VIỆT NAM VĂN HỌC SỬ YẾU

CHƯƠNG THỨ MƯỜI BA

Từ khi Hàn Thuyên biết theo Đường luật của Tàu mà làm thơ phú nôm thì văn quốc âm một ngày một phát đạt. Các văn sĩ không những làm thơ phú mà còn làm các thể văn khác nữa. Vậy ta phải xét phép tắc các thể văn ấy.

I. Các thể văn của Tàu và của ta.

Thể văn mượn của Tàu và thể văn riêng của ta – Ta có thể chia các thể văn của ta ra làm hai loại: một là những thể văn mượn của Tàu; hai là những thể văn riêng của ta.

A) Những thể mượn của Tàu có thể chia làm hai hạng:

1) Vận văn là văn có vần: thơ, phú.

2) Biền văn là văn không có vần mà có đối: câu đối tứ lục, kinh nghĩa (lối bát cổ)

B) Những thể riêng của ta là: Lục bát, song thất, và các biêế thể của hai lối ấy (hát nói, sẩm, lý, hề, điên, v.v. ) nói lối (về tuồng) đều thuộc về loại văn vần cả.

Còn các lối văn xuôi của Tàu (như tự, bạt, truyện, ký, bí, luận) thì các cụ hồi xưa ít viết bằng quốc âm. Còn các lối văn xuôi mới (như tiểu thuyết, luận thuyết, ký sự, diễn thuyết, kịch) thì mãi gần đây ta chịu ảnh hưởng của Tây học mới biết dùng đến.

Lời chú.- Một điều khiến ta phân biệt được thể văn nào là mượn của Tàu và thể văn nào là riêng của ta là cách gieo vần.

a) Những thể văn vần của Tàu thì bao giờ vần cũng gieo ở cuối câu. Thí dụ: trong thể thơ, các chữ vần gieo ở cuối câu thứ nhất và cuối câu chẳn.

b) Những thể văn của ta thì vần vừa gieo ở câu cuối gọi là cước vận (cước; chân), vừa gieo ở lưng chừng câu gọi là yêu vận (yêu: lưng). Hí dụ: trong lối lục bát thì vần câu lục gieo ở cuối (cước vận lại hiệp với chữ thứ sáu của câu bát (yêu vận). Trong thể song thất thì vần câu thất trên gieo ở cuối (cước vận) lại hiệp với chữ thứ năm câu thất dưới (yêu vận)

Ta sẽ lần lượt xét phép tắc các thể văn mượn của Tàu, rồi đến các thể văn riêng của ta.

2.- Thơ Đường luật.

Thi pháp của Tàu và âm luật của ta.- Như trên đã nói, thơ nôm ta làm theo phép tắc thơ Tàu, mà âm thanh tiếng ta cũng tương tự tiếng Tàu (cũng là thứ tiếng đan âm và cũng chia làm tiếng bằng tiếng trắc). nên thi pháp của ta tức là thi pháp của Tàu và các niêm luật của thơ ta cũng phỏng theo thơ Tàu cả.

Thơ ngũ ngôn và thơ thất ngôn.- Thơ (chữ nho là thi) là thể văn, có thanh, có vận, có thể ngâm vịnh được.

Theo số chữ trong câu, thơ cổ có hai lối chính:

1) Ngũ ngôn, mỗi câu năm chữ;

2) Thất ngôn, mỗi cây 7 chữ;

Thơ cổ phong và thơ Đường luật.- Theo cách làm, thơ chia làm hai thể;

1) Cổ phong là thể thơ có trước đời nhà Đường, không theo niêm luật nhất định.

2) Đường luật hoặc cận thể là thể thơ đặt ra từ đời nhà Đường (618-907) phải theo niêm luật nhất định.

Thơ Tứ tuyệt và thơ bát cú.- Theo số câu, thơ Đường luật chia làm hai lối:

1) tứ tuyệt, mỗi bài bốn câu.

