Việc Máu

Chương 9

Vào mùa hè năm 1993 người ta phát hiện xác một người đàn bà tại một vỉa sa thạch lớn trồi lên gọi là Vasquez Rocks ở Thung lũng Linh dương phía Bắc hạt Los Angeles. Cái xác nằm đó đã mấy ngày. Xác đã phân hủy nên không xác định được nạn nhân có bị tấn công tình dục hay không, nhưng người ta giả định là có. Xác có mặc quần áo, nhưng quần bị mặc trái còn áo blouse thì cài lộn khuy, dấu hiệu cho thấy rõ người đàn bà đã không tự mặc quần áo hoặc chỉ mặc do bị cưỡng ép thô bạo. Nguyên nhân tử vong là bóp cổ bằng tay, biện pháp giết người thường gặp trong hầu hết các vụ giết người kèm theo xâm phạm tình dục.

Thám tử Jaye Winston dưới quyền Cảnh sát trưởng đảm nhiệm vụ án Vasquez Rocks với tư cách điều tra viên trưởng. Khi vụ án không được phá nhanh bằng một vụ bắt giữ, Winston lâm vào thế khó. Vốn là người nhiều tham vọng nhưng không mang nặng một cái tôi quá quắt, chị bèn liên lạc với FBI nhờ giúp đỡ, ấy là một trong những động thái đầu tiên của chị. Yêu cầu của chị được chuyển tới ban chuyên án giết người hàng loạt, và cuối cùng chị soạn một bản câu hỏi nhờ điều tra vụ án rồi gửi cho Chương trình Bắt Tội phạm Bạo lực (CBTB).

Bản câu hỏi gửi cho CBTB đã là phương tiện để McCaleb làm quen lần đầu với Winston. Hồ sơ vụ án mà chị gửi đến Quantico được chuyển tiếp sang phòng lưu trữ của McCaleb ở Phòng tác chiến Los Angeles. Theo đúng kiểu quan liêu thường thấy, bộ hồ sơ phải chu du qua cả nước để rồi bị gửi ngược lại gần như về điểm xuất phát chừng đó nó mới được tiếp nhận và xúc tiến.

Thông qua máy tính chứa cơ sở dữ liệu của CBTB - nó tiến hành so sánh một bản tóm lược gồm tám mươi câu hỏi về một vụ án nào đấy với các vụ lưu trong file - và nghiên cứu hiện trường vụ án cũng như ảnh chụp pháp y, McCaleb so sánh vụ Vasquez Rocks với một vụ giết người trước đó một năm ở khu vực Đèo Sepulveda của Los Angeles. Cũng một phương pháp giết người tương tự, vứt xác có mặc quần áo trên một bờ đê, các chi tiết và sắc thái nhỏ nhặt khác, tất cả đều khớp. McCaleb tin rằng họ lại có thêm một tên giết người hàng loạt đang thủ ác trong vùng lòng chảo Los Angeles. Ở cả hai vụ, mãi hai ba ngày sau khi người ta xác định rằng người đàn bà mất tích thì cô ta mới chết. Thế nghĩa là kẻ giết người đã bắt cóc cô ta và giữ cô ta sống trong suốt thời gian đó, có lẽ là để dùng cô ta phục vụ cho những cuồng tưởng tính dục rùng rợn của hắn.

Nối kết hai vụ lại với nhau chỉ là một bước. Nhận diện và tóm kẻ giết người hiển nhiên là những bước tiếp theo. Thế nhưng, không có gì để đi tiếp cả. McCaleb tò mò muốn biết khoảng cách thời gian giữa hai vụ giết người. Nghi phạm Chưa biết, như hồ sơ chính thức của FBI thường gọi kẻ giết người, đã không gây hại gì trong vòng mười một tháng, cho đến khi nỗi thôi thúc lại xâm chiếm hắn và hắn hành động theo cuồng tưởng của mình bằng cách bắt cóc người đàn bà thứ hai. Với McCaleb, điều này có nghĩa là, sự việc đó hằn sâu trong tâm trí kẻ giết người một cách mạnh mẽ đến nỗi cuộc sống cuồng tưởng của hắn về cơ bản có thể tồn tại mà không phải lặp lại nó, hoặc hắn chỉ cần nạp thứ ấy một lần là đủ trong gần một năm. Chương trình lập chân dung kẻ giết người hàng loạt của Cục cho thấy khoảng cách giữa hai vụ sẽ ngày càng ngắn đi và tên giết người rồi sẽ phải tìm con mồi mới sớm hơn.

