Sáng nào thức dậy, tôi cũng quyết tâm phải thay đổi thế giới và vui vẻ. Đôi khi điều này khiến cho việc lập kế hoạch theo ngày của tôi trở nên khó khăn.
−E. B. WHITE, tác giả cuốn Mạng nhện của Charlotte
▪ ▪ ▪
Xin chào các bạn, tên tôi là Josh Kaufman, và tôi là một người nghiện học.
Các giá sách ở nhà và ở văn phòng của tôi đều đầy ắp sách, dụng cụ và những thiết bị chưa từng được sử dụng, đủ các thể loại. Hầu hết những thứ đó đều dần dần bị bụi phủ.
Tôi có một danh sách dài ngoằng những thứ “cần học”. Giỏ hàng trên trang Amazon.com hiện tại của tôi có 241 món hàng – tất cả đều là những cuốn sách tôi muốn đọc. Tôi không thể bước vào một hiệu sách mà không quay ra với ba hoặc bốn cuốn sách mới, để thêm vào “bộ sưu tập” 852 cuốn mà tôi đang có.
Mỗi ngày, tôi lại nghĩ ra một ý tưởng cho một dự án khác hay một trải nghiệm mới, và tôi lại thêm vào danh sách vẫn không ngừng dài thêm của mình có tên là “một ngày nào đó/có thể”. Chỉ nhìn vào những việc mà tôi muốn học cách làm cũng đủ khiến tôi thấy choáng ngợp, vì vậy tôi không mấy khi nhìn vào danh sách đó.
Tôi muốn học cách phát triển công ty xuất bản của mình. Tôi muốn học cách quay và biên tập video. Tôi muốn sản xuất được một chương trình phát thanh. Tôi muốn học cách tổ chức những buổi thảo luận và giảng dạy tốt hơn.
Tôi có những ý tưởng cho sản phẩm mới, nhưng tôi không biết làm thế nào để phát triển nó. Tôi có các ý tưởng về chương trình máy tính mới, nhưng tôi không biết làm thế nào để tạo ra chúng. Tôi có nhiều ý tưởng viết lách trong đầu hơn là thời gian và năng lượng để viết ra.
Tôi muốn học cách vẽ. Tôi muốn học cách chèo thuyền kayak. Tôi muốn học cách câu cá bằng ruồi nhân tạo. Tôi muốn học leo núi. Tôi muốn có thể chơi được ghi ta, đàn ukulele, piano và violin điện.
Có những trò chơi tôi đã thích trong nhiều năm như trò cờ vây, nhưng tôi vẫn chưa học được cách chơi. Có những trò chơi tôi đã biết cách chơi như cờ tướng, nhưng tôi không thực sự giỏi, vì vậy những trò đó không thú vị lắm, và tôi không chơi chúng thường xuyên.
Tôi thích ý tưởng chơi gôn, nhưng trận nào tôi chơi cũng đều hóa thành trò cười cho mọi người. (Tôi thường nói rằng tôi chơi gôn ma-ra-tông vì khi đánh được 18 lỗ, tôi đã chạy được cả một vòng ma-ra-tông.)
Có vẻ như mỗi ngày tôi lại thêm một số kỹ năng mới vào danh sách những việc tôi muốn mình có thể làm được – danh sách dài vô tận. Khi có quá nhiều thứ cần học, tôi sẽ có ít thời gian hơn.
Về bản chất, tôi là người thích tự mình làm việc của mình. Nếu có việc gì cần làm, tôi muốn tự mình làm hơn là nhờ người khác giúp đỡ. Ngay cả khi người khác có thể làm việc đó nhanh hơn hoặc tốt hơn tôi, tôi cũng không nỡ tước mất cái “thú” học để trải nghiệm của bản thân.
Để làm cho mọi việc phức tạp hơn, Kelsey, vợ tôi, còn mở một công ty riêng, cung cấp các khóa đào tạo liên tục cho những giảng viên dạy yoga. Công ty mang lại lợi ích cho cả hai chúng tôi, vì thế luôn có rất nhiều việc cần phải làm.
Để cuộc sống trở nên thú vị hơn, chúng tôi đã chào đón thành viên mới của gia đình, con gái Lela. Lela mới được chín tháng tuổi khi tôi viết cuốn sách này.
Trước khi có Lela, tôi và Kelsey đã thống nhất, nếu có con, chúng tôi muốn đặt việc tự mình nuôi con lên hàng đầu. Một trong những lý do chính khiến tôi từ bỏ công việc quản lý trước đây của mình tại một tập đoàn thuộc danh sách Fortune 500 là để có thể làm việc linh hoạt ở nhà, tự đặt lịch trình cho mình, và dành càng nhiều thời gian càng tốt bên gia đình.