2) Bát cú, mỗi bài tám câu.

Lối Đường luật bát cú là lối chính và thông dụng nhất, vậy ta hãy xét phép tắc lối ấy trước.

I. Bát Cú:

Trong lối thơ Đường luật, có năm điều này phải xét

1) vần; 2) Đối; 3) luật; 4) niêm; 5) cách bố cục.

Vần thơ.-

A) Định nghĩa.- Vần (chữ nho là vận là những tiếng thanh âm hòa hiệp đặt vào hai hoặc nhiều câu văn để hướng ứng nhau).

B) Cách gieo vần:-

1/ Thơ Đường luật thường dùng vần bằng; gián hoặc mới dùng vần trắc.

2/ Suốt bài thơ Đường luật chỉ hiệp theo một vần, tức là theo lối độc vận.

3/ Trong một bài bát cú có 5 vần gieo ở cuối câu đầu và cối các câu chẵn.

C) Lạc vận và cưỡng áp.- Gieo vần sai hẳn, không hiệp nhau gọi là lạc vận (lạc: rụng). Nếu vần gieo gượng không được hiệp lắm thì gọi là cưỡng áp (đặt ngượng), đều không được cả.

Phép đối trong thể thơ.-

A) Định nghĩa.- Đối là đặt hai câu đi sóng đôi cho ý và chữ trong hai câu ấy cân xứng với nhau.

1/ Đối ý là tìm hai ý tưởng cân nhau mà đặt thành hai câu sóng nhau.

2/ Đối chữ thì vừa phải đối thanh tức là bằng đối với trắc, trắc đối với bằng; vừa phải đối loại của chữ nghĩa là phải đặt hai chữ cùng một tự loại để đối với nhau (như cùng là hai chữ danh từ, hoặc động từ, v.v. )

3/ Những câu phải đối trong một bài thơ bát cú. - Trừ hai câu đầu và hai câu cuối, còn bốn câu giữa thì câu 3 đối với câu 4, câu 5 đối với câu 6.

Luật thơ.- định nghĩa: Luật thơ là cách xếp đặt tiếng bằng tiếng trắc trong các câu của một bài thơ.

B) Tiếng bằng và tiếng trắc. – Muốn hiểu luật thơ, phải biết phân biệt tiếng bằng tiếng trắc. Bằng (chữ nho là bình) là những tiếng lúc phát ra bằng phẳng đều đều. Trắc (nghĩa đen là nghiêng, lệch) là những tiếng khi phát ra hoặc tự thấp lên cau hoặc tự cao xuống thấp.

Trong tiếng ta có tám thanh thì có hai thanh bằng và sáu thanh trắc. Các thanh ấy liệt kê trong các biểu sau này:

Loại thanh Tên các thanh Dấu chỉ thanh Chua thêm

Bằng Phù bình thanh Không có dấu

Trầm bình thanh Huyền (`)

Trắc Phù thượng thanh Ngã (~)

Trầm thượng thanh Hỏi (? )

Riêng cho các

tiếng đằng sau

Phụ âm e, ch, p,t

Phù khứ thanh Nặng (.)

Phù nhập thanh Sắc ( ’ )

Trầm nhập thanh Nặng (.)

C) Luật bằng và luật trắc.- Thơ có thể làm theo hai luật.

1) Luật bằng là luật thơ bắt đầu bằng hai tiếng bằng;

2) luật trắc là luật thơ bắt đầu bằng hai tiếng trắc.

D) Các luật thơ.- Nay liệt kê các luật thơ thông dụng như sau (b= tiếng bằng; t = tiếng trắc; v - tiếng vần; - những chữ in lối nghiêng là phải theo đúng luật; những chữ in thường thì theo đúng luật hoặc không theo đúng luật cũng được, theo các cái lệ “bất luận” sẽ nói sau):

I,Luật bằng II. Luật trắc

A. Vần bằng A. Vần bằng.

1) ngũ ngôn bát cú 2) Ngủ ngôn bát cú

Docsach24.com

E) Bất luận và khổ độc.- Vì sự theo đúng luật bằng trắc như trên đã định là một việc rất khó, nên có lệ bất luận (không kể), nghĩa là trong câu thơ có một vài chữ không cần phải đúng luật.