McCaleb lập một chân dung hung thủ cho Winston nhưng cũng chẳng giúp gì được mấy và cả hai đều biết thế. Nam giới da trắng, hai mươi đến ba mươi tuổi, công việc thấp kém, cuộc sống hạ tiện, Nghi phạm Chưa biết cũng có tiền sử phạm tội liên quan đến tình dục hoặc hành vi quấy rối. Nếu tiền sử này bao gồm cả từng bị tống giam trong thời gian dài, hẳn nó có thể làm chệch độ tuổi phỏng đoán của nghi phạm.

Chuyện đó chẳng có gì mới. Các chân dung CBTB thường cực kỳ chính xác nhưng thật hiếm khi dẫn tới bắt được một nghi phạm. Chân dung gửi cho Winston có thể khớp với hàng trăm, có khi hàng ngàn người trong khu vực Los Angeles. Thế nên sau khi đã rà soát tất cả các manh mối điều tra rồi thì chẳng còn gì để làm ngoài đợi.

McCaleb ghi chú về vụ này trong lịch của mình rồi chuyển sang những vụ khác.

Vào tháng Ba năm tiếp theo - tám tháng sau vụ thứ hai - McCaleb bắt gặp lại mẩu ghi chú đó, đọc lại hồ sơ rồi gọi cho Winston. Không có gì thay đổi cho lắm. Vẫn chẳng thêm manh mối hay nghi phạm nào. McCaleb thúc giục điều tra viên của Cảnh sát trưởng bắt tay khảo sát hiện trường thủ tiêu hai cái xác và mộ hai nạn nhân. Ông giải thích rằng tên giết người đang ở vào đoạn cuối chu kỳ của hắn. Các cuồng tưởng của hắn sắp sửa khô cạn. Nỗi thôi thúc tái tạo lại cho tươi mới cảm giác quyền lực và làm chủ một con người khác, rồi nó sẽ lớn dậy và càng lúc càng khó kiểm soát. Việc Nghi phạm Chưa biết hình như đã mặc áo quần cho mấy cái xác sau khi thủ ác trong hai vụ giết người đầu tiên là dấu hiệu cho thấy rõ cuộc đấu tranh dữ dội diễn ra trong óc hắn. Một phần của hắn xấu hổ vì việc hắn đã làm - một cách vô thức, hắn tìm cách che đậy nó bằng cách trả quần áo của từng nạn nhân về chỗ cũ. Điều này gọi ý rằng sau chu kỳ tám tháng, tên giết người rồi sẽ rơi vào một cơn bấn loạn tâm lý khủng khiếp. Nỗi thôi thúc hành động theo cuồng tưởng một lần nữa, và nỗi xấu hổ mà hành động đó sẽ mang lại, đó là hai mặt của cuộc đấu tranh giành quyền làm chủ. Một cách để tạm thời đè nén thôi thúc giết người là trở lại thăm hiện trường các tội ác trước đó của hắn, nhằm nạp thêm sinh lực mới cho cơn cuồng tưởng. Trực giác của McCaleb là tên giết người sẽ quay lại những nơi vứt xác hoặc thăm các phần mộ. Việc này sẽ đưa hắn đến gần các nạn nhân của hắn hơn và giúp hắn kiềm chế cái nhu cầu lại giết người.

Winston miễn cưỡng chủ trì một chiến dịch khảo sát nhiều điểm trên cơ sở linh cảm của một nhân viên FBI. Nhưng McCaleb đã được phê chuẩn để bản thân ông cùng hai đặc vụ khác tiến hành giám sát liên tục. Ông cũng khích dậy tính chuyên nghiệp của Winston, ông bảo chị rằng nếu không làm vậy, chị sẽ luôn phải tự hỏi nếu như mình giám sát liên tục thì liệu có thu được thành công hay không, nhất là nếu Nghi phạm Chưa biết lại gây án nữa. Lương tâm cứ bị giày vò như thế, Winston đến gặp trung úy chỉ huy mình và các đối tác trong cảnh sát Los Angeles, thế là một đội giám sát được tập hợp từ cả ba cơ quan.

