- Ái dà, lúc ấy có súng tôi bắn thằng ấy rồi.
- Thằng nào thế?
- Lại còn hỏi thằng nào. Cái thằng đã đến nhà tôi ấy. Hừm, thời suy quỷ lộng, nó định cộng vợ cộng chồng đây mà.
- Hầy, ông cũng thế thôi! La lối om sòm làm gì!
- Hớ hớ…
Ồn ào trong trụ sở. Gần chục cái ghế băng đã kín chỗ. Người đại diện các hộ đến sau, ngồi tràn cả ra hiên.
Câu chuyện bắt đầu từ mồm lão Sếnh. Cứ xem khẩu khiếu của lão thì biết công việc trong thôn thuận, nghịch thế nào. Dạo này lão quên chuyện na nủ Lồ, đi đâu cũng lô loa, huyên thuyên chuyện cán bộ hiếp con gái Hmông. A Sinh cáu: "Chỉ có con chuột mới đi rúc các xó xỉnh như ông thôi, ông Sếnh”. Lão chun mũi: A, số tôi là cái cành đa trên mặt giăng, xuống trần phải đi lang thang mà.
Từ mồm lão Sếnh câu chuyện được đà lan sang chuyện khác. Chỉ mấy hôm, góc thôn nào cũng thầm thì: Việt Minh miệng nước bụng lửa đấy. Đừng cho nó ba cùng. Nó ba cùng để điều tra bắt thuế đấy. Nó nói khoan hồng, nghĩa rằng là: trước là khoan, sau là hồng, là huyết, là máu. Pháp có tàu bay, bay cao nom thấy cả cái hoa bí nở trên nương. Bom nguyên tử Mĩ nổ thì con kiến cũng chết, Việt Minh thua là cái chắc.
Nhìn sang Pao ngồi ở cạnh cái bàn trong góc nhà, thấy Pao mặt nặng bình bịch chẳng nói, A Sinh đâm ra bực cả với Pao. A Sinh đập cánh cửa đánh thình:
- Này, ông Sếnh, cái mồm không có răng để gió lọt nhiều quá đấy.
Bấy giờ ngoài cửa có bóng một phụ nữ. Pao liền đứng dậy, nhẹ nhõm: "Mời bà, bà Doa, mời bà vào đây!” Bà Doa đã đến. Bà bế thằng Quang Duy, theo sau là Quang Ngọc đeo cây ghi-ta. Váy áo mới, nét thêu sặc sỡ, rủng rẻng vòng cổ, xà tích bạc, và trẻ ra đến hai chục tuổi, rạng rỡ, hồng hào, tự nhiên và có phần trịnh trọng. Bà tự biết cái thế bà cô đang được kính nể của bà trong dòng họ hay sao?
- Chào các bà, các ông, các cháu.
Bà vừa bước vào cái ghế Pao dành riêng. Thằng Quang Duy trên tay bà quay ra cửa nhìn bố, miệng hẹ hẹ. Ngọc dựng cây đàn ghi-ta ơ cửa, tặc tặc lưỡi với con. Mấy hôm nay, nghe Na kể về bà cụ Doa, Ngọc hay đến chơi với bà, nghe bà hát dân ca.
Ngoài cửa, đã thấy hố pẩu và Giàng Súng đi sóng đôi với nhau, cả hai đều một thái độ lãnh đạm giống nhau, cùng bước vào.
Khó khăn rồi. Mặt hố pẩu đã nói lên tất cả điều đó. Pao đứng dậy, cảm thấy khó nhọc quá vì phải cất lời.
Bồm bộp tiếng vỗ tay sau khi Pao vừa nói xong. Ai vỗ? Ông Giàng Súng! Thật thế!
Nhổm ngay dậy, ông lý trưởng thời cũ, xắng xở:
- Chủ tịch Pao nói đúng! Đúng quá! Có người nói: Chính phủ Việt Minh tốt gì mà lấy thuế nhiều quá, tốt gì mà cán bộ lại làm hại đời con gái Hmông. Nhưng tôi nói: Chính phủ này tốt. Đấy, như cháu Pao. Hạ giọng, lão giáng Pao xuống hàng con cháu - Cháu đến nhà tôi, bảo bây giờ dân đang đói, bác cho dân vay ăn đi. Tôi còn ít ngô, ít thôi, nhưng cũng bằng lòng ngay. Chỉ lấy lãi hai mươi phân thôi. Thiệt tôi một tí, nhưng lại lợi nhiều. Lợi là Chính phủ không phải đem ngô, gạo đến cho dân. Lợi là tôi chết có người đi đưa đám.
Súng vừa dứt, lão Sếnh bật dậy:
- Hôm nay họp để kể khổ á? Thế thì người Hmông ta khổ nhiều đấy.
- Nói xây dựng, ông Sếnh nhé - Giàng Súng đế.
Lão Sếnh gật đầu:
- Khổ thật chứ. Xương người Hmông còn phơi trắng ở Hầu Thào kia kìa.
- Ồ! Nói thế là lệch ra một bên đấy.