1/ Trong bài thơ ngũ ngôn thì chữ thứ nhất và chữ thứ ba không cần đúng luật: tức là nhất, tam bất luận.

2/ Trong bài thơ thất ngôn thì chữ thứ nhất, thứ ba và thứ năm không cần đúng luật: tức là nhất, tam, ngũ bất luận.

Tùy theo lệ bất luận có thể thay đổi luật mấy chữ trong câu thơ, nhưng đáng trắc mà đổi ra bằng thì bao giờ cũng được, chứ đáng bằng mà đổi ra trắc thì trong vài trường hợp, sự thay đổi làm cho câu thơ thành ra khổ độc (khó đọc) không được. Những trường hợp ấy là:

1) Trong bài thơ ngũ ngôn, chữ thứ nhất các câu chẵn và chữ thứ ba của cả các câu đáng bằng mà đổi ra trắc là khổ độc.

2) Trong bài thơ thất ngôn, chữ thứ ba các câu chẵn và chữ thứ năm các câu lẽ đáng bằng mà đổi ra trắc là khổ độc.

F) Thất luật.- Một câu thơ đặt sai luật nghĩa là một chữ đáng bằng mà đổi ra trắc hoặc trái lại, thế thì gọi là thất luật (sai mất luật) không được.

Niêm.-

A) Định nghĩa – Niêm (nghĩa đen là dính) là sự liên lạc về âm luật củ hai câu thơ trong bài thơ Đường luật. Hai câu thơ niêm với nhau khi nào chữ thứ nhì của hai câu cùng theo một luật, hoặc cùng là bằng, hoặc cùng là trắc, thành ra bằng niêm với bằng, trắc niêm với trắc.

B) Những câu niêm với nhau trong một bài thơ bát cú. Trong một bài thơ bát cú (xem lại biểu các luật thơ ở trên) những câu sau này niêm với nhau: 1 với 8; 2 với 3; 4 với 5; 6 bới 7; 8 với 1.

C) Thất niêm.- Khi các câu trong một bài thơ, vì sự đặt sai, không niêm với nhau theo lệ đã định; thì gọi là thất niêm (mất sự dính liền) không được.

Cách bố cục.- Một bài thơ bát cú có bốn phần:

1) Đề gồm có phá đề (câu 1) là mở bài và thừa đề (cầu) là nối câu phá mà vào bài.

2) Thực hoặc trạng (hai câu 3-4) là giải thích đầu bài cho rõ ràng.

3) Luận (hai câu 5 -6) là bàn bạc cho rộng nghĩa đầu bài.

4) Kết (hai câu 7-8) là tóm ý nghĩa cả bài mà thắt lại.

II.- Tứ Tuyệt.

Định nghĩa.- tứ là bốn, tuyệt là dứt, ngắt. Lối này gọi thế vì thơ tứ tuyệt là ngắt lấy bốn câu trong bài thơ bát cú mà thành.

Các cách làm thơ tứ tuyệt.- Vì một bài thơ bát cú có thể ngắt nhiều cách, nên cũng có nhiều cách làm thơ tứ tuyệt:

1/ Ngắt bốn câu trên, thành ra bài thơ ba vần, hai câu trên không đối nhau, hai câu dưới đối nhau. Thí dụ.

Con voi (Lê Thánh Tôn?)

(so sánh với biểu Thất ngôn bát cú, luật bằng, vần bằng ở trên)

Xông pha bốn cõi bể chông gai,

Vùng vẫy mười phương bụi cát bay.

Phép nước gọi là tơ chỉ buộc, (3)

Sức này nào quản búa rìu tay.(4)

( 3) và (4) đối nhau.

