Vợ chồng Vance đã trở về thành phố từ dịp Giáng sinh, và họ không quên Carrie. Nhưng họ, nói đúng hơn là cô Vance chưa ghé thăm Carrie lân nào vì một lý do rất đơn giản là cô chưa bao giờ gửi địa chỉ. Đúng với bản tính của Carrie, chừng nào còn ở phố Bảy mươi tám cô còn trao đổi thư từ với cô Vance, nhưng khi buộc phải dọn đến phố Mười ba, cô sợ rằng họ sẽ coi đây là biểu hiện của hoàn cảnh sa sút, khiến cô tìm cách tránh để địa chỉ lại. Không tìm ra cách nào thuận tiện, cô buồn bã bỏ hẳn viết thư cho bạn. Cô Vance ngạc nhiên vì sự im lặng lạ lùng, ngỡ Carrie đã rời thành phố, nên cuối cùng đã mất hẳn liên lạc với cô. Vì thế cô vô cùng kinh ngạc khi chạm trán với Carrie trên phố Mười bốn, nơi cô ta đang mua sắm. Carrie cũng đến đó cùng mục đích.
- Kìa, cô Wheeler, - cô Vance nói và liếc nhìn Carrie, - cô ở đâu vậy? Tại sao không đến thăm tôi? Lúc nào tôi cũng băn khoăn không hiểu cô ra sao. Thực ra, tôi...
- Tôi rất mừng được gặp chị, - Carrie nói, vui thích và vẫn còn lúng túng. Trong mọi lúc mọi nơi, gặp cô Vance là điều tệ hại nhất. - Hiện tôi sống ở khu thương mại. Tôi vẫn định đến thăm anh chị. Giờ anh chị ở đâu?
- Phố Năm mươi tám, - cô Vance nói, - qua đại lộ Bảy, số nhà 218. Sao cô không đến chỗ tôi nhỉ?
- Tôi sẽ đến, - Carrie nói. - Thực ra, tôi muốn đến. Tôi biết là nên thế. Thật là ngượng. Nhưng chị có biết là...
- Số nhà cô bao nhiêu? - Cô Vance hỏi.
- Phố Mười ba, - Carrie miễn cưỡng nói. - Số 112 Tây.
- Ồ, - cô Vance nói, - thế thì gần đây, nhỉ?
- Vâng, - Carrie nói. - Lúc nào chị phải xuống chơi với tôi nhé.
- Vâng, cô vẫn xinh lắm, - cô Vance cười nói, lúc nhận thấy diện mạo Carrie có phần thay đổi, “địa chỉ cũng thế, - cô ta tự nhủ. - Chắc họ phải cháy túi”.
Cô vẫn mến Carrie, đủ để kéo Carrie đi cùng.
- Đi với tôi vào đây một chút đã, - cô nói và quay vào một cửa hàng.
Khi Carrie về nhà, Hurstwood vẫn đang cắm cúi đọc báo như thường lệ. Hình như ông chấp nhận hoàn cảnh vô cùng thờ ơ. Râu ông ít nhất bốn ngày chưa cạo.
“Ôi chao, - Carrie nghĩ, - nếu cô ấy đến đây và nhìn thấy ông ấy?”
Cô lắc đầu, vô cùng khổ sở. Tình cảnh của cô dường như đang trở nên không chịu nổi.
Bị dồn vào cảnh tuyệt vọng, lúc ăn cơm cô hỏi:
- Anh có nghe tin gì của hãng bán buôn ấy không?
- Không, - ông nói. - Họ không muốn thuê người chưa có kinh nghiệm.
Carrie bỏ qua chủ đề ấy và thấy không thể nói gì hơn.
- Chiều nay em gặp chị Vance, - lát sau, Carrie nói.
- Thế à? - Ông trả lời.
- Hiện giờ họ đã trở lại New York, - Carrie nói tiếp. - Trông chị ấy vẫn thanh lịch như thế.
