Xơ Carrie

Chương XXII: Bùi nhùi bùng cháy

Nỗi bất hạnh trong gia đình Hurstwood nảy sinh vì ghen tuông không hề giảm sút. Bà Hurstwood giữ nguyên tình trạng này và ảnh hưởng tiếp theo có thể chuyển thành thù hận. Về mặt thể xác, thực ra Hurstwood vẫn thương người vợ một thời dâng hiến cho ông, nhưng về mặt xã hội ông cảm thấy thiếu thốn. Khả năng âu yếm của ông với bà đã tàn lụi, và với một người phụ nữ, điều này còn lớn hơn cả tội ác hiển hiện với người khác. Lòng tự ái của chúng ta sai khiến việc đánh giá xấu, tốt của người khác. Với bà Hurstwood, nó đã làm hoen ố sắc thái trong bản tính lãnh đạm của chồng bà. Bà nhìn ra ý đồ trong các việc làm và lời nói, chỉ do không còn coi trọng sự hiện diện của bà.

Hậu quả là, bà phẫn nộ và nghi ngờ. Sự ghen tuông xúi bà quan sát từ việc ông mất hẳn những hứng thú nho nhỏ trong quan hệ vợ chồng, khiến bà càng chú ý đến sự duyên dáng vui vẻ mà ông vẫn xử sự với mọi người. Bà thấy sự quan tâm cực kỳ kỹ lưỡng cho bề ngoài của cá nhân ông trong các dịp vui thú trên đời không hề giảm sút tí tẹo nào. Từng cử chỉ, từng cái liếc nhìn đượm chút vui sướng ông cảm thấy ở Carrie, sự say mê trong cuộc theo đuổi mới mẻ tăng thêm niềm vui cho ngày tháng của ông. Bà Hurstwood cảm thấy một thứ gì đó, bà đánh hơi thấy sự thay đổi, như con thú cảm thấy nguy hiểm từ xa.

Cảm giác này tăng thêm vì những hành động thẳng thừng và khả năng ân ái của Hurstwood mạnh hơn. Chúng ta đã thấy ông bực dọc né tránh những bổn phận lặt vặt mà ông không còn thích thú hoặc hài lòng, và gần nhất, ông phẫn nộ vì lời cằn nhằn không hề che giấu, những dằn vặt bực tức của bà. Những cuộc cãi vã nho nhỏ kiểu này ngày càng nhiều vì bầu không khí đã chồng chất thêm bất đồng. Nó sẽ là trận mưa rào với bầu trời nặng trĩu mây giông đen kịt, chắc chắn là không có lời bình luận nào xứng đáng. Thế là, sau khi rời bàn ăn sáng hôm ấy, trong lòng giận dữ vì ông thẳng thừng công khai thái độ thờ ơ với kế hoạch của bà, bà Hurstwood bắt gặp Jessica trong phòng thay quần áo, đang chải tóc rất ung dung. Ông Hurstwood đã ra khỏi nhà.

- Mẹ mong con đừng xuống ăn sáng muộn như thế, - bà nói với Jessica, trong lúc bận với rổ kim móc của bà. - Giờ thì mọi thứ nguội ngắt cả rồi, con không nên ăn nữa.

Sự điềm tĩnh tự nhiên của bà bị xáo trộn đáng buồn, và Jessica phải hứng chịu đầu thừa đuôi thẹo của cơn giông bão.

- Con không đói, - cô trả lời.

- Tại sao lúc đó con không nói để con hầu cất đi, đỡ bắt nó đợi cả buổi sáng?

- Cô ta không phiền gì đâu. - Jessica trả lời nhạt nhẽo.

- Nếu nó không phiền thì mẹ có đấy, - người mẹ đáp lại, - dù thế nào đi nữa, mẹ không thích con nói năng kiểu đó với mẹ. Con còn quá trẻ để ra vẻ ta đây với mẹ.

- Kìa mẹ, đừng cãi nhau nữa, - Jessica trả lời. - Sáng nay có chuyện gì phải không ạ?

- Không có chuyện gì, và mẹ không cãi nhau. Con không được nghĩ vì mẹ cho phép con tùy ý trong một số việc mà có thể bắt mọi người chờ đợi. Mẹ không muốn thế.

