Vết thương nhức tấy, Chính sốt li bì.
Nhưng, dường như cả về mặt cơ thể, anh cũng được cấu tạo bằng những chất liệu đặc biệt. Sức lực của anh vẫn còn khoản dự trữ dồi dào để chế ngự cơn đau. Anh vẫn nhận biết được những gì đang xảy ra xung quanh. Anh biết sau khi anh bị ám sát, hố pẩu lo đến xanh xám mặt mày. Ông đã định trốn đi và xóm làng xôn xao lo sợ về một cuộc trả thù của Việt Minh. Ngày thứ ba, Chính tỉnh dậy, đúng lúc Khả tới.
- Báo cáo anh - Khả lập cập - Báo cáo anh, Pha Linh giải phóng hoàn toàn rồi!
Chính mở choàng mắt. Khả mừng rỡ, láu táu:
- Báo cáo anh, anh Đắc gọi điện về sáng nay. Đã đập tan sào huyệt phỉ của Châu Quán Lồ. Theo đúng chỉ thị của anh, đánh tan chứ không đánh tiêu diệt. Anh Đắc xin ý kiến anh để triển khai công tác phát động quần chúng. Còn ở Can Chư Sủ đây, báo cáo anh, quần chúng đã chuyển mạnh. Các hiện tượng chống phá, như phao tin đồn nhảm, cắt điện thoại, đe doạ người tốt đã giảm hẳn. Các gia đình đang nô nức đi gọi chồng con về. Tên phỉ về hàng đầu tiên là cậu Giống, con bà cụ Doa.
- Hiện Giống ở đâu?
- Báo cáo anh, anh Na đưa cậu ấy đến trình diện uỷ ban xong lại đưa cậu ấy về gia đình.
- Dặn các đồng chí tuyệt đối không được truy chụp, trù ép. Nếu cậu ấy thiếu thốn, phải giúp đỡ.
Thấy Chính chống tay, Khả đã định đỡ. Nhưng không, Chính chỉ đẩy người lên cao chút ít, rồi lại nằm xuống, đầu ngửa, chân duỗi dài và đôi mắt hơi khép lại, lim dim vừa mệt mỏi vừa sung sướng. Cuộc sống đã khẳng định niềm tin của anh. Không, còn hơn thế nữa, cuộc sống đã xác minh những điều anh dự tính. Sai lầm đã xảy ra, sẽ còn xảy ra, một khi người lãnh đạo không nắm bắt, vận dụng được quy luật của cuộc sống. Có điều là, phải biết dũng cảm nhận sai lầm và trăn trở, sửa chữa. Phải dám nhận và kiên quyết sửa chữa bằng được, nếu như đã mắc lỗi lầm.
Chính bỗng mở bừng mắt.
- Ông cười gì thế, ông Khả?
- Dạ - Khả ấp úng, gãi gãi gáy - Dạ, để báo cáo anh vài việc nữa ạ. Tên Vận, tôi đã có công văn truy nã. Tả Van Chư, Lũng Phìn đang vào bước một. Dạ, Lử và tàn quân của nó hiện đóng trong một cái hang. Còn một việc quan trọng nữa là Trung ương có điện mời anh về báo cáo… Hừ… anh vất vả quá - Khả thở một hơi dài, chép miệng, trở lại câu hỏi của Chính - Anh vừa hỏi, tôi có cười gì đâu! Nhưng anh cho phép nói thì tôi xin bộc bạch.
- Ông nói đi.
- Quả thật, mấy hôm rồi, tôi rối ruột rối gan. Ngộ nhỡ, anh có mệnh hệ nào thì thật vừa ân hận, vừa đau uất.
- Sao lại thế?
- Hừ, chẳng lẽ chỉ vì vài ba cái thằng phỉ vớ vẩn mà mất một cán bộ cỡ…
- Không đúng! - Chính chồm dậy, như quên cả vết thương, - Đổi một bí thư tỉnh uỷ lấy cả một phong trào, không đắt đâu, ông ơi. Vả lại, cũng không nên tính toán như vậy. Ông Khả ạ, cuộc sống đầy các sự kiện mà mỗi sự kiện gợi cho ta nhiều suy nghĩ quá.
