Xấu

Phần 1. Biểu Đồ Phát Triển Của Những Đứa Trẻ Ảo Tưởng

• 1 •

Mỗi khi gặp một người đàn ông tôi thường tự hỏi nếu chúng tôi sinh con thì đứa bé sẽ trông thế nào. Đó gần như đã trở thành một hành động bản năng. Dù người đàn ông đó ưa nhìn hay xấu xí, già hay trẻ, trong đầu tôi lập tức hiện lên hình ảnh đứa bé do chúng tôi tác hợp. Tóc tôi óng ả, mềm mại màu nâu nhạt và nếu tóc anh ta dày, đen nhánh thì mái tóc của đứa bé hẳn sẽ là một sự pha trộn hoàn hảo về kết cấu và màu sắc. Không phải vậy sao? Tôi thường bắt đầu bằng việc tự tưởng tượng ra những kịch bản tốt đẹp nhất cho những đứa trẻ đó nhưng rồi chúng nhanh chóng bị thay thế bởi những viễn cảnh khủng khiếp, hoàn toàn đối nghịch.

Nếu chẳng may hàng lông mày xộc xệch của anh ta phết lên phía trên đôi mắt hai mí rõ ràng của tôi? Hay sống mũi thanh tú của tôi lại được tiếp nối bởi hai lỗ mũi to tướng? Nếu như cái đầu gối củ lạc của anh ta ngự trên đôi cẳng chân vốn hơi cong và thô của tôi, rồi cái bàn chân hình cung khá duyên dáng của tôi với những móng chân hình vuông to bè?

Và khi những ý nghĩ đó bắt đầu, tôi sẽ nhìn chòng chọc như muốn xuyên thấu người đàn ông trước mặt, hậu quả là đối phương thường tin rằng tôi hẳn có tình ý gì đó với anh ta. Thói quen ấy đã gây cho tôi không biết bao nhiêu hiểu lầm tai hại trong những lần giáp mặt với những người đàn ông xa lạ. Nhưng lần nào cũng vậy, sự hiếu kỳ vẫn mạnh hơn tất cả.

Khi tinh trùng gặp trứng, chúng tạo ra một tế bào hoàn toàn mới, và một cuộc đời mới bắt đầu. Những thực thể non nớt ấy bước vào thế giới với những hình dạng và kích cỡ khác nhau. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra khi tinh trùng và trứng kết hợp với nhau trong trạng thái đầy thù hận với đối phương? Liệu sinh vật mà chúng tạo ra có dị thường và trái ngược với những gì chúng ta mong đợi? Ngược lại, nếu giữa chúng có một áp lực lớn thì dòng dõi của chúng sẽ còn tuyệt diệu hơn. Về điều đó thì chẳng phải nghi ngờ gì hết. Thế nhưng ai mà biết được các chủ định của tinh trùng và trứng là gì khi chúng gặp nhau?

Những lúc như thế này, trong đầu tôi lại hiện lên biểu đồ phát triển của những đứa con giả định của mình. Bạn hẳn biết cái loại biểu đồ này, thứ biểu đồ bạn thường tìm thấy trong các sách giáo khoa sinh học hay khoa học về Trái Đất. Bạn hẳn nhớ chúng, những biểu đồ giả định về hình dạng và tính cách của các sinh vật bị tuyệt chủng dựa trên những hóa thạch tìm thấy trong lòng đất, có phải vậy không? Hầu như tất cả các biểu đồ này đều kèm theo những bức tranh minh họa cây cối, động vật đầy màu sắc cả trên trời lẫn dưới biển. Thú thực là ngay từ khi còn bé tôi đã rất sợ những bức tranh minh họa kiểu này vì chúng khiến sự tưởng tượng của chúng ta trở nên vô cùng xác thực. Tôi rất ghét giở những cuốn sách ấy ra vì cứ hễ động vào chúng là tôi lại có thói quen tìm ngay tới những trang có các biểu đồ đó để nghiền ngẫm. Có lẽ điều này cho thấy chúng ta thường bị cuốn hút bởi những gì vốn làm chúng ta sợ hãi.

Tôi vẫn còn nhớ những biểu đồ tái tạo đầy vẻ nghệ thuật thảm động vật Burgess Shale ở Canada. Dựa trên những di chỉ hóa thạch kỉ Cambrian tìm thấy ở rặng Thạch Sơn, Canada, người ta xây dựng một biểu đồ với những sinh vật kỳ lạ bơi trên biển. Những con Hallucigenia bò dọc theo những bãi trầm tích dưới đáy biển, lưng mọc gai tua tủa trông như những chiếc lược biết đi, những con Opabinia năm mắt lượn lờ, uốn éo xung quanh các mỏm đá và vách đá lởm chởm. Những con Anomalocaris với hai chi trước khổng lồ hình móc câu lảng vảng rình mồi trong những vũng nước tối. Biểu đồ tưởng tượng của riêng tôi rất giống với loại sinh vật này. Đó là những đứa trẻ bơi trong nước, những đứa trẻ kỳ quặc được sinh ra từ những cuộc gặp gỡ trong trí tưởng tượng của tôi với những người đàn ông.

Vì một số lí do mà tôi không bao giờ nghĩ tới cái việc mà đàn ông và phụ nữ phải làm để sinh ra một đứa trẻ. Khi tôi còn đi học, các bạn cùng lớp thường chế nhạo các cậu con trai mà họ không thích bằng những câu như, “Chỉ nghĩ tới việc chạm vào hắn ta là tớ đã thấy rùng mình!” Nhưng tôi không bao giờ nghĩ tới chuyện đó. Tôi thường bỏ qua bước giao phối và đi thẳng tới giai đoạn đứa trẻ ra đời và vẻ ngoài của chúng. Có lẽ về mặt này, tôi hơi khác người.

Nếu nhìn kỹ hẳn bạn sẽ nhận ra rằng tôi là một đứa con lai. Ba tôi là người Thụy Sỹ gốc Ba Lan. Nghe nói, ông nội của ba tôi là một mục sư, ông sang Thụy Sỹ sống để tránh bọn Đức Quốc Xã và sống ở đây đến cuối đời. Ba tôi là một người hoạt động kinh doanh, một nhà xuất nhập khẩu bánh kẹo phương Tây vào Nhật Bản. Nghe có vẻ ấn tượng nhưng thực chất những sản phẩm mà ông nhập khẩu đều là những thứ sô cô la và bánh quy chất lượng thấp, toàn đồ ăn vặt rẻ tiền. Ông được biết đến như một nhà nhập khẩu bánh kẹo phương Tây nhưng suốt thời thơ ấu của mình ông chưa bao giờ cho tôi ăn một chiếc kẹo nào của công ty mình.

Chúng tôi sống rất thanh đạm. Quần áo, thức ăn, thậm chí sách vở, đồ dùng học tập của tôi đều mua tại Nhật. Cấp một, tôi không đi học trường quốc tế mà học ở trường công lập. Mọi sinh hoạt phí của tôi đều được theo dõi sát sao, thậm chí mẹ tôi còn cho rằng bà thường không có đủ tiền chi tiêu trong nhà.

Việc ba tôi quyết định ở lại Nhật với mẹ con tôi chả có gì to tát. Chẳng qua là ông cũng không còn cách nào khác. Ông không muốn bỏ ra dù chỉ một xu nếu thấy không cần thiết. Mà trong nhà tôi, người quyết định cái gì cần thiết, cái gì không cần thiết chính là ba tôi.

Chẳng hạn như việc ông giữ một cabin nhỏ trên núi ở Gunma làm nơi nghỉ cuối tuần. Ông có sở thích câu cá và đây là nơi duy nhất ông chịu động chân động tay một chút. Bữa tối nào cũng vậy, chúng tôi có thói quen ăn món bigos, nấu theo cách ông ưa thích. Bigos là món thịt hầm dân dã kiểu Ba Lan bao gồm bắp cải lên men, rau và thịt. Rất dễ nhận thấy rằng người mẹ Nhật Bản của tôi rất ghét nấu món này. Khi công việc kinh doanh của ba tôi thất bại khiến ông phải đem cả gia đình trở về Thụy Sỹ, nghe nói tối nào mẹ cũng nấu cơm trắng làm cha tôi bực mình. Tôi ở lại Nhật Bản một mình nên không biết chắc chuyện này có thật hay không nhưng tôi ngờ đó là cách mẹ tôi trả thù món bigos - hay nói đúng hơn là thói ích kỷ đến bốc mùi của ba tôi.

Mẹ tôi kể lại rằng trước kia bà từng làm việc cho công ty của ba tôi. Tôi thường chìm đắm trong những hình ảnh tưởng tượng hết sức lãng mạn về một mối tình ngọt ngào đơm hoa kết trái giữa một ông chủ nước ngoài trẻ tuổi và một cô gái bản địa, nhân viên công ty của ông. Nhưng trên thực tế thì mẹ tôi đã từng kết hôn và khi cuộc hôn nhân trắc trở thì bà bỏ về quê ở Ibaraki, trở thành người giúp việc trong nhà của ba tôi và đó chính là nơi mà họ quen nhau.

Tôi những muốn hỏi ông ngoại tôi nhiều hơn về thời kỳ đó nhưng đã quá muộn. Ông ngoại giờ đã già và lẫn, chẳng còn nhớ gì cả. Trong đầu ông, mẹ tôi vẫn còn sống, vẫn là đứa con gái nhỏ dễ thương đang học cấp hai, ba tôi, em gái tôi và thâm chí cả tôi nữa không hề tồn tại.

Ba tôi là người châu Âu da trắng và có thể nói ông là một người nhỏ con. Ông không có gì đặc biệt hấp dẫn nhưng cũng không xấu. Một người Nhật hẳn sẽ khó phân biệt ba tôi giữa đám đông trên một đường phố châu Âu. Cũng như đối với người da trắng, tất cả người phương Đông đều giống nhau, đối với một người phương Đông, ba tôi cũng chỉ là một người da trắng như những người da trắng khác.

Tôi có nên miêu tả các nét của ông hay không? Da ông trắng, khá hồng hào. Mắt ông, tôi nhớ chúng có màu xanh nhạt, ảm đạm, đôi khi lóe sáng bởi một tia nhìn hằn học. Về vẻ ngoài mà nói thì có lẽ điểm hấp dẫn nhất ở ông là mái tóc màu nâu nhạt hơi vàng. Giờ thì chắc tóc ông đã bạc và hói ở đằng trước. Ông thường vận những bộ vest tối màu. Nếu bạn thấy một người đàn ông trung niên da trắng mặc một chiếc áo mưa màu be cài kín cổ ngay giữa mùa đông lạnh giá thì đó hẳn là ba tôi.

Tiếng Nhật của ba tôi chỉ đủ dùng cho việc giao tiếp thông thường và đó là khi ông đang còn yêu mẹ tôi. Khi tôi còn nhỏ, ông thường nói, “Khi mới tới Nhật, ba con dự định là sẽ chỉ làm việc trong một thời gian ngắn và tìm cách quay trở về châu Âu ngay khi có thể. Nhưng ba đã bị hạ gục bởi một tiếng sét ái tình khiến ba tê liệt và không tài nào quay trở lại nữa. Tiếng sét ấy chính là mẹ con, con biết không?”

Tôi cho rằng ba tôi nói thật. Hoặc đó từng là sự thật. Ba mẹ tôi rất hiếm khi kể cho chị em tôi về những giấc mơ bay bổng lãng mạn, giống hệt việc hạn chế cho chúng tôi ăn kẹo vậy. Những giấc mơ cứ thưa dần cho đến khi chúng hoàn toàn biến mất. Tôi sẽ giải thích chuyện này sau, vào một lúc thích hợp hơn.

Khi còn bé tôi nhìn mẹ tôi với một con mắt khác hẳn sau này khi tôi trưởng thành. Lúc còn nhỏ tôi tin rằng trên đời này không có người phụ nữ nào đẹp hơn bà. Lớn lên thì tôi nhận ra rằng bà chỉ là một người phụ nữ có nhan sắc tầm tầm, thậm chí không có gì nổi trội ngay cả với tiêu chuẩn của người Nhật. Đầu mẹ tôi khá to, chân lại ngắn, khuôn mặt tẻ nhạt và dáng vẻ rất tầm thường. Mắt mũi thô kệch chiếm hết khuôn mặt, răng hô, lại không có cá tính. Mẹ tôi thua ba tôi về mọi mặt.

Ba tôi là người cầm cương. Nếu mẹ tôi có cãi lại một lời thì ông sẽ phun ra một tràng mắng nhiếc ko thương tiếc. Mẹ tôi vốn không phải người thông minh, thực tế, bà vốn sinh ra để là một kẻ thất bại. Bạn nghĩ rằng tôi có hơi nói quá? Tôi thì chẳng bao giờ nghĩ vậy. Tại sao tôi luôn có thái độ cố chấp khi nói về mẹ đẻ của mình? Hãy giữ lấy câu hỏi này, hồi sau bạn sẽ rõ!

Nhưng người mà tôi thực sự muốn nói đến là em gái tôi. Tôi có một người em gái nhỏ hơn tôi một tuổi. Tên nó là Yuriko. Tôi không biết phải tả nó như thế nào cho đúng nhưng nếu chỉ được dùng một từ thì phải dùng tới từ ma quái. Con bé đẹp khủng khiếp. Bạn hẳn nghi ngờ cái việc chỉ có yêu quái mới xinh đẹp tới mức ấy. Dù sao người ta vẫn thích đẹp hơn là xấu, ít nhất thì số đông là vậy. Tôi chỉ muốn những người giữ quan điểm đó được nhìn thấy Yuriko một lần.

Những người nhìn thấy Yuriko trước tiên thường choáng váng trước vẻ mê hồn của con bé. Nhưng dần dần, cái nhan sắc hoàn hảo của con bé bắt đầu gây khó chịu, chẳng bao lâu người ta sẽ cảm thấy sự hiện diện của con bé với cái vẻ đẹp không tì vết của nó khiến cho họ cảm thấy bất ổn. Nếu bạn nghĩ tôi quá lời, lần tới tôi sẽ mang ảnh nó cho bạn xem. Suốt cuộc đời mình, tôi cũng có cảm giác như vậy về con bé, ngay cả khi tôi là chị nó. Tôi cũng nghĩ là bạn sẽ đồng ý với tôi.

Tôi thường có ý nghĩ thế này: Có phải mẹ tôi chết vì đã sinh ra một con yêu quái như Yuriko? Có gì đáng sợ hơn việc hai người nhan sắc tầm thường lại sinh ra một mỹ nhân đẹp ngoài sức tưởng tượng như thế? Người Nhật có câu chuyện thần thoại về một cái diều sinh ra một con chim ó. Nhưng Yuriko không phải một con ó. Con bé không có được sự thông minh và gan dạ vốn là biểu tượng của loài chim này. Nó cũng không phải đứa mưu mô hay độc ác. Nó chỉ đơn giản có một khuôn mặt đẹp tới ma quái. Và điều đó hẳn đã khiến mẹ tôi không ngừng lo lắng, khi nghĩ tới những đường nét châu Á tầm thường của bà. Đúng vậy, chính tôi cũng cảm thấy bất an vì điều này.

