Dân làng ơi!
Người Hmông mình bao đời sống lầm than
Vì loài hổ ác dạ tham tàn.
Tiếng hát giập giờn trong làng, bập bùng đó đây như những ngọn lửa đỏ. Đó là tiếng hát của các tổ nhân dân họp hành, học tập chính sách sản xuất và gọi người còn lẩn trốn trên rừng về làng.
Sau khi Chính bị Lử bắn trộm, tựa như có cái gì bột phát, cái hàng rào cách bức giữa Việt Minh và người trong làng đã được nhổ đi nhiều khúc. Mối quan hệ hai bên đã bắt đầu trở nên gần gụi thân tình.
Nghe tiếng hát ấy mà Seo Cả khóc.
Là bởi vì khi sự cách trở giữa mọi người và Việt Minh đã giảm bớt thì cái hố sâu chia cách giữa chị và Pao lại rộng thêm.
Pao bỗng trở nên lạnh lùng với chị. Cái thai không còn, chị tự thấy mình chẳng còn mối liên hệ nào nữa với Pao. Mọi người xa lánh chị. Đau đớn quá, chị là vợ Lử. Vì dẫu thế nào chị cũng đã là vợ nó, nó đã cưới chị, chị thuộc về nó. Chị trở thành cái điểm để người ta trút oán hận. Chị có cảm giác như thế. Chị đứng ngoài tất cả các hoạt động của xóm thôn. Họp chị em phụ nữ ngay trong nhà hố pẩu, bà Doa nói: chị em ta phải gọi chồng con về. Đừng để lâu là nó hoá thành hổ dữ hết. Tôi sẽ gọi thằng Giống về. Gọi về cho nó làm người. Chị nghe những lời ấy mà khóc dòng dòng. Người ta gọi chị là vợ con hổ dữ rồi. Chị khóc, chị lo sợ vì thấy mình bơ vơ đứng giữa hai bên, bên nào cũng khinh miệt, ghét bỏ chị.
Chao ôi! Chẳng còn bao giờ chị được sống bình yên nữa rồi. Ra khỏi cái chết sau lần bị Lử đánh truỵ thai, nhưng giờ chị lại sống vất vưởng như bóng ma. Thể xác chị tiều tuỵ. Lòng chị tả tơi.
Dân làng ơi!
Người Hmông mình bao đời sống lầm than.
Tiếng hát vẫn ngân nga trong khi chị ì ạch đeo địu gạo, leo lên dốc cao. Chân chị không muốn bước mà cứ phải bước. Đã chót ăn lầm cơm ma, chót lạc bước tới quê ma, chót uống lầm nước ma, trở lại không được nữa rồi. Khốn khổ! Cái nghĩa vợ chồng là cái gì mà nó ràng buộc quá thế. Đã hai lần chị mang gạo lên cho Lử. Nhận gạo, thoả mãn xác thịt xong, nó đuổi chị về. Nó có yêu thương chị đâu. Lão Giàng Súng thỉnh thoảng lại ghé tai chị: "Tô pồ ua mào. Tô giở ư ua nào. Đàn bà làm cơm. Đàn ông ngồi ăn. Cái lý người vợ phải thế, cháu Cả à". Ôi chao! Khi đã kiệt sức, khi không còn nơi nương tựa thì chỉ có mỗi cách sống là phó mặc đời mình cho số phận thôi.
Leo tới đỉnh núi, tai chị ù ù. Chân vấp đá chị cũng không biết đau. Chị đến trước một cái hang từ lúc nào không biết nữa.
- Chị lại lên đấy à?
Một cái bóng đen to lù lù ra cửa hang dắt chị vào. Tiếng nó nói nghe quen quen. Chị liền bật gọi: "Anh Giống!". Nhưng cái bóng quay lại, xua xua tay:
- Vào xứ ma xứ quỷ đừng nói to thế!
Giờ thì quanh chị nhộn nhạo toàn ma! Chúng giằng cái địu, lục lọi. Có đứa vốc cả nắm gạo ập vào mồm, nhai rào rạo. Sợ quá chị nhắm tịt hai mắt. Nhưng Lử đã đến trước chị. Lử đấy! Dẫu sao, chị vẫn nhận ra hắn. Hắn ngày càng xa giống người. Tóc hắn dầy như lông gấu. Mặt hắn là mặt khỉ. Mồm hắn phả hơi tanh lợm vào mặt chị.
Chị lui lại. Hắn tiến thêm. Hắn nổi cơn thú vật. Những con ma khác reo à à. Hình như chúng vật nhau. Một con kêu the thé: "Đ. mẹ thằng Giống nhé!".
- Thế nào, mày lên đây, có đứa nào biết không? Đ. mẹ, làm phản thì ngắn hai, dài một nhé.
- Tôi không biết!
- Chị lắc đầu Lử hất hàm:
- Thằng Việt Minh đầu sỏ thế nào?
- Tôi không biết.
- Nó bị tao bắn, chết cha nó rồi chứ?
- Tôi không biết.
Chị lùi. Bấy giờ sấn đến trước mặt chị sao mà nhiều bóng ma thế. Mắt chúng hau háu. Mồm mũi chúng thở phì phò. Chúng thèm khát chị. Chị bủn rủn.
