Việc Máu

Chương 10

Trong phòng khách có nhiều ánh sáng trời hơn là dưới cabin. McCaleb quyết định làm việc ở đó. Trên này ông cũng có một cái tivi và đầu video gắn vào trong tủ. Ông dọn quang bàn bếp, dùng bọt biển và khăn giấy lau sạch rồi đặt lên đó đống hồ sơ Winston đưa cho. Ông cũng lấy một tệp giấy ghi chú và bút chì vót nhọn từ trong ngăn kéo bàn vẽ hải đồ, đem sang bàn bếp.

Ông quyết định rằng cách làm hay nhất là đọc hồ sơ theo trình tự thời gian. Nghĩa là bắt đầu bằng vụ Cordell. Ông duyệt qua đống hồ sơ, tách riêng các báo cáo về vụ Gloria Torres đặt qua một bên. Chỗ còn lại, ông lại tách ra thành từng chồng nhỏ liên quan đến cuộc điều tra sơ khỏi và các chứng cứ, các cuộc thẩm vấn theo sau, những manh mối tắc tị, các báo cáo linh tinh, những tờ tóm tắt vụ việc và báo cáo tóm lược hàng tuần.

Hồi còn làm việc ở FBI, ông có thói quen dọn quang bàn làm việc rồi bày lên khắp mặt bàn tất cả tài liệu trong một tập hồ sơ vụ án được đệ trình. Hồ sơ các vụ án được gửi tới từ mọi cơ quan cảnh sát khắp miền Tây. Vài nơi gửi chồng hồ sơ dày cộp, vài nơi khác thì chỉ một xấp mỏng. Ông luôn yêu cầu cung cấp băng video quay hiện trường tội ác. Dù to dù nhỏ, các tập hồ sơ luôn nói về cùng một điều. McCaleb cùng một lúc vừa phấn khích vừa ghê tởm. Càng đọc ông càng đâm giận dữ và căm hận, trước sau đều đơn độc một mình trong căn phòng làm việc nhỏ, áo choàng treo trên móc, súng lục trong ngăn kéo. Ông có thể thôi không bận tâm đến bất cứ gì khác ngoại trừ những cái nằm trước mặt ông. Ông làm việc hiệu quả nhất những khi ngồi nơi bàn giấy. Ngoài hiện trường, giỏi lắm ông cũng chỉ thuộc loại thường thường bậc trung. Nhưng hễ đã ngồi vào bàn giấy là ông cừ hơn hầu hết thiên hạ. Và ông cảm thấy một cơn rần rần bí ẩn ở nơi sâu kín trong tâm trí mỗi khi mở một trong các tập hồ sơ đó và trực cảm về một cái ác mới lại bắt đầu trỗi dậy. Giờ đây, khi bắt đầu đọc, ông lại cảm nhận được cái rần rần đó.

James Cordell là người khá thành đạt. Có gia đình, nhà đẹp xe ngon, sức khỏe tốt, có việc làm được trả lương đủ hậu để vợ anh ta có thể dành trọn thời gian chăm sóc hai đứa con gái. Anh ta là kỹ sư làm cho một hãng tư được nhà nước giao thầu việc duy trì sự nguyên vẹn về cấu trúc của hệ thống ống dẫn đưa nước tuyết tan từ các đỉnh núi ở miền Bắc xuống bể chứa cấp nước cho vùng dân cư mở rộng xô bồ ở phía Nam bang California. Anh ta sống ở Lancaster mạn Đông Bắc hạt Los Angeles, nghĩa là cách đều mọi điểm của đường dẫn nước một giờ rưỡi chạy xe. Vào đêm ngày hai mươi hai tháng Giêng anh ta đang về nhà sau khi dành suốt một ngày khảo sát phân đoạn Lone Pine của ống dẫn nước. Hôm ấy là ngày làm việc, nên anh ta dừng ở Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Khu vực cách nhà anh ta hơn cây số rưỡi. Tiền lương của anh ta được chuyển tự động vào tài khoản nên anh ta cần tiền mặt. Nhưng anh ta bị bắn vào đầu rồi để mặc nằm chết nơi máy ATM trong khi máy chưa kịp trún tiền ra cho anh ta. Kẻ giết anh ta là kẻ đã vơ những tờ hai mươi đô mới cứng ngay khi chúng chui ra khỏi máy.

Điều đầu tiên McCaleb nhận ra trong khi đọc các báo cáo về vụ án khởi đầu là: cái người ta công bố với báo chí chỉ là một dị bản đã được gọt giũa cho bớt sốc. Những tình tiết được mô tả trong bài báo trên tờ Thời báo mà Keisha Russell đọc cho ông nghe hôm trước không trùng khớp hẳn với các sự kiện nêu trong báo cáo. Bài báo cô ta đọc nói rằng xác của Cordell được phát hiện mười lăm phút sau vụ nổ súng. Còn theo tường trình vụ án, xác Cordell được phát hiện hầu như ngay lập tức bởi một khách hàng ATM vừa mới tạt ô tô vào bãi đỗ xe của ngân hàng ngay lúc một xe khác - rất có thể là của hung thủ - đang rồ ga phóng đi. Nhân chứng này, được nhận diện là James Noone, nhanh chóng gọi cấp cứu bằng điện thoại di động gắn trên ô tô.