Vì chả biết là may hay rủi nhưng chỉ cần liếc qua cũng thấy ngay là tôi có nét lai châu Á. Có lẽ đó là lí do tại sao mọi người thích khuôn mặt của tôi. Nó chỉ đủ tây khiến cho người Nhật cảm thấy thích thú và đủ phương Đông để quyến rũ người nước ngoài. Hoặc là tôi cứ tự nghĩ thế. Thiên hạ rất buồn cười, những khuôn mặt không hoàn hảo thì lại được cho là hấp dẫn và có tính cách. Nhưng khuôn mặt của Yuriko thì lại khiến người ta sợ hãi. Mọi người đều phản ứng giống nhau khi nhìn thấy khuôn mặt con bé cho dù là ở Nhật hay là ở nước ngoài. Yuriko luôn là đứa nổi bật giữa đám đông, mặc dù chúng tôi là hai chị em và cách nhau có một tuổi. Chuyện này thật lạ lùng, không đúng sao? Sự biến đổi gen thật là bất thường, chả có quy củ gì. Hay con bé là một hiện tượng đột biến gen? Có lẽ đây chính là lí do tại sao tôi hay tưởng tượng ra những đứa trẻ giả định của mình mỗi khi quan sát một người đàn ông.

Có lẽ bạn cũng đã biết tin này, rằng Yuriko đã mất cách đây hai năm. Bị kẻ xấu sát hại. Thi thể nửa kín nửa hở của nó được tìm thấy trong một căn hộ rẻ tiền ở Shinjuku, Tokyo. Đầu tiên cảnh sát không biết kẻ sát nhân là ai. Ba tôi cũng không lấy làm buồn phiền khi nhận được tin này, thậm chí ông ta cũng chả buồn quay lại Nhật dù chỉ một lần. Tôi thấy xấu hổ khi phải nói rằng con gái Yuriko xinh đẹp thân yêu của ông sau này đã phải hành nghề gái điếm để kiếm sống. Một gái điếm mạt hạng.

Bạn cho rằng cái chết của Yuriko sẽ làm tôi ngạc nhiên, sửng sốt? Không hề. Rằng tôi căm thù kẻ đã sát hại nó? Cũng không. Giống như ba tôi, tôi cũng chả quan tâm tới việc đi tìm hiểu sự thật cái chết của con bé. Cả đời mình, Yuriko là một con yêu quái đội lốt người nên nếu nó có chết một cách bất thường thì cũng chả có gì lạ. Còn tôi, trái lại, là một người cực kỳ bình thường. Con bé đã chọn một con đường khác hẳn với tôi.

Chắc hẳn bạn thấy thái độ lạnh lùng của tôi thật đáng sợ. Nhưng chẳng phải tôi đã giải thích rồi sao. Định mệnh đã sắp đặt cho con bé một số phận khác biệt ngay từ khi nó sinh ra. May mắn có thể chiếu rọi cuộc đời một người phụ nữ theo cách như vậy, nhưng thường để lại đằng sau một bóng đen miên man, tăm tối. Và cuối cùng, bất hạnh cũng sẽ tới gõ cửa, như một điều không thể nào tránh khỏi.

Bạn học cũ của tôi, Kazue Sato, cũng bị sát hại chưa đầy một năm sau cái chết của Yuriko. Cô ta cũng bị giết giống hệt như Yuriko. Xác của cô ta được tìm thấy trong một căn hộ lầu một ở khu Maruyama, quận Shibuya, trong trạng thái quần áo hớ hênh. Trong cả hai trường hợp, mãi hơn mười ngày sau khi án mạng xảy ra thi thể nạn nhân mới được phát hiện. Tôi thậm chí không muốn nghĩ đến tình trạng của hai người bọn họ khi cảnh sát tìm thấy xác.

Nghe nói ban ngày thì Kazue làm việc cho một công ty đàng hoàng còn buổi tối cô ta ra đứng đường. Những tin đồn như vậy lan truyền khắp nơi suốt nhiều tuần lễ sau khi sự việc xảy ra. Tôi có giật mình kinh ngạc khi cảnh sát tuyên bố thủ phạm của hai vụ án mạng là một người. Thật ra cái chết của Kazue còn khiến tôi sửng sốt hơn nhiều. Chúng tôi là bạn học cùng lớp. Và thêm nữa, Kazue không lấy gì làm xinh đẹp. Cô ta không hề xinh đẹp mà lại có một kết cục giống hệt như Yuriko. Thật không thể chấp nhận nổi.

Có thể nói rằng tôi chính là người đã đưa đẩy Kazue tới Yuriko dẫn tới mối quan hệ lâu dài giữa hai người bọn họ, nên xét cho cùng thì tôi cũng có phần liên quan tới cái chết của cô ta. Có lẽ sự rủi ro của Yuriko vì một lí do nào đó đã lây sang Kazue. Vì sao tôi nghĩ thế, tôi cũng không biết nữa, chỉ đơn giản là vậy thôi.

Tôi có biết chút ít về Kazue. Chúng tôi là bạn học cùng lớp tại một trường trung học nữ sinh tư thục có tiếng. Hồi đó Kazue gầy tới mức dường như có thể nghe thấy tiếng các đốt xương trong người cô ta cọ vào nhau và cô ta vốn nổi tiếng ở trường là một đứa vô duyên. Vẻ ngoài của cô ta không có gì hấp dẫn. Nhưng cô ta thông minh và học giỏi. Cô ta là loại người sẽ nhảy xổ ra trước đám đông và làm mọi cách để thể hiện sự thông minh của mình nhằm thu hút sự chú ý của người khác. Kazue là một đứa ngạo mạn và trong mọi lĩnh vực đều muốn trở thành người tài giỏi nhất. Cô ta hoàn toàn ý thức được rằng mình không phải là một người có hình thức ưa nhìn nên luôn tìm cách để nổi bật trên những lĩnh vực khác. Ở Kazue phát ra một thứ xúc cảm đen tối, một thứ năng lực tiêu cực rõ rệt mà tôi tưởng chừng có thể chạm tay vào và nắm lấy. Chính sự nhạy cảm đó đã kéo Kazue lại gần với tôi. Cô ta trở nên tin tưởng tôi và bắt đầu phá bỏ thông lệ để nói chuyện với tôi. Cô ta thậm chí còn mời tôi tới nhà chơi.

Sau đó, cả hai chúng tôi đều thi đỗ vào trường đại học, rồi bố của Kazue đột ngột qua đời khiến cô ta hoàn toàn thay đổi. Cô ta tập trung hoàn toàn vào việc học hành và bắt đầu xa lánh tôi. Giờ khi nghĩ lại chuyện này tôi mới nhận ra rằng có lẽ là vì lúc đó cô ta bắt đầu quan tâm tới Yuriko nhiều hơn. Vì cô em gái xinh đẹp kém tôi một tuổi lúc đó đang là tâm điểm của mọi sự chú ý ở trường.

Dù sao đi nữa thì hình như có cái gì đó đã xảy ra với hai người bọn họ. Hai người tưởng chừng như đối lập với nhau về mọi mặt từ vẻ bên ngoài tới trí tuệ cũng như hoàn cảnh sống lại có cùng một kết cục làm gái đứng đường và rồi bị sát hại và bị ruồng bỏ bởi cùng một người đàn ông? Càng nghĩ chuyện này càng thấy lạ. Những gì xảy ra với Yuriko và Kazue đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời tôi. Những người mà trước đây tôi chưa hề gặp mặt sẽ vì những lời đồn thổi mà xía mũi vào chuyện của tôi với những câu hỏi dồn dập, đầy tính xâm phạm đời tư về hai người kia. Ghê tởm trước thái độ đó, tôi quyết định giữ kín miệng và từ chối trò chuyện với bất cứ ai. Giờ đây khi cuộc sống riêng tư của tôi bắt đầu ổn định với một công việc mới thì tôi lại đột nhiên có nhu cầu mãnh liệt là được kể về Yuriko và Kazue tới mức tôi không thể chịu đựng nổi nếu tiếp tục im lặng. Có lẽ tôi sẽ tiếp tục nói về họ cho dù bạn có muốn cản tôi lại, ba tôi thì ở tận Thụy Sỹ còn Yuriko thì đã chết, tôi chỉ còn lại một mình. Tôi cần có ai đó để trút bầu tâm sự hay có lẽ tôi nên một mình suy ngẫm về sự cố lạ lùng này.

Tôi có trong tay một số bức thư và vật dụng trước kia của Kazue mà tôi có thể đưa ra làm dẫn chứng và mặc dù sẽ mất không ít thời gian để kể lại toàn bộ câu chuyện, tôi dự định sẽ làm cho đến cùng, không bỏ sót chi tiết nào.

• 2 •

Cho phép tôi đẩy thời gian lên một chút. Năm ngoái, tôi làm việc bán thời gian cho văn phòng thị chính quận P, nằm ở phía đông thành phố Tokyo. Đối diện phía bên kia sông chính là tỉnh Chiba.

Quận P có 48 cơ sở chăm sóc người dân ban ngày được cấp phép và phần lớn hoạt động hết công suất nên những người đăng kí trước hết phải ghi tên vào một danh sách chờ đợi. Ở đây, tôi làm việc cho phòng đăng ký nhà trẻ công lập thuộc Ban Phúc lợi Xã hội giúp đỡ việc điều tra các trường hợp nằm trong danh sách xin gửi trẻ vào các trung tâm giữ trẻ phúc lợi. Chẳng hạn xem xét một gia đình có đủ tiêu chuẩn gửi con tới nhà trẻ phúc lợi hay không.

Trên đời này hóa ra có không ít bà mẹ kỳ quặc. Có những người không cảm thấy dằn vặt chút nào khi bỏ con ở các trung tâm giữ trẻ xã hội chỉ vì họ muốn rảnh rang đi chơi, có người thì lại quá quen ỷ lại vào người khác tới mức không tin là mình có thể nuôi dạy con cái tử tế. Có những gia đình bủn xỉn tới nỗi muốn đưa con vào các trung tâm giữ trẻ của nhà nước vì không muốn trả tiền trong khi họ hoàn toàn có khả năng cho trẻ học trường bình thường vì họ cho rằng đó là trách nhiệm của hệ thống phúc lợi xã hội. Không hiểu sao mà các bà mẹ ngày hôm nay lại biến chất tới vậy? Điều này khiến tôi thấy chán nản hết sức.

“Mà tại sao một người nổi bật như cô lại làm cái công việc vớ vẩn này chứ?” Tôi vẫn thường tự hỏi. Nhưng tôi cũng không hẳn xinh đẹp tới mức ấy. Tôi từng nói rằng tôi là một đứa con lai nhưng tôi vốn có nhiều nét Á đông hơn nên tóm lại vẻ ngoài của tôi không khiến người ta sửng sốt. Tôi cũng không có gương mặt đẹp như người mẫu của Yuriko hay một thân hình như tạc tượng. Nhất là giờ đây khi tôi đã trở thành một phụ nữ trung niên mập lùn. Chưa kể ở chỗ làm tôi còn phải mặc một bộ đồng phục màu xanh nước biển đơn điệu. Dù vậy, dường như vẫn có người để ý đến tôi và khiến tôi bắt đầu cảm thấy phiền phức.

Khoảng một tuần trước, một người đàn ông có tên là Nonaka lân la tới hỏi han tôi vài câu. Ông Nonaka này trạc năm mươi tuổi, hiện đang làm việc cho Ban Cải thiện Điều kiện Vệ sinh bên Tòa nhà Chính phủ số Một. Nhưng thỉnh thoảng ông ta vẫn lấy cớ đi sang chỗ chúng tôi, Tòa nhà Phụ, vốn được mệnh danh là khu mù căng chải để tán dóc với sếp tôi. Mỗi lần như vậy, ông ta thường nhân cơ hội lén lút nhìn trộm tôi.

Tôi biết ông ta và sếp cùng trong một đội bóng chày. Sếp chơi vị trí chặn ngắn còn ông ta chơi ở tuyến hai, đại loại như vậy. Tôi chẳng quan tâm tới hai người bọn họ nhưng cảm thấy bực mình khi thấy một người không phận sự tới văn phòng của chúng tôi trong giờ làm việc chỉ để tán phét. “Ông Nonaka để ý tới chị đấy!” Cô Mizusawa, một đồng nghiệp nhỏ hơn tôi tám tuổi, nói. Cô ta bắt đầu trêu chọc tôi về chuyện đó khiến tôi càng cảm thấy bực mình.

Ông Nonaka lúc nào cũng vận một chiếc áo gió màu xám, trong khi da của ông ta có màu nâu và nứt nẻ, có thể là do hút nhiều thuốc lá. Ông ta có một ánh mắt nhớp nhúa và mỗi khi ông ta nhìn tôi, tôi có thể cảm thấy đôi mắt sẫm màu của ông ta như muốn xuyên thủng tôi giống như ai đó đang đóng một cái dấu bỏng giãy lên người. Chúng khiến tôi nôn nao. Và rồi ông ta nói, “Khi cô nói chuyện giọng cô rất cao nhưng khi cô cười thì nó trầm lại. Eee hee hee hee. Cô cười kiểu vậy đó.” Và rồi ông ta tiếp tục nói những câu như, “Trông bề ngoài thì cô có vẻ bóng bẩy và sạch sẽ nhưng bên trong thì cô cũng rất dơ dáy đúng không?” Tôi hoàn toàn bất ngờ. Ai cho một người lạ như ông ta cái quyền tới đây nói năng như vậy với tôi? Hẳn tôi sửng sốt ra mặt vì ông Nonaka ngay sau đó nhìn về phía sếp của tôi vẻ bối rối rồi bọn họ cùng bỏ đi.

“Những gì ông Nonaka nói với tôi giống như là một hành động quấy rối tình dục,” tôi phản ứng với sếp tôi sau đó. Trông sếp thoáng có vẻ xấu hổ. Ôi, tôi biết thừa rồi! tôi nghĩ. Chỉ vì tôi có chút chất phương Tây trong huyết quản nên ông cho rằng tôi trở nên lắm điều hơn người Nhật! Cứ để mặc người phương Tây bạ cái gì cũng mang ra kiện cáo, phải thế không?

“Tôi cũng đồng ý rằng những gì ông ta nói với đồng nghiệp là không thích hợp.” sếp tôi nói rồi cố tình lái câu chuyện sang hướng khác như thể chuyện ấy không có gì quan trọng. Rồi ông ta bắt đầu sắp xếp lại giấy tờ trên bàn làm ra vẻ bận rộn. Tôi chả muốn cãi cọ nên cũng im lặng không nói thêm vào nữa. Nếu tiếp tục chắc tôi sẽ làm ông ta nổi giận.

Tôi không mang bữa trưa đi làm nên định tới căng - tin ở bên Tòa nhà Số Một chỉ cách đó vài bước. Tôi vốn không thích ở chốn đông người nên chẳng mấy khi tới đây. Nhưng đây là một tòa nhà mới xây với một nhà ăn cho nhân viên rất khang trang. Một bát mì chỉ có 240 yen và bữa trưa đặc biệt với giá 480 yen. Thức ăn cũng vừa miệng.

Tôi đang rắc hạt tiêu vào bát mì của mình thì thấy sếp tôi tiến lại gần.

“Cô rắc nhiều hạt tiêu thế thì cay chết!” Ông ta nói, tay bê khay thức ăn với cá rán và bắp cải xào. Những vụn cá ngừ khô màu trắng rắc trên bắp cải trông giống như những vỏ bào bằng kim loại và những lá bắp cải khiến tôi nhớ tới món bigos. Những hình ảnh thời thơ ấu chợt hiện lên trong đầu tôi, ngôi nhà nhỏ trên núi, bữa tối quanh bàn với sự im lặng chết chóc, vẻ khổ sở của mẹ tôi trong khi ba tôi lẳng lặng đánh chén với một sự ngon miệng khó tả xiết. Chìm trong suy nghĩ, tôi đờ người ra mất một lúc nhưng hình như sếp tôi không để ý.

