ô cùng ngạc nhiên trước câu trả lời của ông Khấu, Địch công đập bàn quát:
Đồ ngu! Ta bảo ông nói sự thật chứ đâu bảo ông bịa ra một câu chuyện lạ kỳ! Trời ơi, bà vú nuôi ta đã từng kể cho ta chuyện đó khi ta còn bé. Viên ngọc của Hoàng đế! Có hay không?
Địch công lại quát lên và bực bội kéo râu. Ông Khấu ngồi xuống, lấy tay áo lau mồ hôi trán, đĩnh đạc nói:
Đúng sự thật như thế, thưa đại nhân! Tôi xin thề. Diên Hương đã nhìn thấy viên ngọc to như quả trứng chim câu, hình bồ dục duyên dáng, trong sáng tuyệt vời như người đời truyền tụng.
Thật là một câu chuyện hoang đường! Đồng Mai đã bịa ra sao, việc hắn có trong tay vật cực kỳ quý báu đó?
Cúi sát Địch công, ông Khấu nói ngay:
Đồng được một bà già gần nhà tặng cho viên ngọc đó, thưa đại nhân, để trả ơn Đồng đã chăm sóc bà ta và hứa lo giúp bà ta việc hậu sự khi bà ta chết. Vì bà ta chẳng còn ai thân thích nên đã nói rõ điều bí mật quanh viên ngọc của Hoàng đế cho Đồng: điều bí mật mà gia tộc bà ta đã giữ kín từ hai thế hệ trước.
À, té ra là bí mật của một gia tộc. Thôi ông kể tiếp để ta nghe.
Câu chuyện thật là ly kỳ, thưa đại nhân, nhưng hoàn toàn là sự thật. Bà của bà cụ già đó là người hầu trong cung vua. Thời gian đó, sứ giả nước Ba Tư tặng viên ngọc quý đó cho bà thái hậu, bà của Hoàng đế hiện nay và bà ta đã tặng lại cho Hoàng hậu nhân ngày sinh nhật. Cả triều đình và tất cả các phu nhân đều trầm trồ khen ngợi tặng phẩm vô cùng quý giá ấy, và chúc mừng Hoàng hậu có vinh dự được tặng quà của Thái hậu. Hồi đó, con của bà người hầu lên ba tuổi, thấy quang cảnh tấp nập người ra vào buồng của Hoàng hậu, nó tò mò chui vào phòng Hoàng hậu, đến bên chiếc kỷ đặt viên ngọc vô giá đó. Nó với lấy và cho vào mồm rồi bỏ ra vườn chơi. Khi Hoàng hậu nhận ra viên ngọc biến mất, bà ta ra lệnh cho tất cả các hoạn quan, các lính trong triều đổ đi tìm. Các cửa ra vào cung đều bị đóng lại: nội bất xuất, ngoại bất nhập, ai có mặt ở trong cung đều bị khám xét nhưng không ai để ý đến đứa bé ba tuổi đang chơi ở ngoài vườn. Bốn bà hầu cận của hoàng hậu bị nghi là đánh cắp viên ngọc, đã bị tra tấn đến chết, và hàng chục nô tỳ bị đòn roi tơi tả mà vẫn không tìm ra viên ngọc. Chiều hôm đó, hai vị đại quan nhận lệnh mở cuộc điều tra, tìm kiếm.
Đôi má ông Khấu ửng đỏ, bị kích thích vì câu chuyện xa xưa, ông hầu như quên cả nỗi buồn riêng, vội uống một ngụm trà và kể tiếp:
Ngày hôm sau, bà người hầu nhận thấy con mình đang mút một vật gì. Khi bà ta mắng nó là lấy cắp kẹo trong lọ, nó bèn giơ ra viên ngọc.
Bà ta vô cùng kinh hãi. Nếu đem trả viên ngọc và nói ra sự thật thì bà ta phải chịu trách nhiệm về cái chết của bốn bà hầu cận vô tội, và bà ta cùng toàn gia đình cũng sẽ bị chết. Thế là bà ta quyết định giấu kín chuyện và giữ viên ngọc. Cuộc điều tra kéo dài mà không có kết quả nào. Ban điều tra được bổ sung thêm nhiều vị đại thần. Hoàng đế treo một giải thưởng rất lớn cho ai phá được bí mật đó, và vì thế cả nước đều biết đến chuyện viên ngọc bị biến mất. Bao nhiêu giả thuyết, bao nhiêu hướng điều tra đều vô vọng. Bà người hầu giữ viên ngọc kín đáo suốt đời, chỉ đến khi lâm chung bà ta mới giao viên ngọc cho con gái, tức là mẹ của bà già mà Đồng Mai đã giúp đỡ, và bắt con gái thề phải giữ kín nguồn gốc viên ngọc: sống thì chôn chặt trong lòng, chết thì mang theo xuống mồ. Người con gái đó lấy chồng làm thợ mộc, sau đó cả hai vợ chồng làm ăn sa sút, nợ nần, túng bấn, sống trong cảnh đói nghèo. Chắc đại nhân cũng hiểu được tình cảnh bi thảm của gia đình đó! Trong tay có một vật vô giá nhưng đâu có thể đem ra mà bán. Và có bán được thì ai dám mua để mang vạ vào thân. Vụ mua bán sẽ đến tai các nhà chức trách và sau đó là bao tai hoạ tiếp theo. Ngoài việc người trong gia đình họ đã gây ra bốn cái chết của bốn người hầu cận Hoàng hậu, họ còn mang trọng tội với nhà vua vì đã tàng trữ viên ngọc, coi như tội ăn cắp của cải triều đình, một tội nặng phải chịu hình phạt tru di tam tộc! Còn đem vứt viên ngọc xuống giếng, xuống sông, thì họ không dám. Rồi người chồng đã chết khi bà này còn trẻ. Dù phải vất vả khố cực bằng việc đi giặt thuê, bà ta không dám lộ cho ai biết chuyện viên ngọc. Khi toàn bộ người trong gia quyến bà ta đã qua đời, và bà ta cũng cảm thấy mình sắp chết, bà ta mới kế lại chuyện và trao viên ngọc cho Đồng Mai để tạ ơn.
