Việt Sử Tiêu Án ( 1775 )

Ngoại Thuộc Tùy Và Đường

Sau khi Lưu Phương đã bình được Giao Châu vua Tùy lại nghe người nói nước Lâm Ấp nhiều của báu lạ, bèn lại sai Lưu Phương đi kinh lược nước Lâm Ấp. Lưu Phương đem quân bộ kỵ ra lối Việt Thường, quân chiến thuyền ra lối Tỷ Cảnh. Vua nước Lâm Ấp là Phạm Chí chống cự lại, dùng quân cỡi voi to, quân Lưu Phương đánh không lại, bèn đào nhiều hố nhỏ, phủ cỏ lên trên, ra khiêu chiến giả thua chạy. Quân Lâm Ấp đuổi dấn, voi sa xuống hố, đổ ngã chạy rối loạn, quân tinh nhuệ theo đó tiến lên, mấy trận đều thắng, đi quá về phía đồng trụ của Mã Viện, 8 ngày đến kinh đô Lâm Ấp. Phạm Chí bỏ thành chạy ra biển. Lưu Phương vào trong thành lấy được 18 cái thần chủ thờ trong miếu, các thần chủ đó đều bằng vàng; rồi khắc bia đá ghi chiến công và mang quân về. Trận đánh này, quân sĩ bị phù thũng chết mất đến 4,5 phần 10, Lưu Phương cũng bị bệnh chết ở dọc đường.

Nhà Tùy cho Khâu Hòa làm Thái thú Giao Châu. Khi nhà Tùy nội loạn, Tiêu Xằn sai người chiêu dụ Khâu Hòa. Hòa không theo. Xằn nghe tin Hòa có nhiều châu báu, giàu ngang nhà Vua, bèn sai Ninh Trường Chân đánh Hòa. Hòa muốn ra nghinh tiếp, Cao Sĩ Liêm can rằng: "Quân của họ đi xa đến đây, thế không ở được lâu, trong thành ta có quân mạnh, còn có thể đánh được, làm sao mới trông thấy mà đã chịu ngay?". Hòa nghe lời, cho Sĩ Liêm làm Tư mã, mang quân ra đón đánh, phá được quân Ninh Trường Chân. Sau nhà Tùy mất nước, Hòa theo về nhà Đường, nhà Đường cho làm chức Đại Tổng quản Giao Châu.

Nhà Đường đặt ra An Nam hộ phủ, đóng ở Giao Châu.

Tại nước An Nam, có việc khởi loạn của Lý Tự Tiên. Nguyên theo lệ trước các lái hộ Lĩnh Nam chỉ phải nộp một nửa thuế, Đô hộ là Lưu Duyên Hựu bắt phải nộp cả toàn số. Các lái hộ mới oán, mưu với nhau làm loạn. Tự Tiên làm mưu chủ, Duyên Hựu giết Tự Tiên, đảng của Tự Tiên là Đinh Kiến tụ họp dân chúng vây phủ thành, giết Duyên Hựu. Quan Tư mã Quế Châu là Tào Huyền Tĩnh đánh giết được Kiến.

Ngươi Châu Hoan là Mai Thúc Loan giữ châu tự xưng là Hắc Đế, bên ngoài giao kết với nước Lâm Ấp và Chân Lạp, có đế 30 vạn quân, nhà Đường sai tướng quân là Dương Tư Húc đánh bình được.

Thúc Loan người làng Hương Lãm, huyện Nam Đường(1), nay có đền thờ ở thôn chợ Sa Nam(2), tức là nơi nhà ở của Thúc Loan.

Thời nhà Đường có Tống Chi Đễ bị tội đầy ra quận Chu Diên, gặp lúc Loan vây hãm châu Hoan, vua Đường bèn trao cho Đễ chức Tổng quản để đánh ông Loan. Đễ mộ được 8 người tráng sĩ mặc áo giáp dày, kéo đến tận chân thành mà hô to rằng: "Hễ bọn người Lèo hành động tức thì giết chết"; 700 quân đều phục xuống không dám đứng dậy, mới bình được. Đương thời nội thuộc, Mai Hắc Đế không chịu bọn ngược lại kiềm thức, cũng là người xuất chúng trong đám thổ hào. Việc thành thì làm nên Lý Bí hay Triệu Quang Phục, không thành thì làm Phùng Hưng, Mai Thúc Loan. Cho nên nêu rõ ra, viết hai chữ to "châu dân" là khen việc làm ấy đó.

Một người dân Giao Châu là Đào Tề Lượng họp đảng, đánh cướp thành ấp. Mẹ Tề Lượng là Kim Thị thường lấy trung nghĩa dạy Lượng, Lượng ngoan cố không nghe. Bà mẹ tuyệt tình với Lượng, tự làm ruộng mà ăn, tự dệt vải mà mặc. Vua Đường nghe tiếng, xuống chiếu cho hai người đinh tráng hầu hạ, nuôi nấng, sứ giả ở bản đạo phải quanh năm đi lại hỏi thăm bà suốt đời.