Tôi và Kelsey cùng chia sẻ trách nhiệm làm cha mẹ. Vì cả hai chúng tôi đều làm việc tại nhà nên Kelsey làm việc buổi sáng khi tôi chăm sóc Lela. Buổi chiều, Kelsey trông con, còn tôi làm việc tới lúc ăn tối. Như vậy tôi có khoảng 25 tiếng để làm việc mỗi tuần, chưa kể khoảng thời gian tôi có thể tranh thủ được khi Lela chợp mắt.
Sau khi Lela chào đời, tôi có cảm giác tôi không có đủ thời gian để làm việc, nói gì tới chuyện học thêm kỹ năng mới. Với một người nghiện học như tôi, đó là cả một vấn đề bức xúc.
Tôi không muốn từ bỏ việc học và hoàn thiện bản thân, kể cả khi có những trọng trách mới. Tôi không có nhiều thời gian rảnh, nhưng tôi sẵn sàng đầu tư những gì tôi có theo cách thông minh nhất có thể.14
Đó chính là lý do khiến tôi quan tâm tới việc học kỹ năng nhanh: Phương pháp học kỹ năng mới một cách nhanh chóng.
Tôi muốn tiếp tục học thêm các kỹ năng, nhưng tôi không muốn quá trình đó kéo dài mãi. Tôi muốn nắm bắt được các điểm mấu chốt một cách nhanh chóng để có thể tiến bộ vượt bậc mà không phải cảm thấy thất vọng thường xuyên .
Tôi tin là bạn có thể hiểu được. Bạn có bao nhiêu thời gian “rảnh” mỗi ngày sau khi hoàn thành công việc và nghĩa vụ với gia đình? Bạn có cảm thấy bạn cần 36 đến 48 tiếng một ngày để cuối ngày mới có thời gian ngồi xuống học một thứ gì đó mới mẻ?
Có một câu nói thế này: “Hãy làm việc theo cách thông minh hơn, đừng làm việc chăm chỉ hơn”. Điều này có nghĩa là quá trình học kỹ năng thực ra không phải là số giờ bạn dành cho nó… mà là điều bạn thu lượm được từ quãng thời gian đó.
Ông vớ vẩn quá, Malcolm Gladwell
Năm 2008, Malcolm Gladwell viết cuốn sách Những kẻ xuất chúng. Trong cuốn sách đó, tác giả đã cố gắng giải thích lý do khiến một số người thành công hơn những người khác.
Một trong những ý tưởng mà Gladwell nhắc đi nhắc lại là “nguyên tắc 10.000 giờ”. Dựa trên nghiên cứu của tiến sỹ K. Anders Ericsson của Đại học bang Florida, để đạt được biểu hiện xuất chúng cần 10.000 giờ (bình quân) để luyện tập.
10.000 giờ tương đương với 8 giờ luyện tập mỗi ngày trong khoảng ba năm rưỡi liên tục, không ngừng nghỉ, không có cuối tuần và cũng không có nghỉ lễ. So với tiêu chuẩn 260 ngày làm việc một năm không gián đoạn thì khoảng thời gian đó tương đương với một công việc toàn thời gian trong gần 5 năm. Đó là trong trường hợp bạn dành 100% thời gian và tận dụng 100% năng lượng cùng nỗ lực của mình.
Trên thực tế, cấp độ tập trung chú ý này thực sự là một thử thách. Ngay cả những người thuộc đẳng cấp thế giới trong nhiều lĩnh vực cạnh tranh gay gắt (ví dụ như trong âm nhạc và thể thao chuyên nghiệp) cũng chỉ có thể tập trung năng lượng trong khoảng ba tiếng rưỡi để luyện tập mỗi ngày. Điều đó có nghĩa là có thể mất cả thập kỷ hoặc nhiều thời gian hơn nữa để phát triển một kỹ năng tới mức thành thạo.
Nghiên cứu của tiến sỹ Ericsson chỉ ra rằng, về bản chất, nếu bạn muốn thành thạo một kỹ năng mới, bạn sẽ phải trải qua một quá trình dài. Để trở thành người giỏi nhất thế giới về bất cứ việc gì cũng đòi hỏi nhiều năm luyện tập không ngừng nghỉ. Nếu bạn không chịu bỏ thời gian và công sức, bạn sẽ chỉ luôn theo sau và bị lu mờ bởi những người đó.
Những kẻ xuất chúng lọt vào danh sách những cuốn sách bán chạy nhất và nằm trong danh sách này suốt ba tháng. Chỉ qua một đêm, “nguyên tắc 10.000 giờ” đã có mặt ở khắp mọi nơi.