- Ờ, cô ta có thể như thế lắm, miễn là ông chồng trang trải hết, - Hurstwood đáp lại. - Anh ta kiếm được công việc dễ dàng.
Hurstwood đang nhìn tờ báo. Ông không thể thấy vẻ chán ngán và bất bình vô biên của Carrie với ông.
- Chị ấy nói một hôm nào đấy sẽ đến đây.
- Cô ấy vẫn đang lượn quanh xem xét đó đây chứ? - Hurstwood nói, mỉa mai.
- Ồ, em không biết, - Carrie nói, phát tức vì thái độ của chồng. - Có lẽ em không muốn chị ấy đến đây.
- Cô ấy quá rực rỡ, - Hurstwood nói, đầy ẩn ý. - Chẳng ai có thể theo kịp cô ấy trừ phi có nhiều tiền.
- Nghe chừng anh Vance kiếm tiền không mấy khó khăn.
- Giờ thì không thể đâu, - Hurstwood trả lời gan lì, ông thừa hiểu cách suy diễn. - Nhưng đời anh ta vẫn còn dài mà. Chưa biết rồi sẽ xảy ra sự gì. Biết đâu chẳng có lúc gục ngã như bất kỳ ai.
Trong thái độ của ông có vẻ rất xỏ lá. Cái nhìn của ông hình như hếch lên với ánh lấp lánh vui thích, chờ đợi sự thất bại của họ. Cứ làm như tình trạng riêng của ông là thứ tách rời, không đáng quan tâm.
Tật này là tàn tích của sự kiêu ngạo và phong lưu thời xưa của ông. Ngồi lì ở nhà, đọc về những hoạt động của người khác, thỉnh thoảng tâm trạng không hề phụ thuộc và không ai thắng nổi lại bao trùm ông. Quên bẵng tình trạng mệt lử trên phố và sự mất danh giá khi tìm việc, đôi khi ông vểnh tai lên. Như thể ông muốn nói: “Tôi có thể làm được. Tôi vẫn chưa gục đâu. Vẫn còn khối thứ đến với tôi nếu tôi muốn tìm kiếm”.
Trong tâm trạng này, thỉnh thoảng ông ăn vận chỉnh tề, cạo râu và đi găng rồi ra đi rất hăng hái. Song chẳng có mục đích rõ ràng. Nó là một căn bệnh thất thường. Ông cảm thấy phải ra ngoài và làm một việc gì đó.
Trong những dịp như thế, tiền của ông cũng đội nón ra đi. Ông biết vài nơi chơi bài pôkơ ở khu thương mại. Ông có vài người quen trong các khách sạn ở khu này và tòa thị chính. Gặp gỡ họ và trao đổi vài lời tầm thường, thân hữu là một sự thay đổi.
Trước kia, ông từng là một tay chơi bài pôkơ khá cừ. Nhiều cuộc đấu giao hữu ông đã thắng một trăm đôla hoặc hơn, vào cái thời mà số tiền đó chỉ như thêm dấm thêm ớt vào món ăn. Bây giờ, ông nghĩ đến việc chơi bài kiếm tiền.
“Mình có thể thắng vài trăm đôla. Mình chẳng cần luyện tập”.
Nói đúng ra, ý nghĩ này chợt đến với ông vài lần rồi ông mới làm.
Nơi chơi pôkơ đầu tiên ông đến là một phòng khách trên phố West, gần bến phà. Trước kia ông đã đến đây. Vài bàn đang chơi. Ông quan sát một lúc và nhận thấy số tiền tố rất lớn.
- Cho tôi một chân, - ông nói lúc bắt đầu lượt xáo bài mới. Ông kéo ghế và nghiên cứu bài của ông. Nhũng người đang chơi lặng lẽ quan sác ông, kín đáo và luôn thấu suốt.