Nước ta có người quận Cửu Chân là Khương Công Phụ có tài cao, đỗ Tiến sĩ, làm quan với nhà Đường, dần dần thăng đến chức Hàn Lâm Học sĩ. Công phụ tâu bày việc gì đều tường tận xác đáng, vua nhà Đường trọng lắm, tiến lên chức Trung Thư môn hạ Bình chương sự. Vì việc nói thẳng trái ý Vua (can việc hậu táng Đường An công chúa) mà bị bãi. Công Phụ người làng Sơn Ôi đất An Định, cha là Đĩnh, em là Công Phụ cũng đỗ Tiến sĩ. Công Phụ thường theo việc trong lúc hiểm nghèo, tâu bày việc gì đều có ích cho nhà Vua, việc gì xảy đến đều đúng như ông đã dự liệu từ trước. Công Phụ khéo làm văn, làm bài phú "Bạch vân chiến xuân hải", người Đường khen bài ấy là kiệt tác.

Tại làng Đường Lâm(3) thuộc Phong Châu có Phùng Hưng một nhà hào phú có sức mạnh kéo trâu, đánh hổ. Thời bấy giờ Kinh lược sứ là Cao Chính Bình thu thuế nặng. Ông Hưng cùng với em là Hải, xuất phục được các làng ấp ở chung quanh, tự hiệu là Đô quân, Hải là Đô bảo, dùng kế của người làng là Đỗ Anh Hàn, đem quân vây phủ, Chính Bình lo phẫn mà chết, ông Hưng vào ở trong phủ, cho Hải làm Thái úy, rồi ông mất. Dân chúng lập con Hưng là An làm Đô Phủ Quân.

Ông Hưng đồng lòng với dân chúng, lập em là Hải. Bồ Phá Lặc có sức khỏe đẩy được núi, không chịu theo Hải, lánh ở động Chu Nham. Bồ Phá Lặc lập An là con ông Hưng. An tôn cha là Hưng làm Bố Cái Đại Vương (tục gọi cha mẹ là Bố Cái), dân Thổ cho là linh dị, lập đền thờ ở phía tây đô phủ để thờ Hưng.

Nhà Đường cho Lý Phục làm Tiết độ sứ Lĩnh Nam, khi Lý Phục đã đến nơi, dân Nam đều yên lặng; Phục dạy dân làm nghề nung ngói. Nước Nam biết làm nhà ngói là do Lý Phục dạy cho.

Nhà Đường cho Triệu Xương làm Đô hộ. Xương đến nơi, sai sứ dụ Phùng An. An đem quân đầu hàng. Xương đắp thêm La thành cho lại được vững chắc, ở châu 10 năm, dân theo giáo hóa tốt, không dám có lòng chống đối, sau vì có bệnh đau chân, phải xin về nước. Nhà Đường cho Bùi Thái thay làm Kinh lược sứ. Thái san phẳng ao chuôm ở trong thành, họp làm một thành. Nha tướng của Thái là Vương Lý Nguyên đánh đuổi Thái. Thái chạy về quận Chu Diên. Vua Đường triệu Triệu Xương về, hỏi tình hình, bấy giờ Xương đã 70 tuổi, tâu các việc tinh tế rõ ràng. Vua Đường lấy làm lạ, lại cho làm Đô hộ. Khi Xương đến, người châu vui mừng, mới định xong việc biến loạn.

Sử thần bàn rằng: Vì Duyên Hựu ngược đãi các lái buôn, mà gây ra loạn Đinh Kiến, vì Chính Bình thu thuế nặng nề, mà Anh Hàn phải động binh. Triệu Xương mới đến mà dân chúng đã yên, đến lần thứ hai thì bình được loạn; quan lại kén chọn được các người giỏi hay xấu là hệ trọng thế đó, vậy thì sự kén Mục, Thú không thận trọng được chăng?.

Nhà Đường cho Trương Chu sang làm Đô hộ, đắp thêm thành Đại La, sắm 300 thuyền chiến (mỗi thuyền chở được 25 người, phu chèo thuyền 33 người) thuyền đi lại nhanh như bay. Thời bấy giờ Hoàn Vương không chịu triều cống nhà Đường. Trương Chu sai quân đánh phá, bắt được voi và gậy, giáo rất nhiều, 2 châu thành Hoan và Ái bị Hoàn Vương đốt phá, Chu sai dân sửa sang lại hoàn toàn.

Liễu Tôn Nguyên làm bài mộ chí Trương Chu, nói rằng: "Trương Công tự khi làm lại đã tập quen việc bang giao, đến khi được mệnh chuyên chinh, mới có chỗ thực hành sở học của mình. Đắp thành lũy, hiểm trở hơn gò núi, muôn đời không phải lo gì, sự lợi do Trương Công làm ra lớn hơn sự đào cảng của Cao Biền, công của Trương Công lớn hơn việc dựng đồng trụ của Mã Viện".