Không những phải dành thời gian để luyện tập… giờ bạn còn phải bỏ ra 10.000 giờ nữa? Hầu hết chúng ta đều tự cho mình là người may mắn nếu có thể dành ra vài tiếng mỗi tuần. Vậy thì tại sao phải quan tâm tới việc bỏ ra quá nhiều thời gian như vậy để giỏi một việc gì đó?
Ôi Chúa ơi, hãy nhìn vào công việc của tôi và thất vọng đi!
Trước khi từ bỏ hết hi vọng, hãy xét tới điều này.
Có một phần trong nghiên cứu của tiến sỹ Ericsson rất dễ bị xem thường: Đó là nghiên cứu về biểu hiện ở mức độ chuyên gia. Nếu bạn mong muốn trở thành một Tiger Woods tiếp theo, có lẽ bạn cần phải dành ra ít nhất 10.000 tiếng luyện tập bài bản và có hệ thống tất cả các khía cạnh của gôn. Hầu hết các gôn thủ chuyên nghiệp đều bắt đầu chơi từ khi còn nhỏ và đã luyện tập không ngừng nghỉ trong ít nhất 17 năm. Để có thể mang đẳng cấp thế giới cần phải có thời gian.
Ngược lại, chuyện gì sẽ xảy ra nếu thắng giải PGA không phải là mục tiêu của bạn? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn chỉ muốn chơi gôn đủ tốt để có thể chơi thoải mái, không làm bản thân mất mặt, có một khoảng thời gian vui vẻ và có cơ hội chiến thắng trong giải đấu các câu lạc bộ địa phương?
Đó lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Muốn đạt đẳng cấp thế giới phải cần tới 10.000 giờ nỗ lực tập trung, nhưng phát triển khả năng để thể hiện đủ tốt vì mục đích riêng của bản thân thì không đòi hỏi phải đầu tư nhiều như thế.
Nói vậy không có nghĩa là làm giảm giá trị của việc “luyện tập bài bản” mà tiến sỹ Ericsson đã đề cập: Luyện tập có mục đích và có hệ thống nhằm cải thiện kỹ năng. Luyện tập bài bản là cốt lõi của việc học hỏi kỹ năng. Vấn đề là cần luyện tập bài bản đến mức nào để đạt được mục tiêu của bạn. Thường thì điều đó không cần nhiều như bạn tưởng.
Chất lượng, không phải số lượng
Tiếp nhận khái niệm vừa đủ là chìa khóa để học kỹ năng nhanh. Trong cuốn sách này, chúng ta sẽ thảo luận về việc phát triển khả năng, chứ không phải sự thành thạo đạt đẳng cấp thế giới. Chúng ta sẽ xử lý khúc cua của đường cong học hành và nắn thẳng nó càng nhanh càng tốt.
Hãy để 10.000 giờ cho những người chuyên nghiệp. Chúng ta sẽ bắt đầu với 20 giờ nỗ lực chuyên tâm, tập trung, thông minh.
Chúng ta đang nhắm tới những kết quả mà bản thân mong muốn chỉ với một phần nỗ lực. Có thể bạn sẽ không bao giờ giành được huy chương vàng, nhưng bạn sẽ đạt được những phần thưởng bạn quan tâm trong thời gian ngắn hơn.
Nếu cuối cùng bạn quyết định phải thành thạo kỹ năng đó, bạn sẽ có cơ hội tốt hơn để thành công nếu bạn bắt đầu với 20 tiếng học kỹ năng nhanh. Bằng cách biết bản thân đang hướng tới điều gì, học những nguyên tắc cơ bản, luyện tập theo cách thông minh và phát triển một quy trình luyện tập, bạn sẽ tiến bộ nhanh hơn và đều đặn hơn. Bạn sẽ đạt được trình độ chuyên gia trong thời gian kỷ lục.
Thế nào là học kỹ năng nhanh?
Học kỹ năng nhanh là một quá trình – một cách chia nhỏ kỹ năng mà bạn đang cố làm chủ thành những phần nhỏ nhất có thể, xác định phần nào là quan trọng nhất, sau đó chú tâm luyện tập phần đó trước tiên. Chỉ đơn giản vậy thôi.
Học kỹ năng nhanh có bốn bước chính:
Chia nhỏ kỹ năng thành những phần kỹ năng nhỏ nhất có thể;
Học những phần kỹ năng nhỏ nhất để có thể luyện tập theo cách thông minh và tự điều chỉnh trong suốt quá trình luyện tập;
Loại bỏ những rào cản về mặt sinh lý, tinh thần và tình cảm xuất hiện trong quá trình luyện tập;
Luyện tập những phần kỹ năng quan trọng nhất trong vòng 20 tiếng là ít nhất.
