Mười nguyên tắc học kỹ năng nhanh
Tôi nhận ra rằng trở thành bậc thầy về karate không phải là học 4.000 thế mà là thực hiện một số thế 4.000 lần.
− CHET HOLMES, tác giả cuốn Cỗ máy bán hàng cuối cùng
▪ ▪ ▪
B
ây giờ chúng ta đã biết rõ tiếp thu kỹ năng có nghĩa là gì. Hãy cùng kiểm tra xem làm cách nào để thực hiện được điều đó một cách nhanh chóng. Nội dung của chương này là giúp bạn có được một bảng liệt kê những mục cần kiểm tra khi tiếp thu bất cứ kỹ năng mới nào.
Tôi nhận thấy thật hữu ích khi cho rằng những nguyên tắc này là cách để nuôi cấy “ám ảnh tạm thời”. Tiếp thu kỹ năng nhanh diễn ra tự nhiên khi bạn tò mò và quan tâm tới điều gì đó tới mức, những quan tâm khác đều bị gạt qua một bên, ít nhất là tạm thời.
Hãy nghĩ về những nguyên tắc này như cách để xác định một kỹ năng đáng để ám ảnh tạm thời, tập trung vào kỹ năng đó, gạt hết những rào cản hoặc những điều gây xao nhãng khiến bạn không rèn luyện hiệu quả được.
Dưới đây là 10 nguyên tắc chính của việc tiếp thu kỹ năng nhanh:
1. Chọn một dự án đáng yêu.
2. Tập trung năng lượng của bạn vào chỉ một kỹ năng.
3. Xác định mức độ thành thạo mà bạn mong muốn.
4. Chia kỹ năng thành những kỹ năng nhỏ hơn.
5. Tìm được những công cụ then chốt.
6. Loại bỏ những rào cản để luyện tập.
7. Dành thời gian chuyên tâm luyện tập.
8. Tạo vòng phản hồi nhanh.
9. Luyện tập tính giờ.
10. Nhấn mạnh số lượng và tốc độ.
Nhiều nguyên tắc trong số này đối với bạn là bình thường và ổn. Hãy nhớ: Chỉ biết những nguyên tắc này thôi thì chưa đủ. Bạn cần phải thực sự sử dụng chúng để gặt hái được thành quả.
1. Chọn một dự án đáng yêu
Karl Popper là một trong những triết gia vĩ đại nhất của thế kỷ XX. Ông là người đã phổ biến ý tưởng có thể chứng minh một điều gì đó là sai một cách khoa học. Theo thuật ngữ chuyên môn, nếu bạn không thể chứng minh được điều gì đó là sai bằng cách quan sát hoặc thử nghiệm thì đó không phải là khoa học thật sự.
Popper nói rất nhiều điều thông thái, nhưng tôi nghĩ một trong những câu nói thông thái nhất của ông là: “Điều tuyệt vời nhất có thể xảy đến với con người là tìm thấy vấn đề, “phải lòng” vấn đề đó và sống chỉ để cố gắng giải quyết vấn đề đó, trừ khi có một vấn đề khác còn đáng yêu hơn xuất hiện”.
Nếu bạn muốn có một công thức sống thỏa mãn, hiệu quả, thì bạn không được đi ngược với câu nói đó.
Tiếp thu kỹ năng nhanh đòi hỏi phải chọn được một vấn đề hoặc một dự án đáng yêu. Bạn càng hứng khởi với kỹ năng bạn muốn học bao nhiêu thì bạn càng nhanh học được kỹ năng đó.
Trong thực tế, tìm được một dự án đáng yêu là vấn đề mang tính cá nhân. Chẳng hạn, học nói và viết tiếng Trung phổ thông không nằm trong danh sách những kỹ năng cần học hiện tại của tôi, vì tôi không có nhu cầu cấp bách phải học ngay lúc này, và còn rất nhiều dự án khác mà tôi quan tâm hơn. Nếu tôi quyết định chuyển sang học kỹ năng nói tiếng Trung phổ thông trong tương lai, thì điều đó có thể trở nên đáng yêu, nhưng tôi vẫn chưa quyết định.
Mặt khác, tôi đặc biệt quan tâm tới việc học cách chơi cờ vây, trò chơi trên bàn cờ chiến lược cổ nhất thế giới, có nguồn gốc từ Trung Quốc hơn 3.000 năm trước. Đó là một trò chơi tuyệt vời, và tôi muốn học cách chơi từ khi tôi vô tình biết tới trò chơi này vài năm trước.
Học cách chơi cờ vây đòi hỏi phải tìm hiểu. Luật chơi rất đơn giản, nhưng đọc chính xác những kiểu suy luận của những quân cờ đen và trắng trên bàn cờ lại là cả một thử thách. Máy tính đã thống trị cờ nhiều năm nay, nhưng ngay cả những chiếc máy tính tốt nhất cũng gặp khó khăn khi đấu với một người chơi cờ vây nhiều kinh nghiệm.
