Sáng hôm sau, ông lướt qua báo chí, vất vả mãi mới đọc hết danh sách quảng cáo dài dằng dặc và đánh dấu vài cái. Rồi ông trở lại với mục Nam giới cần giúp, nhưng với cảm giác khó chịu. Trước mặt ông là cả một ngày dài để khám phá, và ông phải bắt đầu ra sao đây. Ông liếc qua cả cột báo dài, phần lớn liên quan đến thợ làm bánh, thợ rừng, đầu bếp, thợ sắp chữ, xà ích, đại loại thế, chỉ có hai thứ khiến ông chú ý. Một là cửa hàng bán buôn đồ nội thất cần người thu ngân, hai là một hãng whiskey cần người bán hàng. Ông chưa bao giờ nghĩ đến việc thứ hai. Ngay lập tức, ông quyết định đi xem.
Đó là hãng Alsbery & Company, môi giới rượu whiskey.
Gần như ông được gặp ngay giám đốc nhờ vẻ ngoài của ông.
- Chào ông, - giám đốc nói, thoạt nhìn ông ta ngỡ là gặp một trong các khách hàng của ông ở nông thôn.
- Chào ông, - Hurstwood nói. - Tôi tin rằng ông đã đăng quảng cáo tìm người bán hàng?
- Ồ, - ông ta nói, thẳng thắn lộ rõ vẻ ngạc nhiên. - Vâng. Vâng, tôi có đăng.
- Tôi nghĩ nhân tiện cứ tạt vào xem, - Hurstwood nói, thái độ đường hoàng. - Tôi có kinh nghiệm nhất định trong lĩnh vực này.
- Ồ, thế ạ? - Ông giám đốc nói. - Ông có kinh nghiệm về việc gì?
- Trong thời của tôi, tôi đã quản lý vài hãng rượu. Gần đây tôi sở hữu một phần ba tài sản của quán rượu trên phố Warren và Hudson.
- Tôi hiểu, - người đó nói.
Hurstwood ngừng, đợi một lời gợi ý.
- Chúng tôi muốn có một người bán hàng, - ông giám đốc nói. - Tuy vậy, tôi không rõ liệu ông có quan tâm đến vị trí ấy không?
- Tôi hiểu, - Hurstwood nói. - Tôi không ở vào thế được lựa chọn, chí ít là hiện nay. Nếu vị trí ấy còn trống, tôi sẽ vui lòng nhận.
Người đó không vừa lòng với câu “không ở vào vị thế được lựa chọn”. Ông ta muốn có một người không nghĩ đến sự lựa chọn hoặc một thứ tốt hơn. Nhất là không phải một ông già. Ông ta muốn tìm một người trẻ, linh lợi và vui vẻ làm việc tích cực, với một khoản tiền lương khiêm tốn. Hurstwood không làm ông ta hài lòng tí nào. Ông có vẻ ông chủ hơn cả ông giám đốc.
- Thôi được, - ông ta đáp, - chúng tôi vui lòng xem xét đề nghị của ông. Chúng tôi sẽ không quyết định trong vài ngày. Đề nghị ông gửi cho chúng tôi lý lịch và giấy chứng nhận của ông.
- Tôi sẽ gửi, - Hurstwood nói.
Ông gật đầu chào và đi ra. Đến góc phố, ông xem địa chỉ của công ty đồ gỗ và thấy nó ở trên phố Hai mươi ba Tây. Thế là ông đến đó.
Tuy nhiên, nơi đó không đủ rộng rãi. Trông nó vừa phải, người làm trong đó nhàn rỗi và lương thấp. Ông đi qua, liếc nhìn rồi quyết định không vào trong nữa.
- Chắc là họ muốn một cô gái, lương mười đôla một tuần , - ông nói.