Học kỹ năng nhanh không phải là môn khoa học thần tốc. Chỉ đơn giản là bạn quyết định điều cần luyện tập, tìm ra cách tốt nhất để luyện tập, dành thời gian để luyện tập, sau đó luyện tập cho tới khi bạn đạt được mục tiêu của mình.
Chẳng có gì thần kỳ trong đó đâu – chỉ là sự nỗ lực thông minh, có chiến lược, được đầu tư vào việc bạn quan tâm mà thôi. Chỉ cần chuẩn bị một chút, bạn sẽ có được những kỹ năng mới một cách nhanh chóng, tốn ít công sức hơn.
Nói như vậy không có nghĩa là kết quả sẽ có ngay lập tức. Khao khát muốn được thỏa mãn ngay lập tức chính là một trong những lý do chính khiến mọi người không học được kỹ năng mới một cách nhanh chóng.
Quan niệm sai trong “Ma trận”
Bạn có nhớ cảnh trong phim Ma trận khi Keanu Reeves mở mắt ra, chớp mắt vài lần và thì thầm “Tôi biết Kung fu” không?
Đáng tiếc là tôi phải nói cho bạn biết: Học kỹ năng nhanh không có nghĩa là nhanh như thế.
Hollywood đã chơi xỏ chúng ta một vố liên quan tới học kỹ năng nhanh. Dù chắc chắn sẽ thật tuyệt nếu có thể học cách điều khiển một chiếc trực thăng Bell 212 trong vòng 5 giây bằng cách tải trực tiếp phần mềm vào não chúng ta, nhưng khoa học hiện nay còn cách xa khoa học viễn tưởng.
Cho tới khi điều này trở thành hiện thực, “nhanh” có nghĩa là dành thời gian ít hơn so với bình thường để học một kỹ năng nếu bạn trải qua một quá trình giống như hầu hết mọi người: mù mờ, lung tung và không nhất quán.
Một trong những kỹ năng chuyên nghiệp đầu tiên mà tôi học được là phát triển trang web: có thể xây dựng những trang web hữu ích, có công dụng. Bắt đầu với trang web cơ bản Angelfire. com năm 1996, tôi đã tự học cách đọc và viết HTML và CSS (ngôn ngữ chung của web), sử dụng Adobe Photoshop để chỉnh sửa hình ảnh, định cấu hình máy chủ web, và duy trì các hệ thống hỗ trợ công việc của tôi.
Tôi không được học những việc đó từ thời cấp ba hay đại học. Mặc dù tôi đã hoàn thành chương trình cử nhân chuyên ngành hệ thống thông tin doanh nghiệp, nhưng những kiến thức tôi đã học được trên giảng đường hoàn toàn không giống với những gì tôi vẫn làm hàng ngày.
Tôi đã học kỹ năng phát triển web bằng cách thử ngẫu nhiên và tìm hiểu trong quá trình thực hiện. Mỗi khi gặp một công nghệ hoặc công cụ mới có thể cải thiện trang web hoặc làm giảm khối lượng công việc của tôi, tôi liền thử nghiệm ngay. Sau một khoảng thời gian dài, các kỹ năng của tôi đều được cải thiện.
Cách học hỏi các kỹ năng phát triển web ngẫu hứng của tôi chỉ phục vụ một mục đích: Tôi có được một công việc dựa trên những kỹ năng đó, và hiện tại tôi đã “bán” được các thông tin về web để kiếm sống. Nhiệm vụ đã được hoàn thành, nhìn từ một góc độ nào đó.
Mặt khác, tôi đã phải học hỏi mọi thứ một cách khó khăn. Bạn chắc chắn có thể đạt tới trình độ của tôi trong vòng chưa đầy 15 năm nếu bạn tiếp cận chúng theo cách mang tính hệ thống. Nhưng nếu bạn luyện tập những kỹ năng này một cách thông minh, bạn hoàn toàn có thể đạt được trình độ ngang ngửa tôi trong vòng một tháng.
Đó chính là điều tôi muốn nói khi sử dụng cụm từ học kỹ năng nhanh. Nếu bạn có thể học hầu hết những gì tôi biết về thiết kế web trong vòng một tháng tập trung thay vì 15 năm thì đó là cả một sự tiến bộ rõ rệt. Điều đó cũng hoàn toàn có thể xảy ra.
Thời gian bạn cần để học một kỹ năng mới chủ yếu phụ thuộc vào lượng thời gian tập trung mà bạn có thể đầu tư cho việc chủ động luyện tập và trải nghiệm thông minh, cũng như phụ thuộc vào mức độ thành thạo mà bạn mong muốn.
Đừng kỳ vọng sẽ đạt được kết quả chỉ sau một đêm. Bạn chỉ nên kỳ vọng tổng thời gian bạn cần đầu tư cho việc học sẽ ít hơn so với khi bạn lao vào quá trình học mà không có chiến lược cụ thể.