Bình thường, với những việc bạn quan tâm, bạn sẽ học nhanh hơn những việc bạn không quan tâm. Gần đây tôi đặc biệt quan tâm tới việc học cách chơi cờ vây, vì thế tôi sẽ học cách chơi cờ vây trước, và để dành tiếng Trung phổ thông lại học sau.
Nếu bạn tập trung vào việc học kỹ năng quan trọng nhất (nghĩa là dự án bạn yêu thích nhất) trước những việc khác, bạn sẽ học được kỹ năng đó nhanh hơn trong khoảng thời gian ngắn hơn.
2. Tập trung năng lượng của bạn vào chỉ một kỹ năng
Một trong những sai lầm dễ mắc phải nhất khi học kỹ năng mới là bạn cố gắng học quá nhiều kỹ năng cùng một lúc.
Vấn đề đó chỉ là một bài toán đơn giản: Học kỹ năng mới đòi hỏi phải dành thời gian tập trung và chuyên tâm chú ý. Nếu bạn chỉ có một hoặc hai tiếng mỗi ngày để rèn luyện và học hỏi, và bạn dùng khoảng thời gian và năng lượng đó cho 20 kỹ năng khác nhau thì chắc chắn không có kỹ năng nào được nhận đủ thời gian và năng lượng để đạt được tiến bộ đáng kể.
Một số người khó tiếp thu được nguyên tắc này hơn so với những người khác. Cá nhân tôi luôn là một kiểu “người Phục hưng”: Có hàng trăm thứ thuộc hàng trăm lĩnh vực khác nhau mà tôi muốn học tại một thời điểm nào đó. Về mặt tình cảm, thật khó để tôi có thể quyết định trì hoãn học những điều mới mà tôi đã khám phá hoặc nghe nói.
Tuy nhiên, khi tôi cố gắng học tất cả mọi thứ cùng một lúc, tôi lại không thực sự học được gì. Thay vì tiến bộ, tôi lại mất quá nhiều thời gian để chuyển giữa các kỹ năng khác nhau, bối rối và chuyển sang một việc gì đó khác. Đó chính là công thức để tiếp thu kỹ năng cực kỳ chậm.
Hãy chọn một và chỉ một kỹ năng mới mà bạn muốn học. Hãy dành toàn bộ năng lượng cùng sự tập trung của bạn vào việc học hỏi kỹ năng đó, và gạt những kỹ năng khác sang chế độ chờ. David Allen, tác giả cuốn Để hoàn thành việc (Getting Things Done) (2002), đã gợi ý lập danh sách “một ngày nào đó/có lẽ” – danh sách những việc bạn muốn khám phá một lúc nào đó trong tương lai, nhưng chưa đủ quan trọng để bạn tập trung vào chúng ngay lúc này. Bằng cách thêm một việc vào danh sách đó, bạn sẽ tạm thời giải phóng bản thân khỏi trách nhiệm hành động hay suy nghĩ về ý tưởng đó cho tới khi bạn quyết định chuyển nó sang trạng thái hoạt động.
Tôi không thể nhấn mạnh đủ nghĩa là gì. Tập trung vào chỉ một kỹ năng quan trọng là việc vô cùng cần thiết đối với việc học kỹ năng nhanh. Bạn không vĩnh viễn từ bỏ những kỹ năng khác, chỉ là bạn để dành chúng cho sau này mà thôi.
3. Xác định mức độ thành thạo mà bạn mong muốn
Mức độ thành thạo mong muốn là cụm từ đơn giản. Định nghĩa “đủ tốt” có nghĩa là gì. Bạn muốn thể hiện kỹ năng mà bạn đang học tốt tới mức nào?
Mức độ thành thạo mong muốn là câu khẳng định ngắn gọn về việc bạn muốn thành thạo kỹ năng đó ở mức độ nào. Hãy nghĩ về nó như một câu miêu tả về điều bạn đang cố đạt được, và điều bạn có thể làm khi đạt được. Mức độ thành thạo mong muốn của bạn càng chi tiết, cụ thể bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu.
Việc xác định mức độ thành thạo giúp bạn tưởng tượng ra sẽ như thế nào khi thể hiện theo một cách cụ thể nào đó. Một khi bạn đã quyết định được chính xác bạn muốn hoặc cần phải tốt tới mức nào, thì sẽ dễ hơn để xác định làm cách nào để đạt được như vậy. Nói như Charles Kettering, nhà phát minh hệ thống khởi động ô tô điện, thì: “Một vấn đề khi được xác định rõ ràng có nghĩa là đã được giải quyết một nửa”.
Cách bạn xác định mức độ thành thạo mong muốn phụ thuộc vào nguyên nhân ban đầu bạn chọn học kỹ năng đó. Nếu mục đích của bạn chỉ là học cho vui, thì mục tiêu của bạn là khi bạn không còn cảm thấy khó chịu và bắt đầu thấy thích việc rèn luyện. Nếu mục đích của bạn là để thành thạo, thì mức độ thành thạo tối thiểu ban đầu mà bạn có thể chấp nhận được là như thế nào?