- Ừ, thì nói công bằng. Công bằng là ai cũng tốt, ai cũng xấu. Na nủ Lồ cũng tốt. Na nủ Lồ cũng xấu. Con gái trên giời một vú, na nủ Lồ một mắt. Thế là xấu chứ. Lử cũng có cái xấu. Nó đạp tôi vào sườn. Răng nó bị sâu cắn.
Căn nhà ào lên tiếng cười.
Mặt Pao ê ê. A Sinh đập hai bàn tay vào nhau:
- Hai ông cứ như gà trống thi nhau gáy thế. Để mọi người nói với chứ.
Lão Sếnh hếch mặt:
- Ấy, nói hay nói tốt lại bị đi làm cán bộ đấy, các bà ạ.
Sinh tím mặt:
- Ai cũng biết nói cả đấy. Đừng doạ người ta!
- Mày doạ tao đấy à? Mày chỉ là cái cọc rào thôi, A Sinh à.
- Im đi, Tôi là chủ ở đây.
- Á.
Giàng Súng quài tay, xua xua, miệng kêu ài ài:
- Thôi, tôi can. Ông Sếnh đúng. Mà A Sinh cũng không sai. Người Hmông ta có câu: Đàn bà tựa như cái chõ đồ cơm ngô. Có phải không, hố pẩu? Tất cả các con mắt đều dồn về hố pẩu. Mặt hố pẩu như mặt pho tượng, vô cảm, hai mắt nhìn thẳng đi đâu, đôi môi mim mím. Những lúc người nói đông, kẻ nói tây thế này, hố pẩu là đại diện cho sự mực thước, chín chắn, hố pẩu phải lên tiếng chứ. Vậy mà hố pẩu lại im.
Pao hiểu rằng bất đắc dĩ cha anh mới đến dự cuộc họp này. Cũng như anh, anh cũng phải dằn lòng để có mặt ở Can Chư Sủ những ngày này. Nhưng, chính điều ấy lại khiến Pao nhận ra một cách sâu sắc rằng: Đời bây giờ cần phải có Pao. Pao đã xuất hiện giữa cơn giông bão tròng trành của đời để thay thế tất cả những kẻ đại diện cho dân tộc Pao từ trước tới nay. Còn đớn đau riêng thì Pao phải cắn răng mà chịu thôi!
Vậy thì Pao phải bước vào cuộc tranh luận.
Nhưng, Pao chưa kịp đứng lên, Pao đã bị bất ngờ. Bà Doa đưa thằng bé Quang Duy cho Quang Ngọc, đứng dậy, xà tích thả lóng lánh một sợi dài, vuốt hai mép, chắp tay, khoan thai:
- Ông Sếnh nói vậy là chưa công bằng. Thật là Hmông ta khổ đấy. Ta nhìn cũng thấy chứ. Đánh nhau chỉ có người Hmông, người Kinh chết, chứ có thấy xác thằng Tây, thằng Mĩ đâu. Thằng Tây nó xui ta hại nhau đấy, bà con à.
- A! Cái lý hay đấy! - A Sinh vỗ tay bộp bộp.
- Nó xui thằng Lử gây phỉ - Bà Doa nói tiếp - Nhưng trời của thổ phỉ đã tối rồi còn đâu nữa. Để tôi chuyện này hầu các cụ, các ông, các bà…
Bà Doa nhìn quanh. Bà kể lại việc bộ đội Na đã cứu cháu gái bà khỏi bị bỏng lửa. Giọng bà hơi rướn lên, rồi lại hạ xuống, trầm bổng, mượt mà. Lời bà như lời bài hát. Bà bảo: Có lý nào người không muốn làm người lại chui rúc trong hang làm con thú. Bà bảo: Chính phủ đánh Tây, Tây thua, sợ gì kẻ gây phỉ mà không cho quân lính đi bắn chết hết. Nhưng, chính phủ thương dân, muốn con người đã hoá hổ được trở lại thành người.
- Tôi kể câu chuyện hoá hổ cho bà con nghe nhé - Bà hạ giọng, thì thầm - Xưa, có một tên vua ác độc…
Căn nhà im lặng, phập phồng.
Lời bà Doa như ngọn lửa nhỏ.
Pao nghiêng đầu. Chuyện xưa vận vào đời nay hợp quá. Tên vua làm người em khổ quá hoá hổ. Anh đi cứu em, phải giết cả bọn hổ thật. Em muốn trở nên người phải đào hố, lót lá han, nằm liền mười ba ngày…
Pao muốn reo to khi bà Doa vừa ngừng lời. Nhưng Pao đã tắc nghẽn tiếng reo. Hố pẩu vừa hất mặt lên. Cái cằm nhọn hếch như chọc vào mặt Pao:
- Hừ, thằng Lử thành hổ ác rồi. Nó có tội. Ừ, nó có tội. Nhưng chỉ có tội với dòng họ Giàng thôi. Không phải có tội với Việt Minh các người!
Pao như bị một cái tát tối tăm mặt mũi. Quanh Pao lặng tờ. A Sinh bước ra cửa, mặt lầm lì bực bội.