- Con không bắt ai phải đợi hết, - Jessica đáp lại gay gắt, chuyển từ thái độ dửng dưng bất cần đạo lý sang phòng ngự ráo riết. - Con đã nói là con không đói. Con không muốn ăn sáng tí nào.

- Sao cô không nói thẳng với tôi, thưa cô. Tôi không cho phép như thế. Bây giờ hãy nghe lời tôi, tôi sẽ không cho phép như thế!

Jessica nghe câu này lúc ra khỏi phòng, cô hất đầu và búng tà váy đẹp đẽ, ra ý độc lập và không quan tâm. Cô không muốn cãi nhau.

Những cuộc tranh cãi lặt vặt như thế quá thường xuyên, kết quả của sự hình thành tính cách phần lớn là độc lập và ích kỷ. George Jr. còn chứng tỏ tính tự ái lớn hơn và phóng đại các quyền cá nhân của cậu, cố thử mọi thứ cảm xúc vì cậu là đàn ông và có mọi đặc quyền, làm ra vẻ ở độ tuổi mười chín, mọi thứ đều là vu vơ và vô dụng nhất hạng.

Hurstwood là người quyền thế và tình cảm tinh tế, ông quá ư bực dọc thấy mình ngày càng bị bao vây bởi những người ông không điều khiển nổi và ngày càng ít hiểu họ.

Bây giờ, những việc nhỏ như đề nghị đi Waukesha sớm hơn được nêu ra, họ phớt lờ địa vị của ông. Ông là người đi theo, chứ không phải là người lãnh đạo. Thêm vào đó, thể hiện một tính cách sắc sảo, đánh bật trách nhiệm khỏi quyền lực của ông, bổ sung vào sự phản kháng theo kiểu trí thức như một cái nhếch mép hay nụ cười nhạo báng, khiến ông không sao giữ được bình tĩnh. Ông đã lao vào cuộc mê đắm khổ sở, và thầm ước xóa sạch toàn bộ gia đình. Dường như nó tác động mạnh mẽ nhất đến toàn bộ khao khát và cơ hội của ông.

Trong toàn bộ chuyện này, ông vẫn giữ vẻ lãnh đạo và điều khiển bề ngoài, dẫu vợ ông ra sức chống lại. Sự cáu kỉnh hiển hiện và chống đối công khai của bà chẳng có cơ sở nào hơn là cảm giác bà có thể làm được điều đó. Bà không có chứng cứ đặc biệt để xét đoán - hiểu biết rõ ràng sẽ cho bà uy quyền và lý do. Song lẽ bà thiếu hẳn mọi lý do cho một nền tảng vững chắc, nên dường như nó chỉ là sự bất mãn vô căn cứ. Bằng chứng rõ ràng của một hành động công khai sẽ là luồng gió cần thiết, biến đám mây ngờ vực tối sẫm thành cơn mưa rào phẫn nộ.

Một hành động nghi nghi hoặc hoặc và không đúng lúc của Hurstwood đã đến. Vài ngày sau khi Hurstwood và Carrie dong xe trên con đường phía Tây đại lộ Washington, bác sĩ Beale - một bác sĩ nội trú điển trai - gặp bà Hurstwood ngay tại ngưỡng cửa nhà bà. Bác sĩ Beale đi từ phía đông chính con đường đó và nhận ra Hurstwood, nhưng chưa kịp gọi thì xe đã vụt qua. Ông ta không biết Carrie, và không chắc đấy là vợ hay con gái ông Hurstwood.

- Bà không nói chuyện với bạn bè lúc gặp trên đường sao, thưa bà? - Ông ta vui nhộn nói với bà Hurstwood.

- Nếu gặp họ, tôi sẽ nói chứ. Mà tôi ở đâu vậy?

- Trên đại lộ Washington, - ông ta trả lời, mong mắt bà sáng lên vì nhớ ra.

Bà lắc đầu.

- Vâng, ngay gần đại lộ Hoyne. Bà đi cùng ông nhà.

- Tôi chắc ông nhầm, - bà trả lời. Rồi, liên tưởng chồng bà đang dính dấp đến một vụ trăng hoa, ngay lập tức bà trở thành nạn nhân của mối nghi ngờ mới mẻ, song bà không tỏ ra dấu hiệu gì.