Lúc một giờ, ông nghĩ đến ăn và vào nhà hàng ở Madison Square. Ở đó, ông ngẫm nghĩ đến những chỗ ông có thể tìm kiếm. Ông đã mệt. Trời lại ngả màu xám. Bên kia đường, qua công viên Madison Square, có nhiều khách sạn đồ sộ, ra vẻ kẻ cả với quang cảnh tấp nập. Ông quyết định vào hành lang một khách sạn và ngồi một lát. Ở đó ấm áp và sáng sủa. Ở Broadway Central, ông không gặp người nào biết ông. Rất có thể ở đây, ông cũng không gặp ai. Tìm được một chỗ trên một trong những đi-văng nhung màu đỏ gần các cửa sổ lớn nhìn ra đường Broadway huyên náo, ông ngồi trầm ngâm. Ở đây, tình trạng của ông không đến nỗi tệ. Ngồi lặng lẽ và nhìn ra ngoài, ông thấy được an ủi đôi chút vì trong ví còn vài trăm đôla. Trong chừng mực nào đó, ông có thể quên tình trạng buồn chán trên đường phố và những cuộc tìm kiếm mệt mỏi của ông. Song ông vẫn buồn bã và chán nản. Ở đó, thời khắc dường như qua rất chậm. Một giờ trôi qua là khoảng thời gian dài. Nó đủ để ông quan sát và bình luận thầm các vị khách ra, vào khách sạn và các khách bộ hành thành công hơn, cơ may thể hiện trên trang phục và tinh thần lúc họ đi trên đường Broadway bên ngoài. Gần như là lần đầu tiên từ ngày đến thành phố này, ông mới có dịp thảnh thơi thưởng ngoạn quang cảnh. Lúc này là người nhàn rỗi, ông ngạc nhiên vì sự tất bật của người khác. Ông thấy đám thanh niên mới vui tươi làm sao, những người phụ nữ mới xinh đẹp làm sao. Họ vận những bộ quần áo thật tinh tế. Họ mải đến một nơi nào đấy. Ông nhìn thấy những cái liếc đỏm dáng của các cô gái xinh đẹp. Chao ôi, ông thừa hiểu tiền bạc cần được trải qua những thứ như thế biết chừng nào! Bao lâu rồi, kể từ ngày ông có cơ hội làm như thế!
Chuông bên ngoài điểm bốn tiếng. Hơi sớm, nhưng ông nghĩ nên về nhà.
Chuyến về đã nhân đôi ý nghĩ rằng Carrie tưởng ông ngồi quanh đâu đó quá nhiều nên mới về sớm. Ông hy vọng sẽ không phải thế, nhưng ban ngày trĩu nặng trên bàn tay ông. Ông về nhà là có lý do riêng. Ông có thể ngồi trên ghé bập bênh và đọc. Quang cảnh tấp nập, dễ xao nhãng và gợi bao ý nghĩ này sẽ khép lại. Ông có thể đọc báo. Vì thế, ông về nhà. Carrie đang đọc một mình. Căn hộ khá tối, cửa đóng chặt.
- Em sẽ bị hỏng mắt mất, - ông nói lúc nhìn thấy cô.
Sau khi cởi áo khoác, ông cảm thấy có phận sự thuật lại chút ít về một ngày của ông.
- Anh đã nói chuyện với một hãng bán buôn rượu, - ông nói. - Rồi anh ra đường.
- Anh đừng làm thế có hơn không! - Carrie nói.
- Không đến nỗi tệ lắm đâu, - ông trả lời.
Ông thường mua hai tờ Evening World & Evening Sun của người đàn ông ở góc phố. Vì thế ông chỉ nhặt báo lúc đi ngang qua mà không dừng lại.
Ông kéo ghé gần lò sưởi và châm ngọn đèn khí. Lúc này, lại giống y như tối hôm trước. Những khó khăn tan biến trong các mục ông thích đọc.