“Chúng ta ngồi xuống đây nhé!” Ông ta cười nói.

Sếp tôi bốn mươi hai tuổi và thường chơi bóng sau giờ ăn trưa nên ông ta hay đến chỗ làm với bộ đồ thể thao, cả ngày đi đi lại lại với đôi giày tennis kêu kin kít. Ông ta là loại người rất chú ý tới vẻ ngoài của mình, da lúc nào cũng rám nắng và tràn đầy sinh lực, đôi khi hơi thái quá. Tôi thường không hợp với những người đàn ông như vậy nhưng tôi vẫn không thoát khỏi thói quen so sánh của mình. Rằng đứa trẻ sẽ trông giống ai nếu chúng tôi sinh con?

Nếu đó là một bé gái, nó hẳn có làn da sáng màu của tôi. Mặt của con bé, với sự pha trộn giữa cái cằm vuông vức của sếp và khuôn mặt hình ovan của tôi, hẳn sẽ tròn trịa dễ thương. Nó sẽ có cái mũi khá cao của sếp và đôi mắt màu nâu của tôi. Con bé sẽ thừa hưởng cái vai xuôi của sếp, tay chân của nó có lẽ sẽ hơi thô nhưng vẫn hấp dẫn vì đầy sinh lực. Kết quả này làm tôi hài lòng.

Tôi đi theo sếp đến bàn ăn. Cả căng tin rộng lớn tràn ngập tiếng chuyện trò của nhân viên, tiếng nhân viên phục vụ đi lại, thu dọn khay đĩa lách cách nhưng tôi có cảm giác tất cả mọi người đang quan sát tôi. Ai cũng biết về chuyện của Kazue và Yuriko. Tôi không thể chịu đựng nổi ý nghĩ tất cả bọn họ đang đổ dồn mắt về phía mình.

Sếp nhìn thẳng vào mặt tôi và nói “Về chuyện lúc nãy, ông Nonaka không có ý gì đâu. Tôi nghĩ là ông ấy chỉ cố tỏ ra thân thiện với cô thôi mà. Nếu đó là hành động quấy rối,” - ông ta cố ý không nói đầy đủ cả cụm từ - “thì đến một nửa những gì đám đàn ông nói sẽ bị quy ra như thế, có đúng không?Cô cũng nghĩ vậy đúng không?”

Rồi ông ta nhìn tôi cười. Răng của ông ta hơi ngắn giống răng của những con khủng long ăn thực vật, tôi thầm nghĩ khi nhìn vào miệng ông ta. Tôi nhớ tới một bức tranh minh họa kỷ Phấn trắng. Con của chúng tôi có thể sẽ có hàm răng như vậy. Nếu thế thì cái miệng của con bé không thể nào mà duyên dáng được. Ngón tay và đốt tay của con bé hẳn sẽ mập ú, bàn tay thì to tướng, quá thô đối với một đứa con gái. Đứa trẻ dễ thương với sếp mà tôi vừa tưởng tượng ra lúc nãy đang biến thành một cái gì hoàn toàn khác. Điều đó khiến tôi trở nên bức bối.

“Quấy rối tình dục, phải nói cho sếp hay là bao gồm cả việc hủy hoại nhân cách của nạn nhân.”

Tôi phản đối tắp lự nhưng sếp tỏ ra rất thận trọng trước khi đáp lại. “Ông Nonaka không có ý hủy hoại nhân cách của cô. Ông ấy chỉ nói rằng ông ấy quan sát thấy giọng nói và tiếng cười của cô khác nhau, vậy thôi. Đúng là ông ấy đã không phải khi trêu chọc người khác như vậy, để tôi thay mặt ông ấy xin lỗi cô. Cô sẽ bỏ qua chuyện này chứ, được không?”

“Được ạ.”

Tôi chấp nhận. Tôi cũng nghĩ nếu tiếp tục chuyện này chỉ vô ích. Có người sáng dạ, cũng có người tối dạ. Sếp tôi thuộc loại thứ hai.

Ông ta nhai miếng cá rán với hàm răng ngắn của mình, lớp bột chiên ngoài văng tung tóe trên đĩa nghe lạo xạo. Ông ta tiếp tục hỏi tôi mấy câu vô hại về lượng công việc bán thời gian của tôi. Tôi cũng trả lời cho xong chuyện. Và rồi đột nhiên ông ta hạ thấp giọng.

“Tôi có nghe nói về chuyện em gái cô. Hẳn chuyện ấy không dễ dàng cho cô.”

Đấy là ông ta nói thế nhưng trong lòng ông ta hẳn muốn ám chỉ rằng chuyện của Yuriko đã khiến tôi trở nên đặc biệt nhạy cảm với những gì người khác nói và làm. Tôi đã gặp rất nhiều đàn ông kiểu này, loại người cho rằng anh có thể đọc được ý nghĩ của tôi. Tôi lấy đũa gẩy mấy cọng hành trắng trong bát mì sang bên cạnh, không nói gì. Tôi không thích mùi hăng của hành.

“Tôi không hề hay biết gì, tôi thực sự choáng váng khi nghe thấy chuyện này. Có phải kẻ sát hại cô ấy cũng chính là người bị bắt trong vụ mưu sát gái văn phòng năm ngoái không?”

Tôi ngước lên nhìn ông ta. Khóe mắt của ông ta trễ xuống, hai con ngươi như sắp rớt ra khỏi tròng vì tò mò. Đứa trẻ mà tôi từng tưởng tượng sẽ có với ông ta giờ trở nên vô cùng xấu xí và độc ác.

“Mọi việc vẫn đang trong vòng điều tra. Cảnh sát tạm thời chưa thể đưa ra kết luận gì.”

“Nghe nói cô ấy là bạn của cô có đúng không?”

“Cô ấy là bạn học cùng lớp với tôi.” Kazue có phải là bạn của tôi hay không? Có lẽ tôi phải nghĩ thêm về chuyện này.

“Tôi thực sự quan tâm tới vụ mưu sát gái văn phòng, như dư luận đặt tên. Tôi tin rằng cô cũng nghe nhiều người nói vậy. Vì đó là một chuyện hết sức khó hiểu. Cái gì đã khiến cô ta làm một chuyện động trời như vậy? Sao cô ta lại có những ý tưởng đen tối đến vậy? Ý tôi là cô ta có sự nghiệp, nhân viên chiến lược một công ty xây dựng ở Otemachi, phải vậy không? Một trong những người đứng đầu tại đại học danh tiếng Q. Tại sao một thành phần ưu tú như vậy lại dính tới mãi dâm? Cô hẳn biết gì đó về chuyện này?”

Vậy đó, thế là Yuriko đã mau chóng bị rơi vào quên lãng. Chả ai thèm quan tâm tới một người phụ nữ đẹp nhưng không có bất cứ giá trị nào khác để bù vào nhan sắc khi tới tuổi xế bóng. Trong khi việc Kazue hành nghề mãi dâm lại khiến hết thảy mọi người vắt óc ra suy đoán. Ban ngày là một phụ nữ có sự nghiệp, ban đêm là gái đứng đường. Đàn ông khắp mọi nơi đều muốn hiểu được chuyện này. Nhưng sự tò mò đến trắng trợn của sếp tôi mới thực sự khiến tôi phật ý. Ông ta hẳn cũng nhận ra thái độ của tôi nên bắt đầu lắp bắp xin lỗi.

“Ồ, xin lỗi cô, tôi thật là vô ý.” Rồi ông ta chem vào thêm một câu nói đùa, “Nhưng đó không phải là một hành động quấy rối nên xin cô đừng giận.”

Sau đó câu chuyện của chúng tôi chuyển sang đề tài về các trận bóng ngày Chủ nhật của ông ta. Khi ông ta ngỏ lời mời tôi hôm nào đó tới xem họ chơi bóng thì tôi gật đầu lấy lệ rồi ăn hết bát mì, cố gắng tỏ ra lãnh đạm. Rốt cuộc thì tôi cũng hiểu ra ông Nonaka chả có ý gì với tôi cả. Ông ta chỉ muốn tìm hiểu về vụ xì căng đan của Yuriko và Kazue. Vụ xì căng đan ấy bám theo tôi khắp nơi.

Tôi vừa mới nghĩ là cuối cùng tôi cũng tìm được một công việc ra hồn. Tôi bắt đầu cảm thấy mệt mỏi với một chuỗi sự kiện chẳng lấy gì làm hay ho xảy ra ở nơi làm việc nhưng tôi vẫn chưa có ý định xin thôi. Đó không chỉ là công việc. Tôi đã bắt đầu công việc này được một năm và cảm thấy hài lòng vì sự ổn định về giờ giấc làm việc ở đây.

Sau khi tốt nghiệp đại học và trước khi nhận công việc ở tòa thị chính tôi đã làm đủ mọi thứ nghề. Tôi từng làm việc cho một cửa hàng bách hóa tổng hợp, sau đó đã từng gõ cửa từng nhà để bán một tạp chí nghiên cứu phát hành hằng tháng. Kết hôn? Không. Tôi không bao giờ nghĩ tới chuyện đó. Tôi thực sự tự hào là một người phụ nữ trưởng thành, độc lập, có việc làm bán thời gian.

Đêm ấy trước khi lên giường, tôi bắt đầu tưởng tượng về đứa trẻ mà tôi và ông Nonaka sẽ sinh ra. Thậm chí tôi còn phác họa hình của đứa bé lên mặt sau một tờ quảng cáo. Đó là một đứa bé trai da rất khô. Thằng bé có đôi môi dày thích buôn chuyện của ông Nonaka với hai cẳng chân ngắn, mập bước đi khệnh khạng. Nó thừa hưởng từ phía tôi hàm răng lớn, trắng bóng và đôi tai hơi nhọn. Tôi cảm thấy hài lòng vì vẻ ngoài của thằng bé trông rất quỷ quái. Và tôi nghĩ tới những gì ông Nonaka nói, “Khi cô nói chuyện thì giọng cô rất cao nhưng khi cô cười thì nó trầm lại. Eee hee hee hee. Cô cười kiểu vậy đó.”

Nhận xét của ông ta làm tôi ngạc nhiên. Tôi chưa bao giờ để ý tới giọng cười của mình. Thế nên tôi thử cười xem ông ta nói có đúng không nhưng cũng khó để đánh giá vì tiếng cười đó hoàn toàn không tự nhiên. Tôi tự hỏi không hiểu tôi thừa hưởng nụ cười đó từ ba hay mẹ. Cũng không có kết quả vì tôi cũng chả nhớ là ba mẹ tôi có bao giờ cười không nữa. Hai người bọn họ chả mấy khi nở nụ cười. Cả Yuriko cũng vậy, chả bao giờ thấy nó phá lên cười. Con bé toàn mỉm cười một cách bí ẩn vì nó biết đó là nụ cười khiến sắc đẹp của nó trở nên hiệu quả nhất. Thật đúng là một gia đình kỳ lạ! Đột nhiên những sự kiện của một ngày mùa đông trong quá khứ bỗng tràn về như giông bão trong lòng tôi.

• 3 •

Xem nào. Năm nay tôi ba mươi chín tuổi, nghĩa là chuyện đó đã xảy ra hai mươi bảy năm trước trong kỳ nghỉ tết của gia đình tôi ở Gunma. Có lẽ tôi nên gọi cái cabin trên núi của gia đình tôi là nhà nghỉ vì nó chỉ là một ngôi nhà bình thường giống như những ngôi nhà nông thôn khác ở xung quanh, nhưng ba mẹ tôi thì cứ thích gọi là cabin nên tôi cũng gọi thế luôn.

Khi còn nhỏ tôi rất háo hức chờ đến cuối tuần để được tới đây. Nhưng khi bước chân vào cấp hai, tôi bắt đầu cảm thấy phiền nhiễu. Tôi ghét cái cách mọi người ở đó cứ thích làm lớn chuyện, cứ ầm ĩ hết cả lên trước sự hiện diện của em gái tôi, của tôi và gia đình, rồi ngầm so sánh hai chị em tôi với nhau. Phần lớn bọn họ là nông dân địa phương. Thế nhưng năm đó tôi vẫn chưa đủ lớn để ở lại Tokyo một mình vào dịp năm mới nên phải miễn cưỡng đi cùng gia đình tới Gunma trên chiếc ô tô ba tôi tự lái. Khi đó tôi vừa bước vào lớp bảy còn Yuriko đang học lớp sáu.

Căn nhà của chúng tôi nằm trong một khu đất nhỏ cùng với khoảng hai mươi ngôi nhà nghỉ khác với đủ mọi kích thước và kiểu dáng, rải rác dưới chân núi Asama. Ngoại trừ trường hợp ngoại lệ là một gia đình Nhật Bản đã tới đây từ ba thế hệ thì gần như tất cả nhà nghỉ ở đây đều thuộc về các doanh nhân người nước ngoài lấy vợ Nhật đến để nghỉ ngơi thư giãn, thoát khỏi những ngày làm việc căng thẳng tại công ty. Hẳn phải có vài đứa trẻ lai giống như tôi và em gái tôi nhưng hoặc là chúng đã lớn hoặc là chúng không sống ở Nhật vì chúng tôi hiếm khi nhìn thấy các bạn bè cùng trang lứa. Tết năm ấy cũng vậy, chúng tôi là những đứa trẻ duy nhất tới đây.

Hôm giao thừa, gia đình tôi đi trượt tuyết ở một ngọn núi gần đó. Trên đường về chúng tôi dừng lại ở một suối nước nóng có bể bơi ngoài trời. Như mọi khi, đó là ý tưởng của cha tôi. Ông có vẻ thích làm mọi người bất ngờ với sự hiện diện của một ông tây như mình.

Bể bơi ngoài trời được xây dọc theo một con suối với một hồ bơi lớn ở giữa dành cho cả hai giới và hoặc một loạt hồ nhỏ nằm ở hai bên dành riêng cho nam hoặc nữ. Hồ tắm dành cho nữ giới thì được quây lại bằng một hàng rào tre để bên ngoài không nhìn vào được. Ngay ở chỗ thay quần áo, tôi đã bắt đầu nghe thấy những lời thì thào.

“Hãy nhìn cô bé kia kìa.”

“Con bé xinh quá, cứ như là búp bê.”

Trong phòng thay quần áo, trên đường ra tới hồ bơi hay giữa làn hơi nước mịt mùng trong hồ, đám phụ nữ không ngừng thì thào bàn tán với nhau. Những người phụ nữ lớn tuổi thì không ngần ngại nhìn Yuriko chòng chọc còn các phụ nữ trẻ thì cố gắng che giấu vẻ sửng sốt trên gương mặt và dùng khuỷu tay đưa đẩy, ra hiệu cho nhau. Bọn trẻ con cũng vậy, chúng tiến lại gần và há hốc miệng ra nhìn cơ thể trần truồng của Yuriko. Chuyện như thế này vẫn xảy ra luôn.