- Tôi biết là đã gặp ông nhà, - ông ta nói. - Nhưng tôi không chắc là bà. Có lẽ là con gái bà.

- Có lẽ thế, - bà Hurstwood nói tuy thừa biết là không phải thế, vì nhiều tuần lễ nay, Jessica luôn cặp kè với bà.

Bà đủ tự chủ để mong biết chi tiết.

- Vào buổi chiều phải không ạ? - Bà hỏi, ra vẻ rất quen với việc này.

- Vâng, khoảng hai hoặc ba giờ.

- Thế thì chắc là Jessica rồi, - bà Hurstwood nói, mong là sự việc bất ngờ này không gắn với ý nghĩa nào.

Ông bác sĩ thoáng phân vân, nhưng gạt chuyện đó đi như một thứ không đáng để bàn tiếp, ít nhất về phần ông ta.

Bà Hurstwood suy nghĩ rất lung suốt mấy giờ liền, thậm chí nhiều ngày sau về mẩu tin này. Bà coi việc ông bác sĩ gặp chồng bà đang dong xe, rất có thể với một người phụ nữ khác, sau khi tuyên bố rất bận với bà, là một chứng cứ hiển nhiên. Kết quả là, cơn giận bốc lên khi bà nhớ lại, nhiều lần ông đã từ chối đi cùng bà đến mọi nơi, cùng đi thăm hoặc tham gia những sự kiện xã hội thú vị, giải trí cho cách sống của bà. Ông đã bị nhìn thấy ở nhà hát với những người mà ông gọi là bạn bè của Moy, giờ ông lại bị gặp dong xe, và rất có thể lại có cớ ngay cho việc đó. Có khi bà chưa nghe đến nhiều người khác, hoặc vì sao gần đây ông bận rộn đến thế, hững hờ đến thế? Trong sáu tuần vừa qua, ông trở nên dễ cáu, nhưng hễ lên xe ra ngoài là thỏa mãn lạ lùng, dù mọi việc trong nhà đúng hoặc sai. Tại sao lại thế?

Với sự nhạy cảm tinh tế hơn, bà nhớ lại ông không còn nhìn bà với ánh mắt cũ, hài lòng và chấp nhận nữa. Rõ ràng là, cùng với nhiều việc khác, ông đang coi bà là già cỗi và không thú vị. Có lẽ ông đã nhìn thấy những nếp nhăn của bà. Bà đang tàn phai, trong khi ông vẫn chải chuốt, thanh lịch và trẻ trung. Ông vẫn là một nhân tố thú vị trong những dịp hội hè đình đám của xã hội, trong lúc bà... Nhưng bà không muốn nghĩ tiếp. Bà chỉ thấy toàn bộ tình trạng thật cay đắng và vô cùng hận ông.

Không có chuyện gì xảy ra với sự việc bất ngờ đó, vì thực ra nó không đủ thuyết phục cho bất cứ cuộc bàn bạc nào. Chỉ có bầu không khí không tin cậy và ác ý tăng lên, mỗi lúc một đẩy nhanh thêm những bất hòa nho nhỏ trong các cuộc trò chuyện bực tức, lóe sáng những tia phẫn nộ. Chuyến đi Waukesha chỉ tiếp tục nhiều sự việc khác cùng một loại.

Ngay hôm sau khi Carrie xuất hiện trên sân khấu Avery, bà Hurstwood cùng Jessica và cậu Bart Taylor, con trai ông chủ xưởng đồ nội thất, một người quen của cô đến cuộc đua ngựa. Họ đi từ sớm, và tình cờ gặp vài người bạn của ông Hurstwood, tất cả đều là hội viên Elk, hai người trong số đó đã xem buổi diễn tối hôm trước. Vô cùng tình cờ, chủ đề về buổi diễn chưa bao giờ được nhắc tới khiến Jessica không chiếm được sự chú ý của người đồng hành trẻ tuổi, tuy chiếm nhiều thời gian hết mức. Người này để bà Hurstwood trong tâm trạng chào hỏi qua loa vài người quen biết trong những cuộc chuyện trò ngắn ngủi, và những câu chuyện ngắn của bạn bè thành chuyện dài. Một trong những người định chào hỏi bà chiếu lệ đã đem tới tin tức thú vị này.