Trước khi chúng ta khám phá phương pháp này một cách chi tiết, có một điều bạn nên biết: Học kỹ năng nhanh không có điểm gì chung với “học cách học” ở trường. Học thuật gần như không có gì trùng với học kỹ năng, chứ chưa nói tới việc nhanh chóng thành thạo kỹ năng đó.
Học kỹ năng so với việc học bình thường
Cũng như rất nhiều học sinh trung học ở Mỹ, tôi đã từng học ngoại ngữ. Trong bốn năm liền, ngày nào tôi cũng có mặt ở lớp học tiếng Tây Ban Nha. Điểm số của tôi rất cao, đều là điểm A.
Hiện nay, ngoài một số câu hola, cómo estás và muy bien, tôi không thể nói chuyện được với một người Tây Ban Nha bản xứ để tự cứu mình. (Tôi thậm chí còn không biết phải nói gì nếu tôi có một ngày tồi tệ.)
Ngược lại hoàn toàn, bạn tôi, Carlos Miceli lại trưởng thành cùng với tiếng Tây Ban Nha ở Argentina. Hồi cấp ba, Carlos muốn nói tiếng Anh trôi chảy nên cậu ấy đã quyết định sẽ nỗ lực để nói chuyện với người Anh bản xứ càng nhiều càng tốt. Trong quá trình đó, cậu ấy đã phát hiện ra Skype và lập ra trang web riêng của mình để có thể nói và viết tiếng Anh thường xuyên.
Carlos chưa bao giờ theo một khoá học nào. Cậu ấy cũng hoàn toàn không biết các quy tắc ngữ pháp tiếng Anh. Cậu ấy còn không thể nói cho bạn biết cậu ấy biết tiếng Anh ở mức độ nào. Điều đó quả thực không quan trọng. Quan trọng là cậu ấy có thể viết và nói tiếng Anh trôi chảy.
Tiến sỹ Stephen Krashen của Đại học Nam California là một chuyên gia trong lĩnh vực học ngoại ngữ thứ hai. Một trong những nhận định chính của Krashen là học hỏi, tiếp thu ngoại ngữ, hoàn toàn khác với học ngoại ngữ.
Khi còn đi học, tôi đã học rất nhiều tiếng Tây Ban Nha. Tôi đã học hàng nghìn từ vựng, chia động từ và quy tắc ngữ pháp. Tôi đã học tốt tới mức bài kiểm tra nào cũng đạt điểm rất cao.
Tuy nhiên, những bài kiểm tra đó lại chẳng liên quan gì tới khả năng của tôi trong việc luyện tập kỹ năng nói tiếng Tây Ban Nha và hiểu được những gì người Tây Ban Nha nói với tốc độ bình thường của họ. Nếu mục tiêu của tôi là có thể nói tiếng Tây Ban Nha trôi chảy, thì chỉ một vài tuần nỗ lực nói chuyện với người Tây Ban Nha chắc chắn sẽ đem lại kết quả tốt hơn nhiều so với bốn năm học.
Nhưng thời kỳ đó, nói được tiếng Tây Ban Nha trôi chảy lại không phải là mục tiêu của tôi. Tôi chỉ muốn qua được kỳ kiểm tra cuối cùng mà thôi. Ngược lại, Carlos lại không đến lớp mà bắt tay vào luyện tập. Thay vì chia động từ, Carlos lại luyện tập điều thực sự quan trọng: Giao tiếp với người khác bằng tiếng Anh.
Xét từ góc độ hiệu quả và giá trị lâu dài thì cách tiếp cận của Carlos hơn hẳn cách của tôi. Điều này không cần phải bàn cãi.
Giá trị đích thực của việc học
Nói như vậy không có nghĩa là việc học kỹ năng mà bạn muốn thành thạo không quan trọng. Học là điều quan trọng, nhưng không phải theo cách bạn nghĩ. Việc học những khái niệm liên quan tới kỹ năng giúp bạn tự biên tập hoặc tự chỉnh sửa khi bạn đang luyện tập.
Nếu bạn biết cách chia động từ trong tiếng Tây Ban Nha, bạn có thể dễ dàng tự chỉnh sửa câu nói của bạn hơn khi bạn nói chuyện với người bản xứ. Nếu bạn học các từ vựng thông dụng, bạn có thể hiểu rõ hơn những gì người bản địa nói, đồng thời nhớ được từ hoặc cụm từ thích hợp để sử dụng khi bị tắc.
Tiến sỹ Krashen gọi đó là giả thuyết giám sát. Việc học giúp bạn lập kế hoạch và thay đổi bản thân trong khi luyện tập. Đó chính là lý do tại sao việc học lại quan trọng. Vấn đề chỉ nảy sinh khi chúng ta nhầm lẫn giữa việc học với việc học hỏi kỹ năng.