Chính ngồi hẳn dậy. Cái vai đau đã biến đi đâu. Hai con mắt thắp sáng hai đốm lửa lung linh. Tựa như có một nguồn sáng rực rỡ vừa bật lên, soi rọi toàn bộ những ý nghĩ, tư tưởng của anh, gọi chúng lại và hợp thành một hệ thống hoàn chỉnh, tràn ngập những tình cảm nhiệt thành.
- Ông Khả ạ. Có lẽ điều phát hiện lớn lao nhất của thế hệ mình là cái vai trò, sức mạnh của nhân dân. Nhân dân! Có từ nào kỳ diệu hơn cái từ ấy, hả ông? Có ai đó ngày xưa nói: dân là giặc đó mà. Ông nghe có sởn gai người không? Gạt những thứ gọi là quan điểm đi, mệnh đề ấy cho ta một ý niệm về sức mạnh của dân. Dân có thể là lực lượng phá phách. Dân có thể là lực lượng xây dựng vô tận. Điều hiển nhiên ấy, sao ta không thấy? Là người lãnh đạo, sao ta để dân phật ý? Sao ta chưa hết lòng săn sóc dân? Sao ta lại có lúc để dân dưới quyền những kẻ như tên Vận? Nhân dân, đó mới là những người ta phải phụng sự, phải trân trọng. Chứ không phải chúng ta. Tôi cứ áy náy mãi: các cơ sở Đảng, chính quyền của ta vừa qua có quán triệt cái ý tưởng ấy không? Có hiểu rằng việc chúng ta đang làm đây là biến một bộ phận dân đang lầm đường theo giặc, thành người của ta không? Dân, vừa là đối tượng phục vụ, vừa là đối tượng tác động của ta. Ông có hiểu ý tôi không?
Khả ngẩng lên. Anh không ngờ bí thư tỉnh uỷ nói say sưa và dài như thế. Trời, thì ra mấy ngày nằm liệt vừa qua lại là những giây phút suy ngẫm căng thẳng nhất của Chính. Chính không ngưng nghỉ. Vết đau không chạm đến nhân cách của Chính. Những riêng tư không bợn cợn trong lo nghĩ của Chính.
- Ông Khả này, tay mình còn đau. Nhờ ông viết hộ mấy cái chỉ thị gửi cho anh Đắc và các cơ sở…
Khả luýnh quýnh mở cặp bìa:
- Báo cáo anh, xin sẵn sàng.
- Mình nói, ông viết thành văn nhé.
- Dạ, anh yên trí, việc này tôi quen tay lắm.
Hình như vết thương vừa tấy nhói, Chính hơi nhăn mặt. Khả hốt hoảng đứng dậy, kêu: "Anh Chính". Nhưng Chính xua tay:
- Không sao! Ông viết đi. Chỉ thị cụ thể về đối sách trong từng trường hợp với thổ phỉ.
Khả trịnh trọng:
- Anh để tôi đọc lại đoạn này xem có đúng ý anh không ạ. E hèm… "Khi gặp phỉ bắt dân nộp gạo, xâm phạm tính mạng của dân thì vây bắt, tước súng. Nếu chúng không có vũ khí thì kêu gọi hàng, bắt; bắt xong giải thích rồi thả. Nếu phỉ chạy thì đuổi bắt, bắt không được thì bắn doạ, bắn doạ thôi. Với đầu sỏ phỉ, nếu nó chống cự, du kích địa phương có yêu cầu thì mới bắn chết…". Có đúng tinh thần của anh không, anh Chính!
Khả nói thật to, Chính đang nằm im lìm như ngủ. Tưởng là Chính mệt thiếp đi, nhưng Chính đã mở mắt, nhăn nhăn trán:
- Ông cần nhấn thật mạnh vào tinh thần của vấn đề. Cái hồn của chính sách là thế nào, cần nói cho rõ. Tôi sẽ xem lại. Ông ghi tiếp nhé…
Mải mê làm việc, Chính và Khả không biết hố pẩu Giàng Lầu đã về từ lúc nào. A Sinh và chiến sĩ Tếnh cũng tới tìm Pao. Pao bàn với họ việc cấp phát vải cho những người nghèo trong thôn. Hội ý ở ngay sân.