Người đó mặc đồ thể thao kiểu hấp dẫn nhất, vai đeo ống nhòm nói:

- Tôi thấy tối qua bà không đến xem buổi biểu diễn nhỏ của chúng tôi.

- Không, - bà Hurstwood nói, tò mò và tự hỏi vì sao ông ta lại dùng cái giọng lưu ý tới sự kiện bà không hề hay biết.

Bà vừa hỏi:

- Mà là cuộc gì vậy?

Người đó nói thêm:

- Tôi đã gặp chồng bà.

Sự băn khoăn của bà ngay lập tức thay thế bằng sự nghi ngờ nhạy cảm hơn nhiều.

- Vâng, - bà thận trọng nói, - có thú vị không ạ? Nhà tôi không kể nhiều lắm.

- Rất thú vị. Thực sự là một trong những buổi diễn tư nhân hay nhất tôi từng xem. Có một nữ diễn viên khiến tất cả chúng tôi sửng sốt.

- Thế ư? - Bà Hurstwood nói.

- Thật tiếc là bà không thể đến xem. Tôi rất tiếc nghe tin bà không được khỏe.

Không được khỏe! Bà Hurstwood có thể nghe thấy tiếng vang của những từ ấy sau khi người kia mở miệng. Nó đã giải thoát cho bà sự thôi thúc phủ nhận và hỏi han, và bà nói, gần như khó chịu:

- Vâng, nhưng không có gì quá tệ.

- Trông có vẻ hôm nay sẽ có một đám đông kéo tới đây, nhỉ? - Người quen ấy nhận xét, chuyển sang chủ đề khác.

Vợ ông quản lý định hỏi thêm, nhưng bà thấy không còn cơ hội. Bà hoang mang mất một lúc, ngẫm nghĩ một mình và tự hỏi đây có phải là vụ lừa gạt mới khiến ông nói bà ốm trong khi bà khỏe. Bà quyết tìm hiểu thêm.

- Tối qua ông có đến xem biểu diễn không? - Bà hỏi người bạn tiếp theo của Hurstwood đến chào bà, lúc bà đã ngồi trong lô.

- Có. Bà không đến ư?

- Không, - bà trả lời. - Tôi thấy không được khỏe lắm.

- Ông nhà cũng bảo tôi thế, - ông ta trả lời. - Buổi diễn thực sự thú vị. Hay hơn tôi nghĩ.

- Có nhiều người xem không?

- Khán phòng đầy ắp. Một đêm hoàn toàn của Elk. Tôi nhìn thấy một số bạn của bà: bà Harrison, bà Barnes, bà Collins.

- Một cuộc hội họp xã hội mà.

- Đúng vậy. Nhà tôi rất thích thú.

Bà Hurstwood cắn môi.

“Ra thế, - bà nghĩ, - ông ta đã làm như thế. Bảo với bạn bè là mình ốm và không thể đến được”.

Bà không biết cái gì đã xui khiến ông đi một mình. Đằng sau chuyện này nhất định có một cái gì đó. Bà vắt óc tìm nguyên nhân.

Buổi tối, khi Hurstwood về đến nhà, bà đã nghiền ngẫm trong tâm trạng ủ ê, muốn được giải thích và trả thù. Bà muốn biết ý nghĩa hành động đặc biệt này của ông. Bà chắc chắn rằng có chuyện gì đó đằng sau mọi điều bà nghe được, bà tò mò ghê gớm trộn lẫn ngờ vực và tàn dư phẫn nộ của buổi sáng. Cảm thấy tai họa sắp xảy đến, bà đi dạo, bóng tối âm u trong mắt và sức lực phôi thai định trả thù hằn những nếp hà khắc quanh miệng bà.

Mặt khác, như chúng ta có thể tin, viên quản lý về nhà trong tâm trạng vui vẻ nhất. Cuộc trò chuyện và thỏa thuận với Carrie khiến ông phấn chấn đến mức trong tâm trạng của một người ca hát hân hoan. Ông tự đắc vì mình, tự hào vì thành công và hãnh diện vì Carrie. Ông có thể thân ái với toàn thế giới, và không hề oán giận vợ. Ông định sẽ vui vẻ, quên sự có mặt của bà, sống trong không khí trẻ trung và thú vị đã trở lại với ông.