Nếu bạn muốn thành thạo một kỹ năng mới, bạn cần luyện tập nó theo ngữ cảnh. Việc học sẽ hỗ trợ việc luyện tập, nhưng không thể thay thế cho việc luyện tập được. Nếu biểu hiện là điều quan trọng thì chỉ riêng việc học là không bao giờ đủ.
Học kỹ năng với rèn luyện
Có sự khác biệt lớn giữa học kỹ năng và rèn luyện. Rèn luyện, trong hoàn cảnh này, có nghĩa là cải thiện một kỹ năng mà bạn đã học được thông qua việc lặp đi lặp lại kỹ năng đó. Đó là việc xảy ra sau khi bạn đã học được một kỹ năng cơ bản nếu bạn muốn tiếp tục tiến bộ.
Lấy việc chạy việt dã làm ví dụ. Hầu hết chúng ta đều học được kỹ năng chạy từ khi còn nhỏ. Ngoài việc đặt chân này trước chân kia và chạy cho tới khi cán mốc 42 km, chẳng có kỹ năng nào mới cần phải học hỏi.
Tuy nhiên, cần phải rất nỗ lực mới có thể tăng cường sức khỏe và cải thiện độ dẻo dai để hoàn thành phần chạy việt dã. Quá trình tăng cường và cải thiện đó chính là rèn luyện. Càng rèn luyện nhiều, bạn càng trở nên khỏe mạnh và càng sớm hoàn thành phần chạy việt dã.
Liên quan tới chạy việt dã còn có một yếu tố nữa, đó là làm cách nào để đăng ký tham gia cuộc đua, làm thế nào để đủ tiêu chuẩn tham gia những sự kiện lớn như giải chạy việt dã Boston.
Chẳng hạn, một vấn đề nhỏ như ma sát giữa áo và da bạn sẽ không phải là vấn đề lớn nếu bạn chỉ chạy 5 km, nên hầu hết những người chạy đều không lăn tăn gì về vấn đề đó. Nhưng ma sát sẽ trở thành vấn đề lớn nếu bạn chạy khoảng 42 km.
Rèn luyện và học hỏi chắc chắn sẽ giúp cho việc hoàn thành cuộc đua trở nên dễ dàng hơn, nhưng đó không phải là tiếp thu kỹ năng. Nếu không tiếp thu kỹ năng thì việc rèn luyện là điều không thể và chẳng có ích gì. Chuẩn bị và chăm sóc sức khỏe có thể khiến cho việc tiếp thu kỹ năng trở nên dễ dàng hơn, nhưng hai việc đó không thể thay thế được việc rèn luyện.
Tuy nhiên, học lại cách chạy ở cấp độ cơ bản là tiếp thu kỹ năng. Những thủ thuật như chạy bộ khí công (Chirunning) giúp người chạy học được kỹ năng di chuyển theo cách tối thiểu hóa sức lực và tránh mất đà khi tiến về phía trước giữa các bước sải. Luyện tập một chút, người chạy có thể học được kỹ năng cốt lõi của việc chạy và điều này sẽ được củng cố khi rèn luyện sau này.
Tiếp thu kỹ năng với giáo dục và đào tạo
Bất chấp những nỗ lực cao thượng của các giáo viên và giáo sư trên khắp thế giới, những phương pháp giáo dục và đào tạo hiện đại lại chẳng có tác động gì tới việc tiếp thu kỹ năng.
Tiếp thu kỹ năng đòi hỏi phải rèn luyện kỹ năng đó. Việc này yêu cầu phải có những giai đoạn chuyên tâm tập trung và kéo dài. Nó đòi hỏi tính sáng tạo, linh động và tự do để hình thành tiêu chuẩn thành công của bản thân bạn.
Đáng tiếc là hầu hết phương pháp giáo dục và đào tạo hiện đại nhất chỉ yêu cầu việc tuân thủ đơn giản. Mục tiêu chính không phải là tiếp thu được những kỹ năng hữu ích, mà là để chứng thực việc hoàn thành bộ tiêu chuẩn tùy tiện nhất, được hình thành bởi những ủy ban tiêu chuẩn, vì mục tiêu thông qua một số phẩm chất nhất định mà một vài bên thứ ba nào đó có vẻ quan tâm.
Sáng tạo, linh động và tự do thử nghiệm – các yếu tố quan trọng của việc tiếp thu kỹ năng nhanh – lại mâu thuẫn với quá trình đào tạo. Nếu các tiêu chuẩn quá linh động, thì chúng đã không phải là các tiêu chuẩn, đúng không nào?