Lúc đầu ông rất đen. Ông nhận một bộ pha trộn mà không có chuỗi hoặc đôi. Ván bài đã mở.
- Tôi cho qua, - ông nói.
Đang hăng, ông vui lòng mất số tiền tố. Rốt cuộc, ông gặp may và khi ra về ông lãi vài đôla.
Chiều hôm sau ông trở lại, tìm kiếm niềm vui và lời lãi. Lần này ông chơi ba ván đều thua. Bên kia bàn là một tay cừ hơn nhiều, một thanh niên Ailen hung hăng, kẻ theo đóm ăn tàn về chính trị trong quận họ ở. Hurstwood ngạc nhiên vì sự gan lì của tay này, gã đặt cược với sự bình tĩnh ghê gớm và nếu là trò bịp bợm thì quả là một tay nghệ thuật cao cường. Hurstwood bắt đầu ngờ, nhưng vẫn giữ, hoặc tưởng là giữ được thái độ bình tĩnh mà thời xưa từng lừa được những kẻ nắm vững tâm lý trên bàn chơi bài, dường như đọc được ý nghĩ và tâm trạng hơn là những biểu hiện bên ngoài dù khó thấy đến đâu. Ông không thể chịu nổi ý nghĩ hèn nhát là tay thanh niên kia giỏi giang hơn và sẽ ở lại đến lúc cuối cùng, đút từng đôla cuối cùng của ông vào túi và ông quyết định đi đến hết mức. Ông vẫn hy vọng thắng nhiều, bài của ông rất tốt. Tại sao không nâng tiền tố lên năm đôla nữa?
- Tôi nâng lên ba, - cậu thanh niên nói.
- Tôi lên năm, - Hurstwood nói và đẩy tiền của ông ra.
- Lần nữa, - người thanh niên nói và đẩy ra một chồng nhỏ tiền xu màu đỏ.
- Cho tôi thêm một ít thẻ, - Hurstwood nói với người giữ tiền và rút ra một tờ bạc.
Một nụ cười nhạo báng làm tươi bộ mặt của anh chàng đối thủ. Khi thẻ bày ra, Hurstwood tố thêm.
- Năm nữa, - người thanh niên nói.
Trán Hurstwood ướt đẫm. Lúc này ông đã ngập sâu, quá sâu mất rồi. Sáu chục đôla - số tiền kiếm được rất khó khăn - đã hết. Thông thường, ông không phải là kẻ hèn nhát, nhưng mất quá nhiều khiến ông do dự. Cuối cùng, ông bỏ cuộc. Ông không còn tin vào sự khéo tay của mình nữa.
- Tôi đặt, - ông nói.
- Toàn đồng Xtua! - Người thanh niên nói và trải bài của anh ta ra.
Bàn tay Hurstwood thõng xuống.
- Tôi tưởng là thắng cậu, - ông nói, yếu ớt.
Cậu ta lấy cào vơ thẻ và Hurstwood bỏ đi, không dừng lại trên cầu thang đếm số tiền mặt còn lại.
- Ba trăm bốn mươi đôla, - cậu ta nói.
Với khoản thua này và những chi tiêu thông thường, ông đã mất quá nhiều.
Về đến nhà, ông quyết định không chơi nữa.
Nhớ đến lời hứa ghé lại của cô Vance, Carrie trao đổi một lời xác nhận nhẹ nhàng. Nó liên quan đến bề ngoài của Hurstwood. Ngày hôm đó, về nhà, ông thay quần áo và vận bộ đồ cũ kỹ rồi ngồi lì.
- Sao lúc nào anh cũng mặc đồ cũ thế? - Carrie hỏi.
- Anh mặc đồ đẹp ở đây thì có ích gì đâu? - Ông hỏi lại.
- Vâng, em tưởng là anh sẽ cảm thấy vui hơn. - Rồi cô nói thêm. - Có thể có người đến chơi.
- Ai vậy? - Ông nói.