Từ khi còn bé, Yuriko đã quen với việc người ta liếc nhìn mình. Con bé trút bỏ quần áo không chút ngại ngần. Cơ thể của con bé vẫn chưa phát triển, nó vẫn là một đứa trẻ con chưa có ngực gì cả nhưng với khuôn mặt nhỏ nhắn và làn da trắng trẻo, trông nó giống hệt như một con búp bê Barbie. Còn tôi thì thấy như thể nó đeo một cái mặt nạ.

Tôi toan cởi quần áo ra, gấp lại rồi đi dọc theo con đường nhỏ dẫn ra bể bơi nơi hết thảy mọi người đều đang mải nhìn Yuriko.

“Con gái của cô đấy à?” Một người phụ nữ trung niên đang ngồi nghỉ trên ghế dài lên tiếng hỏi mẹ tôi. Bà ta chắc hẳn đã ở dưới nước khá lâu vì bà ta trông có vẻ vẫn còn nóng. Da bà ta hồng rực, vừa nói bà ta vừa phe phẩy chiếc khăn tắm ẩm cho đỡ nực.

Mẹ tôi đang cởi quần áo bỗng khựng lại.

“Chồng cô là người ngoại quốc à?” Người phụ nữ lại hỏi và nhìn về phía tôi. Tôi nhìn xuống dưới đất, không nói gì. Đột nhiên tôi không muốn cởi nốt quần áo lót ra nữa. Tôi không phải là Yuriko. Tôi phát bệnh và cảm thấy mệt mỏi khi trở thành một vật để đám đông hiếu kỳ soi mói. Nếu chỉ có một mình thì tôi hẳn không gây nhiều sự chú ý tới vậy. Chỉ vì đi cùng với con yêu quái Yuriko mà tôi muốn trốn cũng không được.

Người phụ nữ kia vẫn chưa tha cho mẹ tôi.

“Thế thì hẳn chồng cô không phải người Nhật đúng không?”

“Vâng ạ.”

“Biết ngay mà, thế chứ. Tôi chưa bao giờ thấy đứa bé gái nào xinh thế.”

“Cám ơn bà.” Mặt mẹ tôi ánh lên vẻ tự hào.

“Nhưng có một đứa con chẳng giống mình tí nào kể cũng lạ.”

Người phụ nữ lẩm nhẩm một cách vô tình như thể bà ta đang tự nói với mình. Mặt mẹ tôi tối sầm lại. “Nhanh lên nào,” bà nói và khẽ thúc vào lưng tôi. Nhìn khuôn mặt đang đanh lại của mẹ, tôi biết rằng những lời người phụ nữ kia vừa nói đã đâm trúng tim đen của bà.

Bên ngoài, trời tối dần, các vì sao bắt đầu nhô ra. Không khí trở nên lạnh hơn. Một đám hơi nước màu trắng dày đặc tụ lại trên mặt hồ. Tôi không nhìn thấy đáy hồ bơi, chỉ thấy nó có vẻ gì đó kỳ quái, giống như một cái hố đen, ở giữa màu trắng và sáng lấp lánh ở xung quanh.

Yuriko đang bơi ngửa giữa làn hơi nước mịt mờ, mắt nhìn lên trời. Phụ nữ và trẻ em đứng xung quanh con bé, nhìn nó không thốt nên lời, nước ngập tới vai họ. Tôi nhìn vào khuôn mặt của Yuriko và đột nhiên cảm thấy sợ hãi. Tôi chưa bao giờ thấy nó đẹp hơn thế. Trông như một nữ thần. Đó là lần đầu tiên tôi có cảm giác này. Trông con bé giống một tượng sáp hơn là người thật, quá hoàn mỹ không thể là một tạo vật của thế giới này.

Mẹ tôi gọi to: “Yuriko, con ơi?”

“Mẹ à?”

Giọng Yuriko vang vọng trên mặt nước và những con mắt đang theo dõi nó đột ngột chuyển hướng sang tôi và mẹ tôi. Rồi chúng lại quay về phía Yuriko trước khi chuyển hẳn trọng tâm sang tôi, những đôi mắt đang bận rộn so sánh hai chị em, những đôi mắt tràn ngập sự hiếu kỳ. Tôi biết chúng sẽ không mất nhiều thời gian để quyết định ai trong hai chúng tôi là người có ưu thế hơn. Yuriko luôn muốn tất cả mọi người xung quanh con bé thấy rằng nó không có gì giống mẹ và chị nó, chính vì vậy mà nó đã trả lời rất to khi nghe tiếng mẹ tôi gọi. Em gái tôi luôn như vậy. Và đúng, bạn có lí do khi nói rằng tôi chưa bao giờ có cảm tình với Yuriko. Và mẹ tôi cũng vậy, hẳn bà luôn phải đấu tranh với cái cảm giác lạ lùng khi rằng Yuriko không hề giống bà như người phụ nữ hồng hào lúc nãy đã nói.

Tôi nhìn vào mặt Yuriko. Những cọng tóc màu nâu bám lấy vầng trán trắng mịn của con bé. Con bé có đôi lông mày hình vòng cung, đôi mắt to hơi xiên xuống. Dù còn bé nhưng sống mũi của nó đã thẳng tắp và gọn ghẽ. Hông nó nở nang tròn trĩnh, giống y như một con búp bê. Thậm chí giữa đám trẻ con lai, cũng khó tìm thấy một khuôn mặt tuyệt đối cân xứng như của Yuriko.

Về phần mình, tôi có đôi mắt hơi xếch lên và chiếc mũi khoằm của ba. Thêm vào đó, tôi có cái dáng thấp mập, béo lùn của mẹ. Tại sao chúng tôi lại khác nhau tới vậy? Tôi không hiểu nổi bằng cách nào mà Yuriko lại có được một khuôn mặt đẹp vượt xa bố mẹ đẻ của mình. Tôi ráo riết truy tìm những dấu vết của họ trên khuôn mặt của con bé nhưng vô ích, tôi chỉ có thể kết luận rằng con bé là một trường hợp đột biến gen.

Yuriko quay sang nhìn tôi. Thật kỳ lạ, cái vẻ đẹp thần thánh tới khó tin vài phút trước của con bé đột nhiên biến mất. Tôi chợt hét toáng lên, không kìm lại được.

Giật mình, mẹ tôi quay sang nhìn tôi hỏi: “Chuyện gì vậy con?”

“Mẹ ơi, khuôn mặt của Yuriko trông thật rùng rợn.”

Tôi đột nhiên nhận ra đôi mắt của Yuriko không có chút ánh sáng nào. Thậm chí mắt của búp bê cũng được vẽ một chấm trắng ở giữa thể hiện ánh sáng. Chính vì vậy mà một khuôn mặt búp bê thường trông rất ngọt ngào và dễ thương nhưng đôi mắt của Yuriko chỉ là hai hố nước tối om. Cái lí do con bé trở nên xinh đẹp khi bơi trong hồ nước là vì ánh sáng từ những vì sao phản chiếu lấp lánh trong đôi mắt của nó.

“Con không được nói về em gái mình như thế chứ!”

Mẹ tôi khẽ cấu vào tay tôi dưới nước. Bị đau nên tôi lại hét toáng lên lần nữa, thậm chí còn lớn giọng hơn.

“Nếu đúng là con nghĩ vậy thì chính con mới là đứa đáng sợ!” mẹ tôi nói, không thèm giấu vẻ khó chịu. Mẹ hẳn là đang giận. Từ lâu bà đã trở thành nô lệ của Yuriko. Ý tôi nói là bà trở nên tôn thờ sắc đẹp của con bé. Bà hẳn sợ hãi khi đối diện với thực tế là chính định mệnh chứ không phải ai khác đã trao cho bà một đứa trẻ tuyệt mỹ đến vậy. Nên nếu mẹ tôi có thừa nhận rằng trông Yuriko thật đáng sợ thì tôi cũng không biết là có nên tin bà hay không. Nhưng vẻ ngoài của mẹ khác hẳn cơ mà. Tôi không có lấy một đồng minh nào trong gia đình. Tôi nhận ra điều đó khi bắt đầu vào cấp hai.

Tối hôm đó gia đình Johnson tổ chức một bữa tiệc giao thừa rất lớn. Thường chúng tôi không được phép dự những bữa tiệc của người lớn nhưng vì tối hôm ấy cả khu nhà nghỉ chỉ có hai đứa trẻ con chúng tôi nên đành phải phá lệ. Yuriko, ba mẹ và tôi cuốc bộ trên con đường mòn tối tăm dẫn sang nhà người hàng xóm. Tuyết bắt đầu rơi lất phất. Phải đi mất nhiều phút mới tới nơi. Yuriko vốn thích những dịp lễ hội, vừa đi vừa nhảy chân sáo và đạp tuyết với vẻ háo hức.

Johnson là một doanh nhân người Mỹ mới mua ngôi nhà nghỉ này chưa được bao lâu. Chú ấy có một khuôn mặt đẹp, mái tóc màu nâu vàng. Đó là kiểu đàn ông trông hấp dẫn ngay cả khi chỉ mặc đồ jean giống như diễn viên Jude Law. Nhưng nghe nói tính khí của chú ấy rất thất thường.

Chẳng hạn như việc chú ấy lấy rìu đốn sạch đám cây non trước cửa sổ phòng ngủ vì cho rằng chúng che mất cảnh đẹp núi Asama. Sau đó chú nhổ mấy cây trúc rồi cắm đại vào chỗ đó khiến những người làm vườn chuyên nghiệp trong vùng rất bức bối. Nhưng Johnson thì rất hài lòng với bụi tre của mình. Tôi nhớ ba tôi có giễu một câu : “Đúng là chỉ có người Mỹ mới thỏa mãn với một biện pháp ngắn hạn như vậy.”

Vợ của Johnson là một phụ nữ Nhật Bản có tên là Masami. Hình như họ gặp nhau trên một chuyến bay mà cô ấy là tiếp viên hàng không. Cô ấy là một người xinh đẹp, vô cùng hoạt bát nhưng vẫn dành thời gian để quan tâm tới Yuriko và tôi. Cô ấy luôn đeo một chiếc nhẫn kim cương to sụ và trang điểm kỹ lưỡng, ngay cả khi leo núi. Cô coi chúng như một thứ áo giáp, một điều mà tôi thấy rất lạ lùng.

Khi chúng tôi tới nơi thì các bà vợ Nhật đã rời phòng khách để đứng túm tụm chen chúc trong góc bếp, một thói quen kỳ quặc. Rồi ai nấy bắt đầu khoe khoang về tài nấu bếp của mình cứ như thể họ sắp cãi nhau tới nơi. Đôi khi cũng có những phụ nữ nước ngoài tới chơi với các gia đình ở khu nghỉ dưỡng này. Lúc ấy, họ sẽ ngồi trên ghế sofa trong phòng khách, trò chuyện với dáng vẻ thanh nhã, còn đàn ông thì đứng quanh lò sưởi uống rượu whiskey và nói với nhau bằng tiếng Anh. Thật kỳ cục khi chứng kiến các nhóm tạo ra cho mình một địa phận riêng tách bạch hoàn toàn khỏi nhau như vậy. Chỉ có một người phụ nữ Nhật Bản duy nhất có thể hòa nhập vào đám đàn ông đang cười nói rổn rảng kia, đó chính là Masami. Cô ấy đang đứng cạnh Johnson và thỉnh thoảng tôi lại nghe thấy giọng cười hơi chói tai của cô ấy vang lên một cách giả tạo giữa tiếng chuyện trò của đám đàn ông.

Đến nơi, mẹ tôi lao ngay vào bếp như để giữ chỗ. Đám đàn ông gọi ba tôi tới bên lò sưởi và đưa cho ông một ly rượu. Không biết phải làm gì, tôi đành đi theo mẹ, len lỏi giữa đám phụ nữ đông đúc ở đây.

Yuriko thì bám ngay lấy Johnson lúc này đang ngồi vắt vẻo phía trước lò sưởi. Con bé dựa vào chân Johnson và làm mọi cách để thu hút sự chú ý của chú ấy. Chiếc nhẫn kim cương của Masami lấp lánh trong ánh lửa, hắt lên má Yuriko những đốm sáng li ti. Và rồi tôi có một cảm giác rất kỳ lạ. Nếu như Yuriko không phải là em gái tôi? Nếu như nó là con của Johnson và Masami? Hai người họ đều có vẻ ngoài ưa nhìn. Tôi không biết phải giải thích như thế nào nhưng nếu đó là sự thật thì có lẽ tôi sẽ dễ dàng chấp nhận con bé hơn. Thậm chí cái vẻ đẹp liêu trai của nó sẽ có gì đó thực hơn, giống người hơn. Tại sao lại giống người hơn? Câu hỏi đến là hay ho. Như thể tôi đang cố gắng diễn giải rằng điều đó sẽ giúp con bé trở thành một người bình thường chứ không phải là một con vật gian giảo đội lốt người, như một con chuột chũi chẳng hạn.

Nhưng thật bất hạnh, Yuriko chính là đứa con mà ba mẹ tầm thường của tôi sinh ra. Không phải đó chính là lí do khiến con bé trở thành một con yêu quái vì sở hữu một sắc đẹp quá vẹn toàn hay sao? Yuriko liếc về phía tôi đầy tự mãn. Đừng có nhìn sang đây, đồ quái dị! Tôi thầm nghĩ, cảm thấy phát ốm. Khi tôi cúi đầu thở dài, mẹ ném cho tôi một cái nhìn sắc như dao. Tôi có thể hình dung ra mẹ đang muốn gào lên, từ trong sâu thẳm cõi lòng rằng sao mày lại không giống Yuriko được một tẹo nào thế hả con!

Tự dưng tôi phá lên cười sằng sặc. Đám phụ nữ trong bếp quay sang nhìn tôi với vẻ sửng sốt. Không phải là con không giống Yuriko tẹo nào mà là nó chả có nét nào giống con thì đúng hơn! Đó hẳn là một câu trả lời thích đáng dành cho mẹ, tôi dám chắc. Sự tồn tại của Yuriko đã biến mẹ con tôi thành thù địch. Tôi đã cười khi nhận ra điều đó. (Tôi không biết liệu tiếng cười của tôi hồi học cấp hai có giống cái tiếng cười âm điệu thấp mà ông Nonaka ở Ban Cải thiện Điều kiện Vệ sinh miêu tả hay không.)

Ngay sau khi đồng hồ báo hiệu nửa đêm, mọi người nâng cốc chúc mừng năm mới. Ba bảo tôi và Yuriko phải tự đi về nhà. Mẹ tôi vẫn ở trong bếp và có vẻ như không muốn nhúc nhích. Bà ngồi đần ra một chỗ như thể nếu có bị ghim vào đó bà cũng sẽ chấp nhận sống vậy suốt đời. Điều đó khiến tôi nhớ đến một con rùa mà chúng tôi nuôi trong lớp hồi tiểu học. Nó thường thò cẳng chân cong queo của mình ra khỏi mai, ngọ nguậy dưới lớp nước đục ngầu trong bể kính rồi nhấc đầu lên hít lấy thứ không khí bụi bặm trong lớp học với một vẻ mặt đần độn, hai lỗ mũi to rung rung.

Khi tôi đang sục sạo tìm kiếm đôi ủng đầy bùn của mình giữa đám giày dép vứt lỏng chỏng ngoài hành lang thì trên vô tuyến bắt đầu phát bộ phim truyền hình dài tập tẻ ngắt Year out/Year in. Tuyết tan, những con đường dẫn lên núi chảy nhoét thành bùn nhão nên người nước ngoài cũng bắt chước người Nhật thói quen cởi giày trước khi bước vào nhà. Đôi ủng cao su màu đỏ cũ rích của tôi lạnh như đá khi xỏ chân vào. Yuriko bắt đầu cằn nhằn.

