VIỆT NAM VĂN HỌC SỬ YẾU

CHƯƠNG THỨ MƯỜI BỐN

1.° Phép đối

Phép đối trong văn Tàu và văn ta. một cái đặc tính của văn chương Tàu và ta là phép đối (chữ nho là đối ngẫu, đối: sóng nhau; ngẫu: chẵn. đôi): không những là văn vần (như thơ, phụ) theo phép ấy, mà các biền văn (câu đối, từ lục, kinh nghĩa) và đến cả văn xuôi nhiều khi cũng đặt thành hai câu đối nhau, hoặc hai đoạn trong một câu đối nhau.

Thế nào là đối?- Đối là đặt hai câu đi sóng đôi cho ý và chữ trong hai câu ấy cân xứng với nhau. Vậy trong phép đối, vừa phải đối ý vừa phải đối chữ.

A) đối ý là tìm hai ý tưởng cân nhau mà đặt thành hai câu sóng nhau.

B) Đối chữ thì phải xét về hai phương diện: thanh của chữ và loại chữ.

1) Về thanh thì bằng đối với trắc, trắc đối với bằng. tùy thể văn, có khi cả các chữ trong câu đều phải đối thanh (như thể thơ), có khi chỉ một vài chữ theo lệ đã định phải đối thanh (như thể phú).

2) Về loại thì hai chữ phải cùng một loại mới đối nhau được. Ngày xưa các cụ chia các chữ ra làm thực tự hay chữ nặng như: trời, đất, cây, cỏ và hư tự hay chữ nhẹ như: thế, mà, vậy, ru. Khi đối thì thực tự phải đối với thực tự, hư tự phải đối với hư tự.

Nay nếu theo văn phạm Âu Tây mà chia các chữ trong tiếng ta ra thành tự loại rõ ràng thì ta có thể nói rằng hai chữ đối nhau phải cùng thuộc về một tự loại, như cùng là hai chữ danh từ (noms), hoặc loại từ (spécificatifs), hoặc động từ (verbes), hoặc trạng từ (adverbes) v.v...

Nếu có đặt chữ nho thì phải chữ nho đối với chữ nho.

Khi đối, nếu chọn được hai chữ cùng một tự loại mà đặt sóng nhau thì là chỉnh đối hay đối cân. Nếu hai chữ ấy không những cùng một loại mà lại có ý nghĩa trái nhau như đen với trắng, béo với gầy, v.v. thì gọi là đối chọi.

2.° Câu đối.

Một thể văn trong đó phép đối được hoàn toàn ứng dụng là câu đối. Vậy ta cần xét phép tắc câu đối trước khi xét đến các thể văn trong có dùng đến phép ấy.

Định nghĩa.- Câu đối (chữ nho là doanh thiếp hoặc doanh liên: (Doanh: cột; thiếp: mảnh giấy có viết chữ; liên: đối nhau) là những câu văn đi đôi với nhau thế nào cho ý và chữ và luật bằng trắc cân xứng với nhau.

Cách làm câu đối.- Một đôi câu đối có hai câu đi sóng nhau, mỗi câu là một vế, vế trên, vế dưới.

Trong cách làm câu đối, phải xét số chữ, cách đặt câu và luật bằng trắc. Theo số chữ và cách đặt câu, có thể chia câu đối ra mấy thể sau đây:

1) Câu tiểu đối là những câu tự 4 chữ trở xuống. Những câu này nếu đặt được bằng đối với trắc, trắc đối với bằng thì hay lắm. Thí dụ:

Docsach24.com

3) Câu đối phú là những câu làm theo các lối đặt câu của thể phú

a) Lối câu song quan (hai cửa) là những câu có tự 5 chữ trở lên, 9 chữ trở xuống đặt thành một đoạn liền.

b) Lối câu cách cú (cách: ngăn ra; cú: câu) mỗi vế có hai câu: một câu ngắn, một câu dài, thành ra hai câu đối nhau có một câu xen vào giữa làm cách nhau ra.

c) Lối câu gối hạc hoặc hạc tất là những câu mỗi vế có tự ba đoạn trở lên, đoạn giữa thường ngắn xen vào hai đoạn kia như cái đầu gối ở giữa hai ống chân con hạc.