Đáng tiếc là giáo dục và đào tạo khắt khe có thể ngăn chặn đáng kể việc tiếp thu kỹ năng. Vấn đề chính là chi phí cơ hội: Nếu điều kiện cần thiết để được đào tạo lại khắt khe tới mức làm giảm khả năng dành thời gian rèn luyện kỹ năng theo yêu cầu, thì quá trình đào tạo đó lợi bất cập hại.
Lấy một người thông minh, có động lực và quan tâm tới việc hình thành một công ty phần mềm làm ví dụ. Việc hoàn thành tấm bằng cử nhân về khoa học máy tính tại một trường đại học danh giá thường mất ít nhất bốn năm.
Cuối giai đoạn bốn năm, anh chàng sinh viên mới tốt nghiệp này đã bỏ ra hàng nghìn giờ học thuật toán và phân tích các trình biên dịch(1) để vượt qua hàng chục kỳ thi, nhưng vẫn không hề gần mục tiêu thành lập công ty phần mềm của mình. Anh chàng sinh viên đáng thương này của chúng ta đã ghi nhớ được rất nhiều thứ về lập trình máy tính, ít nhất là tạm thời, nhưng vẫn không biết làm thế nào để tạo ra được một chương trình máy tính mà mọi người thấy hữu dụng, đáng mua.
Việc hình thành một công ty phần mềm đòi hỏi phải tiếp thu những kỹ năng mới: học ngôn ngữ lập trình, thiết lập và duy trì hệ thống máy tính, tìm kiếm các công cụ và chương trình sẵn có, tạo mẫu thử nghiệm, tìm kiếm người sử dụng ban đầu, tìm nguồn tài trợ cần thiết và xử lý những nhiệm vụ hành chính doanh nghiệp thông thường.
Có sự chồng chéo nào giữa việc hình thành một doanh nghiệp và việc có được một chứng chỉ giáo dục không? Chắc chắn là có. Nhưng cần phải lưu ý là: Hầu hết nỗ lực của việc có được chứng chỉ đều được dành cho quá trình đáp ứng các yêu cầu. Liệu những yêu cầu đó có giúp bạn đạt được những kỹ năng cần có để tồn tại được trong thế giới thực hay không lại là mối quan tâm thứ ba.
Trong cuốn sách đầu tiên của tôi, MBA cá nhân: Bậc thầy nghệ thuật kinh doanh (The Personal MBA: Master the Art of Business) (2010), tôi đã giải thích tại sao tôi quyết định bỏ chương trình đào tạo đại học về kinh doanh để tự học những nguyên tắc về thực tế kinh doanh hiện đại và xây dựng công ty riêng của mình. Bằng cách không học trường kinh doanh và dành thời gian để gây dựng doanh nghiệp thực sự, tôi đã học được rất nhiều và tiết kiệm được 150.000 đô la trong suốt cả quá trình. Xét từ việc tôi muốn hoàn thành, việc dành thời gian để tự mình tiếp thu những kỹ năng kinh doanh còn hiệu quả và tốt hơn việc tới học trường kinh doanh.
Nếu bạn muốn làm tốt bất cứ việc gì coi trọng biểu hiện thực tế, thì bạn cần phải rèn luyện kỹ năng đó trong bối cảnh thực tế. Chỉ học thôi thì không bao giờ đủ.
Sinh lý thần kinh về kỹ năng: Tính mềm dẻo của não bộ và bộ nhớ cơ bắp
Một điều cuối cùng trước khi chúng ta bước vào tìm hiểu chi tiết về tiếp thu kỹ năng nhanh: Bạn phải nhận thức được là bạn có khả năng học kỹ năng mới.
Điều này có vẻ kỳ cục, nhưng thật dễ tin rằng các kỹ năng của bạn là cố định – rằng bạn giỏi, có tài năng, hoặc có năng khiếu về việc gì đó… hoặc không.
Trong cuốn Tư duy: Tân tâm lý học về thành công (Mindset: The New Psychology of Success) (2007), nhà tâm lý học Carol Dweck đã trích dẫn phần lớn nội dung của một nghiên cứu chỉ ra rằng, các cá nhân thường có một trong hai cách nhìn nhận trí óc của họ làm việc như thế nào.
Theo tiến sỹ Dweck, những người có tư duy “cố định” cho rằng kỹ năng và tài năng là những thứ mang tính bẩm sinh, rằng con người sinh ra đã có một số khả năng nhất định. Nếu người có tư duy cố định “không giỏi toán” thì có nỗ lực luyện toán thế nào cũng chỉ là sự lãng phí. Sao phải bận tâm khi bạn không bao giờ có thể giỏi (toán) được nhỉ?