- Chị Vance, - Carrie trả lời.
- Cô ấy cần gì gặp anh, - ông trả lời, sưng sỉa.
Sự thiếu tự hào và quan tâm này khiến Carrie gần như đâm ghét ông.
“Chao ôi, - cô nghĩ, - lại ngồi đấy. “Cô ấy cần gì gặp anh”. Mình tưởng ông ta sẽ ngượng vì bản thân chứ”.
Sự cay đắng này càng tăng thêm khi cô Vance ghé thăm. Đây là một trong những vòng mua sắm của cô ta. Leo lên phòng đợi chung, cô ta gõ cửa nhà Carrie. Chẳng may Carrie đi vắng. Hurstwood ra mở, tưởng Carrie gõ cửa. Lần này, ông quá đỗi ngạc nhiên. Ông lạc cả giọng vì sự trẻ trung và kiêu hãnh của cô.
- Kìa, - ông lắp bắp, - chào cô.
- Chào anh, - cô Vance nói, không tin vào mắt mình. Cô hiểu sự nhầm lẫn to lớn của ông. Ông không biết có nên mời cô ta vào hay không.
- Chị ấy có nhà không? - Cô ta hỏi.
- Không, - ông nói. - Cô ấy ra ngoài rồi, nhưng cô không định vào ư? Cô ấy về ngay thôi.
- Khô-ông ạ, - cô Vance nói, nhận thấy mọi sự đã thay đổi. - Tôi đang vội lắm ạ. Tôi nghĩ chạy lên và nhìn vào thôi, chứ không thể lưu lại. Nhờ anh nói giùm với chị ấy nhớ đến chơi với tôi nhé.
- Tôi sẽ nói, - Hurstwood nói và lùi lại, cảm thấy nhẹ bỗng cả người khi cô ta đi. Ông ngượng đến mức yếu ớt chắp hai bàn tay lại rồi sau đó ngồi xuống ghế và nghĩ.
Carrie từ hướng khác bước vào, tưởng như nhìn thấy cô Vance rời đi. Cô căng mắt, nhưng không chắc.
- Có người vừa đi phải không? - Cô hỏi Hurstwood.
- Phải, - Hurstwood nói, vẻ có lỗi. - Cô Vance.
- Chị ấy đã nhìn thấy anh ư? - Carrie hỏi, lộ rõ vẻ thất vọng.
Câu này khiến Hurstwood đau đớn như bị roi quất và khiến ôngủ rũ.
- Nếu cô ấy có mắt, thì cô ta nhìn thấy. Anh ra mở cửa mà.
- Ôi, - Carrie nói, nắm chặt bàn tay vì quá ư căng thẳng. - Chị ấy phải nói gì chứ?
- Chẳng có gì, - ông trả lời. - Cô ấy không thể lưu lại.
- Trông anh như thế kia kìa! Carrie nói, quẳng sự dè dặt bấy lâu sang một bên.
- Thì sao? - Ông nói, giận dữ. - Anh không biết cô ấy đến, hiểu chưa?
- Anh đã biết là chị ấy có thể đến, - Carrie nói. - Em đã nói với anh chị ấy sắp đến. Em đã đề nghị anh hàng chục lần ăn mặc cho tử tế. Ôi, em thấy việc này thật kinh khủng.
- Thôi thôi, - ông trả lời. - Thì có khác gì đâu? Đằng nào em cũng không thể giao du với cô ấy. Họ có quá nhiều tiền.
- Ai nói em muốn giao du? - Carrie nói, dữ dội.
- Em hành động như thế mà, làm om lên vì bề ngoài của tôi. Em nghĩ là tôi đã phạm...
Carrie ngắt lời:
- Đúng thế, - cô nói. - Nếu em có muốn cũng không thể, nhưng là lỗi của ai? Anh ung dung ngồi nhà và nói về người em có thể giao du. Tại sao anh không ra ngoài tìm việc?