2/ Ngắt 4 câu giữa, thành ra bài thơ 2 vần, cả bốn câu đối nhau Thí dụ:

Khóm gừng tỏi (Ôn Như Hầu)

(so sánh với biểu Ngũ ngôn bát cú, luật bằng, vần bằng ở trên)

Lởm chởm vài hàng tỏi (1)

Lơ thơ mấy khóm gừng (2)

Vẻ chi là cảnh mọn, (3)

Mà cũng đến tang thương (4)

(1) và (2) đối nhau, (3) và (4) đối nhau.

3/ Ngắt 4 câu dưới, thành ra bài thơ hai vần, hai câu trên đối nhau, hai câu dưới không đối. Thí dụ:

Để chùa Vô vi (Vô danh)

(so sánh với biểu Ngũ ngôn bát cú, luật bằng vần bằng ở trên)

Vắt vẻo sườn non Trạo (1)

Lơ thơ mấy ngọn chùa. (2)

Hỏi ai là chủ đó?

Có bán tớ xin mua

(1) và (2) đối nhau.

4/ Ngắt 2 câu đầu và 2 câu cuối, thàn hra bài thơ 3 vần, cả 4 câu không đối. Thí dụ:

Cái pháo (Nguyễn Hữu Chỉnh)

(so sánh với biểu Thất ngôn bát cú, luật bằng, vần bằng ở trên)

Xác không, vốn những cậy tay người,

Bao nả công trình, tạch cái thôi!

Kêu lắm, lại càng tan tác lắm.

Thế nào cũng một tiếng mà thôi.

5/ Ngắt hai câu 1-2 với hai câu 5-6, thàn hra bài thơ 3 vần hai câu cuối đối nhau. Thí dụ:

Con cóc (Lê Thánh Tôn)

(So sánh với biểu Thất ngôn bát cú, luật trắc, vần bằng ở trên)

Bác mẹ sinh ra vốn áo sồi,

Chốn nghiêm thăm thẳm một mình ngồi

Tép miệng năm ba con kiến gió (3)

Nghiến răng chuyện động bốn phương trời (4)

(3) và (4) đối nhau.

3. Thơ cổ phong

Số chữ và số câu trong lối thơ cổ phong. - Lối này chỉ có sổ chữ trong câu là nhất định (hoặc ngũ ngôn, hoặc thất ngôn): ngoài ra, không phải theo thể lệ chặt chẽ như lối đường luật, nghĩa là không có niêm, luật, không phải đối (một đôi khi có đối là tùy nhà làm thơ, chứ không bắt buộc.

Lối này cũng không hạn số câu: cứ tự 4 câu trở lên, muốn làm dài ngắn bao nhiêu cũng được. Các thi gia thường cũng hay làm mỗi bãi câu (tứ tuyệt) hoặc 8 câu (bát cú). Nhưng cũng có bài làm 6 câu hoắc 12 câu. Nhưng bài thất ngôn dài quá 8 câu và ngủ ngôn dài quá 16 câu gọi là tràng thiên (thiên dài).

Cách gieo vần trong lối thơ cổ phong. - Lối thơ cô phong có thể cả bài dùng một vần (độc vận), hoặc dùng nhiều vần (liên vận). Khi dùng liên vận thì hoặc mỗi hai câu mỗi đổi vần (lối này phải dùng vần liên châu mỗi cuối câu mỗi hạ vần), hoặc bốn câu đổi dùng một vần (như lối thơ tứ tuyệt), hoặc tám câu đổi dùng một vần (như lối thơ bát cú). Mỗi khi đổi vần, câu thứ nhất hoặc có gieo vần, hoặc không gieo vần cũng được. Trong bài thơ liên vận, có thể dùng vừa vần bằng, vừa vần trắc.

Những bài thơ cổ phong làm mẫu:

(Ngũ ngôn bát cú)

Khen Trần Bình Trọng

Giỏi thay Trần Bình Trọng!