Trong tâm trí ông, lúc này ngôi nhà có diện mạo dễ chịu và thoải mái nhất. Ông thấy tờ báo buổi chiều trong tiền sảnh do cô hầu để đó và bà Hurstwood quên bẵng. Trong phòng ăn, bàn sạch sẽ, phủ khăn lanh, khăn ăn, cốc và đồ sứ sáng bóng. Qua cánh cửa mở rộng, ông nhìn vào bếp thấy ngọn lửa lách tách trong lò, bữa tối đã dọn đâu vào đấy. Trong mảnh sân nhỏ đằng sau, George Jr. đang chơi đùa với con chó con cậu vừa mua, còn Jessica đang chơi dương cầm trong phòng khách, âm thanh của bản vanxơ vui tươi tràn ngập khắp xó xỉnh của căn nhà đầy đủ tiện nghi. Mọi người cũng như ông, hình như đều trở lại tâm trạng vui vẻ, đồng cảm với tuổi trẻ và vẻ đẹp, thiên về vui sướng và hội hè đình đám. Ông cảm thấy có thể nói một lời tốt đẹp với tất cả những gì quanh ông, và liếc cái nhìn thân ái nhất vào bàn ăn thịnh soạn, và tủ buýp phê bóng loáng trước khi lên gác đọc báo trong cái ghế bành thoải mái ở phòng ngồi chơi, nhìn qua cửa sổ ra phố. Song lúc vào đó, ông thấy vợ đang chải tóc và trầm ngâm một mình.

Ông nhẹ nhàng bước vào, mong làm dịu mọi cảm xúc có lẽ vẫn còn bằng một lời ân cần và lời hứa dễ dàng, nhưng bà Hurstwood lặng thinh. Ông ngồi vào chiếc ghế bành rộng rãi, hơi cựa quậy cho thoải mái, mở tờ báo và bắt đầu đọc. Có lúc ông mỉm cười vì bài tường thuật rất dí dỏm cuộc thi đấu giữa hai đội bóng chày Chicago và Detroit.

Trong lúc đó, bà Hurstwood chốc chốc lại quan sát ông qua tấm gương trước mặt bà. Bà chú ý đến vẻ thú vị và hài lòng của ông, sự duyên dáng thảnh thơi và hài hước vui vẻ của ông càng làm bà tức thêm. Bà tự hỏi sao ông có thể như thế trước mặt bà, sau thái độ nhạo báng, lãnh đạm và bỏ lơ bà lúc trước và vẫn tiếp tục thể hiện trong chừng mực bà còn cam chịu. Bà nghĩ cách nói cho ông biết, căng thẳng và nhấn giọng ra sao để tăng thêm sự khẳng định của bà, lái về vụ ngoại tình này cho đến lúc bà thỏa lòng. Thực ra, lưỡi gươm thịnh nộ của bà đã mài sáng bóng nhưng treo yếu ớt bằng sợi dây suy nghĩ.

Trong lúc Hurstwood bắt gặp một tin hài hước liên quan đến một người xa lạ vừa tới thành phố và bị trấn lột ở nơi hẻo lánh. Nó làm ông thích thú, ít nhất ông cũng cựa quậy và cười khúc khích một mình. Giá ông có thể lôi kéo được vợ chú ý và đọc cho bà nghe.

- Ha ha, - ông nói khẽ, gần như một mình, - buồn cười thật.

Bà Hurstwood vẫn vấn tóc, không buồn hạ cố liếc nhìn.

Ông lại cựa quậy và đọc tiếp sang mục khác. Rốt cuộc, ông cảm thấy sự vui vẻ phải tìm được lối thoát. Julia chắc chắn vẫn không vui vì vụ buổi sáng, nhưng có thể dễ dàng uốn nắn được. Thực ra là bà sai, nhưng ông không cần. Càng sớm càng tốt. Ông sẽ nói chuyện với bà ngay khi có dịp, và toàn bộ nỗi bực bõ sẽ qua đi.