Do cuộc gọi được chuyển tiếp qua hệ thống tiếp sóng di động nên nhân viên trực tổng đài 911 không có được địa chỉ đọc tự động để truy ra chính xác vị trí nơi cuộc gọi được thực hiện. Cô ta phải tìm thông tin đó theo lối xưa - tức là bằng tay - và khi gọi cho một đơn vị cấp cứu, cô tìm cách chuyển tiếp hai con số trong địa chỉ mà Noone đã cho. Trong bản tường trình, Noone nói anh ta đã quan sát trong nỗi bất lực cảnh một chiếc xe cấp cứu hú còi ầm ĩ chạy qua trước mặt anh ta để rồi dừng lại ở một nơi cách đó bảy khối nhà. Anh ta đã phải gọi lại, giải thích lại mọi chuyện từ đầu cho một nhân viên trực tổng đài khác.

Xe cấp cứu được hướng dẫn quành trở lại đúng chỗ, nhưng khi họ tới nơi thì Cordell đã chết.

Trong khi đọc các báo cáo sơ khởi, McCaleb thật khó lòng phán đoán liệu việc xe cấp cứu đến muộn có đã gây ra hậu quả nào chăng. Cordell đã bị một vết thương chí tử vào đầu. Thậm chí dù xe cấp cứu đến sớm hơn mười phút đi nữa thì hẳn cũng không có gì khác cả. Đằng nào thì cũng khó có khả năng tránh được cái chết.

Dù sao thì, sự yếu kém của tổng đài 911 đúng là loại chuyện mà báo chí ưa làm rùm beng lên. Vì thế nên ai đó ở Sở Cảnh sát trưởng - chắc là cấp trên của Jaye Winston - đã quyết định giữ kín thông tin này.

Cách làm ăn kém cỏi này là một vấn đề nhỏ chẳng mấy đáng quan tâm với McCaleb. Cái làm ông chú ý là có ít nhất một nhân chứng đã chứng kiến một phần vụ việc cũng như lời mô tả về chiếc xe. Theo tường trình của Noone, khi anh ta đánh xe vào bãi đỗ của ngân hàng thì suýt nữa đã bị một cái bóng mờ màu đen chẹt phải. Anh ta tả chiếc xe từ trong lao ra đó là một chiếc Jeep Cherokee màu đen, phong cách mới hơn, nuột hơn. Anh ta chỉ thoáng thấy người lái trong khoảng chưa tới một giây, anh ta tả người đó là dân da trắng, hoặc có tóc màu bạc hoặc đội mũ màu xám bạc.

Không còn nhân chứng nào khác được kể tên trong các báo cáo sơ bộ. Trước khi chuyển sang các báo cáo bổ sung và biên bản khám nghiệm pháp y, McCaleb quyết định xem mấy cuốn băng. Ông bật tivi và đầu video lên rồi nhét vào đó đầu tiên là cuốn băng quay bằng camera giám sát nơi đặt máy ATM.

Cũng như với cuộn băng ở chỗ Siêu thị Sherman, có một dòng đếm giờ chạy ngang mép dưới màn hình. Băng được thu qua một thấu kính mắt cá khiến cho hình ảnh bị bóp méo. Người đàn ông mà McCaleb cho là James Cordell bước vào khung hình, nhét thẻ ngân hàng vào máy. Mặt anh ta ở rất gần camera, che khuất không cho thấy gì khác. Đó là một khiếm khuyết trong thiết kế kỹ thuật - trừ phi camera này có đó không phải để quay những vụ cướp mà thật ra là để tóm được bộ mặt mấy tay gian trá dùng thẻ ngân hàng ăn cắp hoặc thẻ giả.

Trong khi Cordell bấm dãy số mã PIN, anh ta do dự rồi ngoái nhìn qua vai phải, đầu anh ta dõi theo cái gì đó vừa thoáng qua sau lưng mình - chiếc Cherokee vừa tấp vào bãi đỗ xe. Cordell vừa bấm xong mấy cái nút và mặt anh lộ vẻ bồn chồn. Chẳng ai thích đi rút tiền máy ATM vào ban đêm, cho dù là một máy ở nơi sáng đèn và ít tội phạm đi chăng nữa. Máy ATM duy nhất mà McCaleb từng dùng nằm trong một siêu thị mở cửa hai mươi tư giờ một ngày, lúc nào cũng đông người nên khá an toàn và khiến tội phạm phải chùn tay. Cordell bồn chồn liếc ra sau vai trái, gật đầu với ai đó ở ngoài màn hình rồi lại quay về phía máy rút tiền. Từ sau lúc đó, không có gì nơi kẻ mà anh vừa ngoái nhìn làm cho anh cảnh giác nữa. Hung thủ lúc đó hẳn chưa đeo mặt nạ. Mặc dù bên ngoài Cordell có vẻ bình tâm, song mắt anh dán xuống khe đựng tiền, tâm trí anh hẳn đang nhắc đi nhắc lại câu thần chú thầm lặng Nhanh lên! Nhanh lên!