Đông hộ là Lý Nguyên Bỉnh (có tên là Gia) lấy cớ cửa thành có dòng nước chảy nghịch, sợ người trong châu sinh ra lòng phản trắc, rời phủ lỵ ra sông Tô Lịch ngoài cửa Đông. Quân đương xây thành nhỏ, có người xem tướng nói: "Ông không đủ sức đắp nổi thành lớn, 50 năm sau nữa sẽ có người họ Cao đóng đô ở đó". Đến niên hiệu Hàm Thông, Cao Biền xây La thành, quả đúng như lời người xem tướng.

Thứ sử Phong Châu Vương Thăng Triều làm phản, nhà Đường cho Hàn Ước lĩnh chức Đô hộ An Nam, đánh bình được. Sau Phủ Quân khởi loạn, Hàn Ước chạy về Quảng Châu.

Kinh lược sứ là Vũ Hồn sai tướng sĩ sửa thành, Quân làm loạn đốt lầu thành, cướp kho phủ. Vũ Hồn chạy về Quảng Châu. Giám quân là Đoàn Sĩ Tắc vỗ về dẹp yên được bọn khởi loạn, châu mới được yên.

Nhà Đường cho Vương Thức một người có tài lược làm Đô hộ. Khi đến phủ lỵ Thức cho trồng cây gai làm giậu chung quanh thành. Ngoài hào sâu trồng tre gai, bọn giặc cướp không thể xấn vào được. Thời bấy giờ có bọn người Mán ở Vân Nam vào cướp, đường đi còn cách châu nửa ngày, Vương Thức vẫn an nhàn, sai người thông ngôn dụ cho họ biết rõ điều lợi và hại, một đêm họp kéo nhau đi hết, lại sai người tạ lỗi nói rằng: "Chúng tôi đi bắt bọn dân Lèo làm phản đấy thôi, chứ không phải vào ăn cướp đâu".

Quan Kinh lược sứ trước là Lý Trác, hà khắc, có lần bắt ép mua một con trâu của người Mán chỉ giả một đấu muối thôi. Người Mán oán giận lắm, xui người Nam Chiếu vào cướp phá biên thùy (Vua Nam Chiếu là Phong Hựu sai tướng vây hãm phủ lỵ, gọi là bạch y một mệnh quân, lại đưa ra 30 người kêu là "chu nỗ khư thư" giữ núp) Phong Châu trước đó có quân đồn thú, gọi là quân Phòng thu, Trác bỏ đi hết, chỉ chuyên giao cho Thủ phiên lĩnh là Lý Do Độc một mình phòng giữ; khi quân Mán đến, Do Độc cô thế phải hàng. Tự đấy nước An Nam mới có cái lo về người Mán. Lại có bọn ác dân muốn làm loạn, nói là nghe tin Kinh lược sứ là Chu Nhai sai bộ hạ là Hoàng Đầu Quân đi đường biển đến tập kích ta. Ngay đêm hôm ấy vây thành đánh trống reo hò, Vương Thức đương ăn cơm, có người khuyên Thức nên lánh đi. Thức nói: "Ta mà bước đi thì thành vỡ ngay" bèn mặc áo giáp, lên trên thành trách móc, bọn làm loạn chạy hết.

Nước Chiêm Thành, Chân Lạp lại sai sứ đi lại như cũ, nhà Đường triệu Vương Thức về, đổi đi làm Quán sát sứ đất Triết Đông.