- Mình có chú ý, - cuối cùng ông nói, tuôn ra một tin khác liên quan mà ông tìm thấy, - là người ta bắt đầu ép Illinois Ventral dọn sạch đằng trước hồ không, Julia? - Ông hỏi.

Bà hầu như không muốn trả lời, nhưng cố nói: “Không”, chói tai.

Hurstwood dỏng tai lên. Trong giọng bà có một âm sắc vẫn rung ngân.

- Nếu làm được thế thì hay quá, - ông nói tiếp, nửa với mình, nửa với vợ, tuy ông cảm thấy bà có gì đó rất không ổn. Ông rất thận trọng chăm chú vào tờ báo, thầm lắng nghe từng âm thanh nho nhỏ có thể cho biết chuyện gì.

Trên thực tế, không người đàn ông thông minh nào như Hurstwood - hay quan sát và nhạy cảm với bầu không khí nhiều loại, nhất là những suy nghĩ của riêng mình - lại mắc sai lầm như ông đã làm với vợ, gieo rắc rối loạn cho bà, mà vẫn không hề bận tâm về những suy nghĩ rất khác. Nếu không vì ảnh hưởng của Carrie, hoan hỉ vì lời hứa của cô khuấy động lòng ông, kéo dài mãi, ông sẽ không thấy ngôi nhà trong tâm trạng dễ chịu như thế. Tối nay nó quá ư rạng rỡ và vui tươi. Ông đã nhầm lẫn quá nhiều và sẽ phải mất nhiều công sức đối phó mới về nhà trong tình trạng bình thường.

Sau khi đọc kỹ tờ báo lâu hơn, ông cảm thấy nên làm dịu mọi chuyện bằng cách này hoặc cách khác. Rõ ràng vợ ông không chịu giải quyết qua loa ngay lập tức. Thế nên, ông nói:

- George kiếm đâu ra con chó ở sân sau vậy?

- Tôi không biết, - bà cắn cảu.

Ông để tờ báo lên đầu gối và lười biếng nhìn đăm đăm ra cửa sổ. Ông không muốn mất bình tĩnh, chỉ bền bỉ và dễ thương hỏi vài câu đem lại sự hiểu biết ôn hòa.

- Tại sao mình cứ bực mãi vì chuyện sáng nay? - Cuối cùng, ông hỏi. - Chúng mình chẳng cần cãi vã về việc đó. Mình biết là mình có thể đi Waukesha nếu mình muốn kia mà.

- Để ông có thể ở lại đây đú đởn với người khác, hả? - Bà kêu lên, quay sang ông với vẻ mặt kiên quyết, kéo theo những lời châm chọc gay gắt và phẫn nộ.

Ông ngừng lại, như thế bị đập vào mặt. Ngay lập tức, cách cư xử hòa hoãn, có sức thuyết phục của ông biến mất. Trong chớp mắt, ông giữ thế thủ và nghĩ lời đáp lại.

- Mình định nói gì? – Cuối cùng ông nói, thẳng người lên nhìn trừng trừng vào con người lạnh lùng, kiên quyết trước mắt ông, bà vẫn chẳng buồn chú ý và tiếp tục chải chuốt trước gương.

- Ông thừa hiểu ý tôi rồi, - rốt cuộc bà nói, dường như bà vẫn giữ kín cả kho thông tin dự phòng, mà không cần nói ra.

- Tôi không hiểu, - ông nói, không chịu nhượng bộ, vẫn căng thẳng và cảnh giác xem tiếp theo xảy ra sự gì. Tính chất dứt khoát trong thái độ người đàn bà đã lấy đi ưu thế của ông trong trận chiến.

Bà không trả lời.

- Hừm! - Ông lẩm bẩm, ngoảnh đầu sang một bên. Đây là động tác kém cỏi nhất ông làm. Nó hoàn toàn không quả quyết.

Bà Hurstwood chú ý đến sự thiếu khí sắc đó. Bà hằm hè với ông như một con thú, có thể tấn công một đòn thứ hai đầy hiệu quả.

- Tôi muốn ngay sáng mai có tiền đi Waukesha, - bà nói.

Ông nhìn bà kinh ngạc. Trước kia ông chưa bao giờ thấy vẻ kiên quyết lạnh lùng, sắt đá, một vẻ lãnh đạm tàn nhẫn đến thế trong mắt bà. Hình như bà hoàn toàn làm chủ tâm trạng, rất tự tin và kiên quyết giành lấy quyền kiểm soát mọi thứ khỏi tay ông.

