Không ai nghĩ Alexander Grin – một nhà văn đầy mộng mơ, lãng mạn lại phải trải qua những giai đoạn vô cùng khó khăn của cuộc đời. Ông đã từng phải lang thang kiếm sống khắp nơi, từng phải đi lính cho Nga hoàng, phải chịu cảnh tù đày. Nhiều người cho rằng, vì phải sống trong cảnh ngặt nghèo như vậy, nên những tác phẩm của ông truyền tải những bức thông điệp mạnh mẽ về cuộc sống.
Đó cũng là điều ông muốn truyền tải trong “Cánh buồm đỏ thắm”, thiên truyện được ông viết vào những năm 1920-1921, khi ông vừa thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo, đói ăn, thiếu mặc, không nhà, không cửa…
Câu chuyện kể về hai cha con ở một làng chài nọ - người cha thủy thủ sống lầm lũi cùng cô con gái Assol. Hai cha con luôn bị dân làng nhìn bằng ánh mắt khác người, có lẽ cũng bởi vì cô con gái Assol luôn sống trong thế giới mộng tưởng của mình, rằng một ngày nào đó theo lời của tiên tri sẽ có một chàng hoàng tử đến tìm cô, mang cô đi trên một con tàu với những cánh buồm đỏ thắm. Assol đã đi qua tuổi thơ với một niềm tin về cánh buồm mơ ước.
Niềm tin đó cũng được truyền sang người cha của cô, giúp hai cha con vượt qua những tháng ngày cô độc, mặc kệ những lời dèm pha, khinh miệt của dân làng. Và rồi một ngày, con tàu mang cánh buồm rực rỡ ấy đã ghé vào làng để đón Assol… Phải chăng nhà văn Alexander Grin đã chắp cánh cho cánh buồm ấy thêm phần rực rỡ?
Dưới ngòi bút của ông, “Cánh buồm đỏ thắm” toát lên vẻ đẹp hoàn mỹ, chan hòa ánh nắng mặt trời và thấm đẫm tình yêu, niềm hy vọng, những khao khát cháy bỏng về một cuộc sống hạnh phúc.