Khi bạn đã đạt được mức độ thành thạo mong muốn ban đầu, bạn vẫn có thể chọn tiếp tục nếu bạn muốn. Mức độ thành thạo mong muốn tốt nhất có vẻ như nằm ngoài tầm với, chứ không phải nằm ngoài khả năng có thể.
Về mặt nguyên tắc, mức độ thành thạo mục tiêu của bạn càng thoải mái, bạn càng nhanh chóng học được kỹ năng đó. Nếu bạn tư duy theo tư duy của bậc thầy thế giới, thì có vẻ như đó là một tiểu xảo: Bạn đang hạ thấp rào cản để bạn có thể “thắng” nhanh hơn, đúng không?
Đó chính xác là điều chúng ta đang làm, và không phải là tiểu xảo gì. Hãy nhớ, trình độ bậc thầy thế giới không phải là mục tiêu cuối cùng của việc học kỹ năng nhanh. Chúng ta đang nhắm tới khả năng tiếp thu và hiệu quả với tốc độ lớn nhất, chứ không phải nhắm tới sự hoàn hảo.
Quan trọng là phải nhớ rằng một số kỹ năng có lưu ý về độ an toàn mà bạn nên đưa vào mức độ thành thạo mục tiêu của mình. Bị thương (hoặc mất mạng) vì học kỹ năng mới có thể hủy bỏ mục đích.
4. Phân chia kỹ năng thành những kỹ năng nhỏ
Hầu hết những việc mà chúng ta cho là kỹ năng thực ra đều là một nhóm những kỹ năng nhỏ hơn. Một khi bạn đã xác định được một kỹ năng để tập trung, bước tiếp theo là phá vỡ nó – chia nhỏ nó thành những phần nhỏ nhất có thể. Chẳng hạn, chơi gôn là kỹ năng có nhiều chi tiết phụ: Chọn đúng gậy, phát bóng, đánh ra ngoài hố cát…
Một khi kỹ năng được “phá vỡ” phù hợp, sẽ dễ dàng hơn nhiều để xác định kỹ năng nhỏ nào là quan trọng nhất. Bằng cách tập trung vào những kỹ năng nhỏ quan trọng trước, bạn sẽ nhanh chóng tiến bộ mà không cần phải tốn nhiều công sức.
Việc chia nhỏ một kỹ năng cũng giúp bạn dễ dàng tránh được cảm giác quá tải. Bạn không phải luyện tập tất cả các phần của một kỹ năng cùng một lúc. Thay vào đó, sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu tập trung vào những kỹ năng nhỏ có thể đem lại kết quả tổng thể khả quan hơn.
Việc chia nhỏ kỹ năng trước khi bắt đầu cũng giúp bạn xác định những phần kỹ năng không quan trọng đối với người mới bắt đầu luyện tập. Bằng cách loại bỏ kỹ năng nhỏ hoặc những thủ thuật không quan trọng ngay từ đầu quá trình, bạn có thể đầu tư nhiều thời gian và năng lượng cho việc học những kỹ năng nhỏ quan trọng trước.
5. Tìm được những công cụ then chốt
Hầu hết các kỹ năng đều có những điều kiện tiên quyết để luyện tập và thực hành. Thật khó để chơi quần vợt nếu bạn không có vợt, hoặc khó có thể học lái trực thăng nếu bạn không được tiếp cận với một chiếc trực thăng.
Bạn cần phải tiếp cận với công cụ, yếu tố hoặc môi trường nào trước khi có thể luyện tập hiệu quả? Làm cách nào bạn có thể có được những công cụ tốt nhất mà bạn có thể tìm thấy và có khả năng mua?
Dành một chút thời gian để xác định những công cụ cần thiết trước khi bắt đầu luyện tập sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian quý báu. Bằng cách đảm bảo bạn có những nguồn lực cần thiết trước khi bắt đầu, bạn có thể tối đa hóa thời gian luyện tập của mình.
6. Loại bỏ những rào cản để luyện tập
Có rất nhiều thứ có thể cản trở việc luyện tập của bạn, khiến cho việc học bất kỳ kỹ năng nào cũng trở nên khó khăn hơn nhiều. Những rào cản này có thể là:
Nỗ lực luyện tập trước. Chẳng hạn như sử dụng công cụ không đúng chỗ, không tìm được đúng công cụ trước khi luyện tập, hoặc bỏ qua việc xây dựng các điều kiện cần thiết.
Sử dụng nguồn gián đoạn, ngắt quãng. Chẳng hạn như sử dụng thiết bị đi mượn hoặc phụ thuộc vào nguồn có thời gian vận hành hạn chế.
Những điều gây xao lãng. Chẳng hạn như ti vi, điện thoại kêu, email đến.
Rào cản tâm lý. Chẳng hạn như sợ hãi, nghi ngờ và xấu hổ.
Mỗi một yếu tố này đều có thể khiến cho việc bắt đầu luyện tập khó khăn hơn, và từ đó giảm tốc độ học hỏi của bạn.