Ngày hôm sau còn tệ hơn hôm trước, vì ông không còn biết sẽ đi đâu. Cho đến mười giờ sáng, ông vẫn chưa tìm ra chỗ nào trên báo hấp dẫn ông. Ông thấy nên ra ngoài, song ông chán ngán. Đi đâu, đi đâu được?
- Anh đừng quên để lại tiền tuần này cho em đấy, - Carrie bình thản nói.
Họ đã thỏa thuận hàng tuần ông để mười hai đôla vào tay cô để chi tiêu. Ông thốt ra một tiếng thở dài nhè nhẹ lúc nghe câu đó, và rút ví. Ông lại cảm thấy kinh hãi. Ông cứ chi, chi mãi mà chẳng có gì thu về.
- Trời đất ơi! - Ông nói. - Không thể cứ thế này mãi được.
Ông không kể với Carrie bất cứ chuyện gì. Song cô cảm thấy lời đòi hỏi của cô làm phiền ông. Chẳng mấy chốc, đưa tiền cho cô trở thành một việc khổ tâm.
“Mình phải làm gì bây giờ? - Cô nghĩ. - Chao ôi, tại sao mình cứ thấy khó chịu thế nhỉ?”
Hurstwood ra đi, nhằm hướng Broadway. Ông muốn nghĩ đến một nơi nào đó. Tuy vậy, chẳng mấy nỗi ông đã tới Grand Hotel trên phố Ba mươi mốt. Ông biết hành lang ấm cúng ở đó. Sau hai chục phút đi bộ qua hai mươi khối nhà, ông ngấm lạnh.
“Mình sẽ vào hiệu cắt tóc của họ và cắt tóc, cạo mặt”, - ông nghĩ.
Rồi sau khi cắt tóc, ông tự bào chữa khi cứ ngồi ở đấy.
Một lẫn nữa, thời gian trĩu nặng trên tay ông, ông về nhà sớm và cứ tiếp tục như thế trong vài ngày, mỗi ngày nhu cầu tìm kiếm lại làm ông đau đớn, mỗi ngày sự phẫn nộ, ngã lòng và xấu hổ lại đẩy ông vào tình trạng vẩn vơ ở hành lang.
Cuối cùng, sau ba ngày, xảy ra một cơn bão tuyết và ông không ra ngoài nữa. Cuối buổi chiều, tuyết bắt đầu rơi. Những bông tuyết lớn, trắng muốt, mềm mại bay tứ tung. Buổi sáng tuyết rơi cùng gió mạnh, báo đăng tin có bão tuyết. Từ bên ngoài các cửa sổ đằng trước, người ta có thể nhìn thấy một tấm thảm trắng, mềm và sâu.
- Anh nghĩ là hôm nay anh sẽ không ra ngoài, - ông bảo Carrie lúc ăn điểm tâm. - Báo chí đăng tin trời sắp chuyển rất xấu.
- Người ta chưa mang than đến cho em, - Carrie nói, cô đã đặt một thùng than.
- Anh đi xem thế nào nhé, - Hurstwood nói. Đây là lần đầu tiên ông gợi ý làm một việc vặt, vì muốn ở nhà, ông đã nhanh chóng giành lấy đặc ân này.
Tuyết rơi suốt ngày đêm, thành phố bắt đầu khổ vì tắc nghẽn giao thông. Ai cũng chú ý đến những chi tiết về cơn bão tuyết trên báo, nhấn mạnh đến cảnh khốn cùng của người nghèo bằng hàng chữ lớn.
Hurstwood ngồi đọc báo bên lò sưởi trong góc phòng. Ông không cố nghĩ đến cần phải làm việc nữa. Cơn bão này thật khủng khiếp, đình trệ mọi việc, tước đoạt sự cần thiết của ông. Ông thoải mái sưởi ấm bàn chân và toàn thân.
Carrie nghi ngại quan sát sự thanh thản của ông. Cơn bão cuồng nộ khiến cô nghi ngờ sự thoải mái của ông. Ông tiếp nhận hoàn cảnh quá ư thản nhiên.