Thế rồi hầu như ngay tức thì khẩu súng xộc vào trong khung hình, vươn qua vai Cordell và vừa mới gí vào thái dương bên trái của anh thì cò đã siết và James Cordell mất mạng. Luồng máu phụt che mờ thấu kính camera và Cordell tiến về phía trước, sang bên phải, hình như chúi vào bức tường cạnh máy ATM rồi thì bật ngửa ra sau, ngã xuống đất.

Thế rồi hung thủ tiến vào khung hình và vớ lấy chỗ tiền mặt vừa được đẩy qua khe. Đúng lúc ấy McCaleb ngừng hình lại. Trên màn hình là toàn bộ cảnh tên hung thủ đeo mặt nạ. Hắn cũng mặc bộ áo liền quần và mặt nạ màu thẫm như tên hung thủ trong cuốn băng vụ Gloria Torres. Như Winston đã nói, phân tích đạn đạo là không cần thiết. Đó sẽ chỉ là sự xác nhận mang tính khoa học đối với điều Winston đã biết và giờ đây McCaleb biết từ trong cật ruột. Cùng một kẻ đó. Cùng áo quần đó, cùng một phương thức hành động đó, cùng cặp mắt chết đằng sau mặt nạ đó.

Ông lại bấm nút và băng tiếp tục chạy. Hung thủ giằng mớ tiền ra khỏi máy. Trong khi làm vậy, hắn dường như nói gì đó, nhưng mặt hắn không hướng thẳng vào camera như trong vụ xả súng ở Siêu thị Sherman. Lần này như thể hắn tự nói với mình hơn là nói với máy quay.

Hung thủ nhanh chóng chuyển sang bên trái màn hình rồi dừng lại để nhặt cái gì đó không thấy rõ. Vỏ đạn. Rồi hắn lao nhanh về bên phải và biến khỏi màn hình. McCaleb chờ một thoáng. Dáng người duy nhất trong khung hình là thân thể bất động của Cordell trên vỉa hè bên cạnh cái máy. Động tĩnh duy nhất là vũng máu ngày càng loang rộng quanh đầu anh. Trong khi tìm chỗ thấp hơn, máu trượt vào một khe nứt trên vỉa hè và bắt đầu di chuyển thành một đường kẻ chỉ về phía lề đường.

Một phút trôi qua, rồi thì một người đàn ông tiến vào màn hình video, cúi xuống xác Cordell. James Noone. Anh ta hói ngang đỉnh đầu, đeo kính gọng mảnh. Anh ta sờ cổ người bị thương, rồi nhìn quanh, chắc là để xem liệu bản thân mình có an toàn không. Đoạn anh ta bật dậy bỏ đi, chắc là để gọi điện bằng máy di động. Nửa phút nữa trôi qua, Noone mới quay lại khung hình chờ người ta tới cứu. Trong khi thời gian trôi, Noone cứ xoay đầu hết đằng trước lại đằng sau, rõ là anh sợ rằng nếu không phải chính hung thủ ngồi trong chiếc xe mà anh đã thấy rồ ga phóng đi thì có thể hắn vẫn đang lảng vảng quanh đây. Cuối cùng, anh chú ý về hướng con phố. Miệng anh há ra trong một tiếng thét câm lặng và anh giơ tay lên khỏi đầu mà vẫy, chắc là lúc đó anh thấy chiếc xe cấp cứu chạy ngang qua không dừng lại. Rồi anh lại bật dậy và rời khỏi màn hình.

Một thoáng sau màn hình nhảy dựng lên. McCaleb xem giờ thì thấy đã bảy phút trôi qua. Hai nhân viên cấp cứu nhanh chóng tiến vào khu vực quanh Cordell. Họ xem mạch và phản ứng của con ngươi. Họ rạch áo sơ mi ra, rồi một trong những người cấp cứu nghe ngực bằng ống nghe. Một người khác nhanh chóng đẩy băng ca có bánh xe đến. Nhưng một trong hai người có mặt đầu tiên nhìn anh ta mà lắc đầu. Cordell đã chết.

Một lát sau màn hình chuyển trắng.

Sau khi tần ngần một thoáng, hầu như với niềm kính trọng, McCaleb nhét cuốn băng thứ hai quay hiện trường vụ án vào đầu video. Đây rõ là băng quay bằng video cầm tay. Khởi đầu là một số cảnh quay khung cảnh ngân hàng và con phố. Trong bãi đỗ xe có hai chiếc ô tô: một chiếc Chevy Suburban màu trắng lấm bụi và một chiếc nhỏ hơn thấp thoáng ở phía bên kia. McCaleb đồ rằng chiếc Suburban là của Cordell. Chiếc xe to kềnh, thô kệch, đầy bụi bặm vì phải chạy trên những con đường băng qua núi non sa mạc dọc theo ống dẫn nước. Còn xe kia, ông cho là của nhân chứng, James Noone.

Thế rồi băng chuyển sang chiếc máy ATM và lia xuống vỉa hè nhuộm máu đằng trước máy. Xác Cordell nằm thẳng cẳng ngay chỗ các nhân viên cấp cứu tìm thấy rồi bỏ lại đó. Xác chưa được che phủ, áo sơ mi của người chết phanh ra, khuôn ngực tai tái bày lồ lộ.