“Không thể gọi chỗ của chúng ta là cabin được. Nó chỉ là một cái nhà cũ, tầm thường, chả ra gì. Giá như chúng ta có một cái lò sưởi như của nhà Johnson thì tốt biết mấy!”

“Sao cơ?”

“Masami hỏi liệu sang năm có thể tổ chức tiệc tất niên ở nhà chúng ta được không?”

“Ối giời, còn lâu. Ba kì lắm.”

“Johnson quả thật rất ngạc nhiên trước chuyện đó. Chú ấy không tin là chúng mình lại đi học ở một trường Nhật? Sao hai chị em mình phải sống như người Nhật trong khi trông chúng mình khác hẳn họ? Mà chú ấy nói đúng. Em suốt ngày bị người khác trêu chọc và gọi là tây con, thậm chí họ còn hỏi em có biết nói tiếng Nhật không nữa, đại loại thế.”

“Thì sao, kể với tao thì có ích gì?”

Tôi xô mạnh cửa bước ra ngoài trời tối mà không thèm đợi Yuriko. Tôi cũng không hiểu tại sao mình lại giận dữ như vậy. Giá lạnh như chích vào má tôi tê buốt. Tuyết đã ngừng rơi, trời tối om như mực. Những ngọn núi sừng sững, quây chặt xung quanh chúng tôi, nhưng hoàn toàn vô hình trong bóng đêm dày đặc. Nếu không còn chút ánh sáng nào ngoài chiếc đèn pin cầm tay này thì đôi mắt của Yuriko lại biến thành hai hố nước đen mất thôi, tôi thầm nghĩ. Tôi không đủ can đảm quay sang nhìn con bé. Đột nhiên tôi thấy khiếp sợ khi nghĩ rằng tôi đang đi một mình trong bóng đêm với một con yêu quái. Tôi nắm chặt lấy chiếc đèn pin và bắt đầu bỏ chạy.

“Chờ em với!” Yuriko hét lên. “Đừng bỏ em!”

Rồi Yuriko không gào thét nữa nhưng tôi vẫn sợ không dám quay lại nhìn. Tôi có cảm giác mình đang đi giật lùi về phía một cái hồ ma quái và có cái gì đó đang bò lên khỏi mặt nước đuổi theo tôi. Tức tối vì bị bỏ lại phía sau, Yuriko chạy đuổi theo tôi. Cuối cùng thì tôi cũng lấy đủ can đảm để quay đầu lại và nhìn thấy con bé ngay trước mặt. Tôi từ từ quan sát những đường nét như tạc tượng trên khuôn mặt trắng muốt của con bé đang được chiếu rọi bởi ánh sáng hắt lên từ tuyết. Chỉ duy nhất có đôi mắt của nó là tôi không thể nhìn thấy được. Tôi lại càng sợ.

“Mày là ai?” Tôi buột miệng. “Mày là loại yêu ma gì vậy?”

“Chị muốn nói gì?”

“Mày hẳn là một con yêu quái đội lốt người.”

Đến đây thì Yuriko bắt đầu nổi giận. “Còn chị là đồ chó.”

“Tao chỉ mong mày chết quách đi.”

Nói xong câu này tôi bỏ đi. Yuriko chộp lấy chiếc mũ áo khoác của tôi và kéo thật mạnh khiến đầu tôi bật ngửa ra sau. Nhưng tôi vẫn xoay xở để đẩy bật con bé ra. Vì nó nhỏ hơn nên tôi dễ dàng làm cho nó mất thăng bằng. Con bé đành phải bỏ tay ra khỏi mũ tôi và loạng choạng ngã ra đằng sau, hai tay đập vào một ụ tuyết bên vệ đường.

Tôi cắm đầu chạy về nhà không một lần ngoái lại và khi đã vào được bên trong thì lập tức khóa cửa lại. Vài phút sau tôi nghe thấy tiếng gõ cửa gấp gáp giống như trong một cảnh trong phim hoạt hình cổ tích. Tôi giả vờ như không nghe thấy.

“Xin chị hãy mở cửa ra! Ngoài này lạnh lắm.” Yuriko khóc lóc. “Mở cửa ra đi! Xin chị đấy! Em sợ lắm!”

“Mày mới là đứa đáng sợ ý. Cho mày đáng đời.” Tôi chạy về phòng mình và trèo lên giường. Tôi có thể nghe thấy tiếng Yuriko gõ như muốn vỡ cả cửa nhưng tôi kéo chăn lên trùm kín tai. Cứ để cho nó chết cóng ở ngoài đấy. Tôi nghĩ. Đúng vậy. Đúng là trong lòng tôi muốn thế thật.

Không bao lâu sau thì tôi ngủ thiếp đi và chỉ bị đánh thức dậy bởi một mùi hôi rượu rất khó chịu. Mấy giờ rồi nhỉ? Tôi tự hỏi. Ba mẹ tôi đang cãi nhau trước cửa buồng tôi. Ba tôi thì đang say. Vì đèn ở sau lưng họ nên tôi không quan sát được vẻ mặt họ lúc này. Ba muốn lôi tôi ra khỏi giường cho một trận nhưng mẹ đang cố ngăn lại.

“Nó muốn để em nó chết cóng,” ba càu nhàu.

“Không phải thế. Vả lại, cũng có chuyện gì xảy ra đâu.”

“Thì tôi cũng chỉ muốn biết tại sao nó lại có thể làm một chuyện như thế được.”

“Nó cảm thấy thua kém em mình, chỉ có vậy thôi.” Mẹ tôi nói khẽ.

Nghe bà nói vậy tôi tự hỏi sao mình lại sinh ra trong cái gia đình này và không thể ngăn được nước mắt tuôn rơi.

Tại sao tôi lại không phản bác lời mẹ? Có lẽ vì tôi cũng có cảm giác thua kém đó thật. Tôi thực sự không biết lúc đó mình nghĩ gì. Hay chỉ vì tôi không muốn thú nhận rằng tôi thực sự ghét cay ghét đắng Yuriko. Nó là em gái của tôi, theo lẽ thường thì tôi phải yêu thương nó chứ? Từ lâu tôi đã bị trói chặt trong cái vòng nghĩa vụ vớ vẩn này, lý trí mách bảo tôi rằng tôi có trách nhiệm phải thương yêu nó.

Nhưng rồi cái cảnh tượng mà tôi chứng kiến ở hồ tắm và bữa tiệc tất niên đêm ấy đã giải phóng tôi khỏi cái sức ép đó. Tôi không thể tiếp tục ràng buộc mình như vậy. Tôi phải nói ra những suy nghĩ của mình.

Sáng hôm sau tôi không thấy Yuriko đâu cả. Mẹ thì đang ở dưới nhà đổ dầu vào bếp, mặt cau có. Ba thì đang ngồi ở bàn ăn, nhưng khi nhìn thấy tôi thì ông đứng bật dậy lao ra chỗ tôi, hơi thở nồng nặc mùi cà phê.

“Có phải mày đã nói với em gái mày rằng ‘Tao chỉ muốn mày chết quách đi’?”

Tôi chưa kịp trả lời thì ông đã dang tay tát mạnh vào mặt tôi. Cái tát mạnh đến mức mà tôi muốn nổ đom đóm mắt. Má tôi đau nhừ. Tôi lấy hai tay che mặt tránh những cú đánh tiếp theo, biết trước rằng chuyện này là không tránh khỏi. Ông đã đánh tôi từ khi tôi còn bé. Đầu tiên là đánh đòn, sau đó là chửi rủa. Ông dữ đòn tới mức mà tôi thường xuyên phải đi bác sĩ sau đó.

“Hãy sám hối những tội lỗi của mày!” Ông ta nói.

Mỗi khi trừng phạt ai, mẹ tôi, Yuriko hay tôi, ông luôn bắt chúng tôi sám hối tội lỗi của mình. Ông không tin vào những lời xin lỗi suông.

Ở nhà trẻ tôi học được rằng mỗi khi làm gì sai chỉ cần nói xin lỗi và rồi người kia sẽ trả lời, được rồi, không sao. Nhưng ở nhà thì điều đó không bao giờ xảy ra. Những từ đó thậm chí không tồn tại trong nhà này, và vì vậy sự trừng phạt luôn diễn ra theo chiều hướng leo thang đầy kịch tính. Sao tôi phải là đứa sám hối trong khi Yuriko mới là đứa đáng sợ? Chắc vẻ căm phẫn hiện rõ trên mặt tôi nên ba tôi lại dùng hết sức lực giáng cho tôi một cái tát nữa. Trước khi ngã xuống sàn tôi vẫn kịp liếc nhìn dáng vẻ bất động của mẹ tôi. Bà chẳng tìm cách bênh vực tôi. Thay vào đó bà tiếp tục giả vờ tập trung vào việc đổ dầu vào bếp để không giọt nào sánh ra ngoài. Tôi lồm cồm bò dậy, chạy lên gác và khóa trái cửa lại trong đó.

Chiều hôm ấy, một sự im lặng chết chóc bao trùm căn nhà. Hình như ba tôi đã đi ra ngoài nên tôi rón rén ra khỏi phòng. Tôi cũng không thấy mẹ ở đâu cả. Lợi dụng giây phút đó, tôi lẻn vào bếp mở hộp cơm nguội còn thừa bốc ăn. Tôi lấy chai nước cam ra khỏi tủ lạnh và uống cạn. Nhìn thấy cái nồi bigos còn sót lại từ bữa trưa hôm qua, mỡ đóng lại thành từng mảng trắng trên bề mặt, tôi liền nhổ vào đó một bãi nước bọt. Đám dãi dính màu vàng của nước cam bám vào những cuộng bắp cải nấu cháy cạnh. Tôi thấy hoan hỷ. Ba tôi đặc biệt thích món bigos với bắp cải cháy cạnh.

Tôi ngẩng đầu lên khi nghe tiếng ai đó mở cửa trước. Thì ra là Yuriko mới về. Con bé vẫn mặc cái áo khoác từ đêm hôm trước, đầu đội một chiếc mũ len trắng tôi chưa trông thấy bao giờ, hẳn là của Masami. Chiếc mũ hơi lớn nên tụt xuống trán con bé gần che mất mắt của nó. Mùi nước hoa nồng nặc của Masami bay khắp phòng. Tôi lại quan sát đôi mắt của Yuriko để xác nhận lại phát hiện ngày hôm trước của mình. Cái con bé xinh đẹp với đôi mắt rùng rợn đó. Yuriko đi lên gác, không có chút biểu hiện nào muốn nói chuyện với tôi. Tôi bật vô tuyến và ngồi xuống sofa. Lúc tôi đang xem một chương trình trò chơi nhân dịp năm mới trên truyền hình thì Yuriko xuất hiện với một chiếc balo và con chó bông Snoopy ưa thích của nó.

“Em sẽ tới ở nhà Johnson. Em kể cho họ chuyện chị đã đối xử với em như thế nào và họ bảo em nên ở với họ vì ở đây quá nguy hiểm cho em.”

“Tốt quá. Thế thì mày khỏi bao giờ phải quay về nhà nữa.”

Tôi thấy nhẹ cả người. Yuriko cuối cùng đã ở với gia đình Johnson suốt cả kỳ nghỉ Tết năm ấy. Một lần tôi vô tình chạm trán Johnson và Masami trên đường. Cả hai vẫy tay với tôi và nói “Xin chào,” mặt mũi rạng rỡ. Tôi cũng chào đáp lại, miệng cười rõ tươi. Nhưng trong lòng tôi thầm nghĩ, Johnson, ông là một thằng ngốc. Còn Masami, cô đúng là một con bò cái ngu xuẩn.

Tôi cũng chẳng quan tâm nếu Yuriko đi hẳn. Nó mà thành con gái của cái nhà Johnson đần độn ấy thì càng hay.

• 4 •

Một năm sau đó, cửa hàng của ba tôi làm ăn thất bát. Thật ra thì không chỉ cửa hàng mà đúng hơn là toàn bộ công việc làm ăn kinh doanh của ông. Khi người Nhật trở nên sung túc hơn thì nhu cầu nhập khẩu những loại bánh kẹo chất lượng cao cũng tăng lên và người tiêu dùng bắt đầu bỏ qua những thứ kẹo rẻ tiền vốn là mặt hàng chiến lược của ba tôi. Cửa hàng phải đóng cửa. Ba tôi phải bán sạch mọi thứ để trả hết nợ nần. Cabin trên núi, thậm chí cả ngôi nhà nhỏ của chúng tôi ở phía Bắc Shinagawa, ô tô, mọi thứ đều ra đi.

Sau khi chấm dứt công việc kinh doanh, ba tôi quyết định quay trở về Thụy Sỹ làm lại từ đầu. Em trai ông, chú Karl, có một nhà máy dệt kim ở Bern đang cần người quản lý sổ sách nên tất cả chúng tôi sẽ chuyển sang sống ở Thụy Sỹ. Quyết định này được đưa ra đúng lúc tôi đang chuẩn bị thi vào trung học. Tôi đã để mắt đến một trường trung học hàng đầu, loại trường không bao giờ chấp nhận một đứa ngu dốt như Yuriko. Đó là ngôi trường mà tôi và Kazue theo học. Hãy gọi tắt là trường nữ sinh trung học Q. Đây chính là một trường điểm để chuyển tiếp sang đại học Q.

Tôi đã xin ba tôi cho tôi chuyển tới sống với ông ngoại ở quận P để chuẩn bị cho kỳ thi. Nếu đỗ thì tôi đi học ở đây cũng rất tiện.

Bằng bất cứ giá nào tôi cũng phải phá hoại ý định đưa tôi sang Thụy Sỹ sống với Yuriko.

Lúc đầu ba tôi tỏ vẻ khó chịu, cho rằng học phí của trường nữ sinh trung học Q quá cao, vượt ngoài khả năng của ông. Nhưng khi thấy Yuriko và tôi gần như không nói chuyện với nhau kể từ sự kiện xảy ra ở nhà nghỉ trên núi lần trước thì ông quyết định có lẽ kế hoạch của tôi là hợp lý hơn cả. Tôi buộc ông ký vào một bản thỏa thuận mà theo đó nếu tôi đỗ được vào ngôi trường mà tôi chọn thì ông sẽ đài thọ mọi chi phí cho tới khi tốt nghiệp. Mặc dù ông ấy là ba tôi, tôi cũng không tin ông ấy được nếu không có giấy trắng mực đen.

Thế là mọi chuyện đã được quyết định, tôi sẽ tiếp tục sống ở quận P với ông ngoại trong một căn hộ chung cư do chính phủ bao cấp. Ông ngoại lúc đó sáu mươi sáu tuổi. Đó là một ông già nhỏ bé, tay chân khẳng khiu. Trông ông đúng là bố đẻ của mẹ tôi không nhầm vào đâu được. Ông là loại người luôn tìm mọi cách để trông sành điệu nhưng lại không có tiền nên đi đâu ông cũng mặc áo vest, mái tóc muối tiêu xức dầu bóng mượt. Cả căn hộ nhỏ xíu của ông nồng nặc mùi dầu bôi tóc khiến tôi đôi lúc tưởng sắp chết ngạt.