Song Hurstwood cứ đọc và đọc miết. Ông chẳng mảy may chú ý đến Carrie. Làm xong việc nhà, cô nói chút ít làm ông mất cả yên tĩnh.
Hôm sau tuyết vẫn rơi, và hôm sau nữa trời càng rét hơn.
Hurstwood đọc tin báo nguy trên báo và ngồi im lặng. Lúc này ông tình nguyện làm vài việc vặt khác. Một là ra hàng thịt, hai là đến cửa hàng tạp hóa. Thực ra, ông chẳng coi các việc vặt vãnh này liên quan đến sự quan trọng đích thực của họ. Ông cảm thấy ra phố trong thời tiết này, dường như ông không hoàn toàn vô ích, hoàn toàn có lợi cho gia đình.
Ngày thứ tư, trời quang đãng, ông đọc tin cơn bão đã qua. Song giờ đây, ông ngần ngại khi nghĩ đến các đường phố lõng bõng nước.
Cuối cùng, đến trưa, ông bỏ tờ báo và lên đường. Vì nhiệt độ hơi tăng lên, các đường phố càng tệ hại. Ông băng qua phố Mười bốn, lên xe và chuyển hướng nam đến Broadway. Ông có một quảng cáo liên quan đến một quán rượu trên phố Pearl. Tuy nhiên, khi đến Broadway Central, ông đổi ý.
“Có ích gì đâu? - Ông nghĩ, nhìn xuống đám bùn loãng vì tuyết. - Mình không thể mua cổ phần của nó. Chắc phải một ngàn, mà mình chẳng có gì. Thôi đi”, - rồi ông bỏ qua. Trong hành lang, ông kiếm một chỗ và đợi, phân vân xem có thể làm gì.
Trong lúc ông ngồi ngẫm nghĩ vẩn vơ, hài lòng vì được ở trong nhà, một người đàn ông ăn vận sang trọng đi qua hành lang, dừng lại, nhìn chăm chú dường như không tin vào trí nhớ của minh và đến gần. Hurstwood nhận ra Cargill, chủ nhân của nhiều chuồng ngựa đua lớn ở Chicago mang tên ông ta, người mà ông gặp lần cuối tại Avery Hall, vào đêm Carrie xuất hiện. Hồi ức về người này nhắc đến vợ ông lúc họ bắt tay hôm đó, ngay lập tức trở nên rõ ràng.
Hurstwood vô cùng lúng túng. Mắt ông lộ rõ vẻ khó xử.
- Kìa, ông Hurstwood! - Cargill nói, giờ đã nhớ ra và lấy làm tiếc là không nhận ra Hurstwood đủ nhanh để kịp tránh cuộc gặp này.
- Vâng, - Hurstwood nói. - Ông khỏe không?
- Rất khỏe, - Cargill nói, băn khoăn tìm chuyện để nói. - Ông ở khách sạn này ư?
- Không, - Hurstwood nói. - Chỉ có một cuộc hẹn thôi.
- Tôi biết ông đã rời Chicago. Tôi không biết giờ ông ra sao.
- Ồ, giờ tôi ở thành phố này, - Hurstwood trả lời, lo tìm cách bỏ đi.
- Chắc là ổn chứ?
- Tuyệt vời.
- Tôi rất mừng.
Họ nhìn nhau, khá bối rối.
- Tôi có cuộc hẹn với một người bạn ở tầng trên. Tôi phải chia tay ông thôi. Tạm biệt.
Hurstwood gật đầu.
“Khỉ thật, - ông lầm bầm và quay nhìn ra cửa. - Mình biết thế nào cũng có chuyện đấy”.