Trong vài phút sau đó cuốn video lia nhanh qua vài giai đoạn của công tác hiện trường tội ác. Đầu tiên một chuyên gia tội phạm đo đạc và chụp ảnh hiện trường, sau đó điều tra viên chuyên án giết người chăm lo cho xác chết, gói vào túi nhựa rồi chở đi bằng băng ca có bánh xe. Cuối cùng, chuyên viên tội phạm cùng một chuyên viên dấu tay tiến vào khảo sát hiện trường tỉ mỉ hơn để tìm bằng chứng và dấu tay. Có một đoạn băng cho thấy chuyên gia tội phạm dùng một cái que nhỏ bằng kim loại để khều đầu đạn ra khỏi bức tường bên cạnh máy ATM.

Cuối cùng, có một đoạn phụ thêm mà McCaleb không chờ đợi. Người quay phim ghi nhận lời tường thuật đầu tiên của James Noone về những gì anh ta thấy. Nhân chứng đã được người ta đưa đến bên mép khuôn viên ngân hàng, giờ đang đứng cạnh máy điện thoại công cộng mà nói chuyện với một cảnh sát mặc đồng phục trong khi người quay phim thơ thẩn lại gần. Noone là một người trạc ba lăm tuổi. So với viên cảnh sát, anh ta có vẻ thấp nhỏ, rắn rỏi. Giờ thì anh ta đội mũ bóng chày. Anh đang khích động, vẫn đang bị thẩm vấn về những gì anh đã chứng kiến và rõ là thất vọng vì nỗi do tổng đài làm ăn lôm côm nên xe cấp cứu tới quá muộn. Camera bắt đầu chạy ở nửa chừng câu chuyện.

“Tôi chỉ muốn nói rằng lẽ ra anh ta có cơ hội sống sót.”

“Vâng, thưa ông, tôi hiểu. Tôi tin chắc đó sẽ là một trong những điều người ta sẽ xem xét.”

“Tôi muốn nói là theo tôi ai đó ắt sẽ phải điều tra xem làm sao lại có thể... trong khi thật ra là chúng ta, thì đấy, cách bệnh viện vỏn vẹn chưa tới một cây số.”

“Điều đó chúng tôi biết, ông Noone ạ,” viên cảnh sát kiên nhẫn nói. “Giờ liệu chúng ta có thể nói tiếp một chút không. Xin ông cho biết ông có nhìn thấy gì không trước khi phát hiện cái xác? Cái gì đó bất thường.”

“Có, tôi thấy gã đó. Ít nhất là tôi nghĩ mình thấy.”

“Là gã nào?”

“Tên cướp. Tôi thấy cái xe chuồn đi.”

“Ông tả cái xe ấy được không, thưa ông?”

“Được chứ, Cherokee màu đen. Đời mới. Không phải kiểu mấy chiếc trông cứ như hộp đựng giày đâu.”

Viên cảnh sát có vẻ hơi bối rối nhưng McCaleb hiểu rằng Noone đang tả một chiếc thuộc model Grand Cherokee. Chính ông cũng có một chiếc.

“Tôi đang đánh xe vào thì nó phóng như điên ra khỏi đây, suýt nữa va phải tôi.” Noone nói. “Đúng là thằng chó đẻ. Tôi bóp còi inh ỏi vào nó, rồi thì tôi đánh xe vào và gặp người này nằm đây. Tôi gọi bằng di động nhưng rồi người ta làm ăn như cứt ấy.”

“Vâng, thưa ông. Ông làm ơn thôi dùng thứ lời lẽ đó được không? Đoạn thẩm vấn này hôm nào đó có thể sẽ được phát ở tòa đấy.”

“Ồ. Xin lỗi.”

“Ta trở lại chuyện cái xe nhé? Ông liệu có nhìn thấy biển số đăng ký không?”

“Thậm chí tôi không nhìn nữa là.”

“Trong xe có bao nhiêu người?”

“Chắc chỉ một thôi, người lái.”

“Nam hay nữ?”

“Nam.”

“Ông mô tả người đó cho tôi nghe được không?”

“Tôi không nhìn kỹ lắm. Nói gì thì nói, tôi đâu có muốn dây vào đâu.”

“Da trắng? Da đen? Châu Á?”

“Ồ, hắn da trắng. Cái đó thì tôi khá là chắc. Nhưng tôi không thể nhận diện hắn hay gì đó kiểu thế đâu.”

“Màu tóc thì sao?”

“Tóc bạc.”

“Bạc?”

Viên cảnh sát nói với vẻ kinh ngạc. Một tên cướp già. Nghe có vẻ khác thường đối với anh ta.

“Chắc thế,” Noone nói. “Nhanh quá mà. Tôi không thể chắc được.”

“Còn mũ thì sao?”

“Ừ, có thể là một cái mũ.”

“Ý ông là sao, cái gì bạc?”

“Ừm, mũ màu bạc, tóc bạc. Tôi không chắc được.”

“OK, còn gì khác không? Hắn có đeo kính không?”