Dòng dỏi Lê Đại Hành

Đánh giặc dư tài mạnh

Thờ vua một tiết trung.

Bắc vương sống mà nhục,

Nam quỉ thác cũng vinh

Cứng cỏi lòng trung nghĩa

Ngàn thu tỏ đại đanh

Phan Kế Bính

Thất ngôn bát cú

Dế duỗi bên đèn

Kiến chẳng phải kiến, voi chẳng voi,

Trời sinh dế duổi cũng choi choi

Ngắn cánh lên trời bay chẳng thấu,

Co tay vạch đất cũng khoe tài.

Mưa sa nước chảy lên cao ở

Lửa đỏ dầu sổi nhảy tới chơi

Quân tử có thương xin chớ phụ

Lăm lăm bay nhảy để mà coi

Tú Qùi

Ngũ ngôn tràng thiên (liên vận)

Bài ghi trên chỗ ngồi

Người xấu chơ nên nói,

Mình hay chớ nên khen

Làm ân chớ nên nhớ

chịu ân chớ nên quên

đời khen không đủ mến,

Duy lấy nhân làm nền

Chúa bụng rồi mới động,

Gièm pha có ngại gì

đừng để danh quá thực,

Thánh ở trong ngu si,

Giữ mình cốt trong trẻo,

Ánh sáng lộ tỷ ty.

Mềm mỏng được bền dai,

Lão Đam khoẻ mới kỳ

Hầm hầm nết kẻ hèn,

Khoan hòa người lượng cả.

Nói cẩn, ăn có chừng

Biết vừa, không tai vạ.

Cứ thế được mãi mãi,

Thơ tho cũng thoả dạ.

Thôi Tử Ngọc – Phan Kế Bính dịch nôm Việt Hán văn khảo (Éditions du Trung Bắc tân văn)

Thất ngôn tràng thiên (liên vận)

Ông Lã Gia

Ngồi buồn xem lại sử Nam nhà

Quan đời vua Triệu ông Lã Gia

Ngôi cao quyền trọng đầu râu bạc,

Hai vai gánh vác một san hà,

Giặc ngoài ngắm nghe, vua Hưng nhỏ,

Nước đổ, thành nghiêng, một cụ gia.

Cù Hậu, sứ thần trong nửa tiệc,

Quét sạch hội tanh, tan nát hoa.

Con trưởng vua Minh dựng nối dòng,

Hai nghìn vào cõi tính đã xong

Gói cờ tiết Hán để mặt ải,

Bao nơi hiểm yếu dàn canh phòng

Năm nghìn lại tiếp quân Tàu sang,

Chín chục chết theo cơ nghiệp Triệu

Chưa chắc loạn thần hay trung trinh

Văng vẳng nghìn thu không kẻ hiểu

Nguyễn Khắc HIếu

Khối tình con

(Quyển thứ nhất – Đông kinh ấn quán, Hà Nội)

4. Các lối thơ riêng

Trừ hai lối Đường luật và cổ phong vừa kể trên là những lối thông dụng nhất, còn có mấy lối thơ riêng một đôi khi thì gia cũng dùng đến.

Trong các lối liệt kê sau đây thì 5 lối trên là bắt chước của Tàu, e lối sau riêng của ta có; còn hai thể dưới, hoạ vận là liên ngâm, thực ra không phải là lối riêng, chỉ là một cách làm thơ để vui chơi cho các thi gia Tàu và ta.

Thủ vĩ ngâm.- Thủ vĩ ngâm (thủ: đầu; vĩ: đuôi; ngâm: đọc) là lối thơ câu đầu câu cuối giống nhau.

Thí dụ:

Tết

Anh em đừng nghĩ Tết tôi ngheo,

Tiền bạc trong kho chửa lãnh tiêu.

Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quảy;

Trà sen mượn hỏi, già còn kiêu.

Bánh đường sắp gói, e mồm chảy;

Giò lụa toan làm, sợ nắng thiu.