Trước đó tôi rất ít gặp ông ngoại nên cũng hơi lo khi nghĩ tới việc chuyển tới sống với ông. Tôi không biết sẽ phải nói chuyện gì với ông. Nhưng khi tôi dọn tới đó thật thì thì mới thấy mọi lo lắng của tôi hóa ra là thừa. Ông ngoại tôi nói liên mồm cả ngày, giọng the thé. Cũng chả phải để cho tôi nghe, ông chủ yếu nói chuyện một mình. Đúng vậy, ông cứ nhắc đi nhắc lại một chuyện nào đó, lảm nhảm cả ngày và tôi ngờ rằng ông có vẻ hài lòng vì ở cùng nhà với một đứa lầm lì như tôi. Tôi chẳng khác gì một cái thùng chứa những chuyện tầm phào bất tận của ông.

Hẳn ông ngoại cũng thấy bất tiện khi đột nhiên phải chứa chấp một đứa cháu gái trong nhà. Nhưng chắc ông cũng hài lòng với số khoản trợ cấp thêm của ba tôi. Trước đó ông chỉ sống bằng khoản lương hưu ít ỏi của mình. Thỉnh thoảng ông cũng tìm cách kiếm thêm ít tiền bằng cách giúp đỡ hàng xóm việc này việc nọ, giống như một chân chạy việc vặt trong khu. Nhưng có vẻ như ông vẫn rất túng thiếu.

Trước đây ông ngoại làm gì? Cũng khó mà biết được. Khi chúng tôi còn nhỏ, mẹ bảo lúc trẻ, ông rất giỏi bắt bọn trộm dưa nên ông quyết định gia nhập lực lượng cảnh sát và trở thành một thanh tra. Đó là lý do tại sao tôi cứ nghĩ là ông hẳn rất nghiêm khắc và lúc đầu tôi rất sợ ông. Nhưng thực tế ngược hẳn lại. Ông ngoại tôi không phải là một thanh tra cảnh sát. Vậy ông đã làm gì? Tôi sẽ giải thích chuyện này cho các bạn rõ. Nhưng sẽ khá mất thời gian, xin các bạn kiên nhẫn.

“Không dễ mà tới thăm ông được vì ông là một thanh tra cảnh sát.” Mẹ tôi hay nói thế. “Ông rất bận. Với lại xung quanh ông lúc nào cũng toàn bọn xấu. Nói như vậy không có nghĩa ông là người xấu. Trái lại là khác. Nhưng mà ở đời người xấu thường thích tìm đến với người tốt. Chẳng hạn như những người vi phạm pháp luật sẽ tìm tới ông ngoại để nhận lỗi và tìm cách sửa sai. Nhưng cũng có một số người xấu xa tới tận xương tủy, xấu không còn thuốc chữa. Người như thế sẽ nuôi lòng thù hận với ông ngoại và sẽ tìm cách trả thù. Thế nên các con mà tới chỗ đó vào lúc họ trả thù ông thì sẽ rất nguy hiểm.”

Nghe mẹ kể chuyện cứ như là trong phim hình sự khiến tôi vô cùng thích thú. Ông ngoại tôi là một thanh tra cảnh sát cơ đấy, đi đâu tôi cũng khoe với mọi người như thế. Nhưng Yuriko chả bao giờ có ấn tượng gì về chuyện đó, con bé chỉ luôn hỏi mẹ sao ông ngoại lại làm thanh tra cảnh sát. Chắc con bé nghĩ rằng có ông ngoại làm thanh tra cảnh sát cũng cũng chẳng lấy gì là to tát. Tôi thực sự không biết nó nghĩ gì. Và câu trả lời của mẹ tôi luôn luôn là “Ông ngoại rất giỏi bắt bọn trộm dưa. Cha ông có một đồn điền dưa hấu rộng lớn ở Ibaraki, nơi bọn trộm hoành hàng rất là dữ dội.”

Tôi trúng tuyển vào trường nữ sinh trung học Q ngay trước khi ba mẹ tôi và Yuriko lên đường sang Thụy Sỹ nên tôi chất hết đồ đạc của mình lên một chuyến xe tải, đệm, bàn học, đồ dùng học tập và rời ngôi nhà của ba mẹ tôi ở Bắc Shinagawa tới căn hộ chung cư của ông ngoại ở quận P. Quận P vốn là khu vực kém phát triển nhất ở Tokyo hay còn gọi là Hạ Thành. Khu vực này vốn bằng phẳng, ít nhà cao tầng. Nhiều nhánh sông lớn chảy qua khu vực này, chia cắt nó thành các xóm nhỏ. Những con đê lớn dọc bờ sông chính là thứ thành lũy duy nhất che khuất tầm nhìn. Những tòa nhà xung quanh đó đều không cao lắm nhưng vì đứng cạnh đê nên trông chúng rất nặng nề, ngột ngạt. Thực chất đây là một vùng đất rất đặc biệt. Phía ngoài đê, dòng sông lớn đầy ắp nước nhưng chảy lờ đờ, uể oải. Mỗi khi trèo lên bờ đê ngắm nhìn dòng nước nâu sẫm của con sông phía dưới, tôi lại tưởng tượng ra những sinh vật khác nhau đang bơi lượn dưới mặt nước.

Vào cái ngày mà tôi dọn tới ở, ông ngoại mua về hai chiếc bánh su kem ở tiệm tạp hóa. Đây không phải bánh su kem thật làm ở cửa hàng chuyên bánh kem mà là một loại bánh bột cứng đờ trát nhân kem sữa trứng mà tôi thậm ghét. Vì không muốn làm ông ngoại buồn nên tôi cố ăn hết, giả vờ nhấm nháp từng miếng một. Trong lúc ăn, tôi ngắm ông ngoại cố gắng tìm ra nét giống với mẹ tôi. Mặc dù họ có cùng vóc người nhỏ nhắn nhưng hai khuôn mặt lại hoàn toàn khác biệt.

“Mẹ cháu trông không giống ông. Mẹ cháu giống ai hả ông?”

“Ôi, mẹ cháu, nó chả giống ai cả. Chắc giống một ông cụ tổ nào đó.”

Ông vừa nói vừa tháo bìa hộp bánh ra, gập phẳng lại theo chỉ dẫn bên ngoài rồi cất vào đám giấy gói và dây buộc trên chạn bếp.

“Trông cháu cũng chả giống ai,” tôi nói.

“Ờ, nhà này toàn thế ấy mà.”

Ông ngoại rất nề nếp. Sáng nào ông cũng dậy vào năm giờ sáng và bắt đầu bằng việc chăm sóc những cây bonsai nằm chen chúc trên ban công và những khoảng trống hẹp trong hành lang. Trồng cây bonsai là sở thích của ông. Ông dành hai tiếng buổi sáng để chăm chút chúng. Sau đó ông dọn dẹp phòng ngủ rồi mới ăn sáng.

Mở mắt ra là ông bắt đầu nói huyên thuyên bằng tiếng Ibaraki, thổ ngữ ở quê ông. Ngay cả khi tôi đang bận đánh răng hay rửa mặt không trả lời được thì ông vẫn cứ nói liên mồm.

“Ôi, đây quả là một thân cây rất đẹp. Nhìn xem! Về độ khỏe khoắn. Về tuổi tác! Thử hình dung những cây thông này trồng dọc bên đường cao tốc Tokaido mà xem. Ông thật may mắn có được những cây bonsai quý thế này. Mà có khi ông phải cảm ơn chính tài năng của mình. Hẳn vậy. Đúng là ông rất có hoa tay nhé! Chỉ thiên tài mới trồng được những cây bonsai thế này, mà thiên tài thường phải hơi điên rồ và hài hước. Đúng là ông còn gì!”

Tôi nhìn về phía ông ngoại, nghĩ là ông đang nói chuyện với mình nhưng ông vẫn đang mải ngắm cây bonsai và lẩm bẩm một mình. Sáng nào ông cũng nhắc đi nhắc lại những lời đó.

“Những người không thật sự điên rồ vì bonsai có thể cố gắng hết sức nhưng họ sẽ không bao giờ có đủ tài năng, những cây bonsai của bọn họ sẽ không thể đẹp như cây bonsai của ông già ngốc này. Sự khác biệt là ở chỗ nào? Xem nào…”

Cuối cùng tôi không quay sang hóng chuyện mỗi khi ông ngoại lên tiếng nữa. Tôi nhận ra rằng ông không nói chuyện với tôi. Ông đặt ra một câu hỏi rồi tự trả lời. Tôi đang phấn khởi vì đã thi đỗ vào trường trung học và cuộc đời tôi đang chuẩn bị giở sang một trang mới. Đám cây bonsai không phải là mối bận tâm của tôi. Tôi giở cuốn catalogue giới thiệu về trường nữ sinh trung học Q của tôi ra xem và để cho trí tưởng tượng bay bổng với những hình ảnh về tương lai của mình.

Tôi để ông ngoại lại với những cây bonsai và đi vào bếp lấy một lát bánh mì quệt đầy bơ, mứt và mật ong. Ba tôi không có mặt ở đây để cằn nhằn về việc tôi dùng quá nhiều mứt. Tôi cảm thấy mình thực sự tự do. Ba tôi keo kiệt tới mức lúc nào cũng nhắc nhở chúng tôi về việc ăn gì và bao nhiêu là đủ. Chúng tôi chỉ được phép bỏ hai viên đường vào một tách trà. Mứt thì chỉ được phép quết một lớp mỏng dính lên bánh mì mà thôi. Còn nếu chúng tôi muốn mật ong thì chỉ được lấy mật ong, không có đường với mứt gì nữa. Những quy tắc về dùng bữa của ba tôi cũng rất hà khắc. Không nói chuyện ở bàn ăn. Khuỷu tay trên bàn, lưng thẳng đứng. Không cười khi trong miệng đang có thức ăn. Cho dù tôi có làm gì thì ông cũng bới bèo ra bọ, có cớ để phàn nàn. Còn ở đây, dù tôi có ngồi thượt ra, mắt mũi lờ đờ dùng bữa sáng thì ông ngoại cũng chả để ý. Ông còn bận đứng ngoài ban công trò chuyện với đám cây cối của mình.

“Cần phải có cảm hứng, cháu biết đấy. Đó là điều cơ bản nhất. Cảm hứng. Cần phải thổi vào đó một nguồn cảm hứng. Hãy giở từ điển ra mà xem. Cháu sẽ thấy sự tao nhã thôi chưa đủ. Đúng là sự tao nhã thì tạo sinh khí cho công việc. Nhưng nó không phải từ trên trời rơi xuống. Mà cần phải có tài năng. Những người thành công là những người có tài. Như ông nói, ông là một người có tài. Vì ông đã được đất trời truyền cho một nguồn cảm hứng.”

Ông ngoại nói và viết nguệch ngoạc lên không khí những Hán tự của chữ cảm hứng. Rồi tới chữ điên rồ. Tôi vừa uống trà vừa quan sát ông trong im lặng. Mãi một lúc lâu sau, ông ngoại mới nhìn thấy tôi đã ngồi ở bàn bếp từ lúc nào.

“Có còn gì cho ông ăn không vậy?”

“Có ạ, nhưng mà nguội hết rồi ạ.” Tôi nói và chỉ vào khoanh bánh mì nướng. Thế nhưng ông ngoại vẫn sung sướng đưa miếng bánh mì lạnh, cứng ngắc lên miệng và cố gặm nó bằng hàm răng giả của mình khiến vụn bánh bay vung vãi. Thấy thế, tôi chợt hiểu ra rằng những câu chuyện mà mẹ tôi dựng lên về việc ông là một thanh tra cảnh sát chỉ là dối trá. Tôi không biết phải giải thích như thế nào nhưng ngay cả với một đứa nhóc mười sáu tuổi như tôi cũng có thể thấy rõ ông là loại người gì. Đó là loại người chỉ nghĩ cho bản thân mình. Ông không thể là người có khả năng đuổi bắt một người đàn ông khác để trị tội.

Hàm răng giả của ông ngoại không được khít khiến ông rất khó nhai, nên ông trụng miếng bánh mì vào tách trà cho tới khi nó mềm nhũn và sũng nước. Tách trà của ông lẫn cẫn những vụn bánh mì nhẽo nhưng ông vẫn uống cho bằng sạch.

Tôi lấy hết can đảm để hỏi ông, “Ông ngoại, ông có nghĩ Yuriko được truyền cảm hứng không?”

Ông ngoại nhìn ra cây thông lớn màu đen ngoài ban công và trả lời với một vẻ không chắc chắn.

“Hẳn là không. Yuriko quá đẹp. Con bé có thể là một loại cây cảnh trong vườn. Một bông hoa đẹp. Nhưng nó không phải là một cây bonsai.”

“Có nghĩa là một bông hoa dù đẹp đến đâu đi nữa cũng không được truyền cảm hứng?”

“Đúng vậy. Cảm hứng là con át chủ bài của bonsai. Nhưng là do con người tạo ra. Hãy nhìn cái cây thông đen ngoài kia. Đó mới là cảm hứng. Thấy không? Một cây cao niên cho chúng ta bài học về cuộc sống. Đúng là lạ lùng phải không? Cây cối trông có thể dầu dãi, nhưng vẫn sống như thường. Cây cối có thể chống chọi lại với thời gian. Con người chỉ đẹp khi còn trẻ. Nhưng cây cối, bất chấp năm tháng, nếu chúng ta kiên trì rèn luyện nó, nó sẽ dần tạo thế như ta mong muốn cho dù ban đầu, theo tự nhiên, nó sẽ cố cưỡng lại. Và khi điều đó xảy ra? Một cuộc đời mới lại bắt đầu. Cảm hứng chính là khi ta cảm thấy sự nhiệm màu! Miracle, tiếng Anh gọi thế có đúng không?”

“Đúng ạ.”

“Thế còn tiếng Đức thì nói thế nào?”

“Cháu không biết.”

Đấy, lại bắt đầu rồi. Tôi nghĩ và giả vờ nhìn về phía ban công nơi ông đang đứng. Tôi gần như không hiểu gì về những điều mà ông ngoại nói nên tôi bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Mọi quan tâm thực của ông ngoại đều dồn vào cái cây thông già nua khô quắt đặt ở giữa ban công. Rễ cây thì sần sùi xấu xí còn cành cây thì buộc dây điện chằng chịt. Gai mọc thành trùm như mũ giáp, cái cây này quả là đang trong quá trình rèn luyện. Nó có dáng vẻ của một trong những cây thông già cong queo méo mó trong những bộ phim samurai đánh đấm vớ vẩn. Thế mà nó lại được truyền cảm hứng còn Yuriko diễm lệ thì không. Còn gì hoàn hảo hơn thế chứ? Tôi ngưỡng mộ những gì ông ngoại nói. Và tôi cầu nguyện để được sống với ông ngoại như thế này suốt đời.