"Ta sẽ chết mất thôi!" Chị thở hắt ra.
Nhưng Lử bỗng quay phắt về phía sau. Lũ ma cũng rời chị. Việc gì thế? A! Chúng đánh lẫn nhau. Thế là chị quay đầu, đâm sầm ra cửa hang.
Seo Cả chạy. Chân chị có mắt hay sao mà chị vượt qua được khu rừng u tối ấy. Và bây giờ chị đã xuống tới lưng núi, chị giụi xuống, mệt rã. Nhưng chị lại chống tay đứng dậy. Hình như chị vừa thành một người khác. Chị vừa nảy ra một ý nghĩ quyết định: “Ta không bao giờ trở lại đấy nữa”. Chị tỉnh táo và bỗng giật thót mình. Cạnh chị, con chim ừ ăn đêm vừa vụt bay ra từ một cái bụi rậm. Và phía trước chị có tiếng chân người. Chị thấy thèm sống quá. Chị lao vào bụi rậm thay con chim ừ, nằm im.
Trên đường mòn, có ba người đeo súng, lưng khoác nồi gang. Người đi đầu còn dáng thiếu niên. Người thứ hai to ngang. Người đi sau, dong dỏng, dẻo dai.
- Khéo mìn đấy, Pùa. Đi chậm lại! Chân nhấc cao lên! Bọn nó hay gài mìn ở những đoạn bên đường có bụi rậm, nhớ nhé.
Người thứ hai kéo tay người đi đầu và dấn lên.
- Anh Na, gặp mìn có sợ không?
- Biết thì không sợ. Hồi đánh Pa Kha, đồng chí Tích trung đội trưởng đi trinh sát, gỡ hơn năm chục quả mìn. Lần trong đất, thấy nó, cho cái kim băng vào gài chốt lại là yên trí.
- Giỏi nhỉ.
- Đồng chí Tích có một lần vướng mìn chuối mà thoát mới giỏi. Quả mìn nảy lên, ngang lưng người là nổ liền. Xưa nay, không ai thoát. Thế mà đồng chí Tích cầm cái gậy gạt phắt đi rồi nằm ập xuống.
Người đi sau rốt nhấc khẩu tiểu liên qua vai, buông thõng:
- Thế mà chết vì tay đồng chí của mình!
Người tên Na quay lại:
- Đồng chí Tếnh! Tôi đã nói rồi! Thằng Vận không phải đồng chí. Nó là con rắn độc lọt vào hàng ngũ chúng ta!
- Thế sao lại thả nó? Chính vì nó mà anh Seng tôi chết. Thằng ấy phải bắn. Vừa rồi nó lại buôn lậu ở Can Chư Sủ, quan hệ với con Seo Váy, gây bao tiếng xấu… Hừ!
- Đang lùng nó đấy, Tếnh ạ.
Người thiếu niên quay lại:
- Phải tìm cả lão quản ma nữa, anh Na ạ. Lão ấy mất tăm đi đâu. Em nghi là nó lên với Lử. Biết thế em bảo các anh bắt nó từ hôm nó cắt dây điện thoại.
- Chưa bắt được!
- Sao?
- Bắt ông quản ma, hố pẩu nghĩ thế nào? Anh Chính bảo thế.
- Cha em hồi này thế nào ấy. Cả chị Seo Cả cũng thế.
- Hai người ấy thật khổ. Cái khổ ấy thằng Lử gây nên. Em Pùa này… thế còn em?
- Lử không còn là anh em nữa. Em chỉ có anh Pao.
Ba người đi qua cái bụi rậm Seo Cả ẩn mình. Chị nín thở. Chị hiểu đó là ba chiến sĩ tuần tra. Họ đi rồi, chị mới ngồi dậy. Tâm trí chị bỗng dưng xao động quá. Thằng Pùa thì dứt khoát rồi. Còn chị?
Chị vừa định chui ra khỏi bụi rậm lại vội thụt vào. Có tiếng chân nhiều người đang đi ngược lại. Chị vội nằm co, im thin thít như con cuốn chiếu ngủ.
Ba chiến sĩ vừa nãy đã quay lại cùng với một người nữa, tay cầm một cái khăn trắng. Họ dừng lại ở cạnh bụi cây Seo Cả nằm.
Người tên Na cười, vỗ vai người cầm khăn trắng.
- Sao lại biết cầm khăn trắng?
- Tôi đi lính từ hồi Tây…
- Bây giờ còn sợ Việt Minh không?
- Không. Mẹ tôi nhắn tôi về. Mẹ tôi bảo bộ đội chính phủ tốt. Về làm người. Tôi bảo Lử thế, nó định giết tôi. Tôi đánh nhau với nó rồi chạy về.
- Súng đâu?
- Để ở đằng kia.
Người tên Tếnh bước tới:
- Này, anh Giống, về thế là tốt. Vụ mùa đến rồi đấy.
- Các anh trói tôi đi, phạt tôi đi.
- Trói, phạt anh làm gì?
- Tôi có tội to.
Người tên Na cười hì hì, lại vỗ vai Giống:
- Này, anh Giống biết chỗ ở của bọn Lử chứ?
Trong bụi rậm, Seo Cả cựa mình. Chị có cảm giác anh bộ đội hỏi chị, cũng câu hỏi ấy.