Trong khi hoạch định cuộc điều tra, Winston biết được rằng chỉ do ngẫu nhiên, cả hai nạn nhân đều được chôn cất tại cùng nghĩa trang Glendale, cách nhau chừng trăm mét. Nghe vậy, McCaleb liền tiên đoán rằng nếu Nghi phạm Chưa biết sắp xuất đầu lộ diện thì ắt là sẽ trong nghĩa trang.

Ông đoán đúng. Vào đêm giám sát thứ năm, McCaleb, Winston và hai thám tử khác đang nấp sau một lăng mộ nơi có thể nhìn rõ cả hai ngôi mộ kia thì họ thấy một người đàn ông lái xe tải nhỏ vào nghĩa trang, ra khỏi xe rồi trèo lên chỗ cổng mộ bị khóa, cắp theo cái gì đó dưới nách, hắn tiến về phía mộ nạn nhân thứ nhất, đứng bất động trước mộ trong khoảng mười phút rồi lại bước về phía mộ nạn nhân thứ hai. Hành vi của hắn cho thấy hắn đã biết trước vị trí các ngôi mộ. Ở mộ thứ hai, hắn tháo vật cắp dưới nách, thì ra đó là một cái túi ngủ, hắn trải túi lên trên mộ, ngồi xuống đó rồi tựa lưng vào bia đá. Các thám tử không quấy rầy gã đàn ông. Họ đang bận ghi lại chuyến thăm mộ của hắn bằng máy quay video nhìn được ban đêm. Chẳng mấy chốc hắn vạch quần ra và bắt đầu thủ dâm.

Trước khi trở lại xe, gã đàn ông đã được nhận diện qua bảng đăng ký số xe là Luther Hatch, một người làm vườn ba mươi tám tuổi quê ở Bắc Hollywood, ra tù cách đó bốn năm sau khi ngồi khám chín năm tại ngục Folsom vì tội hiếp dâm.

Nghi phạm không còn là kẻ chưa biết nữa. Hatch trở thành nghi phạm thực tế. Khi trừ bớt khỏi tuổi hắn mấy năm ngồi tù thì hắn hoàn toàn khớp với bản chân dung do CBTB đã lập. Hắn bị theo dõi ngày đêm trong ba tuần liền, kể cả suốt hai lần viếng nghĩa trang Glendale nữa - cho đến một đêm kia các thám tử vào cuộc đúng lúc hắn toan buộc một phụ nữ trẻ rời khỏi Sherman Oaks Galleria để vào xe hắn. Trong xe, các sĩ quan bắt giữ hắn tìm thấy băng dính và dải vải cắt thành từng đoạn dài hơn một mét. Sau khi nhận lệnh khám nhà, các điều tra viên tháo tan tành phần bên trong xe cũng như căn hộ của Hatch. Họ phát hiện được tóc, vải và dịch khô, những thứ này, sau khi người ta tiến hành phân tích DNA và các xét nghiệm khoa học khác thì đều được chứng minh là thuộc về hai nạn nhân bị giết. Hatch nhanh chóng được báo chí địa phương đặt biệt danh “Người trong nghĩa trang” và giành một chỗ trong lâu đài danh dự dành cho những tên giết người hàng loạt làm mê hoặc đám đông công chúng.

Năng lực chuyên môn và trực giác của McCaleb đã giúp Winston phá vụ đó. Ấy là một trong các thành tích người ta vẫn còn nhắc tới ở Los Angeles và Quantico. Vào đêm người ta bắt Hatch, nhóm giám sát đi ăn mừng. Trong một quãng tạm lắng giữa cơn ầm ĩ, Jaye Winston quay sang McCaleb nơi quầy bar mà nói: “Tôi nợ anh một. Tất cả chúng tôi.”

Buddy Lockridge đã đóng bộ xong để làm tài xế cho Terry như thể anh ta sắp đi dự hộp đêm ở Sunset Strip. Từ đầu tới chân anh ta vận toàn đen. Anh lại còn xách cặp da đen bóng. Đứng trên bến tàu cạnh chiếc Xuống Đáy Hai Lần, McCaleb nhìn chằm chặp cái lề bộ đó một hồi, chẳng nói gì.