Nhưng tôi cũng nhanh chóng phát hiện ra ông ngoại hóa ra cũng có lợi khi cho tôi về nhà ở cùng. Có những hôm ông chạy tá hỏa để cất đám bonsai vào trong tủ. Có một ông khách cứ sáng Chủ nhật thứ ba hằng tháng vào mười một giờ lại sang gọi ông ngoại. Chính xác như đồng hồ. Ông ngoại đã đánh dấu cái ngày Chủ nhật tuần thứ ba đó bằng một vòng tròn đỏ trên lịch để khỏi quên. Vào những ngày Chủ nhật ấy, ngay sau khi trò chuyện với đám cây bonsai, ông ngoại bắt tay vào việc xếp chúng vào trong tủ rồi chuyển cái tủ từ chỗ này sang chỗ khác. Dù trời đầy mây và có thể mưa bất cứ lúc nào ông ngoại vẫn cứ kéo cái đệm của tôi ra ban công để lấy chỗ cho cái tủ cây của mình. Sau đó ông bắt đầu khệ nệ bê các cây bonsai vào đó. Có tới một trung đội các cây bonsai nằm chen chúc ở ngoài ban công nên khi không nhét được hết chúng vào trong tủ thì ông đành phải vác một số tới gửi hàng xóm ở cùng tòa nhà. Mất một thời gian tôi chịu không hiểu nổi hành động này của ông ngoại. Tại sao ông lại muốn cất giấu những gì vốn làm ông vô cùng hãnh diện?

Người khách mà ông ngoại đón tiếp mỗi sáng Chủ nhật thứ ba hằng tháng là một người đàn ông lớn tuổi có khuôn mặt hiền từ. Mái tóc màu trắng thưa thớt của ông ta được chải gọn gàng, chiếc áo sơ mi màu xám cực kỳ ăn khớp với cái áo khoác màu nâu. Chỉ gọng kính đen dày cộp của ông ta là có vẻ quá mức phô trương. Mặc dù lần nào đến ông ta cũng xin lỗi là đã tới tay không nhưng chẳng bao giờ ông ta mang quà đến. Khi ông ta đến chơi, ông ngoại thường ngồi ngay ngắn và tiếp đãi ông ta với vẻ đàng hoàng nhất. Những lúc đó không hiểu vì lí do gì mà ông ngoại không muốn tôi quanh quẩn ở bên cạnh. Trong khi đối với những vị khách khác thì ông lại cứ muốn tôi ngồi bên cạnh để kể đông kể tây, rõ ràng là muốn khoe khoang về việc mình có một đứa cháu gái lai tây, lại còn là học sinh của trường nữ sinh trung học Q nổi tiếng. Ông ngoại có rất nhiều người quen. Nào là người phụ nữ bán bảo hiểm, ông gác cổng, ông quản lý chung cư, và tất cả những ông già mê bonsai khác. Họ rất hay ghé qua thăm ông. Nhưng chỉ có mỗi ông già trên là ông không muốn tiếp đãi với sự có mặt của tôi. Tôi không khỏi không cảm thấy lạ lùng.

Vào những ngày có hẹn với vị khách này, ông ngoại thường tỏ ra bồn chồn lo lắng. Ông hỏi tôi có phải làm bài tập hay không. Tôi sắp ấm trà rồi giả vờ quay về phòng. Tôi nấp đằng sau cánh cửa kéo chỗ vách ngăn giữa hai phòng để nghe trộm. Không dông dài nữa, người đàn ông kia bắt đầu tra hỏi ông ngoại.

“Dạo này ông thế nào?”

“Tôi xoay xở cũng ổn. Xin đừng bận tâm. Tôi rất lấy làm ngại vì ông đã phải đi một chặng đường dài tới căn hộ tồi tàn, xập xệ này. Sự thật là cháu gái tôi có đến đây ở với tôi và chúng tôi sống rất tiết kiệm, đơn giản. Dĩ nhiên là chúng tôi cũng có những bất đồng, con bé là học sinh trung học còn tôi là một lão già lẩm cẩm. Nhưng nói chung chúng tôi khá hợp nhau.”

“Ông nói là cháu gái ông à? Hai người trông chả giống nhau tí nào, đúng không? Tôi định hỏi ông về cô bé nhưng rồi tôi lại nghĩ, nếu đó là bồ của ông thì sao? Thế thì xấu hổ quá, tôi vốn không có ý tò mò xía vào chuyện của ông…”

Ông ta nói bóng nói gió rồi cả hai cùng cười phá lên. “Eee-hee-hee-hee!”

Hình như là tôi có điệu cười giống ông ngoại. Giọng nói của ông có âm điệu cao nhưng lạ thay tiếng cười thì rất trầm, thậm chí hơi có vẻ tục tĩu. Rồi ông ngoại vội thanh minh.

“Ồ không, không, nó chính là cháu ngoại tôi đấy. Bố nó là người nước ngoài.”

“Người Mỹ à?”

“Không, Châu Âu. Cháu gái tôi nói thành thạo tiếng Đức và tiếng Pháp và nhiều thứ tiếng khác nhưng nó vẫn muốn học ở Nhật. Nó nói nó là người Nhật nên nó muốn học hành và trưởng thành ở đất Nhật. Nó cứ đòi ở lại Nhật trong khi bố mẹ nó chuyển đi. Con rể tôi làm việc cho Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ, chức vụ chỉ có sau Đại sứ thôi đấy! Nó đúng là một thằng rể tốt, chỉ mỗi tội không biết nói một từ tiếng Nhật nào. Nhưng nó nói nó vẫn có thể giao tiếp bằng cách ra hiệu và bằng thần giao cách cảm. Bằng thần giao cách cảm, mà đúng thế thật. Con rể tôi biết chính xác tôi nghĩ gì. Vừa hôm gì thôi, nó gửi cho tôi hai cái đồng hồ đeo tay của Thụy Sĩ. Chúng đều là sản phẩm được làm từ một nguồn cảm hứng lớn. Ông có biết nguồn gốc của cái từ cảm hứng này là từ đâu ra không? Chữ Hán của nó như thế này này.”

Tôi cố nín cười khi nghe ông ngoại khoác lác.

“Không, tôi không nghĩ là tôi biết nguồn gốc của nó.” Vị khách thở dài.

“Tôi cho rằng nguồn gốc của nó có liên quan tới thần thánh hay một lực lượng siêu nhiên, một sự kết hợp giữa sức mạnh và sự tao nhã.”

“Tóm lại đó là một từ rất hay phải không? Mà thôi, hãy kể cho tôi về gia đình cháu gái ông. Hiện giờ họ đang ở đâu?”

“Chính phủ Thụy Sỹ đã cho triệu con rể tôi và gia đình nó về Thụy Sĩ.”

“Thế cơ à!”

“Cũng chả có gì to tát. Làm cho Liên Hợp Quốc hay một ngân hàng nào đó còn oai hơn ý chứ.”

“Tốt rồi, thông tin này khiến tôi yên tâm, ít nhất là trong lúc này. Tôi nghe nói ông bắt đầu làm một số việc vặt nhưng tôi tin rằng ông tự biết cư xử cho đúng đắn. Ông sẽ không lừa đảo người khác nữa đúng không? Giờ ông còn phải nghĩ tới cháu gái của mình nữa chứ!”

“Không, không có chuyện đó đâu. Tôi đang tu tỉnh mà. Ông cứ nhìn quanh mà xem, chả có cây bonsai nào trong nhà. Tôi sẽ không bao giờ đụng tới một cây bonsai nào nữa.”

Ông ngoại nói vẻ rất ăn năn hối lỗi. Nghe tới đây tôi đoán rằng hẳn trước đây ông có dính dáng gì đó tới việc lừa đảo buôn bán cây cảnh và vị khách kia chính là nhân viên quản thúc. Mỗi tháng ông ta tới kiểm tra ông ngoại một lần xem ông ngoại có hành vi tái phạm hay không.

Giờ nghĩ lại tôi mới nhận ra rằng lúc đó ông ngoại đang trong thời gian tại ngoại thử thách nên sự có mặt của một đứa cháu gái ở cùng nhà sẽ làm tăng thêm độ tin cậy đối với nhân viên quản chế. Ông ngoại thì muốn lừa phỉnh người quản thúc còn tôi thì muốn ở lại Nhật Bản. Chúng tôi cần tới nhau để thực hiện mục đích của mình hay nói theo một cách khác là chúng tôi chúng tôi chính là đồng phạm. Tuyệt vời nhất là tôi có thể kể cho ông ngoại mọi nhược điểm của Yuriko. Đối với tôi, đó chính là quãng thời gian hạnh phúc nhất trong đời.

Không bao lâu sau ngày Chủ nhật ấy, tôi tình cờ chạm trán nhân viên quản thúc của ông ngoại. Đó là vào kì nghỉ Tuần lễ Vàng đầu mùa xuân khi tôi đang đạp xe từ cửa hiệu tạp hóa về nhà. Một chiếc xe buýt du lịch đang dừng lại bên cạnh một khu đất cũ và người đàn ông mà tôi nhìn thấy ở nhà ông ngoại đang vẫy tay chào tạm biệt những người khách đi trên xe. Họ đều là những người lớn tuổi và ai cũng cắp theo một cây bonsai mặt mũi hớn hở. Tôi nhìn sang tấm biển treo gần đó thấy ghi hai chữ VƯỜN THỌ. Thì ra đây là nơi người ta trồng bonsai? Tôi nhìn chằm chằm về phía đó, bị thu hút bởi những cây bonsai nhỏ bé. Khi chiếc xe buýt rời đi thì người đàn ông kia nhìn thấy tôi.

“Ôi thật may là lại được gặp cháu ở đây,” ông ta nói. “Thật ra ta có chuyện muốn hỏi cháu nếu cháu không ngại.”

Tôi tụt xuống khỏi xe và lễ phép cúi đầu chào. Nhìn vào phía trong khu vườn qua chiếc cổng chào có mái che đồ sộ chả kém gì các đền thờ, tôi thấy thấp thoáng một ngôi nhà tuyệt đẹp xây dựng theo kiến trúc sukiya giản dị, thanh lịch mà kín đáo. Bên cạnh đó là một quán trà đạo rất dễ thương. Ngoài ra còn có một nhà kính trồng cây với các cửa sổ làm bằng nhựa trong có mấy người đàn ông trẻ đang cầm vòi tưới cây và xới đất. Đây trông giống một công viên được chăm chút hơn là một vườn ươm. Các tòa nhà, vườn cây, mọi thứ đều có một vẻ xa xỉ. Ngốc như tôi cũng có thể thấy rõ người ta đã tiêu rất nhiều tiền vào chỗ này. Thậm chí ngay cả người quản thúc ông ngoại trông cũng hơi lạc lõng, với chiếc tạp dề màu xanh hải quân chỉnh tề khoác ngoài áo sơ mi và chiếc nơ bướm đeo cổ trông ông giống như là một vị thị trưởng trong ngày hội làm đồ gốm hơn là một người làm vườn. Ông đã thay chiếc kính gọng sẫm bằng một chiếc kính râm gọng đồi mồi, mắt kính màu xanh sẫm.

Ông ta bắt đầu lục vấn về gia đình tôi. Hẳn ông ta muốn kiểm tra tính chính xác trong câu chuyện của ông ngoại. Có phải đúng là ba mẹ tôi đã chuyển về Thụy Sĩ hay không, ông ta hỏi tôi, có chút nghi vấn. Tôi đảm bảo với ông ta rằng đó là sự thật.

“Thế cả ngày ông cháu làm gì?”

“Ông có vẻ bận chạy những việc lặt vặt ạ.”

Mà đúng thế thật. Kể từ khi tôi dọn tới, lúc nào ông cũng có hàng đống công việc do những người hàng xóm nhờ vả.

“Thế thì tốt. Nhưng cụ thể là ông ấy làm gì?”

“À, thì chẳng hạn như ông cháu đi vứt xác mấy con mèo hoang bị chết, trông nhà cho người ta khi chủ nhà đi vắng, tưới cây cho họ, đại loại là những việc như thế ạ.”

“Được rồi, tóm lại chừng nào ông ngoại cháu không làm chuyện gì dại dột liên quan tới mấy cây bonsai thì ta chẳng có gì để phàn nàn. Ông ấy chả biết gì về bonsai và chả có công việc tử tế nào. Ông ấy ăn trộm cây bonsai của người khác để bán. Đôi khi ông ấy mua những cây rẻ ở chợ đêm rồi lừa bán cho người khác với giá cắt cổ. Ông ấy đã gây ra rất nhiều rắc rối và lừa đảo của người khác tổng cộng lên tới hơn 50 triệu yen.”

Tôi ngờ rằng việc ông ngoại lừa tiền của người khác có đụng chạm tới ông ta. Ông ta hẳn là một người trồng cây bonsai hoặc ít nhất cũng là nhân viên ở đây. Chắc ông ngoại đã lấy trộm cây ở đây. Lúc đầu ông nhận làm người môi giới để bán cây cho họ nhưng khi bán được rồi thì lại cuỗm hết tiền. Người đàn ông này hẳn được giao nhiệm vụ theo dõi ông ngoại để ngăn ngừa ông ngoại tái phạm. Chắc chắn ông ta sẽ còn để mắt tới ông ngoại dài dài. Ông ngoại thật đáng thương.

Hàng trăm cây bonsai xếp hàng ngay ngắn dọc theo những tấm ván gỗ suốt khu vườn. Ở giữa là một cây thông lớn khiến tôi nhớ tới cây thông quý giá của ông ngoại.

“Cháu xin lỗi đã hỏi ông thế này, nhưng có thật là ông ngoại cháu không hề biết gì về bonsai không?”

“Ông ấy chỉ là một tên nghiệp dư gian lận.” Ông ta khịt mũi với vẻ khinh bỉ, cái vẻ tử tế của ông ta biến mất.

“Nhưng nếu ông ngoại của cháu lừa gạt người ta, những người đó hẳn phải rất giàu.”

Tôi nghĩ rằng nếu có những người giàu như vậy, giàu tới mức dễ dàng bị rơi vào bẫy của ông ngoại vì thiếu hiểu biết về những cây bonsai mà ông tôn thờ thì thế nào họ cũng làm ông bực mình. Tôi không thể hiểu nổi tại sao người ta có thể chi nhiều tiền đến thế cho một cây bonsai, đối với tôi những người bị lừa ở đây còn đáng trách hơn cả cái người đi lừa họ. Tất nhiên, ông nhân viên quản thúc không nghĩ vậy. Ông ta giận dữ chỉ trỏ xung quanh.

“Rất nhiều người ở đây trở nên giàu có sau khi nhận được tiền bồi thường cho diện tích đánh cá mà họ bị mất. Cả khu vực này trước kia vốn là đại dương.”

“Đại dương ư?” Tôi há hốc mồm vì ngạc nhiên, quên bẵng cả mấy cây bonsai. Đột nhiên tôi nhận ra rằng tình yêu nảy sinh giữa ba mẹ tôi, cái năng lượng mà nó tạo ra đã tiêu ngay khi quá trình thụ thai bắt đầu. Cái sinh thể mới chính là tôi sau này hẳn đã giải thoát cái năng lượng đó vào một đại dương ngăn cách hai người. Tôi đã nghĩ tới điều này từ rất lâu. Và giờ đây, tôi đã tìm thấy lối thoát trong một cuộc đời mới mà tôi chia sẻ với ông ngoại, một cuộc đời đồng thời là một đại dương mênh mông. Quyết định dọn đến với ông ngoại trong căn hộ nhỏ hăng mùi dầu bôi tóc, nghe ông tán gẫu miên man, sống trong một căn phòng giữa những cây bonsai đối với tôi là đến với đại dương, mà hóa ra trước kia nơi này chính là đại dương thật. Sự trùng hợp ngẫu nhiên đó khiến tôi hài lòng và tôi quyết định sẽ ở lại nơi này.

Khi về tới nhà tôi kể lại cho ông ngoại nghe về cuộc gặp gỡ với người nhân viên quản thúc ở Vườn Thọ. Vẻ ngạc nhiên, ông ngoại hỏi tôi.