Thôi thế thì thôi, đành Tết khác,

Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo.

Trần Tế Xương.

Liên hoàn.- Liên hoàn (liên: liền; hoàn: vòng) là lối thơ có nhiều bài mà cứ câu cuối bài trên lấy làm câu đầu bài dưới. Thí dụ:

Hủ nho tự trào (bốn bài)

I

Ngán nỗi nhà nho bọn hủ ta,

Hủ sao hủ gớm hủ ghê mà!

Thơ suông nước ốc còn ngấm váng;

Rượu bự non chai vẫn chén khà.

Múa mép rõ ra văn chú chiệc;

Dài lựng quen những thói con nhà.

Phen này cái hủ xua đi hết.

Cứ để cười nhau hủ mãi a?

II

Cứ để cười nhau hủ mãi a?

Cười ta, ta cũng biết rằng ta.

Trót quen nho nhã đầu khăn lượt.

Hóa kém văn minh cổ áo là.

Khó vậy làm em, giàu đã chị;

No thì nên bụt, đói ra ma,

Nay được buổi học ganh đua mới.

Còn giữ lề xưa mãi thế là!

III

Còn giữ lề xưa mãi thế là!

Trông gương ta lại tức cho ta.

Ngâm câu dã giả, đùi rung nẩy,

Ngó chữ a b, mắt quáng lòa,

Tai mặt cùng vui đình đám hội;

Mày râu riêng thẹn nước non nhà.

Ai ơi! giấc ngủ sao mê qua!

Mưa gió năm châu rộn tiếng gà.

IV

Mưa gió năm châu rộn tiếng gà,

Cái hồn văn tử tỉnh dần ra,

Trống khua giáo dục kêu vang nước;

Đuốc rọi văn minh sáng rực nhà.

Khai hóa đã đành thay lối cũ;

Cải lương còn phải tính đường xa.

Anh xem nghĩ lại sao không cố,

Ngán nỗi nhà nhỏ bọn hủ ta.

Tình si Tử.

Thuận nghịch độc.- Thuận nghịch độc (thuận: xuôi; nghịch: ngược) là lối thơ đọc xuôi đọc ngược cũng thành câu có nghĩa cả; co khi đọc xuôi thành thơ quốc âm mà đọc ngược thành thơ chữ Hán.

Đền Ngọc Sơn (Hà Nội)

(Bài đọc xuôi)

Linh uy tiếng nổi thật là đây:

Nước chắn, hoa rào, một khoá mây.

Xanh biếc nước soi, hồ lộn bóng:

Tim bầm rêu mọc, đá tròn xoay.

Canh tàn lúc đánh chuông ầm tiếng;

Khách văng khi đưa xạ ngát bay.

Thành thị tiếng vang đồn cảnh thắng:

Rành rành nọ bút với nghiên này.

(Bài đọc ngược)

Này nghiên với bút nọ rành rành:

Thắng cảnh đồn vang thiếng thị thành

Bay ngát xa đưa khi vắng khách;

Tiếng ầm chuông đánh lúc tàn canh.

Xoay tròn đá mọc rêu bầm tím,

Bóng lộn hồ soi nước biếc xanh.

Mây khóa một rào hoa chắn nước,

Đây là thật nổi tiếng uy linh

Vô danh

Yết hậu.- Yết hậu (yết: nghỉ; hậu; sau) là lối thơ có bốn câu trên đủ chữ, còn bốn câu dưới chỉ có một chữ. Thí dụ:

Lươn

cứ nghĩ rằng mình ngắn,

ai ngờ cũng dài đườn.

Thế mà còn chê trạch:

Lươn!

Vô danh

Lục ngôn thể.- Lục ngôn thể là lối thơ thất ngôn xen vào cái câu chỉ có 6 chữ. Lối thơ này ở nước ta về đời Trần, Lê hay dùng. Thí dụ:

Cảnh nhàn

Lọ là thành thị, lọ lâm toàn,

Được thứ thì hơn miễn phận nhàn.