Nước Nam Chiếu vây hãm phủ thành, Đô hộ là Lý Hu bỏ châu chạy trốn, nhà Đường cho Vương Khoan thay làm Đô hộ, nước Nam Chiếu lại vào cướp. Thừa cơ đánh phủ thành, Khoan sai sứ cáo cấp với nhà Đường, nhà Đường ra 3 vạn quân châu Kinh, châu Tương, sai Thái Tập chống cự, thế quân thịnh quá, nước Nam Chiếu sợ không dám kéo quân ra, bấy giờ có chiếu sai Thái Kinh đ kinh chế Lĩnh Nam, Kinh lo Tập sẽ thành công, mới tâu về Đường rằng: "Nước An Nam không đáng lo, bọn vũ phu muốn lập công, tụ tập nhiều quân, hao tổn lương thực, xin rút quân phòng thú về". Thái Tập cố nói rằng: "Không nên, quân Nam Chiếu tất nhiên trở lại, xin lưu lại 5.000 quân, nếu không thế thì quân và lương thực đều thiếu, mười phần tất chết". Tờ tâu về tòa Trung thư, Tể tướng thời bấy giờ tin lời Thái Kinh, không xét đến; quả nhiên vua Nam Chiếu là Mông Thế Long lại kéo đến đánh rất gấp, quân tả hữu Thái Tập đều có sức đánh khi kiệt sức, nhảy xuống nước chết cả. Tướng Mán là Dương Tự Tấn vào chiếm giữ phủ thành, những Di, Lèo ở các khê động, không cứ xa gần, đều về hàng với Mán tướng. Trong trận đánh này, tướng và quan lại nhà Đường nhiều người ẩn núp tại khê động. Nhà Đường xuống chiếu dụ các quan sở tại chiêu dụ họ về và cứu giúp, chẩn tuất cho họ, lại thêm cho 2 vạn quân sai Trương Nhân đi kinh lược nước An Nam, mưu đồ lấy lại phủ thành. Trương Nhân lần chần không dám tiến quân. Lúc bấy giờ viện binh nhà Đường đóng ở Lĩnh Nam, chuyển vận lương thực không được kế tiếp. Trần Phàn Thạch xin đóng thuyền to chở được 1.000 hộc, chở gạo đi đường biển đến Quảng Châu, quân mới đủ lương ăn; nhưng các nhà cầm quyền mượn tiếng cố khoán, rồi cướp thuyền của dân buôn, bỏ hàng hóa của họ lên bờ, cho thuyền vào biển, có khi bị sóng gió, thì lại bắt ức người ta phải đền, dân rất khổ sở.

Nhà Đường cho là Trương Nhân nhu nhược không làm được việc, mới cho Cao Biền thay làm Đô hộ. Biền đóng quân ở cửa biển, chưa tiến. Giám quân là Lý Duy Cố ghét Biền, muốn khử Biền đi, giục phải tiến quân; Biền cho 5.000 quân sang sông, hẹn với Duy Cố đem quân cứu viện. Biền đi rồi, Duy Cố đóng quân ở cửa biển không chịu tiến. Biền đến Nam Định, người Man đương gặt lúa, Biền tập kích thu lấy cả số lúa đã gặt được để làm lương cho quân, rồi tiến thẳng đến Giao Châu, đánh nước Nam Chiếu, phá được luôn. Những báo tiệp đến cửa biển, Duy Cố đều giấu đi cả. Vài tháng mà vua Đường không được tin báo, cho Vương Yến Quyền sang thay Biền. Cũng tháng ấy Biền lại phá được nước Nam Chiếu, hơn vạn người đầu hàng. Tướng Mán thu quân còn lại, vào châu thành cố thủ, Biền vây thành càng gấp, quân Mán khốn quẫn quá. Biền hạ được thành lại nhận được tiệp báo của Vương Yến Quyền, là đã cùng Duy Cố đem đại quân ra cửa biển. Biền lập tức giao việc quân cho Vi Trọng Tể, rồi cùng hơn 100 người bộ hạ đi về Tàu. Trước kia Biền cùng với Trọnh Tể sai tiểu hiệu là Vương Tuệ Tán và Tăng Cổn mang thư báo tiệp đưa về nhà Đường, bọn này đi đến cửa biển trông thấy cờ xí ở phía đông kéo đến, hỏi bọn du thuyền, chúng nói rằng: "Đó là Kinh lược sứ mới và Giám quân đi đến". Hai người bàn nhau rằng: Duy Cố tất nhiên đoạt cờ biểu để lưu chúng ta lại, bèn ẩn náu ở hòn đảo ngoài biển, đợi Duy Cố đi qua rồi, liền đi vội đến kinh đô. Vua Đường được tờ tấu mừng lắm, lập tức giao cho Biền chức Kiểm hiệu Thượng thư, lại sai sang đánh quân Mán. Khi Cao Biền tự cửa biển trở về, vì Yến Quyên thì mờ ám và lười biếng, động có việc gì thì bẩm mệnh với Duy Cố, mà Duy Cố là người tham bạo, chư tướng không chịu để Duy Cố sai khiến, bèn giải vây, người Mán trốn đi quá nữa. Cao Biền đến nơi lại đốc thúc đánh thành, quân lính trèo qua lũy mà vào, chém được tướng Mán tự là Thiên, lại phá cả bọn Thổ Mán theo làm hướng đạo cho quân Nam Chiếu, bình được hết 2 động giặc Mán. Trước kia tự Lý Trác tham tàn, đến nỗi người Mán làm loạn đến hơn mười năm, đến bây giờ Cao Biền lấy lại được phủ lỵ, lại đắp cao thêm thành Đại La.

Thành Đại La(4) chu vi 1.982 trượng 5 thước, thân thành cao 3 trượng 6 thước, chân rộng 2 trượng 5 thước, 55 sở vọng lâu, 5 sở cửa cống, 3 ngòi nước, 34 vòm canh. Cao Biền lại đắp con đê vòng quanh 2.125 trượng 8 thước, cao 1 trượng 5 thước, rộng 2 trượng, và làm 40 vạn gian nhà. Thành xây gạch để cho vững chắc, san phẳng tất cả gò đống, cho nên làm tổn hại địa hình và tổn thương đến long mạch. Nay nền cũ của thành vẫn còn, xây toàn bằng đá xanh.

