - Mũi nhọn của Võ Chiếu lập tức nhằm vào hoàng hậu họ Vương.

Vì được ăn nằm với vua luôn, nên Võ Chiếu có mang, sinh ra một con gái. Sau khi sinh được vài ngày, Vương Hoàng hậu tới thăm. Khi vào phòng, Vương Hoàng hậu lấy tay xoa đầu đứa bé sơ sinh (có thể đây là mẹo của Võ Chiếu). Đợi lúc Vương Hoàng hậu vừa ra khỏi phòng thì chính tay Võ Chiếu bóp mũi đứa con gái mình vừa sih tỏng mấy ngày để nó chết ngạt. Lúc đó Cao Tông vào thăm, thấy sự thể như thế, tra hỏi nguyên nhân, thì chỉ có Vương hậu vào đấy. Thế là hoàng hậu họ Vương bị kết án giết con gái vua.

Sau đó một năm, Chiêu Nghi họ Võ lại sinh được con trai. Thế là chuyện phế truất Vương hậu được nêu rra, nhưng người không nghe theo như Chử Toại Lương, Trường Tôn Vô Kỵ đều bị bãi chức đầy đi xa, cuối cùng bị bức tử…

Năm 656, Do cánh Hứa Kính Tông, Lý Nghĩa Phủ, Vệ Úy Khanh vào hùa với Võ Chiêu Nghi…Cao Tông phế truất Vương hậu và Tiêu phi làm dân thường, giam vào lãnh cung bỏ đói. Có lần Cao Tông thương tình tới thăm. Lập tức sau đó Võ Tắc Thiên cho người đến lãnh cung đánh Vương hậu và Tiêu phi đến chết.

Võ Tắc Thiên được lập làm Hoàng hậu rồi, mũi nhọ chĩa vào thái tử Lý Trung. Trung là con trai của Cao Tông và Liễu Phi, nhưng được Vương hậu nhận làm con nuôi. Sau đó mấy năm, Lý Trung hai mươi tuổi, bị đày ra châu Kiêm và bị triều đình ban cho chết.

Võ hậu ngày càng ngang ngược không coi ai ra gì, đưa cả đạo sĩ Quách Hàng Chân vào cung cấm. Chuyện này bị tố giác, Cao Tông triệu tể tướng Thượng Quan Nghi bàn việc phế truất Võ Hậu. Bà lập tức khóc lóc vật vã và làm đủ thứ mê hoặc Cao Tông. Kết quả là cha con tể tướng Thượng Quan Nghi bị buộc tội câu kết với Lý Trung và bị giết.

Trong việc đưa Võ Chiêu Nghi lên làm Hoàng hậu, sử cũ có chép một số chuyện như: Phe cánh của Võ Chiếu cho người làm một hình nhân bằng gỗ, chôn ngầm trong phòng Vương hậu rồi cho đồn ầm lên rằng Vương hậu muốn hại Cao Tông.

Khi Chiêu Nghi lên làm Hoàng hậu vừa đúng ba mươi mốt tuổi, có tên là Tắc Thiên.

Võ Tắc Thiên không chỉ hãm hại các tôn thất của Đường Cao Tông, Đường Thái Tông, con riêng của Cao Tông mà bà còn hại cả con đẻ của mình nữa. Ngoài đứa con gái bị bóp chết, bà còn hạ sát mấy đứa con trai do chính mình sinh ra…Võ hậu còn giết cả anh em nhà họ Võ và cháu gọi bằng dì của bà ta nữa.

Năm 673 trở đi, Cao Tông sức càng ngày càng yếu, cùng Võ hậu rời sang Lạc Dương. Có người nhận định rằng Cao Tông ngày càng suy kiệt vì dâm dục quá độ, mà sự quá độ chính là do Võ hậu, trước hết bà ép Cao Tông phải thỏa mãn ham muốn xác thịt của mình bằng mọi cách. Đó là chưa kể tới chuyện khi Cao Tông bất lực mà Võ hậu đã đi dan díu với người khác…nhưng cũng chẳng phải Võ Tắc Thiên muốn làm cho Cao Tông "biến đi nhanh" thì mới có cơ hội thực hiện ý đồ làm một nữ hoàng đầu tiên của đất nước Trung Hoa sao?