Dựa vào sức mạnh tinh thần để vượt qua những rào cản này là một chiến lược chắc chắn thất bại. Chúng ta có rất nhiều sức mạnh tinh thần để có thể sử dụng mỗi ngày, và sẽ là tốt nhất nếu sử dụng sức mạnh tinh thần đó một cách thông minh.
Cách tốt nhất để đầu tư sức mạnh tinh thần vào việc hỗ trợ việc tiếp thu kỹ năng là sử dụng nó để loại bỏ những rào cản nhẹ nhàng đối với việc luyện tập. Bằng cách sắp xếp lại môi trường của bạn để khiến cho việc bắt đầu luyện tập dễ dàng nhất có thể, bạn sẽ học được kỹ năng trong khoảng thời gian ít hơn rất nhiều.
7. Dành thời gian chuyên tâm luyện tập
Thời gian bạn dành để học hỏi một kỹ năng mới cần phải lấy từ đâu đó. Đáng buồn là chúng ta thường muốn học kỹ năng mới và tiếp tục thực hiện nhiều hoạt động khác mà chúng ta thích, như xem ti vi, chơi trò chơi điện tử…
“Tôi sẽ học khi tôi tìm được thời gian”, chúng ta thường tự nói với mình như vậy.
Sự thật là đây: “tìm được” thời gian là chuyện hoang đường.
Chưa có ai từng “tìm được” thời gian cho bất cứ việc gì, theo nghĩa bất ngờ phát hiện ra một ngân hàng thời gian đặc biệt, kiểu như bạn tình cờ nhặt được tờ 20 đô la trong túi áo khoác của mình vậy.
Nếu bạn chờ tìm được thời gian để làm việc gì đó, thì bạn sẽ không bao giờ làm được việc đó. Nếu bạn muốn tìm được thời gian, bạn cần phải tạo ra thời gian.
Bạn có 24 tiếng để đầu tư mỗi ngày, 1.440 phút, không hơn không kém. Bạn sẽ không bao giờ có nhiều thời gian hơn. Nếu bạn ngủ khoảng 8 tiếng một ngày, bạn còn 16 tiếng để tùy ý sử dụng. Một vài tiếng trong số đó sẽ được dùng để chăm sóc bản thân bạn và những người bạn thương yêu. Số khác được dành để làm việc. Còn lại là thời gian bạn có để học kỹ năng. Nếu bạn muốn cải thiện kỹ năng của mình nhanh nhất có thể, thì bạn có thể dành thời gian học càng nhiều càng tốt.
Cách tốt nhất để tạo ra thời gian học kỹ năng là xác định khoảng thời gian ít giá trị sử dụng, sau đó chọn cách loại bỏ chúng. Giống như làm thí nghiệm, tôi đề nghị nên có một bảng theo dõi đơn giản, ghi lại cách bạn sử dụng thời gian trong vài ngày. Tất cả những gì bạn cần chỉ là một cuốn sổ.
Kết quả của bảng theo dõi thời gian này sẽ làm bạn bất ngờ: nếu bạn chọn cắt bỏ những khoảng thời gian ít giá trị sử dụng, bạn sẽ có thêm nhiều thời gian để học kỹ năng. Thời gian bạn có thể dành ra mỗi ngày càng nhiều thì tổng thời gian cần phải bỏ ra để học kỹ năng mới càng ít. Tôi khuyến khích nên tạo ra ít nhất 90 phút để luyện tập mỗi ngày bằng cách cắt bỏ càng nhiều hoạt động ít giá trị càng tốt.
Tôi cũng khuyến khích bạn nên cam kết trước là sẽ hoàn thành ít nhất 20 tiếng luyện tập. Một khi đã bắt đầu, bạn cần tiếp tục luyện tập cho tới khi đạt tới mốc 20 giờ. Nếu bạn bị kẹt, hãy tiếp tục thực hiện: Bạn không thể dừng cho tới khi bạn đạt được mức độ thành thạo mong muốn hoặc (cho tới khi) đã đầu tư 20 tiếng. Nếu bạn không sẵn sàng đầu tư ít nhất 20 tiếng thì hãy chọn kỹ năng khác để học.
Lý do của việc này rất đơn giản: Giai đoạn đầu của quá trình học kỹ năng thường có cảm giác khó hơn so với độ khó thực sự của chúng. Bạn thường bối rối, và sẽ vấp phải những vấn đề cùng rào cản không mong muốn. Thay vì từ bỏ khi bạn vấp phải khó khăn đơn giản nhất, việc cam kết trước sẽ dành ra 20 tiếng sẽ khiến cho việc kiên định với con đường bạn đã chọn trở nên đơn giản hơn.