Ngược lại, những người có tư duy “phát triển” lại cho rằng, kỹ năng và tài năng sẽ phát triển cùng với sự rèn luyện và tính kiên nhẫn. Nếu một người có tư duy phát triển làm sai một vài phép toán, điều đó không có nghĩa là bởi vì họ không có tài năng toán học, mà chỉ là họ chưa rèn luyện đủ. Với sự rèn luyện và bền bỉ, việc họ có thể làm chủ kỹ thuật đó chỉ là vấn đề thời gian.
Có tin tốt cho bạn đây, nếu bạn thuộc nhóm những người có tư duy cố định: Có nghiên cứu chỉ ra rằng, tất cả các bộ não đều có khả năng cải thiện kỹ năng và khả năng thông qua việc rèn luyện. Khuynh hướng di truyền có tồn tại, nhưng chỉ là thứ yếu so với sức mạnh của việc rèn luyện một cách thông minh, có tập trung. Bạn có thể cải thiện bất cứ kỹ năng nào, miễn là bạn sẵn sàng rèn luyện.
Não bộ của con người có tính mềm dẻo – thuật ngữ được các nhà khoa học về thần kinh sử dụng để chỉ việc bộ não có thể thay đổi về mặt vật lý để phản ứng với môi trường, hành động và hệ quả của những hành động đó. Khi bạn học bất kỳ kỹ năng mới nào, dù là kỹ năng vật lý hay tinh thần, thì hệ thần kinh trong não bộ của bạn cũng thay đổi khi bạn rèn luyện kỹ năng đó.
Theo lời tiến sỹ John Medina (Quy luật của bộ não (Brain Ruler), 2009) thì “nơ-ron hình thành cùng nhau sẽ kích thích lẫn nhau”, tạo thành những kiểu mới độc đáo trong vòng tròn vật lý của não bộ. Theo thời gian, các nơ-ron của bạn bắt đầu kích thích theo cách hiệu quả hơn để phản ứng với những phản hồi bạn nhận được từ môi trường của mình khi rèn luyện.
Nếu bạn làm việc về kỹ năng động (nghĩa là kỹ năng liên quan tới chuyển động), thì lúc đầu bạn sẽ thấy khá dè dặt và chậm chạp. Bạn phải nghĩ về mọi việc bạn đang làm, và bạn thường phạm phải những sai lầm khó chịu. Học những điều cơ bản là một cuộc vật lộn không ngừng nghỉ.
Khi bạn rèn luyện, sự phối hợp giữa các cơ sẽ trở nên tự động và đồng bộ với các quá trình tinh thần của bạn. Bạn có được khả năng tập trung tốt hơn đối với những yếu tố không dễ phát hiện trong việc bạn đang làm, và bạn học được phương pháp điều chỉnh cách tiếp cận đối với những phản hồi bạn nhận được từ môi trường.
Bạn bắt đầu làm những việc phát huy tác dụng nhiều hơn và làm những việc không phát huy tác dụng ít đi. Cuối cùng, bạn có thể thực hiện mà không cần chú ý tới mọi chi tiết.
Theo ngôn ngữ học thuật, quá trình phổ biến này được gọi là học kỹ năng theo “mô hình ba giai đoạn”, và nó được ứng dụng cho cả các kỹ năng về mặt thể chất và tinh thần. Ba giai đoạn đó là:
1. Giai đoạn nhận thức (ban đầu) – hiểu việc bạn đang cố gắng làm, nghiên cứu, nghĩ về quá trình và chia nhỏ các kỹ năng thành những phần có thể xử lý được.
2. Giai đoạn liên tưởng (trung gian) – rèn luyện nhiệm vụ, chú ý tới phản hồi của môi trường và điều chỉnh cách tiếp cận của bạn dựa trên những phản hồi đó.
3. Giai đoạn tự quản (sau cùng) – thực hiện kỹ năng một cách hiệu quả và thành thạo mà không cần suy nghĩ hoặc cân nhắc một cách không cần thiết tới quá trình.
Quá trình tiếp thu kỹ năng thần kinh học này xảy ra ở mọi lúc, ngay cả khi bạn đang đọc câu này. Không có cái gọi là não ngưng trệ. Não của bạn luôn học hỏi, mã hóa và củng cố các kỹ năng mới.
Như tiến sỹ Dweck đã nói trong cuốn Tư duy (Mindset) thì: “Não bạn cũng giống như một loại cơ, bạn càng dùng nhiều thì nó càng phát triển”. Bạn càng luyện tập nhiều thì kỹ năng của bạn càng nhanh nhạy, hiệu quả và tự động.
Đó quả thực là một tin tuyệt vời đối với việc tiếp thu kỹ năng. Nếu tâm trí và cơ thể bạn có thể học hỏi để biểu hiện theo những cách mới và tốt hơn, thì chúng ta có thể xác định được cách để đẩy nhanh quá trình đó.