Cao Biền tự là Thiên Lý, người U Châu, cháu Cao Sùng Văn đời đời chuyên giữ cấm binh, chịu khó theo học, thích bàn luận việc kim cổ. Lúc ít tuổi thờ Chu Thúc Minh làm thày, trông thấy 2 chim điêu bay đều nhau, giương cung lên bắn, khấn rằng: "Nếu sau này ta được phú quí thì bắn trúng". Bắn một phát trúng luôn hai con, mọi người đều cho là kỳ, vì thế gọi là Lạc điêu Thị ngự (nghĩa là quan Thị Ngự bắn rơi chim điêu). Khi giặc làm phản, Biền lĩnh cấm binh đi đánh, lập được nhiều công, đến bây giờ làm đến chức Đô hộ.

CAO BIỀN ĐÀO HẢI CẢNG DONG CHÂU

Biền đi tuần đến Dong Châu thấy cửa sông hẹp mà hiểm trở, nhiều đá to ở lòng sông, thuyền đụng phải đá là đắm. Biền bèn sai bọn Lâm Phúng, Dư Tồn Cố dẫn hơn 1000 thuỷ thủ đến khơi đào cho sâu, và dụ bảo rằng, trời vẫn giúp kẻ thuận, thần thì phù người thẳng, nay đào cửa biển để giúp cho dân, nếu ta không có tư tâm, thì có việc gì là khó. Bọn Phúng mộ nhân công khơi đào, hơn một tháng gần lưu thông được, duy giữa dòng nước có 2 tảng đá lớn đứng dựng, búa cũng không thể hạ được, đã toan bỏ dở, đến ngày 26 tháng 5, ban ngày bỗng có mây kéo đến tối đen, gió rất to, có sấm sét đến vài trăm tiếng, một lúc trời lại sáng, thì hai tảng đá vỡ tan mất rồi. Cao Biền lại lấy cớ rằng, sứ giả năm nào cũng đến, muốn khơi ra làm 5 lối để ở đó mà hộ tống. Những lối tắt có đá xanh ấy tương truyền rằng Mã Viện không làm nổi, mọi người thợ đều cho là khó khăn. Ngày 21 tháng 6 lại sấm động như trước, các tảng đá lớn đều tan vỡ, đường mới lưu thông được, nhân thế đặt tên là "Thiên oai cảng", hiện nay ở phía tây nam huyện Bác Bạch, Bạch Châu 100 dặm.

Lê Văn Hưu bàn rằng: Vì một Lý Trác tham tàn, đến nỗi gây nên họa người Mán cướp phá đến vài mươi năm, huống chi lại có người quá tệ hơn Lý Trác nữa. Được một Cao Biền biết đốc thúc, mà bình được vài vạn giặc Mán, huống chi có người hơn Cao Biền nữa. Vậy thì người khéo trị nước nên cẩn thận việc kén chọn Mục và Thú lắm.

Sử thần bàn rằng: Cao Biền phá Nam Chiếu để cứu vớt dân đời bấy giờ, xây thành Đại La, làm mạnh thế đô ấp muôn năm, công to tát lắm. Đến như việc khơi cửa sông, đặt ra trạm, làm việc công bằng, hkông hề có chút tư tình nào, vẫn là việc có thể cảm được thần minh, mà được nhiều điểm tốt. Thời Ngũ Đại, Vương Thẩm Chi ở đất Mân, những người buôn bán qua lại, có sự ngăn trở ở Hoàng Kỳ, thế mà có một hôm sấm động, chỗ ấy thành ra hải cảng, người Mán theo về với Thẩm Chi, vì có đức chính cảm động đến người, nên gọi tên là Cam Đường Cảng. Việc của Cao Biền cũng giống như thế.

Cao Biền đổi đi Thiên Bình, tiến cử cháu là Cao Tầm thay mình (lúc trước Cao Biền đánh Nam Chiếu, Tầm đã làm tiền phong, xông vào rừng tên đạn, xướng xuất cho quân sĩ). Biền đi rồi, tù trưởng Nam Chiếu tên là Pháp lại ngạnh trở, nhà Đường dùng chính sách hoà thân, đem con gái tôn thất gả cho Pháp, Pháp sai tướng là bọn Triệu, Long, My, ba người đi rước vợ về. Cao Biền ở Dương Châu, dâng thư nói ba người ấy đều là người tâm phúc của Nam Chiếu, xin đánh thuốc độc cho chết đi, thì mới tính được quân Mán. Vua Đường nghe theo, ba người ấy chết rồi Nam Chiếu hết bọn mưu thần, suy yếu dần, tự đấy chúng không dám dòm ngó đất nước ta nữa.