Cuối năm 683, Đường Trung Tông (Lý Triêt) lên ngôi, khi này Triết hai mươi bảy tuổi. Trung Tông không muốn làm vua bù nhìn vì thực chất quyền bính nằm trong tay Võ hậu. Ngay từ mười năm trước, khi Cao Tông còn, Võ hậu đã buông rèm sau ngai vàng để nghe chuyện triều chính. Hầu như mọi việc quốc gia đại sự Cao Tông giải quyết đều là theo ý của Võ Tắc Thiên. Do đó, Lý Triết muốn tự mình quyết định vận mệnh đất nước. Ví như việc ông cho bố vợ là Vi Huyền Trinh từ chức tham quân châu Phổ lên chức thứ sử châu Dự, ít lâu sau lại lên chức Thị trung…Việc này đến tai Võ hậu, ba không để yên, lập tức họp văn võ bá quan triều đình lại, truất ngôi hoàng đế của Trung Tông, giáng xuống làm Lư Lăng Vương - rồi giam vào ngục, và đầy bố vợ Trung Tông là Vi Huyền Trinh đi châu Khâm. Rồi bà lập Dự vương Lý Đán lên ngôi vua, tức Đường Duệ Tông. Như vậy chỉ có mấy tháng mà đã thay hai hoàng đế.

Tới đây ý đồ làm vua của Võ Tắc Thiên càng rõ. Trước đây, bà cho đặt một tổ chức gọi là "Bắc môn học sĩ" nhằm thu hút hiền tài trí thức trong thiên hạ vào đó, để tham gia việc thảo các chiếu chỉ, nhưng chính đích là hạn chế quyền lực của Tể tướng (khi này được gọi là Nam nha). Tổ chức này đã biên soạn khá nhiều sách. Ngày nay còn thấy có "Liệt nữ truyện", "Nhạc thư". "Bách liên tán giới", "thần quy", "Hiếu tử truyện", "Thiếu dương chính phạm"… Tất nhiên ngoài việc làm phong phú thêm cho kho tang văn hóa, có những cuốn sách làm ra nhằm diệt trừ kẻ chống đối, dù cho đó là con bà ta.

Phe cánh Võ hậu, lúc này đứng đầu là Tể tướng Võ Thừa Tự (cháu Võ hậu) cho nhà sư Hoài Nghĩa (thực ra là một cung nam) soạn "Đại Vân Kinh" với nội dung "Võ hậu là hậu thân của phật". Đồng thời ở sông Lạc lại có một nông dân vớt được tấm bia lớn trên có tám chữ "Thánh mẫu giáng trần - Trường thịnh đế nghiệp".

Thế là Võ hậu cho đổi tên sông Lạc thành sông "Trường Thịnh" và nơi vớt được bia gọi là suối "Thánh Linh"…rồi Võ hậu mặc đúng nghi thức hoàng đế ra suối Thánh Linh rước bia về điện Minh Đường (bắt chước nhà Chu ngày xưa, họp triều ở điện Minh Đường).

Mùa thu năm 690, một màn kịch mới được biểu diễn, một đoàn người dân kinh đô Trường An do Phó Hữu Nghi dẫn đầu đến xin phế bỏ triều Đại Đường, lập ra triều đại mới gọi là nhà Chu, chuyển duệ tôn họ Lý sang họ Võ (bản thân Lý Đán cũng tự viết một tờ khai xin đổi họ). Tới đây, Võ Chiếu chính thức đổi quốc hiệu là "Chu". Niên hiệu là Thiên Thụ (có nghĩa là "trời cao cho ngôi báu"), và tự đặt niên hiệu là "Thánh thần Hoàng đế"…Tất nhiên là có nhiều sự chống đối, như ta đã đọc hịch của Lạc Tân Vương.

Võ Tắc Thiên ở ngôi hoàng đế hơn mười năm (thực ra đã "trị vì" mấy thập kỷ). Ở đây không nói tới những sự kiện đàn áp, xa xỉ, cuồng dục…của bà. Bởi lẽ, hơn một ngàn năm nay, đã có nhiều sách viết về sự kiện đó. Có người soạn thành một cuốn tiểu thuyết dài đến mấy trăm trang.

Năm 704, Võ hậu lâm bệnh, các quan trong triều không được gặp, chỉ có anh em "cung nam" Trương Dịch Chi và Trương Xương Tông luôn luôn ở bên cạnh (hai anh em họ Trương được Võ hậu sủng ái từ hơn chục năm trước).

Tháng giêng năm 705, Tể tướng Trương Giản Chi cùng với Thôi Huyền Vi, Hoài Nhan Phạm, Viên Thư Kỳ thấy cơ hội khôi phục nhà Hán đã tới, bèn họp nhau đưa quân vào nội điện, bắt giết hai anh em họ Trương, cho người chuyển Võ hậu sang cung Thượng Dương và bắt bà phải nhường ngôi hoàng đế cho Trung Tông, quốc hiệu lại đổi là Đường. Tuy vậy, vẫn gọi Võ hậu là "Tắc Thiên đại thánh Hoàng đế".

Mấy tháng sau, Võ hậu lâm bệnh nguy kịch, bèn bỏ Đế hiệu và chuyển thành "Tắc thiên Đại thánh Hoàng hậu". Khi qua đời bà đã 82 tuổi. Lăng của bà được đặt bên lăng của Đường Cao Tông.