Ông Khấu ngừng lời, chăm chú nhìn Địch công. Địch công không bình phẩm lời nào. Câu chuyện có thể đúng như vậy, làm cho bao bộ óc tài trí của triều đình phải bó tay. Rất có thể chuyện đó là sự thật. Cũng còn có thể là một mưu mô tinh quái gì đấy! Địch công suy nghĩ hồi lâu, rồi hỏi:
Tại sao Đồng Mai không giao viên ngọc cho triều đình? Rất dễ dàng để xác minh bà cụ thợ giặt có bà là người hầu trong cung cấm, và Đồng có thể nhận được một số tiền thưởng lớn, hơn nhiều lần một trăm lượng vàng.
Đồng là một nho sinh lêu lổng, thưa đại nhân! Anh ta sợ nhà chức trách không tin vào câu chuyện và sẽ tra khảo anh ta. Anh ta khôn ngoan chỉ cần mười thoi vàng mà không bị mắc mớ, đồng thời cũng dành cho tôi vinh hạnh trao lại cho triều đình một vật báu đã biến mất từ lâu.
Địch công nghi ngờ lời lẽ của ông Khấu, nhất là câu cuối. Sự ham muốn của một nhà sưu tầm với một vật quý thường cướp đi sự chân thật của người đó. Và cũng sẽ không có gì là ngạc nhiên, khi ông Khấu đã có trong tay viên ngọc đó, ông ta sẽ giữ nó đến cuối đời. Địch công lạnh lùng nói:
Ông cho thế là một sự sắp xếp khôn ngoan à? Việc không thông báo cho nhà chức trách một tin tối ư quan trọng về một vật quý của triều đình là phạm trọng tội. Đáng lý ông phải báo cho ta các nguồn tin của bà Diên Hương. Cũng tại ông mà viên ngọc quý đó lại một lần nữa biến mất. Ta mong rằng nó chỉ là tạm thời thôi. Ta sẽ tìm mọi cách để tìm ra nó và tên sát nhân. Có thể ta sẽ khám phá ra nó chỉ là một viên ngọc giả để lừa bịp. Nếu thế thì là may cho ông đấy!
Đứng ngay dậy, Địch công không để ông Khấu phân trần, và nói:
Câu hỏi cuối cùng: Đồng Mai có cho ông biết việc hắn sửa sang một phần ngôi nhà bỏ hoang không? Chắc hắn làm dùng chứa các đồ cổ để đem đi bán?
Anh ta không nói gì với tôi về chuyện đó, thưa đại nhân. Ngay cả vợ tôi cũng không được biết.
Thôi đủ rồi!
Địch công bước ra cửa và đứng sững lại trước một phụ nữ đứng ở lối đi. Ông Khấu vội tiến tới, đặt tay lên cánh tay người phụ nữ, nói nhẹ nhàng:
Nàng hãy quay về phòng đi, Kim Liên của ta! Nàng biết là nàng không được khoẻ đấy!
Bà ta hình như chả nghe thấy gì. Địch công đoán bà ta trạc ba mươi, rất xinh đẹp: mũi thắng dọc dừa, một chiếc miệng nhỏ xinh và nhất là những sợi lông mi dài như râu bướm. Nhưng khuôn mặt ngơ dại và cặp mắt to mờ xám như chẳng nhìn thấy gì cả, một cặp mắt không hồn. Bộ quần áo may khéo làm tôn thêm sự cân đối của thân hình. Tóc chải bóng mượt, búi tóc có gắn bông sen nhỏ làm bằng vàng dát mỏng.
Bà cả nhà tôi bị bệnh tâm thần, thưa đại nhân - Ông Khấu buồn rầu nói - Sau một cơn sốt nóng cách đây vài năm, bà ta lâm vào tình trạng này. Phần lớn thời gian bà ta ở trong phòng có người hầu chăm sóc, vì sợ đi ra ngoài sẽ gặp tai nạn. Việc Diên Hương làm đảo lộn tất cả, người hầu không chú ý đến bà ấy nên bà ấy mới lang thang ra đây - Cúi sát tai vợ, ông Khấu thì thầm những lời hết sức âu yếm, nhưng bà ta cứ như là không biết ông Khấu đứng cạnh. Đôi mắt vô hồn, bà dùng những ngón tay búp măng vuốt lại tóc, một hành động máy móc.
Địch công thương cảm nhìn bà ta và nói với ông Khấu:
Hãy chăm sóc bà ấy. Tôi biết đường ra rồi!