“Chuyện gì vậy?”

“Chả có gì. Đi thôi.”

“Thế này ổn chứ?”

“Thì ổn, nhưng tôi không nghĩ là anh diện bảnh thế kia để chỉ ngồi trong xe suốt ngày. Liệu anh có sẽ thấy thoải mái không?”

“Có chứ.”

“Vậy thì đi.”

Xe của Lockridge là một chiếc Ford Taurus màu bạc đã bảy năm tuổi được bảo trì tốt. Trên đường tới Whittier, anh ta thử đến ba lần để dò la xem McCaleb đang điều tra cái gì nhưng lần nào câu hỏi cũng không được trả lời. Cuối cùng, McCaleb cũng đánh lạc hướng được sự tra vấn kia bằng cách khơi lại cuộc tranh luận tự hồi nào giữa họ về chuyện thuyền buồm trội hơn thuyền máy ở những chỗ nào. Họ đến chỗ Trung tâm Sao của Sở Cảnh sát trưởng trong vòng hơn một giờ một chút. Lockridge đánh xe vào một ô đỗ trong bãi xe khách rồi tắt máy.

“Tôi không biết sẽ ở đây bao lâu,” McCaleb nói. “Mong là anh có mang theo gì đó để đọc hoặc là cầm theo một trong mấy cây harmonica của anh.”

“Anh chắc là không cần tôi đi cùng chứ?”

“Này, Bud, chắc là anh vẫn cứ đang lầm đấy. Tôi tìm không phải là tìm cộng sự. Tôi chỉ cần ai đó lái xe cho tôi thôi. Hôm qua tôi đã phải trả hơn trăm đô đi taxi. Tôi cho rằng tiền ấy hẳn là anh có thể dùng, nhưng nếu anh cứ hỏi tôi hết chuyện này chuyện nọ rồi lại...”

“Được rồi, được rồi,” Lockridge cắt ngang. Anh ta giơ hai tay lên đầu hàng. “Tôi chỉ ngồi đây đọc sách thôi. Chẳng hỏi han gì nữa.”

“Tốt. Gặp anh sau.”

McCaleb bước vào văn phòng ban chuyên án giết người vừa đúng giờ đã hẹn và Jaye Winston đang quanh quẩn đợi ông ở khu quầy tiếp tân. Chị là một phụ nữ hấp dẫn trẻ hơn McCaleb vài tuổi. Chị có mái tóc vàng óng suôn thẳng, dài vừa phải. Thân hình chị thon thả, mặc bộ váy liền áo màu xanh dương, phía trong là áo blouse trắng. Gần năm năm rồi McCaleb không gặp lại chị, từ cái đêm họ ăn mừng vụ bắt được Luther Hatch. Họ bắt tay nhau, rồi Winston dẫn McCaleb đến một phòng họp có cái bàn hình bầu dục bao quanh là sáu ghế. Có một bàn nhỏ hơn kê sát vào một bức tường, trên bàn có một máy pha cà phê bình kép. Phòng không có ai. Một đống dày tài liệu và bốn cuộn băng video nằm trên bàn.

“Anh uống cà phê không?” Winston hỏi.

“Không, không cần đâu.”

“Thế thì bắt đầu đi. Tôi có đúng hai mươi phút.”

Họ kéo ghế ngồi hai bên bàn đối diện nhau. Winston chỉ vào đống giấy tờ và băng video.

“Của anh cả đấy. Tôi đã sao lại tất sau khi anh gọi sáng nay.”

“Chà-à, chị đùa đấy à? Cám ơn nhé.”

McCaleb dùng cả hai tay kéo cả đống về phía ngực mình như một người vét hết mớ tiền cuộc nơi bàn chơi poker.

“Tôi có gọi Arrango bên Los Angeles,” Winston nói. “Anh ta bảo tôi chớ làm việc với anh, nhưng tôi bảo anh ta rằng anh là thám tử giỏi nhất tôi từng cộng tác và tôi có nợ anh. Anh ta cáu lắm nhưng rồi sẽ hết thôi.”

“Trong này có cả hồ sơ bên Los Angeles chứ?”