“Ơ, tôi hoặc là không nhớ hoặc là không biết. Thật ra tôi không nhìn thằng cha đó mà. Thêm nữa, cái xe ấy cửa sổ toàn kính màu sẫm. Lần duy nhất tôi có thể thực sự nhìn thấy thằng đó là qua kính chắn gió, nhưng mà chỉ thấy khoảng một giây thôi. Khi hắn đi qua sát sạt tôi ấy.”

“OK, ông Noone. Chi tiết này có ích đấy. Chúng tôi sẽ cần ông làm một tường trình chính thức, và các thám tử sẽ cần nói chuyện với ông. Liệu có bất tiện cho ông không?”

“Có, nhưng các ông sẽ làm gì? Tôi muốn giúp. Tôi đã cố giúp. Không hề gì cả.”

“Cám ơn ông. Tôi sẽ cho một cảnh sát đưa ông đến sở cảnh sát Palmdale. Các thám tử sẽ nói chuyện với ông ở đó. Họ sẽ đến gặp ông sớm được chừng nào hay chừng đó và tôi sẽ lo liệu để họ biết là ông đang chờ.”

“Thôi được. Còn xe tôi thì sao?”

“Sẽ có người đưa ông về lại đây khi mọi việc xong xuôi.”

Băng chấm dứt ở đây. McCaleb lấy băng ra rồi ngẫm nghĩ về những gì mình đã xem, đã nghe, đã đọc cho tới giờ. Việc Sở Cảnh sát trưởng không tiết lộ chi tiết chiếc Cherokee màu đen cho báo giới khá là kỳ quặc. Chuyện này hẳn ông cần phải hỏi Jaye Winston xem sao. Ông ghi chú về chuyện đó lên tờ giấy nhớ đã dùng để ghi các câu hỏi, kế đó ông bắt đầu đọc các báo cáo còn lại về vụ Cordell.

Bản liệt kê bằng chứng tìm được tại hiện trường là một tờ giấy duy nhất hầu như để trắng. Bằng chứng thu được rốt lại chỉ có cái vỏ đạn moi trong tường ra, nửa tá dấu tay lấy được từ máy ATM và ảnh chụp một vết lốp xe có lẽ là do xe của hung thủ để lại. Cuốn băng video lấy từ camera chỗ máy ATM cũng được liệt vào.

Đính kèm báo cáo là bản sao ảnh chụp dấu xe và một khung hình trích từ cuốn băng video chỗ ATM được cho ngừng lại để đặc tả khẩu súng trong tay hung thủ. Một báo cáo phụ của phòng xét nghiệm tội phạm trình bày ý kiến của chuyên viên kỹ thuật là, dấu xe đó đã nằm trên mặt đường từ ít nhất mấy ngày trước nên không có ích gì cho việc điều tra.

Báo cáo phân tích đạn đạo xác định viên đạn là loại chín ly hơi dẹt, của hãng Federal, vỏ bằng kim loại. Kẹp vào báo cáo là ảnh chụp một trang trong báo cáo Khám nghiệm pháp y vẽ sọ nạn nhân nhìn từ trên xuống. Trên bức vẽ có vạch rõ đường đạn xuyên qua não Cordell. Đạn xuyên vào đầu hơi chếch về phía trước ngay chỗ thái dương trái, rồi thì lộn tròn theo một đường thẳng ngang qua thùy não trước và ra khỏi đầu nơi vùng thái dương phải. Viên đạn lộn tròn để lại một cái rãnh rộng hai phân rưỡi. Trong khi đọc, McCaleb nhận ra rằng xe cấp cứu đến muộn có khi lại là điều tốt. Nếu như họ cứu sống được Cordell thì chắc hẳn rồi anh ta sẽ phải sống suốt đời nhờ máy móc ở một trung tâm y tế nào đó, sống đời thực vật, không hơn.

Báo cáo đạn đạo cũng bao gồm ảnh chụp khẩu súng được phóng to và làm rõ. Tuy hầu hết khẩu súng bị che khuất trong bàn tay nắm chặt đeo găng của hung thủ, song các chuyên gia về súng của Sở cảnh sát cũng nhận dạng được nó là một khẩu súng lục chín ly hiệu Heckler & Koch P7, nòng mười phân, có mạ kền.

Lai lịch khẩu súng khiến McCaleb thấy tò mò. Súng HK P7 là một thứ vũ khí khá đắt tiền, chừng hơn ngàn đô trên thị trường hợp pháp, chứ không phải loại vũ khí thường thấy trong các vụ tội phạm đường phố. Ông đoán Jaye Winston chắc hẳn đã giả định rằng chính khẩu súng này cũng đã bị cướp từ trước đó, trong một vụ cướp hoặc trộm. McCaleb đọc qua các báo cáo bổ sung còn lại thì thấy đúng là Winston đã thu thập báo cáo vụ án từ khắp cả hạt, những vụ trong đó người ta trình báo có một khẩu HK P7 có mô tả trùng hợp đã bị lấy cắp. Không có vẻ gì là chị đã đi xa hơn cho lắm với manh mối này. Đúng là có nhiều vụ trộm súng đã xảy ra song người ta không trình báo bởi vì trước hết bản thân họ lẽ ra không có quyền giữ súng. Song, cũng như Winston chắc chắn đã làm trước đó, McCaleb lướt qua danh sách các vụ trộm súng được trình báo - chỉ có năm vụ trong hai năm trở lại đây - để xem liệu có cái tên hay địa chỉ nào tỏ ra đáng chú ý không. Không có. Cả năm vụ trộm Winston thu thập được đều là những vụ đang để ngỏ, không có nghi phạm. Là ngõ cụt.