Hãy nghĩ về cách tiếp cận này như một bài tập về tính gan góc: Bạn sẽ không để một vấn đề nhỏ xíu, ngớ ngẩn ngăn cản bạn làm việc bạn đã quyết định là mình thực sự muốn làm. Hoặc là bạn sẽ giải quyết vấn đề, hoặc là bạn sẽ làm hết sức cho tới khi đạt mốc 20 tiếng. Đến lúc đó, bạn sẽ ở vào vị trí tốt hơn để quyết định sẽ tiếp tục như thế nào.
8. Tạo vòng phản hồi nhanh
“Phản hồi nhanh” nghĩa là nhận thông tin chính xác về cách bạn biểu hiện nhanh nhất có thể. Thời gian nhận phản hồi chính xác càng chậm thì thời gian học kỹ năng càng lâu.
Chẳng hạn, lấy nghệ thuật làm pho mát là ví dụ. Thường phải mất cả tháng hoặc cả năm để hoàn thành quá trình hóa học tinh vi nhằm tạo ra pho mát nguyên chất, và không có cách nào để đẩy nhanh quá trình đó mà không làm hỏng kết quả. Nếu phải mất sáu tháng để xác định pho mát của bạn có ngon hay không, thì sự chậm trễ trong phản hồi khiến cho việc học kỹ năng nhanh trở nên khó khăn hơn.
Theo lẽ tự nhiên, phản hồi nhanh sẽ dẫn tới việc học kỹ năng nhanh. Nếu phản hồi đến ngay lập tức, hoặc chỉ chậm trễ một chút, thì sẽ dễ dàng hơn rất nhiều để kết nối thông tin đó với hành động của bạn và đưa ra những điều chỉnh thích hợp.
Hình thức phản hồi tốt nhất là gần như ngay lập tức. Đó chính là lý do tại sao những kỹ năng như lập trình có thể trở thành chất gây nghiện êm dịu như vậy: Bạn tạo ra một thay đổi nhỏ, và chỉ một phần nghìn giây sau máy tính đã có thể cho bạn biết thay đổi đó có tác dụng hay không. Nếu bạn không thích phản hồi, hãy tạo ra thay đổi mới và thử lại.
Có rất nhiều nguồn phản hồi hữu ích. Như Atul Gawande, bác sỹ phẫu thuật kỳ cựu và một người chơi quần vợt không chuyên, đã giải thích trong một bài báo đăng trên tờ The New Yorker thì những huấn luyện viên và người hướng dẫn có kinh nghiệm có thể cho bạn những phản hồi ngay lập tức về cách bạn đang biểu hiện và gợi ý cách điều chỉnh cần thiết.
Huấn luyện viên không phải là nguồn phản hồi nhanh duy nhất. Những thiết bị ghi hình như máy quay phim cũng có thể giúp bạn xem lại hình ảnh của mình khi bạn thực hiện kỹ năng. Những công cụ như chương trình máy tính, thiết bị hỗ trợ đào tạo và các thiết bị khác có thể ngay lập tức chỉ cho bạn biết khi nào bạn mắc sai lầm hoặc có điều gì đó không thích hợp.
Nguồn phản hồi nhanh mà bạn tích hợp vào quá trình luyện tập của bạn càng nhiều thì bạn càng nhanh học được kỹ năng.
9. Luyện tập tính giờ
Bộ não của chúng ta được hình thành để học – để chú ý các kiểu mẫu, kích thích những hành động tiềm năng và xác định điều gì có thể xảy ra tiếp theo. Não bộ không phải được hình thành để ước lượng chính xác thời gian – phải mất bao lâu cho việc gì đó hoặc bạn phải dành bao nhiêu thời gian để làm việc gì đó.
Trong giai đoạn đầu của quá trình luyện tập kỹ năng mới, rất dễ để đánh giá quá cao lượng thời gian bạn đã dành ra để luyện tập. Khi bạn không giỏi (và bạn biết điều đó), thời gian dường như dài lê thê, và có vẻ như bạn đã luyện tập được một quãng thời gian lâu hơn so với thời gian thực tế bạn bỏ ra.
Giải pháp cho việc này là luyện tập tính giờ. Hãy mua một thiết bị đếm ngược tử tế và hẹn thời gian đếm ngược trong 20 phút. Chỉ có một nguyên tắc là một khi bạn bắt đầu tính giờ, bạn cần phải luyện tập cho tới khi hết giờ. Không có ngoại lệ.
Thủ thuật đơn giản này sẽ giúp cho việc hoàn thành những thời kỳ luyện tập dài hơi trở nên dễ dàng hơn, ngay cả khi bạn mệt mỏi hoặc chán nản.
Thời kỳ luyện tập bạn hoàn thành được càng nhiều thì việc học kỹ năng của bạn càng nhanh hơn. Hãy dành thời gian để luyện tập từ ba đến năm lần mỗi ngày, và bạn sẽ thấy bản thân tiến bộ trong một thời gian rất ngắn.
10. Nhấn mạnh số lượng và tốc độ
Khi bắt đầu học một kỹ năng mới, bạn sẽ bị thôi thúc phải tập trung vào việc luyện tập thật hoàn hảo – đây chính là công thức tạo ra sự thất vọng. Tất nhiên là biểu hiện của bạn sẽ chẳng thể nào gần tới mức hoàn hảo được.
