- Cô còn gì có thể nói cho tôi biết về hai người đàn ông ấy không? Màu tóc của chúng? Mắt của chúng.
Nàng day qua nhìn người cảnh sát mặc sắc phục đứng cạnh giường và khẽ lắc đầu.
- Tôi chỉ nhớ được là cái mặt heo – Nàng nói rất chậm, mặt cứng đờ vì bị sưng ở hàm và má – Và trông hắn độc ác quá chừng, với hai cái răng nanh lòi ra, như nanh heo rừng, nhưng cái mặt nạ màu hồng.
Người cảnh sát hỏi tiếp:
- Còn đứa nắm tay cô từ phía sau? Cô bảo nó dùng bàn tay bịt miệng cô. Nó có đeo nhẫn ở tay không?
Remy nhắm mắt, cố nhớ xem có cảm giác về kim khí gì không. Nàng nói:
- Tôi nghĩ là không – Nàng bắt đầu thở dài, rồi nhăn mặt vì đau nhói lên không thở được – Lòng bàn tay hắn đầy mồ hôi, tôi nhớ thế, và mấy ngón tay thô lỗ, chai cứng.
- Còn đứa kia thì sao? Đứa mang mặt nạ heo? Nó có đeo nhẫn không, hay đồng hồ không?
Nàng cố hình dung bàn tay phải của hắn hoa lên đánh vào mặt nàng.
- Tôi gần như chắc chắn ở bàn tay phải của hắn không có gì cả. Nhưng… không biết về bàn tay trái của hắn.
Anh ta ghi chép rồi gấp cuốn sổ tay lại:
- Nếu cô nghĩ ra điều gì khác nữa, cô Jardin, chỉ việc gọi cho bót cảnh sát.
Một lần nữa Remy khẽ gật đầu đồng ý, và không nói gì về lời cảnh cáo đưa ra trước khi chúng đánh nàng. Nàng không thể nói, vì đã nói thì không thể không nói hết với anh ta, kể cả các lời cáo buộc của công ty bảo hiểm rằng đã bị lường gạt. Những người đầu tiên đã đến giúp đỡ nàng sau khi bị đánh là người từ ngoài tiểu bang đến. Họ đã tự động suy đoán rằng họ đã chứng kiến một vụ đánh đập người, nói cho cùng, đây là thành phố New Orleans to lớn và tội lỗi, và những chuyện như thế thường xảy ra ở đấy. Đến khi Remy đã tỉnh lại để nói được, nàng đã nhận thấy tốt hơn là để cho mọi người tưởng là một vụ đánh người. Và ai cũng đã tưởng vậy nên không ai hỏi han gì cả.
bức màn xanh lục vừa khép lại sau khi người cảnh sát ra đi, thì Remy nghe tiếng mẹ nàng lo lắng hỏi:
- Nó có khoẻ không? Nó đâu rồi? Tôi muốn gặp nó.
Một giây sau, bức màn bị vén ra và bà Sibylle Jardin hấp tấp bước vào. Bà không thuộc hạng người vặn hai bàn tay vào nhau mà kêu than. Bà hơi bủn rủn khi thấy Remy nằm đấy, một gò má đỏ au và sưng húp, một con mắt bị quầng thâm ở dưới, một bên quai hàm bầm tím. Nhưng bà chỉ do dự một phần giây, rồi bước ngay đến bên Remy đưa tay vuốt tóc nàng.
- Remy, tội nghiệp con tôi! – Bà thì thầm và cắn môi dưới.
- Con không sao, chỉ đau thôi – Remy cầm bàn tay mẹ và bóp để bà yên tâm.
Rồi thì Gabe cũng bước vào, đứng chờn vờn phía bên kia giường, vẻ mặt căng thẳng, tức giận, da tái mét.
- Ai làm chuyện này, Remy? Chúng nó ra sao?
Nàng nghe giọng anh nàng run lên vì tức tối.
- Em không biết. Chúng mang mặt nạ.
Anh ta quay qua một bên, rồi day lại:
- Mà em làm gì ở khu Quartier mới được? Em đã bảo sẽ ở nhà và nằm nghỉ bên hồ bơi. Tại sao em không làm vậy? Tại sao em phải ra ngoài mới được chứ?
- Gabe! – Mẹ nàng đưa mắt bảo anh nàng im lặng, không hỏi nàng dồn dập nữa, nhưng Remy biết đó chỉ là tạm thời. Không sớm thì muộn nàng cũng sẽ phải trả lời các câu hỏi đó.
- Anh rất tiếc. Chỉ vì… - Anh ta bực tức.
- Mẹ hiểu – Mẹ nàng lẩm bẩm.
- Con tôi có mạnh lại không, bác sĩ John? – Cha nàng đứng ở chân giường, mặt tái xanh và run ray.
Remy liếc nhìn người đàn ông tóc bạc trắng đang đứng bên cạnh ông. Nàng tưởng là sẽ thấy một ông già, thấp và gắt gỏng, nhưng bác sĩ John người cao lớn và kiêu hãnh, tạo ra sự thành thạo và tười cười.