Sau danh sách các vụ trộm là một bản báo cáo chi tiết tất cả các vụ ăn cắp xe Grand Cherokee màu đen trong phạm vi hạt trong năm qua. Winston hình như đã đinh ninh rằng xe của hung thủ cũng là xe ăn cắp - nếu không thì cũng lạ, một tên cướp chỉ toàn lấy số tiền còm như vậy mà lại có chiếc xe đắt tiền đến thế. McCaleb nghĩ, quả thật là một cú nhảy dài khi cho rằng chiếc xe đó có lẽ cũng bị ăn cắp.

Có hai mươi bốn chiếc Cherokee trên danh sách, nhưng không có báo cáo nào khác cho thấy người ta tiếp tục điều tra. Có lẽ chỉ là do Winston đã đổi ý sau khi nối kết vụ bắn người của cô với vụ Torres, McCaleb nghĩ. Người Tốt bụng đã mô tả chiếc xe phóng đi khỏi hiện trường vụ án ở cửa hàng rằng đó có thể là một chiếc Cherokee. Bởi điều đó cho thấy hung thủ đã không vứt bỏ chiếc xe, nên có thể nó hoàn toàn chẳng phải là xe ăn trộm.

Kế đó là biên bản giám định pháp y và McCaleb lật nhanh các trang. Kinh nghiệm cho ông biết chín mươi phần trăm báo cáo pháp y chỉ là để theo đúng chi li trình tự điều tra, xác định những đặc trưng của các cơ quan nội tạng cùng tình trạng sức khỏe của nạn nhân vào thời điểm tử vong. Hầu như bao giờ cũng vậy, chỉ có phần tóm lược là quan trọng đối với McCaleb. Nhưng trong vụ Cordell thì ngay cả phần tóm lược của biên bản pháp y cũng chẳng mấy có ý nghĩa bởi vì đã quá rõ ràng. Tuy nhiên ông vẫn tìm phần tóm lược và vừa gật gù vừa đọc những gì mình đã biết. Tổn thương não nghiêm trọng đã khiến Cordell tử vong chỉ trong vài phút sau khi bị bắn.

Ông đặt báo cáo pháp y sang một bên. Chồng hồ sơ kế tiếp liên quan đến giả thuyết ba vụ án của Winston. Tin rằng hung thủ là một kẻ từng phạm tội và chịu án tù không được tạm tha vì một vụ phạm tội khác, Winston đã đến các văn phòng thử thách tội phạm ở Van Nuys và Lancaster, lục tìm tất cả hồ sơ về những kẻ cướp có vũ khí được tha trước khi mãn hạn tù song phải chịu thời hạn thử thách, là người da trắng và từng có hai lần phạm trọng án trong hồ sơ. Đó là những kẻ mà nếu bị bắt vì phạm tội lần nữa thì sẽ chịu án phạt vì ba lần phạm tội theo luật mới. Số này có bảy mươi mốt người, họ được phân về hai văn phòng thử thách tội phạm gần nhất về mặt địa lý so với hiện trường hai vụ nổ súng.

Winston và các nhân viên khác đã từ từ rà soát danh sách này suốt nhiều tuần sau các vụ cướp của giết người đó. Theo các báo cáo, họ đã đến gặp hầu như từng người một trong danh sách. Trong số bảy mươi mốt người, chỉ có bảy người là họ không tìm được. Điều đó cho thấy bảy người này đã vi phạm quy định về thời hạn thử thách, có lẽ đã rời khỏi khu vực hoặc vẫn ở trong khu vực nhưng là đang lẩn trốn, và rất có thể là đang phạm tội cướp, thậm chí cả giết người. Họ đã gửi thông tin về các phạm nhân đang thời hạn thử thách trong cả nước cho tất cả những ai trên mạng máy tính của cảnh sát. Trong số những người được cảnh sát đến gặp, các cuộc thẩm vấn và điều tra sơ bộ đã loại ra gần chín mươi phần trăm do có chứng cứ ngoại phạm. Tám người còn lại thì được loại thông qua những biện pháp điều tra khác, chủ yếu là bởi kích cỡ về thể chất của họ không khớp với phần thân trên của hung thủ ở trên băng video. Ngoài chuyện bảy người mất tích trong danh sách, hướng điều tra theo luật ba lần phạm tội rơi vào bế tắc. Rõ là Winston hy vọng một trong bảy kẻ đó rốt cuộc sẽ xuất đầu lộ diện và có thể bị quy là có dính líu đến vụ nổ súng.

McCaleb chuyển sang các báo cáo còn lại về vụ Cordell. Có hai lần thẩm vấn tiếp theo với James Noone ở Trung tâm Sao (Star Center). Những điều anh ta khai không hề khác nhau trong hai báo cáo đó, những gì anh ta nhớ về kẻ lái chiếc Cherokee cũng chẳng tiến triển gì hơn.