Câu này như một lời dọa nạt trong trại lính.
- Việc gì đến em? - Ông nói và đứng dậy, gần như giận dữ. - Tôi trả tiền thuê nhà kia mà? Tôi trang bị đồ đạc...
- Phải, anh trả tiền thuê nhà, - Carrie nói. - Anh nói như thể trên đời chẳng có gì hơn một cái nhà để ngồi trong đó. Anh không làm gì suốt ba tháng nay, ngoài việc ngồi loanh quanh và xía vào mọi chuyện. Tôi muốn biết anh cưới tôi để làm gì?
- Tôi không cưới cô, - ông nói bằng giọng gầm gừ.
- Vậy tôi muốn biết anh đã làm gì ở Montreal? - Cô đập lại.
- Tôi không cưới cô, - ông trả lời. - Cô có thể gạt ý nghĩ ấy ra khỏi đầu đi. Cô nói như thể không biết gì hết.
Carrie trân trân nhìn ông một lát, mắt cô căng phồng. Cô đã tin rằng mọi việc hợp pháp và đủ ràng buộc.
- Vậy là hồi đó anh nói dối tôi? - Cô hỏi, dữ dội. - Anh cưỡng ép tôi chạy trốn cùng anh để làm gì?
Giọng cô gần như thổn thức.
- Cưỡng ép ư! - Ông nói, môi cong lên. - Tôi đã cưỡng ép nhiều quá nhỉ!
- Ôi! - Carrie nói, tan nát vì căng thẳng và quay đi. - Ôi, ôi! - Rồi cô vội vã lao ra phòng đằng trước.
Hurstwood lúc này hăng hái và thức tỉnh. Đây là sự thức tỉnh mạnh mẽ cho ông, cả về tinh thần lẫn đạo đức. Ông lau trán lúc nhìn quanh, rồi đi tìm quần áo và mặc. Carrie hoàn toàn lặng thinh, cô đã ngừng thổn thức lúc nghe thấy tiếng ông vận quần áo. Lúc đầu, cô hơi hoảng hốt, sợ bị bỏ lại không một xu dính túi, chứ không phải vì sợ mất ông đâu, ông có thể ra đi mãi mãi. Cô nghe thấy ông mở ngăn kéo trên cùng của tủ áo và lấy mũ. Rồi cửa phòng ăn đóng lại, và cô biết ông đã đi.
Sau giây lát im lặng, cô đứng dậy, mắt ráo hoảnh và nhìn ra cửa sổ. Hurstrwood từ nhà rảo bước ra phố, nhằm hướng đại lộ Sáu.
Ông đi dọc phố Mười ba và băng qua phố Mười bốn đến Union Square.
“Tìm việc! - Ông tự nhủ. - Đi tìm việc! Cô ấy bảo mình ra ngoài và đi tìm việc”.
Ông cố che chắn khỏi lời buộc tội của chính mình, nó bảo ông rằng Carrie đúng.
“Dù sao đi nữa, việc cô Vance đến thăm thật đáng nguyền rủa”, - ông nghĩ, “Cô ta đứng đó và nhìn mình từ đầu xuống chân. Mình hiểu cô ta nghĩ gì”.
Ông nhớ lại đã nhìn thấy cô Vance vài lần trên phố Bảy mươi tám. Lúc nào trông cô cũng đẹp đẽ, sang trọng, và trước mặt cô, ông cố làm ra vẻ tương xứng. Giờ đây, nghĩ đến cô ta bắt gặp ông trong bộ dạng như thế này, ông nhăn trán khổ sở.
- Quỷ thật! - Trong một giờ đồng hồ, ông nói thế đến chục lần.
Ông ra khỏi nhà lúc bốn giờ mười lăm. Carrie khóc. Tối hôm ấy không có bữa tối.
- Trời đất hỡi! - Ông nói, thầm huênh hoang để che giấu nỗi xấu hổ với bản thân. - Ta không đến nỗi kém thế đâu. Ta chưa gục ngã.