Xét lúc Cao Biền làm Đô hộ, những công nghiệp cũng nhiều đáng kể, tự ghi đổi sang Tây Xuyên, trong lòng sinh ra oán vọng, để tha hồ cho Hoàng Sào vây hãm hai kinh đô, người Đường mong Cao Biền còn lập được công, cho Biền lên làm Bột hải Quận vương, nhưng Biền nhờ lúc Trung Quốc điên bái, âm mưu chiếm cứ đất đai, nhất đán thất thế, oai vọng mất hết, tự đấy phải về để ý việc tu tiên, bao nhiêu việc quân giao cho Lã Dụng Chi. Dụng Chi là quân tiểu nhân, gian tà, đem lời phù phiếm dối trá mà coi Biền như đứa trẻ con, từng bị kẻ điên cuồng là Chư Cát Ân nói dối rằng: "Thượng đế cho thần đến giúp đỡ mình", lại hiến Cao Biền một thanh kiếm mà nói dối là của thượng đế vẫn đeo. Cao Biền lấy làm báu, giữ bí mật, xây cất cái lầu cao 8 thước, gọi là lầu Nghênh Tiên, ở trên lầu ăn chay thắp hương mong được gặp tiên. Biền lại làm con chim hộc bằng gỗ ở trong sân, có đặt máy, chạm vào người thìbay được; Biền mặc áo lông cưỡi lên, làm ra dáng tiên bay, Dụng Chi giam giữ cho Biền chết. Sau Dương Hành mật sai đào dưới đất, bắt được người bằng đồng cao 3 thước, thân bị gông cùm, đóng đanh vào miệng, khắc tên Tiền vào sau lưng. Đó là Dụng Chi làm mê hoặc yểm đảo Cao Biền, nhất đán Cao Biền trở nên ngu muội đến thế; coi với xưa kia có mưu lược phá quân Mán, trí khộn xây La thành(5), và đào hải cảng động đến thiên oai, thành ra 2 hạng người khác hẳn là sao thế? Người trong nước truyền lại rằng Biền rắc hạt đậu xuống đất, dùng phù chú cho hoá ra quân thật, trước kỳ hạn đã đào lên, thì đều là non yểu, không thể đứng được. Lại truyền rằng: Cao Biền cưỡi cái diều giấy đi tìm đất; truyện này cũng chỉ nghe người ta nói thôi. Biền học phép tiên, cùng với chuyện cưỡi chim hộc đều là ngoa truyền. Ở sách địa lý di cảo ai cũng đều cho đấy là môn học địa lý của Cao Vương. Biền ở nước ta, bận việc quân, không có thời giờ nhàn rỗi, xách túi địa bàn đi tìm phong thủy, tất là đời Trần có người học địa lý, mượn tên Cao Biền để làm cho thuật của mình thần kỳ đó thôi, sách địa lý di thảo của Hoàng Phúc đại khái cũng thế.

Trên đây nước ta ngoại thuộc về Tùy, Đường tự năm Quí Hợi đến năm Bính Dần cộng 304 năm.

Sách thông luận bàn rằng: Nước ta là một đại đô hội ở phương nam. Ruộng thì cấy lúa, đất thì trồng dâu, núi sản ra vàng, bể sản ra ngọc. Bọn nhà buôn nước Tầu, đến nước ta nhiều người làm nên giàu có. Người Tầu thích lắm, có ý lấy nước ta đã lâu lắm, cho nên tự Triệu Đà trở về sau, hơn 1000 năm đã nắm được, đâu còn chịu bỏ, để cho nước ta làm một nước lớn ở ngoài Ngũ Lĩnh; chia ra quận, đặt ra quan, làm cho cõi đất ta như cái bàn cờ, có một người thổ hào nào nổi lên, thì diệt đi ngay, một quận thú nổi lên, thì Thứ sử họp lại đánh ngay, như Lý Tốn, Lương Thạc ở đời Tấn, Mai Thúc Loan, Vương Thăng Triều ở đời Đường là thế cả. Hai vua Lý và vua Triệu, đương lúc Lương, Trần ở thiên về một nơi miền nam, Giang tả nhiều việc, không có thì giờ để ý đến Giao Châu, cho nên giữ được cảnh thổ mà xưng thế được 50 hay 60 năm, cũng là thời thế xui nên đó.

Đến như quân Mán Nam Chiếu hàng năm vào cướp bóc, vượt sóng gió, qua hiểm trở tranh nhau với người Đường, cũng là tham cái lợi của nước ta giàu có đấy. Trương Chu đánh phá được nước Chiêm, đắp thành Hoan, Ái. Cao Biền trị Nam Chiếu, bảo toàn được Long Biên, đều là có công với đất nước; duy Cao Biền làm quan lâu hơn là Chu, cho nên đàn bà con trẻ trong nước còn nói đến tên Cao Biền, còn những quan Thú, Mục trước hay sau, đều không nói đến.