- Ý mình là gì? - Ông nói và bật dậy. - Mình muốn ư! Tôi muốn biết tối nay mình sao vậy?

- Chẳng sao hết, - bà bùng lên. - Tôi muốn có số tiền đó. Rồi sau đó ông tha hồ nghênh ngang vênh váo.

- Nghênh ngang, hở! Cái gì! Bà sẽ lấy hết mọi thứ của tôi! Bà định bóng gió điều gì, hả?

- Tối qua ông ở đâu? - Bà trả lời. Từng từ nóng bỏng lúc thốt ra. - Ông dong xe với ai ở đại lộ Washington? Ông đi với ai đến nhà hát lúc George nhìn thấy ông? Ông ngỡ tôi là con ngốc để ông lừa bịp chắc? Ông tưởng tôi cứ ngồi nhà chịu cảnh “quá bận” và “không thể đi được” của ông, trong lúc ông lượn quanh và bịa đặt là tôi không thể đến được? Tôi muốn ông biết rằng những bộ dạng quý tộc của ông phải chấm dứt nếu tôi muốn. Ông không thể sai khiến tôi cũng như các con tôi. Tôi nhìn thấu tâm can ông.

- Nói điêu, - ông nói, bị dồn vào thế bí và biết không còn cớ nào khác.

- Nói điêu, hả? - Bà nói, dữ dội, nhưng với vẻ dè dặt hẳn, - ông có thể gọi thế là nói điêu nếu ông muốn, nhưng tôi biết.

- Tôi nói với bà, đây là nói điêu, - ông nói, khẽ và sắc sảo. - Nhiều tháng nay bà tìm tòi lục lọi một lời buộc tội ti tiện, và bây giờ bà ngỡ là đã có. Bà tưởng bà sẽ bật lên chiếm thế thượng phong. Được, tôi nói cho bà biết, bà không thể. Chừng nào tôi còn là chủ gia đình này, bà hoặc bất kỳ ai khác không thể ra lệnh cho tôi, bà nghe chưa?

Ông làm bà sởn gáy vì ánh mắt ông như một điềm gở. Trong thái độ của người đàn bà có một cái gì đó nhạt nhẽo, cay độc, ưu thế như bà đã làm chủ, trong chốc lát gây cho ông cảm giác có thế bóp cổ bà.

Bà trừng trừng nhìn ông như một cô hồn.

- Tôi không ra lệnh cho ông, - bà đập lại, - tôi chỉ nói với ông tôi muốn gì.

Câu trả lời vô cùng điềm tĩnh, vô cùng hiên ngang làm ông nhụt chí. Ông không thể tấn công bà, không thể đòi bà đưa ra bằng chứng. Dù thế nào đi nữa, ông cảm thấy chứng cớ, luật định, toàn bộ tài sản của ông đều đứng tên bà, sáng lên trong cái liếc nhìn của bà. Ông như một con thuyền lớn, đầy sức mạnh và nguy hiểm nhưng không có buồm, đang quay tròn và loạng choạng.

- Còn tôi đang nói với bà những gì bà sẽ không có, - cuối cùng ông nói, hơi trấn tĩnh lại.

- Chúng ta sẽ hỏi xem, - bà nói. - Tôi sẽ tìm ra tôi có những quyền lợi gì. Có lẽ ông nên nói chuyện với một luật sư nếu ông không muốn để tôi hỏi.

Đấy là một cuộc chơi rất hiểm, có những hiệu lực của nó. Hurstwood cảm thấy bị đánh ngã ngửa. Giờ thì ông biết rằng ông phải đấu tranh, hơn là nói dối. Ông cảm thấy đang mặt đối mặt với một vấn đề ảm đạm. Ông không biết nói gì. Mọi thứ hớn hở trong ngày đã tan biến. Ông bối rối, khổ sở, bực bội và phẫn uất. Ông sẽ làm gì đây?

- Bà làm gì tùy ý, - cuối cùng, ông nói. - Tôi sẽ không làm gì hơn cho bà, - rồi ông rảo bước ra khỏi phòng.