Ông nhìn khắp quảng trường, thấy vài khách sạn lớn và quyết định vào một nơi ăn tối. Ông sẽ mua báo và thoải mái ngự ở đó.
Ông trèo lên hành lang sang trọng của Morton House, một trong những khách sạn tốt nhất New York hồi đó và tìm một cái ghế nệm ngồi đọc báo. Ông chẳng băn khoăn nhiều đến túi tiền đang vơi đi không cho phép ông hoang phí như thế. Giống như người nghiện ma túy, ông trở nên nghiện sự thoải mái, thư giãn. Bất cứ thứ gì làm dịu tinh thần mệt mỏi, thỏa mãn sự thèm khát an nhàn của ông. Ông phải làm được điều đó. Không nghĩ đến ngày mai, ông không thể chịu được phải nghĩ đến bất cứ tai ương nào khác nữa. Giống như cái chết chắc chắn, ông cố gạt nó ra khỏi tâm trí mà không tốn lấy một đôla, ngay khi nó mon men đến gần.
Các vị khách ăn vận bảnh bao lui tới trên tấm thảm dày khiến ông nhớ tới những ngày xa xưa. Một phụ nữ trẻ, khách của khách sạn, đang chơi dương cầm trong một góc thụt khiến ông thích thú. Ông ngồi đó và đọc báo.
Bữa tối của ông giá một đôla rưỡi. Tám giờ ông ăn xong, và nhìn thấy đám đông đam mê lạc thú ở bên ngoài, ông tự hỏi nên đi đâu. Không về nhà. Carrie sẽ thao thức. Không, ông sẽ không về đó đêm nay. Ông sẽ ở ngoài và ăn chơi vui vẻ như một người sung túc, không bị khánh kiệt. Ông mua một điếu xì gà và ra góc bên ngoài, nơi có nhiều người đang thơ thẩn - các nhà môi giới, các tay đua, nam nữ diễn viên - những người gần gũi của riêng ông. Ông đứng đó, nghĩ đến những buối tối năm xưa ở Chicago, ông đã quen có thế lực với họ ra sao. Ông đã tham gia nhiều trò chơi. Nó đã đưa ông đến với bài pôkơ.
“Mình đã không chơi bài kể từ ngày ấy, - ông nghĩ đến vố thua sáu chục đôla. - Mình không nên do dự. Mình có thể lừa cho thằng cha ấy gục. Mình đang khó ở, thế mới hại”.
Rồi ông ngẫm nghĩ đến các khả năng của ván bài đã chơi, và bắt đầu hình dung ông thắng ra sao ngay từ vài lần ra bài, bằng cách lừa gạt một kẻ rắn hơn.
“Mình đủ già dặn để chơi pôkơ và mọi thứ dính đến bài bạc. Tối nay mình sẽ thử”.
Ảo ảnh về món tiền thắng to tướng bập bềnh trước mắt ông. Cứ cho là ông thắng vài trăm, lẽ nào ông không nên chơi? Ông biết nhiều tay chơi sống bằng trò này, và sống khấm khá.
“Họ luôn thắng như mình có thể thắng vậy”, ông nghĩ.
Thế là ông đến một nơi chơi pôkơ ở gần đó, cảm thấy sung sức như hồi xưa. Trong lúc quên bẵng bản thân này, trước tiên là lý luận và được hoàn tất vì bữa tối trong khách sạn, với cocktail và xì gà, ông gần như trở lại là Hurstwood cũ. Không hẳn là Hurstwood cũ, mà chỉ là một người đang tranh luận với một lương tâm đầy mâu thuẫn và bị sự hão huyền cám dỗ.