NAM BẮC PHÂN TRANH

Nước Lương cho Lưu Ẩn làm Tiết độ sứ Tĩnh Hải, và phong làm Nam Bình Vương. Ẩn chiếm cứ đất Phiên Ngung, người Giao Châu là Khúc Hạo chiếm cứ Châu, hai bên đều tự xưng là Tiết độ sứ, lập chí mưu đồ lẫn nhau. Ít lâu Ẩn chết, em là Lưu Nghiễm lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Kiền Hanh, quốc hiệu là Nam Hán, Hạo sai con là Thừa Mỹ làm Hoan hiếu sứ, đến Quảng Châu dò xem hư thực thế nào? Hạo mất, Thừa Mỹ nối ngôi, sai sứ cầu nhà Lương, cho quan chức nhà Lương làm Tiết độ sứ, chia đất làm 12 châu, Vua nhà Hán nghe tin giận lắm, sai tướng là Lý Khắc Chính đánh Giao Châu, bắt Thừa Mỹ đưa về Tàu. Vua Hán ngồi ở Nghị Phượng nhận tù binh, bảo Thừa Mỹ rằng: "Mày cho ta là triều đình ngụy, nay lại bị trói đưa về đây cớ là sao?". Thừa Mỹ cúi đầu chịu phục, bèn được tha.

Họ Khúc là người Hồng Châu, là họ to nối đời, tiên tổ là Thừa Dụ, tính khoan hòa, yêu người, được nhiều người qui phục, khi Tăng Cổn bỏ phủ thành, Thừa Dụ tự xưng là Tiết độ sứ, xin với triều đình Đường, vua Đường nhân thế nhận cho làm chức ấy. Ông Hạo nhờ cơ nghiệp cũ, chiếm giữ La thành, tự xưng là Tiết độ sứ, chia nước ra làm các xứ, phủ, huyện, châu, xã; đặt chức lịnh trưởng chánh và tá, chia đều thuế ruộng, tha không bắt dân làm nhân công; làm sổ hộ, biên ghi họ tên và niên canh, quán chỉ người dân, Giáp trưởng đốc xuất làm sổ ấy. Chính sự khoan hồng và giản dị, dân được yên ổn làm ăn.

Họ Khúc truyền 3 đời, cộng 51 năm.

Nước Nam Hán có Lưu Nghiễm là thế gia. Tổ tiên ông là An Nhân lấy nghề buôn bán sang ở Nam Hải, cha là Khiêm, anh là Ẩn, gặp thời buổi nhiều biến cố, vẫn có công với Lĩnh Nam, bèn chiếm giữ cả Nam Hải. Nghiễm đã lên làm vua, là lúc các tay anh hùng ở Lĩnh Nam, chia nhau giữ các nơi. Nghiễm đã lấy được châu Ung, châu Dong, lại bắt được Thừa Mỹ ở Giao Châu, vì tính hay khoe khoang, đã từng nói là nhà mình vốn ở đất Hàm Tần, lấy sự gọi là Man Vương, Man lại làm sỉ nhục, gọi vua Đường là Lạc Châu Thứ sử. Vua Đường Trang Tôn cũng không thể đánh được. Khi chết truyền ngôi cho con là Phần, cháu là Trành, tự lúc xưng đế đến khi mất nước cộng được 55 năm, cũng là tay cừ hiệt đó.

Dương Đình Nghệ (chữ Đình có chỗ viết là chữ Diên), người Ái Châu lúc trước làm tướng cho Khúc Hạo, đến khi Lý Khắc Chính bắt được Thừa Mỹ, lập cách báo thù cho họ Khúc, bèn đặt ra trường đánh vật, chiêu tập các hào kiệt, lấy đại nghĩa khuyến khích họ, đồng mưu với nhau cử binh đánh đuổi tướng Hán là Lý Khắc Chính. Vua Hán cho Lý Tiến thay làm Thứ sử Giao Châu, Đinh Nghệ lại vây hãm thành đánh Tiến. Vua Hán sai Trần Bảo đem quân cứu Lý Tiến. Đình Nghệ đón đánh chém được Trần Bảo, bèn giữ lấy thành, tự xưng là Tiết độ sứ nhận lĩnh việc châu. Chưa được bao lâu, nha tướng của Đình Nghệ là Kiều Công Tiễn lại giết Đình Nghệ mà lên thay.

Đình Nghệ nuôi 3.000 giả tử (con nuôi) mưu đồ khôi phục, Lý Tiến biết việc ấy, sai người cấp

báo vua Hán.