Nhân đây phải nói đến chuyện mấy chục năm nay một số nhà nghiên cứu Trung Hoa muốn khia quật mộ Võ hậu, tìm xem bản gốc "Thiếp Lan Đình" của Vương Hy Chi đời Tấn có ở đó không.

Lý do như sau: Vương Hy Chi viết bài thiếp này rất đẹp. Sau đó ông lại thử viết mấy bản nữa nhưng k óap đẹp bằng bản đầu tiên. Vài thế kỷ sau, Đường Thái Tông cũng là nhà thư pháp nổi tiếng, tìm cách lấy được bản gốc "Lan Đình" của Hy Chi, rồi để lại cho con là Cao Tông. Cao Tông cho vợ mình là Võ hậu, bà ta bảo phải chôn theo mộ bà. Chuyện này xin để mai sau sẽ dần sáng tỏ.

°

*

Ở đời một sự kiện, một người thường có nhiều mặt. Chỗ được chỗ hỏng còn phải bàn thêm theo thời gian và công luận.

Võ Tắc Thiên chữ đẹp, thơ hay. Trong "Toàn Đường thi tập" có ghi lại hơn 40 bài thơ của bà. Sau đây xin giới thiệu hai bài ngắn:

Du Cửu Long đàm.

Sơn song du ngọc nữ

Giản hộ đối quỳnh phong

Nhan đình tương song phượng

Đàm tâm đảo Cửu Long

Tửu trung phù trúc diệp

Bôi thượng tả phù dung

Cố nghiệm ra sơn thưởng

Duy hữu phong nhập tùng

Tạm dịch:

Chơi đầm Cửu Long

Cửa núi dạo ngọc nữ

Đầu khe ngắm quỳnh phong

Đỉnh núi liệng đôi phượng

Lòng đầm lượn chín rồng

Trong rượu nổi lá trúc

Trên ly loáng phù dung

Núi non quê thích thú

Chỉ có gió vào trong

Lạp nhật tuyên chiếu hạnh thượng uyển

Minh tiêu du thượng uyển

Hỏa cấp báo xuân tri

Hoa tu liên dạ phát

Mạc đãi hiểu phong suy

Tạm dịch:

Ngày 23 tháng chạp vâng lệnh vua dạo chơi vườn ngự

Sáng mai chơi vườn ngự

Mau chóng báo xuân hay

Hoa nên suốt đêm nở

Đừng chờ gió sớm bay

Bên cạnh việc tàn sát những người chống đối mình, Võ hậu được đời sau đánh giá là "biết sử dụng nhân tài". Một ví dụ cụ thể là bà dùng Địch Nhân Kiệt, một nhân vật lỗi lạc, văn võ song toàn - một mình ông giải quyết hàng ngàn vụ án tồn đọng, cứu rỗi bao nhiêu điều oan trái dân lành đó là chưa kể đến võ công.

Ngay như việc bà ta quở trách quan Tể tướng không biết dùng nhân tài như Lạc Tân Vương cũng là một chứng cớ hùng hồn.

Việc lập nên Bắc môn học sĩ càng nói lên đóng góp của bà vào kho tang văn học Trung Hoa.

Năm 674, khi được tham dự triều chính, Võ hậu đã dâng lên Đường Cao Tông 12 kiến nghị để trị quốc:

1. Đậy mạnh việc làm ruộng, chăn tằm, giảm bớt khó nhọc cho trăm họ.

2. Bỏ thuế cho các trấn miền bắc.

3. Phục hồi đạo đức chung sống hòa bình.

4. Không được xa xỉ lãng phí.

5. Bớt lấy lính.

6. Cho phép trình bày ý kiến nguyện vọng riêng.

7. Loại bỏ quan lại tham nhũng và những kẻ chỉ biết làm theo lệnh trên một cách nịnh bợ ngu dốt.

8. Mọi con cháu họ Lý và trăm quan phải học tập "Đạo Đức kinh"(nhà Đường coi Lý Nhĩ (Lão Tử) là Tổ Xa).

9. Để tang bố mẹ thời gian như nhau (cùng ba năm).

10. Quan lại về hưu được giữ nguyên phẩm hàm.

11. Tăng lương cho quan lại từ bát phẩm trở lên.

12. Những quan lại lâu năm được xét thăng trật, bổng nếu có công trạng.

Có tài liệu chép: Hiện nay ở Cầu Lãng nơi có mộ Võ hậu có tấm bia đá to không khắc một chữ nào. Có người bảo đó là ý đồ của bà định để đời sau sẽ đánh giá mọi đúng sai của bà.

Nhưng có ý kiến cho rằng: có thể khi sống, bà nghĩ rằng chữ nghĩa do người đặt ra (bà đã đặt ra 19 chữ mới). Vậy bia không có chữ cũng là một cách biểu hiện rằng: Lịch sử đã như thế rồi, đánh giá bằng mấy dòng chữ đã khái quát, và đúng đắn với mọi khía cạnh của lịch sử đã đi qua bao năm tháng chưa?