Cũng có bản vẽ phác hiện trường tội ác và bốn cuộc thẩm vấn tại hiện trường đối với những người lái xe Cherokee màu đen bị giữ lại dọc đường. Những người này bị cảnh sát giữ lại ở Lancaster và Palmdale trong vòng một giờ sau vụ nổ súng ở ATM sau khi đài phát thanh của Cảnh sát trưởng cho biết hung thủ đã dùng xe Cherokee khi phạm tội. Mỗi tài xế bị giữ lại đều được kiểm tra nhân thân bằng máy tính, sau khi được xác minh là trong sạch thì mới được cho đi. Các báo cáo này được chuyển tiếp đến Winston.

Thứ sau cùng McCaleb đọc là báo cáo tóm lược mới nhất được Winston lập. Báo cáo này ngắn gọn và đi ngay vào đề.

“Hiện không có manh mối hay nghi phạm nào mới. Tại thời điểm này điều tra viên đang chờ thông tin bổ sung khả dĩ dẫn tới xác định nhân thân của một nghi phạm.”

Winston đang lâm vào ngõ cụt. Chị đang đợi. Chị cần dòng máu mới.

McCaleb vừa gõ ngón tay lên bàn vừa ngẫm nghĩ về tất cả những gì ông vừa đọc. Ông đồng ý với những động thái mà Winston đã tiến hành, nhưng ông cố nghĩ xem chị đã bỏ sót những gì và còn có thể làm gì nữa. Ông thích giả thuyết ba lần phạm tội của chị và cùng chung nỗi thất vọng với chị vì không thể truy ra được một nghi phạm từ danh sách bảy mươi mốt người này. Việc hầu hết những người đó được chứng minh vô can nhờ có chứng cứ ngoại phạm khiến ông bứt rứt. Tại sao có lắm thằng chó dái từng phạm tội hai lần lại có thể tường trình tuyệt đối chính xác chúng đang ở đâu trong hai đêm khác nhau như vậy được? Xưa nay, hồi còn xử lý các vụ án, ông vẫn luôn luôn nghi ngờ những chứng cứ ngoại phạm. Ông biết, chỉ cần một kẻ dối trá thôi là đủ để có bằng chứng ngoại phạm rồi.

McCaleb thôi không gõ ngón tay trên bàn nữa khi nghĩ tới một chuyện. Ông rải chồng báo cáo xung quanh vụ Cordell ra khắp bàn. Ông không cần phải xem qua tất cả vì ông biết cái ông đang nghĩ tới không nằm trong chồng đó. Ông đã nhận ra rằng Winston chưa bao giờ tham chiếu chéo những giả thuyết của mình về mặt địa lý.

Ông đứng dậy rời khỏi thuyền. Buddy Lockridge đang ngồi trong buồng lái thuyền của mình mà khâu chỗ rách trên một bộ đồ ướt sũng thì McCaleb bước lại gần.

“Này, kiếm được việc làm rồi đấy à?”

“Thằng cha trên cái dãy thuyền triệu phú kia muốn tôi cạo chiếc Bertram của thằng chả. Là chiếc số sáu mươi đằng ấy. Nhưng nếu anh cần người lái thì tôi có thể làm cho thằng chả khi nào tôi muốn. Thằng chả thuộc cái ngữ mỗi tháng mới nghỉ cuối tuần một lần ấy mà.”

“Không. Tôi chỉ muốn hỏi anh có cuốn Thomas Brothers nào cho tôi mượn không. Cuốn của tôi đang nằm trong ô tô mà tôi thì không muốn phải giở tấm bạt ra đặng chui vào lấy.”

“Được chớ. Trong xế ấy.”

Lockridge thọc tay vào túi rút chùm chìa khóa ô tô ném cho McCaleb. Trên đường đi đến chỗ chiếc Taurus, McCaleb liếc qua dãy thuyền của dân triệu phú. Đấy là một xưởng chữa tàu thuyền với những bến rộng gấp đôi, dài, để có thể xử lý những du thuyền lớn thả neo ở Cabrilio Marina. Ông nhìn ra chiếc Bertram 60. Thuyền thật đẹp. Và ông biết là để có được nó, chủ nhân đã phải trả dễ đến triệu rưởi đô chỉ để dùng không quá một lần mỗi tháng.

Sau khi lấy cuốn bản đồ ra khỏi xe của Lockridge, trả chìa khóa rồi quay lại thuyền mình, McCaleb bắt tay làm việc với hồ sơ của Cordell. Đầu tiên ông xem xét các báo cáo về những vụ cướp xe Cherokee và súng lục HK P7. Ông đánh dấu từng vụ trộm được trình báo, xong thì vẽ biểu đồ vụ đó theo đúng địa chỉ lên trang thích hợp trong cuốn bản đồ. Sau đó ông chuyển sang danh sách các nghi phạm đang trong thời hạn thử thách phạm tội lần thứ ba, cũng sử dụng quy trình đó để vạch rõ vị trí nhà ở và nơi làm việc của từng người. Cuối cùng, ông vạch ra địa điểm các vụ nổ súng.