Xong việc, Pao đi vào nhà. Pao đứng lại trong gian bếp cám. Cạnh bếp, hố pẩu ngồi. Góc bếp, Seo Cả mặt úp vào tường, tay vịn vách, chân đặt trên phiến gỗ, dưới là một khúc gỗ tròn đang lăn trên một tấm lanh mới nhuộm. Chị đang là vải.
Tĩnh mịch, buổi trưa mùa hạ, ở rất xa ve kêu từng chặp nhịp ba lanh lảnh. Tiếng Chính, Pao nghe rất rõ. Có lẽ cả hố pẩu cũng nghe thấy. Ông cụ mím mím đôi môi, mặt căng căng. Khi Pao đi tới bếp, ông cụ ngẩng lên bảo Pao ngồi xuống uống trà. Pao thấy mắt ông cụ rơm rớm nước. Sau hôm Chính bị bắn, làng xóm nhao nhác lo sợ về một cuộc trả thù. Có người sợ, chạy trốn lên lều nương. Hố pẩu nói: "Cho tôi chịu hình phạt". Lúc ấy, Pao gắt mà đau xót: “Người cộng sản không thế đâu. Người cộng sản không ưa gây đổ máu, gây đau thương cho người khác đâu, cha à!"
Tư tưởng ấy của Chính, Pao biết. Pao cũng như vậy. Pao về làng, Pao tận tuỵ hết lòng với công việc không phải vì mối thù riêng, để trả thù riêng. Mối tình của anh với Seo Cả làm anh tê dại cả cõi lòng, nhưng không phải chỉ vì chuyện ấy mà anh căm uất Lử, lão Giàng Súng…
Pao hiểu điều đó ở Chính. Nhưng Pao không thể ngờ rằng Chính đang kiệt sức vì vết thương nặng, lại có thể biểu hiện lòng nhân hậu cao quý một cách sáng suốt, tỉ mỉ, cụ thể, không một chút định kiến, hằn học như thế. Con người ấy dường như được cấu tạo bằng một chất liệu khác thường, khác với Pao.
- Anh Chính!
Pao bước nhanh tới giường Chính. Khi ấy, Khả đã về, hố pẩu lật đật bê ấm trà tới đầu giường Chính. Pao nắm tay trái Chính.
Đây là lần đầu tiên, kể từ ngày Chính bị thương, hai anh em gặp riêng nhau. Mắt Pao đầy trắc ẩn. Xúc động làm Pao rối bời:
- Anh Chính à, dân tộc Hmông có lỗi với anh.
- Pao!
Chính khẽ kêu, rụt tay khỏi tay Pao:
- Dân tộc Hmông không có lỗi!
- Thế thì tôi có lỗi. Đã có lúc tôi muốn bỏ đây đi. Tôi còn tự ái. Lúc thấy Vận nó sai, lúc chưa thông chính sách, tôi cứ im lặng. Tôi chưa phải là người Cộng sản hoàn toàn.
- Đừng có dằn vặt mình thế, Pao. Kìa, đừng thế Pao.
Pao cúi xuống rồi lại ngẩng lên. Mắt Chính đầy vẻ khích lệ. Cuộc sống là như thế. Ai có thể tiên liệu được tất cả? Có điều là phải luôn nhạy cảm và năng động, cố gắng để làm chủ được sự vật, làm chủ được mình. Phải, làm chủ được mình trong cả những trường hợp éo le nhất.
Hai người cùng im lặng.
Trong gian bếp, hố pẩu nói cái gì đó với Seo Cả. Hình như ông cụ nhắc đã đến lúc làm vụ mùa, làm cỏ lanh. Seo Cả không đáp. Cái bàn lăn vải vẫn chuyển động, phát ra một âm điệu dịu dàng