Ông đi qua vài khối nhà trên phố. Đồng hồ của ông mới chỉ một giờ rưỡi. Ông cố nghĩ ra một nơi nào đó để đến hoặc việc gì đó để làm. Ngày xấu đến mức ông chỉ muốn được ở trong nhà. Cuối cùng, bàn chân ông bắt đầu ướt và lạnh, ông lên xe. Xe đưa ông về phố Năm mươi chín, còn tốt hơn những nơi khác. Xuống xe, ông đi bộ theo đại lộ Bảy nhưng bùn loãng quá nhiều. Nỗi khổ của việc lang thang chẳng biết đi đâu trở nên không chịu đựng nổi. Ông cảm thấy bị nhiễm lạnh.
Dừng ở góc phố, ông vẫy xe đi về hướng Nam. Ông sẽ không ra khỏi xe và về nhà.
Carrie ngạc nhiên thấy mới ba giờ mười lăm ông đã về.
- Hôm nay ra ngoài khủng khiếp thật, - ông chỉ nói thế. Ông cởi áo khoác và thay giày.
Đêm hôm đó, ông rét run bần bật và uống ký sinh. Ông sốt nóng cho đến sáng hôm sau, và hôm sau nữa trong lúc Carrie phục dịch ông. Ông là một sinh vật bơ vơ trong cơn đau ốm, không đẹp đẽ gì trong chiếc áo choàng tắm màu xám và tóc tai rối bù. Trông ông hốc hác quanh mắt vì rất già. Carrie nhận ra điều này và nó chẳng hấp dẫn cô tí nào. Cô muốn là người tốt bụng và thông cảm, nhưng trong người đàn ông này có một cái gì đó cứ đẩy cô ra xa.
Đến tối, trong ánh đèn yếu ớt trông ông phờ phạc đến nỗi cô gợi ý ông đi nằm.
- Anh ngủ riêng thì tốt hơn, - cô nói, - anh sẽ thấy thoải mái hơn. Em đi dọn giường cho anh bây giờ.
- Được, - ông nói.
Lúc làm những việc này, tâm trạng cô vô cùng chán nản.
“Đời là thế! Đời là thế!”, cô nghĩ.
Lúc trước trong ngày, khi ông ngồi gần lò sưởi, lom khom và đọc báo, cô đi ngang qua, trán cô nhăn lại. Cô ngồi trong phòng đằng trước và khóc, ở đấy không được ấm lắm. Đây là con người đã khống chế cô ư? Sống tù túng trong căn hộ nhỏ với một người không công ăn việc làm, nhàn rỗi, và dửng dưng với cô. Giờ đây với ông, cô chỉ là một người hầu, không hơn.
Khóc lóc khiến mắt cô đỏ hoe, và khi dọn giường cho ông, cô bật ngọn đèn khí đi làm, lúc cô gọi ông vào, ông nhận ra sự thể.
- Em có chuyện gì thế? - Ông hỏi và nhìn mặt cô. Giọng ông khàn khàn và mái đầu rối bù càng tăng thêm cảm giác kinh khủng.
- Không có gì ạ, - Carrie nói, yếu ớt.
- Em đang khóc kìa, - ông nói.
- Không đâu, - cô trả lời.
Ông biết cô khóc không phải vì yêu thương ông.
- Em đừng khóc, - ông nói lúc lên giường. - Sự việc rồi sẽ ổn thôi.
Một, hai ngày sau ông dậy được, nhưng thời tiết khắc nghiệt giữ ông ở lại nhà. Ông bán báo người Ý mang báo buổi sáng đến, và Hurstwood đọc chăm chú. Có vài lần, ông liều ra ngoài, nhưng gặp một người bạn khác trong thời xưa của ông, ông bắt đầu cảm thấy ngồi trong các hành lang khách sạn rất phiền toái.
Ngày ngày ông về nhà sớm, và đến lúc cuối cùng, ông không giả vờ đi đến đâu nữa. Mùa đông không phải là lúc tìm kiếm bất cứ thứ gì.