- Tôi đã hỏi ý kiến người y sĩ thường trú khám cho cô ấy khi nhập viện. Phần lớn các vết thương chỉ nhẹ thôi. Ông có thể thấy những vết bầm ở mặt và “cô ta” có một xương sườn bị nứt rạn.
Remy nghe được và nói xen vào:
- Bác sĩ John, nếu “cô ta” có một xương sườn bị nứt rạn, thì ông ắt hẳn không còn cười như vậy.
Ông ta cười khúc khích:
- Nghe cô ấy nói chưa. Điều ấy chúng minh lời chẩn đoán của tôi không sai, Frazier ạ. Đến ngày lễ Mardi Gras, các vết bầm sẽ hết và cô ấy sẽ khiêu vũ như thường, ít nhất là những bản nhạc chậm.
- Như vậy chúng tôi có thể đưa cháu về nhà không? – Mẹ nàng hỏi.
Ông bác sĩ do dự một lát trước khi trả lời:
- Tôi muốn giữ cô ấy ở đây qua đêm nay, chỉ để theo dõi. Phải lưu ý đến chuyện đã xảy ra cho cô ấy ở Pháp gần đây.
Khi nghe ông nói, Remy thấy nhẹ nhõm cả người. Nàng không muốn về nhà ngay tối nay trong khi toàn thân còn đau như dần, và chỉ việc thở cũng còn khó nhọc. Ngày mai. Nàng sẽ nói cho gia đình biết về lời cảnh cáo trong ngày mai. Nàng biết sẽ có cuộc cãi vã, và nàng không sẵn sàng để chịu đựng.
- Vâng, tôi nghĩ rằng để Remy lại đêm nay thì tốt hơn – Cha nàng tán thành.
- Tôi sẽ sắp xếp cho cô ấy có một phòng riêng – Ông nháy mắt với Remy – Và một cái áo dài của bệnh viện, bảo đảm là chống lại bọn côn đồ.
- Đúng như tôi cần có – Remy nói, chẳng vui chút nào.
Một giờ sau, nàng ở trong một phòng riêng, xa sự nhộn nhịp của phòng cấp cứu đầy tiếng chuông reo, tiếng người khẩn trương và tiếng rên của người bị thương. Nàng nằm trên giường bệnh viện, đôi mắt nhắm lại, không ngủ, cũng không nghĩ, chỉ đau, nhưng dù mà không bị quấy rầy, không có mẹ nàng sửa lại cái gối hay anh nàng cứ hỏi nàng muốn uống gì không. Nàng chỉ nhắm mắt lại là họ để nàng yên. Mẹ nàng ngồi một bên giường. Remy có thể nghe tiếng bà lật từng trang một tờ báo ảnh. Gabe ở cửa sổ, hết đi đi lại lại, lại đứng yên, cách đó mấy phút hoặc lâu hơn. Nàng không còn ý thức về thời gian, và lặng lẽ tự hỏi còn bao lâu nữa mới hết giờ thăm viếng. Đến đó tất cả sẽ phải ra về.
Khác với khi ở Nice biết chừng nào, khi đó nàng mong muốn đến tuyệt vọng có gia đình chung quanh mình. Bây giờ có họ ở đây thì nàng lại muốn ở một mình để có thể nghỉ ngơi… không, cái đó không đúng, để nàng có thể suy nghĩ.
- “Đừng hỏi han gì nữa, và ngậm miệng lại”. Người đàn ông ấy đã nói. Hỏi han về ai? Ai cho lệnh những người đó đánh đập nàng? Không phải Cole. Anh ta không thể hành động như vậy. Nàng chắc chắn như thế. Như vậy phải chăng nàng đã sai lầm khi nghĩ rằng anh ta đứng sau vụ lường gạt này?
Nàng nghe có tiếng chân đi trong hành lang về phía phòng nàng. Không phải tiếng bước chân êm ái, ót ét của một cô y tá đi giày đế cao su, mà tiếng chắc nịch của giày da cứng. Những bước chân ấy tiến vào trong phòng và dừng lại.
- Nó ra sao? – Tiếng cha nàng hỏi.
- Có lẽ nó đang ngủ – Gabe rời cửa sổ bước trở lại. Remy nghe tiếng chân anh nàng dừng lại gần cửa ra vào.
- Tốt! Tôi vừa nói chuyện với bác sĩ John – Ông hạ thấp giọng nói như thầm thì, và Remy phải lắng tai nghe mới nghe được – Ông ta đang sắp xếp để chở chuyên Remy bằng máy bay đến dưỡng đường sáng mai.
Nàng trân cứng người lại để chống đối, rồi thấy dễ thở hơn khi nghe Gabe trả lời:
- Nó sẽ không chịu đâu.
- Nó không thể cãi lại. Nó đã nói dối với chúng ta, Gabe, và ba không thích chuyện đó. Có chuyện gì không ổn. Chúng ta không thể canh chừng nó từng phút. Nó cần ở một nơi có người luôn luôn theo dõi.
- Con đồng ý – Gabe trả lời.