Vụng, bất tài nên kém bạn (lục ngôn thể)

Già, vô sự ấy là tiên (lục ngôn thể)

Đồ thư một quyển nhà làm của;

Phong nguyệt năm hồ khách nổi thuyền.

Dù nhẫn chên khen, dù miệng thế,

Cơ mầu tạo hóa mặc tự nhiên.

Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Tiệt hạ.- Tiệt hạ (tiệt: ngắt, hạ: dưới) là lối thơ nào cũng bỏ lửng như bị ngắt, bớt ở cuối, nhưng ý nghĩa rõ rệt, người đọc đoán mà hiểu được. Thí dụ:

Thác bức rèm châu chợt thấy mà …!

Chẳng hay người ngọc có hay đà …!

Nét thu dợn sóng hình như thể …

Cung nguyệt quang mây nhác ngỡ là …

Khuôn khổ ra chiều người ở chốn..

Nết na xem phải thói con nhà..

Dở dang nhắn gửi xin thời hãy …

Tình ngắn tình dài chút nữa ta …

Vô danh

Vĩ tam thanh- Vĩ tham thanh (vĩ: đuôi; tam: ba, thanh: tiếng ) là lối thơ ba tiếng cuối cùng, câu nào cũng phát âm giống nhau. Thí dụ:

Ta nghe gà gáy tẻ tè te,

Bóng ác vừa lên hé hẻ hè.

Non một chồng cao von vót vót,

Hoa năm sắc nở loẻ loè loe.

Chim tình bầu bạn kia kìa kỉa,

Ong nghĩa vua tôi nhẹ nhẻ nhè.

Danh lợi mặt người ti tí tỉ

Ngủ trưa chưa dậy khoẻ khoè khoe

Vô danh.

Song điệp.- Song điệp (song: đôi; điệp: trùng nhau) là lối thơ mỗi câu hoặc ở đâu hoặc ở cuối có đặt hai cặp điệp tự (chữ lắp lại) Thí dụ:

Vất vất vơ vơ cũng nực cười!

Căm căm cúi cúi có hơn ai?

Nay còn chị chị anh anh đó,

Mai đã ông ông mụ mụ rồi.

Có có không không, lo hết kiếp

Khôn khôn, dại dại chết xong đời.

Chi bằng láo láo lơ lơ vậy,

Ngủ ngủ, ăn ăn, nói chuyện chơi

Vô danh

Hoạ vận.- Hoạ vận (họa: hòa theo; vận: vần) là bài thơ gieo đúng các chữ vần của bài trước tức là bài xướng (hát lên) để đáp lại ý nghĩa bài trước, hoặc biểu đồng tình hoặc phản đối lại. Thí dụ:

Tôn phu nhân qui Thục

Bài xướng

Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng;

Ngân thu rạng tiết gái Giang đông.

Lìa Ngô bịn rịn chòm mấy bạc;

Về hán trau tria mảnh má hồng.

Son phấn thà cam dày gió bụi;

Đá vàn chi để thẹn non sông.

Ai về nhắn với Châu Công Cẩn;

Thà mất lòng anh được bụng chồng.

Tôn Thọ Tường.

Bài họa

Cài trâm xóc áo vẹn câu tòng

Mặt ngả trời chiều biệt cõi Đông.

Ngút tỏa trời Ngô un sắc trắng;

Duyên về đất Thục đượm màu hồng.

Hai vai tơ tóc bền trời đất;

Một gánh cương thường nặng núi sống.

Anh hởi! Tồn Quyền! anh có biết?

Trai ngay thờ chúa gái thờ chồng.

Phan văn Trị.