Lẽ tất nhiên, quanh quẩn trong nhà, ông chú ý đến cách Carrie làm lụng mọi việc. Cô không là một người nội trợ có phương pháp và tiết kiệm, cái nhìn sắc sảo của ông bắt gặp nhiều sai lầm nho nhỏ của cô về mặt này. Tuy nhiên, trước những đòi hỏi thông thường của cô, không cho cô tiền tiêu vặt trở thành một điều ghê tởm. Ngồi quanh quẩn suốt ngày, nhiều tuần lễ dường như trôi qua rất nhanh. Cứ đến ngày thứ Ba, Carrie hỏi xin tiền của cô.
- Em có nghĩ là chúng ta có thể sống rẻ hơn không? - Một hôm thứ Ba, ông hỏi.
- Em đã cố gắng hết sức rồi, - Carrie nói.
Lúc đó ông không nói gì, nhưng hôm sau ông bảo:
- Em đã đi chợ Gansevoort ở đây bao giờ chưa?
- Em không biết có chợ như thế, - Carrie nói.
- Người ta bảo em có thể mua mọi thứ ở đấy rẻ hơn.
Carrie thờ ơ với lời gợi ý ấy. Cô chẳng muốn những thứ ấy tí nào.
- Em mua nửa ký thịt này giá bao nhiêu? - Một hôm ông hỏi.
- Ồ, giá cả chẳng khác gì nhau đâu, - Carrie nói. - Miếng thăn bò này là hai mươi hai xu.
- Thế là quá đắt, em biết không? - Ông trả lời.
Nhiều ngày trôi qua, ông hỏi nhiều thứ khác cho đến cuối cùng, hình như trở thành nghiện. Ông biết được giá nhiều thứ và rất nhớ.
Khả năng làm việc vặt của ông cũng tiến bộ. Lẽ tất nhiên bắt đầu từ những việc nho nhỏ. Một buổi sáng, Carrie vừa lấy mũ thì ông ngăn lại.
- Em đi đâu thế, Carrie ? - Ông hỏi.
- Đến hàng bánh, - cô trả lời.
- Anh sẽ đi thay em, - ông nói.
Cô bằng lòng, và ông ra đi. Chiều chiều, ông ra góc phố mua báo.
- Em có muốn mua gì không? - Ông hay hỏi.
Dần dà, cô bắt đầu sử dụng ông. Tuy nhiên, khi làm việc này, cô mất khoản mười hai đôla mỗi tuần.
- Hôm nay anh chưa cho em tiền, - một hôm thứ Ba, cô nói về việc này.
- Bao nhiêu? - Ông hỏi.
Cô đủ hiểu như thế nghĩa là gì.
- Khoảng năm đôla, - cô trả lời. - Em nợ người bán than.
Hôm ấy, ông nói:
- Ông người Ý ở góc phố kia kìa, bán có hai mươi nhăm xu một thùng than. Anh đã nói chuyện với ông ta.
Carrie nghe câu này, hờ hững.
- Được thôi, - cô nói.
Rồi sau đó là:
- Anh George, hôm nay em cần than, - hoặc, - anh phải mua ít thịt để làm bữa tối.
Ông sẽ hiểu cô cần loại gì.
Cùng với cách làm này, dẫn tới tính keo kiệt.
- Anh chỉ mua hai lạng thịt, - một buổi chiều, ông nói lúc đi mua báo. - Hình như chúng ta chưa bao giờ ăn quá nhiều.
Những tiểu tiết khốn khổ này gặm nhấm trái tim Carrie. Chúng làm ngày tháng của cô ảm đạm và buồn lòng. Chao ôi, người đàn ông này thay đổi biết chừng nào! Ông ngồi nhà suốt ngày đọc báo, đọc mãi. Thế giới dường như chẳng có gì lôi cuốn ông. Thỉnh thoảng lúc đẹp trời, ông ra ngoài bốn hoặc năm tiếng, vào giữa mười một giờ đến bốn giờ. Cô chẳng thể làm gì ngoài quan sát ông với sự khinh thường, day dứt.