Thay vì cố gắng trở nên hoàn hảo, hãy tập trung vào việc luyện tập càng nhiều, càng nhanh càng tốt, trong khi vẫn duy trì được mức độ “đủ tốt”.
Trong cuốn Nghệ thuật và nỗi sợ (Art & Fear) (2001), hai tác giả David Bayles và Ted Orland đã chia sẻ một giai thoại rất thú vị về giá trị của số lượng:
Trong ngày khai giảng, thầy giáo dạy làm gốm tuyên bố sẽ chia lớp thành hai nhóm. Ông nói, tất cả những người ở phía bên trái của xưởng làm gốm sẽ được đánh giá căn cứ vào số lượng sản phẩm mà họ làm ra, còn tất cả những người bên phải sẽ được đánh giá dựa trên chất lượng sản phẩm.
Phương pháp của ông rất đơn giản: Vào ngày kết thúc khóa học, ông sẽ đem theo chiếc cân và cân thành quả của nhóm “số lượng”: 25 cân đạt điểm A, 20 cân đạt điểm B,… Tuy nhiên, nhóm được đánh giá dựa vào “chất lượng” chỉ cần làm ra được một chiếc bình – một chiếc hoàn hảo – để đạt được điểm A.
Đến lúc xếp hạng có một chuyện kỳ lạ đã xảy ra: Những tác phẩm đạt chất lượng cao nhất đều là tác phẩm của nhóm được đánh giá dựa trên “số lượng”. Có vẻ như trong khi nhóm “số lượng” bận bịu hoàn thành khối lượng công việc và học hỏi từ sai lầm của mình, nhóm “chất lượng” chỉ ngồi đó suy ngẫm về sự hoàn hảo, và cuối cùng chẳng có gì để thể hiện sự nỗ lực của họ ngoài mớ lý thuyết và một đống đất sét.
Kỹ năng là kết quả của việc luyện tập chuyên tâm, bền bỉ, và trong giai đoạn đầu luyện tập, số lượng và tốc độ hoàn toàn áp đảo chất lượng. Bạn luyện tập càng nhanh và thường xuyên thì bạn càng nhanh chóng học được kỹ năng đó.
Nói như vậy không có nghĩa là bạn nên bỏ qua hình thức luyện tập tử tế. Một số kỹ năng, đặc biệt là những kỹ năng đòi hỏi phải hành động hoặc chuyển động cơ thể, thì yêu cầu là phải đạt đến một sự thể hiện tốt nhất. Nếu bạn luyện tập kỹ thuật trong hội họa, bắt chước Jackson Pollack(1) với hàng trăm bức vẽ một ngày sẽ chẳng thể giúp gì cho bạn nếu mục tiêu của bạn là vẽ một bức chân dung giống như thật. Kỹ thuật là điều quan trọng.
Trước tiên, cần phải đảm bảo bạn đang luyện tập bằng một hình thức đủ tốt để có thể đạt được mức độ thành thạo mong muốn của mình. Một khi bạn đã luyện tập với dạng thức tốt trong ít nhất 80 đến 90% thời gian, hãy đẩy nhanh tốc độ để học được kỹ năng nhanh hơn.
Đó chính là 10 nguyên tắc đơn giản để đảm bảo bạn sẽ luyện tập kỹ năng quan trọng theo cách hiệu quả và năng suất nhất có thể.
Có tác dụng không?
Phương pháp này có thực sự giúp bạn học kỹ năng nhanh hơn không? Nghiên cứu đã chỉ ra là hoàn toàn có thể.
Trong những nghiên cứu mang tính học thuật về việc học kỹ năng dẫn truyền và khởi động, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một điểm chung: Khi những người tham gia nghiên cứu bắt đầu luyện tập một kỹ năng mới, biểu hiện của họ thường được cải thiện một cách đáng kể trong một khoảng thời gian rất ngắn. Không cần phải luyện tập quá nhiều để đi từ “rất chậm và cực kỳ kém” sang “nhanh vừa phải và giỏi đáng kể”.
Trong văn học, điều này được coi là “luật luyện tập năng lực”, và thường được nhắc đi nhắc lại. Tác dụng của nó được biết đến rộng rãi trong giới nghiên cứu về học kỹ năng ít nhất là từ năm 1926, và nó đã được sử dụng rất nhiều lần trong các nghiên cứu về cả kỹ năng thể chất và tinh thần. Thậm chí có một nghiên cứu còn cho rằng: “Bất cứ lý thuyết nào về học kỹ năng nếu không phù hợp với chức năng học của luật năng lực thì đều có thể bị loại bỏ ngay lập tức”.
Các nghiên cứu mang tính học thuật đã chỉ ra rằng “luật luyện tập năng lực” có hình vòng cung như thế này, với thời gian biểu hiện trên trục y và kết quả luyện tập trên trục x:
Vì thời gian là một đại lượng tăng, nên đường cong dốc xuống. Bằng cách luyện tập, sẽ tốn ít thời gian hơn để hoàn thành nhiệm vụ đã đề ra.
