- Làm ruộng lời gấp mấy lần thưa cha?
Cha trả lời:
- Gấp mười.
Lã Bất Vi lại hỏi:
- Buôn vàng bạc châu báu lời gấp mấy hả cha?
Người cha ngạc nhiên nhưng vẫn trả lời:
- Gấp trăm.
Lã Bất Vi lại hỏi:
- Buôn người lời gấp mấy?
Cha không hiểu bèn hỏi:
- Sao con lại hỏi như thế?
Bất Vi bèn kể chuyện gặp công tử Dị Nhân người nước Tần đang làm con tin ở Triệu cho cha nghe. Ông nghe xong liền nói:
- Buôn người mà người đó làm vua thiên hạ, thì lợi đó không biết bao nhiêu mà kể.
Bất Vi bèn tìm cách mua chuộc người giám sát Dị Nhân rồi làm quen với Dị Nhân, lại giúp đỡ Dị Nhân nhiều thứ. Sau đó Lã Bất Vi đến nước Tần, biết An Quốc Quân là thái tử của Tần sắp kế ngôi vua, nhưng chưa có người nối dõi. Họ Lã bèn tìm cách mua chuộc một người vợ của An Quốc Quân là Hoa Dương phu nhân, nhận Dị Nhân làm con kế tử, lại có cả thẻ "Dị Nhân là con chính" do chính Thái tử ban cho một nửa để làm chứng cớ sau này.
Bất Vi lại bỏ tiền đút lót, được vào gặp vợ vua Tần, bày kễin cho đón Dị Nhân về Tần. Tần hậu đồng ý, tặng Bất Vi hàng trăm lạng vàng và phong cho Lã Bất Vi làm chức thái phó (thày dạy của Dị Nhân) và nói với Dị Nhân sẽ cho người sang Triệu đón.
Trong số thê thiếp của họ Lã có một người con gái đẹp ở Hàm Đan, giỏi múa hát tên là Triệu Cơ. Lúc đó Triệu Cơ đã có mang với Bất Vi được vài tuần. Bất Vi dự đoán nếu đưa Triệu Cơ cho Dị Nhân, thì đứa con đó sau này sẽ nối nghiệp nước Tần. Đêm tối bàn với Triệu Cơ. Lúc đầu Triệu Cơ còn chối vì đang có mang, Bất Vi bèn giảng giải:
- Dị Nhân sẽ được lập làm Thái tử và nối ngôi vua Tần, nàng mà sinh được con trai, sẽ được lập làm vương hậu.
Triệu Cơ mắt ngấn lệ:
- Chàng đã mưu đồ việc lớn, thiếp đâu dám trái ý. Nhưng nghĩ mối tình ân ái của đôi ta, lẽ nào đang tâm dứt bỏ.
Họ Lã khuyên giải:
- Nếu nàng thực lòng không quên tình nghĩa xưathì khi có cả nước Tần rồi, vẫn đi lại như vợ chồng, càng vui chứ sao?
Hai người bèn thề nguyền, ân ái.
Hôm sau, chiều tối Lã Bất Vi mở tiệc tiễn công tử Dị Nhân. Nửa chừng say, Lã Bất Vi cho gọi Triệu Cơ ra mời rượu. Khi múa hát chuốc rượu, Triệu Cơ làm cho Dị Nhân mê say đắm đuối, nhìn nàng không chớp mắt. Múa hát xong, Triệu Cơ lại lấy ly to rót rượu mời Dị Nhân. Dị Nhân uống hết ngay.
Triệu Cơ chào và xin phép lui vào trong.
Dị Nhân mượn cớ say hỏi họ Lã:
- Tôi nay trở về nước, nếu được một người như thế thi may biết bao. Nếu ngài vui lòng cho lấy thì bao nhiêu vàng tôi cũng xin nộp.
Lã Bất Vi giả đò tức giận nói:
- Tôi chỉ vì việc nghĩa mà mời công tử tới, cho vợ con ra chào để tỏ lòng tôn kính, nay công tử nói thế còn coi tôi ra gì?
Dị Nhân vội quỳ lạy xin lỗi. Bất Vi vội đỡ dậy nói:
- Nhưng thôi, tôi đã vì công tử tính chuyện, phá hết sản nghiệp còn chẳng tiếc, lẽ nào là một ả con gái? Có điều ả đó còn trẻ dại không biết nghe theo. Xin cho tôi hỏi dò trước xem sao đã.
Hôm sau, Lã Bất Vi tới chỗ Dị Nhân và nói:
- Tôi phải dỗ dàng mãi nó mới chịu nghe. Hôm nay tốt ngày, tôi xin đưa tới.
Dị Nhân nhờ Công Tôn Kiên nước Triệu đứng ra làm mối. Triệu Cơ về ở với Dị Nhân khoảng một tháng thì bỗng một tối nỉ non bên tai Dị Nhân:
- Thiếp về hầu điện hạ, nhờ ơn mưa móc, nay có tin mừng.