Cô lãnh đạm với Hurstwood, kết quả của việc ông bất lực, không tìm ra lối thoát. Mỗi tháng, khoản tiền dự trữ của ông lại hao mòn đi một ít. Giờ ông chỉ còn lại năm trăm đôla, ông giữ khư khư số tiền này, dường như ông có thể ngăn chặn hoàn toàn cảnh túng thiếu trong một thời hạn bất định. Ngồi ở nhà, ông quyết định mặc quần áo cũ có sẵn. Việc này đến đầu tiên trong những ngày túng thiếu. Chỉ có một lần, ông nói lúc bắt đầu hàm ý xin lỗi:
- Hôm nay xấu trời quá, anh chỉ mặc những thứ này thôi.
Rốt cuộc, những thứ này thành đồ mặc thường xuyên.
Ông cũng đã quen với việc trả mười lăm xu cho mỗi lần cạo râu, cạo mặt và thưởng mười xu. Trong cảnh khốn cùng bước đầu, ông giảm tiền thưởng xuống năm xu, rồi chẳng có gì. Sau đó, ông thử cắt tóc ở hiệu mười xu và thấy cũng hài lòng, ông bèn lui tới thường xuyên. Sau nữa, ông bỏ cạo mặt cách nhật, rồi cách ba ngày, cứ thế cho đến khi mỗi tuần cạo mặt một lần. Vào những ngày thứ Bảy, trông ông thật tươm tất.
Lẽ tất nhiên, khi tính tự trọng của ông mất, cũng mất luôn phẩm chất tự nhiên của ông trong mắt Carrie. Cô không thể hiểu nổi trong người đàn ông này có những gì. Ông còn một số tiền, ông vẫn còn một bộ chỉnh tề, trông ông không tệ khi ăn vận tươm tất. Cô không quên cuộc vật lộn gay go của mình ở Chicago, nhưng cô cũng không quên cô đã cố gắng không ngừng. Còn ông chưa cố lần nào. Thậm chí ông không buồn tham khảo thêm các quảng cáo trên báo chí nữa.
Cuối cùng, một cảm tưởng rõ ràng vô tình thốt khỏi miệng cô.
- Sao em phết nhiều bơ lên thịt nướng thế? - Một buổi tối, ông đứng loanh quanh trong bếp và hỏi cô.
- Tất nhiên là để cho ngon, - cô trả lời.
- Hồi này bơ đắt khủng khiếp, - ông bóng gió.
- Nếu anh làm món này, anh sẽ không để ý đến điều đó, - cô trả lời.
Sau đó ông im và trở lại vùi đầu vào đọc báo, nhưng câu đối đáp cứ day dứt mãi lòng ông. Đây là lần đầu tiên, cô thốt ra một lời nhận xét gay gắt.
Cũng tối hôm đó, sau khi đọc sách, Carrie ra phòng trước ngủ. Đây là một việc bất thường. Khi Hurstwood đã mệt, ông quyết định đi nằm, và như thường lệ, không bật đèn. Lúc đó ông mới phát hiện ra sự vắng mặt của Carrie.
- Buồn cười thật, - ông nói, - có khi cô ấy đang tập thể dục.
Ông không nghĩ ngợi thêm, và ngủ thiếp đi. Đến sáng, vẫn không thấy cô ở bên ông. Có điều lạ là việc này qua đi, không một lời bình luận.
Đêm đến gần, Carrie nói với vẻ trò chuyện khá nhẹ nhàng:
- Em nghĩ tối nay em sẽ ngủ một mình. Em bị nhức đầu.
- Được thôi, - Hurstwood nói.
Đêm thứ ba, cô ngủ ở phòng đằng trước mà không hề biện bạch. Đây là một đòn tàn nhẫn với Hurstwood, nhưng ông không bao giờ nhắc đến.
- Được thôi, - ông tự nhủ kèm cái cau mày không thể nén nổi, - cứ để cô ấy ngủ một mình.