“Có, bọn tôi có bản sao hồ sơ của nhau mà. Đã hai ba tuần nay tôi không nhận được gì của Arrango, nhưng chắc là bởi không có gì mới hết. Chắc đều toàn thông tin cập nhật mới nhất cả. Vấn đề là lắm giấy tờ với băng video như thế mà rốt cuộc tới giờ cũng chưa lần ra gì sất.”

McCaleb tách đống hồ sơ ra làm hai rồi bắt đầu xem qua từng thứ. Bắt đầu thấy rõ rằng khoảng hai phần ba hồ sơ là do các điều tra viên của Cảnh sát trưởng lập, còn lại là của cảnh sát Los Angeles. Ông ra hiệu về phía mấy cuốn băng.

“Gì đây?”

“Anh có cả hai hiện trường vụ án và hai vụ bắn người. Arrango bảo tôi anh ta đã cho anh xem vụ cướp ở cửa hàng bách hóa.”

“Ừ.”

“Rồi, ở chỗ chúng tôi còn ít hơn thế nữa kia. Hung thủ lọt vào khung hình trong vòng có mấy giây. Vừa đủ để chúng ta thấy hắn đeo mặt nạ. Nhưng dù gì thì, đấy, nếu muốn anh cứ xem.”

“Trong mấy vụ bên chị, gã đó lấy tiền từ máy hay từ tay nạn nhân?”

“Từ máy, nhưng sao?”

“Có thể tôi cần chi tiết đó để nhờ bên Cục giúp nếu cần. Về mặt kỹ thuật, thế nghĩa là tiền bị cướp khỏi ngân hàng chứ không phải khỏi tay nạn nhân. Vậy là tội phạm ở cấp liên bang.”

Winston gật đầu tỏ ý hiểu.

“Thế về chuyện đạn đạo thì bên chị thấy giữa các vụ có mối liên hệ nào?” McCaleb hỏi, vẫn nhớ rằng thời gian của chị có hạn mà ông thì muốn có thông tin từ chị càng nhiều càng tốt.

Chị gật đầu.

“Tôi đang điều tra dở vụ này thì sau đó mấy tuần tôi đọc báo thấy có bài về vụ kia. Nghe ra đều cùng một kiểu. Tôi liền gọi bên Los Angeles và hai bên gặp nhau. Khi xem mấy cuốn băng anh sẽ thấy Terry ạ. Không nghi ngờ gì nữa. Cũng một động cơ đó, một khẩu súng đó, cũng một gã đó. Đạn đạo chỉ nhấn mạnh thêm những gì ta đã biết.”

McCaleb gật.

“Tôi tự hỏi tại sao gã đó lại nhặt vỏ đạn nếu như hắn biết manh mối sẽ là ở đó. Hắn dùng đạn gì?”

“Đạn đầu cứng chín ly. Hãng Federal. Có vỏ bọc bằng kim loại. Nhặt vỏ đạn là một thói quen tốt. Trong vụ của tôi, phát súng xuyên từ bên này sang bên kia, chúng tôi phải đào tường bê tông để moi viên đạn ra. Chắc là hắn đoán - cũng có thể hắn hy vọng - rằng viên đạn vỡ nát quá rồi nên không thể dùng để so sánh đạn đạo được nữa. Cho nên, giống như một xạ thủ con nít mẫu mực, hắn mới nhặt vỏ đạn.”

McCaleb gật, lưu ý nét khinh thị đối với con mồi của mình trong giọng của chị.

“Dù sao thì cái đó cũng không thực sự quan trọng,” chị nói. “Như tôi vừa bảo, xem mấy cuốn băng đi. Ở đây chúng ta đang phải xử trí với một thằng độc nhất. Chẳng cần phân tích đạn đạo cũng biết.”

“Bên chị hay bên cảnh sát Los Angeles có đi xa hơn chút nào so với thế này không?”

“Ý anh muốn nói gì, bên ban Súng và Đạn đạo hả?”

“Ừ. Ai có bằng chứng?”