Về luật bằng trắc trong lối câu đối phú thì chỉ kể chữ cuối vế, và chữ cuối đoạn (gọi là chữ đậu câu). Chữ cuối vế phải bằng đối với trắc hoặc trắc đối với bằng. Nếu mỗi vế có tự hai đoạn trở lên (như lối cách cụ, gối hạc), Hể chữ cuối vế là bằng thì các chữ đậu câu phải là trắc; trái lại, hể chữ cuối vế là trắc thì các chữ đậu câu phải là bằng. Thí dụ:

Song quan – Cách cú

Con ruồi đậu mâm xôi đậu (1);

Cái kiến bò dĩa thịt bò (b)

Ngói đỏ lợp nghè (b) lớp trên đè lớp dưới (t)

Đá xanh xây cống (t) hòn dưới nống hòn trên (b)

Gối hạc

Quan chẳng quan thì dân (b) / chiếu trung đình ngất ngưởng ngồi trên (b)/nào lính, nào cả, nào bàn ba (b)/ xôi làm sao, thịt làm sao, đóng góp làm sao (b); thủ lợn nhìn lâu trở cả mắt (t).

Già chẳng già thì trẻ (t) / đàn tiểu tử nháp nhô đứng trước (t); này phú, này thơ, này đoạn một (t) / bằng là thế, trắc là thế, lề lối là thế (t) mắt (t) gà đem mãi mỏi bên tai (b)

3.° Phú

Định nghĩa.- Phú (nghĩa đen là bày tỏ, mô tả) là một thể văn có vần dùng để tả cảnh vật, phong tục hoặc tính tình.

Phú cổ thể và phú Đường luật.- Theo cách làm phú có thể chia làm hai lối;

1) Cổ thể (thể cũ) là thể phú có trước đời nhà Đường, có vần mà không có đối, hoặc như một bài ca thật dài hoặc như một bài văn xuôi mà có vần, lối sau này gọi là lối phú lưu thủy. (nước chảy) (xem bài đọc thêm 1)

2) đường luật là thể phú đặt ra tự đời nhà đường, có vần có lối, có theo luật bằng trắc. Lối này phải theo qui củ nhất định và là lối phú thông dụng nhất. Vậy ta phải xét kỹ phép tắc lối này.

Cách hiệp vần trong lối phú Đường Luật.- Cách hiệp vần có thể theo.

1) Lối độc vận: từ đầu đến cuối chỉ dùng một vần.

2) Lối liên vận: một bài dùng nhiều vần.

Nếu đầu bài ra sẳn cho mình làm (như trong khi đi thi) thì có hai cách:

1) Hạn vận: (hạn chế các vần), tức là ra sẳn một câu làm vần, mình phải theo thứ tự các chữ trong câu ấy mà gieo vần cho đủ và không được gieo vần khác vào.

2) Phóng vận (phóng: thả, cho tự do) nghĩa là mình muốn gieo vần gì cũng được tùy ý mình.

Trong lối Đường phú, bao giờ cũng đặt hai câu đối nhau gọi là hai vế thì vần gieo ở cuối về dưới.

Cách đặt câu trong lối Đường phú.- Trong lối Đường phú, có mấy cách đặt câu như sau:

1) Câu tứ tự, mỗi vế bốn chữ:

2) Câu bát tự, mỗi vế tám chữ chia làm hai đoạn bằng nhau;

3) Câu song quan

4) Câu cách cú

Luật bằng trắc trong lối Đường phú.- Về luật bằng trắc như trên đã nói, chỉ kể những chữ cuối vế và những chữ đậu câu.