“Ông ta nói gì về ông?”

“Ông ấy bảo ông chỉ là một tay chơi bonsai nghiệp dư.”

“Đúng là đồ rác rưởi!” Ông ngoại làu bàu. “Cái lão khốn ấy thì biết gì. Cái cây sồi được giải nhất quận của lão ấy chỉ là một trò đùa. Nghĩ tới đã muốn cười bể cái bụng. Ai chả có thể ném tiền ra và mua một cái cây đẹp. Cứ để lão ta ba hoa về cái cây năm triệu yen của lão ta. Cháu chỉ cần nhìn thôi cũng thấy ngay lão tao chả biết đếch gì về cái gọi là cảm hứng.”

Kể từ đó hôm nào ông ngoại cũng dành cả ngày nói chuyện với đám cây bonsai của ông ngoài ban công.

Mãi sau này tôi mới biết người nhân viên quản thúc trước đây làm việc ở văn phòng quận. Khi về hưu, ông nhận một chân hướng dẫn viên trong Vườn Thọ và tình nguyện làm người quản thúc ông ngoại. Giờ thì ông ta đã qua đời. Khi ông ta chết, tôi và ông ngoại tôi cảm thấy như thể vừa cởi bỏ được một gánh nặng lớn.

Còn ông ngoại của tôi thì sao? Ông vẫn sống nhưng đã già yếu lắm rồi, suốt ngày chỉ ngủ. Ông không nhận ra tôi nữa. Tôi vẫn thay bỉm cho ông hằng ngày và làm việc như điên để chăm sóc ông nhưng ông vẫn chỉ tay vào mặt tôi mà hỏi tôi là ai. Thỉnh thoảng ông có gọi tên mẹ tôi hay nói những câu như, “Mày nên làm bài tập đi không lại thành kẻ cướp mất thôi!” Mỗi lần như vậy tôi những muốn đáp lại rằng, “Ối giời ơi, nhìn lại mà xem, ông mới là người đi trộm cắp thì có.” Nhưng chừng nào ông còn sống thì tôi còn có thể ở với ông trong căn hộ trợ cấp của chính phủ nên tôi cũng không thể đối xử tàn tệ với ông.

Đúng là tôi cũng muốn ông ngoại tôi sống lâu, một cuộc sống thanh đạm. Nhưng hình như cái từ cảm hứng đã hoàn toàn bốc hơi khỏi đầu ông. Hai năm trước vì quá mệt mỏi không thể tiếp tục chăm sóc ông được nữa tôi đã gửi ông vào viện dưỡng lão Misosazai của quận.

Công việc thực của ông ngoại chính là chạy việc vặt, tôi thì không chỉ nhận và trả lời điện thoại cho ông mà còn rất sẵn lòng giúp ông một tay những lúc rảnh rỗi. Tôi thực sự thích thú làm việc đó vì trước đây tôi vốn không có nhiều cơ hội tiếp xúc với người ngoài. Khi tôi còn bé, chả có mấy ai đến thăm chúng tôi vì ba chỉ thích quan hệ với những người đồng hương của ông, nhưng chỉ là một mình ông chứ không phải cùng gia đình. Mẹ tôi thì chẳng chơi với hàng xóm. Bà không có lấy một người bạn. Bà cũng chả bao giờ tới gặp thầy cô của chúng tôi hay đi họp phụ huynh, thậm chí còn chả thèm tham gia hội phụ huynh nữa ấy chứ. Đấy, đó chính là gia đình của tôi.

Tôi không hề nghĩ rằng Yuriko sẽ quay trở lại Nhật Bản và làm hỏng mọi việc. Nhưng bốn tháng sau khi chuyển sang Thụy Sĩ, mẹ tôi đã tự sát. Tôi vẫn giữ một số thư từ bà viết cho tôi trước khi chết, nhưng tôi không hề viết trả lời bà lấy một chữ nào. Đúng thế. Không một chữ nào.

Tôi vẫn giữ vài lá thư của bà và rất sung sướng được cho bạn xem. Đọc chúng rồi, tôi không sao tưởng tượng nổi là bà lại có thể tự sát. Đó là bởi chưa bao giờ tôi nghĩ được rằng trong mẹ lại chất chứa nhiều đau khổ đến thế. Cho đến khi bà chọn cách tự tử, tôi còn chưa lúc nào nhận ra bà muốn từ biệt cõi đời này. Nhưng điều khiến tôi thực sự thấy kinh ngạc là mẹ có đủ dũng khí để tự kết thúc đời mình.

Con thế nào? Ba chúng ta đều khỏe. Con có hòa thuận với ông ngoại không? Ông là người quyết đoán hơn mẹ rất nhiều nên mẹ nghĩ là hai người sẽ hợp nhau. Nhưng mẹ vẫn muốn nhắc con rằng con không phải đưa cho ông ngoại thêm một xu nào ngoài số tiền bốn mươi nghìn yen mà ba mẹ hứa trả ông hằng tháng. Con phải tự biết cách tiết kiệm, đừng dựa vào ba mẹ. Nhưng mẹ sẽ gửi thêm một khoản tiền nhỏ vào tài khoản của con. Đấy là tiền túi của con nên đừng nói cho ông ngoại biết. Và nếu ông có tìm cách vay tiền con thì nhớ yêu cầu ông viết một cái giấy nợ. Đó là những gì ba con dặn, mẹ chỉ có nhiệm vụ truyền đạt lại thôi.

Tiện thể mẹ hỏi luôn, chuyện học hành của con thế nào? Mẹ không thể tin được rằng con lại đỗ được vào một trường tiếng tăm như thế. Gặp người Nhật nào ở đây là mẹ cũng khoe với họ về con. Mặc dù Yuriko chả nói năng gì nhưng mẹ chắc là nó đang ghen tị lắm đấy. Hãy cố gắng học hành con nhé, đó cũng là động lực lớn cho Yuriko theo đuổi. Con lúc nào cũng vượt trội nó về mặt đầu óc.

Mẹ nghĩ rằng lúc này ở Nhật, hoa anh đào chắc đã rụng gần hết. Mẹ nhớ hoa anh đào ở Yoshino. Chúng hẳn phải đẹp lắm khi nở hết cỡ. Mẹ không nhìn thấy một cây anh đào nào ở Bern. Mẹ chắc rằng chúng hẳn phải được trồng ở đâu đó nên nếu có cơ hội mẹ sẽ tới hỏi các thành viên Hội người Nhật ở đây. Dù ba thì chả thích mẹ tham gia hiệp hội này hay ngay cả Hội Phụ nữ Nhật Bản.

Ở đây trời vẫn lạnh. Không thể đi ra ngoài mà không có áo khoác thật ấm. Gió từ sông Aare lạnh buốt, cái lạnh ở đây như thấu vào xương khiến cho mẹ có cảm giác thật lẻ loi, đơn độc. Mẹ đang mặc chiếc áo khoác màu be mà chúng ta mua trong đợt giảm giá ở Trung tâm thương mại Odakyu. Mẹ chắc là con còn nhớ chiếc áo đó. Nó không đủ ấm cho khí hậu ở đây nhưng mọi người rất hay khen nó. Có người còn hỏi mẹ mua ở đâu. Ở đây mọi người thật biết cách ăn mặc. Họ ăn mặc rất chỉn chu, lúc nào trông cũng đàng hoàng.

Bern thì đẹp như một thành phố trong truyện cổ tích nhưng nó nhỏ hơn nhiều so với sự tưởng tượng của mẹ và ban đầu mẹ rất lấy làm ngạc nhiên về điều đó. Mẹ cũng không ngờ ở đây lại có nhiều người nước ngoài đến thế. Khi mới đến, mẹ đi dạo ở ngoài phố, thấy cái gì cũng sửng sốt, nhưng sau đó thì bắt đầu mệt mỏi. Phần lớn tiền chúng ta có được phải dùng hết để chi trả học phí và sinh hoạt cho con nên chúng ta gần như chả mua bán gì và sống thanh đạm hết mức có thể. Yuriko rất giận, nó nói tất cả chỉ vì con đòi ở lại Nhật. Nhưng con đừng lo về chuyện đó. Con sẽ phải dựa vào đầu óc của mình để tiến lên phía trước.

Nhà chúng ta nằm trong một khu đô thị mới. Nhà máy của Karl nằm ngay cạnh đó. Trước mặt chúng ta là một tòa nhà với những căn hộ nhỏ xíu nằm bên cạnh một khu đất trống. Ba con rất hài lòng vì chúng ta vẫn nằm trong địa phận thành phố nhưng mẹ thì thấy như mình đang ở ngoại ô. Nhưng hễ mẹ đề cập tới chuyện đó thì y như rằng ba sẽ nổi giận. Ở Bern, đường phố chỗ nào cũng gọn gàng, sạch sẽ, chỉ có toàn những người cao lớn nói chuyện bằng một thứ ngôn ngữ khó hiểu. Hơn nữa, ai cũng hung hăng. Đây đúng là một bài học cho mẹ.

Chuyện xảy ra mới hôm gì thôi. Mẹ vẫn luôn tuân thủ tín hiệu đèn giao thông mỗi khi băng qua đường nhưng vẫn phải chú ý tới xe cộ qua lại. Khi mẹ đang đi sang đường thì một chiếc ô tô suýt nữa thì tông phải mẹ, tà áo của mẹ mắc vào thanh giảm xóc và rách một tẹo. Người phụ nữ đang lái xe dừng lại và chui ra khỏi xe. Mẹ cứ tưởng bà ta tới xin lỗi nhưng không, bà ta bắt đầu quát mắng mẹ. Mẹ không hiểu bà ta nói gì nhưng bà ta cứ chỉ vào áo của mẹ và nói đi nói lại. Chắc bà ấy bảo đó là lỗi của mẹ khi đi qua đường mà lại không cài áo để nó bay phấp phới. Mẹ bảo với bà ấy là mẹ xin lỗi vì đã gây ra rắc rối rồi bỏ về nhà. Tối đó, khi mẹ kể cho ba con thì ông ấy lại nổi giận với mẹ. Ông ấy nói: “Bà không nên nhận là mình sai, không bao giờ. Cái giây phút mà bà nói ra điều đó là bà thua. Đáng lẽ bà phải đòi được ít nhất là tiền để sửa áo chứ!” Nghe những lời này mẹ chợt nhận ra rằng ba con không muốn nghe bất cứ lời chỉ trích nào liên quan tới việc chuyển đến đây sống, và đó cũng là một bài học nữa cho mẹ.

Ba tháng đã trôi qua kể từ khi chúng ta chuyển tới đây. Tất cả đồ đạc mà chúng ta gửi qua đường biển cuối cùng cũng đã tới nơi, khiến mẹ cảm thấy nhẹ nhõm được đôi chút. Nhưng những đồ đạc đó không được phù hợp lắm với căn hộ hiện đại mà chúng ta đang ở. Ba con rất bực bội vì chuyện ấy. “Đáng ra phải mua đồ đạc ở đây.” Ông ấy càu nhàu. “Đồ Nhật thật chả có tí giá trị nào.” Mẹ bảo ba con rằng ông ấy nên quên chuyện đó đi vì chúng ta lấy đâu ra tiền để sắm đồ mới nhưng nói vậy chỉ làm cho ông ấy bực mình hơn và bảo đáng lẽ phải tính kỹ chuyện này trước khi quyết định. Mẹ nghĩ ba con đang dần dần trở lại con người thực của ông ấy. Lúc nào cũng giận dữ. Nhất là bây giờ khi trở lại sống trên đất của ông ấy, ông ấy càng đòi hỏi mọi chuyện đúng logic, trật tự và dễ dàng nổi khùng mỗi khi mẹ có trót làm gì sai.

Dạo này ông ấy và Yuriko rất hay ra ngoài đi chơi mà không có mẹ. Hình như Yuriko thích thế. Con bé rất hợp với con trai lớn của chú Karl (cùng làm việc trong nhà máy). Hai đứa rất hay gặp nhau.

Mẹ rất sửng sốt khi phát hiện ra ở đây cái gì cũng đắt. Đắt hơn mẹ nghĩ nhiều. Nếu đi ăn ngoài quán thì mỗi người phải mất tới hơn 2.000 yen mà lại còn không ngon nữa chứ. Những món đơn giản như natto, món đậu tương lên men mà mẹ vẫn thích ấy giá những 650 yen. Con có tin được không? Ba con nói đó là do thuế nhập khẩu. Nhưng mà hình như mọi người ở đây đều có lương cao thì phải.

À còn chuyện này nữa, công việc mới của ba có vẻ không được như ông ấy mong muốn. Mẹ không biết là do ông ấy không hợp với các nhân viên khác hay là do công việc kinh doanh của chú Karl hiện giờ không được thuận lợi hay là vì một lý do nào đó. Nhưng hễ cứ về đến nhà là mặt mũi ông ấy sưng sỉa, hỏi về công việc thì không trả lời. Nếu con mà ở đây chắc hai ba con suốt ngày cãi nhau mất. Nên con ở lại Nhật lại tốt. Yuriko thì cứ giả vờ như không biết gì.

Hôm trước, chúng ta tới thăm chú Karl. Mẹ làm một khay chirashi zushi (cơm sushi) để mang theo. Vợ của Karl, Yvonne, là người Pháp. Họ có hai đứa con. Đứa con trai làm việc ở nhà máy, năm nay hai mươi tuổi, tên là Henri. Còn đứa con gái vẫn đang đi học. Họ có nói tên con bé nhưng mẹ quên mất rồi. Nó giống hệt Yvonne. Cô ấy có mái tóc màu vàng nhạt, mũi khoằm, béo và chả xinh tí nào. Cả Yvonne và Karl đều choáng khi nhìn thấy Yuriko. Karl nói gì đó như, “Có phải lấy vợ châu Á thì sẽ có con gái xinh thế?” khiến mặt Yvonne sưng lên.

Điều đó lại khiến mẹ nghĩ tới phản ứng kỳ quặc của mọi người mỗi lần ba mẹ đi ra ngoài cùng với Yuriko. Trong công viên chẳng hạn, ai cũng nhìn ba người chúng ta với vẻ hiếu kỳ. Cuối cùng cũng có ai đó mạnh dạn lên tiếng hỏi ba mẹ đã nhận nuôi Yuriko ở nước nào. Ở đây có người từ khắp nơi trên thế giới và việc nhận con nuôi là rất phổ biến. Khi mẹ nói với họ rằng Yuriko là con đẻ họ có vẻ không tin. Mẹ đoán họ không thể chấp nhận việc một người phương Đông trông xấu xí như mẹ lại có thể sinh ra một mỹ nhân như Yuriko và điều đó làm họ khó chịu. “Bà cứ nghĩ quá lên!” ba con sẽ nói thế. Nhưng mẹ không thể nào kiềm chế được. Vì mẹ tin là thế. Theo mẹ, họ chỉ không muốn thừa nhận thực tế là một người thuộc chủng da vàng lại có thể sinh ra một đứa bé hoàn mỹ tới vậy. Thế nên mẹ thấy rất mãn nguyện khi nói, không, Yuriko không phải là con nuôi, chính tôi đã sinh ra nó!

Con nhớ viết thư kể cho mẹ biết con sống ra sao nhé! Ba con hẳn cũng sẽ viết cho con vài dòng. Cho mẹ gửi lời hỏi thăm ông ngoại nhé!