“Chúng tôi có. Số vụ bên Los Angeles hơi nặng hơn bên đây. Chúng tôi đồng ý giữ toàn bộ chứng cứ, bởi vụ bên chúng tôi là vụ đầu tiên. Tôi đã bảo bên Súng và Đạn đạo làm đúng thủ tục, anh biết đó, tìm những nét tương đồng, vân vân, nhưng họ chịu. Xem ra chỉ có hai vụ này thôi. Tạm thời thì vậy.”

McCaleb ngẫm nghĩ xem có nên kể cho chị nghe về cái máy tính DRUG-FIRE của Cục không, nhưng rồi quyết định rằng chưa phải lúc. Ông nên đợi cho đến khi đã xem các cuốn băng và hồ sơ vụ án, rồi thì mới có thể đề nghị chị nên làm gì.

Ông nhận thấy Winston xem đồng hồ.

“Chị đang làm vụ này một mình thôi à?” ông hỏi.

“Giờ thì một mình. Trước thì tôi lãnh đạo, Dan Sistrunk làm cộng sự. Anh biết anh ta chứ?”

“Ừ, có phải là một trong số những người trực mộ đêm đó không?”

“Đúng đấy, vụ giám sát Hatch. Anh ta có đấy. Dù sao thì, hai chúng tôi đã cùng làm vụ này, rồi thì những chuyện khác xảy ra. Các vụ khác. Nay chỉ toàn là tôi thôi. Tôi may mắn gớm.”

McCaleb vừa gật vừa mỉm cười. Ông hiểu chuyện diễn ra thế nào. Nếu một vụ không được nhóm điều tra phá sớm thì rồi sẽ có một người phải kẹt cứng vào nó.

“Liệu cho tôi mấy thứ này rồi thì chị có bị xạc một mẻ không?”

“Không. Đội trưởng biết anh đã làm gì cho chúng tôi trong vụ Lisa Mondrian mà.”

Lisa Mondrian là người đàn bà được phát hiện ở Vasquez Rocks. McCaleb nghĩ Winston nhắc đến cô ta bằng họ tên thì thật không bình thường. Không bình thường là bởi hầu hết cớm mà ông biết đều cố gắng tránh nhắc tên nạn nhân, làm như các nạn nhân không phải là những cá nhân. Làm thế thì họ dễ sống hơn.

“Đội trưởng hiện giờ hồi đó là trung úy,” Winston nói. “Ông ấy biết tôi nợ anh. Chúng tôi có nói chuyện, ông ấy bảo cứ cho anh hết các thứ đi. Tôi chỉ muốn chúng tôi có thể đền đáp cho anh gì đó nhiều hơn chứ không chỉ ngần này. Tôi không biết anh sẽ làm được gì với mấy thứ này Terry ạ. Chúng tôi thì chỉ biết chờ thôi.”

Nghĩa là chờ cho hung thủ lại ra tay và hy vọng lần này hắn phạm sai lầm. Thật không may, thường thì phải có thêm máu tươi đổ ra mới mong phá được những vụ giết người cũ.

“Thôi được, tôi sẽ xem làm được gì với nó đây. Ít nhất nó cũng là thứ gì đó khiến cho tôi bận rộn. Còn lúc nãy chị nói gì trên điện thoại về luật ba vụ gì gì đó nhỉ?”

Winston chau mày.

“Chúng tôi ngày càng có nhiều những thứ như vậy. Từ khi người ta đưa vào thực thi luật ba vụ trọng án ở Sacramento. Tôi không biết từ khi ra khỏi ngành liệu anh có theo dõi không. Luật nói rằng nếu anh phạm ba vụ trọng án là thôi, xong. Tự động vào tù, không cam kết tạm tha gì hết.”

“Ừ. Tôi có biết.”

“Rồi, đối với vài đứa trong lũ khốn đó, luật đó chỉ tổ làm chúng cẩn thận hơn thôi. Giờ thì chúng khử hết nhân chứng nơi chúng vừa mới cướp. Luật ba vụ được cho là sẽ làm chúng nhụt chí. Nếu anh hỏi thì tôi nói rằng nó đã khiến cho nhiều người bị giết như James Cordell và hai người ở siêu thị đó rồi.”

“Thế theo chị gã này sẽ làm gì?”