Làm ngần ấy việc mất gần một tiếng đồng hồ. Song khi đã xong, ông cảm thấy phấn chấn một cách dè dặt. Một cái tên từ trong danh sách bảy mươi mốt người nổi bật lên hẳn vì có liên hệ về mặt địa lý với vụ nã súng ở Siêu thị Sherman và vụ trộm một khẩu HK P7.

Tên người đó là Mikail Bolotov, một người Nga nhập cư ba mươi tuổi từng ngồi tù hai lần ở nhà giam California vì tội cướp có vũ khí. Bolotov sống và làm việc trong công viên Canoga. Nhà hắn ở ngoài DeSoto gần Phố Sherman, cách Siêu thị Sherman nơi Gloria Torres và Chan Ho Kang bị giết khoảng một cây số rưỡi. Chỗ làm của hắn là ở một nhà máy sản xuất đồng hồ nằm ở Winnetka chỉ cách cửa hàng tám khối nhà về phía Nam và hai khối nhà về phía Đông. Cuối cùng, và đây là điều khiến McCaleb phấn chấn, gã người Nga này cũng làm việc chỉ cách bốn khối nhà so với một căn nhà ở công viên Canoga nơi một khẩu HK P7 đã bị trộm trong một vụ đột nhập vào nhà hồi tháng Mười hai. Đọc bản báo cáo về vụ trộm, McCaleb lưu ý thấy kẻ đột nhập đã lấy một số món quà treo nơi cây Giáng sinh, trong đó có một khẩu HK P7 mới, là quà của chủ nhà tặng vợ - một món quà Giáng sinh tuyệt hảo đối với công dân Los Angeles. Tên trộm không để lại dấu tay hay chứng cứ nào.

McCaleb đọc qua toàn bộ hồ sơ về việc thử thách những người ra tù và báo cáo của điều tra viên. Bolotov có tiền sử dài về hành vi bạo lực, mặc dù không bị tình nghi gì về tội giết người, cũng không gặp rắc rối gì với luật pháp từ khi y được thả khỏi tù lần cuối cách đây ba năm. Hắn thường xuyên trình diện đúng hẹn theo quy định thử thách và nhìn bề ngoài thì có vẻ đang thành tâm cải tà quy chính.

Bolotov đã bị hai điều tra viên của cảnh sát trưởng tên là Ritenbaugh và Aguilar thẩm vấn về vụ Cordell ngay tại nơi y làm việc. Cuộc thẩm vấn diễn ra hai tuần sau vụ Cordell nhưng gần ba tuần trước hai vụ giết người ở Siêu thị Sherman. Và nữa, cuộc thẩm vấn hình như diễn ra trước khi Winston thu thập báo cáo về các vụ trộm súng HK P7. Ông đồ rằng đây chính là lý do khiến Winston đã bỏ qua tầm quan trọng của việc Bolotov ở khá gần cả hai nơi xảy ra án mạng về mặt địa lý.

Trong cuộc thẩm vấn, các câu trả lời của Bolotov hình như đủ để tránh bị nghi ngờ, người chủ thuê y làm cũng cung cấp bằng chứng ngoại phạm, ông ta trình báo rằng vào đêm Cordell bị giết, Bolotov đang làm việc theo ca từ hai giờ đến mười giờ như thường lệ. Ông ta cho các thám tử xem bản chấm công và thẻ bấm giờ phản ánh số giờ làm việc. Chừng đó là đủ cho Ritenbaugh và Aguilar. Cordell chết vào khoảng 10 giờ 10 phút. Bolotov hẳn không thể có khả năng thực tế để đi từ Công viên Canoga đến Lancaster trong vòng mười phút dù có đáp trực thăng đi nữa. Thế là Ritenbaugh và Aguilar chuyển sang cái tên kế tiếp trong danh sách các ứng viên thử thách phạm tội lần ba.

“Chó chết,” McCaleb nói to.

Ông cảm thấy phấn chấn. Bolotov là một manh mối cần phải kiểm tra lại cho dù ông sếp của hắn hay bảng chấm công có nói gì đi nữa. Gã đó là một tên cướp chuyên nghiệp có vũ khí chứ nào phải thợ làm đồng hồ. Việc hắn ở ngay gần hai địa điểm chủ chốt liên quan đến cuộc điều tra khiến ta phải xem xét lại một lần nữa. McCaleb cảm thấy ít nhất mình cũng đã làm được gì đó đặng có cái mà quay lại gặp Winston.

Ông ghi nhanh mấy dòng ghi chú lên mảnh giấy nhớ rồi đặt sang bên. Ông kiệt sức vì làm việc nãy giờ nên lúc này ông cảm thấy tiếng đập thình thình trầm đục của cơn nhức đầu đang đến. Ông nhìn đồng hồ thì thấy thời gian qua như chớp mà ông không hề hay biết. Đã hai giờ rồi. Ông biết mình nên ăn gì đó, nhưng ông không thấy thèm loại thức ăn nào cụ thể cả. Thay vì vậy ông quyết định chợp mắt một chút, thế nên ông đi xuống phòng ngủ.