Liên ngâm hoặc liên cú.- Liên ngâm hoặc liên cú (liên: liền, ngâm: đọc; cú: câu) là một bài thơ do nhiều người cùng làm, cứ lần lượt mỗi người đọc một hai câu cho liên tiếp thành bài. Thí dụ:

Cảnh hồ Tây

(Bài này do bà Liễu Hạnh cùng với ông PHùng Khắc Khoan, một ông họ Lý, một ông họ Ngô đi chơi thuyền ở Hồ Tây liên ngâm mà thành)

Liễu: Hồ Tây riêng chiếm một bầu trời.

Lý: Bát ngát tứ mùa rộng mắt coi.

Cỗi ngọc xanh xanh làng phía cạnh.

Phùng: Trâu vàng biêng biếc nước vàng khơi,

Che mưa nhà lợp vài gian cỏ.

Ngô: chèo gió ai bơi một chiếc chài

Giậu thủng chó đua đàn sủa tiếng,

Lý: Trời hôm bếp thổi khói tuôn hơi.

Mơn mơn tay lái con chéo quê,

Phùng: Xàn xạt mình đeo chiếc áo tơi.

Thuyền Phạm phất phơ chơi bể rộng.

Ngô: Bè Trương thấp thoáng thả sông trời

Đò đưa bãi lác tai dòn dã,

Lý: Giọng hát bờ lau tiếng thảnh thơi

Cò xuống đua qua vùng cát đâu

Phùng: Diều bay sẽ liệng đám mây chơi.

Khúc ca trong đục ầm bên nước,

Ngô: Quầng mắt xanh đen sạch bụi đời

Đầu gối long hà lai láng chuyện.

Lý: Tay soi tiền giáp lả lơi cười.

Chốc sen ngả nón chứa rau búp,

Phùng: Đáy nước dìm phao bắt cá tươi

Có lúc kê hoa bày tiệc rượu

Ngô: Hoạ khi tựa bóng đứng đầu mui.

Say rồi, cởi áo quăng dòng mát.

Lý: Tắm đoạn, xoay quần hóng gió phơi.

Trẻ mục yên hoa bày tiệc rượu.

Phùng: Lũ tiều Thượng uyển hẹn lời dai.

Bắt cò cứ vũng ngồi rình bụi.

Ngô: Mò ngọc khen ai khéo lặn ngòi

Tay lưới thế thần khôn mắc vướng.

Lý; Lưỡi câu danh lợi nhẹ tham mồi,

Hạ rồi bến mát còn yêu nắng.

Phùng; Đông hết thành xuân chửa thấy mai.

Thú cảnh yên hà sang dễ đọ.

Ngô: Sóng lòng trần tục dạ đầy vơi.

Xe săn vị thủy thu hồ hỏi,

Lý: Thuyền tới Đào Nguyên mặc sức bơi.

Chuông sớm giục thanh lòng phật đó.

Liễu: Trăng tròn soi một bóng tiên thôi.

(Nguyên văn chữ nho Truyện Liễu chúa Phan Kế Bính dịch nôm trong Việt Hán văn khảo)

Các tác phẩm để kê cứu

1) Phan Kế Bính, Việt Hán văn khảo (sách đã kể trước)

2) Ưu thiên Bùi Kỷ, Quốc văn cụ thể (sách đã kể trước)

3) Đông châu, Cổ xuý nguyên âm. Lối văn thơ nôm. Cuốn thứ nhất. Đông kinh ấn quán. Hà Nội.

4) Ôn Như Nguyễn văn Ngọc, Nam thi hợp tuyển. Quyển nhất; Vĩnh hưng long thư quán. Hà nội.

5) Huyên mặc đạo nhân Dương Mạnh Huy, Đường thi hợp tuyển. cuốn thứ nhất (có dạy luật phép làm thơ). Liễu viên thư xã. Saigon.

6) Chương dân thi thoại. Nhà in Đắc lập, Huế.

7) Phạm Quỳnh, Văn học bình luận. Bàn về thơ nôm. N.P.t.1, số 5 tr.293-297.

Docsach24.com

Docsach24.com

Docsach24.com