1.) Nếu mỗi vế chỉ có một đoạn (tứ tự, song quan) thì hể chữ cuối vế trên là bằng thì chữ cuối vế dưới phải là trắc; hoặc trái lại thế. Thí dụ:

Tứ tự

Đau quá đòn hằn (b)

Rát hơn lửa bỏng (t)

(Trần Tế Xương – Bài phú hỏng thi)

Song quan

Năm vua Thành Thái mười hai (b)

Lại mở khoa hti Mỹ trọng (t)

(Trần Tế Xương – Bài phú hỏng thi)

3) Nếu mỗi vế có nhiều đoạn (bát tự, cách cú, gối hạt), hễ ở vế trên cuối chữ vế là bằng thì các chữ đậu câu phải là trắc; đến vế dưới thì chữ cuối vế đổi làm trắc mà các chữ đậu câu lại là bằng. Thí dụ:

Bát tự

Nghiện chè nghiện rượu (t), nghiện cả cao lâu (b)

Hay hát hay chơi (b) hay nghề xuống lõng (t)

Cách cú

Thầy chắc hẳn văn chương có mực (t), lễ thánh xem giò (b).

Có mừng thầm mũ áo đến tay (b), gặp người nói mộng (t)

(Trần Tế Xương – Bài phú hỏng thi)

Gối bạc

Áo vải thô nặng trịch (t), lạnh làm mền, nực làm gối (t), bốn mùa thay đổi bấy nhiêu (b)

Khăn lau giắt đỏ lòm (b), giải làm chiếu, vận làm quần (b), một bộ ăn chơi quá thú (t)

(Nguyễn Công Trứ - Hàn nho phong vị phú)

Cách bố cục trong bài Đường phú.- Cách sắp đặt các đoạn mạch trong bài Đường phú cũng tựa như bài thơ;

1) Lung là đoạn mở bài nói bao quát cả ý nghĩa đầu bài.

2) Biện nguyên là đoạn nói nguyên ủy gốc tích cho rõ ý đầu bài;

3) Thích thực là đoạn giải thích rõ ý đầu bài;

4) Phu diễn là đoạn bày tỏ cho rộng ý đâầ bài;

5) Nghị luận là đoạn bàn bạc về ý nghĩa đầu bài;

6) Kết là đoạn thắt lại ý đầu bài.

Trong mỗi đoạn phú hoặc mỗi vần phú (trong các bài phú liên vận thì các câu hiệp theo một vần họp lại thành một vần phú), thường đặt vài bốn câu tứ tự hoặc bát tự trước, rồi đến một ít câu song quan, sau đến ít nhiều câu cách cú hoặc gối hạc. thì dụ: Đoạn “Lung” trong bài phú Khổng tử mộng Chu công của Nguyễn Nghiễm.

(Tứ Tự) Cơ mầu vận chuyển; -Lòng thực cảm thông.

(song quan) khác thuở điềm xưa Hiên hậu; - Lạ chừng giấc mộng Cao tông.

(Cách cú) Gánh cương thường nhậm lấy một mình, khá khen Phu tử; - Thuở mộng mị đường bằng có ý, từng thấy Chu công.

Cũng có khi cả bài phú, từ đầu đến cuối, đều đặt những câu 4 chữ; loại này có thể gọi là lối phú tứ tự (Xem Bài đọc thêm số 2).

4.° Văn tế

Định nghĩa.- Văn tế (chữ nho là tế văn) là một bài văn đọc lúc tế một người chết để kể tính nết công đức của người ấy và tỏ tấm lòng kính trọng và thương tiếc của mình.

Các lối văn tế.- Văn tế có thể làm theo nhiều lối;

1) Lối văn xuôi: Thí dụ Văn tế chị của Nguyễn Hữu Chỉnh (Xem Việt văn giáo khoa thư bậc Cao đẳng tiểu học, tr.66)

2) Lối tán (tán là bài văn vần làm để khen ngợi phẩm hạnh công đức một người) mỗi câu bốn năm chữ, có vần, có đối, hoặc không đối (Xem bài đọc thêm số 3)

3) Lối phú cổ thể hoặc lưu thủy

4) Lối phú Đường luật. Lối này là lối thông dụng nhất. Thí dụ: Văn tế Vũ Tính và Ngô Tùng Châu (xem phần thứ nhì, bài số 79)

5) Trong văn nôm ta, văn tế lại có thể làm theo thể song thất lục bát (sẽ nói ở chương XV,2 °) Thí dụ: bài văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du.