Sử thần bàn rằng: Cuối đời Hán, Đường phần nhiều nuôi giả tử, là vì đương lúc trí, lực chọi nhau, hay là trong khi hoạn nạn cùng theo nhau, đắc lực trong lúc hoãn cấp, tức thì nhận làm giả tử, không biết rằng lòng lang khó dạ. Dấu của hớ hênh, là xui cho người lấy trộm, thiên tính như thế không thể làm khác được. Đình Nghệ nuôi giả tử đến 3.000 người, thì bị nạn, còn hối sao được nữa.

Nha tướng của Đình Nghệ là Ngô Quyền khởi binh từ Ái Châu đánh Công Tiễn. Công Tiễn cầu cứu với Hán, vua Hán nhân lúc loạn, muốn lấy nước Nam, bèn sai con là Hoằng Tháo đi trước, mà tự mình đóng quân ở cửa biển để làm quân cứu viện. Vua Hán hỏi mưu kế với Tiêu Ích, Ích nói: "Đường bể hiểm và xa, Ngô Quyền là người kiệt hiệt, không nên khinh thường". Vua Hán không nghe, Hoằng Tháo cho quân thuyền từ sông Bạch Đằng tiến vào. Bấy giờ Ngô Quyền đã giết được Công Tiễn, nghe Hoằng Tháo sắp đến, nói rằng: "Thằng trẻ con kéo quân đi xa mỏi mệt, quân ta đương nhàn rỗi, đối phó với quân của chúng mỏi mệt sẵn, tất nhiên phá được chúng". Sau đó, ông sai người cắm gỗ nhọn bịt sắt ở lòng sông, đợi nước thủy triều lên to, thuyền quân của Tháo vào rồi, lập tức khiêu chiến, giả cách thua chạy, để cho quân địch đuổi theo. Nước thủy triều rút xuống rất chóng, thuyền của địch đều mắc vào gỗ nhọn lật úp cả. Quyền thừa thắng đánh mạnh, bắt giết được Hoằng Tháo, Nghiễm thương khóc, thu nhặt tàn quân bỏ về nước.

Sử thần bàn rằng: Lưu Nghiễm ngấp ngó Giao Châu, thừa lúc Đình Nghệ mới mất, cậy có quân ứng viện của Công Tiễn, chắc rằng có thể đánh một trận phá được Ngô Quyền, nhân thế lấy được nước nam dễ như móc túi vậy. Nếu không có một trận đánh to để hỏa nhuệ khí của Lưu Nghiễm, thì cái tình hình ngoại thuộc lại dần dần thịnh lên, cho nên trận đánh ở Bạch Đằng là cái căn bản khôi phục quốc thống đó. Sau này Đinh, Lê, Lý, Trần còn phải nhờ dư liệt ấy. Võ công hiển hách của Ngô Quyền, tiếng thơm nghìn đời, đâu có phải chỉ khoe khoang một lúc bấy giờ mà thôi.

Trên đây là Nam, Bắc tranh giành, từ năm Đinh Mão niên hiệu Khai Bình thứ 1 nhà Lương, đến năm Mậu Tuất niên hiệu Thiên Phúc thứ 3 nhà Tấn, cộng 32 năm (cha con Khúc Hạo 24 năm, Đình Nghệ 8 năm).

Sách Thông luận bàn rằng: Chu Ôn cướp ngôi vua Đường ở một xó đất Lương Biện, còn các trấn thì chia nát ra, đất Quảng thuộc về Lưu Ẩn, bỏ Giao Châu mà không tranh đến, tự nhà Lương đến nhà Chu không có chiếc xe ngựa nào đến cảnh thổ Giao Châu. Lưu Nghiễm tuy có chí hăng hái muốn thôn tính Giao Châu nhưng một trận thua Đình Nghệ, một trận bị nhục với Ngô Quyền, thì cái lòng chực cướp đất Giao Châu nguội như đống gio tàn. Họ Ngô được thời cơ ấy mới dựng nước, truyền cho con, cũng làm vua một phương như Bắc triều là do ở đó. Khúc Thừa Mỹ nhận chức quan của Lương mà bị cầm tù ở Ngụy Đình; Dương Đình Nghệ đuổi tướng Hán nhận lấy châu, mà bị nha tướng giết hại. Truyện có nói rằng: nếu không có người bị ngã, thì mình nổi lên sao được, là nghĩa thế. Tóm lại, cũng là bởi lòng trời yếm loạn, muốn mở cơ nghiệp nước ta là một đời trị bắt đầu từ đấy.

_______________

1) Mai Thúc Loan, quê ở xã Mai Phụ, huyện Thanh Hà, tỉnh Hà Tĩnh, theo mẹ ra sống ở Nam Đường, nay là huyện Nam Đàn, tỉnh

Nghệ An.

2) Sa Nam. Nay là thị trấn của huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

3) Nay là xã Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây.

4) Đại La, nay là khu vực các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm của Hà Nội.

5) La Thành, là toà thành luỹ bao quanh Đại La (nay thuộc Hà Nội).