“Thì như tôi nói đấy. Anh đã xem một trong mấy cuốn băng rồi. Chả đắn chả đo gì hết. Thằng chó chết này biết hắn sẽ làm gì từ trước khi hắn tiến lại chỗ máy ATM nọ hay vào cửa hàng kia. Hắn không muốn có nhân chứng. Tôi linh cảm thế, và tôi lần theo. Rảnh là tôi xem lại hồ sơ, tìm những tên cướp có súng từng hạ sát hai mạng người hay nhiều hơn. Tôi nghĩ gã đeo mặt nạ là một trong số đó. Hắn trước đây vẫn là cướp. Giờ thì hắn vừa cướp vừa giết. Tiến hóa tự nhiên.”

“Vẫn chưa tìm được gì?”

“Bằng hồ sơ thì chưa. Nhưng hoặc tôi tìm ra hắn hoặc hắn sẽ tìm ra tôi. Hắn không phải loại đột nhiên giở giời giết người. Và xét theo chỗ hắn bắn người chỉ vì mấy trăm đô thì có thể thấy hắn cho rằng dù trong hoàn cảnh nào đi nữa hắn cũng sẽ không quay trở lại chuồng. Điều đó chắc chắn. Hắn sẽ còn làm chuyện này nữa. Tôi lấy làm lạ là vẫn chưa xảy ra, từ vụ gần nhất tới giờ đã hai tháng còn gì. Nhưng khi ra tay, có thể hắn sẽ làm hư bột hư đường một chút và ta sẽ tóm được hắn. Sớm muộn gì ta cũng sẽ tóm. Tôi bảo đảm. Nạn nhân của tôi có vợ và hai đứa con gái. Tôi sẽ tóm được cái đồ cứt đái đã làm chuyện đó.”

McCaleb gật đầu. Ông thích sự tận tụy của chị, nó được khích động bằng nỗi phẫn nộ. Thật khác một trăm tám mươi độ so với cách nhìn sự vật của Arrango. Ông bắt đầu thu nhặt hồ sơ cùng các cuốn băng rồi bảo Winston ông sẽ gọi cho chị sau khi xem xét tất cả hồ sơ. Ông nói có thể sẽ mất mấy ngày.

“Không sao,” chị nói. “Anh làm được gì đi nữa chúng tôi cũng dùng hết.”

Khi McCaleb quay lại chiếc Taurus, ông thấy Buddy Lockridge đang ngồi tựa lưng vào cửa xe bên tài xế, hai chân duỗi dài sang ghế bên kia. Anh ta đang vừa uể oải thổi một khúc blue ngẫu hứng bằng kèn harmonica vừa đọc một cuốn sách mở rộng đặt trên lòng mình. McCaleb mở cửa xe bên phía khách rồi đợi anh ta cất chân đi. Khi rốt cuộc cũng chui vào lọt, ông để ý thấy Buddy đang đọc một cuốn có nhan đề Thám tử Imanishi điều tra.

“Cũng khá nhanh đấy chứ,” Buddy nói.

“Ừ, không có gì nhiều để nói.”

Ông đặt chồng hồ sơ và băng video lên sàn xe giữa hai chân.

“Mấy thứ này là gì vậy?”

“Vài thứ tôi cần nghiên cứu thôi mà.”

Lockridge cúi xuống nhìn tờ trên cùng. Đó là một bản tường trình vụ án.

“James Cordell,” anh ta đọc to lên. “Là ai vậy?”

“Này Buddy, tôi đang bắt đầu nghĩ là...”

“Tôi biết, tôi biết.”

Anh ta hiểu ý ngầm của McCaleb, liền thẳng người dậy rồi khởi động máy. Anh ta không hỏi gì thêm về mớ tài liệu nữa.

“Giờ đi đâu đây?”

“Chỉ quay về thôi. San Pedro.”

“Tôi cứ tưởng anh sẽ cần tôi trong vài ngày, anh nói thế mà. Tôi sẽ thôi không hỏi nữa, hứa đấy.”

Có chút phản kháng trong giọng anh ta.

“Không phải vậy. Tôi vẫn cần anh. Nhưng ngay bây giờ tôi cần quay về để nghiên cứu vài cái trong đống này.”

Buddy ném cuốn sách lên bảng đồng hồ với vẻ ngán ngẩm, đút kèn harmonica vào túi bên hông cửa rồi cài số xe.