Dị Nhân tưởng thực, càng yêu quý Triệu Cơ bội phần…sau khi sinh ra con trai, đặt tên là Triệu Chính.
Mấy năm sau, Tần Chiêu vương mất. Thái tử An Quốc Quân lên ngôi là Hiến Văn Vương, nhưng chỉ một năm rồi cũng qua đời. Dị Nhân lên nối ngôi là Trang Tương Vương, cho Lã Bất Vi làm thừa tướng, phong tước hầu Văn Tín. Vua này ở ngôi được ba năm thì mất, Triệu Chính lên ngôi (sau này là Tần Thủy Hoàng).
Lã Bất Vi là trọng phụ, quyền hành rất lớn, cho mời một số người đến soạn sách "Lã Thị Xuân Thu". Bất Vi vào cung cấm tự do, vì vua Tần còn nhỏ nên Tần Thái hậu(Triệu Cơ) cùng Lã Bất Vi đi lại ân ái thỏa sức.
Ít lâu sau, thấy vua Tần đã lớn khôn, thông minh, cương nghị - họ Lã có ý ngại, bèn tìm một gã tên là Lao Ái thế chân để thoả lòng của Thái hậu.
Muốn cho Thái hậu xiêu lòng liền kể chuyện gã có tên là Lao Ái (có sách gọi là Giao Ái, tiếng địa phương dùng từ "ái" để chỉ kẻ dâm dục) có sức khỏe kỳ lạ.
Tần Thái hậu nghe nói trong lòng đã thấy thích bèn bảo Lã Bất Vi bày kế giả thiến Lao Ái và đưa vào cung, từ đó Bất Vi không phải gần gũi Thái hậu nữa.
Thái hậu ngày đêm chung chạ với Lao Ái, không bao lâu có mang. Bèn cho tiền thày bói bảo vua rằng mình phải lánh xa vài trăm dặm mới được hưởng lộc trời lâu dài. Vua Tần thấy Thái hậu qua thân với Lã Bất Vi đã hơi nghi, nay thấy Thái hậu bảo thế thì đồng ý ngay, vì cho là tuyệt đường đi lại giữa Thái hậu và Văn Tín Hầu Lã Bất Vi.
Châu Ung cách kinh đô nước Tần hai trăm dặm, lại có cung Đại Trịnh từ trước. Thái hậu liền ra đó ở, đem cả Lao Ái theo. hai năm đẻ liền hai con. Phải làm một nhà riêng để nuôi. Có nhiều người biết chuyện, nhưng sợ không dám nói. Thái hậu lại nói với vua phong cho Lao Ái làm Trường Tín Hầu, hưởng đất Sơn Dương. Lao Ái bỏ tiền giao kết với các quan trong triều danh thế còn to hơn họ Lã. Một bữa say rượu đánh bạc với quan đại phu Nhan Tiết, Ái thua, đòi đánh nữa để gỡ. Tiết không nghe, hai bên giằng co nhau. Ái nói: "Ta là giả phụ củat nhà vua, mi là con nhà đê tiện mà dám chống lại sao?".
Nhan Tiết sợ quá phải chạy ra. Vừa lúc gặp vua Tần tới thăm Thái hậu cũng đi ra. Nhan Tiết dập đầu xin chịu tội. Vua Tần thông minh, lặng thinh bảo người hầu đưa Nhan Tiết đến cung Kỳ Niên rồi mới hỏi. Nhan Tiết kể lại mọi vỉệc Lao Ái giả thiến, chầu riêng Thái hậu, lại lộng quyền và xưng là "giả phụ".
Vua Tần tức giận, cho triệu quân mã tới. Khi quân chưa tới kịp, có kẻ mách với Lao Ái. Ái sợ quá bảo Thái hậu đưa cho ấn phù để tập hợp lính gác vây cung Kỳ Niên, nhằm sát hại vua Tần và Nhan Tiết. Vua Tần liền lên đài cao lớn tiếng hỏi vì cớ gì mà vây cung, mọi quân sĩ đều nói:
- Trường tín Hầu ra lệnh đến cung này bắt giặc.
Vua Tần quát:
- Chính Trường Tín là giặc đấy.
Một số kỵ vệ quân quay lại đánh Lao Ái. Nhân dân xung quanh nghe tin đánh Lao Ái cũng góp sức vây đánh giúp. Vua Tần sai lấy xe xé xác Lao Ái và giết đồng đảng, rồi bỏ về Hàm Dương ngay.
Lã Bất Vi hoảng sợ giả cáo bệnh, không vào chầu. Vua Tần lúc đầu định giết Bất Vi, nhưng e ảnh hưởng tới việc nước bèn cách chức thừa tướng họ Lã.