Thật thú vị khi lưu ý rằng, nếu bạn đặt lại tên cho trục y là “bạn giỏi tới mức nào” (nghĩa là, bạn định nghĩa biểu hiện bằng thuật ngữ chung chung hơn so với một đơn vị thời gian), bạn sẽ có khái niệm được biết đến rộng rãi, đó là đường cong nhận thức.
Mô hình chung của đường cong nhận thức trông giống như thế này: Khi bạn bắt đầu, bạn sợ, nhưng bạn sẽ tiến bộ rất nhanh khi bạn học những phần quan trọng nhất của kỹ năng. Sau khi nhanh chóng đạt đến một mức độ nào đó của một kỹ năng, tỉ lệ tiến bộ của bạn giảm, và hệ quả là sự tiến bộ sẽ trở nên chậm hơn nhiều.
Ngược với cách sử dụng thông thường, “đường cong nhận thức có dạng dốc đứng” là tốt chứ không xấu. Biểu đồ giải thích rõ lý do: Đường cong nhận thức có dạng dốc đứng cho thấy tỉ lệ học kỹ năng rất nhanh. Đường cong càng dốc, bạn càng học được nhiều trong mỗi đơn vị thời gian.
Bạn có thể nghĩ về bảng liệt kê những mục cần kiểm tra mà tôi đã phác họa như một cách để làm cho đường cong nhận thức của bạn dốc đứng hơn một cách có chủ đích. Bản thân các nguyên tắc chỉ là những thủ thuật đơn giản, khiến cho hai giai đoạn mang tính lý thuyết đầu tiên của quá trình học kỹ năng (nhận thức và liên tưởng) trở nên dễ thực hiện hơn.
Một khi bạn bắt đầu luyện tập một điều gì đó mới mẻ, kỹ năng của bạn sẽ tự nhiên được cải thiện một cách đáng kể trong một khoảng thời gian rất ngắn. Vấn đề chỉ là bắt đầu luyện tập nhanh nhất có thể. Không phải là nghĩ về việc luyện tập hay lo lắng về việc luyện tập, mà là thực sự luyện tập.
Thật sự rất dễ để có cảm giác như bạn đang đầu tư rất nhiều thời gian cho một kỹ năng mà không luyện tập tí gì. Nếu bạn muốn học một điều gì đó trong khoảng thời gian dài, bạn mơ về việc sẽ giỏi việc đó, nhưng bạn lại ngần ngại để bắt đầu, bạn có thể mất hàng năm năng lượng tinh thần và tình cảm mà không tiến bộ được chút nào. Nếu bạn không biết bạn đang cố gắng đi đâu hoặc không có chiến lược rõ ràng để đến được đó, bạn có thể làm lãng phí một phần năng lượng.
Mười nguyên tắc này được thiết kế để giúp bạn loại bỏ những gì không hiệu quả và thay thế nó bằng các hoạt động cần thiết cho quá trình học kỹ năng. Thời gian và năng lượng bạn dành cho hai giai đoạn đầu của quá trình học kỹ năng càng nhiều, và thời gian dành cho những việc không giúp gì cho bạn càng ít thì bạn càng nhanh chóng học được kỹ năng đó. Chỉ đơn giản vậy thôi.
Thế còn mải mê thì sao?
Đây không phải là cách duy nhất để học kỹ năng mới, nhưng chắc chắn nó là cách linh động nhất. Những phương pháp khác có thể đem đến kết quả tương tự, nhưng lại đòi hỏi phải đánh đổi tương ứng.
Phương pháp phổ biến nhất để học kỹ năng nhanh là mải mê: Thay đổi hoàn toàn môi trường của bạn theo cách tạo hứng khởi cho việc luyện tập cẩn thận và liên tục. Nếu bạn muốn học tiếng Pháp, chẳng hạn như vậy, thì học một cách mải mê đồng nghĩa với việc sống ở Pháp khoảng vài tuần hoặc một tháng.
Nhìn chung là cách này hiệu quả. Nếu bạn chuyển tới Pháp, bạn sẽ buộc phải rèn luyện kỹ năng nói tại mọi thời điểm khi bạn ở đây. Sau khoảng vài ngày khó chịu để làm quen với môi trường mới xung quanh, bạn sẽ nhận thấy kỹ năng của mình tiến bộ với tốc độ rất nhanh.
Mải mê có tác dụng vì nó đảm bảo bạn hoàn thành những giờ rèn luyện quan trọng đầu tiên mà không thất bại: Bạn không thể chạy trốn khỏi môi trường của mình, vì thế việc rèn luyện diễn ra hoàn toàn tự động.
Bất lợi của sự mải mê là nó thường đòi hỏi phải coi kỹ năng là ưu tiên hàng đầu trong một khoảng thời gian dài. Nếu bỏ lại tất cả những việc khác, đóng gói hành lý và chuyển tới Pháp là lựa chọn có thể thực hiện được của bạn thì học tiếng Pháp thông qua sự mải mê là một chiến lược tốt.