Phép làm văn tế theo lối Đường phú.-

A) Cách hiệp vần (thường dùng độc vận), cách đặt câu và luật bằng trắc theo đúng như thể thức đối phú Đường luật đã nói trên. Xem 3°

B) Các đoạn mạch.- Một bài văn tế thường chia ra làm các đoạn sau này:

1) Đoạn mở bài (bắt đâầ bằng hai chữ “than ôi”) hoặc “Than rằng” hoặc “Thương ôi” trước đặt một câu cách cú hoặc gối hạc, rồi đến một câu song quan.

2) Đoạn kể đức tính công nghiệp người chết (thường bằng đầu bằng mấy chữ “Nhớ cha xưa” hoặc “Nhớ bạn xưa, v.v.” trước đặt vài câu tứ tự, hoặc bát tự rồi đến những câu cách cú, song quan, gối hạc, nhiều ít tùy ý.

3) Đoạn than tiếc người chết (thường bắt đầu bằng chữ “Ôi!”: cách sắp đặt các câu cũng như đoạn trên.

4) Đoạn tỏ tình thương nhớ của người đứng tế (thường bắt đâu bằng mấy chữ “con nay” hoặc “Bản chức nay”, v.v. Cách xếp đặt các câu cũng như đoạn trên. Cuối đoạn này thường đặt hai chữ Thượng hưởng (ước mong hưởng cho) là hết.

CÁC BÀI ĐỌC THÊM

1. MỘT BÀI PHÚ LƯU THỦY

Bài phú sông Bạch đằng.

Khách có kẻ: chèo bể bơi trăng, buồm mây giong gió. sớm ngọn Tương kia, chiêu hang Vũ nọ. Vùng vẫy Giang, Hồ; tiêu dao Ngô, Sở. Đi cho biết đây, đi cho biết đó. Chằm Vân mộng chứa ở trong kho tư tưởng, đã biết bao nhiêu; mà cái trí khi tứ phương, vẫn còn hăm hở!

Mời học thói Tử trương; bốn bể ngao du. Qua cửa Đại-Than, sang bến Đông Triều; đến sông Bạch Đằng, đủng đỉnh phiếm chu. thắng xoá sông kềnh muôn dặm; xanh rì đặng ác một màu. Nước trời lộn sắc, phòng cảnh vừa thu. Ngàn lau quạnh cõi, bến lách đìu hiu. Giáo gậy đầy sông, cốt khô đầy gò. Ngậm ngùi đứng ngắm cuộc phù du. Thương kẻ anh hùng đâu vắng tá, mà đây dấu vết hãy còn lưu.

Kia kìa bên sông, phụ lão người đâu. Lượng trong bụng ta, chừng có sở cầu. Hoặc gậy trống trước, hoặc thuyền bơi sau. Vái tạ mà thưa rằng: Đây là chỗ chiến địa của vua Trần bắt giặc Nguyên, và là nơi cố châu của vua Ngô phá quân Lưu đây.

May sao: Trời giúp quân ta, mây tan trận nó. Khác nào như quân Tào Tháo bị vỡ ở sông Xích bích khi xưa, giặc Bổ Kiên bị tan ở bến Hợp phì thuở nọ. Ấy cái nhục tày trời của họ, há những một thời; mà cái công tái tạo của ta, lưu danh thiên cổ.

Tuy vậy, từ thuở có trời có đất, vẫn có giang san. Trời đặt ra nơi hiểm trở, người tính lấy cuộc tồn an. Hội nào bằng hội Mạnh tân, như vương sư họ Lã; trận nào bằng trận Duy thủy, như quốc sĩ họ Hàn. Kìa trận Bạch Đằng này mà Đại thắng, bởi chưng Đại vương coi thế giặc nhàn. Tiếng thơm còn mãi, bia miệng bao mòn. Nhớ ai sa giọt lệ, hổ mình với nước non!

Rồi vừa đi vừa hát rằng:

Sông Đằng một dải dài ghê!

Luồng to sóng lớn dồn về bể Đông.

Trời Nam sinh kẻ anh hùng,

Tăm kềnh yên lặng, non sông vững vàng.

Khách vừa đi vừa hát rằng:

Vua Trần hai vị thánh quân

Sông kia còn dấu tẩy trần giáp binh

Nghìn xưa gẩm cuộc thăng bình.