Nàng không muốn đi, không thể đi, nhất là trong lúc này. Nhưng làm sao ngăn cản họ được? Nàng phản đối cũng không ích gì. Nếu nàng kể cho họ nghe về lời cảnh cáo và một vài điều nàng nhớ được về chiếc tàu dầu, và đêm ấy ở cầu tàu, họ lại càng quyết tâm bảo vệ nàng hơn bao giờ hết, và đem nàng đến một chỗ an toàn hơn. Nếu nàng phản đối quyết liệt quá, họ có thể thuyết phục bác sĩ John cho nàng một thứ thuốc gì đó. Rồi khi tỉnh dậy, nàng sẽ thấy mình ở dưỡng đường, và các bác sĩ ở đấy lại càng tin là nàng vừa bị mất trí nhớ và bị mất cả trí khôn. Lạy Chúa, nàng sẽ phải làm sao? Phải nghĩ ra một cách nào. Không thể để họ đưa nàng đi xa.
Nàng nhớ lại cái mặt nạ heo với cặp mắt nhỏ tí, ác độc, và hai cái răng nanh dữ tợn. Người đàn ông đã nói đó là lần cảnh cáo duy nhất dành cho nàng. Nếu nàng ở lại đây, nếu nàng còn hỏi nữa, nếu họ biết… Remy rùng mình và liền thấy đau nhói ở xương sườn.
- Remy! – Tiếng mẹ nàng dịu dàng lọt vào tai nàng một giây trước khi bàn tay bà sờ lên cánh tay nàng. Nàng từ từ mở mắt ra – Bây giờ chúng ta ra về, con yêu. Sáng mai sẽ trở vào thăm con.
Nàng lí nhí trong miệng để tỏ ra hiểu, rồi giả vờ ngủ lại.
Yên lặng. Remy bất giác nín thở và lắng nghe có tiếng động gì dù nhỏ ở hành lang bệnh viện bên ngoài căn phòng tối om. Không có gì cả. Lâu lắm nàng không nghe có tiếng di chuyển nào.
Nàng cuộn lại tấm chăn mỏng và tấm vải giường, rồi chống trên hai bàn tay và hai khuỷu tay, nàng cẩn thận rón rén ngồi dậy. Nàng phân vân không biết có dám bật cái bóng đèn nhỏ ở vách trên đầu giường lên không, rồi quyết định thôi. Nàng mò mẫm và tìm được máy điện thoại trên bàn cạnh giường, đỡ nó lên và đặt lên đùi.
Ánh sáng từ cửa sổ chiếu vào chỉ đủ cho nàng thay số để quay. Ở tổng đài người ta cho nàng số, và nàng quay số ấy.
- Remy đây! – Nàng nói thật khẽ, một mắt để vào cửa ra hành lang đóng kín – Tôi cần một chỗ để ở tối nay, và không biết gọi ai khác – Nàng gần như muốn thở ra vì nhẹ nhõm, nhưng không dám vì sợ đau - Chị đến đưa tôi đi được không? Tôi đang ở bệnh viện Charity… tôi khỏe mà. Chỉ bị bầm chút ít thôi. Tôi sẽ giải thích khi gặp chị… không, đừng vào trong, cứ chờ tôi ở ngoài.
Nàng đặt máy điện thoại lên bàn, rồi một nửa lăn, một nửa chuồi ra khỏi giường, cắn răng chịu đau sau mới cử động. Nàng thấy áo quần còn trong tủ áo, nhưng đau đớn vô cùng mới mặc vào được.
Khi đã mặc áo quần xong, Remy dựa vào tường để lấy lại sức, rồi lết tới gần cánh cửa nghe ngóng xem có tiếng chân hay tiếng sột soạt của các bộ đồng phục polyester không. Không có gì cả!
Nàng cẩn thận mở hé cánh cửa một chút xíu và dòm ra ngoài. Hành lang bên ngoài phòng trống trơn. Nàng mở hé cửa thêm một chút để dòm xem trong phòng trực của y tá có ai không. Có ba cô trong đó, đang nói chuyện khe khẽ với nhau. Không cô nào nhìn về hướng nàng. Nhưng muốn ra thang máy phải đi qua phòng họ, và nàng biết không có hy vọng gì làm được việc đó mà không bị thấy. Rồi nàng thấy cầu thang phòng cháy và lẳng lặng cảm ơn người kiến trúc sư đã vô tình đặt cầu thang ấy rất gần phòng nàng như vậy.
Nàng đếm đến ba rồi lách ra ngoài cửa, kéo lại cánh cửa khép hờ, vì sợ tiếng chốt cửa kéo to. Không cái đầu nào quay lại nhìn phía nàng cả. Ôm hông bên phải, Remy rảo bước qua hành lang về phía cửa xuống cầu thang.
5 phút sau, nàng ra cửa trước của bệnh viện. Nàng thấy một chiếc xe hơi đậu sát lề, máy vẫn để nổ cầm chừng. Nàng vội vàng đi đến xe, không một chút nghi ngờ mình đã làm không đúng, mà quyết định của nàng chỉ do một câu hỏi duy nhất thúc đẩy. Đó là, nếu không nhớ lại nàng đã thấy gì ở cầu tàu, nàng có thể an toàn không, dù ở đâu?