Phòng chơi pôkơ này giống với những nơi khác, chỉ là một phòng đằng sau trong một quán rượu khá hơn. Hurstwood quan sát một lát, và thấy một ván hay ho, bèn nhập cuộc. Như lần trước, ban đầu ông thắng vài lần dễ dàng và phấn chấn hẳn, rồi mất một khoản lớn khiến ông càng cay cú và quyết gỡ. Cuối cùng, trò chơi hấp dẫn khiến ông mê mải. Ông thích thú với những rủi ro và liều lĩnh, với xấp bài xoàng xĩnh, ông lừa cả hội và được một món kha khá. Ông thắng với cảm giác tự mãn mạnh mẽ và vững chắc.
Lúc đến cao điểm, ông bắt đầu nghĩ mình đang gặp vận. Chưa ai chơi ngon ăn như thế. Giờ gặp một tay vừa phải, ông thử mở quân J lần nữa. Những người khác hầu như đọc được tâm can ông, nên theo dõi sát sao.
“Mình có ba quân cùng loại”, - một trong những tay chơi tự nhủ. - “Mình sẽ đấu với tay này đến cùng”.
Cuộc xướng bài bắt đầu.
- Tôi nâng lên mười.
- Tốt.
- Mười nữa.
- Tốt.
- Lại mười.
- Đồng ý.
Rốt cuộc, Hurstwood đặt lên bảy mươi nhăm đôla. Gã kia thực ra là tay đáng gờm. Có lẽ Hurstwood thực sự cần một tay cứng rắn.
- Tôi đặt, - ông nói.
Hurstwood xòe bài. Ông thua. Sự thật cay đắng là ông đã mất bảy mươi nhăm đôla khiến ông liều mạng.
- Đặt ván nữa, - ông nói dứt khoát.
- Được thôi, - người kia nói.
Vài tay chơi bỏ đi, nhưng nhiều kẻ vơ vẩn tinh mắt đã thế chỗ. Thời gian trôi, sắp đến mười hai giờ đêm. Hurstwood bám chặt, không thắng cũng không thua nhiều. Ông đã mệt lử, và ván cuối cùng ông thua thêm hai chục đôla. Ông đau đớn tận tâm can.
Một giờ mười lăm sáng, ông ra khỏi chỗ đó. Đường phố trơ trụi, giá buốt dường như nhạo báng tình trạng của ông. Ông chậm rãi đi về hướng Tây, ít nghĩ đến cuộc cãi vã với Carrie. Ông leo lên cầu thang rơi vào phòng dường như không gặp chuyện rắc rối gì. Sự thiệt hại choán ngợp tâm trí ông. Ông ngồi xuống thành giường và bắt đầu đếm tiền. Giờ ông chỉ còn một trăm chín mươi đôla và ít tiền lẻ. Ông cất đi và bắt đầu cởi quần áo.
- Mình không hiểu cái quái gì nhập vào mình? - Ông nói.
Buổi sáng, Carrie không nói năng gì và ông cảm thấy hình như phải ra ngoài lần nữa. Ông đã xử tệ với cô, nhưng ông còn đủ sức đền bù. Hiện giờ nỗi thất vọng chế ngự ông, với một hoặc hai ngày ra ngoài như vậy, ông sống như một quý ông sẵn tiền - hoặc ông tự coi mình là một quý ông. Sự phóng túng này chẳng mấy nỗi khiến ông nghèo túng hơn, cả trí tuệ lẫn thể xác, chưa kể túi tiền của ông lại hụt đi ba chục đôla. Rồi ông lại sa vào cảm giác chán nản và cay đắng lần nữa.
- Hôm nay người thu tiền nhà đến, - Ba buổi sáng sau, Carrie lãnh đạm nói với ông.
- Ông ta đến ư?
- Vâng, đây là lần thứ hai, - Carrie trả lời.
Hurstwood cau mày. Rồi ông chán nản rút ví.
- Hình như tiền thuê nhà đắt khủng khiếp, - ông nói.
Ông đã sắp tiêu đến một trăm đôla cuối cùng.