Tài đâu đất hiểm, bởi mình đức cao.

(Nguyên văn chữ nho của Trương Hán Siêu – Đông Châu dịch - )

Khảo về địa dư và lịch sử tỉnh Quảng yên (Nam Phong tạp chí, t.XIV số 84, tháng 6-1924)

Một bài phú tứ tự

Bài phú tài bàn.

(Lung) Tài bàn, tài bàn! Ai sinh ra chàng? Trăm hai mươi quân, phu ba kéo hàng. Cũng vạn, cũng sách: cũng chi, lão, thang. Nào ăn nào đánh, muốn dọc, muốn ngang. Có gì lạ đâu; Tổ tôm một phường. Có gì khác đâu: khác chín lừng khàn. Từ khi mới sang, vác mặt nghiêng ngang. Đi đầu theo đó, sum họp thành làng.

(Biện nguyên) Nguyên người ở đâu? – Ngươi ở bên Tàu. Tên ngươi ai đặt? Họ ngươi ai đầu? Trong phường dệt gấm chú chiệc bán dầu.

(Thích thực hai vần) Vài mươi năm trước, qua nước Nam Việt. Xưa chửa biết ai, nay ai cũng biết. Càng quen thuộc lắm, chơi bời càng riết. Kể mặt làng chơi, tín hsao cho xiết.

Thím khách, cô tây; bác thông, cậu ký, Thầy giáo thâầ nho; cụ tổng, cụ lý. Ông cả, bà lớn; bố cu, mẹ đĩ. Đến cả sãi chùa, cùng đàn trẻ bé. Rằng buồn, ông chơi, thấy vui, cháu ké.

(Phu diễn hai vần) Nơi thời: lầu hồng gió cuốn, gác tía trăng soi. Đèn pha lê thắp, sập vân mẫu ngồi. Kẻ hầu bốc nọc, đứa chực chia bài. Trăn nghìn không kể, chơi lấy kẻo hoài.

Nơi thời: Mấy mặt làng nho, vài người bạn cũ. Điếu thuốc, miếng giầu; câu thơ, vần phú. Ngày hãy còn dài, ta chơi cho bõ.

(Nghị luận hai vần ) lại kìa: mấy cậu dẻo trai, mấy ả mày ngài. đồng hồ túi áo, kim cương hoa tai. Ma-đam, me-sừ; giắt lưng cỗ bài. Chim chuột là cốt, được thua cũng lời.

Lại kia: nhà tranh rấch rác, giường tre lệch lạc. Thằng quấn lồng bàn, đưa khăn mãnh bát. Xỏ lá một phường, bợm keo một loạt. Thuốt khét râu ngô, bước bung chè hạt. Người mươi đồng xu, bài mọt cỗ nát. Ngọn đèn lờ mờ, năm canh xào xạc.

(Kết) Thôi thôi thôi thôi: Chú tài, thím tài; ông bàn, bà bàn! Xin xuống tàu trước, cả nước tôi van!

(Nễ giang Nguyễn Thiện Kế).

2. Một bài văn tế làm theo lối tán.

Văn tế một vị công chúa.

Thanh thiên nhất đóa vân

Hồng lô nhất điểm tuyết

Thượng uyển nhất chi hoa

Dao trì nhất phiến nguyệt

Y! Vân tán, tuyết tiêu

Hoa tàn, nguyệt khuyết

(Mạc Đĩnh Chi)

Dịch nghĩa: Một đám mây trên trời xanh, một giọt tuyết trong lò trời, một cánh hoa ở vườn nhà vua, một vừng trăng ở dưới ao tiên. Than ôi! Mây tản, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết!

CÁC TÁC PHẨM ĐỂ KÊ CỨU

1) Phan Kế Bính, Việt Hán văn khảo

2) Ưu Thiên Bùi Kỷ, quốc văn cụ thể

3) Đông Châu, Cổ xuý nguyên âm. Cuốn thứ nhì

4) Thái phong Vũ khắc Tiệp, Phú nôm, tập trên và tập dưới, Việt văn thư xã, Vĩnh hưng Long thư quán, Hà Nội.