Đáng buồn là, hầu hết chúng ta đều có những cam kết mà chúng ta không thể (hoặc không muốn) bỏ lại: gia đình, công việc, khoản vay thế chấp phải trả… Trong những trường hợp này, phương pháp này khó hoặc không thể thực hiện được.
Trong tình huống tồi tệ nhất, ý tưởng học mải mê trở thành một rào cản thực sự: Nếu bạn tiếp tục chờ một cơ hội học mải mê trước khi học một kỹ năng mới, bạn có thể gây lãng phí khoảng thời gian quý báu lên tới vài năm.
Hãy đón nhận cơ hội học mải mê khi nó tới, nhưng đừng phụ thuộc vào nó. Những thủ thuật này được thiết kế để giúp bạn học được những kỹ năng mới, ngay cả khi bạn chỉ có một hoặc hai giờ rảnh mỗi ngày.
Kích hoạt lại những kỹ năng cũ
Quan trọng là bạn phải chú ý rằng những nguyên tắc này hữu dụng ngay cả khi kỹ năng mà bạn muốn học không hẳn là kỹ năng mới đối với bạn. Hoàn toàn có thể sử dụng những thủ thuật này để học lại những kỹ năng cũ trong khoảng thời gian kỷ lục.
Chẳng hạn, tôi đã học cách chơi kèn trumpet từ hồi cấp ba, và tôi đã tập chăm chỉ để chơi khá tốt loại kèn này. Nhưng từ khi tốt nghiệp và học đại học, tôi không hề động tới nó.
Nếu tôi quyết định nhấc chiếc kèn trumpet lên, tôi sẽ không phải mất quá nhiều thời gian luyện tập để kích hoạt lại kỹ năng (chơi đàn) của mình. Tôi đã biết những kỹ năng nhỏ cần thiết, vì thế tôi sẽ tập trung vào cách đặt môi (kiểm soát cơ quanh môi trong khi thổi hơi vào miệng kèn), đọc nốt nhạc, nhớ lại vị trí đặt ngón tay tương ứng, và xem lại lý thuyết âm nhạc cơ bản (nhịp, phách, chức năng và biểu hiện).
Sẽ chỉ mất khoảng vài tiếng luyện tập để học lại kỹ năng đó. Việc kích hoạt lại chủ yếu đòi hỏi phải có thời gian, loại bỏ rào cản đối với việc luyện tập và luyện tập tính giờ.
Bắt đầu nghiêm túc là đã làm được một nửa
Đôi khi bạn sẽ muốn từ bỏ chiếc đàn ghi-ta. Bạn sẽ ghét đàn ghi-ta. Nhưng nếu bạn cứ gắn với nó, bạn sẽ được tưởng thưởng xứng đáng.
− JIMI HENDRIX, nghệ sĩ chơi ghi-ta điện nổi tiếng
Bạn không cần sử dụng tất cả những nguyên tắc này cho mỗi kỹ năng mà bạn học, nhưng bạn sẽ luôn thấy ít nhất một vài trong số đó là cần thiết.
Tôi thấy có tác dụng khi nghĩ về những nguyên tắc này như một bảng liệt kê những mục cần kiểm tra. Bất cứ khi nào bạn quyết định học một điều gì đó mới mẻ, chỉ cần xem qua bảng liệt kê những mục cần kiểm tra đó và xác định xem những nguyên tắc nào có thể ứng dụng cho dự án của bạn.
Đây là bảng liệt kê những mục cần kiểm tra để học kỹ năng:
1. Chọn một dự án đáng yêu.
2. Tập trung năng lượng của bạn vào chỉ một kỹ năng.
3. Xác định mức độ thành thạo mà bạn mong muốn.
4. Phân chia kỹ năng thành những kỹ năng nhỏ.
5. Tìm được những công cụ then chốt.
6. Loại bỏ những rào cản để luyện tập.
7. Dành thời gian chuyên tâm luyện tập.
8. Tạo vòng phản hồi nhanh.
9. Luyện tập tính giờ.
10. Nhấn mạnh số lượng và tốc độ.
Chính là vậy đấy. Hãy áp dụng bảng liệt kê những mục cần kiểm tra này cho kỹ năng quan trọng hiện tại của bạn, và việc rèn luyện của bạn sẽ trở nên hiệu quả, năng suất hơn, giúp bạn học kỹ năng nhanh hơn.
Như tôi đã nói, phương pháp này không phải là môn khoa học thần tốc. Nó chỉ đơn giản là kiến thức, chiến lược và sự chuẩn bị thông thường áp dụng cho kỹ năng mà bạn muốn cải thiện. Không hơn, không kém.
Giờ chúng ta hãy cùng kiểm tra xem học và nghiên cứu có thể khiến cho quá trình học kỹ năng của bạn hiệu quả hơn như thế nào.